Một lần nọ Kahlil Gibran (1883-1931, nhà thơ, nhà triết học kiêm nghệ sĩ Lebanon) bắt gặp một thanh niên đang đọc sách triết học trong khu vườn của... nhà thương điên.
Tuy nhiên, theo quan sát của Gibran, anh chàng nọ tỏ ra rất minh mẫn, khác hẳn những người bệnh khác.
Ngồi xuống cạnh chàng thanh niên, Gibran hỏi: "Anh vào đây làm gì?".
Thoạt tiên, người thanh niên nhìn Gibran bằng ánh mắt ngạc nhiên, nhưng sau đó có lẽ vì thấy Gibran không phải là một bác sĩ của nhà thương nên anh ta đáp:
“Đơn giản thôi. Cha tôi là luật sư danh giá, ông muốn tôi giống ông. Chú tôi làm chủ một hãng buôn lớn và ông hy vọng tôi theo nghiệp ông. Mẹ tôi muốn tôi trở thành bản sao của người chồng mà bà hết lòng yêu thương, kính trọng. Chị gái tôi luôn đem chồng chị ấy, một anh chàng thành đạt, làm gương cho tôi. Anh trai tôi cố ép tôi tập luyện để thành một vận động viên như anh ấy. Ở trường học cũng không khá hơn. Thầy giáo dạy đàn piano và thầy giáo dạy tiếng Anh đều thuyết phục tôi rằng họ là những ví dụ mà tôi cần phải học theo. Không ai nhìn tôi như nhìn một con người. Họ muốn tôi là một tấm gương mà hễ nhìn vào họ thấy hình ảnh của bản thân.
Thế nên tôi đành vào nhà thương điên này. Đây là nơi duy nhất tôi chính là bản thân tôi”.