Đôi khi cách chúng ta tạo ra niềm vui cho bản thân cũng giúp chúng ta xây dựng sự ổn định về tài chính.
Cách đây nhiều năm, tôi có một người bạn tên là Barbara. Cô ấy đoạt giải thưởng nhờ tham gia tuyên truyền trong chiến dịch “Nói Không Với Ma Túy” trong học đường thông qua hai tiết mục kịch rối và hài kịch. Barbara tâm sự với tôi rằng cô rất yêu thích công việc của mình. Ngoài việc ổn định tài chính và mang lại niềm vui cho cuộc sống, việc làm của Barbara còn làm tăng thêm giá trị bản thân cô. Thật rất đáng bỏ công khi những việc làm nhỏ nhặt của chúng ta cùng lúc mang lại nhiều gia vị làm cho cuộc sống thêm phong phú.
Sau khi đáp ứng nhu cầu ổn định tài chính và có thêm niềm vui trong cuộc sống, chúng ta lại cần đến sự nhận thức giá trị của bản thân, nghĩa là không mang mặc cảm tội lỗi và không xứng đáng. Ở đây, không nên nhầm lẫn sự nhận thức giá trị bản thân với tính tự cao hay tự tôn. Chỉ đơn giản là hiểu rõ về giá trị và thực lực của bản thân. Những người nào không tự nhận thức về bản thân một cách tích cực sẽ luôn cảm thấy mình kém cỏi, không đủ nghị lực để có thể làm chủ được vận mệnh của mình. Họ có thể có rất nhiều tiền và những cảm giác thú vị khác, nhưng lại không tìm thấy niềm vui và hạnh phúc thật sự. Khi không nhận thức rõ về giá trị của bản thân, chúng ta sẽ dễ bị người khác và hoàn cảnh uy hiếp tinh thần, luôn có thái độ phòng thủ đối với bản thân cũng như với những lãnh địa của mình. Cho dù có để lộ ra sự yếu thế hay không, chúng ta vẫn thường dễ nổi giận, nâng bản thân mình lên bằng cách hạ những người khác xuống bằng lời nói hoặc tinh thần, để rồi sau đó chúng ta vẫn cứ tiếp tục có những suy nghĩ không tốt về bản thân.
Tự đánh giá mình
Nhận thức đúng giá trị của bản thân nghĩa là hiểu rõ những mặt tốt của mình, tôn trọng bản thân, hiểu được giá trị của thành công và luôn cảm thấy mình đủ khả năng vá sức mạnh để làm chủ số phận của mình. Và ngay cả khi bị người khác hạ thấp giá trị, dùng lời nói hay hành động làm tổn thương bạn thì những suy nghĩ về giá trị của bản thân bạn vẫn không hề lay chuyển hay đổi khác.
Đừng bối rối khi thấy người khác quá tự tôn vì điều đó chẳng có ý nghĩa gì. Người ta luôn tìm mọi cách để nâng giá trị của mình lên và hạ người khác xuống một cách khéo léo. Họ phải làm như vậy vì thật ra trong thâm tâm, họ luôn mang nặng cảm giác tự ti.
Nhận thức giá trị của bản thân nghĩa là bạn hiểu rõ mình chỉ hoàn hảo theo quan điểm của riêng mình và bạn chấp nhận được chính con người mình. Thậm chí nếu bạn đang cố hoàn thiện mình về một số mặt nào đó thì bạn cũng vẫn nghĩ rằng mình chỉ bắt đầu với những gì mình đang có là tốt rồi. Bạn gạt qua một bên những mặc cảm tội lỗi và cũng chẳng hối tiếc về bất cứ điều gì trong quá khứ. Bạn ý thức được rằng mình là một thể duy nhất và là một thể hoàn hảo tồn tại trong vũ trụ này.
Bạn có thể không công nhận vũ trụ này hoàn hảo theo như những gì bạn thấy, nhưng dĩ nhiên, bạn cũng không thể chỉ vào bầu trời đêm và nói rằng: “Vũ trụ này gần như hoàn hảo, chỉ ngôi sao kia là được đặt sai chỗ mà thôi”. Bạn cũng là một vật thể trong vũ trụ hoàn hảo này như các ngôi sao, cây cối, đất đá và muôn loài động vật khác.
Minh chứng cho giá trị của mình
Hãy tưởng tượng bạn là một người vợ ở nhà lo việc nội trợ. Trong khi đang bận bịu chuẩn bị bữa ăn tối thì có điện thoại đến, vì lịch sự bạn không thể ngắt ngang cuộc gọi, các món ăn bạn đang nấu dỡ dang vì thế mà bị cháy. Sau đó chồng bạn về cằn nhằn bạn bằng những lời nói hết sức khó nghe. Anh ấy lớn tiếng mắng bạn: “Cô thật hết nói nổi. Có mỗi chuyện nấu ăn mà cũng làm không xong”.
Nếu không ý thức được giá trị của bản thân, bạn sẽ rất dễ bị khuất phục bởi cơn giận dữ của chồng và rồi cảm thấy mình có lỗi, sợ sệt và hèn mọn. Bạn sẽ bắt đầu tin rằng mình đúng là tệ hại và còn lâu lắm mới trở nên hoàn hảo được.
Thật ra nếu câu chuyện trên diễn tiến đúng như vậy thì rõ ràng là cả cộng đồng nơi bạn đang sống cũng không thể hoàn hảo được, vì một sự vật được coi là hoàn hảo nó phải hoàn hảo ở mọi phương diện. Một khuyết điểm hay một sai sót nhỏ cũng phá hỏng sự hoàn hảo vốn có của nó. Vì vậy, chúng ta không thể công nhận sự hoàn hảo nơi lục địa chúng ta đang sinh sống.
Mà lục địa là một phần của trái đất, thế thì cả hành tinh có tên gọi là trái đất cũng không được xem là hoàn hảo. Và nếu muốn chính xác hơn nữa thì có thể nói rằng cả hệ mặt trời này bao gồm nhiều hành tinh khác quay quanh mặt trời cũng không hoàn hảo tuốt vì chứa bạn là một vật thể rất nhỏ không hoàn hảo trong đó. Mặt trời cũng chỉ là một trong hàng tỉ ngôi sao trong thiên hà được gọi là dải ngân hà. Và như vậy một lần nữa ta có thể khẳng định rằng toàn bộ thiên hà này cũng không hoàn hảo. Nhưng thiên hà này cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong số toàn bộ những thiên hà liên kết lại để tạo nên vũ trụ. Vậy cũng dễ dàng đi đến kết luận rằng cả vụ trụ này cũng không thể hoàn hảo được chỉ vì được kết hợp từ những vật thể nhỏ nhoi trong đó có bạn, là một vật thể không hoàn hảo.
Nếu diễn giải sự việc theo quan điểm này thì nghe rất buồn cười khi bạn cứ cho rằng mình không hoàn hảo chút nào. Thật sự thì vũ trụ này hiện rất hoàn hảo với những gì nó đang có, bao gồm cả bạn. Không quan trọng việc bạn là ai, bạn làm gì, bạn vẫn có thể nhận rõ chân giá trị của mình vì bạn luôn là một phần của một vũ trụ hoàn hảo. Đừng bao giờ quên điều này cho dù bạn đã có những hành động thế nào đi nữa hoặc người khác có nhận xét thế nào thì sự hoàn hảo của cá nhân bạn vẫn không thay đổi.
Tha thứ: một gia vị kỳ diệu
Việc tha thứ cho bản thân về những lỗi lầm trong quá khứ là một điều có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ai cũng có thể phạm sai lầm. Chẳng phải những bài học lớn nhất của chúng ta đều được rút ra từ những sai lầm lớn nhất đấy thôi?
Sai lầm và vấp ngã chính là cách để chúng ta trở nên trưởng thành và khôn ngoan hơn. Thomas Edison chưa bao giờ xem các thất bại của mình là sai lầm. Ông có một câu để đời rằng “đã học được cả ngàn cách để không tạo ra được bóng đèn điện”. Quá khứ đã qua rồi và chỉ tồn tại trong trí nhớ bạn mà thôi. Mỗi ngày tới bạn trở nên mới mẻ hơn và những lỗi lầm hay mặc cảm trong quá khứ đều không thể mang lại điều tích cực nào cho cuộc sống hiện tại của bạn hay bất cứ ai khác nữa.
Thử nghiệm + Sai lầm = Trưởng thành
Lỗi lầm là điều tất yếu phải có trong quá trình tìm ra giá trị thật của bản thân. Nếu cảm thấy hối tiếc vì những lời nói hay hành động nào đó thì hãy rút ra bài học cần nhớ và cư xử hợp lệ hơn trong lần sau. Bạn vẫn hoàn hảo cho dù đã phạm sai lầm.
Vậy là tôi đã đề cập hết 3 trong 7 thành tố làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn. Chúng ta cần có sự ổn định về tài chính để đáp ứng các nhu cầu sống tối thiểu, thường xuyên có những niềm vui trong cuộc sống và cần nhận thức rõ giá trị của bản thân.
Con người đôi khi cư xử như thể họ nhất thiết phải được những người xung quanh tán thành, chấp thuận thì mới có thể tồn tại được vậy. Nếu có ai đó phê bình việc làm của họ, họ thường có phản ứng như thể cuộc sống của mình đang bị đe dọa nghiêm trọng vậy. Trong khi đó những loài động vật bốn chân lại không hề mất thời gian cho những chuyện này. Có bao giờ bạn thấy một con sóc nào lại khổ tâm và nghĩ đến chuyện tự vẫn vì những ưu tư trong đời sống của nó không? Nếu một chú sóc nào đó gặm hết mấy bông hoa bạn cắm ở đầu giường và bạn giận dữ quát thẳng vào mặt nó rằng: “Quỷ tha ma bắt mày đi, đồ khốn, biến khỏi đây ngay!” Tôi đoán chắc với bạn rằng con sóc ấy sẽ chẳng bao giờ mất ngủ hay tức giận vì bị la mắng nặng lời như thế. Lũ sóc ấy cũng vẫn bình thường cho dù ai đó có cứ chửi chúng là đồ sóc.
Loài động vật bình thường chẳng cần phải làm gì nhiều để có được ba gia vị đầu tiên này cho một cuộc sống thỏa mãn, tuy vậy những nhu cầu của chúng vẫn được đáp ứng đầy đủ. Những con thú này luôn hài lòng khi chúng được sinh ra như vậy và luôn có một nhịp sống ổn định. Thật ra thì ba nhân tố này hoàn toàn rất dễ kiếm. Hầu hết chúng ta trải qua một cuộc sống mà phải đấu tranh với những điều này chỉ để một ngày không xa kia sẽ có được sự hài lòng như những chú sóc vô tư lự kia.
HÀNH ĐỘNG NGAY!
Bạn có thể phát huy các giá trị của bản thân bằng cách lập ra một danh sách liệt kê chi tiết những nét tiêu biểu, phẩm chất và cá tính của mình mà bạn cho là ưu điềm.
Đây không phải là một dạng bài tập về sự khiêm tốn đâu, hãy tự nhắc mình như vậy.
* Hãy viết ra càng nhiều ưu điểm càng tốt.
Sau đó:
* Ghi lại những điều bạn từng hối tiếc: những lời nói, việc làm trong quá khứ.
* Bắt đầu ngay từ đầu danh sách đã hoàn chỉnh của bạn bằng câu nói: vết thương đã lành và mình đã được tha thứ.
* Sau mỗi điều hối tiếc hãy nói ra câu trả lời đủ để bạn nghe được, sau đó dùng viết lông gạch bỏ những điều bạn đã giải quyết xong và không bao giờ nghĩ đến điều đó nữa.
* Đọc lại bảng liệt kê các ưu điểm để cảm thấy an tâm hơn về bản thân.
* Áp dụng 4 điều cần ghi nhớ :
1. Nếu bạn cho rằng mình kém cỏi, hãy nói về những điều bạn đang nghĩ về mình.
2. Nói ra những điều bạn muốn bằng cách liệt kê thành từng mục nhỏ những phẩm chất của bản thân, chẳng hạn như bạn muốn vẫn giữ được tự tin ngay cả khi bị người khác phê phán hay chỉ trích.
3. Sau đó thường xuyên tự nhủ mình thực hiện những cảm xúc tích cực như trong bảng liệt kê. Ví dụ như, hãy tự nhủ rằng: “ Mình rất tự hào vì đã trở nên chính chắn hơn” hoặc “Mình sẽ vượt qua các sai lầm để trở nên ngày một hoàn hảo hơn…”
4. Khi đã tìm được sự liên kết giữa những điều tự nhủ với cảm giác bạn có lúc đó – là bạn đang tự nhận lấy trách nhiệm tạo cảm xúc cho bản thân mình.
NHỮNG ĐÒI HỎI CỦA CUỘC SỐNG
1. Thu nhập ổn định
2. Có nhiều những niềm vui
3. Nhận thức rõ giá trị của bản thân
Ba thành tố đầu tiên này mang tính cơ bản nhất vì đó là những đòi hỏi của chính cuộc sống. Chúng ta cần đến chúng như bao loài động vật hữu nhũ khác trên trái đất này. Bây giờ hãy xem bốn thành tố kế tiếp là những gì mà chỉ có con người chúng ta mới có và thật sự là chúng có thể làm cho cuộc sống của chúng ta tươi đẹp hơn rất nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét