Chào các bạn!

Tất cả các quyển sách trực tuyến, chúng tôi đều có sẵn Ebook và Audio book. Nếu có nhu cầu mời các bạn vào đây để tải: Hướng dẫn cách tải links trên các host TẢI EBOOK- AUDIO BOOK TỪ A --> Z


HYCSBC - Yêu thương chính mình

“Hãy yêu thương và đối đãi thật tốt với cơ thể của bạn. Đó là món quà quý giá nhất mà bạn đang sở hữu.” - Kurt Vonnegut. 

Tôi ngồi trong phòng trị liệu với khuôn mặt đẫm nước mắt.


– Bác sĩ có hiểu cho nỗi khổ của tôi không? Vấn đề không phải là tôi phải cố gắng bao nhiêu mà chính là dù tôi có cố gắng bao nhiêu cũng không đủ! - Với giọng thất vọng pha lẫn tức tối, tôi tiếp tục than thở. - Tôi đã thực hiện theo mọi hướng dẫn của bác sĩ, đều đặn tập yoga mỗi ngày và tham gia đầy đủ các khóa học về tâm lý. Vậy mà đến giờ, tôi vẫn không thể cân bằng được độ pH của mình và căn bệnh vẫn không thuyên giảm chút nào.

Ali, bác sĩ tâm lý, im lặng nhìn tôi đầy cảm thông. Kiên nhẫn đợi tôi trút hết bực bội, Ali ôn tồn nói:

– Jennifer ạ, tôi nghĩ vấn đề của cô chính là cách thức cô thực hành công việc của mình. Cô coi đó như những nhiệm vụ cần phải hoàn thành. Nó giống như việc cô đi vào cửa hàng bán rau quả, chọn những thứ mình cần và sau đó, kiểm tra lại danh sách xem đã đủ chưa. Cô không tự nguyện thay đổi thói quen của mình. Thái độ tham công tiếc việc đã khiến lượng hoóc–môn adrenalin trong cơ thể cô tăng lên. Cô không cần phải thay đổi cuộc sống của mình. Điều duy nhất cô cần làm là hãy biết yêu thương bản thân mà thôi.

Tôi thất vọng rời phòng trị liệu. Ali nói đúng.

Cách đây ba năm, các bác sĩ đã phát hiện sống mũi của tôi bị ung thư giai đoạn đầu. Trở về nhà sau đợt hóa trị kéo dài một năm, tôi cố gắng tập luyện nhiều hơn.

Tôi quyết định thay đổi chế độ ăn uống và đến gặp Ali – bác sĩ tâm lý – nhằm đẩy lùi vĩnh viễn căn bệnh mình đang mang trong người. Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi trong gần một năm rưỡi của tôi, căn bệnh ung thư vẫn tái phát. Cuối cùng, tôi quyết định tiến hành sinh thiết (1) với cảm giác mình đã thất bại.

Trước ngày sinh thiết một tuần, tôi đi nghỉ ở Hawaii. Từ rất lâu rồi, tôi không có khái niệm nghỉ ngơi. Cuộc sống của tôi lúc nào cũng chỉ có công việc. Dù biết những gì Ali nói là đúng nhưng tôi vẫn không thể thay đổi được thói quen của mình.

Tôi thường làm việc với tốc độ quay cuồng, hoàn toàn trái ngược với đề tài “cân bằng cuộc sống” mà bấy lâu tôi vẫn nghiên cứu.

Những ngày ở Hawaii, tôi mệt mỏi đến mức không thể làm được gì. Tôi thường tản bộ một mình trên bờ biển rồi sau đó trở về khách sạn nằm nghỉ. Điều duy nhất tôi có thể làm là cầu nguyện để tìm thấy lối thoát cho những khó khăn mình đang phải đối mặt.

Một ngày nọ, tôi gặp Ginny. Trước khi gặp bà, tôi tự tin vào vốn kiến thức y khoa của mình cũng như luôn cho rằng mình biết cách tự chăm sóc bản thân – mặc cho những điều Ali đã nói trước đó. Tôi nghĩ mình biết thế nào là tự yêu thương bản thân. Hơn mười năm tìm hiểu về đề tài con người, tôi thường định nghĩa khái niệm này chính là việc yêu thích những gì mình đang có. Hôm đó, tôi tham gia buổi trò chuyện với các thành viên trong nhóm hỗ trợ và phát biểu về cách tự đánh giá bản thân. Theo tôi, tự đánh giá bản thân quan trọng hơn những gì mình đã làm được, đang sở hữu và quan trọng hơn cả những mối quan hệ bên ngoài. Tôi đã định nghĩa về giá trị bản thân con người gồm hai yếu tố như sau: thể chất và những thành công bên ngoài.

Thế nhưng, tôi không hiểu được rằng, để chữa trị bệnh tật của mình, tôi cần phải tạo ra “một mối quan hệ với chính cơ thể của mình”. Bạn không thể chữa trị được bệnh của mình nếu chỉ dựa vào những gì bạn đã liệt kê trong danh sách những việc cần làm. Điều đầu tiên là bạn cần phải đi sâu tìm hiểu, khám phá chính mình và xác định những gì tốt nhất mà mình có thể làm cho bản thân.

Đó chính là những gì tôi đã học được từ Ginny khi chia sẻ với bà câu chuyện của mình. Ginny đã giúp tôi hiểu sâu sắc về trách nhiệm yêu thương bản thân cũng như làm thế nào để tạo nên mối quan hệ với chính cơ thể của mình. Nếu không thể thiết lập mối quan hệ gắn bó với cơ thể, ít nhất bạn cũng nên có một cuộc đối thoại cởi mở với chính mình.

Ginny đã giúp tôi hiểu rằng, tự yêu thương bản thân còn có nghĩa là trực tiếp hướng sự cảm thông của mình về một người nào đó. Tôi bắt đầu nói chuyện với chính mình và đánh giá về nó theo cách thức mới. Một thời gian sau, tôi không cần đến sự giúp đỡ của các bác sĩ nữa. Bệnh ung thư của tôi đã bị đẩy lùi.

Và sau đây là câu chuyện của Virginia Whiting Walden – người mà chúng tôi thường gọi thân mật là Ginny.

Trái tim của một vận động viên Olympic

Mười giờ đêm, không khí trong bệnh viện trở nên yên tĩnh. Tôi đi vào phòng tắm, yên lặng nhìn hình ảnh của mình trong gương: cái đầu trọc, những quầng đen dưới khóe mắt và những vết thương sau sáu tháng điều trị ung thư.

Tôi hiểu rằng trong hoàn cảnh của mình, những gì đã mất sẽ không bao giờ tìm lại được. Khi còn bé, bơi lội là môn thể thao tôi yêu thích nhất. Năm 17 tuổi, tôi gần như đủ điều kiện tham gia Olympic 1964 ở thể loại bơi tự do 100 mét. Mặc dù giấc mơ Olympic chưa bao giờ trở thành hiện thực nhưng tôi vẫn tiếp tục duy trì niềm đam mê của mình, và sau đó trở thành huấn luyện viên môn bơi lội. Ba mươi năm kế tiếp, tôi vẫn giữ được phong độ và đã xác lập được năm kỷ lục tại giải bơi lội quốc gia.

Bên cạnh đó, nghề nghiệp chuyên môn của tôi cũng phát triển tốt. Tôi đã chuyển tới Santa Fe, New Mexico, để theo đuổi nghề điêu khắc. Giờ đây, ở tuổi 50, tôi là một nhà điêu khắc có tiếng ở địa phương, và tôi rất yêu công việc chạm khắc đá của mình.

Thế nhưng, tháng 8 năm 1997, tôi được chẩn đoán bị ung thư vú. Theo lời bác sĩ, bệnh ung thư có thể tiến triển trong vòng tám đến mười năm. Tôi đã thực hiện ca phẫu thuật để cắt bỏ một khối u lớn. Với niềm tin chiến thắng bệnh tật, tôi đã thực hiện chế độ điều trị thông thường bằng cách châm cứu, ăn chay và sống tĩnh lặng. Thế nhưng, đợt hóa trị kéo dài ba tháng sau đó của tôi đã không mang lại kết quả như mong muốn. 

Một lần, Lama Dorje, một thầy tu Tây Tạng ở Santa Fe, đã khuyên tôi:

– Ginny này, cô không cần phải sợ hãi gì cả. Sợ hãi chỉ khiến cho bệnh tình nặng thêm mà thôi. Cô đã làm tất cả những gì y học chỉ dẫn, vì thế, điều cần thiết bây giờ là hãy sống lạc quan lên. Hãy làm những gì cô cảm thấy hạnh phúc.

Và tôi đã thực hiện theo lời khuyên của Lama Dorje, cố gắng sống hạnh phúc. Cuối cùng, bác sĩ của tôi đã đề nghị một phương pháp điều trị mới khá mạo hiểm có tên là “chữa tế bào gốc”. Theo đó, các bác sĩ sẽ lấy các tế bào gốc được chiết xuất từ tủy xương để cấy lại vào cơ thể sau khi đã hóa trị với liều cao. Về mặt lý thuyết, cách làm này có thể phá hủy những tế bào ung thư.

Tôi đồng ý chữa trị theo cách này với tư cách một bệnh nhân ngoại trú. Thế nhưng, mọi chuyện diễn ra sau đó thật khủng khiếp. Tôi nôn mửa và lên cơn co giật liên tục. Chứng chảy máu cam kéo dài khiến tôi mất rất nhiều máu. Kéo theo đó, lượng tiểu huyết cầu của tôi đã xuống đến mức thấp, khiến cơ thể tôi không thể cầm máu được. Tôi sụt 15 ký. Theo dự đoán, phải mất mười ngày thì các tế bào gốc mới có thể tiêu diệt được các tế bào ung thư và bắt đầu xây dựng lại hệ thống miễn dịch của tôi. Thế nhưng, đến ngày thứ chín, bạch huyết cầu của tôi được đo dưới 50 và tôi được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Các bác sĩ cho biết hệ thống miễn dịch của tôi bị suy yếu, và nếu không cẩn thận, nó sẽ khiến bệnh tình trở nên trầm trọng hơn.

Phòng bệnh nơi tôi nằm khá rộng và sạch sẽ. Đáng chú ý nhất là dòng chữ “Neutropoenic” – rất khó dịch, được treo ngay trên cửa ra vào. Các bác sĩ dự đoán phải mất hai tháng, hệ thống miễn dịch của tôi mới có thể trở lại bình thường. Từ giờ đến lúc đó, tôi sẽ được điều trị kín và không được tiếp xúc với bất kỳ người lạ nào.

Giờ đây, trong đêm khuya tĩnh lặng, tôi ngắm mình trong gương với cảm giác tuyệt vọng đến vô cùng.

Và rồi, một ý nghĩ kỳ lạ bỗng xuất hiện trong đầu tôi. Tôi nhớ đến lời khuyên của một người bạn cũ: “Ginny, bạn cần biết yêu thương chính mình”. Tôi chưa bao giờ trải nghiệm một tình yêu thương vô điều kiện nên không hiểu “tự yêu thương chính mình” nghĩa là gì. Nhưng khi nhìn vào gương và quan sát những vết thương trên thân thể mình, tôi bỗng cảm nhận hết ý nghĩa của khái niệm “yêu thương chính mình”. Và tôi bật khóc.

Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy xót thương cho chính mình. Tôi khoanh tay lại, ôm lấy cơ thể mình như người mẹ đang âu yếm đứa con trong vòng tay. Cảm giác ấm áp ngập tràn lòng tôi.

Đêm đó, tôi quên đi những đau khổ đang đè nặng trong lòng và chìm vào giấc ngủ thật sâu với cảm giác êm đềm, hạnh phúc. Tôi biết dù chuyện gì xảy ra chăng nữa thì điều duy nhất tôi có thể làm là quyết tâm vượt qua để tiếp tục sống.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy trong tâm trạng thoải mái. Tôi đứng tựa cửa sổ, ngắm mặt trời đang lên sau dãy núi Sandia, miệng lẩm nhẩm giai điệu bài “Don’t Worry, Be Happy” của Bobby McFerrin.

Y tá lấy mẫu máu của tôi đem đi xét nghiệm. Vài phút sau, bác sĩ quay trở lại với vẻ mặt đầy ngạc nhiên. Ông nói lớn:

– Thật không thể tin được. Ngày hôm qua lượng hồng cầu trong máu của cô chỉ 600. Vậy mà hôm nay, nó đã tăng lên đến 7.700. Điều này không bình thường!

Theo lời ông, chỉ có một trong hai nguyên do khiến tỷ lệ hồng cầu trong máu tăng nhanh như vậy, hoặc bệnh nhân bị sốt, hoặc bị nhiễm trùng. Thế nhưng, cả hai nguyên nhân này đều không đúng với tôi. Các y tá nói họ chưa từng thấy ai hồi phục nhanh chóng như tôi. Tôi được xuất viện đúng một tuần sau đó.

Trở về nhà, tôi nghe nói đến một phương pháp tập luyện của Trung Quốc có tên là Chi-Lel. Đây là một hình thức luyện khí công khá phổ biến ở Trung Quốc.

Tôi xem qua băng hình và hết sức ngạc nhiên trước cách thức tập luyện cũng như kết quả của nó. Cảm thấy thú vị với phương pháp mới mẻ này, tôi quyết định thực hành. Đây là một kỹ thuật dùng lòng bàn tay tác động lên cơ thể, tương tự như cách tôi đã làm trong đêm hôm đó ở bệnh viện.

Sau đó, nhiều người tìm đến tôi và đề nghị tôi hướng dẫn phương pháp này.

Liên tục trong hơn bốn tháng, tôi đã hướng dẫn cho khoảng 800 người. Tôi vừa luyện tập, vừa tìm cách giúp đỡ những người khác; đó cũng là cách giúp cho chính mình.

Sau nhiều năm, thực hành phương pháp Chi-Lel đã giúp tôi hồi phục sức khỏe thể chất, tinh thần mà không cần phải áp dụng những phương pháp điều trị truyền thống. Dù các bác sĩ chuyên khoa ung thư có khuyến cáo rằng, căn bệnh ung thư có thể tái phát trong vòng một năm nhưng cho đến nay, tôi đã sống khỏe mạnh tám năm liền. Và tính đến năm 2002, tôi đã hướng dẫn phương pháp Chi-Lel cho hơn 3.000 người.

Nhưng điều quan trọng nhất chính là những xúc cảm mà tôi đã được trải nghiệm. Sống với trái tim rộng mở, tôi cảm thấy mối quan hệ giữa mình với những người xung quanh trở nên thân thiết hơn rất nhiều. Tôi biết rằng khi học được cách yêu thương chính mình thì đó cũng là lúc tôi học được cách yêu thương con người. Tình yêu thương sẽ giúp chúng ta sống một cuộc đời phong phú và trọn vẹn. Nó đã truyền thêm cho tôi sức mạnh, đồng thời giúp tôi sống tốt hơn, cho mình và cho tất cả mọi người.


(1) Sinh thiết: là một kỹ thuật xét nghiệm được thực hiện trên các bệnh phẩm mô tươi để chẩn đoán khối u mà bệnh nhân đang mang là lành hay ác tính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét