Khi tôi còn nhỏ, mẹ thường đưa tôi đi mua sắm hoặc đến những nơi công cộng. Trong khi mẹ lo việc của mẹ, tôi ngồi trên xe lăn hàng tiếng đồng hồ quan sát những gương mặt trong đám đông. Tôi quan sát kỹ những người qua lại và cố đoán xem họ làm công việc gì để kiếm sống và tính cách của họ thế nào. Tất nhiên, tôi chẳng thể nào biết được những gì mình nghĩ về họ có đúng hay không, nhưng nhờ thói quen quan sát kỹ mà tôi đã trở thành một nhà nghiên cứu ngôn ngữ cơ thể và các biểu hiện qua khuôn mặt, có khả năng hiểu người khác nhờ quan sát biểu hiện của họ.
<!-- more -->
Đó hầu như là một quá trình thuộc tiềm thức, nhưng khi nhìn lại và ngẫm nghĩ, tôi hiểu ra rằng tôi có khả năng phát triển một số kỹ năng quan trọng theo bản năng. Vì tôi không có hai cánh tay để tự bảo vệ, không có chân để chạy, nên việc đánh giá nhanh mình có thể tin cậy vào ai đó hay không là điều quan trọng. Không phải là tôi cứ nơm nớp lo mình sẽ bị người khác tấn công, nhưng tôi dễ bị tổn thương hơn hầu hết mọi người, vậy nên tôi “mẫn cảm về còn người” hơn hầu hết mọi người.
Tôi rất nhạy cảm trước những tâm trạng, cảm xúc, âm thanh xung quanh mình. Điều này nghe có vẻ hơi lạ, nhưng quả thật cơ quan cảm giác của tôi nhạy đến mức khi ai đó đặt tay lên thanh gác tay trên xe lăn của tôi là tôi có cảm giác gần giống như cảm giác tôi và người đó đang cầm tay nhau. Tôi có cảm giác như đang tiếp xúc bằng xương bằng thịt, như thể đang bắt tay hoặc nắm tay nhau vậy. Mỗi khi bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình đặt tay lên xe lăn, tôi đều cảm nhận được sự ấm áp và sự chấp nhận
Khi trở thành một diễn giả, tình trạng khuyết thiếu chân tay đã ảnh hưởng đến cái cách tôi hiểu và cảm thông với mọi người. Tôi không phải lo lắng về một trong những mối bận tâm cơ bản của hầu hết các diễn giả - phải sử dụng hai bàn tay như thế nào trong lúc diễn thuyết. Tôi tập trung vào việc biểu lộ tâm tư tình cảm và suy nghĩ qua gương mặt, đặc biệt là qua ánh mắt, chứ không phải đôi tay. Tôi không thể thực hiện các cử chỉ bằng tay để nhấn mạnh quan điểm hoặc truyền đạt cảm xúc. Tôi rèn luyện để đa dạng hóa sự biểu lộ qua ánh mắt và thay đổi về mặt để chuyển tải cảm xúc, và để thu hút sự chú ý của khán giả.
Cách đây không lâu, em gái tôi trêu: “Nick, anh thực sự thích giao tiếp bằng mắt. Khi anh nói chuyện với ai đó, anh luôn nhìn đăm đăm vào mắt họ. Đó là cách duy nhất em có thể miêu tả kiểu giao tiếp bằng mắt của anh”.
Michelle rất hiểu tôi. Tôi nhìn sâu vào mắt người khác bởi đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Tôi thích giao tiếp bằng mắt. Tôi ngưỡng mộ vẻ đẹp của những người tôi tiếp xúc, và thường tìm thấy vẻ đẹp trong đôi mắt của họ. Tất cả chúng ta đều có thể phát hiện thấy điều gì đó xấu hoặc không hoàn hảo ở người khác, nhưng tôi chọn nhìn vào những điều tốt đẹp ở con người.
“Cái cách anh duy trì cuộc chuyện trò cnng rất thực và chân thành”, em gái tôi nói. “Em có thể thấy điều đó khi em nói chuyện với các bạn. Anh hiểu rõ được điều cốt lõi ở con người, và thu hút được sự chú ý của họ, làm cho họ thêm phấn chấn tinh thần trước mỗi lời anh nói”.
Tôi đã biết tạo thiện cảm một cách nhanh chóng bằng cách nhìn sâu vào mắt những người tôi gặp và hỏi những câu hỏi hoặc đưa ra lời bình luận giúp tìm ra mối quan tâm chung của tôi và người tôi giao tiếp. Trước khi chứng đau lưng hạn chế khả năng ôm người khác, tôi thường phá tan khoảng cách giữa mình và người khác bằng câu: “Hãy lại đây ôm tôi nào”.
Bằng cách mời người khác đến gần và tiếp xúc với mình, tôi hy vọng khiến họ cảm thấy thoải mái khi gặp tôi. Đến với người khác, giao tiếp với họ, tìm ra điểm chung giữa bạn và họ là những kỹ năng tạo dựng quan hệ mà ai cũng nên nắm vững. Những kỹ năng đó quyết định chất lượng của sự tương tác giữa chúng ta và người xung quanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét