Một người thân qua đời, một mối quan hệ bị đổ vỡ, một thất bại về tài chính, hay một căn bệnh có thể làm bạn suy sụp nếu bạn để cho nỗi đau và sự thất vọng lấn át mình. Một cách để vượt qua những thách thức nói trên là luôn sẵn sàng cho những cơ hội giúp bạn đi lên, ngay cả khi cuộc sống dường như đang đẩy bạn đi xuống.
<!-- more -->
Tôi đã gặp nhiếp ảnh gia Glennis Siverson trong thời gian tham gia bộ phim The Butterfly Circus. Mặc dù Glennis sống ở Orlando, bà đã đến California để chụp ảnh phục vụ quá trình làm phim theo lời mời của các đạo diễn và vợ chồng Weigel, những người bạn của bà. Glennis là một nhiếp ảnh gia từng đoạt nhiều giải thưởng quan trọng, người có các tác phẩm được nhiều tờ báo, tạp chí, các tập đoàn, các website đặt hàng. Bà cũng chụp ảnh chân dung và ảnh thiên nhiên. Bà yêu thích nhiếp ảnh. Chụp ảnh là đam mê của bà.
Glennis đã làm việc trong lĩnh vực phát triển nguồn lực con người cho các công ty lớn trong hơn 20 năm. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, bà đã mất “công việc an toàn và ổn định” của mình. Glennis đã biến cái rủi thành cái may, biến khó khăn thành động lực giúp bà theo đuổi đam mê. Và bà đã trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.
“Tôi ý thức được rằng bây giờ hoặc không bao giờ!”, bà nói.
Một câu chuyện ý nghĩa, phải không bạn? Glennis là một ví dụ thực tế về một con người biết biến cái rủi thành cái may, biết coi những gì không may mắn như một cơ hội để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thật xuất sắc! Thật tuyệt vời!
Nhưng không chỉ có vậy. Bạn biết không, Glennis, một nhiếp ảnh gia từng giành được giải thưởng lớn, lại là người hầu như không thể nhìn được. Bà ấy gần như bị mù.
“Từ khi còn nhỏ tôi đã có vấn đề về thị lực”, bà kể. “Lên năm tuổi tôi đã phải đeo kính và thị lực cứ ngày một giảm đi. Vào khoảng năm 1995, tôi được chuẩn đoán mắc bệnh giác mạc. Giác mạc bị biến dạng và bị thoái hoá. Bệnh nặng đến mức mắt trái của tôi không nhìn thấy gì nữa. Do bị cận thị rất nặng, tôi đã phải chịu phẫu thuật bằng Lasik rồi. Lựa chọn duy nhất còn lại là ghép giác mạc”.
Năm 2004, Glennis trải qua một cuộc phẫu thuật ghép giác mạc. Bác sĩ nói với bà rằng cuộc phẫu thuật ghép giác mạc sẽ giúp mắt trái của bà có được thị lực 20/40 mà không cần đeo kính. “Thế nhưng điều tồi tệ đã xảy ra – tôi bị mất con mắt trái”, bà nói. “Cuộc phẫu thuật đã khiến cho thị lực của tôi trở nên kém đi. Tôi còn bị thêm bệnh tăng nhãn áp nữa. Mắt trái của tôi thì tệ như vậy rồi, thế mà, không liên quan đến cuộc phẫu thuật, mắt phải của tôi lại bị chứng tăng nhãn áp. Vậy là bên mắt đó của tôi có điểm mù”.
Bị hất ra khỏi công việc mà bà đã gắn bó trong 20 năm, và bị mù sau cuộc phẫu thuật không thành công, phải chịu đựng thêm chứng tăng nhãn áp, Glennis khi ấy nếu có rơi vào thất vọng hoặc có đầu hàng số phận thì cũng chẳng ai trách. Nếu bạn nghĩ ở vào hoàn cảnh đó bà ấy trở nên cay đắng và tức giận thì cũng chẳng có gì là khó hiểu.
Nhưng thay vì để mình rơi xuống vực thẳm của sự tuyệt vọng, bà lại vươn cao, vươn xa.
“Tôi không nghĩ mình là người khuyết tật. Tôi nghĩ mình là một người có khả năng, bởi tình trạng gần như bị mù đã khiến tôi trở thành một nhiếp ảnh gia giỏi hơn”, bà nói.
Bà không thể nhìn rõ được các chi tiết, nhưng thay vì cảm thấy mình bị thiệt thòi, bà lại cảm thấy biết ơn vì bà không còn bị ám ảnh bởi những điều nhỏ nhặt nữa.
“Trước khi mất gần như toàn bộ thị lực, nếu chụp ảnh chân dung, thì tôi sẽ để ý đến từng lọn tóc, từng tư thế của đối tượng. Như thế công việc của tôi sẽ khó khăn bởi tôi quá tập trung vào bố cụng và các tiểu tiết. Nhưng bây giờ cách tiếp cận của tôi thiên về phản ứng trực giác Tôi cảm nhận đối tượng. Tôi nhìn, và tôi chụp. Công việc của tôi thiên về bản năng hơn, và tôi tương tác với mọi người và môi trường xung quanh nhiều hơn.”
Glennis nói rằng các bức ảnh của bà giờ đây không được nét nhưng chúng giàu tính nghệ thuật hơn, hấp dẫn hơn. “Một cô gái đã kêu lên đầy kinh ngạc khi ngắm những bức ảnh chân dung tôi chụp cô bởi cô cảm thấy tôi đã nắm bắt rất tốt thần thái của cô”, bà nói. “Tôi chưa bao giờ khiến cho ai xúc động đến như thế”.
Từ khi gần như bị mù, Glennis đã giành được mười giải thưởng quốc tế cho những tác phẩm nhiếp ảnh chân dung và phong cảnh. Một trong những bức ảnh của bà đã được chọn từ 16.000 bức ảnh để tham gia một cuộc triển lãm làm chỉ gồm 111 tác phẩm. Bà có ảnh được chọn cho bốn cuộc triễn lãm tại Trung tâm ảnh nghệ thuật ở Fort Collins, Colorado.
Cho dù Glennis không bị mất việc do khủng hoảng kinh tế, tình trạng mù loà của bà cũng không cho phép bà tiếp tục công việc trong lĩnh vực phát triển nguồi lực con người. Nhiều nghệ sĩ vĩ đại như Monet và Beethoven đã phát triển tài năng bất chấp những khuyết tật bởi họ đã biến khuyết tật đó thành cơ hội để khám phá nghệ thuật theo những cách mới mẻ và sáng tạo. Tràn ngập lòng biết ơn, Glennis đã nói cho tôi biết câu Kinh Thánh mà bà luôn tâm niệm. Đó là câu: “Chúng ta sống nhờ niềm tin chứ không phải nhờ những gì con mắt ta nhìn thấy”.
“Điều đó quả là đúng với cuộc sống của tôi bây giờ. Tôi đã phải thực hiện những điều chỉnh. Tôi lo mình sẽ bị mù hoàn toàn. Điều đó rất đáng sợ. Không có cẩm nang nào dành cho hoàn cảnh này hết”.
Bà đang đi trên con đường mới, nhưng thay vì coi điều đó như một sự xáo trộn trong cuộc đời, bà lại coi là điều may mắn. “Trước khi mắt bị như thế này, tôi là người sống khá dè chừng. Bây giờ tôi cố gắng sống từng ngày một và tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc sống”, bà nói. “Tôi cũng cảm thấy biết ơn số phận vì còn có mái nhà che đầu, tôi vẫn sống và mặt trời vẫn chiếu sáng. Tôi không lo lắng gì về ngày mai bởi chúng ta chẳng thể biết được ngày mai rồi sẽ ra sao”.
Glennis là một phụ nữ tuyệt vời, một người biết tận dụng cơ hội, đúng không bạn? Bà đã khích lệ tôi vươn lên, và tôi hy vọng rằng, qua những gì vừa kể, bạn cũng cảm thấy mình được bà khích lệ để tìm ra cách chắp cánh cho những ước mơ, lựa chọn đúng một cách sáng suốt, và hành động để theo đuổi những gì bạn mơ ước khi trái tim của bạn nói “hãy tiến tới!”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét