Chào các bạn!

Tất cả các quyển sách trực tuyến, chúng tôi đều có sẵn Ebook và Audio book. Nếu có nhu cầu mời các bạn vào đây để tải: Hướng dẫn cách tải links trên các host TẢI EBOOK- AUDIO BOOK TỪ A --> Z


HYCSBC - Tư duy toàn cầu

“Dù thích hay không, chúng ta cũng đang sống trên hành tinh này. Vì thế, tốt hơn hết là hãy làm một điều gì đó cho nhân loại.” - Vị Dalai Lama thứ 14 của Tây Tạng.
Đã bao giờ bạn bất ngờ gặp một người quen nào đó của mình ở một nơi xa lạ và vào thời điểm mà bạn hoàn toàn không ngờ đến? Nếu đã từng trải qua cảm giác đó, hẳn bạn cũng đồng ý với tôi rằng, thế giới nhỏ bé hơn chúng ta vẫn nghĩ rất nhiều. 

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhà tâm lý - xã hội học Stanley Milgram đã trình bày phương pháp “thế giới nhỏ bé”, thể hiện qua khái niệm “Sáu mức độ khác biệt”. Ý tưởng chính của phương pháp này là tất cả chúng ta đều có thể nối kết với người khác chỉ qua sáu bước. 

Thế nhưng ngày nay, trong thế kỷ 21 này, việc liên lạc giữa con người không cần đến sáu bước như Stanley Milgram gợi ý. Mạng thông tin toàn cầu giúp chúng ta kết nối được với nhau một cách nhanh chóng và dễ dàng. Trong thế giới đa chiều, mọi thứ đều trở nên rất rõ ràng, bất chấp những khác biệt về văn hóa và những xung đột về chính trị đang diễn ra hằng ngày. 

Có thể ví, mỗi chúng ta như một tế bào thần kinh đang đánh thức bộ não toàn cầu. Dù nhiều hay ít thì tất cả những suy nghĩ và hành động của chúng ta đều có khả năng ảnh hưởng đến người khác. Và dù thích hay không, khái niệm “người công dân toàn cầu” đã và đang tác động đến nhiều người. 

Vậy chúng ta - những công dân toàn cầu - sẽ làm gì để đối phó với những thách thức đang xảy đến? Trước hết, mỗi người cần phải ý thức được rằng “Thế giới là một mái nhà chung”. Một điều chắc chắn là, tất cả các vấn đề xảy ra trong cuộc sống đều có mối liên hệ mật thiết với nhau và ảnh hưởng đến chúng ta: các cuộc chiến tranh, khủng bố, những thảm họa thiên nhiên, căn bệnh thế kỷ… Có thể bạn cảm thấy nhàm chán với một cuộc sống quá yên ả, thanh bình nhưng hãy nhớ, đó chính là điều mà những người đang sống trong khói lửa chiến tranh mong ước. Đã bao giờ bạn băn khoăn tự hỏi, liệu mình có thể làm gì để thế giới này trở nên tốt đẹp hơn? 

Tất nhiên, bạn không cần phải đi du lịch khắp thế giới hay tham gia vào một tổ chức quốc tế nào đó thì mới có thể trở thành người công dân toàn cầu và góp phần tạo nên sự khác biệt cho thế giới. Hãy bắt đầu từ chính nơi bạn đang sống. 

Hãy bắt đầu từ chính ngôi nhà của bạn. Với những hoạt động tốt đẹp nho nhỏ mỗi ngày, chẳng hạn như giúp đỡ một ai đó, làm sạch môi trường sống quanh mình, bạn đã góp phần cho làm thế giới này trở nên tươi đẹp hơn. 

Một nghiên cứu của nhà khoa học Nhật Bản - tiến sĩ Masaru Emoto – đã mang đến cho chúng ta một thông tin rất thú vị: Ngay cả những suy nghĩ của chúng ta cũng có khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác. Tiến sĩ Masaru Emoto đã tiến hành thử nghiệm trên các mẫu cấu trúc tinh thể của nước trước và sau khi cầu nguyện; trước và sau khi phát các loại nhạc vui nhộn và êm dịu; hoặc thử nghiệm với những từ ngữ khác nhau. Kết quả của những lần thử nghiệm này khiến nhiều người hết sức bất ngờ. Sức mạnh từ ngôn từ và tư tưởng đẹp, dù chỉ được viết ra trên giấy, thật đáng ngạc nhiên. Chúng tạo ra những tinh thể nước tuyệt đẹp! Từ nghiên cứu này của Masaru Emoto, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng, những hành động và suy nghĩ tốt đẹp, dù đơn giản như nói lời cảm ơn, cũng có thể ảnh hưởng tích cực đến thế giới mà chúng ta đang sống. 

Con người luôn lớn lao hơn so với những gì họ vẫn tự nghĩ về mình. Theo đó, ảnh hưởng của họ đối với thế giới cũng rất rộng lớn. Nhà thơ William Blake đã viết: 

“Một tư tưởng có thể đổ đầy đến bao la”. Trong một bộ phim về đề tài môi trường năm 1971, Ted Perry có nói: “Như chúng ta biết, Trái đất không thuộc về con người mà là con người thuộc về Trái đất. Tất cả chúng ta được nối kết với nhau trong một thể thống nhất”. 

Và câu chuyện dưới đây của Moorman Robertson Work Jr sẽ giúp chúng ta hiểu rõ về mối liên hệ này. 

Người công dân toàn cầu: Câu chuyện của tình yêu thương 

Tôi sinh ra và lớn lên trong một thị trấn nhỏ ở Oklahoma. Mặc dù được sống trong một gia đình hạnh phúc, được học hành đàng hoàng nhưng chẳng hiểu sao, tôi luôn cảm thấy mình không hoàn toàn thuộc về nơi mình đang sống. 

Từ nhỏ, tôi thường được dạy rằng “Hãy biết yêu thương và quan tâm đến những người hàng xóm của mình”, nhưng hầu như chưa bao giờ tôi có cơ hội thực hiện lời dạy này. Những người hàng xóm của tôi - những người Mỹ gốc Phi - luôn phải đi làm ở những thị trấn nhỏ khác và chỉ trở về sau một ngày làm việc dài. 

Thông qua những tờ báo ở trường, tôi nhận thức được các vấn đề tồn tại của xã hội hiện đại và ít nhiều biết đến tổ chức Liên hiệp quốc. Tôi hiểu được tác động tích cực của tổ chức này đối với các quốc gia trên thế giới. 

Ngay từ nhỏ, tôi đã không thích những thành kiến xã hội, dù dưới bất cứ hình thức nào. Lên trung học, tôi tham gia vào các phong trào bảo vệ quyền công dân, đặc biệt là quyền bình đẳng giới. Thậm chí, tôi còn dẫn đầu một cuộc phản đối chính sách cấm học sinh nữ mặc váy trong thư viện và cắt tóc ngắn. Thế nhưng, bước ngoặt nhận thức của tôi chỉ xảy ra vào năm thứ nhất đại học, khi nhóm chúng tôi tham gia một cuộc hội thảo về đề tài “Đổi mới tôn giáo trong thế kỷ XX” do Học viện Cơ đốc giáo tổ chức ở Chicago. 

Buổi hội thảo được tổ chức tại một khu ổ chuột của những người Mỹ gốc Phi. 

Đó là nơi mà Học viện Cơ đốc giáo đã chọn để thực hiện mô hình mẫu của cộng đồng mới. Trong khi khu Oklahoma của chúng tôi sạch sẽ bao nhiêu thì ở đây lại bẩn thỉu bấy nhiêu. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả lại chính là những thay đổi diễn ra trong lòng tôi. Chúng tôi đã có buổi thảo luận thú vị với rất nhiều nhà thần học danh tiếng về những vấn đề muôn thuở như siêu nhiên, hiện thực và cả việc kiếm tìm ý nghĩa cuộc sống… Hôm đó, tôi đã học được rằng, mỗi chúng ta nên chấp nhận cuộc sống như nó vốn có, đừng tìm kiếm một thế giới khác, một hoàn cảnh sống khác hoặc những điều kiện khác. Cuộc sống của chúng ta vốn dĩ hoàn hảo như chính bản thân nó. 

Tôi cảm nhận được những đổi thay kỳ diệu của mình nhằm vươn tới những điều tốt đẹp và hoàn thiện. Và tôi muốn chia sẻ điều đó với tất cả mọi người! Kết thúc khóa học một tháng ở học viện, tôi nhận ra sứ mệnh của mình. Tôi muốn dành cả cuộc đời mình để tạo nên sự khác biệt cho thế giới, giúp mọi người nhận ra tiềm năng của họ. Từ đó, tôi thường xuyên tham dự các buổi hội thảo và làm việc trong học viện. Cũng tại đây, tôi đã gặp một người phụ nữ tuyệt vời và tìm thấy hạnh phúc của mình. Không chỉ vậy, những ngày tháng này còn giúp tôi nhận ra vẻ đẹp tuyệt diệu của hành tinh này. Đây là lần thức tỉnh thứ hai của tôi. 

Vào thời điểm đó, Học viện Cơ đốc giáo thành lập thêm một phân nhánh mang tính chất thế tục nhiều hơn, đó là Viện nghiên cứu các vấn đề văn hóa. Mục tiêu của viện là giúp con người nhận ra những khả năng tiềm ẩn trong họ, để góp phần tạo nên một thế giới công bằng, hòa bình và tràn đầy tin yêu. Một nhóm đồng sự trong viện đã quyết định tổ chức một chuyến đi khắp thế giới nhằm tìm hiểu xem: Làm thế nào chúng ta có thể mở lòng mình để tạo nên một cuộc sống tốt đẹp, bao dung, chân thật và phong phú hơn? Tất cả chúng tôi đều muốn tìm hiểu thấu đáo những vấn đề đó. 

Kế hoạch của chúng tôi khá quy mô: Đi vòng quanh thế giới chỉ trong 32 ngày. Trong thời gian ngắn ngủi này, sự thay đổi giữa các nền văn hóa, từ phong tục, khí hậu, địa hình, ẩm thực, ngôn ngữ sẽ giúp chúng tôi thay đổi cảm giác, tâm lý và nhận thức của mình. Và mục đích của chúng tôi trong chuyến đi này là quan sát và tác động đến phần thế giới mà chúng tôi muốn phục vụ. 

Trong chuyến đi đó, tôi luôn cảm thấy ngạc nhiên khi chứng kiến sự đa dạng của nhiều nền văn hóa lớn, những đại dương bao la, những thành phố đông đúc, những kiến trúc lạ mắt. Đó có thể là cuộc sống huyền bí của người Aztec ở Bắc Mỹ; vẻ đẹp hùng vĩ của điện thờ Shinto; sự pha trộn tuyệt vời giữa các nền văn hóa ở Hồng Kông; vẻ thanh bình của Emerald Buddha; cảnh hiến tế trong những đền thờ đạo Hinđu. Chúng tôi còn được tiếp xúc với các nhà tu Tây Tạng hay đến thăm nơi thuyết giáo đầu tiên của Đức Phật. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo nàn ở ngoại ô Calcutta; sự suy tàn của nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại. Tất cả đã giúp chúng tôi có một cái nhìn tương đối toàn diện về thế giới phong phú, đa dạng quanh mình. 

Nơi lưu trú của chúng tôi thường rất đơn giản: bậc thềm của nhà thờ hoặc một nhà nghỉ nhỏ nào đó với những điều kiện sinh hoạt chỉ ở mức tối thiểu. Dù nhiều người đã bị ốm nhưng hành trình của chúng tôi vẫn luôn tiếp tục để được trải nghiệm tất cả những điều mới mẻ của cuộc sống.

Cuối chuyến phiêu lưu, chúng tôi dừng chân tại Iceland. Hai mươi lăm người trong nhóm đã chia sẻ cùng nhau tất cả những suy nghĩ và cảm xúc của mình về những điều học được trong suốt chuyến đi, để rút ra cho bản thân những bài học ý nghĩa. Chúng tôi phát hiện ra rằng, mặc cho những khác biệt về văn hóa, mặc cho những bất đồng về tôn giáo, thể chế chính trị, tất cả mọi người đều giống nhau, đều mong muốn có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và đều cố gắng vươn tới Chân-Thiện-Mỹ. 

Tôi biết sẽ chẳng bao giờ mình có thêm một chuyến đi thú vị và đặc biệt như thế này. Tôi đã cảm nhận được nhiều điều lớn lao hơn trong cuộc sống cũng như thấu hiểu được tình yêu thương và sự bao dung của nhân loại. Tôi trở về nhà. Tôi đã khắc ghi hình ảnh Đất Mẹ vào trái tim và đã tìm thấy câu trả lời cho những thắc mắc của mình. Tôi sẽ góp phần làm thay đổi cuộc sống bằng tình yêu và lòng bao dung của mình. Tôi là một đứa con của trái đất nhưng đồng thời cũng là đứa con của nhân loại. Và tôi biết sứ mệnh của mình là phải phục vụ cho tất cả mọi người. 

Những ước mơ từ thời thơ ấu của tôi đã trở thành hiện thực khi tôi được làm việc cho tổ chức Liên hiệp quốc. Tấm hộ chiếu Liên hiệp quốc đã giúp tôi hoàn thành sở nguyện của mình. Tôi đã sống một cuộc đời ý nghĩa, giúp được nhiều người thay đổi cuộc sống của họ.

Trước đó, tôi chưa bao giờ rời khỏi thị trấn nơi tôi sinh sống. Nhưng sau chuyến đi này, tôi đã trải qua một cuộc sống đầy màu sắc. Suốt 20 năm, tôi đã cùng vợ và hai con trai sống tại những khu ổ chuột trong thành phố hoặc những ngôi làng nghèo khó ở Malaysia, Hàn Quốc, Mỹ, Jamaica và Venezuela. Tôi đã giúp những người dân ở nhiều địa phương cải thiện hệ thống cung cấp nước, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và những vấn đề khác liên quan đến giáo dục. 

Từ cậu bé được sinh ra trong một thị trấn nhỏ ở Oklahoma, tôi đã sống cả đời mình với tình yêu rộng lớn của nhân loại. Tôi hiểu được rằng, thế giới mà chúng ta đang sống chứa đựng rất nhiều nghịch lý, đầy tình yêu thương và sự cảm thông nhưng cũng không ít đau khổ và bất công. Thế nhưng, dù điều gì xảy ra chăng nữa thì nó vẫn là một thế giới tốt đẹp. Cuộc sống mới đã giúp tôi có cơ hội đón nhận một trong những món quà quý giá nhất trong đời, đó là tình yêu thương mà con người dành cho nhau. 

Giờ đây, dù đã chuẩn bị nghỉ hưu nhưng tôi tin mình sẽ còn tiếp tục công việc trong vai trò một nhà tư vấn, một giáo viên. Tôi đang ra sức giảng dạy và đào tạo thêm nhiều công dân toàn cầu để họ có thể tiếp bước con đường mà tôi đang đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét