Jean đi dạo cùng ông nội trên đường phố Paris. Tới một chỗ nọ, hai ông cháu ngẫu nhiên chứng kiến cảnh một người thợ giày đang cúi đầu lắng nghe những lời quở trách của một bà khách hàng. Té ra, vì sơ ý người thợ đã làm bà khách phật lòng. Đôi giày hơi chật khiến ngón chân út của bà hơi bị bó. Người thợ bình tĩnh lắng nghe những lời phàn nàn, vui vẻ xin lỗi và hứa sẽ sửa lại.
Ông cháu Jean dừng chân trước một quán cà phê ngoài trời. Trong khi đang thưởng thức ly cà phê sáng và ngắm khách bộ hành qua lại trên hè phố Paris, bỗng họ nghe tiếng người hầu bàn: “Xin ông vui lòng nhích qua một chút cho tôi đi qua. Ông cảm phiền, giờ này đông khách quá”. Ông nội của Jean vội vàng nhích ghế vào sát chiếc bàn. Cùng lúc ông cháu Jean chợt hiểu người hầu bàn không nói câu đó với họ. Từ bàn bên cạnh, một người đàn ông khác cau có tuôn ra những lời không mấy nhã nhặn. Thấy ông khách vẫn ngồi ì ra, người hầu bàn đành đánh một lối đi vòng vèo tới chiếc bàn đang chờ cà phê.
“Cháu đừng bao giờ quên những điều trái ngược cháu vừa thấy” - ông nội của Jean dặn cậu. “Tại sao người thợ giày vui vẻ chấp nhận những lời than phiền của khách hàng, còn một ông khách rỗi việc ngồi uống cà phê không chịu nhích qua một chút cho người khác làm việc? Khi người ta làm việc thực sự, đem lại lợi ích cho người khác, thường họ không quan tâm tới chuyện người khác sẽ đối xử với họ ra sao. Với họ, công việc là trên hết. Trái lại, những kẻ ăn không ngồi rồi, không có ích, bao giờ cùng tỏ ra là những nhân vật quan trọng”.