Quy tắc 11: Hãy là người cuối cùng lên tiếng
Với
tôi, đây thực sự là quy tắc khó. Tôi luôn muốn được lên tiếng, được hét
thật to. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống như
thế, hét hò là một cách sống và là cách duy nhất để người khác lắng nghe
bạn,
để thu hút sự quan tâm của mọi người và để nói lên ý kiến của
mình. Kỳ quặc ư? Đúng thế. Náo loạn ư? Đúng thế. Có ích ư? Có thể không.
Một trong những cậu con trai của tôi đã thừa hưởng được gen
hét hò từ bố và cu cậu tỏ ra khá giỏi trong việc ấy. May sao, quy tắc
này của chúng ta lại nói rằng: hãy là người cuối cùng lên tiếng, như vậy
là tôi được lợi rồi. Nếu cu cậu la hét trước thì tôi sẽ la hét lại.
Nhưng thực tế tôi luôn cố gắng để không làm điều đó. Với tôi, dù với bất
cứ kiểu gì, thì la hét vẫn cứ là điều tồi tệ, dấu hiệu chứng tỏ tôi
mất bình tĩnh và mất khả năng tranh luận. Có một cậu bé con một ông giám
mục, một lần bắt gặp bài giảng đạo của cha mình, cậu ta đã lấy bút bồi
thêm một câu bên lề: “La hét, tranh luận chỉ là yếu mềm”. Tôi nghĩ câu
chuyện có thể tổng kết những điều ở trên.
Nhưng cũng có nhiều
khi tôi la hét và sau mỗi lần như thế lúc nào tôi cũng hối hận. Có một
lần khi chúng tôi đi ăn tối ngoài tiệm, tôi đã hét tướng lên trên đường
như thế. Lúc đó, tôi suy nghĩ theo cách riêng của mình, nhưng thực tế đó
là chuyện chả hay ho gì và sâu trong lòng tôi cũng cảm thấy xấu hổ vì
mình.
La hét , tranh luận chỉ là yếu mềm .
Vậy bạn
sẽ làm gì nếu cũng bị di truyền gen thích la hét như tôi? Tôi nghĩ tôi
sẽ tìm cách chuồn khỏi đó để tránh trường hợp biến sự bất đồng thành la
hét trong các cuộc tranh luận nảy lửa. Sẽ rất khó, nhất là khi bạn cho
rằng mình đúng. Có nhiều thứ khiến chúng ta muốn hét lên, và nhiều khi
chúng ta cảm thấy la hét như thế là cách duy nhất giúp chúng ta bình tâm
trở lại. Nhưng chúng ta đang chung sống với những con người thực, những
người cũng có cảm nghĩ như chúng ta và la hét vào mặt người khác là
điều không thể biện minh - ngay cả khi họ là người bắt đầu.
Thông
thường có hai trường hợp chúng ta hay la hét - trường hợp có lý do
chính đáng và trường hợp bị lôi cuốn theo. Trường hợp thứ nhất là khi
bạn chèn xe lên chân ai đó và không muốn xin lỗi hoặc giả bạn không nhận
thức rằng mình đã làm điều gì sai. Trong trường hợp này, nạn nhân của
bạn có quyền la hét bạn. Trường hợp thứ hai là khi ai đó cố tình la hét -
một kiểu hăm dọa. Bạn có thể phớt lờ họ hoặc kiểm soát tình hình bằng
thái độ quyết đoán. Bạn không được phép la hét lại họ.
Tôi
biết, tôi biết, có hàng đống trường hợp mà dường như la hét là cách hợp
lý nhất - chú cún của bạn đang ăn vụng bữa ăn ngày chủ nhật, bọn trẻ
không chịu dọn dẹp phòng ốc, máy tính của bạn lại trục trặc và nhân viên
sửa chữa không thể sửa kịp cho bạn, bọn trẻ hư lại vẽ đầy lên tường
nhà bạn, bạn gọi đi gọi lại nhiều lần và cuối cùng vẫn không gọi được số
tổng đài sau khi chờ máy suốt 20 phút, họ đặt biển đóng cửa ngay khi
bạn mới đặt đống đồ lên quầy thu ngân, ai đó tỏ ra rõ là ngốc nghếch
hoặc giả cố tình vờ như không hiểu bạn nói gì.
Và cứ thế
mãi. Nhưng nếu bạn lẩm nhẩm quy tắc này - “Không la hét, không la hét”,
mọi chuyện sẽ cực kỳ đơn giản. Mọi người sẽ biết đến bạn như người luôn
giữ bình tĩnh bất kể xảy ra chuyện gì. Những người giữ được bình tĩnh
luôn được tin cậy. Những người giữ được bình tĩnh luôn là chỗ dựa cho
người khác. Những người giữ được bình tĩnh luôn được kính nể và giao
nhiều trọng trách. Những người giữ được bình tĩnh luôn sống lâu hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét