Cách nào? Chi đó? Khi nào? Biệt danh?
Sáu người giúp việc trung thành?
Dạy tôi hiểu được mọi nhành gần xa." - Rudyard Kipling
<!-- more -->
Định thức thần hiệu của H.Carrier ở Chương 2 - Phần I có thể giải quyết được hết thấy những vấn đề rắc rối không? Tất nhiên là không!
Vậy thì phải làm sao? Phải tập phân tích theo ba giai đoạn căn bản sau đây:
1. Vạch rõ những sự kiện
2. Phân tích những sự kiện
3. Quyết định, rồi hành động theo quy định đó.
Thì cố nhiên rồi, phải không bạn? Vâng, Aristote từ xưa đã dạy ta vậy và cũng đã dùng cách ấy. Bạn và tôi, chúng ta cũng phải dùng cách ấy nữa, nếu chúng ta muốn giải quyết những việc rắc rối nó giày vò ta ngày đêm, đổi cuộc đời của ta thành địa ngục.
Chúng ta hãy xét định lệ thứ nhất đã: Vạch rõ những sự kiện. Tại sao việc đó lại quan trọng như vậy? Vì thiếu sự kiện thì không sao giải quyết vấn đề một cách sáng suốt được. Thiếu nó chúng ta chỉ còn có thể quay cuồng trong sự hỗn độn mà thôi. Đó là ý riêng của tôi chăng?. Không đâu! đó là ý của ông Herbert E. Hawkes, hồi sinh tiền, khoảng 20 năm về trước, làm trưởng khoa Đại học Columbia. Ông đã giúp hai trăm ngàn sinh viên giải quyết vấn đề rắc rối; và ông nói với tôi: "Sự hỗn độn là nguyên nhân chính của sự lo lắng". Ông giảng: "Phân nửa những nỗi lo lắng của loài người là do người ta cứ cố gắng tìm một quyết định trước khi thu thập đủ những sự kiện để làm nền tảng cho quyết định đó. Ví dụ nếu tôi có vấn đề phải giải quyết trước ba giờ chiều thứ ba sau, thì tôi nhất định không quyết định gì hết trước thứ ba. Trong thời gian ấy, tôi chuyên tâm thu thập hết các sự kiện liên quan tới vấn đề. Tôi vẫn ngủ kỹ như thường. Chỉ chuyên tâm kiếm sự kiện thôi. Và ngày thứ ba sau, nếu tôi đã thu nhập được đủ các sự kiện thì giải pháp tự nó tới, khỏi phải kiếm".
Tôi hỏi: "Có phải ông muốn nói rằng ông đã hoàn toàn trừ hết được nỗi lo lắng không?" Ông đáp: "Tôi tưởng có thể chân thành nói rằng đời tôi bây giờ gần như tuyệt được hết nỗi lo rồi. Tôi nhận thấy rằng nếu dùng hết thời gian vào việc tìm tòi những sự kiện một cách vô tư khách quan, thì khi nhận thức những sự kiện ấy, ưu tư sẽ tan dần đi".
Xin bạn cho tôi nhắc lại câu đó: "Nếu dùng hết thời gian vào việc tìm tòi những sự kiện một cách vô tư khách quan, thì khi nhận thức những sự kiện ấy, ưu tư sẽ tan dần đi".
Vậy mà phần đông chúng ta hành động ra sao? Ông Thomas Edison đã rất nghiêm trang nói rằng: "Loài người tìm đủ cách để tránh sao cho khỏi mất công nghĩ - cho nên chúng ta dù có chịu hành động như những con chó săn chim, nghĩa là chỉ chạy theo những sự kiện nào chống đỡ cho ý của ta đã nghĩ rồi, và bỏ quên những sự kiện khác đi! Chúng ta chỉ dùng những sự kiện nào biện hộ cho hành động của chúng ta, những sự kiện nào hợp với nghĩa, ý muốn của ta và bào chữa cho những định kiến của ta thôi.
Y như lời ông Andé Maurois đã nói: "Cái gì hợp với sở thích của ta thì ta cho là đúng. Không hợp với sở thích của ta thì ta nổi khùng lên. Như vậy có khó giải quyết được các vấn đề cũng là dĩ nhiên". Có khác chi giải một bài toán đệ nhị cấp (1) mà nhất định theo giả thiết hai với hai là năm không? Mà trên đời có biết bao người cứ nhất định nói rằng hai với hai là năm- có khi là 500 nữa, rồi làm cho đời sống của họ và của người khác thành một cảnh địa ngục.
Vậy ta phải làm sao? Ta phải giữ đừng cho cảm xúc xen vô những suy nghĩ của ta, nghĩa là như ông Hawwkes đã nói, phải thu thập những sự kiện một cách "vô tư khách quan".
Việc đó không phải dễ, vì trong khi chúng ta lo lắng, cảm xúc thường lên tới cao độ. Nhưng tôi đã kiếm được hai cái nầy, nó giúp tôi đứng dang ra xa vấn đề của tôi, để xét những sự kiện một cách sáng suốt và khách quan.
1. Khi ráng kiếm sự kiện, tôi làm như thu thập nó không phải cho tôi mà cho một người khác. Cách đó giúp tôi nhận xét một cách lạnh lùng, khách quan và diệt được hết những cảm xúc.
2. Trong khi thu thập những sự kiện về một vấn rắc rối, thỉnh thoảng tôi làm bộ như một luật sự bênh vực cho quan điểm ngược với quan điểm của tôi. Nói cách khác là tôi cố thu thập đủ những sự kiện chống lại tôi, trái với ý muốn của tôi. Rồi tôi chép lại những lý lẽ thuận lẫn những lý lẽ nghịch, và tôi thường thường nhận thấy rằng sự thực ở vào một nơi nào đó,khoảng giữa hai thái cực ấy.
Tôi xin tóm lại. Bạn cũng vậy, tôi cũng vậy, cả ông Einstein, cả Toà án tố cao của Huê Kỳ nữa, không ai có đủ thông minh để tìm một quyết định sáng suốt về bất kỳ một vấn đề nào, nếu trước hết không chịu thu thập đủ những sự kiện đã. Ông Thomas Edison hiểu điều đó, nên khi chết, ông để lại 2.500 cuốn sổ nhỏ, trong đó ghi đầy những sự kiện về mọi vấn đề mà hồi sinh tiền ông đã giải quyết.
Vậy định lệ thứ nhất là: thu nhập những sự kiện. Hãy bắt chước khoa trưởng Hawkes, đừng cố giải quyết những nỗi khó khăn trước khi đã thu thập đủ sự kiện một cách vô tư.
Tuy vậy, thu thập hết những sự kiện ở trên trái đất nầy cũng không ích lợi gì cho ta nếu ta không phân tích và giải đoán nó.
Tôi đã trả một giá rất đắc bài học nầy: phải viết những sự kiện đó lên giấy rồi mới phân tích chúng một cách dễ dàng được. Chỉ một việc chép sự kiện lên giấy và đặt vấn đề một cách rõ ràng cũng đã giúp ta đi được một quãng đường dài tới một sự quyết định hợp lý rồi. Đúng như Charles Keteling đã nói: "Khéo đặt vấn đề là đã giải quyết được một nửa".
Tôi xin lấy thực tế chứng minh điều đó. Người Trung Hoa nói một bức vẽ giá trị hơn một vạn tiếng nói. Vậy tôi thử vẽ cho bạn thấy một người đã thực hành phương pháp đó ra sao. Ấy là ông Galen Litchfield, một trong những nhà doanh nghiệp thành công nhất ở miền Tây Mỹ. Tôi quen ông ta từ lâu. Năm 1942, ông đang ở Trung Hoa khi quân Nhật chiếm Thượng Hải. Ông kể cho tôi nghe chuyện sau này: "ít lâu, sau khi Nhật chiếm Trân Châu Cảng, chúng ùa vào Thượng Hải. Hồi ấy, tôi là giám đốc một công ty bảo hiểm nhân mạng ở đó. Chúng phái một "thanh toán viên nhà binh" lại hãng tôi- viên này là một đô đốc- và ra lệnh cho tôi giúp đỡ võ quan đó khi thanh toán tài sản của công ty. Tôi không có quyền từ chối. Tôi phải hợp tác nếu không.... là chết chắc. Không còn cách nào khác, tôi tỏ vẻ làm đúng chỉ thị của chúng. Nhưng tôi không ghi vào bảng thống kê một số bảo đảm đáng giá 750.000 mỹ kim và tôi nghĩ những bảo hiểm ấy thuộc về chi nhánh ở Hồng Kông, không liên quan gì tới tài sản của hãng ở Thượng Hải. Mặc dù vậy tôi cũng lo rằng nếu tụi Nhật tìm ra thì tôi sẽ khốn đốn với chúng chớ chẳng chơi. Và quả thật, chúng thấy liền.
Khi chúng khám phá ra điều ấy thì tôi không có mặt tại phòng giấy. Chúng gặp người đứng đầu phòng kế toán của tôi. Người này kể lại với tôi rằng đô đốc nổi tam bành lên, giậm chân chửi thề, bảo tôi là quân ăm trộm, quân phản nghịch, rằng tôi đã cả gan khiêu khích quân đội Thiên Hoàng! Tôi hiểu như vậy nghĩa là gì rồi. Tôi sẽ bị giam vô "nhà cầu" của chúng. Nhà cầu! Tức là phòng hành tội của hiến binh Nhật Bổn! Bạn bè của tôi có nhiều người chẳng thà tự tử chứ không chịu bị giam trong khám đó. Còn những bạn khác thì chết ở đấy sau mười ngày tra tấn. Mà bây giờ chúng đã sắp nhốt tôi vô cái ngục hiểm độc kia!
Tôi làm gì lúc ấy? Tôi hay tin ấy chiều thứ Bảy. Chắc chắn là tôi đã chết điếng. Và tôi đã chết điếng thật, nếu không có sẵn một phương pháp nhất định để giải quyết những nỗi khó khăn. Từ lâu rồi mỗi lần gặp nỗi lo lắng gì thì luôn luôn tôi lại bàn đánh máy, đánh hai câu hỏi sau đây, rồi đánh luôn những câu trả lời nữa:
1. Tôi lo cái gì đây?
2. Làm sao tránh được bây giờ?
Trước kia tôi thường trả lời miệng mà không chép lên giấy, nhưng từ lâu tôi bỏ lối ấy vì nhận thấy rằng chép những câu hỏi và trả lời lên giấy làm cho óc tôi sáng suốt hơn. Vậy chiều chúa nhật đó, tôi vào thẳng trong phòng tôi hội các Thanh niên theo Thiên Chúa giáo ở Thượng Hải, lấy máy đánh chữ ra đánh:
1) Tôi lo cái gì đây?
Lo sáng mai bị nhốt vào "nhà cầu".
Rồi tôi lại đánh câu hỏi thứ nhì.
2) Làm sao tránh được bây giờ?
Tôi suy nghĩ hàng giờ rồi chép lại bốn hành động mà tôi có thể làm được những kết quả có thể xảy ra của mỗi hành động ấy :
2.1. Tôi có thể giải thích cho viên thống đốc Nhật. Nhưng y không nói tiếng Anh. Dùng một người thông ngôn để giải thích cho y thì chỉ làm cho y thêm nổi giận và có thể đưa tôi đến chỗ chết được, vì y tính vốn độc ác lắm, sẽ không cho tôi giảng giải gì hết mà giam ngay tôi vào "nhà cầu".
2.2. Có thể kiếm cách trốn được không? Không. Chúng luôn luôn rình tôi. Nếu bỏ phòng của tôi ở Hội Thanh niên theo Thiên Chúa Giáo mà đi, chắc bị bắt và bị đem bắn liền.
2.3. Tôi có thể ở lì trong phòng này mà không lại hãng nữa. Nhưng làm như vậy viên đô đốc Nhật sẽ ngờ vực, sẽ cho lính lại bắt và giam tôi ngay vào "nhà cầu" không cho tôi nói tới nửa lời.
2.4. Sáng thứ hai, tôi có thể lại hãng như thường lệ. Như vậy có thể gặp được dịp may là viên đô đốc Nhật bận việc quá sẽ quên điều tôi đã làm. Mà nếu mà y nghĩ tới thì có thể rằng y đã bớt giận không la ó, quát tháo nữa. Được vậy thì tốt lắm, còn rủi y có quát tháo thì tôi cũng có dịp để ráng giải thích cho y. Vậy sáng thứ hai cứ xuống hãng như thường lệ, và cứ hành động như không có gì xảy ra thì còn có hai dịp may để khỏi bị nhốt vào "nhà cầu".
Nghĩ vậy và quyết định theo kế thứ tư rồi- nghĩa là sáng thứ hai cứ xuống hãng như thường lệ - tức thì tôi thấy vô cùng nhẹ nhàng thư thái.
Sáng hôm sau, tôi vào hãng, viên đô đốc Nhật đã ngồi đó, miệng ngậm điếu thuốc. Y ngó tôi chừng chừng như mọi lần, nhưng không nói gì hết. Và nhờ Trời phù hộ, sáu tháng sau y trở về Tokyo, thế là hết lo.
Như tôi đã nói, lần đó tôi thoát chết có lẽ nhờ chiều chúa nhật ngồi chép lại những hành động có thể làm được cùng những kết quả có thể xảy ra được mỗi hành động. Do đó tôi được bình tỉnh để quyết định. Nếu không thì có lẽ tôi đã vùng vẫy, do dự, để rồi đâm quàng đâm xiên trước xô đẩy của tình thế. Nếu tôi đã không suy nghĩ kỹ rồi mới quyết định thì có lẽ tôi đã cuồng loạn vì lo sợ cho buổi chiều chúa nhật, mất ngủ đêm đó, và sáng thứ hai, xuống hãng, mặt mũi bơ phờ, hoảng sợ. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ làm cho viên đô đốc Nhật nghi ngờ và tra khảo tôi rồi.
Đã kinh nghiệm nhiều lần, tôi thấy rằng sự quyết định là một điều rất quan trọng. Chính sự không có lấy một mục đích nhất định, sự chạy loanh quanh, như điên khùng, nó sinh ra bệnh thần kinh suy nhược và biến đời sống của ta thành một cảnh địa ngục.
Tôi nghiệm 50 phần trăm những nỗi lo lắng của tôi tiêu tan đi, khi tôi có quyết định đó thì 40 phần trăm nữa cũng biến mất. Vậy tôi chỉ cần làm bốn công việc sau là 90 phần trăm những nỗi lo lắng của tôi tan biến.
1. Viết rõ ràng lên giấy những nỗi lo của tôi.
2. Viết lên giấy những giải pháp có thể theo được.
3. Lựa lấy một giải pháp.
4. Bắt đầu thi hành ngay quyết định ấy.
Ông Galen Litchfield bây giờ làm giám đốc ở Viễn Đông cho Công ty Park and Freeman.
Như trên kia tôi đã nói, ông hiện nay là một trong những nhà doanh nghiệp Mỹ lớn nhất ở Châu Á. Ông thú nhận với tôi rằng ông thành công, một phần lớn là nhờ ông biết phân tích những vấn đề rắc rối của ông, rồi quả quyết hành động tức thì.
Vì đâu mà phương pháp của ông có kết quả đẹp đẽ như vậy? Vì nó thực tế và đi thẳng vào trung tâm vấn đề, nhưng thứ nhất vì nó là kết quả của định luật thứ ba rất quan trọng nầy: Phải làm cái gì để chống với tình thế. Nếu không hoạt động, thì dù có thu thập, phân tích sự kiện cũng chỉ là công dã tràng mà thôi.
William James nói: "Khi đã quyết và bắt đầu hành động rồi thì đừng lo nghĩ gì về kết quả ra sao nữa" Ông muốn nói: Một khi đã quyết định sắc đanh sau khi xem xét kỹ lưỡng các sự kiện rồi, thì hành động ngay đi. Đừng hành động mà ngừng để xem xét lại nữa. Đừng do dự, lo lắng hoặc đi ngược trở lại. Phải tự tin. Lòng tự ngờ vực sẽ tạo ra nhiều nỗi ngờ vực khác. Đừng quay lại ngó về phía sau.
Có lần tôi hỏi ông Wait Phillips, một người quan trọng nhất trong kỹ nghệ dầu xăng: "Ông thi hành những quyết định của ông ra sao?". Ông đáp: "Tôi nghĩ rằng cứ suy nghĩ hoài về vấn đề của ta, chỉ làm cho ta hoang mang và thêm lo. Tới một lúc nào đó thì phải thôi đừng suy nghĩ đắn đo nữa, nếu không thì sẽ tai hại. Lúc ấy ta phải quyết định, hành động và đừng bao giờ ngó về phía sau mà cứ một mực tiến tới".
Sao bạn không dùng ngay bây giờ thuật của Galen Lithchfield để giải quyết một trong những nỗi lo lắng của bạn đi, mà tự hỏi những câu sau này:
1. Tôi lo lắng điều chi? (Xin bạn lấy viết chì đáp ở khoảng bỏ trống dưới đây).
2. Làm sao giải quyết được bây giờ? (Xin viết những câu trả lời xuống dưới đây?).
3. Đây, tôi sẽ hành động như thế này.
4. Khi nào tôi bắt đầu hành động?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét