Bây giờ bạn đã quen nói lên sự thật và cũng rất nhạy bén và tinh ý trong việc đề nghị sự giúp đỡ của người khác để đạt được điều mình mong muốn khi biết họ sẽ sẵn lòng. Vậy thì hãy dùng những kỹ năng đó cho điều thứ ba này: giữ lời hứa.
Nếu bạn không chân thật, bạn không thể nói ra những điều bạn thật sự cần hay mong muốn, vậy thì làm sao bạn có thể đạt được thỏa thuận hay giữ lời với ai đó? Vậy chính bạn chứ không phải ai khác, đã tự tạo thất bại cho mình đấy thôi!
Hiểu rõ những điều này xem như bạn đã được tiếp thêm động lực để có đủ tự tin và sự mạnh dạn nói lên sự thật với bất cứ ai và cả với chính bạn. Lời hứa và các dự định bao giờ cũng tuyệt vời nhưng nếu không thành thật về khả năng thực hiện thì làm sao bạn có thể giữ được điều đã hứa? Nếu không biết mở lời tìm sự trợ giúp khi cần thì chính bạn đã tự tạo thất bại cho mình, và càng không thể giữ lời hứa và uy tín khi không thể hoàn thành công việc và một số trọng trách do bạn đảm nhiệm.
Bản chất của các thỏa thuận
Một khi tự cam kết với mình sẽ làm tất cả những gì có thể để đạt được điều đã hứa thì bạn sẽ thường xuyên lưu tâm hơn khi có thỏa thuận nào đó không hoàn thành. Ví dụ, khi hứa với bạn bè rằng bạn có mặt ở đó lúc 4g rưỡi nhưng bạn đã không đến đúng giờ mà 15 phút sau mới đến thì bạn phải tự ghi nhớ rằng bạn đã không giữ được lời hứa lần này rồi. Xem như bạn đã tạo ra "một ổ gà nhỏ" trên con đường lẽ ra sẽ rất bằng phẳng. Tính kiên định trong trường hợp này xem ra có vẻ nhỏ nhặt nhưng nếu không xem trọng những lời hứa nhỏ thì chắc chắn bạn sẽ khó mà đi hết con đường đời của mình một cách bình an và suôn sẻ được.
Luôn luôn giữ đúng lời hứa sẽ giúp bạn tạo dựng được uy tín, niềm tin và cả sự thuận hòa, vui vẻ. Sự nghi ngờ, bất hòa và suy giảm niềm tin đến theo con đường ngược lại.
Ở vị trí một người cha, tôi nhận thấy việc dạy cho cô con gái Amber của mình hiểu điều này thật là rất đáng công. Từ khi còn bé, cháu đã được chứng kiến việc tôi luôn giữ đúng lời hứa và hiểu được ý nghĩa quan trọng của điều này. Và khi Amber hứa dọn dẹp phòng mình nhưng lại không giữ đúng lời, tôi chỉ nhẹ nhàng nhắc cháu nhớ rằng cháu đã không giữ được lời hứa của mình. Chưa bao giờ tôi tỏ ra gay gắt hay la mắng cháu vì không tôn trọng lời đã hứa. Tôi chỉ giúp cháu hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của điều này – uy tín và danh dự của cháu sẽ bị suy giảm ra sao trong mắt mọi người khi cứ là một người thất hứa…
Khi chúng ta không giữ đúng lời thì vô tình chúng ta đã góp phần gây ra nỗi thất vọng và buồn nản cho những người đã từng tin tưởng vào ta. Chính chúng ta đã tự dựng lên quanh mình các rào chắn vô hình, mỗi lần thất hứa là một lần rào chắn được dựng lên. Niềm tin, uy tín của chúng ta cũng vì thế mà suy giảm dần đi khi khoảng cách của các rào chắn này ngày càng rộng ra.
Nhiều cuộc tranh cãi, bất đồng và cả kiện tụng xảy ra đều do việc không thực hiện đúng lời đã hứa. Những thỏa thuận này đôi khi được gọi là hợp đồng và được soạn thành văn bản rõ ràng, sau khi bàn thảo và nhất trí hai bên đối tác thường cùng ký kết với nhau để xác nhận điều đã cam kết. Những thỏa thuận giữa đôi bên có thể được thể hiện rõ ràng, chi tiết hoặc đơn giản chỉ là hàm ý mà thôi.
Yếu tố tin tưởng
Vì sự thỏa thuận thường dựa trên cơ sở là niềm tin vào người kia, vì vậy khi những thỏa thuận không được thực hiện đúng thì mọi người thường có cảm giác mình không được tôn trọng hoặc thậm chí là bị phản bội. Khi không giữ lời, bạn sẽ gây cho người khác những cảm xúc thường gặp như tức giận, buồn phiền, sợ hãi, oán giận hay thậm chí là một cơn thịnh nộ thật sự.
Thế thì tại sao bạn lại muốn đưa mình ra lãnh nhận những cảm xúc chẳng lấy gì làm dễ chịu ấy? Khi thấy được mối liên hệ giữa việc không giữ lời với những cảm xúc tiêu cực này bạn sẽ cảm thấy thôi thúc phải tạo ra những mối quan hệ hòa nhã trong cuộc sống bằng cách tôn trọng những điều mình đã hứa với mọi người.
Ngay khi biết mình không thể thực hiện đúng được những gì đã thỏa thuận thì bạn phải báo cho người kia biết ngay và bàn bạc lại. Nên làm như vậy càng sớm càng tốt ngay khi biết rằng mình không thể làm gì được những gì đã nói. Việc liên lạc trong tình huống này có ý nghĩa quan trọng không kém so với những cuộc hẹn vì công việc hay buổi phỏng vấn xin việc tại các công ty. Có một câu nói tuy rất cũ nhưng vẫn đúng cho đến bây giờ, đó là: “Bạn không bao giờ có cơ hội thứ hai để tạo lại ấn tượng ban đầu”.
HÀNH ĐỘNG NGAY!
Dưới đây là những hành động đơn giản giúp bạn ghi nhớ điều quan trọng thứ ba này.
* Tập trung vào những lời hứa đơn giản, như hứa gặp ai đó vào giờ đã hẹn.
* Luôn cố gắng đến đúng giờ. (Những lý do vì rề rà, không khẩn trương đều không thể chấp nhận được).
* Liên lạc với người ấy ngay nếu bạn không thể đến được và hẹn gặp lại vào dịp khác.
* Dự tính trước những bất trắc mà bạn có thể gặp phải. Nếu biết trước là sẽ kẹt xe thì tốt nhất là nên đi sớm. Thậm chí đôi khi đã dự trù là sẽ bị kẹt xe và đi sớm hơn bình thường rồi vẫn có khả năng bạn sẽ gặp phải những trở ngại khác làm bạn không thể đến nơi đúng hẹn như đã hứa. Trong trường hợp này cũng nên gọi điện báo cho người kia biết. Mọi người sẽ trân trọng sự thành thật của bạn và sự nôn nóng, bực bội nếu có, vì thế cũng tự nhiên tan biến hoặc dịu lại. Chỉ một cuộc gọi thôi nhưng có ý nghĩa rất quan trọng – nó chứng tỏ cho mọi người thấy bạn đã rất tôn trọng họ và bạn biết rằng thời gian của họ cũng quý như của bạn vậy. Và dĩ nhiên khi đối đãi ai đó bằng sự tôn trọng, bạn cũng sẽ nhận được sự tôn trọng của họ.
Khi hoàn cảnh thay đổi
Khi đã bắt đầu quen với việc tôn trọng và giữ đúng lời hứa thì những khi không thực hiện được bạn sẽ có cảm giác khó chịu, bất an, bức rứt không tả được như thể bên trong người bạn đang có kiến bò vậy. Một tâm trạng chẳng thoải mái chút nào phải không? Vậy thì hãy nghĩ mà xem, tâm trạng của người bị bạn cho “leo cây” sẽ còn khó chịu và bực bộc đến mức nào.
Tuy nhiên, rất may là bạn có thể tránh được những tình huống khó xử đó. Ngay khi lường trước được mình khó có thể thực hiện đúng những gì mình đã nói thì hãy liên lạc hay bàn bạc lại với người kia. Mọi tình huống đều có thể thay đổi và ai cũng hiểu được đó là điều bình thường của cuộc sống. Khi có sự cố xảy ra khiến bạn không thể giữ được những gì đã hứa, thì điều cần thiết và đáng quý nhất lúc ấy là thông báo cho người kia biết trước và cố đưa ra một giải pháp khác có thể làm hài lòng những người cùng tham gia.
Uy tín của một người không chỉ tạo dựng từ một hành động mà thôi, chính những chuỗi hành xử và nỗ lực nối tiếp nhau của bạn đã tạo nên uy tín cho mình. Đừng bao giờ đánh giá thấp uy tín mà bạn có thể gầy dựng được từ những việc nhỏ nhặt như giữ đúng lời hứa.
Hãy tự nhắc mình:
Tôi đang làm cho mọi chuyện trở nên đơn giản hơn khi giữ đúng lời hứa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét