Như đã
nói, tôi sinh trưởng trong một trại ruộng ở Missouri. Cũng như phần đông nông
dân thời đó, song thân tôi làm lụng vất vả lắm. Má tôi dạy trong một trường
làng, còn ba tôi làm trong một trại ruộng, mỗi tháng kiếm được 12 Mỹ kim. Má tôi chẳng những may đồ cho cả nhà mà còn phải nấu lấy xà bông cho
chúng tôi giặt đồ nữa.
Ít khi
chúng tôi có tiền lắm - trừ mỗi năm một lần, lúc bán heo. Chúng tôi đem bơ,
trứng lại tiệm tạp hóa đổi lấy bột, đường, cà phê. Cho đến năm 12 tuổi, mỗi năm
tôi không có cắc rưỡi để tiêu riêng. Còn nhớ một lần đi coi hội, tôi xin ba tôi
được một cắc, mà tưởng chừng như cầm trong tay tất cả vàng bạc, châu, ngọc của
các ông Hoàng Ấn Độ.
Tôi đi bộ
non hai cây số để tới trường học, chỉ có mỗi một lớp. Mùa lạnh, tuyết đông dày
trên mặt đất, mà hàn thử biểu nhiều khi chỉ 28 độ dưới số không. Thế mà cho tới
khi tôi 14 tuổi, không bao giờ tôi được mang một đôi giày cao su. Trong mấy tháng
đông dài dằng dặc, chân tôi luôn luôn giá lạnh, và không bao giờ tôi tưởng
tượng ở đời có người hai chân được ấm ráo trong mùa đông.
Song thân
tôi làm việc vất vả : 16 giờ một ngày. Vậy mà chúng tôi vẫn luôn luôn bị nợ nần
quấy rầy và vận xui đeo đẳng. Hồi nhỏ, xứ tôi đã phải thấy cảnh lụt: nước sông
tràn ngập ruộng nương, tàn phá mọi vật. Cứ bảy năm thì lụt tới sáu lần, và bây giờ,
nhắm mắt lại, tôi còn ngửi thấy mùi khét lẹt của xác heo đem thiêu.
Một năm
nay không lụt, trúng mùa, chúng tôi mua bò về nuôi mập ú. Nhưng không lụt mà
còn tệ hơn lụt vì năm ấy, giá bò ở chợ Chicago hạ tới nỗi con bò nuôi mập mà
bán chỉ lời có 30 Mỹ kim. Vất vả cả năm vì 30 Mỹ kim!
Làm gì
cũng lỗ. Tôi còn nhớ ba tôi mua la con về nuôi. Nuôi ba năm, mướn người chăn, rồi chở tới Memphis ở Tenessy, chịu bán với giá thấp hơn giá mua ba năm
trước nữa.
Sau 10
năm vất vả, ăn uống kham khổ, chúng tôi không có một xu dính túi, mà còn nợ đến
nước phải cầm vườn, cố trại. Hết sức làm lụng mà vẫn không trả nỗi tiền lời,
nên nhà ngân hàng làm nhục, chửi rủa và hăm đuổi ba tôi đi. Lúc ấy người 47
tuổi. Trên 30 năm đầu tắt mặt tối, người chỉ chuốc thêm nợ và nhục nhã. Chịu
không nổi, người sinh âu sầu, mất ăn, sức lực tiêu mòn, cho nên mặc dù làm lụng
suốt ngày ở ngoài đồng, người cũng phải uống thêm thuốc tiến thực. Tuy vậy,
người vẫn rạc đi. Bác sĩ nói với má tôi rằng người không thể qua được sáu tháng
nữa. Thì chính vì lo lắng quá, người có muốn sống thêm ngày nào nữa đâu! Tôi
thường nghe má tôi kể: hễ ba tôi đi cho ngựa ăn, hoặc vắt sữa bò mà lâu không
thấy trở lại, thì má tôi vội vả đi kiếm, sợ trông thấy xác chồng lủng lẳng ở
đầu một dây thừng.
Một hôm,
khi ở Maryville về, nhân vừa bị nhà ngân hàng dọa đem phát mãi lẫm, ba tôi gò
cương giữa một chiếc cầu, rồi xuống xe đứng ngó dòng nước một hồi lâu, phân vân
không biết có nên nhảy xuống đó cho rồi đời không.
Về sau,
ba tôi kể rằng bữa ấy người không tự trầm là nhờ má tôi quyết tín rằng nếu ta
kính Chúa và tuân lời Chúa dạy, thì mọi sự sẽ được như ý hết. Vì vậy, ba tôi
sống thêm 42 năm nữa, cho đến năm 1941, thọ được 89 tuổi.
Trong
những năm phấn đấu đau lòng ấy, không bao giờ má tôi ưu tư. Có nỗi gì lo lắng thì
người cầu Chúa. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, người đọc một chương Thánh kinh: Song
thân tôi thường đọc những lời an ủi này của Chúa Giê Su: "Giang sơn của
Chúa có nhiều lâu đài tráng lệ... Cha sửa soạn một chỗ cho con đây... Cha ở đâu
thì con ở đó". Rồi chúng tôi quỳ xuống và cầu Đức Chúa Cha thương yêu, che
chở.
Khi giáo
sư William James dạy khoa triết lý ở Đại học đường Harvard, ông nói:
"Phương thuốc thần diệu nhất để diệt ưu tư là lòng tín ngưỡng tôn
giáo".
Không cần
phải học ở Harvard mới tìm thấy chân lý ấy. Má tôi đã tìm được nó trong một
trại ở Missouri. Lụt, nợ, tai nạn không thể làm tiêu tan tinh thần vui vẻ, chói
lọi, quyết thắng của người. Tôi bây giờ còn văng vẳng nghe giọng người ca trong khi
làm việc:
"Thản
nhiên bình tĩnh ai gây?
Trời cao
thương rót xuống đầy lòng tôi.
Biển tình
sâu lắm ai ơi!
Vái van
tụng niệm, thảnh thơi tâm hồn!"
Má tôi
muốn tôi hy sinh cho tôn giáo. Hồi nhỏ tôi thành tâm muốn trở nên một nhà
truyền giáo ở phương xa. Sau này tôi vào trường Trung học, rồi ngày qua tháng lại,
quan niệm của tôi dần dần thay đổi.
Tôi nghiên cứu sinh vật học, khoa học triết
học và các tôn giáo. Tôi sưu tầm để biết Thánh kinh đã viết ra sao và bắt đầu
nghi ngờ nhiều lời dạy trong đó, cùng những lý thuyết hẹp hòi của các thầy
giảng ở nhà quê. Tôi phân vân như lạc hướng.
Như ông Walt Witman, tôi
"thấy thắc mắc về các câu hỏi đột ngột, tò mò nổi ở trong lòng". Tôi
không thấy đời có mục đích, nên không tụng niệm nữa, và theo thuyết bất khả tri
[1]. Tôi tin rằng đời sống không có định hướng gì hết, nhân loại không có mục
đích cao thượng, cũng như những quái vật gào thét trên trái đất 200 triệu năm
trước vậy thôi. Tôi nghĩ rằng một ngày kia loài người sẽ bị tiêu diệt, cũng như
những quái vật ấy. Khoa học dạy tôi rằng mặt trời đang chầm chậm nguội dần, và
khi nó nguội mất mười phần trăm, trên trái đất sẽ không còn một sinh vật nào
nữa. Khi nghĩ có người tin rằng Đức Thượng đế chí nhân tạo loài người theo hình
dung của Ngài, tôi mỉm cười chua chát. Tôi tin rằng hằng hà sa số những tinh tú
quay cuồng trong không trung tối tăm, lạnh lẽo, không có sinh vật, đều do một
sức u mê tạo ra. Cũng có thể những tinh tú đó tự nhiên mà sinh, có thể chúng
vẫn có từ hồi có thời gian và không gian vậy.
Nhưng bây
giờ tôi còn dám chắc trả lời được những câu hỏi đó không? Không. Chưa ai giảng
được bí mật của vũ trụ và của đời sống.
Chung
quanh ta toàn là những bí mật. Cơ thể là một bí mật. Điện cũng vậy. Bông hoa nở
giữa kẻ tường cũng vậy. Cỏ xanh trong vườn cũng vậy. Ông Charles F. Kettering,
nhà giám đốc thiên tài của phòng nghiên cứu hảng General Motors, tặng trường
Antioch mỗi năm 30.000 Mỹ kim để tìm xem tại sao màu cỏ lại xanh. Ông tuyên bố
rằng nếu ta biết được làm cách nào để biến đổi ánh sáng mặt trời, nước và
than thành chất đường thì ta thay đổi được văn minh của nhân loại.
Cả máy
móc chiếc xe hơi chúng ta dùng cũng là một bí mật nữa. Phòng nghiên cứu của
hãng General Motors đã tốn mỗi năm hàng triệu Mỹ kim, rán kiếm xem tại sao một
tia lửa lòe trong máy lại làm cho hơi xăng nổ và xe chạy: nhưng kiếm không ra.
Chúng ta
không hiểu được những bí mật của cơ thể ta, của điện, của xe hơi, song chẳng
phải vì vậy mà chúng ta không dùng và hưởng những vật ấy. Tôi không hiểu những
bí mật của tôn giáo và sự tụng niệm, nhưng cũng không phải vì vậy mà tôi không
hưởng được một đời sống êm đềm hơn, sung sướng hơn do tôn giáo mang lại. Mãi
sau cùng tôi mới thấy lời Santayana là minh triết: "Người đời sinh ra
không phải hiểu đời sống, mà để sống".
Tôi đã trở
lại Tôn giáo. Không, nói vậy không đúng! Phải nói tôi đã tiến tới
một quan điểm mới mẻ về tôn giáo. Tôi không còn mảy may chú ý tới sự chia rẽ các môn
phái vì tín điều của họ khác hẳn nhau nữa. Nhưng tôi rất quan tâm tới sự ích
lợi của tôn giáo, cũng như quan tâm tới sự ích lợi của điện, nước vậy. Những
vật này đều giúp tôi sống một đời sống phong phú, đầy đủ sung sướng. Tôn giáo
lại giúp tôi nhiều hơn nữa vì cho tôi nhiều giá trị về tinh thần. Như ông
William James nói, nó làm cho đời sống có ý vị hơn, có sinh khí hơn, rộng rãi
hơn, thoả mãn hơn. Nhờ tôn giáo mà tôi tin tưởng, hy vọng và can đảm. Đời tôi
có mục đích, có định hướng cũng nhờ nó, mà hạnh phúc của tôi tăng lên được
nhiều, sức khoẻ dồi dào cũng nhờ nó nữa. Nó giúp tôi tạo ra "một cảnh xanh
tươi, mát mẻ, bình tĩnh giữa kiếp trần gió bụi quay cuồng này".
Ba trăm
rưỡi năm trước, ông Francis Bacon đã có lý khi ông nói: "Triết lý nông nổi
hướng óc loài người tới chỗ vô thần: nhưng triết lý sâu xa lại đưa ta tới tôn
giáo".
Tôi còn
nhớ những ngày bàn về sự xung đột giữa khoa học và tôn giáo. Nhưng thời đó đã
qua rồi. Một khoa học mới nhất, khoa tinh thần bệnh học bây giờ cũng dạy những
điều Chúa Giê Su đã dạy. Tại sao thế? Tại các nhà nghiên cứu
nhận rằng tụng niệm và lòng tin tưởng mạnh mẽ ở tôn giáo diệt được những lo
lắng, ưu tư, sợ sệt, nguyên nhân của đa số tật bệnh. Họ biết như bác sĩ A. A.
Brill: Một tín đồ chân thành không bao giờ mắc bệnh thần kinh".
Nếu tôn giáo mà vô lý thì đời sẽ vô nghĩa, sẽ chỉ là
một trò hề bi thảm thôi.
Tôi phỏng vấn ông Henry Ford ít năm trước khi ông từ
trần. Chưa gặp ông, tôi tưởng trên mặt ông phải hiện lên những nét lo lắng in
dấu khoảng thời gian dài mà ông đã dùng để gây dựng và điều khiển một hãng vào
hạng lớn nhất thế giới. Bởi vậy tôi ngạc nhiên thấy ông đã 78 tuổi mà vẫn bình
tĩnh, khỏe mạnh làm sao. Nghe tôi hỏi có bao giờ lo lắng không, ông đáp:
"Không, tôi tin Thượng đế điều khiển mọi việc mà Ngài không cần tôi tính toán
giùm Ngài. Đã có Ngài lo rồi thì mọi sự hoàn thiện hết. Vậy còn ưu tư nỗi gì
nữa?".
Ngày nay, chính những nhà chuyên môn trị bệnh thần
kinh thành những nhà truyền giáo kiểu mới. Không thúc giục chúng ta theo đạo để
tránh vạc dầu ở Âm ti nữa đâu, mà để tránh vạc dầu ở ngay cõi trần này, cảnh
vạc dầu do những bệnh vị ung, sưng phổi, thần kinh suy nhược và điên cuồng gây
ra. Muốn biết những nhà tâm lý và trị bệnh thần kinh khuyên ta điều gì, bạn nên
đọc cuốn: Trở về tôn giáo của Bác sĩ Henry C. Link.
Thiệt vậy, đạo Gia Tô giúp ta mạnh khỏe và có hứng
thú. Giê Su nói: "Ta mang tới cho các con một đời sống, một đời sống phong
phú hơn". Ngài tuyên bố chỉ có điểm quan trọng nhất trong Tôn giáo là: hết
lòng yêu Thượng Đế và yêu người cũng như yêu chính bản thân ta. Người nào làm
được như vậy là một tín đồ rồi mặc dù không biết chút đạo. Như nhạc phụ tôi,
ông Henry Price chẳng hạn, ông rán sống theo đạo: "kỷ sở bất dục, vật thi
ư nhân" [2] và không thể có một hành động ti tiểu, ích kỷ hoặc bất lương được.
Vậy mà ông không bao giờ tới nhà thờ và tự cho mình là một người vô đạo. Vô lý!
Ông chính là người theo đạo vậy.
Vậy thế nào là một người theo đạo Thiên Chúa?
Tôi xin nhường ông John Baille trả lời câu đó. Ông này là giáo sư dạy về thần
học ở Đại học đường Edingburgh được nổi danh nhất. Ông nói: "Không phải
công nhận một vài ý tưởng hoặc theo đúng luật đạo mà thành một tín đồ Gia Tô
đâu. Phải có một tinh thần và sống một đời vị tha mới được". Nếu vậy thì
ông nhạc phụ tôi là một tín đồ cao thượng của đạo ấy rồi.
Ông William James - người cha của khoa tâm lý hiện đại
- viết thư cho một bạn thân là giáo sư Thomas Davison rằng càng về già ông càng
thấy "không thể sống không có Thượng Đế" được.
Ở một chương trên, tôi đã nói, trong kỳ thi "diệt
ưu tư", ban giám khảo chấm được hai bài đặc sắc giá trị tương đương, sau
phải phân chia giải nhất ra làm hai. Dưới đây là bài thứ hai. Bài này kể lại
kinh nghiệm của một người đàn bà khó nhọc mới tìm thấy được rằng: "không
thể sống không có Trời được".
Tôi tạm gọi bà là Mary Cushman vì con cháu bà có thể
buồn lòng khi thấy tên thiệt của bà in trên sách. Nhưng truyện bà là truyện
thiệt chớ không phải tưởng tượng đâu.
Trong cuộc kinh tế khủng hoảng, lương trung bình của
nhà tôi là 18 Mỹ kim mỗi tuần. Nhiều khi không được số đó nữa vì hễ đau thì bị
trừ lương mà nhà tôi lại thường đau vặt. Chúng tôi nợ tiệm tạp hóa 50 Mỹ kim và
phải nuôi năm đứa con. Tôi phải giặt ủi thuê cho hàng xóm và mua quần áo cũ về
sửa lại cho các cháu bận. Rồi sầu quá, tôi hóa đau. Một hôm người chủ tiệm tạp
hóa kia lại mách tôi rằng đứa con trai bảy tuổi của tôi ăn cắp hai cây viết
chì. Tôi hỏi cháu, cháu khóc. Tôi biết cháu ngay thẳng, dễ cảm động và người ta
làm nhục cháu ở trước đám đông. Từ đó, tôi phát đau lưng. Tôi nghĩ đến
tất cả những nỗi khốn khổ đã chịu đựng và không chút hy vọng gì về tương lai hết. Ưu tư
quá đến nỗi suýt nữa tôi hóa điên. Tôi khóa máy giặt lại, đặt đứa cháu gái năm
tuổi vào phòng ngủ, đóng kín cửa sổ, lấy giấy và giẻ bịt hết các lỗ hở. Cháu
hỏi tôi: "Má làm gì đó?". Tôi đáp: "Cho gió khỏi lọt". Rồi
tôi mở vòi hơi [3] mà không châm cho cháy. Hai mẹ con tôi nằm cạnh bên nhau
trên giường. Cháu hỏi: "Má, sao kỳ vậy má? Mới dậy lúc nãy, sao bây giờ
lại vội ngủ?". Tôi đáp: "Không sao, má con mình ngủ thêm chút nữa".
Rồi tôi nhắm mắt lại, nghe hơi phì từ vòi ra. Chao ơi! Không bao giờ tôi quên
mùi hôi ấy...!
Hốt nhiên, tôi nghe tiếng âm nhạc. Tôi lắng tai. Thì ra đã quên tắt máy
thâu thanh ở bếp. Mặc kệ. Nhưng bài nhạc tiếp tục, kế đó có ai lên tiếng ca một
điệu cổ:
Tâm hồn
bình tĩnh mất đi,
Đớn đau
vô ích rước chi vào mình.
Chỉ vì
dại chẳng tụng kinh,
Mỗi điều
cầu Chúa, thênh thênh trong lòng.
Nghe
đoạn, tôi nhận thấy đã lầm lẫn một cách thê thảm khi một mình tranh đấu ghê gớm
với đời mà chẳng biết cậy ơn thiêng liêng của Chúa. Thế là tôi nhảy phắt dậy,
khóa vòi hơi và mở cửa.
Sau bữa
ấy, tôi vừa khóc vừa cầu xin. Tôi không cầu Thượng Đế giúp tôi; tôi đem tấm
lòng thành kính cảm tạ Ngài; nhờ Ngài phù hộ mà tôi có năm đứa con khỏe mạnh,
xinh xắn, thông minh, ngoan ngoãn. Tôi hứa với Ngài không bao giờ còn vong ân
Ngài nữa. Và tôi giữ được lời hứa ấy.
Về sau, khi phải dọn về một trường học làng, tôi mướn năm Mỹ kim mỗi tháng, tôi cũng cám
ơn Thượng Đế đã ban cho tôi một cái mái để che mưa che nắng, tôi chân thành cảm
ơn Ngài vì đời tôi không đến nỗi khổ hơn nữa. Mà chắc chắn lời kính tạ của tôi
đã thấu đến Ngài, vì tình thế ngày một khả quan hơn. Không phải chúng tôi phát
đạt ngay đâu.
Mãi tới khi kinh tế bớt khủng hoảng, chúng tôi mới kiếm thêm được
ít tiền. Tôi xin được một chân giữ nón [4] trong một câu lạc bộ lớn, ngoài ra
còn buôn bán vớ nữa. Một đứa con trai tôi tìm được việc trong một trại nọ, ngày
đêm vắt sữa 13 con bò, đủ tiền ăn học. Bây giờ các con tôi đều trưởng thành, và
tôi đã có ba đứa cháu
ngộ nghĩnh dễ thương. Nghĩ lại cái ngày ghê gớm mà tôi tự tử, tôi muốn la lớn:
"Đừng! Đừng! Những ngày đen tối nhất đời ta không lâu đâu - tương lai
tới...".
Trung
bình ở Hiệp Chủng Quốc, cứ 35 phút có một người tự tử và cứ 120 giây đồng hồ có
một người hóa điên. Phần đông những thảm kịch ấy có thể tránh được, nếu nạn
nhân chịu tìm ở Tôn giáo, ở kinh kệ, nỗi an ủi và sự bình tĩnh cho tâm hồn.
Một nhà
chuyên trị bệnh thần kinh nổi danh vào hạng nhất đương thời, Bác sĩ Carl Jung,
viết trong cuốn: Một người tân thời đi kiếm một linh hồn rằng:
"Trong 30 năm gần đây, có những người ở đủ các nước văn minh trên thế giới
lại xin tôi trị bệnh. Tôi đã chữa được mấy trăm người. Cứ xét trong số bệnh
nhân trên 35 tuổi, người nào rút cục cũng kiếm một giải pháp tôn giáo mới hết
bệnh được. Nói không ngoa, họ đau vì đã mất sự thăng bằng bởi mất tin ở tương
lai. Mà tôn giáo thời nào cũng đem lại cho tín đồ hai kho tàng rất quý: nhẫn
nhục và cậy trông".
***********************************
William
James cũng nói tương tự như vậy: "Tín ngưỡng là một trong những năng lực
giúp cho loài người sống mạnh mẽ . Nếu hoàn toàn thiếu nó, tinh thần tất sẽ sụp
đổ".
Thánh
Gandhi, nhà thủ lãnh quan trọng nhất ở Ấn Độ sau đức Thích Ca, đã phải
"sụp đổ" nếu không được kinh kệ chống đỡ, an ủi. Tại sao tôi biết
vậy? Chính Thánh Gandhi viết: "Không nhờ tụng kinh thì tôi bị điên đã từ lâu
rồi".
Không nhờ lòng tín ngưỡng, không nhờ những lời cầu nguyện của
má tôi thì ba tôi đã từ trần rồi. Có lẽ hàng ngàn linh hồn bị đọa đày, đương rên siết
trong nhà thương điên đã không mắc bệnh, nếu họ đừng nhất định chiến đấu một
mình với đời mà biết sớm quay về cầu nguyện Thượng Đế.
Khi chúng
ta ê chề, chịu đựng không nổi nữa, bấy giờ mới thất vọng quay về với Thượng Đế.
Tại sao phải đợi tới khi thất vọng? Tại sao không tụng niệm để hoán cải năng
lực của ta mỗi ngày? Tại sao cứ đợi tới chủ nhật?
Trong sáu
năm vừa rồi, khi viết cuốn sách này, tôi đã sưu tập hàng trăm thí dụ và trường hợp
cụ thể về sự diệt lo âu bằng kinh kệ. Hộc tủ của tôi đầy những truyện đó. Tôi xin
đơn cử truyện một người bán sách thất vọng, ông John R. Anthony. Truyện ông kể
lại như vầy:
Hai mươi
năm trước, tôi đóng cửa phòng luật của tôi để làm đại lý cho một công ty bán
sách luật. Tôi chuyên bán cho các luật sư một loại sách gần như là cần thiết
cho họ.
Tôi khéo
léo, tôi luyện kỹ năng về công việc ấy. Tôi thuộc lòng hết những lời chào mời khách
hàng, thuộc hết những lời đáp trả của họ, cả những câu để đáp và thuyết phục họ
nữa. Trước khi vào chào một ông khách, tôi dò hỏi để biết ông ta đóng thuế bao
nhiêu, có thói quen nào, tư tưởng về chính trị và tiêu khiển ra sao? Trong khi
người ta tiếp khách, tôi lợi dụng tất cả những điều đã thăm dò được đó, để cố gắng lôi kéo khách hàng, tăng năng xuất bán sách. Vậy mà có cái
gì đó không xuôi. Sách bán vẫn không được thật chạy!
Tôi thất
vọng! Ngày tháng qua, tôi gắng sức gắp hai, gắp bốn, mà kiếm chẳng đủ xài. Tôi
hoảng không dám chào khách nữa. Sắp bước vào căn phòng họ, nỗi lo sợ bùng lên
mạnh quá, tôi phải đi đi lại lại trước cửa phòng hoặc ra hẳn ngoài đường mà đi
loanh quanh. Rồi sau khi đã mất nhiều thì giờ quý giá và dùng hết nghị lực, lấy
can đảm, tôi nhẹ nhẹ quay quả nắm tay run run mà lòng thì nữa cầu cho khách
hàng đi vắng!
Công ty
bán sách dọa nếu không bán chạy hơn sẽ không cho mượn tiền trước nữa. Nhà tôi
cằn nhằn, vì không tiền trả tiệm tạp hóa mà nhà thì đông miệng ăn. Chúng tôi có
ba đứa con. Tôi lo lắng quá, mỗi ngày một thất vọng thêm, không biết phải làm
sao đây. Như đã nói ở trên, tôi đã đóng cửa phòng luật, còn lấy đâu thân chủ
nữa. Bây giờ mới nguy. Không có tiềng trả chủ phòng, cũng không tiền mua giấy
xe; mà dù có giấy xe cũng không đủ can đảm vác cái mặt bơ phờ thất bại này về
nhà.
Sau cùng một buổi tối khốn đốn kia, tôi lết về phòng ngủ, bụng nghĩ về lần chót này đây. Chưa bao giờ tôi hoàn toàn thất bại như vậy. Chán nản, nát lòng, tôi không biết quay ngã nào. Sống hay chết cũng chẳng cần nữa. Tôi buồn đã lỡ sinh ra làm cái kiếp người. Buổi tối hôm đó, chỉ có một ly sữa nóng, nhưng được vậy là nhiều lắm rồi. Tôi hiểu tại sao có những người đâm đầu từ trên lầu xuống đất. Nếu tôi đủ can đảm thì đêm ấy tôi cũng đã tự tử như vậy.
Sau cùng một buổi tối khốn đốn kia, tôi lết về phòng ngủ, bụng nghĩ về lần chót này đây. Chưa bao giờ tôi hoàn toàn thất bại như vậy. Chán nản, nát lòng, tôi không biết quay ngã nào. Sống hay chết cũng chẳng cần nữa. Tôi buồn đã lỡ sinh ra làm cái kiếp người. Buổi tối hôm đó, chỉ có một ly sữa nóng, nhưng được vậy là nhiều lắm rồi. Tôi hiểu tại sao có những người đâm đầu từ trên lầu xuống đất. Nếu tôi đủ can đảm thì đêm ấy tôi cũng đã tự tử như vậy.
Tôi tự
hỏi mục đích ở đời là gì? Song trả lời không được, suy nghĩ hoài không ra.
Không
biết nhờ cậy ai, tôi quay về với Thượng Đế và bắt đầu tụng niệm. Tôi cầu khẩn
Ngài dắt dẫn, soi đường cho tôi qua khỏi cơn thất vọng tối tăm, dầy đặc và lạnh
lùng bao phủ tôi. Tôi xin Ngài cho tôi nuôi nổi vợ con tôi. Cầu nguyện xong,
tôi mở mắt thì ngẫu nhiên thấy một Thánh kinh vẫn đặt trên tủ đựng chén. Tôi
lật ra đọc những lời đẹp đẻ, bất hủ của Giê Su, những lời hứa đã an ủi mọi kẻ
cô độc, ưu tư, thất vọng từ biết bao thế hệ, đời này qua đời khác:
"Đừng
lo cho đời sống vật chất của con, đừng lo thiếu món ăn thức uống, cũng đừng
nghĩ đến thân thể con và những vật để đắp điếm nó. Con hãy ngó đàn chim trên
trời. Chúng không gieo, không gặt, cũng không phơi, không cất. Vậy mà Thượng Đế
vẫn nuôi chúng. Con hơn loài chim nhiều phải không?... Trước hết, con hãy tìm
cảnh thượng giới và đạo chính trực của Cha, rồi Cha sẽ ban cho con hết thảy
những thứ con cần".
Trong khi
đọc mấy hàng ấy, tâm hồn tôi dịu hẳn đi, thiệt là huyền diệu! Những lo lắng, sợ
sệt, phiền muộn tiêu tan hết, nhường chỗ cho can đảm, hy vọng và tin tưởng
quyết thắng.
Dù không
tiền trả chủ khách sạn, tôi cũng sung sướng. Rồi lên giường ngủ say, quên hết
ưu tư. Đã thiệt mấy năm chưa đêm nào khoan khoái như vậy.
Sáng hôm
sau, tôi nóng nảy mong tới giờ các khách hàng mở cửa. Hôm đó mưa lạnh mà tôi
thấy trời rất đẹp. Tôi hăng hái rảo bước lại phòng một khách hàng. Tôi nắm chặt
và quay mạnh quả nắm rồi bước vào, tiến thẳng lại người đó mà ưởn ngực, quả
quyết, trang trọng, tươi cười chào: "Kính ông Smith, tôi là John R.
Anthony ở công ty Lawbook".
Người đó
cũng mỉm cười, đứng dậy chìa tay: "À, hân hạnh được gặp ông, mời ông
ngồi".
Một ngày
ấy, tôi bán nhiều hơn mấy tuần trước. Tối, tôi trở về phòng ngủ như một vị anh
hùng khải hoàn vậy! Tôi tự thấy đời như thay đổi hẳn đi. Mà đúng vậy, tôi đã có
một tinh thần mới mẻ, một tinh thần thắng trận. Đêm ấy, tôi không thèm uống sữa
nóng trừ bữa nữa. Tôi đòi thịt bò chiên đàng hoàng, ông ạ... Từ bữa đó, sách
bán chạy vo vo.
"...Cái
đêm ấy, một đêm thất vọng cách đây 21 năm, tôi được tái sinh từ một lữ quán nhỏ
ở miền Texas. Tình thế bề ngoài của tôi cũng như trong những tuần thất bại
trước, nhưng trong thâm tâm tôi có một sự thay đổi quan hệ. Con người lẻ loi
rất dễ bại trận, nhưng sống với sức mạnh của Thượng Đế ở trong lòng, không sao
quỵ nổi. Bây giờ tôi biết vậy vì tôi đã thấy sức đó thay đổi đời tôi ra
sao".
Chúa Giê
Su dạy: "Đòi hỏi, con sẽ được tìm kiếm, con sẽ thấy; gõ cửa, cửa sẽ
mở".
Khi bà L.
G. Beard gặp cảnh hoàn toàn bi thảm, bà nói chỉ cần quỳ gối vọng cầu:
"Kính Chúa, Chúa muốn sao con xin vâng theo Thánh ý" là tâm hồn được
bình tĩnh sáng suốt ngay.
Bà viết
cho tôi: "Một buổi tối, chuông điện thoại reo. Tôi để nó reo 14, 15 lần
rồi mới có đủ can đảm lại nhắc ống lên nghe, vì tôi biết trước rằng nhà thương
kêu tôi và tôi hoảng sợ. Tôi sợ gì? Sợ nghe hung tin con trai nhỏ tôi chết!
Cháu đau màng óc ông ạ. Đã chích Pénicilline, nhưng nhiệt độ của cháu lên xuống
không chừng. Bác sĩ lo bệnh đã nhập óc, nổi mụt trong óc thì tất chết... Thì
quả như lời tôi đoán: Vị bác sĩ ở nhà thương mời chúng tôi lại gấp.
Ông có
thể tưởng tượng nỗi lo âu của vợ chồng tôi khi ngồi đợi trong phòng khách
không? Người nào cũng bồng con trên tay, còn chúng tôi thì tay buông xuôi và tự
hỏi chẳng biết còn được bồng cháu nữa không. Sau vào phòng riêng của bác sĩ;
trông nét mặt ông mà chúng tôi kinh hoàng. Nghe ông nói lại càng bủn rủn thêm.
Ông bảo rằng con tôi bốn phần chỉ có một phần sống và nếu có tín nhiệm bác sĩ
nào khác thì mời lại liền đi.
Trên
đường về, nhà tôi ngừng xe lại, nắm chặt hai tay, khóc: "Mình, tôi chịu
không được nữa". Chúng tôi vào một nhà thờ cầu nguyện rằng nếu cháu phải
chết thì đó là Thánh ý của Thượng Đế thì chúng tôi cam chịu. Tôi ngồi phịch
xuống chiếc ghế, nói: "Thượng Đế muốn sao con xin nghe vậy" mà hai
hàng lệ ròng ròng trên má.
"Nói
xong, tôi thấy dễ chịu hơn, đã lâu chưa bao giờ được bình tĩnh như lúc ấy. Ngồi
trong xe, tôi không ngớt tụng niệm: "Thượng Đế muốn sao con chịu
vậy". Đã một tuần rồi, đêm đó tôi mới được ngủ say. Ít bữa sau, bác sĩ kêu
điện thoại cho hay cháu đã qua cơn nguy. Nay cháu được bốn tuổi, hồng hào, khỏe
mạnh".
Tôi biết
có nhiều người bảo Tôn giáo dành riêng cho đàn bà, con nít và thầy tu. Họ kiêu
hảnh là "tu mi nam tử", họ có thể chiến đấu một mình được.
Song nếu
họ biết nhiều bực "tu mi" nổi danh nhất thế giời cũng tụng niệm mỗi
ngày thì họ sẽ ngạc nhiên làm sao!
Chẳng hạn như chàng "nam tử võ sĩ" Jack Demsey: không bao giờ chàng quên tụng niệm trước khi ngủ; không bao giờ ăn mà không cám ơn Thượng Đế; trong khi thao luyện chờ lên võ đài, không ngày nào chàng không cầu nguyện và lúc sắp ra đấu, luôn luôn đọc kinh chờ tiếng chuông rung để mở hiệp đấu. Chàng nói: "Cầu nguyện giúp cho tôi có can đảm và tự tin".
Chẳng hạn như chàng "nam tử võ sĩ" Jack Demsey: không bao giờ chàng quên tụng niệm trước khi ngủ; không bao giờ ăn mà không cám ơn Thượng Đế; trong khi thao luyện chờ lên võ đài, không ngày nào chàng không cầu nguyện và lúc sắp ra đấu, luôn luôn đọc kinh chờ tiếng chuông rung để mở hiệp đấu. Chàng nói: "Cầu nguyện giúp cho tôi có can đảm và tự tin".
"Nam
tử" Commie Mark cũng tụng kinh trước khi ngủ.
"Nam
tử" Edward R. Steltinus, trước là nhân viên cao cấp của hãng General
Motors và hãng United States Steel, lại có lần làm bộ trưởng nữa, nói rằng ông
tụng kinh sáng và tối để được sáng suốt trong hành động.
"Nam
tử" J. Pierpont Margan, một trong những nhà tài chánh đại tài, buổi chiều
thứ bảy thường một mình lại nhà thờ Trinity ở đầu đường Wall Street quỳ gối cầu
nguyện.
Khi
"Nam tử" Eisenhower bay qua Anh để thống lĩnh liên quân Cường quốc
chống Đức, chỉ mang theo một cuốn sách, cuốn Thánh Kinh.
Tưởng
Giới Thạch và Đại tướng Montgomery cũng vậy. Nelson trong trận Trafagar cũng
vậy. Đại tướng Washington, Robert E. Lee, Stonewall Jackson và cả chục quân
nhân có danh tiếng khác cũng vậy, cũng vậy hết.
Chư vị
"Nam tử" đó đã tìm thấy chân lý của ông William James: "Thiên
nhân tương dữ" [5] và nếu ta chịu mở lòng đón ảnh hưởng của Trời thì dù
mạng vất vả nhất cũng được thảnh thơi, sung sướng.
Cả tá
"Nam tử" đương tìm chân lý đó. Hiện nay 72 triệu người Mỹ theo tôn
giáo, thiệt còn nhiều hơn thời nào nữa. Như trên kia tôi đã nói, cả các nhà
khoa học cũng quay về tôn giáo. Chẳng hạn như Bác sĩ Alexis Carrel, tác giả
cuốn Con người: một cỏi bí mật và được giải Nobel, một danh vọng cao cả
nhất trong giới khoa học, đã đăng ở tạp chí Reader's Digest: "Không
có gì gây nghị lực mạnh mẽ cho bằng kinh kệ. Đó là một sức mạnh có thiệt như
sức hút của trái đất. Tôi là y sĩ cho nên thấy được nhiều người dùng phương
thuốc gì cũng vô hiệu, chỉ bình tĩnh tụng niệm mà hết bệnh và diệt được âu
sầu... Tụng niệm tức là cầu ở Thượng Đế nguồn khí lực vô biên để tăng khí lực
của ta... Nhờ vậy, tinh thần lẫn cơ thể của ta được trong sạch, mạnh mẽ hơn.
Chẳng có người nào, đàn ông hay đàn bà, dù chỉ tụng niệm có một lát, mà không
được kết quả tốt".
Đô đốc Byrd
hiểu thế nào là "tự nhập vào cái động lực vô tận nó vận chuyển vũ
trụ". Như vậy mà ông thoát khỏi bước giam truân nhất đời ông. Ông chép
truyện trong cuốn Cô độc. Năm 1934, ông sống bảy tháng trong một văn
phòng đào dưới tuyết, gần Nam cực. Không có một sinh vật nào ở miền ấy hết.
Dông tuyết ào ào trên đầu, lạnh tới 80 độ dưới số không, đêm tối vô tận dày đặc
ở chung quanh. Rồi một hôm, ông hoảng sợ thấy bị đầu độc lần lần do chất thán
khí ở lò sưởi xì ra! Làm sao bây giờ? Chỗ cầu cứu gần nhất cũng xa trên 200 cây
số, phải đi vài tháng mới tới. Ông rán bịt lại mà khói vẫn xì ra, làm ông muốn
rán chạy ra khỏi phòng mà chiụ lạnh vậy. Ông mê man nằm trên sàn. Ăn không được, ngủ
không được. Yếu tới nổi không thể nhích ra khỏi giường . Ông thường lo sợ không
sống được tới sáng hôm sau. Ông tin chắc thế nào cũng chết trong phòng và xác
sẽ vùi sâu dưới tuyết.
Rồi có
cái gì cứu ông? Một hôm gần tuyệt vọng ông với lấy cuốn nhật ký, rán chép nhân
sinh quan của ông: "Loài người không phải cô độc trong vũ trụ". Ông
nghĩ tới các vì tinh tú luân chuyển trên đầu, nghĩ tới vừng Thái dương cứ đúng
kỳ hạn trở lại chiếu sáng miền hoang vu ở Nam cực. Rồi ông ghi trong nhật ký:
"Tôi không cô độc".
Nhờ nhận
thấy mình không cô độc nữa, dù nằm trơ trọi trong cái hang giữa băng tuyết, ở
nơi sơn cùng hải tận, mà ông khỏi chết. Ông nói: "Tôi biết thế nào cũng
thoát... Ít người phải dùng đến cực hạn năng lực của mình, vì chúng ta có những
nguồn mãnh lực thăm thẳm không bao giờ dùng tới". Ông đã biết lợi dụng
nguồn mãnh lực ấy bằng cách quay về với Thượng Đế.
Ông Glenn
A. Arnold cũng học được một bài học như vậy trong cánh đồng xứ Illinois. Ông kể:
"Tám năm trước, một hôm tôi khóa cửa nhà, leo lên xe hơi và lái về phía
sông vì tôi tin ngày đó là ngày cuối cùng của tôi. Số là tôi thất bại. Một
tháng trước, cả cơ nghiệp của tôi sụp đổ trên đầu của tôi. Công việc làm máy
điện không chạy. Ở nhà mẹ già đau thập tử nhất sinh. Vợ mới sinh con thứ nhì.
Số tiền nợ bác sĩ tăng lên vùn vụt. Có cái gì thì cầm cố cái đó, từ xe hơi tới
đồ dùng. Lại còn mượn trước tiền của công ty bảo hiểm nữa. Thật không còn cái
gì... Hết, hết, hết! Bởi vậy tôi chịu đựng không nổi mới leo lên xe, lái ra
phía sông, nhất quyết trút hết nợ đời.
Chạy về
miền quê được vài cây số, tôi bỏ đường cái, xuống xe ngồi khóc như con nít,
trên mặt đất. Rồi bỗng nhiên tôi bắt đầu cố suy nghĩ, không quay cuồng trong lo
lắng và sợ sệt như trước nữa. Tôi rán suy nghĩ tìm một giải pháp. Tình thế nguy
ra sao? Có thể tệ hơn được không? Có thật là vô hy vọng không?
Tất thì
tôi trao cả vấn đề đó cho Chúa và cầu Ngài giải quyết giùm. Tôi cầu nguyện hăng
hái, vì sống chết do lời cầu nguyện đó - mà thiệt đúng như vậy. Lạ lùng thay,
bỗng tôi thấy tâm hồn bình tĩnh. Tôi ngồi đến nửa giờ, vừa sụt sùi cầu nguyện.
Rồi về nhà, vẫn khóc như con nít.
Sáng hôm
sau thức dậy, đầy tự tin vì đã phú cho Thượng Đế dắt dẫn. Tôi ngẫng đầu, mạnh
dạn đi xin một chân bán điện cụ. Tôi biết thế nào cũng được việc và quả nhiên
người ta nhận liền. Tôi yên ổn làm ở đó cho đến chiến tranh, tiệm phải đóng
cửa. Rồi tôi qua giúp một công ty bảo hiểm nhân mạng, vẫn để cho Thượng Đế dắt
dẫn. Đó là chuyện 5 năm trước. Bây giờ tôi đã hết nợ, gia đình vui vẻ, ba đứa
con điều ngoan ngoãn, tạo được căn nhà, sắm được chiếc xe mới và có một số tiền
bảo hiểm nhân mạng là 25.000 Mỹ kim.
"Nghĩ
lại thời ấy, tôi thấy sạt nghiệp và thất vọng đến nỗi muốn tự trầm mình là một sự
may mắn cho đời tôi. Vì nhờ tình cảnh bi thảm ấy mà ngày nay tôi mới biết tin ở
Thượng Đế. Có bao giờ tôi dám ngờ rằng tâm hồn tôi có được bình tĩnh, tự tin
như nay đâu".
Có thiệt
tôn giáo mang lại cho ta sự bình tĩnh và can đảm không? Tôi xin nhường giáo sư
William James đáp: "Mặt biển động sóng nhưng đáy biển vẫn im lặng. Kẻ nào
nhận được chân lý sâu xa, vĩnh viễn, sẽ thấy rằng những bất mãn hàng ngày trong
kiếp trần của mình, so với lẽ bất dịch của vũ trụ, chỉ là những chuyện lặt vặt
không đáng kể. Cho nên người thiệt có đạo tâm, không bao giờ tuyệt vọng hẳn,
tâm hồn lâng lâng, bình tĩnh sẳn sàng đối phó với bổn phận thường nhật".
Vậy nếu
chúng ta ưu tư, tại sao không cầu Thượng Đế giúp ta? Tại sao không "chịu
tin có Thượng Đế, vì chúng ta cần có tin tưởng mới sống nỗi"? như Emmanuel
Kant đã nói. Tại sao không tự nhập vào cái động lực vô tận nó vận chuyển vũ trụ
để tâm hồn được mạnh thêm lên?
Dù bạn có
do bẩm tính hoặc do giáo dục đi nữa, thì một đạo nào, dù bạn có hoài nghi mọi
tin tưởng đi nữa, thì cầu nguyện cũng giúp bạn được nhiều hơn bạn ngờ, vì cầu
nguyện là một thực tiển. Thực tiển vì nó làm thỏa mãn ba nhu cầu can đảm [6]
của bạn, dù bạn tin có Trời hay không cũng vậy.
1. Nó
giúp ta bày tỏ rõ ràng nỗi lo âu hiện có trong lòng. Ở chương 4, bạn đã thấy
rằng không thể giải quyết được một vấn đề khi nó còn lờ mờ. Cầu nguyện có khác
gì viết vấn đề đó lên giấy. Vì khi cầu nguyện bạn bày tỏ rõ ràng để nhờ Thượng
Đế giúp cho.
2. Cầu
nguyện cho ta cảm giác trút hết gánh nặng và không còn cô độc nữa. Ít người có
tâm hồn cứng rắn để chịu đựng những gánh nặng, những lo lắng đến chết được.
Nhiều khi có những nỗi riêng không bàn với ai được, cả với những người thân
thiết hoặc bạn chí thiết nữa. Những lúc ấy chỉ có cách cầu nguyện. Tất cả các
nhà chuyên trị bệnh thần kinh đều nói khi chúng ta có nỗi kín trong lòng, lo
âu, tinh thần khủng hoảng, thì phương thuốc hiệu nghiệm là trút nỗi lòng với người
khác. Nếu không thổ lộ với ai được, ta vẫn thổ lộ được với Thượng Đế.
3. Cầu
nguyện là bước đầu đưa tới hành động. Tôi không tin rằng có người nào
cầu nguyện xin một điều, hết ngày này qua ngày khác mà không lợi một chút gì
cả, nghĩa là không làm một chút gì để thi hành điều mình cầu nguyện. Một nhà
khoa học trứ danh nói: "Cầu nguyện gây cho ta một năng lực mạnh
nhất". Vậy tại sao ta không cầu nguyện? Gọi là Thượng Đế, hoặc Phật, hoặc
Thánh, sao cũng được hết. Tại sao phải cải nhau về những tên đó, vì chung quy
vẫn là những năng lực huyền bí của vủ trụ điều khiển ta?
Tại sao
bạn không ngay bây giờ gấp sách lại, vô phòng ngủ, đóng kín cửa, quỳ gối tụng
niệm cho vơi nỗi lòng đi? Nếu bạn đã bỏ đạo thì nên tìm lại Đức Tối Cao để có
lòng tín ngưỡng như trước. Bạn cầu nguyện: "Kính lạy Thượng Đế, con không
thể chiến đấu một mình được nữa. Con cầu Ngài giúp con, thương con. Xin tha thứ
tất cả những lỗi lầm của con. Xin gột sạch những tội ác trong lòng của con. Xin
chỉ cho con, con đường bình yên và vui vẻ. Và xin cho con yêu tràn trề cả những
kẻ thù của con nữa". Nếu bạn không biết cầu nguyện, thì bạn đọc đoạn kinh
diễm lệ và cảm hứng này mà Thánh Francis viết cách đây 700 năm: "Kính lạy
Chúa, xin Chúa dùng con trong công việc Hòa bình của Chúa. Xin cho con gieo mầm
thương ở những nơi có thù oán, gieo mầm tha thứ ở những nơi có lời nguyền rủa,
gieo đức tin trong những lòng ngờ vực, gieo hy vọng trong những tâm hồn thất
vọng, cho con mang ánh sáng lại những chốn u tối và đem nỗi vui lại những nơi
buồn tẻ.
"Kính
lạy Chúa, xin Chúa cho con mong mỏi được an ủi người hơn là được người an ủi; hiểu
người hơn là được người hiểu; yêu người hơn là được người yêu; vì chúng con cho
tức là nhận, tha thứ tức là được tha thứ và chết tức là được sinh vào một đời
sống vĩnh viễn vậy" [7].
[1]
Thuyết đó cho rằng trí tuệ người ta không thấu đáo được cái tuyệt đối.
[2] Điều
gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác.
[3] Ở Âu
Mỹ có nhiều nhà đốt một thứ hơi để đun nấu. Hơi có độc, nếu để cho xì ra mà
không đốt nó, thì ngửi phải một lúc sẽ chết.
[4] Hội
viên trong câu lạc bộ tới, giao nón cho một người giữ, khi về người này trao
trả lại.
[5] Trời
với người cùng một thể.
[6] Có lẽ cơ bản in sai thành can đảm.
[7] Trong phần này tác giả khuyên chúng ta nên trở về
tôn giáo và tụng niệm mỗi ngày để diệt ưu tư. Ông đã chứng tỏ rằng phương pháp
đó không phải là ủy mị. Dù ủy mị mà tâm hồn được bình thản chẳng hơn là chống
cự một
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét