Có một chàng thanh niên từ lúc nhỏ đã mang mộng ước sau này sẽ trở thành triệu phú.
Khi lớn lên anh đi chu du mọi miền, thăm hỏi nhiều người ở đủ mọi ngành nghề để tìm học cho được bí quyết làm giàu. Anh đã đi qua nhiều thành phố, thế nhưng mỗi người lại chỉ cho anh một kiểu cách khác nhau, đôi khi những phương thức này còn mâu thuẫn khiến anh không học hỏi được những bí quyết của họ.
Nhiều năm trôi qua, không những anh không kiếm được tiền, mà của cải mang theo đi đường càng lúc càng vơi dần, cho đến một hôm nọ thì túi anh không còn một đồng ten, anh phải lang thang đầu đường xó chợ.
Một hôm, khi đi ngang qua một thiền viện thờ phụng đấng Quán Thế Âm, anh ta được mọi người cho biết là đấng Cứu Khổ Cứu Nạn Ðại Từ Ðại Bi là một vị Bồ Tát luôn giúp kẻ khốn cùng. Chàng thanh niên đứng trước Phật đài khấn nguyện, anh thành tâm cầu xin đức Quán Thế Âm giúp cho anh tìm được phương thức làm giàu, vì đó là mộng ước duy nhất trong đời của anh.
Trước lời khấn nguyện chân thành này, Quán Thế Âm đã động lòng nên hiển linh chỉ bảo cho anh ta: "Muốn giàu có thật ra không phải là một điều khó khăn, từ thiền viện này bước ra, bất kỳ gặp được vật gì đáng giá hoặc vô giá trị, con cũng đừng bao giờ bỏ phí. Bất kỳ gặp được người nào từ già đến trẻ, con cũng phải luôn luôn nghĩ đến họ và giúp đỡ họ tận tình. Nếu làm được như vậy thì mộng ước của con sẽ thực hiện được dễ dàng. Không riêng chỉ một mình con, tất cả mọi người trên đời nếu làm được như vậy cũng sẽ trở thành giàu có ngay."
Chàng thanh niên nghe lời của Quán Thế Âm dạy như vậy thì mừng rỡ vô cùng. Chiếu theo lời của ngài dạy bảo thì phương thức làm giàu này đâu có gì khó khăn. Anh chàng lạy tạ tượng Bồ Tát và hăm hở bước ra. Trong lúc hấp tấp, anh ta vấp phải bực thềm té nhào đầu. Lồm cồm bò dậy, tay lại vớ nhầm một cọng rơm dưới đất, anh định vứt bỏ đi, thế nhưng chợt nhớ lại lời Bồ Tát dặn cho nên anh cẩn thận nắm cọng rơm trong tay rồi tiếp tục ra đi.
Một lúc sau, có một con ong bay ngang vướng vào cọng rơm của anh đang cầm. Nghe con ong reo vo ve cũng vui tai, nên anh cứ để yên mà không chịu gỡ ra.
Ði đến một ngã ba đường, anh trông thấy một người phụ nữ cố gắng dỗ dành một đứa bé đang khóc thét trên tay của bà. Chàng thanh niên bước tới quơ cọng rơm qua lại trước mặt đứa bé để tạo sự chú ý. Ðứa bé thấy có con ong vướng trên cọng rơm kêu vo ve nên hiếu kỳ nhìn vào đó mà ngưng khóc. Nhớ lời của Quán thế Âm Bồ Tát dặn, người thanh niên tặng cọng rơm có mang con ong trên đó cho đứa bé. Ðứa bé khoái trá nhe răng cười toe toét. Người đàn bà là mẹ đứa bé lúc nãy đã tìm đủ cách mà không làm cho đứa bé ngưng khóc được, bà ta mừng rỡ vì chàng thanh niên đã giúp bà tránh được khá nhiều phiền phức nên mở chiếc giỏ đi chợ lôi ra ba trái quít chín đỏ tặng cho anh ta để thay thế lời cảm ơn.
Tiếp tục lên đường, đi được một đỗi, chàng thanh niên thấy một người buôn vải đang ngồi thở dốc bên đường. Ðó là một chàng lái buôn vì khát nước nên mệt lả người. Ðộng lòng trắc ẩn, chàng thanh niên tặng cho ông ta ba trái quít mà anh đang cầm trên tay. Cảm động trước tấm lòng tốt này, người lái buôn sau khi lấy lại sức đã mang tặng cho anh một xấp vải rất đẹp để đổi lấy ba trái quít của anh.
Cầm lấy xấp vải, chàng thanh niên cảm thấy vui vui vì đã làm được vài điều tốt mà lại được người ta đền bù xứng đáng. Ði thêm một đỗi anh ta thấy có một con ngựa bị đau nằm lăn dưới đất, người chủ cỡi con ngựa đứng bên cạnh đang rầu rĩ không biết phải làm sao? Chàng thanh niên thấy con ngựa gầy gò tội nghiệp cho nên mới đề nghị với người chủ đổi con ngựa lấy xấp vải trên tay của anh. Hơi lưỡng lự một chút, người chủ con ngựa bằng lòng vì thấy rằng con vật có vẻ như không thể nào đứng dậy được nữa. Chàng thanh niên chạy đến bờ sông mượn chiếc thùng múc nước về đổ cho ngựa uống. Anh vuốt ve con vật tỏ vẻ thương yêu, không ngờ vài phút sau đó thì con ngựa đứng dậy được. Thì ra con vật chỉ vì khát nước và mệt lả người cho nên mất sức chứ chẳng bệnh hoạn gì cả. Khi con ngựa đã hoàn toàn bình phục, anh ta cỡi con ngựa tiếp tục lên đường.
Ði đến trước một tòa nhà kia thì có một ông già trong nhà chạy ra chận anh lại và năn nỉ mượn đỡ con ngựa. Ông ta cho biết có việc cần kíp cần phải đi xa. Nhớ lời Quán Thế Âm Bồ Tát căn dặn, anh ta vui vẻ nhận lời. Ông già cho biết ông là chủ nhân của căn nhà, ông đề nghị với chàng thanh niên là hãy ở tạm lại căn nhà cho đến khi nào trở về thì ông sẽ trả ơn. Trong trường hợp ông không trở lại thì anh ta sẽ làm chủ căn nhà và luôn cả đất đai rộng lớn chung quanh. Không đợi chàng thanh niên trả lời, ông ta nhảy tót lên lưng ngựa dông tuốt.
Chàng thanh niên đành phải ở lại trông nom căn nhà. Căn nhà này có đầy đủ tiện nghi, lương thực, tiền bạc nhưng lại không có người vì ông già vừa rời khỏi là người giữ hương hỏa cuối cùng. Ðợi hết ngày này qua tháng nọ vẫn không thấy ông già trở lại, chàng thanh niên "bất đắt dĩ" trở thành chủ nhân căn nhà và đất đai rộng lớn chung quanh.
Trải qua nhiều năm anh ta sống một cuộc đời thật đầy đủ về vật chất, lúc đó anh ta mới sực nhớ lại lời dạy của Quán Thế Âm Bồ Tát. Thì ra người đã chỉ đường cho anh trở thành triệu phú nhờ vào lòng thương người, sự quan tâm, tánh bao dung và chỉ đơn giản có vậy mà thôi.
Trên đây là một câu chuyện ngụ ngôn nhà Phật của xứ Nhật Bản. Ngụ ý của câu chuyện này nói lên rằng đa số con người sống trong cõi đời, ai ai cũng muốn mưu cầu cho mình một cuộc sống thật đầy đủ. Những người đã giàu sang thì lại muốn tinh thần và sức khỏe của họ cũng được dồi dào. Thế nhưng rất khó mà định nghĩa được thế nào là giàu cho đủ với lòng mong ước của con người. Theo định nghĩa của nhà Phật, giàu có không thể đo lường bằng số lượng ít nhiều của tiền bạc, mà là căn cứ vào sự rộng rãi, từ tâm bố thí của bạn. Những người có thể cho đi những gì họ có trong người mới có thể gọi là giàu. Những người lúc nào cũng khư khư giữ lấy cho riêng mình thì dù tiền bạc của họ có chất đầy kho đi nữa thì cũng chỉ được xem là người rất nghèo nàn về mặt từ tâm mà thôi.
Vì vậy con đường chân chính để chỉ dẫn bạn tìm đến sự sung túc không phải để tìm nhiều của cải vật chất, không phải để tìm sự thành công trên danh lợi, mà là quí trọng mỗi một món đồ vật trên tay của bạn, quan tâm đến từng người mà bạn gặp gỡ, lúc nào cũng có thể giúp đỡ cho kẻ khác, bố thí cho kẻ khác.
Thế nào mới gọi là một con người có lòng dạ bố thí ? Ðó là một con người biết tạo duyên, tạo phúc, giúp đỡ những người khốn cùng, dù là với người chỉ lần đầu gặp gỡ. Ðó mới chính là sự bố thí cao cả, cho ra mà không bao giờ tiếc rẻ, nên nhớ một điều, cho mà còn tiếc, chứng tỏ rằng bạn chưa phải là một người rộng lượng, giàu có lòng nhân.
Người Trung Hoa có một câu ngụ ngôn "Một cọng cỏ, một giọt sương", nghĩa là mỗi một con người sinh ra đều có những phúc phần khác nhau, cọng cỏ nhỏ thì nhận được giọt sương nhỏ, lá cây lớn thì nhận được giọt sương to, dù có miễn cưỡng cũng không được. Họ còn có một câu nói là "Cọng rơm có thể làm té con ngựa", hay nói ngược lại, biết đâu ta chẳng thành công chỉ vì một cọng rơm nhỏ bé. (Như chàng thanh niên trong câu chuyện này).
Bí quyết để làm giàu chẳng qua là biết tạo duyên, tạo phúc và bố thí. Tạo duyên, tạo phúc khiến cho chúng ta cảm thấy lòng dạ được quang minh lỗi lạc. Bố thí khiến bạn thực sự trở thành một người giàu có, sự giàu có tinh thần mà không một triệu phú nào trên thế gian này có thể so sánh được.