Chào các bạn!

Tất cả các quyển sách trực tuyến, chúng tôi đều có sẵn Ebook và Audio book. Nếu có nhu cầu mời các bạn vào đây để tải: Hướng dẫn cách tải links trên các host TẢI EBOOK- AUDIO BOOK TỪ A --> Z


VLCM 2 - Gabriel Ruelas

“Được sống đã là một điều hạnh phúc.”

Gabriel Ruelas thừa nhận mình đã đạt được mọi mục tiêu. Anh đã đánh bại Jesse James Leija - đương kim vô địch quyền Anh hạng lông (hạng cân 53,5 - 57kg), và đoạt đai vô địch Hội đồng Quyền Anh Thế giới.




Hiện anh đã lập gia đình, có cuộc sống tương đối thoải mái, và có nhiều fan hâm mộ. Thế nhưng, mấy ai biết Gabriel xuất thân từ một gia đình nghèo khổ ở Mexico, nơi mà trẻ em phải bắt đầu làm quen với công việc ngay khi mới chập chững biết đi. Những phương tiện vật chất như điện, điện thoại, tivi, giày dép... trở nên xa xỉ đối với cư dân ở đây, và những thứ đó chỉ tồn tại trong giấc mơ của họ. Ngay cả sau khi Gabriel và em trai Rafael vượt biên trái phép sang Mỹ, cuộc sống của họ vẫn chẳng khá hơn là mấy. Cho đến khi một tai nạn gãy xương khuỷu tay - một bước ngoặt tưởng chừng chấm dứt sự nghiệp quyền Anh của Gabriel - đã trở thành động lực mạnh mẽ góp phần giúp anh trở thành nhà vô địch thế giới.

Đời sống ở Mỹ tuy khá chật vật, nhưng vẫn khác xa so với Mexico. Ở Yerba Buena, tôi không có giày cũng chẳng có vớ để mang và những đứa trẻ khoảng 5 - 6 tuổi đã phải làm việc. Mỗi ngày tôi phải dậy từ lúc 4 hoặc 5 giờ sáng để đưa đàn gia súc của gia đình, gồm lừa và ngựa đi uống nước trước khi đến trường. Nơi chúng tôi ở cao hơn mực nước biển 3.048 mét, thế nên vào mùa đông, buổi sáng thường rất lạnh. Những ngón chân của tôi luôn tê cóng và tưởng chừng muốn gãy lìa khi đang ở ngoài đồng, vì vậy ước ao lớn nhất của tôi lúc bấy giờ là có được đôi giày để mang.

Hầu hết cuộc sống của người dân Mỹ La-tinh đều rất khó khăn, nhưng có lẽ tồi tệ hơn cả là ở Yerba Buena. Người dân nơi đây luôn sống trong cảnh mù tịt thông tin bởi họ không có tivi, radio hay thậm chí là sách báo. Vì vậy, những đứa trẻ chừng 14 - 15 tuổi đã sớm lập gia đình. Mọi người ở Yerba Buena hầu như chỉ có một mơ ước duy nhất là tìm được một công việc. Đơn giản chỉ vậy thôi mà cũng vô cùng khó khăn.

Năm lên bảy tuổi, tôi cùng em trai là Rafael tìm đường sang Mỹ, còn cha mẹ vẫn ở lại Mexico. Trong suốt 8 năm sau đó tôi chưa một lần gặp lại cha mẹ. Ngay cả một tấm hình của họ tôi cũng không có. Vì vậy chẳng bao lâu sau tôi gần như quên luôn gương mặt của cha mẹ. Vào ban đêm, trước khi đi ngủ tôi thường cầu nguyện sao cho tôi không quên khuôn mặt của họ. Anh em tôi dành dụm được ít tiền, rồi mua một cái máy chụp ảnh và gởi về cho cha mẹ, để họ có thể chụp hình gởi sang đây cho chúng tôi. Có thế chúng tôi mới nhớ.

Lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, mọi thứ đều lạ lẫm. Đặc biệt là khi thấy trẻ con ở đây sau giờ học được chơi đùa thỏa thích chứ không phải làm lụng vất vả như chúng tôi. Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi hòa nhập với họ. Bởi ở Mexico, công việc luôn được ưu tiên hàng đầu, việc học tập bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Sau giờ học chúng tôi thậm chí còn nhiều việc để làm hơn. Chắc chắn tôi sẽ không quay lại với lối sống trước đây, thế nhưng nó đã hình thành trong tôi tính kỷ luật, giữ cho tôi khỏi làm những điều xằng bậy. Và nếp sống đó đã tạo ra tôi ngày hôm nay. Chắc chắn nó cũng giúp tôi tránh xa rượu và ma túy.

Sau cùng thì chúng tôi đến ở chung với chị ruột. Chúng tôi chưa gặp lại các anh chị em khác trong gia đình, những người đã sang đây trước chúng tôi. Tôi hơi lo lắng khi ở gần họ. Tôi sợ mình sẽ làm điều gì đó không đúng rồi họ sẽ gởi trả tôi về Mexico.

Chị tôi chật vật với tiền nhà hàng tháng. Vì vậy tôi cùng đứa em trai tự kiếm tiền để mua quần áo mặc. Hàng ngày chúng tôi đến gõ cửa từng nhà để bán kẹo nên mới có biệt danh “mấy thằng nhóc bán kẹo”. Tôi không có khiếu bán hàng nhưng Rafael lại là người bán hàng rất tuyệt nên chúng tôi vẫn có thể kiếm được một ít tiền để tiêu xài. Thật may mắn khi có một đứa em trai giỏi giang trong mọi lĩnh vực như vậy. Ở trường, nó là một học sinh xuất sắc. Nó chọn lớp khó để được tốt nghiệp sớm, còn tôi chọn lớp dễ hơn nên tốt nghiệp cũng muộn hơn. Tôi rất yêu em trai của mình. Trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn đó, ở tuổi 12 cậu em trai tôi có thể xoay xở đủ tiền nuôi sống bản thân, chị tôi, và cả tôi nữa. Nó làm ra tiền bằng mười đứa trẻ khác cộng lại, cho cùng một công việc.

Trước khi gặp huấn luyện viên Joe và Dan Goosen, tôi hầu như là một kẻ thất bại từ chuyện học hành cho đến chuyện tìm việc làm, thậm chí trong cả cách sử dụng tiếng Anh để giao tiếp. Tôi trải qua những kỳ nghỉ hè không có việc làm. Các cửa hàng McDonald’s chẳng ai chịu thuê tôi. Một thầy giáo đã nói với tôi rằng, tôi chỉ có thể tìm được công việc trong tiệm rửa xe mà thôi. Nhưng tiệm rửa xe cũng chẳng thèm nhận tôi. Tôi đã gửi đi rất nhiều hồ sơ xin việc, nhưng cũng chẳng có kết quả gì. Vì vậy mọi người gọi tôi là thằng vô tích sự. Họ hay lặp đi lặp lại câu nói: “Mày chẳng thể làm được...” rất nhiều lần. Nghe mãi, tôi bắt đầu tin đó là sự thật. Và tôi cảm thấy giận bản thân mình, thậm chí đã nghĩ đến việc tự sát một đôi lần. Tôi tự hỏi mình có nên tiếp tục sống trên đời này nữa không?

Vào ngày lễ tốt nghiệp cấp II, tôi không có lấy một đồng xu để mua một bộ quần áo cho tươm tất. Vì thế tôi nói dối là mình bị nhức đầu nên không thể tham dự buổi lễ, đồng thời cũng dặn chị gái đừng mua quà cho mình vì tôi biết chị không có tiền. Tôi thấy mình thật giống kẻ ăn mày và ao ước một thầy cô nào đó nhận ra sự thể và tặng cho tôi một bộ quần áo. Cuộc sống của tôi về sau đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự kiện này. Mãi cho đến giờ, tôi vẫn không biết cái bằng tốt nghiệp của tôi hình dạng ra sao nữa.

Sau đó, tôi chuyển sang học bốn năm bổ túc vào ban đêm nhưng vẫn không tốt nghiệp nổi trung học. Tôi có ý định bỏ học để khỏi phải tốn tiền và làm phiền đến gia đình. Tôi bắt đầu lân la đến các phòng tập thể dục thể hình, làm quen với môn quyền Anh. Để có tiền đi xe buýt tới phòng tập, tôi phải bán vé ăn trưa ở trường. Một lần nữa, mọi người lại kháo nhau rằng tôi sẽ chẳng bao giờ thành công. Nhưng lần này tôi không nghĩ vậy.

Môn quyền Anh đã chiếm hết sự quan tâm của tôi, tôi thực sự bị nó cuốn hút và lao vào luyện tập. Tôi đăng ký tham dự nhiều trận đấu của dân nghiệp dư và giành hầu hết mọi chiến thắng. Không còn ai chỉ trích tôi nữa, mọi người bắt đầu quay sang ủng hộ tôi, điều này giúp tôi củng cố niềm tin vào bản thân mình. Rõ ràng, quyền Anh không chỉ đem đến cho tôi sự tự tin, mà còn làm cho người khác tin vào tôi nữa. Khi thượng đài, tôi nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của mọi người. Càng ngày quyền Anh càng giúp tôi lấy lại niềm tin trong cuộc sống.

Một số người bà con bắt đầu đến võ đài xem tôi thi đấu. Tuy vậy, tôi vẫn không dám mơ đến sự nổi tiếng hoặc được lọt vào danh sách 10 võ sĩ hàng đầu. Nhưng huấn luyện viên của tôi rất tự tin khi nói rằng một ngày nào đó, tôi sẽ đến thi đấu tại võ đài Reseda Country Club. Tôi không dám tin là sự thật trước một vinh dự quá lớn như thế. Nhưng thật không ngờ, trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của mình, tôi đã thi đấu tại đây trên 20 trận.

Trận thua đầu tiên trong giải thi đấu nhà nghề quả là một cú sốc đối với tôi. Khi đó tôi mới 19 tuổi và mọi người đang rất kỳ vọng vào tôi. Đối thủ hôm đó là một đương kim vô địch. Chúng tôi ghì sát nhau, lúc tưởng chừng mình sắp thắng cuộc bỗng hắn kẹp tay tôi và xoắn mạnh. Khuỷu tay tôi tưởng chừng bị gãy rời ra, tôi gần như ngất đi vì đau. Nhận thấy tôi không thể tiếp tục cuộc thi nên trọng tài cho trận đấu kết thúc. Tôi được đưa đến bệnh viện, bác sĩ khoan vào chỗ xương gãy của tôi và vặn vào đó ba cây đinh vít. Và ông bảo tôi phải nghỉ ngơi ít nhất trong sáu tháng. Sau một thời gian, hai trong ba con vít bị gãy, vì vậy tôi phải mổ lại và thay vào đó ba con vít mới. Bác sĩ còn lấy đi một mảnh xương hông để ghép vào chỗ bị gãy đó. Cánh tay của tôi bị thu ngắn lại khoảng 7,5 cm so với trước đây. Các bác sĩ bảo tôi không thể tiếp tục thi đấu được nữa, và nếu may mắn thì tôi chỉ có thể cử động tay trong những sinh hoạt bình thường.

Cũng trong khoảng thời gian này, tôi đã được gặp cô ấy, người sau này trở thành vợ tôi. Mặc dù không yêu thích quyền Anh, nhưng nàng vẫn khuyến khích tôi không nên đầu hàng, bởi sau chuyện đó trong đầu tôi bắt đầu nhem nhóm ý nghĩ sẽ quay về Mexico giúp đỡ cha mẹ việc đồng áng. Nhưng đâu đó trong tôi, một tiếng vọng thiêng liêng khuyên tôi không nên bỏ cuộc và hãy kiên nhẫn. Khi bác sĩ tháo bột, tuy cánh tay tôi không thể duỗi thẳng ra, nhưng tôi vẫn có thể đấm được. Họ bảo rằng tôi không thể lấy lại phong độ như trước nữa, và cơ hội giành đai vô địch là vô cùng khó khăn.

Tôi bắt đầu tập luyện lại và sắp sửa học được một điều kỳ diệu khó tin. Cú gãy tay đó lại làm cho tôi trở thành một tay đấm giỏi hơn. Tôi trở thành một đối thủ thông minh hơn, và biết kiên nhẫn hơn. Tôi không thể chỉ biết càu nhàu và sống cho qua ngày được. Tôi phải học cách đấm. Tôi đã lấy lại sự tự tin như trước đây. Một số người có tính tự tin bẩm sinh. Một số khác chỉ cần chứng tỏ một lần. Còn tôi buộc phải học đi học lại để có sự tự tin.

Lần đầu tiên thi đấu trở lại sau tai nạn, tôi thực sự cảm thấy lo lắng. Nhưng khi trọng tài thổi còi bắt đầu trận đấu, tôi dường như quên hẳn cánh tay bị gãy. Trận đấu khá khốc liệt này được phát trên truyền hình khắp cả nước. Tôi đã chứng tỏ cho mọi người, và quan trọng hơn là chứng tỏ cho bản thân mình thấy rằng: tôi không những có thể tiếp tục thi đấu, mà còn có thể chiến thắng. Giờ đây nếu có thua thêm một trận nữa, tôi cũng sẽ chẳng bận tâm vì điều đó bởi nó chỉ làm cho tôi mạnh mẽ hơn thôi. Và cho dù có xảy ra điều tồi tệ gì đi chăng nữa, tôi vẫn sẽ gượng dậy và tiếp tục. Thậm chí nếu có thua cả trận tranh đai vô địch thế giới lần đầu tiên, tôi cũng không bỏ cuộc mà qua đó tôi sẽ rút thêm kinh nghiệm cho mình đồng thời tìm ra những điều kiện cần thiết để trở thành nhà vô địch thế giới.

Tất cả những chuyện đã xảy như một phép lạ đối với tôi. Trước đây, tôi chưa bao giờ dám mơ đến một bộ quần áo tươm tất để mặc và có đủ cơm để ăn mỗi ngày. Nhưng khi đến với quyền Anh, tôi như được lột xác và bộc lộ hết khả năng của mình. Cuối cùng, tôi đã giành được đai vô địch thế giới và có một cuộc sống ổn định, đàng hoàng. Và quan trọng hơn hết, sau tất cả những thử thách, tôi đã được nhận món quà ý nghĩa nhất mà cuộc sống trao tặng, đó là sự tự tin.

"Trong mỗi khó khăn đều ẩn chứa một cơ hội" - Albert Einstein

"Nên coi những thất bại trong quá khứ là động cơ để hành động, chứ không phải lấy đó làm lý do để bỏ cuộc" - Charles J. Given

"Điều tôi quan tâm không phải là bạn đã thắng hay thua, mà là bạn có sẵn sàng đón nhận thất bại hay không"  - Abraham Lincohn

"Nếu bạn không đủ sức để chịu thua, bạn cũng sẽ không đủ sức để chiến thắng"  - Walter Reuther.


                                                                    Gabriel Ruelas

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét