Chào các bạn!

Tất cả các quyển sách trực tuyến, chúng tôi đều có sẵn Ebook và Audio book. Nếu có nhu cầu mời các bạn vào đây để tải: Hướng dẫn cách tải links trên các host TẢI EBOOK- AUDIO BOOK TỪ A --> Z


Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống - Chương 11

      Chương 11 - Đừng mất công cưa vụn mạt cưa

Khi viết câu này, ngó qua cửa sổ, tôi thấy trong vườn tôi , có những vết chân của con quái vật sống trong khuyết sử thời đại, in vào đá và diệp thạch. Tôi đã mua những vết chân đó tại viện Bảo tàng Peabody của Đại học đường Yale và tôi còn giữ bức thư của viên bảo quản, cam đoan những vết chân đó có tự 180 triệu năm nay. 
<!-- more -->
Dù một người ngu dại nhất chắc cũng không để có ý tưởng muốn đi ngược lại 180 triệu năm của thời gian để làm thay đổi những vết chân đó. Mà ví dụ người đó có nghĩ như vậy, thì xét cho cùng, cũng không điên rồ hơn những kẻ bứt rứt, nhiều người thường khổ sở vì lẽ ấy. Chắc chắn chúng ta chỉ  có thể hành động để sửa đổi kết quả của một sự kiện đã xảy ra từ 180 giây đồng hồ trước, nhưng chúng ta không có cách gì thay đổi được một sự đã xảy ra rồi.

Có một cách độc nhất ở đời để lợi dụng dĩ vãng là phân tích một cách điềm tĩnh những lỗi lầm đã trót phạm, làm bài học nhớ đời rồi quên hẳn những lỗi đó đi, đừng cho nó giày vò ta nữa.

Tôi biết sự đó hợp lý, nhưng chính tôi đã bao giờ có đủ can đảm và lương tri để xử sự như vậy chưa? Muốn trả lời câu hỏi này, xin bạn nghe câu chuyện đã xảy ra cho tôi cách đây nhiều năm:

Tôi đã dùng 30 vạn mỹ kim làm vốn mà chẳng thu được một xu nhỏ lời. Đầu đuôi thế này: Tôi gầy dựng một tổ chức lớn, chuyên môn dạy học những người đã trưởng thành. Mỗi tỉnh lớn đều có một chi nhánh và tôi đã không tiếc tiền quảng cáo. Tôi bận dạy học đến nỗi không có thời gian và cũng không có cả ý muốn kiểm soát phương diện tài chánh của công cuộc kinh doanh đó. Tôi khờ dại đến nỗi không thấy rõ tôi rất cần một viên giám đốc giảo hoạt coi chừng những con số chi ra.

Rút cuộc, một năm sau tôi mới nhận thấy một sự thực hiển nhiên, để rồi cụt hứng và phẫn uất. Tôi thấy rằng tuy con số thu khổng lồ, mà không có được một số lời nhỏ nhít.

Thấy vậy đáng lẽ phải làm hai việc:

Việc thứ nhất là có đủ lương tri bắt chước nhà Bác học da đen, George Washington Carver, khi ông này mất món tiền dành dụm trong cả một đời là bốn vạn mĩ kim vào dịp ngân hàng mà ông gởi tiền bị vỡ nợ. Khi có người hỏi ông đã biết bị phá sản chưa, ông trả lời: "Vâng, tôi có nghe nói như vậy" và tiếp tục dạy học như thường. Ông đã triệt để xoá bỏ sự thua lỗ trong trí nhớ đến nỗi không bao giờ nhắc tới nữa.

Việc thứ hai đáng lẽ phải làm, là phân tích những nguyên nhân gây ra thất bại để rút ra một bài học lâu dài.

Nhưng thú thật cùng bạn, cả hai việc cốt yếu kia, tôi không làm việc nào. Trái lại, tôi tự giày vò khổ sở. Sau đó hàng tháng, lúc nào tôi cũng như người mất hồn, ngủ không được, người rạc đi. Đáng lẽ cái dại trước đem lại cái khôn sau thì tôi lại cứ cắm cổ tái diễn cái ngu.

Tôi ngượng mà công nhận sự ngu ngốc đó, nhưng từ lâu kinh nghiệm dạy tôi rằng: "Dạy khôn hai mươi người dễ hơn sự thực hành những điều khôn chính mình đã dạy".

Tôi rất tiếc không nhận được cái may mắn theo học ông Brandwine tại Đại học đường George Washington ở Nữu Ước. Một người đã được cái may mắn đó là ông Sanders, ngụ tại nhà số 939, đại lộ Woodycres Bronx, Nữu Ước.  Ông Sanders kể lại với tôi rằng ông Brandwine, hồi ấy chuyên dạy về sinh học, đã cho ông ta một bài học hữu ích vô cùng.

Ông Sanders kể: "Bấy giờ tôi chưa đầy hai mươi tuổi, mà đã lo sợ đủ thứ. Bài làm có lầm lỗi chỗ nào là tôi ngấm ngầm giày vò tôi cho đến khổ sở. Gặp một kỳ thi, tôi thức thâu đêm để cắn móng tay, sợ mình sẽ rớt. Tôi sống để suy nghĩ những việc đã làm; để hối tiếc đã làm bậy: đắn đo đến những câu đã nói để tự trách mình sao chẳng nói thế này, thế nọ, có hơn không?

Thế rồi một buổi sáng, lớp chúng tôi trực tại phòng thí nghiệm ban Thực vật học và thấy trên bàn, trước mặt ông giáo Brandwine có lù lù một chai sữa. Chúng tôi ngồi xuống và tự hỏi không biết chai sữa kia có liên lạc gì với bài sinh học bữa đó. Bỗng nhiên, ông Brandwine đứng phắt dậy, gạt chai sữa cho rơi mạnh vào chậu sứ rửa tay mà la lớn lên rằng: "Đừng có than tiếc chỗ sữa đổ". 

Đoạn ông bảo chúng tôi lại gần và nói: "Ngó cho kỹ- vì tôi nhớ bài học này suốt đời. Chỗ sữa này chảy mất hết và các trò nhớ bài học này suốt đời. Chỗ sữa này chảy mất hết và các trò có thể thấy nó đang chui ra đường mương, bây giờ các trò có dằn vặt và bứt tóc cũng chẳng thu lại được giọt nào. Suy nghĩ một chút, cẩn thận một chút thì có lẽ chỗ sữa này đã không mất. Bây giờ trễ giờ rồi và ta chỉ còn có thể quên phứt nó đi và bắt đầu làm việc khác".

Ông Sanders thêm rằng: "Sự chứng minh nhỏ đó, nay tôi còn nhớ như in, trong khi tôi đã quên hẳn những bài hình học và Latinh mà tôi từng đã thuộc làu. Thật ra, trong đời sống thực tế, nó có ích nhiều hơn bất cứ môn nào tôi đã học trong bốn năm tại đại học đường; nhưng khi nó đã đổ loe loét xuống cống thì quên phứt nó đi cho rồi chuyện".

Đọc tới đây, chắc có bạn cười khẩy cho rằng chỉ có một câu phương ngôn con nít cũng biết, việc gì phải làm lớn chuyện như thế. Tôi cũng biết, việc gì phải làm lớn chuyện như thế. Tôi cũng biết thiên hạ nhàm tai về câu ấy, vì nó ở đầu lưỡi mọi người và nhắc đến nó thì gần như vô duyên. Tôi biết bạn đã nghe câu ấy đến ngàn lần. Nhưng tôi cũng biết thêm rằng những câu có vẻ tầm thường đó là tinh tuý của đức tính khôn ngoan, lịch lãm cổ truyền, từ ngàn năm trước. Nó là kết tinh những lịch duyệt của cả nhân loại, cha truyền con nối biết bao nhiêu đời. 

Nếu bạn có thể đọc hết thảy những sách luận đề về những ưu tư, do những bậc thông thái nhất trong hoàn cầu đã soạn, thì bạn cũng không thể kiếm được một dòng nào có chân nghĩa sâu xa hơn những câu phương ngôn thông dụng nhất như "Chưa tới những cây cầu, đừng lo thiếu cách qua sông" hay "Đừng than tiếc chỗ sữa đổ".

Nếu ta biết áp dụng hai câu phương ngôn đó - hơn là ngồi mà cười khẩy - thì ta không còn cần tới cuốn này một chút nào. Thật ra, nếu ta biết áp dụng một số lớn những câu phương ngôn cũ kỹ, thì đời sống của chúng ta gần như hoàn hảo. Nhưng, sự hiểu biết sẽ hoàn toàn vô hiệu nếu ta không biết hành động đúng theo hiểu biết của ta. Mục đích của cuốn sách nầy không phải là nhắc bạn những điều bạn dư biết, mà là giúp bạn thực hành và mỗi lần bạn có quên, thì đá vào chân bạn cho nhức để nhớ, thế thôi!

Từ lâu tôi vẫn kính phục một người đã quá cố là ông Fred Fuller Shedd. Lúc sinh thời, ông có biệt tài phô diễn những ý cũ mèm và đập nó vào trí não người ta. Ông là chủ bút tờ báo Philadephia Bulletin và khi diễn thuyết trước học sinh một trường trung học, đã hỏi họ: 

"Những trò nào đã từng thấy xẻ gỗ, giơ tay lên". 

Phần đông đều giơ tay. 

Đoạn, ông lại hỏi: "Ai đã thấy xẻ mạt cưa?" 

Không có ai giơ tay cả. Ông liền nói: 

"Lẽ dĩ nhiên, có ai thấy xẻ mạt cưa bao giờ! Làm sao mà cưa, xẻ nó được, vì nó đã vụn như cám rồi! Quá khứ cũng vậy! Khi các trò ưu tư về những chuyện đã qua, hối tiếc khi đã muộn, ấy là các trò đem đống mạt cưa ra mà cưa, xẻ vậy".

Ông Connie Mack, hồi thiếu thời là một cầu tướng cừ khôi, khi ông 81 tuổi, nghe tôi hỏi có bao giờ phiền muộn vì đã thua một trận đấu không, ông trả lời:

"Có chứ, tôi thường có khó khăn đó. Nhưng tôi đã diệt được sự vô ý thức ấy từ lâu rồi và tôi bình thản lắm. Nước nguồn đã thoát khỏi đồng bằng thì còn dùng quay guồng máy xay lúa sao được nữa?

Thật vậy, nước đó chẳng dùng xay lúa mà cũng chẳng dùng xẻ cây được. Nhưng dù sao, riêng bạn bao giờ cũng còn có cách xóa nhẵn những vết nhăn trên mặt hoặc chữa lành chứng ung thư của bạn.

Chàng kể: " Giữa trận đấu, tôi đột nhiên cảm thấy hết thời gian... Tới hiệp thứ mười, tuy chưa xỉu, nhưng đứng đã không vững. Mặt tôi vừa toạc vừa sưng, mắt tôi gần nhắm nghiền lại. Bỗng tôi thấy trọng tài đưa tay Tunney lên, nhận rằng anh ta đã thắng: Tôi không còn vô địch nữa rồi! Tôi xuống đài, về phòng thay đồ, dưới mưa lạnh và rẽ đám khán giả mà đi. Có nhiều người cố nắm tay tôi để chia buồn. Có người mắt long lanh vết lệ. Một năm sau, tôi tái đấu với Tunney. Nhưng vô ích. Thời oanh liệt của tôi quả đã qua hắn. Thật rất khó mà nén sầu tủi, nhưng tôi tự nhủ rằng: "Sự đã xảy ra vậy, còn than tiếc chỗ sữa đổ làm quái gì! Đừng nên để "cú quai hàm" đó bắt ta đo ván chớ".

Có phải Dempsey tự nhủ như vậy hoài mà hết được tâm bệnh chăng? 

Không, vì như vậy thật chưa đủ. Chàng đã thành công là vì thắng được sự thất bại, đoạn quét hẳn nó ra ngoài trí nhớ và trút hết thông minh vào tương lai. Chàng diệt ưu tư bằng cách mở đại tưủ gia Jack Dempsey tại khu Broadway và Hotel Great Northen tại đường số 57 hoặc treo giải thưởng lớn cho đám võ sĩ hậu sinh, hay một đôi khi cũng lên võ đài biểu diễn trong ít hiệp. Chàng diệt ưu tư bằng cách cặm cụi trong những công việc cần thiết thực để kiến thiết tương lai đến nỗi không còn thời gian mà nghĩ tới dĩ vãng nữa. Chính Jack Dempsey đã nói thêm rằng: "Mười năm vừa qua tôi sung sướng hơn hồi giữ chức vô địch rất nhiều".

Trong khi nghiên cứu sử, tiểu sử và đời sống những anh hùng ở dĩ vãng và hiện tại, đã từng chịu những thử thách chua cay, tôi thường kinh ngạc và cảm phục tài phi thường của họ để diệt ưu tư và làm lại một cuộc đời sáng lạng.

Tôi có lần viếng khám Sing Sing và điều làm tôi ngạc nhiên nhất là nhận thấy những kẻ bị giam cầm tại đó cũng có vẻ sung sướng như bất cứ người trung bình nào được tự do.

Tôi có tỏ ý nghĩ đó với ông Levis E. Laurs, giám đốc khám đường và ông cho tôi biết rằng những trọng phạm kia lúc mới vô khám, bao giờ cũng đầy oán hận và sầu thảm. Nhưng sau vài tháng, một phần lớn những tội nhân thông minh hơn hết đã xoá hẳn bỉ vận đó, đành lòng với định mạng, tự ép mình vào khuôn khổ của nhà giam và lợi dụng những phương tiện nhỏ nhặt nhất để được an nhàn. Ông Warden Laives kể cho tôi nghe chuyện một tội nhân, vốn có nghề làm vườn, bị giam trong khám Sing Sing, mà vừa hát vừa trồng rau, xén bông ở trong bốn bức tường cao ngất.

Kẻ tội phạm vừa trồng bông vừa hát đó đã tỏ ra có nhiều lương tri hơn nhiều người trong bọn chúng ta. Anh ta biết rằng:

"Ngón tay của định mạng khi đã viết rồi thì biến mất. Dù bạn có khôn ngoan đến bực nào cũng không chèo kéo được định mạng để nhờ xoá bỏ hộ nửa dòng. Và hết thảy nước mắt của bạn cũng không rửa được một chữ".

Và, dù sao, không có sức mạnh nào, oai quyền nào đem lại được dĩ vãng trở về với bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét