Chào các bạn!

Tất cả các quyển sách trực tuyến, chúng tôi đều có sẵn Ebook và Audio book. Nếu có nhu cầu mời các bạn vào đây để tải: Hướng dẫn cách tải links trên các host TẢI EBOOK- AUDIO BOOK TỪ A --> Z


BQĐGHCS - Chương 6 : Tầng 6 của Kim Tự Tháp đời bạn : Đơn giản hóa quan hệ lứa đôi

Giấc mơ đơn giản hóa của bạn: Đêm thứ bảy 

Có một điều ngạc nhiên khác đang chờ đợi bạn ở tầng gần cuối của kim tự tháp cuộc đời. Tầng trước rất sôi động, ồn ào và đồ sộ bởi bạn đã gặp gỡ rất nhiều người ở đó. Bạn biết rằng giờ đây, có một người đang chờ đợi bạn ở tầng này – người ấy có vị trí độc nhất trong trái tim bạn và bạn có thể tìm ra người ấy trong một vùng tương đối nhỏ.


Nhưng khi bạn đi lên, trải rộng mở ra trước mắt bạn là một cảnh thật đẹp đẽ trong ánh chiều tà. Quang cảnh ấy khiến bạn nghĩ đến thiên đường – một khu vườn khổng lồ với những ngọn đồi nhỏ, những lối đi uốn lượn và những con suối sủi bọt trắng xóa. Các loài bò sát treo mình trên những cây cổ thụ còn mặt đất thì được bao phủ bởi những nhành dương xỉ xanh rờn. 

Khi bước những bước đầu tiên trên thảm cỏ mềm, bạn nhận thấy có nhiều gương mặt đang nhìn chằm chằm vào bạn. Họ không phải là người thật mà chỉ là những vầng sáng trong suốt, tựa như họ được phản chiếu quá khứ vậy. Họ là những người mà bạn đã từng yêu và cũng đã quên lãng. Có những người bạn nhẹ nhàng nói lời tạm biệt nhưng cũng có những người mà bạn phải miễn cưỡng xóa khỏi ký ức của mình. Và trong số đó, có một người mà bạn rất khó đi qua. Bạn nán lại vài giây, mỉm cười với người ấy, yên lặng và nhìn người ấy với ánh mắt đầy hàm ơn. 

Bạn bước tiếp vào thế giới đầy màu sắc của thiên đường để rồi nhận ra rằng không phải chỗ nào ở đây cũng tuyệt vời. Bạn nhìn thấy những bụi gai, sỏi đá, rong rêu và rác rến. Thế nhưng, bạn cảm thấy nó thuộc về mình, như đúng bản chất của nó. Và bạn không còn đơn độc nữa. Người mà bạn yêu thương đã âm thầm đi cạnh bên bạn được một lúc. Cả hai chìa tay ra, các ngón tay chạm vào nhau và rồi nắm lấy nhau. 

Lúc này, bạn quên rằng cuộc đời mình còn có những thứ khác ngoài khoảnh khắc này. Khi lần đầu tiên đứng cạnh bên nhau, không cần lời lẽ và từ sâu thẳm trái tim mình, cả hai quyết định sẽ bước cùng nhau. Hai bạn nhìn nhau và mở miệng nói một điều gì đấy. Nhưng cuối cùng, cả hai chẳng cần phải nói gì cả. Không phải bây giờ. 

Mục tiêu đơn giản hóa ở tầng 6 : Học cách nhìn sâu vào bên trong mối quan hệ của bạn và cùng nhau bước tiếp con đường của cả hai thay vì chỉ đơn thuần ở bên cạnh nhau.

 Tựa đề của cuốn sách này –  “Bí quyết đơn giản hóa cuộc sống” - không chỉ có nghĩa là đơn giản hóa cuộc sống của riêng bạn mà còn có nghĩa là đơn giản hóa cuộc sống lứa đôi của bạn. Cuộc sống của bạn không chỉ có mỗi mình bạn. Người bạn đời của bạn không phải là một người khác mà chính là một phần của tâm hồn bạn.

Thậm chí, dù bạn không nhìn thấy điều đó ở bên ngoài hay bất kỳ nơi đâu thì cả hai cũng đã vô thức phát triển cùng nhau. Đó là lý do tại sao việc ly thân hay ly hôn lại khiến người ta cảm thấy đau đớn như thế. Vì vậy, việc duy trì mối quan hệ lứa đôi quan trọng hơn việc coi sóc các vật dụng, tình hình tài chính, quản lý thời gian, chăm sóc cơ thể hoặc đời sống xã hội của mỗi người.

Nếu bạn đã đọc cuốn sách này một mình thì đến đây, hãy đưa nó cho người bạn đời của mình. Hoặc bạn có thể lật sẵn những trang mà bạn cho là quan trọng đối với mối quan hệ của cả hai và để nó ở nơi mà người bạn đời của bạn sẽ ghé mắt đến. Đã đến lúc hai bạn cùng nhau bước trên con đường đơn giản hóa.

      BÍ QUYẾT 25: PHÁT TRIỂN MỐI QUAN HỆ CỦA BẠN
         
Nhà phân tâm học Michael L. Moeller đã tìm hiểu về sự thất bại trong hôn nhân và quan hệ lứa đôi. Ông nhận ra rằng nhiều người đã không được chuẩn bị và tỏ ra quá ngờ nghệch khi tiến vào cuộc sống lứa đôi, vốn là rủi ro lớn nhất trong đời họ. Họ dành cho nhau quá ít thời gian và người này đổ lỗi cho người kia. Họ bị cuốn vào những nghĩa vụ bên ngoài trong cuộc sống riêng của mình. Sớm muộn gì họ cũng sẽ không còn hấp dẫn nhau về mặt giới tính nữa. Họ nhận ra mình đang ở trong trạng thái ngỡ ngàng và tuyệt vọng, trong mối quan hệ không còn cứu vãn được nữa.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này rất đa dạng nhưng chẳng có gì là lạ thường như cảm nhận của người trong cuộc. Ngày nay, vai trò xã hội của nam giới và phụ nữ đã có nhiều thay đổi mang tính lịch sử. Phụ nữ được tự do hơn trong công việc và tự chủ hơn về mặt kinh tế; nhưng đồng thời họ cũng phải đương đầu với mức độ khó khăn chưa từng có. Kỳ vọng mà họ dành cho nam giới đã gia tăng nhanh chóng, trong khi những đòi hỏi khác về sự nghiệp và các mối quan hệ xã hội lại không hề giảm sút.

Thậm chí, kỳ vọng mà nam giới và phụ nữ dành cho bản thân cũng gia tăng đáng kể: thành công trong sự nghiệp, nhiều thời gian rỗi rãi, độc lập về kinh tế, một đời sống tình dục hạnh phúc, một tình yêu bền vững, những đứa con tuyệt vời… Quan hệ lứa đôi chưa bao giờ chịu nhiều áp lực như hiện nay.

Để giải quyết tình trạng này, bước đầu tiên là mọi người phải chân thành nói chuyện với nhau, không phải về công việc, con cái hay nhà cửa mà về chính bản thân mình. Khi mới bắt đầu mối quan hệ, hầu hết các đôi uyên ương đều làm việc này. Họ cảm thấy hiếu kỳ về nhau và muốn biết tất cả về đối phương. Kết quả là càng ngày, họ càng cảm thấy gần gũi nhau và sự hấp dẫn về giới tính cũng tăng lên. Nhưng khi đã nói với nhau quá nhiều, họ cho rằng mình đã biết tất cả về đối phương nên không cần phải khám phá gì thêm nữa. Và hầu hết các trục trặc trong quan hệ lứa đôi đều xuất phát từ quan niệm sai lầm này.

                Các quy tắc của cuộc đối thoại

Moeller đã tìm ra một phương pháp đối thoại rất thành công với các khách hàng của ông. Phương pháp này bao gồm một số quy tắc đơn giản nhưng kiên định. Trong quan hệ lứa đôi, các bạn cần phải cùng nhau tuân thủ các quy tắc đó.

Thời gian cố định. Hãy thỏa thuận về một thời điểm cố định cùng thời gian dự phòng (trong trường hợp có việc đột xuất phát sinh) để cả hai có thể trò chuyện với nhau trong vòng chín mươi phút mà không bị quấy rầy.

Quy cách cố định. Hãy ngồi đối diện nhau bởi có những điều quan trọng cần được truyền nhận bằng thị giác chứ không phải bằng ngôn từ. Hãy tạm thời tắt tất cả những thứ có thể quấy rầy cuộc trò chuyện (điện thoại, máy vi tính, nhạc, ti-vi). Đừng cố rút ngắn hay kéo dài cuộc trò chuyện.

Trao đổi cố định. Nếu cả hai có một tiếng đồng hồ khi đối thoại, vậy thì mỗi người nên nói trong vòng mười lăm phút. Người lắng nghe không được hỏi bất cứ câu nào, ngay cả việc hỏi để nắm bắt vấn đề rõ hơn.

Chủ đề cố định. Hãy nói về những vấn đề thật sự quan trọng đối với bạn trong thời điểm hiện tại. Theo Moeller, việc này giống như việc bạn vẽ một bức tranh tự họa vậy. Chỉ tập trung vào bản thân bạn mà thôi. Nếu nói về đối phương (dĩ nhiên điều này là được phép), không nên nói với giọng phán xét mà hãy nói về cảm giác của chính mình trong mối quan hệ của cả hai. Đó là sự khác biệt giữa đối thoại và cãi vã.

 Tại sao việc đối thoại lại có tác dụng tốt như thế?

Moeller cho biết mỗi đôi uyên ương sống trong một thế giới thực được nhân đôi – thế giới thực của chính bản thân họ và thế giới thực của người bạn đời. Nếu mỗi người đều cố gắng tìm hiểu thế giới thực của người kia thì mối quan hệ của cả hai sẽ không ngừng được vun đắp. Tuy nhiên, nếu mỗi người chỉ muốn thuyết phục đối phương tin rằng chỉ thế giới thực của họ là tốt thì mối quan hệ sẽ sụp đổ từ bên trong. Đó là lý do tại sao yêu cầu quan trọng nhất trong một cuộc đối thoại là cả hai thế giới thực phải bình đẳng với nhau.

Trong cuộc đối thoại, cả hai cần học hỏi năm sự thật vĩ đại sau:

1. “Anh/em chứ không phải em/anh”.  Bạn cần hiểu rằng cả hai người biết về nhau ít hơn so với những gì hai bạn nghĩ. Trong một mối quan hệ dài lâu, mỗi người đều không ngừng yêu cầu, đòi hỏi người kia. Moeller mô tả việc này là “sự phụ thuộc hóa lẫn nhau” hoặc “chủ nghĩa phân biệt giữa đôi uyên ương”: mỗi người đều âm thầm tin tưởng rằng theo cách nào đấy, họ tốt hơn người kia. Một cuộc đối thoại chân thành sẽ chấm dứt quan điểm này.

2. “Chúng ta là hai mặt của cùng một mối quan hệ”. Bên cạnh đó, cả hai cần học cách không xem nhau là những cá thể độc lập mà là một đôi uyên ương đã và đang trưởng thành cùng nhau từ trong tiềm thức. Bản chất của tình yêu là những gì liên quan đến tâm hồn. Thậm chí, ngay cả những phẩm chất tồi tệ nhất của người bạn đời cũng thuộc về cả hai người.

Chẳng hạn, nếu người bạn đời giấu giếm bạn một điều gì đó bởi vì họ cảm thấy xấu hổ thì đó không phải là lỗi lầm của riêng họ. Nếu thú nhận điều đó với một người khác, hẳn người đó đã không thấy xấu hổ như thế.

Khi đã tiếp thu kiến thức cơ bản này, bạn sẽ không còn đổ lỗi cho người bạn đời của mình nữa. Điều này sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong mối quan hệ của bạn.

3. “Trò chuyện là đặc quyền của con người”. Hãy ghi nhớ rằng bạn chỉ có thể thay đổi bản thân mình chứ không thể thay đổi được người khác dù có cố gắng đến đâu chăng nữa. Bạn biết rằng việc trò chuyện không chỉ giúp bạn thiết lập mối quan hệ với người kia mà còn với chính bản thân bạn. Điểm cần chú ý trong hầu hết các mối quan hệ không phải là  “sự nghèo nàn đôi lứa” mà chính là  “sự nghèo nàn cái tôi”. Người ta kỳ vọng ở đối phương những thứ mà họ chỉ có thể tự đạt được mà thôi: lòng tự trọng, sự thỏa mãn, niềm tin vào tương lai cũng như niềm vui trong cuộc sống.

4. “Kể cho nhau nghe những câu chuyện bằng hình ảnh”.  Thay vì chỉ nhớ mơ hồ, hãy học cách ghi nhớ những khung cảnh cụ thể. Thay vì nói: “Anh thấy em thật tuyệt vời”, hãy nói: “Sáng nay anh thấy em đang đạp xe ở một góc đường, áo khoác của em bay trong gió còn những giọt nắng thì như đang nhảy múa cùng tóc em. Anh nghĩ em thật tuyệt vời làm sao”. Cuộc sống nội tâm của bạn cũng sẽ trở nên giàu có hơn với những hình ảnh đó. Hai bạn sẽ bắt đầu thấu hiểu được giấc mơ của mình và xem đó như trải nghiệm chung mà trong đó, mỗi người đều đến được tiềm thức chung của người kia.

      5. “Tôi   chịu   trách   nhiệm   về   cảm   giác   của   chính
mình”. Việc học cách thấu hiểu các cảm giác của chính mình là hành động của tiềm thức - bạn không nghĩ rằng các cảm giác ấy đến với bạn theo định mệnh hoặc chúng được tạo ra ở bên ngoài con người bạn. Bạn học cách diễn đạt cảm xúc của mình một cách rõ ràng hơn và tự kiểm soát bản thân tốt hơn nhờ vào việc bạn không còn bị chi phối bởi những cơn bốc đồng.

        Khi cuộc đối thoại có chiều hướng xấu đi

Đừng nản lòng nếu các cuộc đối thoại của hai bạn không có hiệu quả vào lúc đầu. Một sai lầm phổ biến trong quan hệ lứa đôi là họ đã đầu hàng quá sớm khi việc giao tiếp không thành công. Bất luận việc gì xảy ra chăng nữa, hai bạn cũng nên tiến hành ít nhất mười cuộc trò chuyện. Hãy nghĩ đến việc bạn đã kiên trì như thế nào khi đeo đuổi một mục tiêu trong sự nghiệp hoặc bạn đã phải kiên nhẫn nuôi dạy con cái  mình ra sao. Bạn cũng nên tỏ ra nhẫn nại như thế đối với người bạn đời của mình. Hãy tin rằng tự các cuộc đối thoại hoàn thiện bản thân nó. Nếu cuôc đối thoại đầu tiên tồi tệ thì cuộc đối thoại tiếp theo sẽ tự động tốt hơn. Tác dụng của các cuộc đối thoại sẽ tăng dần đồng thời chúng cũng trở nên chân thật và cởi mở hơn.

               Tác dụng của các cuộc đối thoại

Các nghiên cứu về thần kinh đã chỉ ra rằng hệ miễn dịch của con người phụ thuộc khá lớn vào chất lượng đời sống lứa đôi. Chất lượng máu (số lượng hồng cầu và bạch cầu trong máu) cũng được cải thiện đáng kể sau một cuộc đối thoại chân thành.

Cảm giác chủ quan về hạnh phúc của một người cũng phụ thuộc rất lớn vào quan hệ lứa đôi. 

 Một gia đình hạnh phúc có ảnh hưởng tích cực đến con cái. Trong cuộc sống sau này, mỗi đứa con sẽ vô thức hình thành nên những phẩm chất mà bố mẹ chúng đã thể hiện với nhau. 

Sau một thời gian, các cuộc đối thoại chân thành cũng sẽ giúp nâng cao chất lượng đời sống gối chăn của các cặp vợ chồng. Thật sai lầm khi cho rằng đời sống gối chăn chỉ trở nên tuyệt vời khi có sự mới lạ (một luận điểm thường được nhiều người dùng để bào chữa cho những chuyến phiêu lưu tình ái của họ). Sự thấu hiểu và gần gũi chính là những nền tảng cơ bản giúp bạn có được một đời sống gối chăn viên mãn. 

      Hai phút mỗi ngày là chưa đủ 

Theo một cuộc nghiên cứu được tiến hành vào năm 2000 trên 76.000 người thì trung bình, các cặp vợ chồng dành hai phút mỗi ngày để trò chuyện về bản thân họ. Kết quả của  cuộc nghiên cứu này thường bị báo chí trích dẫn sai, như thể các cặp vợ chồng chỉ dành đúng hai phút để nói chuyện với  nhau vậy. Điều chúng tôi muốn đề cập ở đây chính là sự giao tiếp “có giá trị” mà trong đó, chủ đề là bản thân mỗi người và mối quan hệ của đôi bên. Hãy đảm bảo rằng con số này gia tăng đáng kể đối với bạn! 

 BÍ QUYẾT 26: LOẠI BỎ SỰ CƯỜNG ĐIỆU RA KHỎI CÁC CUỘC THẢO LUẬN 

Vì sao ngày nay lại có quá nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ? Tại sao mối quan hệ giữa hai giới ngày càng trở nên khó khăn? Nhà tâm lý học người Mỹ John Gray tin rằng hầu hết các cặp vợ chồng có ý định ly hôn đều có thể duy trì cuộc sống chung nếu họ hiểu được khác biệt cơ bản trong cách giao tiếp giữa nam và nữ. Ông cho rằng khác biệt giữa nam và nữ giới lớn đến nỗi tựa như “đàn ông đến từ sao Hỏa, đàn bà đến từ sao Kim”. Và đây cũng chính là tựa đề của một cuốn sách của John Gray. 

Gray đã đan kết những khám phá của ông thành một câu chuyện rất thú vị. Phụ nữ đã quen sống trên sao Kim, họ luôn nỗ lực xây dựng cộng đồng và sự thuận hòa. Đối với họ, các mối   quan   hệ   quan   trọng   hơn công việc và công nghệ. Người sao Kim tin tưởng rằng mọi thứ đều có thể được cải thiện. Họ xem lời khuyên cùng sự chỉ trích mang tính xây dựng là bằng chứng của tình yêu. Ngược lại, người sao Hỏa đánh giá cao sự sáng tạo và các thành tựu. Họ muốn đạt được những mục tiêu đã đề ra và đặc biệt tự hào khi làm được việc gì đấy bằng chính sức lực của mình. 

Ngày nọ, cư dân của sao Kim và sao Hỏa phát hiện ra nhau và nhanh chóng nhận thấy nhóm kia có những thứ mình thiếu. Thế là người sao Hỏa chế tạo ra những con tàu vũ trụ, đến đón phụ nữ ở sao Kim và cùng nhau định cư trên Trái đất. 

   Người thích tự giải quyết vấn đề và người thích 
                          tâm sự về vấn đề 

Khám phá của Gray rất đơn giản: Nam giới và phụ nữ cơ bản khác nhau về cách giải quyết vấn đề. Đối với nam giới, vấn đề nảy sinh là dịp để họ tìm cách giải quyết và giải quyết một mình nếu có thể - tựa như một người đa năng vậy. Ngược lại, phụ nữ coi vấn đề là dịp để giao tiếp. Họ tìm đến người khác để nói về vấn đề của mình. 

Sự khác biệt này chính đã gây ra vô vàn hiểu lầm và có thể đẩy mối quan hệ đi đến hồi kết thúc.
               
Hiểu điều đối phương muốn nói 

Tình huống: Một buổi tối, người vợ muốn chia sẻ với chồng những lo lắng của cô về công việc bởi vì ngày mai là hạn chót phải nộp báo cáo trong khi cô vẫn phải hoàn tất một số việc quan trọng khác. 

Phản ứng điển hình (nhưng sai lầm): Người chồng nói về vấn đề và các sự thật khách quan:  “Em không thể bàn giao hoặc hoãn công việc quan trọng đó lại sau ngày mai sao?”. Là một người “đa năng”, anh không hiểu được rằng lời phàn nàn kia chỉ là cái cớ còn điều vợ anh thật sự mong muốn chính là một cuộc chuyện trò. Khi ấy, người phụ nữ sẽ cho rằng: “Anh chỉ toàn nhìn thấy thực tế cứng nhắc mà chẳng bao giờ hiểu em cả”. 

 Phản ứng đúng đắn:  Trong trường hợp này, người chồng nên ngồi xuống với vợ, lắng nghe và đồng ý với cô. Chỉ cần vậy là đủ; rồi sau đó, người vợ sẽ tự đương đầu với hàng tá công việc của cô. Phụ nữ không cần giải pháp; họ cần sự thấu hiểu. 

Tình huống: Chiều tối, người chồng về nhà và anh cảm thấy mệt mỏi bởi những áp lực trong công việc. 

Phản ứng điển hình (nhưng sai lầm):  Người vợ sẽ đưa ra lời chỉ trích mang tính xây dựng và lời khuyên như sau:  “Anh không nên ôm đồm nhiều quá. Anh nên thoải mái hơn”. Và người đàn ông sẽ đánh giá hành động của vợ mình như sau:  “Em chẳng hề tin tưởng anh chút nào cả”. 

Phản ứng đúng đắn: Trong trường hợp này, người vợ nên nói với chồng rằng anh rất giỏi và sẽ xoay xở được. Sau đó, cô nên để cho chồng yên tĩnh để làm việc hoặc thư giãn. 

           Sao Hỏa và sao Kim trong Kinh thánh 

Lời khuyên của Gray đã được tìm thấy trong lời phán của thánh Paul: “Người đàn ông phải yêu thương vợ như yêu chính mình và người phụ nữ phải đối xử với chồng bằng lòng kính trọng”. 

Quan niệm này đã đi ngược lại khuynh hướng chung của xã hội. Đàn ông thường rất tôn trọng những gì vợ họ làm. Nhưng đàn ông gặp khó khăn trong việc thể hiện tình yêu và cảm xúc. Cách họ đóng góp cho mối quan hệ của mình là đi ra ngoài, kiếm tiền và làm một điều gì đấy thật ấn tượng. 

Điều phụ nữ mong muốn chính là sự quan tâm và thấu hiểu, đặc biệt là từ người chồng của họ. Phụ nữ cho rằng vai trò của họ chính là thể hiện tình yêu và bộc lộ cảm xúc. Công việc và tiền bạc chỉ đứng ở vị trí thứ hai trong lòng họ đồng thời họ không xem đó là cách để đóng góp cho một mối quan hệ. 

Trong khi đó, đàn ông luôn mong muốn được công nhận, đặc biệt là từ người vợ của họ. Họ thích nghe những câu nói như: “Anh thật tài giỏi”. Họ xem những gợi ý của vợ là sự chỉ trích ngụy trang. 

Khái niệm sao Hỏa và sao Kim cũng cực kỳ hữu ích trong việc hồi sinh những mối quan hệ đã chết lịm. Đừng dùng hiểu biết này của mình vào việc trách móc ( “Em lại cư xử theo kiểu của dân sao Kim nữa rồi!”). Thay vào đó, hãy sử dụng nó như một công cụ để phân tích bản thân ( “Đó là ngôn ngữ của dân sao Hỏa, anh xin lỗi!”). Hãy nói về chủ đề sao Hỏa và sao Kim trong cuộc đối thoại với người bạn đời của bạn và chia sẻ về nó với những cặp vợ chồng khác. Dạng giao tiếp này đặc biệt hữu ích trong quan hệ lứa đôi. 

Học cách đưa ra những lời yêu cầu đúng mực 

Nhiều người cảm thấy thất vọng về hôn nhân và quan hệ lứa đôi bởi vì đối phương không hiểu được những điều họ muốn và cần. Đôi khi, việc này đơn giản là vì họ không nói ra điều họ muốn hoặc cũng có khi do đối phương vô tình phớt lờ mong muốn của họ. 

 Việc này xảy ra trong tất cả các loại quan hệ - hôn nhân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Điều may mắn là ta hoàn toàn có thể giải quyết được nó. Sau hai mươi năm làm việc trong lĩnh vực tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, Rinatta Paries, chuyên gia trị liệu người Mỹ, đã đưa ra những bí quyết đơn giản giúp con người hiểu nhau hơn. 

      Bạn được phép đưa ra yêu cầu 

 Đây là bí quyết quan trọng nhất. Mỗi người đều có quyền được nói lên những điều họ muốn và cần. Bất kể đó là yêu cầu được chia sẻ công việc nhà, chăm sóc con cái, tiền bạc, lời khuyên hay tình cảm – hãy nói với người mà bạn cần để có được điều bạn muốn. Hãy luôn làm như thế. 

Hãy chuẩn bị tâm lý để đón nhận câu trả lời “Vâng” hoặc “Không”

Hãy yêu cầu theo cách mà đối phương có thể tự do lựa chọn đáp ứng hoặc từ chối mong muốn của bạn. Con người yêu tự do. Nếu bạn đưa ra các câu hỏi cởi mở không hàm chứa sự đe dọa (“Nếu anh thật sự yêu em…”) hoặc tiêu cực (“Em có thể cảm nhận được là anh đang sắp sửa nói ‘Không’”), thì bạn sẽ nhận được câu trả lời khẳng định thường xuyên hơn bạn nghĩ. 

      Chấp nhận câu trả lời “Không” 

Đừng phản ứng khiếm nhã trước câu trả lời phủ định. Nếu bạn không duy trì được sự tử tế và cao thượng thì lời yêu cầu của bạn không thật sự là một yêu cầu mà chính là một mệnh lệnh. Chẳng ai thích bị ra lệnh cả. Nếu bạn tiếp nhận câu trả   lời “Không” với thái độ tiêu cực, bạn sẽ tiếp tục nhận thêm nhiều câu trả lời tương tự. Tuy nhiên, nếu thoải mái chấp nhận câu trả lời “Không”, nghĩa là bạn mở ra một con đường để câu trả lời “Vâng” có thể đến với mình trong tương lai. 

      Hãy ủng hộ mong muốn của bản thân 

Nếu bạn yêu cầu ai đó một điều gì đấy và đối phương không muốn đáp ứng mong muốn của bạn, thì cũng đừng bỏ ngang. Hãy thành thật với nhu cầu của mình và đừng bị tác động để rồi từ bỏ nó. 

      Hãy tin tưởng vào đối phương 

Ngay cả khi bạn đã nhận câu trả lời “Không” cho yêu cầu của mình thì cũng nên tin tưởng vào khả năng nó biến thành câu trả lời “Vâng”. Hãy tin tưởng rằng đối phương chẳng hề có ý đồ xấu nào khi từ chối yêu cầu của bạn. Có thể đối phương sẽ nói “Vâng” nếu người ấy biết rõ nguyên nhân và nhu cầu của bạn. Hãy điềm đạm và nhẫn nại giải thích với người ấy về điều bạn thật sự mong muốn. 

      Thể hiện phản ứng của bạn 

Hãy nói cho đối phương biết về tác động của câu trả lời “Vâng” hoặc “Không” của họ đối với bạn. Hãy thể hiện sự phấn khích hoặc thất vọng, sự phật ý hoặc lòng biết ơn của bạn. 

      Hãy giữ cân bằng giữa cho và nhận 

Nhiều người nghĩ rằng nếu họ đoán ra tất cả những mong muốn của người bạn đời thì đổi lại, người ấy cũng phải đáp  ứng mong muốn của họ trong mọi trường  hợp. Nhưng điều này vi phạm nguyên tắc tự do của lời yêu cầu. Chìa khóa dẫn đến thành công trong quan hệ lứa đôi chính là: Hãy thay phiên đáp ứng những nhu cầu được thể hiện rõ ràng của nhau, chứ không phải những mong ước mà cả hai tiên đoán. 

      Đừng chì chiết 

Cằn nhằn hoặc chì chiết có nghĩa là bạn lặp đi lặp lại một yêu cầu của mình để khiến cho đối phương mệt mỏi và phải đầu hàng. Việc này thường được thực hiện bằng một giọng nhẫn nhục ngụ ý:  “Anh sẽ chẳng bao giờ thay đổi cả”. Có thể đôi lúc, sự chì chiết sẽ khiến đối phương đầu hàng. Nhưng khi đó, bạn phải trả một cái giá rất đắt. Vì không thích đáp ứng mong muốn của bạn nên người ấy sẽ thực hiện điều đó trong sự oán giận. Nếu phải lặp lại lời yêu cầu của mình, đừng làm việc đó bằng cách liên tục tạo áp lực cho đối phương. Hãy hành động dựa trên những quy luật đã được bàn đến ở trên. 

      Hãy trân trọng 

Nếu nhận được câu trả lời “Vâng”, hãy tỏ lòng biết ơn. Đừng bao giờ xem đó là một điều hiển nhiên hoặc một quyền lợi mà bạn xứng đáng nhận được. Bạn càng thể hiện sự phấn khích và lòng biết ơn của mình rõ ràng bao nhiêu thì trong tương lai, đối phương sẽ càng sẵn lòng giúp đỡ bạn bấy nhiêu. 

      Đừng trông đợi vào các phép màu 

“Tại sao em phải lên tiếng yêu cầu? Tại sao anh không tự làm cho em?”. Đừng tức giận nếu đối phương không đoán ra mong muốn của bạn. Người ấy không phải là bạn. Hãy hiểu rằng đối phương cũng nghĩ về bạn theo cách tương tự. Đừng bao giờ nghĩ rằng khi bước vào cuộc sống gia đình, mỗi người sẽ có một trực giác hoàn hảo và tự động hiểu được những điều người kia mong muốn. Tốt hơn hết, hãy phát triển một văn hóa hỏi và cảm ơn.

 BÍ QUYẾT 27: CÂN BẰNG MỐI QUAN HỆ GIỮA CÔNG VIỆC VÀ CUỘC SỐNG

Nhiều người thường nói rằng công việc là kẻ thù của hôn nhân. Lời phàn nàn tiêu biểu của những phụ nữ có chồng thành đạt là: “Anh chẳng có chút thời gian nào cho em cả” . Đây cũng là điều mà nhiều nam giới ngày nay sử dụng để phàn nàn về người vợ ham việc của mình. 

Günter   F.   Gross -  cố vấn về quản lý và đời sống  cá nhân - đã dành cả đời để nghiên cứu về mối quan hệ giữa công việc và cuộc sống riêng tư. Và ông đã đi đến một kết luận rất thú vị rằng: Những người thành công có thể áp dụng những kỹ năng trong công việc của họ vào đời sống lứa đôi của mình. Về cơ bản, điều này có nghĩa là những người thành đạt trong sự nghiệp thường cũng dễ thành công trong cuộc sống riêng! 

Những yếu tố quyết định thành công trong công việc cơ bản gồm có thời gian, lòng hăng say, niềm đam mê, quyết tâm – và đây cũng chính là những đức tính cần có ở một người bạn đời tốt. Dưới đây là những bước đơn giản hóa để có được một mối quan hệ tốt đẹp: 

Cách mạng hóa việc lên kế hoạch  về thời gian của bạn 

Để áp dụng được các kỹ năng trong công việc vào cuộc sống riêng tư, bạn cần cân nhắc cách sử dụng thời gian của mình. Các nghiên cứu đã chứng minh được rằng 20% kế hoạch của bạn có thể mang lại 80% thành công. Dĩ nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có thể biết trước được 20% nào  sẽ mang lại thành công. Nhưng trong hầu hết các kế hoạch và ở một mức độ nào đó, bạn có thể biết được mức độ thành công của chúng. Và có một vị cố vấn có khả năng cảm nhận được điều này giỏi hơn bạn: người bạn đời của bạn. 

Đó là lý do vì sao bạn nên cho phép người bạn đời giúp đỡ mình nhiều hơn trong việc lên kế hoạch. Người bạn đời thường lý trí hơn so với các đồng nghiệp của bạn. Người ấy biết được khả năng, mục tiêu lâu dài cũng như cách mà bạn thường lãng phí sức lực của mình như thế nào. Khi trò chuyện với người bạn đời về việc lên kế hoạch cho thời gian biểu của bạn, hãy yêu cầu người ấy hạn chế đưa ra những lời nhận xét cảm tính ( “Bộ anh định đến buổi đấu giá ngu ngốc ấy nữa à?”) để đưa ra những câu hỏi có chủ đích, chẳng hạn như: 

      •  Xét về lợi ích lâu dài, liệu điều đó có đáng được 
          đưa vào thời khóa biểu hay không? 

      •  Việc đó có mang lại lợi ích cho chúng ta không? 

      •  Để thực hiện được kế hoạch mới này, anh sẽ phải 
          từ bỏ những kế hoạch cũ nào? 

 Đương nhiên, việc này đòi hỏi bạn phải dành thời gian để bàn bạc với người bạn đời của mình để cùng lên kế hoạch. Nhưng hãy chắc chắn rằng đó phải là cuộc họp bàn quan trọng nhất đời bạn! Nhiều người thường tham dự hết cuộc họp này đến cuộc họp khác trong khi lại không bao giờ dành thời gian bàn bạc với vợ/chồng mình, tựa như hôn nhân của họ sẽ tự động diễn ra êm xuôi mà chẳng cần bất kỳ sự sắp xếp nào cả vậy. 

Bạn cần phải xem việc sáng suốt đầu tư thời gian vào công việc cũng quan trọng như khi bạn đầu tư tài chính vậy. Hãy áp dụng nguyên tắc này vào việc quản lý thời gian. Nhiều người xem thời gian riêng tư của họ là một nguồn tài nguyên mà họ có thể thoải mái cưỡng đoạt mỗi khi công việc gặp trục trặc. 

            Vị cố vấn cá tính giỏi nhất của bạn 

Nếu bạn có khuynh hướng đồng ý với những thời hạn công việc và các dự án mà không xem xét đến ý kiến của một bên thứ ba nào thì hãy để người bạn đời hỗ trợ bạn trong việc thẩm định nó. Không ai có khả năng làm việc đó hơn người bạn đời của bạn. Hãy nghĩ về quy luật này: ai vội vã chấp nhận một dự án với quyết tâm cao thì người đó sẽ từ bỏ nó với quyết tâm thậm chí còn cao hơn. 

Chẳng hạn, nếu sếp muốn bạn làm tăng ca vào ban  đêm hoặc ngày cuối tuần, hãy trả lời thành thật: “Tôi cần phải bàn bạc với chồng/vợ tôi trước”.  Có thể ban đầu bạn  sẽ thấy ngượng vì rõ ràng, bạn không thể tự quyết định thời gian của chính mình. Nhưng bạn không hề đơn độc bởi vợ/chồng bạn sẽ sát cánh bên bạn. Lúc này, sếp của bạn phải tìm ra lý lẽ có thể thuyết phục được cả người bạn đời của bạn. 

 Thay vì sử dụng hết thời gian, hãy nạp đầy năng lượng! 

Khi cùng nhau lên kế hoạch về thời gian, hãy xem xét đến nguồn năng lượng tinh thần mà những hạn mục  công việc trong thời khóa biểu có thể lấy mất hoặc tạo ra. Việc diễn thuyết có thể tiêu tốn rất nhiều thời gian chuẩn bị cùng sức lực tinh thần của bạn nếu bạn sợ đứng trước đám đông. Nhưng nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, lòng tự tin và năng lượng bên trong bạn   sẽ   tăng   cao.   Làm   những   công việc bạn yêu thích hoặc có thể mang đến  cho bạn sự công nhận sẽ giúp bổ sung nguồn năng lượng dự trữ của bạn. Và đừng quên: Thành công chân  chính cũng khiến bạn trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người bạn đời! 

Bạn đừng để sức lực bị cạn kiệt sau một ngày dài làm việc và trông chờ cuộc sống riêng tư nạp lại năng lượng cho mình. Dù thoạt nghe việc này có vẻ bất khả thi nhưng hãy cố gắng sao cho vào cuối ngày, bạn có thể về nhà với tâm trạng thỏa mãn, thư thái và tươi vui. 

          Hãy nghĩ đến “nguồn tình cảm dự trữ” 

Nếu muốn tồn tại lâu dài, các công ty buộc phải tính toán kỹ lưỡng bài toán về kinh tế. Đó là lý do tại sao họ phải quan tâm đến lợi nhuận, đầu tư cho tương lai và thành lập các nguồn ngân quỹ dự trữ. Nếu công ty của bạn không ổn định về mặt kinh tế, thì nó cũng sẽ trở thành vấn nạn đối với cá nhân bạn. 

Quan hệ lứa đôi cũng vận hành theo cách thức tương tự. Vấn đề quan trọng ở đây chính là tình cảm. Và nhân tố quyết định vấn đề này không phải là tiền hay lợi nhuận. Nguồn vốn của hôn nhân chính là tình thương yêu. Hãy quản lý nguyên liệu cơ bản này một cách cẩn trọng và thông minh, tựa như cách bạn quản lý tiền bạc trong công ty. Tương tự cách bạn đã đầu tư thời gian và tiền bạc để tạo ra lợi nhuận trong công việc, hãy đặt thời gian vào tình yêu thương trong cuộc sống hôn nhân của bạn. 

Đó có thể là những khoảnh khắc bình lặng khi hai bạn ở bên nhau và cùng bồi đắp tình yêu của mình. Tuy nhiên, bạn cần phải chuẩn bị chu đáo cho những khoảnh khắc này. Hãy làm cho người bạn đời của bạn ngạc nhiên bằng cách sống lại những xúc cảm yêu đương ngày trước. Nếu hai bạn được mời đi dự tiệc, hãy ra về sớm một chút, đi đường vòng và đi dạo ở những nơi mà cả hai có thể cùng ngắm ánh trăng hoặc ngắm dòng sông lấp lánh trong đêm. Hãy can đảm làm người lãng mạn. Hãy bày tỏ tình yêu bạn dành cho người bạn đời của mình. Ngay cả khi người ấy đã biết điều đó thì họ cũng sẽ rất thích được nghe lại lần nữa. 

BÍ QUYẾT 28: GIẢI PHÓNG NGUỒN NĂNG LƯỢNG GỐI CHĂN
“Nguồn tình cảm dự trữ” bao gồm những khoảnh khắc lãng mạn, những lời yêu thương, cử chỉ ân cần, một bó hoa, những món quà nho nhỏ… và đương nhiên, cả quan hệ gối chăn nữa. Thực tế, quan hệ gối chăn có khi lại   là   một   sự   chịu   đựng   đối   với những người thành công trong công việc, dù rất ít người thừa nhận điều này. Dưới đây là một vài phương pháp đơn giản hóa mà bạn có thể áp dụng nếu đời sống gối chăn của bạn bị giảm sút và một vài lập luận để chống lại những định kiến lỗi thời. 

                    Hãy kiểm tra cơ thể mình 

Định kiến: Thiếu ham muốn hoặc thiếu năng lực về chuyện gối chăn luôn nằm trong đầu chúng ta. 

Sự thật là: Bạn cần chuyện trò cởi mở với bác sĩ về các vấn đề liên quan đến chuyện gối chăn của mình. Những khó khăn trong đời sống chăn gối thường do tác dụng phụ của các loại thuốc, chẳng hạn như thuốc giảm cân. Hoặc cũng có thể đó là  dấu hiệu của những chứng bệnh như rối loạn nội tiết tố (điều này thường xảy ra đối với phụ nữ sau thời kỳ mang thai) hay bất ổn ở tuyến giáp. 

Một trong những nguyên nhân gây giảm nhu cầu tình dục là bạn thiếu vận động. hãy cải thiện đời sống chăn gối của mình bằng các hoạt động thể dục thể thao mà bạn yêu thích, nhưng chú ý đừng tập luyện quá sức. 

                            Hôn và âu yếm 

Định kiến: Sigmund Freud đã chỉ ra những vùng nhạy cảm trên cơ thể nhằm giúp đời sống gối chăn của ta trở nên phong phú hơn. 

Sự thật là: Cả cơ thể ta đều rất nhạy cảm với những kích thích tình dục. Tuy nhiên, mỗi người đều có những “vùng nguội không muốn ai đụng vào”. Những vùng này có thể thay đổi theo năm tháng. Trong những năm đầu chung sống, có thể người bạn đời của bạn thích thú trước một vài hành động gì đấy; nhưng theo thời gian, họ lại thấy điều ấy thật nhàm chán nhưng lại không dám nói ra. Hãy thực hiện một hành trình khám phá cơ thể trong vòng năm phút với người bạn đời của mình. Hãy sử dụng ngôn ngữ cơ thể để thể hiện những điều bạn thích thú và đừng phản ứng tiêu cực với những gì bạn không thích. 

Hãy quên đi các phạm trù như “khúc dạo đầu” và “hành sự”. Có quan điểm cho rằng tình dục hòa hợp (hôn, âu yếm cho đến quan hệ thật sự) không chỉ là thích thú mà còn giúp bạn khỏe mạnh và gia tăng tuổi thọ. 

Hãy loại bỏ ý nghĩ rằng việc hôn hít và âu yếm phải kết thúc bằng “chuyện ấy”, đặc biệt nếu bạn phải kiêng nó trong một thời gian. 

                       Hãy sắp xếp thời gian 

Định kiến:  “Chuyện ái ân là phải tùy hứng”. 

Sự thật là: Lên kế hoạch là một trong những cách chuẩn bị tốt nhất trong quan hệ gối chăn. Hãy ghi nhớ cuộc hò hẹn đầu tiên của hai người: cảm giác phấn khích, thích thú và thậm chí có phần run sợ. Giữa những lo toan trong công việc và cuộc sống gia đình (thật sự chúng rất có hại cho chuyện gối chăn của bạn), bạn nên lên kế hoạch cho những khoảng thời gian gần gũi với người bạn đời của mình, giống như lên kế hoạch cho các cuộc hẹn vậy, dù có vẻ chúng thật khô khan và máy móc. 

                        Hãy ích kỷ một chút 

Định kiến: Tình dục cần sự thấu hiểu lẫn nhau hoàn toàn. 

Sự thật là: Những cặp vợ chồng sống hòa thuận phàn nàn về chất lượng đời sống gối chăn suy giảm nhiều hơn những   cặp vợ chồng thường xuyên cãi vã. Đây là kết luận của chuyên gia tình dục Bernie Zilbergeld. Việc này không có nghĩa là hai bạn phải cố tình cãi cọ nhau. Chỉ cần bạn hiểu được rằng chuyện gối chăn diễn ra tốt nhất khi mỗi người không chỉ cố gắng đáp ứng nhu cầu của người bạn đời mà còn quan tâm đến những khao khát của bản thân mình. 

BÍ QUYẾT 29: RA NHỮNG QUYẾT ĐỊNH CHUNG VỀ TUỔI GIÀ CỦA CẢ HAI NGAY TỪ BÂY GIỜ 
      
Nhiều người xem cuộc sống là một đường cong liên tục hướng lên trên; và họ đã phải trải nghiệm tuổi già trong sự thất vọng và khủng hoảng khi chệch hướng ra khỏi con đường đã hoạch định. 

Trên thực tế, cuộc đời của mỗi người là một đường cong có tỷ lệ hết sức cân xứng; đoạn đầu đi lên rất nhanh: bạn học hỏi và phát  triển không ngừng, không gian sống của bạn liên tục gia tăng, bạn thăng tiến trong công viêc và có thể khởi tạo một gia đình. 

Ở giai đoạn này, bạn có nhiều nhu cầu lớn: một ngôi nhà hoặc căn hộ có đủ phòng cho tất cả mọi người, các tiện nghi phục vụ cho sở thích và công việc của bạn. Cuộc sống vốn dĩ rất đa dạng và phức tạp. Trong quan hệ lứa đôi, bạn cũng sẽ không ngừng có thêm những mối quan hệ mới, những ràng buộc cùng những cuộc chia tay mới. 

Nhưng một ngày nào đấy, con cái bạn sẽ tự đứng vững trên đôi chân của chúng. Khả năng của bạn sẽ giảm sút và các hoạt động thì thu hẹp lại. Khi đó, cuộc sống của bạn sẽ trở nên đơn giản hơn. 

  Vì sao ở tuổi bốn mươi lăm, bạn cần suy nghĩ về 
        cuộc sống của mình ở tuổi sáu mươi lăm? 

Theo một nghiên cứu ở Đại học Hanover, Đức, hơn 50% những người trên sáu mươi lăm tuổi vẫn đang phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm vì các điều kiện sống của họ: một căn hộ quá lớn hoặc một khu vườn quá rộng. Điều đáng nói là chỉ có khoảng 10% trong số họ nhận ra được vấn đề. Nguyên nhân là vì các nguyên tắc ứng xử của chúng ta rất khó thay đổi, ngay cả khi ta già đi. Những thay đổi mang tính quyết định cho cuộc sống lúc tuổi già cần phải được thực hiện sớm hơn. Hoặc mọi thứ phải đơn giản hơn, hoặc chúng sẽ chẳng có ích lợi gì. 

Nhà trị liệu tâm lý người Mỹ - Myrna Lewis - đã chứng minh rằng những thay đổi có ý nghĩa quan trọng đối với cách ứng xử và tâm trí của bạn lúc tuổi già nên được hoàn tất trước khi bạn đón sinh nhật lần thứ bốn mươi chín. 

Nếu không, bạn sẽ rất khó nhọc trong việc học cách thích nghi với nó. Vì vậy, trong thập niên thứ năm của đời mình (tức là từ 40 đến 50 tuổi), bạn cần đưa ra quyết định sẽ đơn giản hóa cuộc sống của mình như thế nào và vào lúc nào. Người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc này chính là người bạn đời của bạn. Nếu bạn bỏ qua việc lên kế hoạch này, nghĩa là bạn đang tiến dần đến một cú sốc ngày càng trở nên phổ biến: về hưu. 

 Giấc mơ không lành mạnh về sự giàu có ở tuổi già 

Tại các nước phương Tây, hệ thống bảo hiểm tài chính đảm bảo cho những người già có thể tiếp tục giữ mức sống cũ: một căn nhà lớn, một cái xe hơi và những kỳ vọng vĩ đại. Bác sĩ kiêm nhà báo - Heidi Schüller- cảnh báo rằng ngày  nay,   rất nhiều người phải cố gắng cáng đáng quá nhiều khi bước vào tuổi xế chiều. Tâm điểm của cuộc sống bị mắc kẹt nằm ở những nỗi lo toan về vật chất trong khi họ lại không có đủ chỗ cho sự phát triển về mặt tâm hồn. Nhờ vào hệ thống y tế và phong cách sống hiện đại nên mọi người không cần phải ngưng hoạt động khi về già. Họ vẫn tiếp tục thích nghi cả về thể chất lẫn tinh thần và có cơ hội để chủ động cơ cấu cuộc sống của mình, tìm kiếm các hoạt động mới cũng như luôn tỉnh táo. 

Hiếm có trường hợp nào việc đơn giản hóa lại quan trọng như khi lên kế hoạch cho giai đoạn thứ ba của cuộc đời. Hãy hồi tưởng về tuổi trẻ của bạn, về cuộc sống đơn giản khi bạn chỉ lo học tập hoặc nghiên cứu đường hướng cho việc kinh doanh của mình. Bạn có thể sử dụng nó làm mô hình cho tuổi già của mình. Hoặc bạn cũng có thể tìm kiếm và học hỏi ở những tấm gương người cao tuổi sống mãn nguyện và hiểu biết. 

Kế hoạch về giai đoạn thứ ba của cuộc đời bạn có thể như sau: 

      •  Về già, bạn sẽ chuyển đến một căn hộ nhỏ hơn, phù hợp với người cao tuổi. Bạn có thể định sẵn độ tuổi cụ thể để làm việc này, chẳng hạn như bảy mươi. 

      •  Bạn sẽ dành nhiều thời gian để chăm lo cho căn nhà và khu vườn của mình. Bước đầu tiên sẽ là... 

      •  Bạn sẽ tiếp tục năng động và học hỏi những điều mới lạ, có thể từ những người trẻ tuổi. Bước đầu tiên có thể là đăng ký các khóa học về chủ đề... 

      •  Bạn muốn có thời gian để làm những việc quan trọng và có cơ hội chiêm ngưỡng cái đẹp của cuộc sống. Bước đầu tiên sẽ là… 

      •  Bạn muốn hòa giải với… vào lúc này. (Bạn không muốn đợi đến lúc mình già đi). 

      •  Để tránh tranh chấp trong việc thừa  kế, bạn sẽ lập một bản di chúc ngay bây giờ. 

Con đường đơn giản hóa đã ngày càng trở nên nghiêm túc hơn. Chúng ta không còn đề cập đến bàn làm việc lộn xộn hay những nỗi lo lắng về tiền bạc nữa. Cuốn sách này bao quát cả cuộc đời bạn. Chúng tôi hy vọng rằng giờ đây, bạn đang cảm thấy hào hứng với chương tiếp theo. Điều gì đang chờ đợi ở cấp độ cao nhất, tức là ở tâm điểm của kim tự tháp cuộc đời bạn? 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét