Chào các bạn!

Tất cả các quyển sách trực tuyến, chúng tôi đều có sẵn Ebook và Audio book. Nếu có nhu cầu mời các bạn vào đây để tải: Hướng dẫn cách tải links trên các host TẢI EBOOK- AUDIO BOOK TỪ A --> Z


NQTVCCS - Từ một ý tưởng ngời sáng…

Nghề phóng viên khiến tôi được đi khắp nơi và tiếp xúc với nhiều người. Và tôi đã may mắn được gặp gỡ những con người mang trong mình đầy dẫy những sáng kiến tuyệt diệu. Những câu chuyện của cuộc đời họ luôn truyền cho tôi một nguồn cảm hứng bất tận.
Dưới đây là câu chuyện về một người người sáng chế ra chiếc máy thu năng lượng ánh sáng mặt trời để tạo ra dòng điện, là một trong số những câu chuyện thú vị nhất mà tôi từng được biết.

Dave Irvine Halliday bước ra khỏi túp lều và thả bước đi dạo bên bờ biển, dưới bầu trời đêm yên tĩnh của Nepal. Lúc này, ngoài tiếng sóng vỗ, dường như ông chẳng còn nghe thấy âm thanh gì khác. Khu làng quá yên tĩnh khiến ông lặng lẽ suy tư về nhiều chuyện khác nhau trong cuộc sống. Và rồi, ông bất chợt để ý rằng mình chẳng hề nhìn thấy một ánh đèn le lói nào được hắt ra từ cửa sổ nhà của các ngư dân trong làng. Chính điều này đã khiến Irvine quyết tâm cùng với những người bạn đồng chí hướng của mình đem chút ánh sáng nhỏ nhoi để thắp sáng cho khu làng này.

Đó là nỗi bận tâm lớn nhất của Irvine. Một mối bận tâm ấy gần như đã trở thành sự ám ảnh. Lúc nào lòng ông cũng đau đáu với một ý tưởng là làm sao có thể đem ánh sáng đèn điện đến được những ngôi làng ở các vùng xa xôi, hẻo lánh nhất trên thế giới.

Ông đã bắt đầu công việc này vào năm 1997, khi đã ở vào lứa tuổi 54 và đang sống rất hạnh phúc với chúc vụ giáo sư chuyên ngành điện và máy tính tại trường đại học Calgary ở Canada. Những người khác, ở vào lứa tuổi của ông chỉ còn biết chờ đến ngày nghỉ hưu mà thôi!

Thế nhưng, trong chuyến du lịch đến vùng Thorung La của Nepal, khi nhìn thấy những em nhỏ phải lao động cật lực trên những cánh đồng, Irvine nhận thấy thời gian các em dành cho việc học rất ít. Đã vậy, khi bóng đêm đổ xuống, ánh sáng đèn trong nhà không có thì các em không thể học tập gì được. Irvine đã đưa ra một công nghệ mới, hiện đại để tạo ra năng lượng điện đủ để thắp sáng một bóng đèn. Nhờ công nghệ này, mỗi người đều có thể sở hữu một bóng đèn thắp sáng trên bàn làm việc của mình mỗi đêm. Và từ năm 2000 đến nay, ông đã đưa ra chương trình “Thắp sáng thế giới”. Ông nói:

- Đọc và viết là những nhu cầu không thể thiếu được trong xã hội hiện đại ngày nay. Tôi chỉ muốn làm một điều gì đó để giúp mọi người có chút ánh sáng vào ban đêm để đọc sách. Và tôi đã cố gắng tối đa trong khả năng của mình!

Tính đến nay, Irvine đã đi qua nhiều ngôi làng của Nepal, đến Ấn Độ, Sri Lanka… để mở rộng và phát triển chương trình của mình. Tính từ khi ông cùng những người bạn tự nguyện bắt tay vào việc thực hiện những chương trình, đến nay, họ đã đem ánh sáng đến cho cuộc sống của hàng ngàn người.

Để có thể thực hiện được chương trình “Thắp sáng thế giới”, Irvine đã phải sử dụng toàn bộ số tiền tiết kiệm mà vợ chồng ông phải dành dụm trong mấy chục năm qua.

- Tôi còn mong muốn vươn tới con số hàng triệu người trên thế giới được sử dụng ánh sáng điện vào ban đêm. Và con số này chắc chắn sẽ còn tăng thêm nhiều hơn nữa trong tương lai! - Ông nói.

Irvine thành công bằng cách ông đã phát triển một hệ thống máy móc đơn giản. Với cách tư duy thông thường, người ta phải xây dựng những nhà máy thủy điện khổng lồ trên khắp thế giới, rồi hệ thống đường dây lớn nhỏ chằng chịt để tải điện đến từng gia đình thì mới có thể thực hiện được ước mơ đem ánh sáng điện đến với mỗi gia đình. Đó là chưa nói, ở những vùng đất khô hạn hoặc không có sông nước thì chẳng có cách nào để phát triển thủy điện và giấc mơ làm sao để “có điện” mãi mãi sẽ chỉ là giấc mơ không tưởng mà thôi! Thế nhưng, cách tư duy của một giáo sư đại học có cái tâm trong sáng và bầu nhiệt huyết như Irvine thì hoàn toàn khác. Ông nghĩ đến những tấm pin hình chữ nhật gắn trên từng nóc nhà nhằm thu lại năng lượng từ ánh sáng mặt trời để tạo ra dòng điện và mỗi gia đình chỉ cần sở hữu một tấm như vậy là đủ để đạt được ước mơ “có điện”. Mỗi chiếc máy có thể tạo ra một năng lượng đủ để thắp sáng một bóng đèn 100 watt.

Mỗi hộ dân nghèo trong những ngôi làng nhỏ ở Nepal, Ấn Độ, Sri Lanka đều được khuyến khích mua một tấm pin theo phương thức trả góp mỗi tháng một khoản tiền nho nhỏ. Hàng tháng, các nhân viên của công ty do Irvine thành lập sẽ đến từng hộ gia đình để thu tiền. Đồng thời, các nhân viên ấy cũng hướng dẫn và giải đáp những vướng mắc về kỹ thuật cho từng hộ gia đình, để đảm bảo những “chiếc máy” vẫn luôn chạy tốt. Hiện nay, công ty của Irvine đang bắt đầu gặt hái thành công trong công việc kinh doanh. Chính bản thân Irvine cũng không thể ngờ rằng vào chặng cuối cuộc đời mình, ông lại có lúc trở thành một nhà kinh doanh. Ông cho biết:

- Sự thành công của công ty càng khiến tôi giữ vững được và có thêm điều kiện để tiếp tục đem ánh sáng đến với những ngôi làng ở những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất trên thế giới…

Trong cuộc sống, bạn có quyền mãn nguyện về sự thành đạt của bản thân và an hưởng những gì mình có. Nhưng nếu bạn còn biết nghĩ đến cuộc sống khốn khó của biết bao người quanh bạn, đừng vội sớm an hưởng và hãy can đảm tự đặt ra cho mình những thử thách mới để tận tụy làm việc vì cuộc sống hạnh phúc của người khác thì sự thành đạt của bạn biết đâu sẽ còn lớn lao và có ý nghĩa hơn rất nhiều lần!


Xin mời các bạn xem phỏng vấn Dave Irvine Halliday :