Chào các bạn!

Tất cả các quyển sách trực tuyến, chúng tôi đều có sẵn Ebook và Audio book. Nếu có nhu cầu mời các bạn vào đây để tải: Hướng dẫn cách tải links trên các host TẢI EBOOK- AUDIO BOOK TỪ A --> Z


NQTVCCS - Từ ngày mai, tôi không còn tuyệt vọng nữa…

Cuộc đời của mỗi người chẳng ai giống ai. Mỗi người sinh ra có một hoàn cảnh, một số phận khác nhau. Điều cần thiết nhất trong cuộc sống vẫn là nghị lực và lòng dũng cảm để vượt qua những thử thách, những trớ trêu của số phận.

Trong những năm tháng lăn lộn đầy vất vả với nghề phóng viên, tôi đã được gặp rất nhiều chuyện cảm động về những mảnh đời bất hạnh nhưng luôn biết dũng cảm chấp nhận và vượt lên số phận. Dưới đây là tâm sự của một người mẹ khi có đứa con bị khuyết tật bẩm sinh.

-----------------------------------------------------

Tôi muốn ngất đi khi phát hiện ra mình là mẹ của một đứa trẻ bị khuyết tật bẩm sinh. Nước mắt tôi cứ lăn dài trên má, tôi cứ ngồi lặng im, buồn bã như thế, chẳng còn nói được điều gì nữa. Còn gì buồn hơn khi đứa con mà mình đã mang nặng chín tháng mười ngày, rứt ruột đẻ ra lại chẳng hề giống như mình mong đợi lâu nay. Tôi quá buồn, thậm chí cảm thấy mình gần như tuyệt vọng. Tôi chỉ muốn khóc thét lên thật to, kêu gào thật thảm thiết về nỗi đau lúc này. Trời ơi! Chắc tôi chết mất thôi!

Vị bác sỹ tỏ ra rất am hiểu về tâm lý của bệnh nhân và những người mẹ đang phải chịu đựng nỗi tuyệt vọng như tôi, dịu dàng khuyên:

- Nếu chị muốn khóc, cứ khóc cho thật thoải mái. Đừng kìm nén gì cả! Khóc xong rồi, chị sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn!.

Nhưng lạ thay, khi nghe nữ bác sỹ khuyên như vậy, tôi chẳng còn khóc lóc gì được nữa. Trong cảnh khó khăn như thế, chồng tôi lặng lẽ bỏ tôi để đến với một người đàn bà khác. Tôi lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong nhưng nỗi buồn cứ đeo đẳng suốt những năm tháng dài kế tiếp sau đó. Một mình nuôi con trong đau khổ cùng cực, mãi đến sau này, khi con tôi đủ tuổi để đến trường, tôi vẫn ngại ngần, không muốn gửi cháu vào trường để học. Chần chừ mãi, tôi lại nghĩ, nếu mình cứ để con ở nhà như thế này thì con mình sẽ còn thiệt thòi mãi mãi. Nếu mình cứ để con ở nhà mãi như vậy thì chính mình đang tự làm cho con mình thiệt thòi hơn. Không chịu cho con đi học thì chẳng khác nào mình đang làm tăng thêm hố sâu ngăn cách những thiệt thòi của con so với những đứa trẻ bình thường khác.

Suy nghĩ như vậy, tôi lại muốn đưa cháu đến trường. Lúc này, cháu đã 7 tuổi. Con gái tôi sẽ phải rời bỏ căn phòng quen thuộc ở nhà để hòa nhập vào một môi trường mới với những trẻ em khác mà ở nơi đó, con tôi phải tự tìm cách làm cho bản thân nó tự tin hơn, hăng hái hơn, vui vẻ, hòa đồng với các bạn đồng trang lứa với nó. Tôi phát ốm vì những nỗi lo đó. Tôi càng thương con thì nỗi lo trong lòng tôi cứ dâng đầy thêm. Tôi tự hình dung ra đủ thứ khó khăn đang chờ đợi con mình. Tôi tự hỏi: liệu rồi đứa con bé bỏng, đáng thương của mình có làm được những điều đó không? Liệu nó có thích nghi được với môi trường mới như vậy hay không? Liệu rằng những yêu cầu của môi trường sống mới đang đặt ra cho con tôi có qua sức nó hay không? Đầu óc tôi cứ ngập chìm mãi trong một loạt những câu hỏi liên tiếp như thế! Rồi tôi lại nghĩ, hay là thôi, chẳng cho con đi học nữa, cứ để con ở nhà như thế này, khỏi lo gì nữa hết! Phải rồi, giải pháp đơn giản nhất là “giải pháp ở nhà”.

Trong thâm tâm, tôi cứ bị giằng co mãi giữa hai hướng giải quyết, hoặc là đưa con đến trường hoặc là cứ để con mãi mãi ở nhà. Cách gải quyết nào cũng có cái khó và cái dễ của riêng nó. Nhưng tôi lại nghĩ, chọn giải pháp “để con ở nhà” thì dễ cho trước mắt thôi, còn xét về tương lai lâu dài sau này, con tôi rồi cũng sẽ phải đương đầu với biết bao khó khăn không tránh khỏi trong cuộc đời của nó. Khi tôi không còn trên thế gian này nữa, ai sẽ lo cho con tôi? Tôi có sống đến mấy trăm tuổi lo mãi cho con được đâu! Đó là chưa nói: sự dốt nát, thất học là điều thiệt thòi nhất trong cuộc sống. Tôi chẳng bao giờ muốn con mình như thế cả!

Nếu con tôi không đi học, suốt đời nó sẽ mù trước một thế giới sống động bên cạnh nó mà nó không hề biết và cũng chẳng bao giờ có thể nhận ra. Đó là thế giới của tri thức, của sách vở, của những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Khi người ta biết chữ, người ta sẽ đọc được những cuốn sách hay, sẽ học được nhiều kiến thức bổ ích, sẽ thấu hiểu những tình cảm cao thượng chứa đựng trong từng trang sách. Từ đó, con người có thể sống tốt hơn… Nếu con tôi được đi học, nó sẽ hiểu biết nhiều hơn, tâm hồn nó sẽ tốt đẹp hơn và chắc hắn nó cũng sẽ biết yêu thương tôi nhiều hơn…

Những ý nghĩ này kéo tôi về giải pháp lựa chọn thứ hai, nghĩa là ngay lập tức phải cho con đến trường. Đúng là cháu sẽ phải đương đầu với rất nhiều thử thách ngay trước mắt. Nhưng xét về tương lai lâu dài và ngay cả cuộc sống hiện tại trước mắt nữa, con tôi sẽ có được rất nhiều hạnh phúc.

Và thế là sau khi đã tự đấu tranh với chính mình, chẳng chần chừ gì nữa, tôi quyết định đưa cháu đến trường.

Mọi thử thách dành cho con tôi vẫn có nhưng không quá đỗi khủng khiếp như lâu nay tôi vẫn tự tưởng tượng ra. Ngày đầu tiên, cháu được cô giáo khen là có cách phát âm chuẩn và rõ ràng. Như vậy là con tôi sẽ học đánh vần và dần dần cũng sẽ biết đọc, biết viết như những trẻ em bình tường khác. Cứ nghĩ như vậy thôi, nước mắt tôi như muốn trào ra vì xúc động, sung sướng. Mỗi buổi chiều đón con đi học về, tôi vui sướng không sao tả xiết. Con tôi cũng tỏ ra vui hơn so với những năm tháng qua - năm tháng nó cứ phải lui thủi sống ở nhà một mình mà không có bạn…

Cũng nhờ gửi con đến trường mà tôi có thêm thời gian để đi làm công nhân cho một nhà máy ở gần nhà. Nhờ công việc này, tôi lại có niềm vui được làm việc, được đóng góp sức mình cho xã hội và có thêm thu nhập để lo cho con… Và thế là, từ ngày mai, tôi không còn tuyệt vọng nữa!.

Những khó khăn, thử thách vẫn luôn tồn tại trong cuộc đời. Nếu ngày hôm nay, bạn trốn tránh chúng thì một ngày mai không xa, chúng cũng sẽ lại xuất hiện ngay trước mắt mà thôi! Trái lại, nếu ngày hôm nay bạn dũng cảm chấp nhận và nỗ lực vượt qua những thử thách của cuộc đời, bạn có quyền hy vọng mình sẽ gặt hái thành công và hạnh phúc ở tương lai…