Chương 27: Thiên đàng thực sự là thiên đàng mà chúng ta đã mất
Nỗi
nhớ quê nhà đối với một quá khứ được lý tưởng hoá rất phổ biến và
thường vô hại. Kỷ niệm, tuy nhiên, có thể làm cho mọi nỗ lực của ta
hướng tới tương lai bị méo mó. Khi người ta say mê kể về những điều đã
xảy ra, thì hầu như luôn luôn tương phản với những gì giờ đây đang diễn
ra và phản chiếu một tương lai ảm đạm.
Trong hồi ức của ta,
mọi thứ đều rẻ hơn, tội phạm ít hơn, con người thân thiện và đáng tin
cậy hơn, các mối quan hệ gắn bó lâu dài hơn, các nhà gần gũi nhau hơn,
trẻ em lễ phép hơn, giai điệu âm nhạc hình như cũng du dương hơn. Cha mẹ
tôi đã trải qua một cuộc khủng hoảng lớn lao. Họ đã mất sạch số tiền
ghi trong một nhà băng phá sản và phải sống qua ngày đoạn tháng trong
những năm 30 của thế kỷ 20. Tuy nhiên, ở những năm sau, thậm chí – cả
những sự việc đã kinh qua này cũng nhuốm màu lãng mạn khi họ nhớ lại
những người xóm giềng cùng chia sẻ bất hạnh với nhau và đối lập nó với
thói ích kỷ mà họ chứng kiến được xung quanh mình trong thế giới hiện
đại khi đã về già.
Mọi thứ ở thời xa xưa, không thực sự tốt
đẹp hơn như vậy. Chiến tranh và vấn nạn diệt chủng cũng phổ biến như bây
giờ. Trẻ em thường xuyên bị chết bởi những căn bệnh truyền nhiễm. Tội
ác và nghèo đói lan rộng. Con người, sau khi đã được xem xét kỹ, chưa
bao giờ có đạo đức hơn khi so sánh với bất kỳ một giai đoạn lịch sử căng
thẳng nào.
Những gì xảy ra khi chúng ta nỗ lực làm trong quá
khứ cũng giống như những gì chúng ta đang chứng kiến trong cuộc sống
hiện tại, là quá trình của những cuộc vỡ mộng liên tiếp. Chúng ta mong
mỏi sự an toàn do những ảo tưởng đẹp đẽ của tuổi trẻ mang tới. Chúng ta
nhớ lại niềm đam mê với những phút giây nín thở của tình yêu đầu tiên,
chúng ta hối hận đã gây ra các lỗi lầm rắc rối, rồi sự thoả hiệp làm tổn
thương lòng chân thành và những con đường chúng ta chưa từng tới. Những
gánh nặng chồng chất trong cuộc sống không hoàn hảo của chúng ta thường
tỏ ra khắc nghiệt hơn, khó mà chịu nổi khi thể lực và tinh thần của
chúng ta suy yếu. Những năm tháng quá khứ bừng bừng sống lại bởi hàng
loạt kỷ niệm thời trai trẻ.
Vài năm trước đây, tôi có tới dự
đám tang một đồng nghiệp. Ông là một bác sỹ giỏi, rất nhạy cảm với người
khác và được nhiều người ngưỡng mộ. Một trong số những người lên phát
biểu đã gợi lại «óc hài hước tuyệt vời» của ông. Tôi quay sang người bạn
đang ngồi cạnh và hỏi «Phải chăng John có khiếu hài hước?». Nếu quả
thực như vậy thì không hề có chứng cớ gì về điều này trong những năm tôi
biết ông ấy và tôi băn khoăn liệu cái phẩm chất đáng quý này, như chiếc
huân chương cho một chiến sỹ đã hy sinh, có thể đã được ban tặng khi
người ta giã từ cõi đời hay không.
Bất cứ khi nào tới dự đám
tang một ai đó mà tôi biết rất rõ về người này, tôi đều ngạc nhiên bởi
hình ảnh người đó đang hiện ra trong bài tụng ca. Hiếm khi sự không hoàn
hảo của nhân loại lại tồn tại, các lời mô tả đầy tính lý tưởng, với ý
định an ủi, chỉ thành công khi làm tinh khiết cuộc đời của người đã
chết. Để hiểu rõ ai đó và yêu mến họ, mặc dù hay thậm chí bởi vì sự
không hoàn hảo của họ là một hành động đòi hỏi chúng ta phải nhận thức
và tha thứ. Hai nhân tố rất quan trọng của sự trưởng thành về mặt xúc
cảm. Một sự thật quan trọng hơn là nếu ta có thể làm điều này với người
khác thì may ra, chúng ta cũng có thể thực hiện được với bản thân.
Chính
sai lầm và tính bất ổn đã làm cho chúng ta trở thành những con người.
Nhiều thử thách liên tiếp không phải để theo đuổi sự hoàn hảo trong
chính mình và người khác, mà để kiếm tìm phương cách làm cho người ta
hạnh phúc ngay cả trong thế giới không hoàn hảo. Nếu còn bám chặt lấy ảo
ảnh về một quá khứ đầy lý tưởng, ta sẽ gặp trở ngại trong sự nỗ lực này
cùng với sự bất đắc chí với hiện tại.
Kỷ niệm không phải là
bản sao chính xác những sự việc trong quá khứ như nhiều người chúng ta
vẫn nghĩ. Thực ra nó là một câu chuyện ta kể về chính quá khứ của mình,
đầy những hình ảnh méo mó, những điều mơ tưởng và những ước mơ không
thành. Bất cứ ai đã từng đi hội lớp đều có thể làm chứng cho tính chọn
lọc và phong phú của hồi ức. Làm thế nào mà người ta có thể nhớ lại các
sự kiện họ đã cùng chia xẻ với sự đa dạng đến vậy? Câu trả lời, tất
nhiên, đó là ý nghĩa của các sự kiện đối với ta sẽ ảnh hưởng tới những
gì ta nhớ, cách ta nhớ và cùng với nỗ lực của mình, chúng ta đã sáng tạo
nên một câu chuyện gắn bó chặt chẽ với cuộc đời mình, phản ánh những
điều ta suy nghĩ về chính bản thân và việc làm thế nào để trở thành
những con người như chúng ta ngày nay hay mơ ước mình được như vậy.
Tôi
thường nhận thấy người ta ngạc nhiên trước những cách nhớ lại khác nhau
về sự nuôi dưỡng mình khi họ nói chuyện với anh chị em ruột. Thậm chí
những người cùng được bố mẹ chăm lo dưới một gia đình cũng thể hiện rất
khác nhau ký ức về những gì đã xảy ra với họ. Một người sẽ nhớ tới sự
ngược đãi. trong khi người khác sẽ phủ nhận nó. Thất vọng và bực bội đôi
khi bắt nguồn từ những kỷ niệm khác nhau như vậy và điều này có nguyên
nhân bởi sự thật rằng con người nhìn mình trong hiện tại khác đi và như
vậy, họ có nhiều câu chuyện phong phú về việc họ đã trưởng thành như thế
nào.
Chúng ta miễn cưỡng phải sửa lại huyền thoại của cá
nhân mình. Những ông bố lạnh nhạt và ngược đãi, các bà mẹ hà khắc, xung
đột hôn nhân và tan vỡ, tất cả đã tạo ra vẻ bề ngoài của chúng tại đây.
Ta từng hấp thu quan điểm cho rằng số phận của mình hình thành từ những
trải nghiệm của thời thơ ấu. Đã từng có tấm biển treo trên một giảng
đường thưa thớt sinh viên trong suốt quá trình đào tạo là: «Những đứa
trẻ trưởng thành của những gia đình bình thường».
Trái lại,
tôi cũng biết lối nuôi dạy mang tính lý tưởng nghe có vẻ giống như «hãy
để mặc sự đời» đang quay trở lại. Trong những phiên bản của quá khứ, cha
mẹ luôn yêu mến và quan tâm tới nhau và tới con cái mà không một lời
giận dữ. Sự hoài nghi mang tính chuyên môn của tôi về các câu chuyện này
thường phải đương đầu với sự oán giận, như thể tôi đang định ăn cắp một
vật gì đó quý giá của họ.
Những mối liên hệ bản chất khác bị
coi là không tốt, cũng có thể được đưa ra như nguyên nhân của sự đề
phòng và thói hồ nghi, ảnh hưởng tới sự liều lĩnh của ta thêm nữa. Có lẽ
những kỷ niệm về «những gì đã qua» thường không mang tính xây dựng. Hầu
hết người ta đều có ai đó trong quá khứ để nhớ tới với niềm mong đợi và
tiếc nuối, ngược lại có những người mà họ đem ra đối lập với những mối
quan hệ sau này. Người này có thể là cha hay mẹ, người yêu đầu tiên hoặc
một người bạn mà không còn nữa. Sự hoàn hảo của họ giống như sự hoàn
hảo của bài tụng ca trong đám tang, là một chức năng của ký ức có chọn
lọc. Không còn bị đánh giá bởi một giao tiếp thường nhật. Họ tồn tại
trong hàng loạt các giấc mơ điên cuồng mà những người ta hiện có ngày
nay, giữa cuộc đời không thể cạnh tranh được.
Vấn đề về niềm
mong đợi những thiên đường trong quá khứ đã cản trở nỗ lực của chúng ta
tìm tới ý nghĩa và niềm vui chính đáng của hiện tại. Sự hoài cổ còn gửi
một thông điệp tới những người quanh ta, những người không chia xẻ quãng
đời thần tiên đó, rằng thế giới họ sống xấu hơn và tồi tệ hơn. Khi sức
mạnh của chính ta suy tàn và nhu cầu về lòng tốt và sự quan tâm của
người khác lại tăng lên, đây có lẽ là một thông điệp sai lầm giành cho
họ.
Tuổi trẻ luôn nhìn tuổi già trong sự kết hợp giữa lòng
biết ơn, sự coi thường và cả nỗi e ngại. Họ tự vấn: «Phải chăng đó là
những gì mà tôi mong đợi? Tôi sẽ trở thành bộ sưu tập của những lời phàn
nàn bất tận về sức khoẻ và những kỷ niệm vương vấn về một thời đẹp đẽ
đã qua như vậy sao? Liệu có quá khó để chấp nhận sự hữu hạn của đời
người mà không phải chịu đựng sự tuyệt vọng như là một thứ kèm theo lệ
thường của tuổi già được không? ». Tin vui là tuổi thọ con người đang
tăng lên, tin buồn là các năm thêm vào lại bị dồn vào cuối đời!
Có
ai không từng trải qua việc gặp lại cố nhân với niềm ngạc nhiên, khi
hồi ức được xem xét, so sánh với sự thật trong hiện tại? Điều này không
giống như chúng ta sẵn sàng tưởng tượng, chỉ là một phần trong cách mà
con người thay đổi theo thời gian. Khi tới thăm ngôi nhà thời thơ ấu của
mình, chúng ta ai nấy đều ngạc nhiên bởi dường như chúng bé đi rất
nhiều. Chính ta, tất nhiên là người lớn lên.
Lần đầu tiên
Russeu Baker đưa ra hồi ký về tuổi thanh niên của ông - «Trưởng thành» -
nó đã bị nhà xuất bản từ chối bởi vì không thú vị. Ông bèn nói với vợ:
«Anh sẽ đi lên gác để sáng tạo ra câu chuyện về cuộc đời mình đây». Kết
quả là sách bán rất chạy - và nó cũng không ít chân thật hơn bản gốc.
Mỗi chúng ta đều có phạm vi tương đương trong việc thể hiện câu chuyện
của mình như thế nào. Ta có quyền tô hồng hoặc bôi đen những nhân vật
tồn tại trong câu chuyện cuộc đời của chúng ta. Ta chỉ cần kinh qua cả
hai sự lựa chọn là phản ánh nhu cầu trước mắt để nhìn lại bản thân mình
và để nhận ra rằng tất cả chúng ta đều có thể tô điểm cho quá khứ cả
hạnh phúc lẫn đau thương.
Nếu thiếu mất khả năng quan sát quá
khứ rõ ràng, ta sẽ phải thừa nhận rằng việc giữ chặt lấy những hình ảnh
lãng mạn hóa chỉ là một cách khác của việc làm hỏng hiện tại. Trong
những năm trưởng thành, chúng ta nhận biết rằng khả năng đạt được sự
hoàn hảo nơi trần thế hoặc làm cho niềm vui thêm trọn vẹn thực là nhỏ
bé, chúng ta sẽ có sự lựa chọn để chấp nhận và hưởng thụ những gì ta
giành được trong cuộc đời. Nếu không, ta có thể mong chờ một quãng thời
gian đơn giản hơn, khi mọi thứ dường như đều có thể và hy vọng vượt lên
trên các khả năng hạn chế của bản thân. Chính tình trạng lạc quan ngây
thơ này khiến chúng ta mong ngóng vượt qua những giới hạn về thời gian
và cơ may đang đè nặng lên cuộc đời mình.
Ta thường bị ám ảnh
bởi những con đường chưa bao giờ đi nhất là những cơ hội đã bị bỏ lỡ để
có được một tình yêu tuyệt vời. Theo tuổi tác, chúng ta bị chính cơ thể
của mình phản bội và những quan điểm có thể trở thành các định kiến cứng
nhắc. Từ khía cạnh không đáng ghen tị này, ta nhìn lại thiên đường thời
trai trẻ khi mà sự chắc chắn có giá trị hơn điều có thể trong sự đánh
giá của ta về tương lai. Chúng ta ao ước được quay về với giai đoạn ấy
và cũng lấy làm khó xử bởi lẽ những hồi ức đó có thể lại là một lời
nguyền đối với tương lai.
Vì thế, đâu là cách tốt nhất để tìm
lại niềm hy vọng khi chân trời phía tây của cuộc sống vừa hiện ra đã
nhanh chóng đóng chặt lại rồi? Ta có thể nuôi dưỡng niềm tin với những
hứa hẹn vào sự bất tử và gặp lại của những gì ta đã đánh mất. Nếu không,
chúng ta có thể nhường chỗ cho học thuyết «bất khả tri» tội nghiệp và
giao bản thân cho những ẩn số mà ta nỗ lực tưởng tượng ra vài ý nghĩa
trong những nhịp điệu vô tận của sự tồn tại: Cuộc sống và cái chết, mơ
ước và tuyệt vọng và bí ẩn đau lòng của những lời cầu nguyện không được
đáp lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét