Chào các bạn!

Tất cả các quyển sách trực tuyến, chúng tôi đều có sẵn Ebook và Audio book. Nếu có nhu cầu mời các bạn vào đây để tải: Hướng dẫn cách tải links trên các host TẢI EBOOK- AUDIO BOOK TỪ A --> Z


BQĐGHCS - Chương 3 : Tầng 3 của Kim Tự Tháp đời bạn - Đơn giản hóa thời gian

Giấc mơ đơn giản hóa của bạn: Đêm thứ tư

Đến tầng này thì vấn đề tiền bạc đã rất khác và mọi thứ ở bên dưới trông rất vô hại một cách khôi hài”.

Ý nghĩ này sẽ xuất hiện trong đầu bạn khi bạn tìm được đường lên tầng thứ ba của kim tự tháp cuộc đời mình. Giờ thì bạn đã chuẩn bị tâm lý để đối mặt với những cảm xúc ở tầng này và đột nhiên một ý nghĩ lóe lên trong tâm trí bạn: Có lẽ kim tự tháp cuộc đời bạn chẳng có gì cả ngoài những cảm xúc.


Nhưng khi nhìn kỹ hơn vào tầng thứ ba, bạn sẽ nhận ra rằng không đúng như thế. Bạn không ngớt ngạc nhiên khi nhìn thấy một chuỗi những hình ảnh mới lạ, những biểu tượng cùng những câu chuyện xuất phát từ sâu thẳm tâm hồn bạn. Các bức tường của tầng thứ ba được xây dựng bằng đá tổ ong kỳ lạ, giống như ngà hoặc sa thạch. Bạn nhận thấy mình đang bước đi trên những hạt cát giòn. Bạn nhìn thấy một chất bột trắng  chậm rãi chảy ra từ những cái lỗ trên tường. Bạn thận trọng cảm nhận bức tường và nhận ra rằng lớp cát dưới chân mình cũng xuất phát từ chính các bức tường này.

Một ngày nào đấy, những bức tường này sẽ không còn vững chãi nữa và sẽ bị vỡ nát. Lần đầu tiên bạn nhận thức được rằng kim tự tháp này không tồn tại mãi mãi mà chỉ giới hạn trong cuộc đời của bạn mà thôi.

Nhưng những bức tường của tầng thứ ba trông vẫn rất chắc  được treo lơ lửng, những hình thù kỳ lạ, những gương mặt nhăn nhó, các kết cấu đầy màu sắc và những khối đá màu xám sẫm. Rất nhiều thứ đang chuyển động và linh cảm mách bảo bạn rằng đây là những hoạt động, công việc, trách nhiệm, sở thích cùng những ưu tiên của bạn. Trong đó, có một số thứ khiến bạn cảm thấy nặng nề còn những thứ khác lại mang đến cho bạn cảm giác nhẹ nhõm và thích thú.

Bạn muốn có một chiếc đồng hồ treo ở tầng thứ ba này và rồi nhận ra có rất nhiều đồng hồ nằm cách xa nhau đang không ngừng xoay chuyển tựa như các vệ tinh. Bạn hiểu rằng kim tự tháp cuộc đời mình không chứa bất kỳ loại đồng hồ đeo tay hay đồng hồ điện tử nào cả. Dù tìm mọi cách để nắm bắt những chiếc đồng hồ ấy nhưng bạn vẫn không thể chạm hay tác động đến chúng được. Nhưng bạn lại phát hiện ra rằng với  những hình ảnh trên tường, bạn không chỉ chạm vào mà còn có thể di chuyển chúng một cách dễ dàng.

Điều đó khiến bạn ngạc nhiên vô cùng bởi bạn cho rằng chúng phải được gắn chặt để không bị xê dịch. Và đến đây, bạn biết được nhiệm vụ của mình ở tầng thứ ba này là gì.

Mục tiêu đơn giản hóa ở tầng 3

Học cách quản lý thời gian một cách chủ động.

Khi nhìn vào chủ đề thời gian, ta hiểu rằng đây chính là nguồn tài nguyên được phân bổ rõ ràng và công bằng hơn mọi thứ khác: mỗi người đều có hai mươi bốn giờ mỗi ngày. Thế thì tại sao một số người lại “không có thời gian” trong khi những người khác thì chán chường với chuỗi thời gian dài dằng dặc của mình? Chính cách diễn đạt đã khiến ta bị sai lạc: Khi một ai đó bảo rằng họ “không có thời gian” thì sự hỗn loạn không nằm ở thời gian mà chính ở những công việc của họ. Họ có quá nhiều việc phải làm trong một ngày, từ những việc to tát đến những việc vụn vặt. Sự đơn giản hóa không có nghĩa là “tiết kiệm thời gian” mà phải là “tiết kiệm các công việc”.

Đây không phải là vấn đề quản lý thời gian. Đây là vấn đề về quản lý chính bản thân bạn. Đó là bí mật của tầng thứ ba trong kim tự tháp cuộc đời bạn: Ở một khía cạnh nào đấy, bạn đã tạo ra một con đường bằng cách loại bỏ các hoạt động không cần thiết và dành ưu tiên cho một số hoạt động khác. Khi cảm nhận được cảm giác vẻ vang của việc làm chủ được thời gian của mình, bạn sẽ có động lực để tiến thêm được một bước trên con đường đơn giản hóa.

BÍ QUYẾT 10: PHÂN CHIA CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA BẠN

Bí quyết của những người hạnh phúc và thành đạt nằm ở khả năng tập trung hoàn toàn vào một công việc nhất định của họ. Dù có rất nhiều việc phải lo nghĩ nhưng họ vẫn tìm ra phương pháp để chúng không cản trở lẫn nhau và thiết lập nên trật tự trong nội tâm của mình. Và trật tự này khá đơn giản: Những việc quan trọng nhất phải được làm trước tiên!

Trên lý thuyết thì điều này nghe có vẻ dễ dàng, nhưng  trên thực tế, mọi chuyện lại rất khác. Có thể bạn đã cố gắng sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các công việc của mình nhưng lại gặp thất bại vì những chuyện nhỏ nhặt không lường trước được. Hãy biến đơn giản hóa thời gian thành một lĩnh vực mới của việc quản lý bản thân bạn.

Sự đơn giản tuyệt đối  
Hãy đưa ra thứ tự ưu tiên cho các công việc chuyên môn và công việc cá nhân của bạn theo thứ tự số 1 là những công việc cực kỳ quan trọng, và tiếp đến là số 2, số 3, số 4…. Đôi khi, thứ tự ưu tiên sẽ được thiết lập dựa trên mức độ cấp bách về thời gian. Tuy vậy, bạn cũng đừng tin tưởng tuyệt đối vào tiêu chí này bởi không phải mọi thứ cấp bách đều thật sự quan trọng. Vị trí đầu tiên phải là dành cho những việc có khả năng mang đến lợi ích trên mức trung bình, có tiềm năng phát triển hoặc được nhiều người để ý. Điều mới lạ trong con đường đơn giản hóa chính là không thỏa hiệp. Mỗi ngày, bạn chỉ nên chọn ra một việc cho ưu tiên 1.

Nếu bạn cố gắng đảm nhiệm hai nhiệm vụ cùng lúc thì nguồn năng lượng của bạn sẽ bị tiêu tan ngay lập tức.  Cho dù chỉ cố gắng giải quyết công việc thứ hai ấy trong đầu thì bạn cũng đang làm suy yếu sức mạnh nội tại của mình. Chính vì thế, bí quyết ở đây là bạn phải tách biệt việc ưu tiên ra khỏi các công việc tiếp theo đó càng xa càng tốt. Để làm được điều đó, bạn có thể tham khảo hai kỹ thuật sau đây.

Dành thời gian cho những việc quan trọng

Hãy thỏa thuận rõ ràng với những người đang chờ đợi bạn hoàn thành các công việc mà bạn đã liệt vào hạng thứ 2, 3, hoặc thấp hơn. Hãy dành thời gian cho việc ưu tiên hàng đầu. Đừng đưa ra những kỳ hạn thiếu thực tế bởi nếu không, bạn sẽ lại rơi vào cái vòng lẩn quẩn.

Bạn sẽ nhận được những cuộc điện thoại với điệp khúc cũ rích: “Nhưng anh/cô đã hứa với tôi …”. Hãy giữ bình tĩnh và đừng để mình bị đe dọa. Hãy nói lên sự thật: việc ấy không thể nào hoàn thành sớm hơn được. Nguy cơ mất khách hàng theo cách ấy hoặc nguy cơ bị đuổi việc thường không cao như mức nhiều người vẫn tưởng. Về lâu dài, mọi việc sẽ tệ hại hơn nếu bạn không hoàn tất được công việc theo đúng kỳ hạn mà bạn đã hứa. Điều quan trọng là bạn phải giữ cho đầu óc mình được sáng suốt đối với những việc nằm trong ưu tiên 1. Đó là nguyên tắc của việc dành thời gian cho những điều quan trọng.

Hành động chống lại sự quấy nhiễu

Hãy tránh xa những điều quấy nhiễu (ví dụ: bằng cách chuyển sang một phòng làm việc khác; xem Bí quyết đơn giản hóa 14) và hãy bắt đầu ngày mới bằng công việc ưu tiên số 1. Đừng cho phép bất cứ sự quấy nhiễu nào xen vào công việc của bạn. Hãy trì hoãn những công việc mà bạn thích làm nhất, chẳng hạn như kiểm tra thư, lướt web, tưới hoa, đặt mua những chú gấu teddy mới… Chỉ thưởng cho bản thân những hoạt động dễ chịu khi đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên của công việc số 1. Hãy tự an ủi bằng câu nói: "Vạn sự khởi đầu nan" nhưng đồng thời bạn phải tự mang đến động lực cho bản thân.

Có thể ban đầu, bạn cảm thấy cuộc sống của mình như một chiến trường, nơi mà bạn cần phải nắm thế chủ động. Nhưng sau một thời gian, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Đó là nguyên tắc của việc tập trung đề phòng có ý thức.


Bạn sẽ nhận ra rằng khi tập trung vào một công việc, bạn có được nguồn sức mạnh mà trước đây bạn không hề biết. Hãy tưởng tượng: Bạn tham gia một cuộc thi tài trong hội chợ và phải mang theo hai chú heo thật nặng chạy qua đoạn đường dài hơn chín mươi mét. Nếu cố gắng ôm cả hai con cùng lúc thì bạn sẽ khó bề cán đích được. Trong khi đó, nếu bạn cột một con lại rồi ôm lấy con kia, dồn hết sức lực bế nó chạy đến đích. Sau đó bạn nghỉ mệt một lát rồi chạy trở lại để ôm nốt con còn lại chạy đến đích thì bạn có thể hoàn thành được phần thi của mình trong những tràng vỗ tay vang dội từ khán giả!

Ăn mừng thành công của bạn

Khi đã giải quyết xong công việc số 1, hãy ăn mừng thành công ấy. Bạn có thể ăn mừng một mình hoặc cùng với người khác. Bạn có thể nằm dài trên bãi cỏ, rong ruổi trên khắp các
con đường, uống bia hoặc cùng người bạn đời tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ. Hãy để bản thân  được nếm trải cảm giác hoàn thành được một việc gì đấy và hãy tận hưởng nó.

Bất luận có bao nhiêu công việc khẩn cấp khác đang chờ đợi thì đây vẫn là khoảng thời gian mà bạn nên dành cho trải nghiệm tích cực của mình mà thôi! Đừng để bất cứ ai cướp đi khoảnh khắc hạnh phúc này của bạn, nhất là chính bản thân bạn! Đây là điểm quan trọng nhất trong kế hoạch đơn giản hóa thời gian.

Nếu không thực hiện được điều này, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống của mình như một gánh nặng và công việc thật buồn tẻ. Hãy thử nguyên tắc ăn mừng cuộc sống, tốt nhất là ngay từ hôm nay.  

BÍ QUYẾT 12:  GIẢI TỎA CĂNG THẲNG BẰNG CÁCH  KIÊN QUYẾT NÓI “KHÔNG” 

 Nếu bạn cảm thấy hai mươi bốn giờ mỗi ngày không đủ để giải quyết mọi việc của mình thì đó không phải là do một ngày quá ngắn mà là vì bạn có quá nhiều hoạt động. Một sự thật đơn giản rằng những người bị quá tải thường có khuynh hướng hay quên. Giải pháp đơn giản hóa cho trường hợp này thật ra rất dễ dàng: Đừng gánh vác quá nhiều nhiệm vụ trong cuộc sống riêng cũng như trong công việc. Sớm muộn 
gì những người làm việc quá độ cũng ngã bệnh. 

Áp lực trong công việc ngày càng gia tăng đối với tất cả các ngành nghề và trong mọi lĩnh vực. Người lao động sợ bị mất việc trong khi những người kinh doanh thì lo lắng về việc bị mất khách hàng. Mối quan hệ giữa các cá nhân ngày càng căng thẳng. Các kỳ vọng trước đây được san sẻ cho các thành viên trong gia đình lớn thì giờ đây, nó chỉ tập trung vào cặp vợ chồng. 

Kết quả là gì? Người lao động phải gánh vác thêm nhiều trách nhiệm còn những người kinh doanh thì cố gắng có thêm nhiều hợp đồng. Việc tăng ca thường xuyên đã đẩy nhiều gia đình đến bờ vực tan vỡ. Để gìn giữ gia đình, những người vốn đã gánh chịu quá nhiều áp lực trong công việc lại tiếp tục gồng gánh thêm nhiều trọng trách trong cuộc sống riêng tư. Họ cố gắng nói “Đồng ý”vì lo sợ hậu quả của việc nói “Không”. Trong khi đó, nghệ thuật đơn giản hóa yêu cầu ta phải cứng rắn trong việc nói “Không”.

Sự hiểu biết lành mạnh về bản thân giúp bạn có thể nói “Không” 

 Manuel J. Smith, giáo sư tâm lý học ở Los Angeles, đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Theo ông, khi người ta nói  “Vâng” dù thật lòng họ muốn nói “Không” thì về cơ bản, đó không phải là quyết định của họ nữa bởi họ đã bị người khác chi phối. 

Liệu pháp mà ông đưa ra là hãy gia tăng hiểu biết của những người này. Nếu rơi vào tình cảnh phải lựa chọn giữa  “Có” hoặc  “Không”, hãy tự nhủ với bản thân rằng:  “Tôi có quyền không để người khác chi phối mình, dù đó có là sếp, khách hàng, thậm chí là người bạn đời, bà con hay bạn bè thân”. 

Trong những tình huống này, hãy đứng thẳng, bằng cả hai chân thật vững chãi, giữ cho   lưng   thẳng   và   bình   tĩnh  nói   với   bản thân:  “Tôi là tôi và tôi có thế giới riêng của mình, thế giới thuộc về riêng tôi chứ không ai khác”. 

Khái niệm tích cực để chống lại nỗ lực thao túng của người khác là quyền tự quyết của bạn – và đây là yêu cầu cơ bản nếu bạn muốn có một mối quan hệ lành mạnh với mọi người. Quyền tự quyết này có thể được tóm gọn trong năm điểm sau:  

1. Sự tự chủ về mặt cảm xúc. Bạn có quyền đánh giá cảm xúc của chính mình. Chẳng hạn, sếp của bạn yêu cầu:  “Anh hãy đi gặp ông Smith và thuyết phục ông ấy ứng tuyển vào vị trí này”. Bạn nói: “Phải tìm người khác làm việc này thôi. Tôi không thể chịu nổi ông ấy. Tôi không thể làm được”. Sếp của bạn lại tiếp tục bảo: “Không thể được, chính anh sẽ thu xếp việc này”. Thoạt nghe, câu nói này tựa như lời động viên nhưng thực tế, nó chính là sự thao túng: người sếp cố tình gạt bỏ cảm xúc của bạn. Bạn có quyền làm chủ cảm xúc của mình và quyền được người khác tôn trọng. Chính vì thế, bạn hãy nói: “Đó là việc bất khả thi đối với tôi. Xin hãy giao cho người khác. Điều đó sẽ tốt hơn cho tất cả những người có liên quan!”. 

2. Sự tự chủ về thị hiếu.  Bạn có quyền làm chủ những sở thích của mình. Chẳng hạn, một nữ nhân viên bán hàng hỏi bạn: “Tại sao anh không thích chiếc áo choàng này?”. Bạn trả lời: “Tôi không thích màu này”. Cô ấy nói: “Màu này đang là mốt đấy. Tất cả các khách hàng của tôi đều rất thích nó”. Đừng để bản thân bị cuốn vào một cuộc thảo luận xa hơn. Ngay khi bạn bắt đầu phán xét hoặc bào chữa cho thị hiếu của mình, bạn đã làm suy yếu lòng tự trọng của bản thân và cho người khác cơ hội để thao túng bạn. 

3. Sự tự chủ trong cách đánh giá. Nếu bạn phải giải quyết vấn đề của người khác, nghĩa là bạn đang sở hữu các vấn đề ấy. Chẳng hạn, người bạn đời của bạn nhờ bạn rằng:  “Ngày mai anh đi đón dì của em ở sân bay nhé!”. Bạn bảo lại rằng: “Không, anh không đi được. Em đón dì đi. Anh đã làm quá nhiều việc cho em rồi còn gì”. Và người bạn đời của bạn bảo:  “Em nghĩ như thế là không được. Nếu anh tôn trong cuộc hôn   nhân   của   chúng   mình   thì   anh   sẽ không tính toán với em như vậy”. Trong trường hợp này, cả đôi bên đều đang phán xét lẫn nhau. Nếu bạn nói “Vâng” và không còn bảo vệ cho luận điểm của mình nữa, mối quan hệ của vợ chồng bạn sẽ bị mất cân bằng và người vợ sẽ tìm cách thao túng bạn hết mức có thể. Trong trường hợp này, giải pháp thỏa đáng chỉ xuất hiện khi sự phán xét trên đều tác động đến cả đôi bên và cả hai cùng đạt được một thỏa hiệp chung. 
      
4. Sự tự chủ trong hành động. Bạn có quyền mắc sai lầm. Khách hàng của bạn yêu cầu: “Anh phải hoàn tất bản đánh giá khách hàng vào cuối tuần này bằng mọi giá!”. Bạn bảo:  “Không thể nào! Tôi còn phải chăm lo cho gia đình tôi. Họ quan trọng đối với tôi hơn mọi thứ”. Khách hàng   của   bạn   nói   tiếp:     “Như   thế   là   không   được.   Năm ngoái, bản đánh giá của anh còn khá nhiều lỗi và bây giờ anh phải bù lại chứ”. Thiên Chúa phán: “Hãy để người vô tội ném hòn đá đầu tiên”. Điều này dựa trên sự thật cơ bản: Không ai là hoàn hảo cả. Nếu là người tự tin, bạn có thể thừa nhận lỗi lầm của mình, xin lỗi và cùng mọi người tìm cách khắc phục. Đừng để người khác dùng sai lầm của bạn để chống lại bạn và ép bạn phải làm việc như là một hình phạt. 

5. Sự tự chủ trong việc ra quyết định. Bạn có quyền đưa ra những quyết định phi lý. Vợ của bạn yêu cầu: “Anh đừng làm việc trong hội đồng nữa”. Bạn nói: “Không, công việc ấy rất quan trọng đối với anh”. Cô ấy tiếp tục: “Em chỉ nghĩ cho anh thôi. Trông anh kiệt sức và căng thẳng quá”. Dù vợ của bạn đang lo lắng cho  bạn nhưng rõ ràng, cô ấy vẫn đang tìm cách thao túng bạn. Hãy giữ vững quyết định của mình và lái câu chuyện sang hướng mà bạn mong muốn. Bạn đang tranh cãi từ góc độ tình cảm trong khi người bạn đời của bạn lại đứng trên quan điểm của lý trí. Nhưng cả hai đều có lý. Trong trường hợp này, các bạn nên tìm cách thỏa hiệp. 

Bảy cách để nói “Không” nhưng vẫn giữ được mối quan hệ 

Bạn có thể xem từ “Không” như một từ khóa để tự chủ hơn trong việc quản lý thời gian của mình đồng thời được thỏa mãn hơn. Bên cạnh việc hiểu biết bản thân hơn thì việc nói “Không” của bạn sẽ trở nên thoải mái hơn với một số lời khuyên đơn giản hóa dưới đây. 

1. “Hãy cho tôi một ít thời gian để cân nhắc”. Hoặc  “Hãy để tôi suy nghĩ về việc này. Tôi sẽ gọi lại cho anh trong vòng một tiếng nữa” . Sau một tiếng, hãy gọi lại và nói “Không” thật lịch sự mà không biện hộ gì thêm. Việc dành thời gian để suy nghĩ về đề nghị của người khác và việc bạn gọi lại cho họ đã giúp cho câu trả lời của bạn ít lỗ mãng hơn. 

2. “Đó là lời đề nghị rất tuyệt!”. Hãy thể hiện rằng bạn đánh giá cao lời yêu cầu của người khác bằng một câu công nhận nó. Nhưng sau đó, hãy nói rõ rằng vào lúc này, thời gian của bạn không cho phép nên bạn rất tiếc khi phải nói “Không” với kế hoạch đó. Đừng giải thích thêm gì về sự bận rộn của mình. Điều đó có thể dẫn đến mâu thuẫn hoặc những cuộc tranh cãi không đáng có. 

3. “Tôi đánh giá anh rất cao!”. Khi nhận được một lời yêu cầu nào đó, hãy tán dương người đã đưa ra lời yêu cầu ấy để củng cố thêm mối quan hệ của đôi bên. Sau  đó, bạn chuyển sang từ chối nhẹ nhàng như sau: “Tôi chỉ  muốn làm việc này với anh thôi, nhưng hiện tại tôi buộc  lòng phải nói không”. 

4.  “Tôi không thể làm việc ấy vì không được phép”. Người ta sẽ chấp nhận sự từ chối dễ dàng hơn nếu họ biết rằng sự từ chối ấy đến từ quy định hoặc lợi ích chung.“Gần đây tôi hiếm khi có thời gian dành cho gia đình nên tôi phải ưu tiên cho họ”. 

5. “Tôi rất lấy làm tiếc cho anh!”. Lời từ chối này đặc biệt hữu ích với những lời yêu cầu tế nhị:  “Chúng tôi rất  muốn đến cả gia đình nhưng thật không may là giá thuê phòng ở khách sạn đắt quá…” . Đừng suy diễn sâu xa. (Có lẽ anh ta muốn bạn mời anh ta nghỉ lại ở nhà mình). Hãy  chỉ trả lời ý chính của người kia và thể hiện sự thấu hiểu  ở mức độ tình cảm. 

6. “Điều đó không hợp với tôi”. Câu nói sáo rỗng này chỉ nhằm mục đích trì hoãn lại sự việc nhưng nó có thể làm hài lòng một số người. Họ sẽ từ bỏ yêu cầu của mình. Nếu họ vẫn cứ khăng khăng đề nghị nó, bạn có thể  sử dụng một câu sáo rỗng khác:  “Tôi e là hiện giờ tôi không thể trả lời được”. 

Mối quan hệ càng riêng tư bao nhiêu thì bạn càng phải cẩn trọng khi chọn cách từ chối này bấy nhiêu. Nếu người thân yêu cầu bạn làm giúp họ một công việc vào một ngày cụ thể, thì thay vì nói: “Không, tôi không thích làm việc đó”, bạn có thể thử: “Không, tôi không thể làm việc ấy vào ngày hôm đó”. Cách nói này sẽ khiến người yêu cầu dễ chấp nhận hơn. 

7. “Ừm… Không”. Đây là phương pháp tốt nhất vào phút cuối.  Nếu  bạn  muốn  nói  “Không”  thì hãy nói  “Không” với một khoảng lặng trước đó để thể hiện là bạn có suy nghĩ và cân nhắc trước yêu cầu của người kia. Hãy nói  “Không” với giọng rõ ràng và nhìn thẳng vào người đối diện khi nói. Nếu không, bạn sẽ làm cho  người  ấy nuôi  dưỡng hy vọng. Đừng biện minh gì thêm để tránh bị cuốn vào một cuộc thảo luận dài lê thê. Một câu trả lời rõ ràng sẽ giúp bạn tránh được những nỗi bực dọc về sau. Bên cạnh đó, nó cũng giúp bạn tránh được sự hiểu lầm và thể hiện bản thân quá mức. 

BÍ QUYẾT 13: SỐNG CHẬM LẠI 

Khám phá sự chậm chạp đầy sáng tạo 

Như đã đề cập, mỗi người chúng ta có hai mươi bốn giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, những chiếc đồng hồ cá nhân của chúng ta lại chạy với tốc độ khác nhau. Một số chuyên gia gọi tốc độ của chiếc đồng hồ nội tâm bạn là  “thời gian của chính bạn” còn tốc độ của đồng hồ của ông chủ, khách hàng, hay gia đình bạn là  “thời gian của người khác”. Bước chính yếu trong con đường đơn giản hóa là tìm cách hài hòa hai nhịp điệu ấy. 

Tìm thấy “thời gian của chính bạn” 

Hãy lập danh sách những công việc bạn thích làm và làm tốt nhất ở thời điểm nào trong ngày. Trong điều kiện nào thì bạn làm việc hiệu quả nhất? Thời gian lý tưởng để bạn đi ngủ và thức dậy là khi nào? Bạn có thích ngủ sau khi ăn trưa không? 

Tiếp theo, hãy lập một danh sách thứ hai trong đó định ra những khoảng thời gian làm việc cho ít nhất một tuần và hãy ước lượng chất lượng làm việc của mình một cách chủ quan. Với những danh sách này, bạn sẽ sớm khám phá ra “khung thời gian” nào là lý tưởng nhất đối với mình. Hãy thỏa  thuận với sếp, đồng nghiệp và người thân của bạn về thời gian làm việc cũng như cách tổ chức hiệu quả nhất. 

Chẳng hạn,  bạn có thể chuyển các cuộc họp từ buổi sáng (thời gian làm việc hiệu quả nhất của riêng bạn) sang đầu giờ chiều (thời gian mà bạn làm việc một mình kém hiệu quả nhất). Hoặc bạn có thể thỏa thuận với sếp và người thân của mình rằng bạn sẽ làm việc ba buổi tối tại nhà (thời gian mà khả năng sáng tạo của bạn được phát huy mạnh mẽ nhất) và đổi lại, bạn được ở nhà hai buổi trưa để thư giãn cùng gia đình. 

Tìm ra “kẻ trộm thời gian” trong nội tâm bạn 

Không chỉ có người ngoài đánh cắp thời gian của bạn mà chính tính cách của bạn cũng tham gia tích cực vào việc đó. Nó đóng vai trò lớn hơn những gì mà ta vẫn nghĩ. Đây là những loại cấu trúc tính cách làm tiêu tốn nhiều thời gian nhất: 

Kẻ trộm thời gian 1: Tiêu chuẩn cao. Dựa trên các giá trị cá nhân, bạn kỳ vọng ở bản thân nhiều hơn những gì mình có thể làm được. 

Giải pháp đơn giản hóa: Hãy hạ thấp các tiêu chuẩn của bạn xuống. Hãy tự quyết trong việc định hướng bản thân chứ đừng dựa vào người khác. Nhìn chung, các giá trị quyết định tiêu chuẩn của bạn thường có liên quan đến bố mẹ bạn và sự nuôi dạy của họ. Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trước bố mẹ và hãy nói với họ rằng: “Cảm ơn bố mẹ vì tất cả những gì bố mẹ đã làm cho con. Nhưng bây giờ, con đã có thể tự đứng vững trên đôi chân mình và con sẽ làm mọi việc theo cách riêng của con”. 

Kẻ trộm thời gian 2: 1.000 công việc lặt vặt. Bạn thật sự muốn hoàn tất thủ tục hoàn thuế của mình - một công việc quan trọng nhưng cũng rất khó chịu. Trong khi đó, bạn còn muốn kiểm tra thư, hẹn với bác sĩ, thu xếp đi xem buổi hòa nhạc mà bạn luôn mong chờ... và thế là nửa ngày đã trôi qua. 

Giải pháp đơn giản hóa: Hãy thỏa thuận với bản thân là bạn sẽ dành một tiếng đồng hồ để giải quyết thủ tục hoàn thuế và chỉ đến khi xong nó thì mới nghĩ đến việc khác. Đây là khoảng thời gian mà bạn hoàn toàn có thể quản lý được và nó sẽ không khiến bạn cảm thấy quá ngột ngạt. Sau một tiếng đồng hồ, bạn sẽ phát hiện ra rằng vì quá mê mải việc giải quyết thủ tục kia nên những công việc lặt vặt còn lại không còn mê hoặc được bạn nữa. 

Kẻ trộm thời gian 3: Mục tiêu siêu việt. Những kỳ vọng thiếu thực tế có thể khiến bạn rơi vào tình trạng căng thẳng triền miên:  “Sang năm tôi sẽ trở thành triệu phú” hoặc “Đến năm 45 tuổi, tôi sẽ dành toàn bộ thời gian của mình để chơi golf mà thôi”. 

Giải pháp đơn giản hóa: Phương thuốc hữu hiệu nhất để chữa trị chứng căng thẳng triền miên này chính là người bạn đời của bạn. Hãy cùng chia sẻ với nhau những mục tiêu trong tương lai cùng những kỳ vọng mà cả hai dành cho nhau. Có thể với người bạn đời của bạn, việc có được một cuộc sống bình yên trong hiện tại quan trọng hơn so với việc hướng đến một cuộc sống giàu sang trong tương lai. 

Kẻ trộm thời gian 4: Sự cằn nhằn. Cảm giác bất an mơ hồ có thể trở thành nguyên nhân khiến bạn biến một ngày của mình đầy những bất an. Bước đầu tiên là bạn cần xác định cảm giác bất an trong con người mình xuất phát từ đâu. Cái   đầu? Trái tim? Dạ dày? Lưng? Việc này sẽ  giúp bạn xác định được bước thứ hai. 

Nếu cảm giác bất an xuất phát từ cái đầu thì vấn đề chính yếu sẽ liên quan đến sự thiếu tự tin: sợ hãi, nỗi lo lắng về tương lai, vấn đề tiền bạc. 

Giải pháp đơn giản hóa: Bạn không thể giải quyết các vấn đề này bằng tiền hoặc các chính sách bảo hiểm được. Hãy bắt đầu nhìn nhận theo một hướng khác và đừng cố gắng để có được cảm giác an toàn; thay vào đấy, hãy tìm kiếm hạnh phúc và sự thỏa mãn. 

Nếu nó xuất phát từ trái tim, vấn đề chính sẽ liên quan đến các vấn đề về xã hội: thiếu sự công nhận, ghen tỵ với người khác, thất bại, cảm giác thừa thãi. 

Giải pháp đơn giản hóa: Hãy xây dựng và duy trì các mối quan hệ thật sự sâu sắc với một vài người. Khi đó, nhu cầu được đón nhận, tán thưởng và thành công trong công việc của bạn sẽ không còn nữa. 

Nếu nó xuất phát từ dạ dày, vấn đề chính sẽ liên quan đến những phiền toái không mong đợi hoặc những nỗi lo lắng, giận dữ về việc thiếu sức mạnh, sự bất công, mâu thuẫn, môi trường làm việc không đảm bảo chất lượng. 

Giải pháp đơn giản hóa: Hãy thể hiện sự bực bội của bạn ra ngoài, đập bàn, la hét, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Sau đó, bạn có thể cố gắng nhìn thấy mặt hài hước của nó. Hãy vượt lên các vấn đề đó và tự nhủ rằng:  “Sự bực tức chỉ làm phí thời gian”. 

Nếu nó xuất phát từ lưng, vấn đề chính sẽ liên quan đến những gánh nặng liên tục tiếp diễn: Sự căng thẳng quá mức, nhu cầu hài hòa không được đáp ứng, những vấn đề vướng mắc trong mối quan hệ với gia đình. 

Giải pháp đơn giản hóa: Hãy tin tưởng rằng chỉ cần sự hiện diện của bạn cũng đã có sức ảnh hưởng, không chỉ thông qua hành động. Hãy thử điều này! Hãy đến dự các cuộc họp mà không cần chuẩn bị trước. Hãy bỏ dở công việc và thừa nhận một cách cởi mở với mọi người là bạn kiệt sức đến mức nào. 

Kẻ trộm thời gian 5: Làm việc không đúng cách. Dù bạn đã từng tham dự một khóa huấn luyện chuyên môn hoàn chỉnh thì cũng chẳng ai có thể chỉ dạy cho bạn cách thực hành nghề nghiệp của mình ra sao. Đối với những người quen làm việc độc lập thì việc làm việc theo nhóm, họp hành hoặc phải xem xét đến ý kiến của các đồng nghiệp khác có vẻ như là một sự lãng phí thời gian. Khi những người thích làm việc theo nhóm phải làm việc ở nhà, họ thường chờ đợi trong vô vọng để có được một ý tưởng đáng giá đồng thời lãng phí rất nhiều thời gian cho cảm giác thất vọng chán chường. 

Giải pháp đơn giản hóa: Hãy tìm hiểu xem liệu bạn có thể hoàn tất cùng một công việc bằng nhiều cách thức hay không. Hãy sắp xếp với sếp của bạn để tiến hành một cuộc kiểm tra mà trong đó, bạn chuyển từ công việc văn phòng ra làm việc bên ngoài, từ làm ở văn phòng sang làm việc ở nhà, từ làm việc với một hợp đồng cố định sang hình thức cộng tác tự do (hoặc ngược lại). 

Kẻ trộm thời gian 6: Chọn lầm nghề. Nếu bạn tiếp tục làm công việc không phù hợp với mình chỉ vì sợ bị thất nghiệp thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ ngã bệnh, về tâm lý hoặc về thể chất. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự căng thẳng và các vấn đề về thời gian là do con người ta đang làm sai nghề và không thể tận dụng những điểm mạnh của mình. 

Giải pháp đơn giản hóa: Hãy suy nghĩ kỹ lưỡng và thành thật tự vấn bản thân xem đâu là rủi ro lớn hơn: bị mất việc hay bị căng thẳng và suy nhược trong suốt phần đời còn lại của bạn. Hãy can đảm để thay đổi, ngay cả khi bạn đang có cơ hội thăng tiến trong công việc cũ. Thị trường việc làm ngày càng trở nên năng động hơn và các công ty cũng ngày càng được thành lập nhiều hơn. 

Chiến đấu chống lại bệnh tim 

Viện nghiên cứu EMNID đã tiến hành phỏng vấn trên 500 viên chức để cung cấp tư liệu cho bản tin Đơn giản hóa cuộc sống® của chúng tôi. Khi được hỏi: “Điều gì khiến bạn cảm thấy căng thẳng nhất khi làm việc?”, thì câu trả lời được phổ biến nhất chính là áp lực thời gian. Trên 45% những người được hỏi cho biết rằng họ bị yêu cầu phải làm nhiều hơn trong khi thời gian thực hiện chúng lại càng ít đi. Điều này cho thấy rằng càng ngày, thời gian càng trở thành nguồn tài nguyên eo hẹp nhất của chúng ta. 

Nhiều nghiên cứu khác cũng đã góp phần khẳng định kết quả này. Đến 80% số người được phỏng vấn muốn giảm thiểu áp lực về thời gian trong công việc của họ. Và dưới đây là ba giải   pháp   để   giúp   bạn   đương đầu với vấn đề thời gian. 

1. Hãy làm việc mà không nhìn đồng hồ. Hãy tháo đồng hồ đeo tay của bạn ra. Hãy làm việc tùy hứng như trẻ con: hãy để người khác nhắc nhở bạn về những cuộc hẹn. Hãy vu vơ nhìn ra cửa sổ vào những lúc bạn rảnh rỗi. Việc định hướng bản thân bằng cách lắng nghe tiếng chuông của chùa chiền, nhà thờ cũng có tác dụng chữa trị cho tâm hồn bạn. Trong những khoảng thời gian giữa các hồi chuông, hãy thư thả sống mà không cần bất cứ thiết bị đo lường thời gian cụ thể nào. Nếu không sống gần những nơi có tiếng chuông, bạn có thể đặt một chiếc đồng hồ quả lắc cũ có chuông ở phòng bên cạnh. 

2. Nghĩ đến thời gian như một khu vườn. Chúng tôi dùng một biểu tượng không gian khi nói về thời gian. Trong những cách diễn đạt này, thời gian sẽ được thể hiện một cách chủ động thay vì thụ động như trước nay vẫn thế: “Tôi đang chịu nhiều áp lực”; “Áp lực thời gian đang đè nặng trên vai tôi” hoặc “Kỳ hạn đã lù lù xuất hiện sau lưng tôi rồi”. Hãy thay đổi biểu tượng của thời gian từ trong nội tâm bạn: Hãy tưởng tượng rằng thời gian như một khu vườn đang trải dài trước mắt bạn. Ở đây, bạn có thể đi nhanh hay chậm tùy ý, chạy vòng tròn, đi theo đường khác hoặc đơn thuần chỉ nghỉ ngơi. Hình tượng mới sẽ cho phép tiềm thức của bạn chuyển sang góc nhìn của nó: bạn không còn bị thời gian chế ngự nữa mà thay vào đó; bạn tự quyết định việc phân chia thời gian của mình. 


3. Hãy tìm ra nhịp điệu riêng của bạn. Hãy dành thời gian để thực hiện bài kiểm tra nhỏ sau đây: 

Hãy ngồi ngả lưng ra ghế và thư giãn. Hãy nhìn vào đồng hồ, rồi nhắm mắt lại và không làm gì cả trong vòng năm phút. Trong suốt thời gian này, hãy suy ngẫm về sự thật rằng bạn đang sống và đang trải nghiệm sự yên bình trong vòng năm phút mà không ai có thể tước mất của bạn. Khi cho rằng năm phút ấy đã trôi qua, hãy mở mắt ra và nhìn vào đồng hồ. Bây giờ, hãy đánh giá tốc độ đo thời gian của bạn ra sao. 

Nếu khoảng thời gian bạn nhắm mắt ít hơn bốn phút rưỡi, nghĩa là chiếc đồng hồ trong nội tâm của bạn chạy quá nhanh. Bạn có khuynh hướng đánh giá thấp các khoảng thời gian và dồn quá nhiều công việc vào một ngày.   Hãy   cho   phép   bản   thân   cảm nhận thời gian một cách chậm rãi hơn. Hãy nới lỏng cách tính toán của mình để mang đến cho bản thân nhiều thời gian hơn. 

Nếu bạn nhắm mắt nhiều hơn năm phút rưỡi, nghĩa là đồng hồ của bạn chạy chậm hơn đồng hồ bên ngoài. Bạn có khuynh hướng dự trữ thời gian như một công cụ an toàn. Nhưng lúc này, bạn đang đánh giá thấp bản thân và coi thời gian như một điều tất yếu không thể thay đổi được. Hãy chuyển từ vị thế  “nạn nhân” sang vị thế của  “người chủ động”. Hãy tin tưởng bản thân để có thể đảm nhận được nhiều việc hơn. Và rồi bạn sẽ kinh ngạc khi nhận ra nguồn năng lượng dự trữ trong người mình. 

Hãy tận hưởng thời gian ngay bây giờ 

Ngày hôm qua đã là quá khứ, ngày mai vẫn còn là điều bí n, cuộc sống chính là hôm nay! Đừng dành quá nhiều thời gian để suy ngẫm về quá khứ và mộng tưởng về tương lai. Hãy đơn giản hóa cách trải nghiệm thời gian của bạn bằng cách tập trung vào hiện tại. Và đây là một vài gợi ý giúp bạn thoát khỏi những nỗi lo lắng có thể khiến bạn phát bệnh. 

Hãy nhìn ngắm mọi thứ lâu hơn. Khi đi dạo hay đi du lịch, chúng ta thường chỉ dành một khoảng thời gian cực kỳ ngắn ngủi để ngắm nhìn các vật thể mà ta thấy thường xuyên.  Một ngày thường trôi qua rất nhanh trong khi chúng ta không hề nhận biết về điều đó. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng thời gian trung bình mà chúng ta dành để ngắm nhìn mọi vật xung quanh giảm đều đặn trong năm mươi năm qua. Chúng ta thường bảo rằng trái đất đang quay nhanh hơn nhưng có thể điều đó xuất phát từ chính cảm nhận của chúng ta. 

 Hãy gọi tên mọi vật. Khi đi dạo, bạn hãy làm một điều khiến bạn cảm thấy mình hơi điên: Hãy gọi to tên của những thứ mà bạn nhìn thấy – chim sáo, mây, cây bồ công anh, viên sỏi… Trẻ con làm điều này khi chúng học nói. Bằng cách này, bạn sẽ kích hoạt cả hai bán cầu não của mình và ghi nhớ các khái niệm ấy trong tâm trí mình. Nếu bạn làm việc này khi đã trưởng thành, nó giúp bạn nhận biết rõ hơn về hiện tại và cảm giác hối hả sẽ giảm đáng kể. 

Hãy sống chậm. Hầu hết mọi người đều làm những công việc nhàm chán của mình một cách nhanh chóng và cẩu thả để tiết kiệm thời gian. Nhưng cách làm này chỉ làm cho những công việc đó trở nên khó chịu hơn mà thôi. Vì vậy, bạn có thể thử làm chúng theo cách thật từ tốn và tận hưởng chúng. Hãy điền thông tin vào giấy chuyển khoản ngân hàng thật chậm rãi và viết chữ thật đẹp. Bạn sẽ phát hiện ra rằng những công việc chán ngấy cũng có thể trở thành những bài tập mang lại sự tỉnh táo. Điều này sẽ giúp cho cuộc sống của bạn trở nên giàu có hơn và bạn chỉ mất một khoảng thời gian ngắn để hoàn thành công việc nhàm chán đó. 

Hãy hít thở thật sâu. Hít thở sâu một cách có ý thức là dạng cơ bản nhất của thiền. Trong những tình huống căng thẳng, nó sẽ giúp bạn từ bỏ suy nghĩ tiêu cực:  “Có việc gì đó đã xảy ra với tôi” để cảm nhận tích cực: “Tuyệt thật, tôi đang sống!”. 

Hãy ăn bằng tay nghịch. Hãy ăn bằng tay trái nếu bạn thuận tay phải và ngược lại. Bạn sẽ ăn chậm hơn, có ý thức hơn và tận hưởng được nhiều hơn bởi khi ấy, bạn chú tâm hoàn toàn vào việc ăn uống để không bị rơi vãi. 

Khắc phục thói quen chần chừ 

Rất khó để ta từ bỏ được thói quen  “nước đến chân mới nhảy”, bởi hiểu được bản chất của mình là việc hết sức khó khăn. Neil Fiore, một trong những chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức công việc, đã nghĩ đến một hình ảnh ẩn dụ rất ấn tượng để minh họa cho sự chần chừ: Tấm ván. 

Hãy tưởng tượng nhiệm vụ của bạn là đi qua một tấm ván rộng ba tấc và dài chín mét. Tấm ván ấy nằm trên mặt đất. Việc này chẳng có gì là khó khăn, phải vậy không? Bạn hoàn toàn có khả năng để hoàn thành yêu cầu này và chẳng cần lo nghĩ nhiều khi thực hiện nó. 

Biến thể thứ nhất: Từ công việc đến thảm họa 

Bây giờ, hãy tưởng tượng rằng tấm ván đó nối liền hai tòa nhà cao tầng cách mặt đất hơn ba mươi mét và bạn phải băng qua nó. Chỉ cần nhìn nó thôi thì hàm lượng adrenaline(11) trong máu bạn đã tăng cao. Một sai lầm nhỏ (dù khả năng mắc sai lầm của bạn là gần như không có) cũng có thể dẫn đến   hậu   quả   rất   tai   hại.   Bạn   thấy người mình như bị tê liệt khi phải đối diện với nhiệm vụ ấy. 

Trên thực tế, chính bạn mới là người đặt tấm ván ở độ cao hơn ba mươi mét. Bạn đã thổi phồng vai trò của một công việc bình thường khi cho rằng mình đang làm việc dưới áp lực nặng nề và mọi lỗi lầm đều có thể gây ra thảm họa. 

Biến thể thứ hai: Từ sự điên rồ đến chủ nghĩa anh  hùn

 Bây giờ, hãy tưởng tượng mọi thứ theo hướng khác đi. Tấm ván vẫn được đặt ở độ cao chóng mặt đó nhưng căn nhà bạn đang đứng bị cháy. Bạn chỉ có thể cứu lấy mình bằng cách băng qua tấm ván càng nhanh càng tốt. Hãy cảm nhận sự khác biệt: Bạn sẽ nhanh chóng tìm ra nhiều giải pháp sáng tạo cùng một lúc. Bạn sẽ ngồi xuống tấm ván và nhích từ từ sang bên kia, hoặc bạn sẽ phóng thật nhanh qua bên kia mà không nhìn xuống dưới. 

Lại một lần nữa, chính bạn là người châm lửa để căn nhà bốc cháy. Khi trì hoãn công việc, bạn đã tạo ra áp lực cho bản thân mình. Và khi ấy, bạn sẽ xoay xở công việc trong sự căng thẳng, sợ hãi và run rẩy. Nhưng đồng thời, bạn cũng cảm thấy thỏa mãn vô cùng bởi bạn phát hiện ra rằng, bằng sự tự chủ tuyệt vời của mình, bạn đã giành thế chủ động trước thử thách to lớn ấy. Nếu bạn chỉ đơn thuần đi băng qua tấm ván nằm trên mặt đất, bạn sẽ chẳng bao giờ cảm thấy mình là anh hùng cả. 

Đó là lý do bạn sẽ tiếp tục làm theo cách cũ (bất luận bạn có chủ ý hay không). Bạn vẫn tiếp tục ở trong cái vòng lẩn quẩn của sự chần chừ. Bạn sẽ tự gia tăng tầm quan trọng của công việc và tạo áp lực cho bản thân mình.

Biến thể thứ ba: Con đường thoát khỏi vòng lẩn quẩn 

Tấm ván vẫn được đặt ở độ cao nguy hiểm như cũ, nhưng căn nhà không bị cháy và có một tấm lưới an toàn bên dưới tấm ván để đỡ bạn nếu bạn rơi xuống. Giờ thì bạn có thể thoải mái thực hiện nhiệm vụ này và thậm chí còn cảm thấy rất vui nữa. 

Tấm lưới an toàn này chính là lòng tự trọng của bạn. Nó là cách tốt nhất để bạn chống lại chiến thuật trì hoãn khiến cho căn nhà bốc cháy. 

Làm sao để giải thoát bản thân khỏi sự chần chừ 

Hãy tránh phát biểu những câu có dạng:  “Tôi phải …”. Đừng bao giờ nói như thế với bản thân, kể cả nói thành tiếng hay chỉ nhủ thầm. Khi bạn nói: “Tôi phải …”, não của bạn phải nhận lãnh hai nhiệm vụ mâu thuẫn nhau: vừa phải chuẩn bị năng lượng để bạn thực hiện công việc ấy, vừa phải bảo vệ bạn trước nguy cơ thất bại. Cơ thể bạn chuẩn bị để cùng hành động và trốn chạy – hai nguồn năng lượng bù trừ cho nhau và khiến bạn bất lực. 

Giải pháp tốt hơn trong mọi trường hợp là hãy nói:  “Tôi sẽ …” hoặc “Tôi có thể …”; và bạn phải thật lòng nghĩ như thế. Hãy nói thật to với bản thân và với mọi người. Đừng lo nghĩ về cảnh tượng mình thất bại. Thay vào đó, hãy tưởng tượng mình hoàn toàn làm chủ công việc và hoàn tất nó một cách suôn sẻ. 

Hãy tập trung vào sự khởi đầu. 

Nếu lý trí của bạn biết rằng bạn đang xoay xở để thực hiện công việc mà mình lãnh nhận, nó có thể xui khiến bạn buông bỏ mục tiêu trong khi đang thực hiện. Điều này nghe có vẻ kỳ lạ đối với những người làm việc nhắm tới mục đích cụ thể. Tuy nhiên, hãy tập trung vào sự khởi đầu, vào bước đầu tiên. Hãy hòa mình vào quá trình thực hiện công việc thay vì bị ám ảnh bởi kết quả cuối cùng. Hãy nuôi dưỡng tình yêu đối với cuộc hành trình chứ không chỉ đối với đích đến. 

Đừng hoàn hảo trong công việc. 

Mong muốn hoàn hảo là lý do mà nhiều người đưa ra để biện minh cho việc họ không thử làm một điều gì đó. Nhiều người không dám viết sách bởi họ biết rằng nó sẽ không hoàn hảo. Nhiều người bám chặt lấy công việc cũ, nhàm chán và có mức lương thấp bởi “Công việc hoàn hảo chẳng hề tồn tại”. Vì vậy, tốt hơn hết là bạn hãy đặt mình ngang hàng với những người đã viết nên những cuốn sách (không hoàn hảo) và có can đảm để chuyển sang một công việc (không hoàn hảo) khác. 

Hãy vui chơi nhiều hơn. 

Nhiều người đã ngược đãi bản thân khi phải sống dưới áp lực về thời gian. Họ xóa hết các trò chơi trên máy vi tính, không đi dạo và không chơi đùa với con cái vào buổi tối. Thế là cuộc sống của họ buồn tẻ hơn và dần bị mất cân bằng. Kết quả là năng lực làm việc của họ ngày càng giảm sút đi. 

Hãy vượt ra khỏi khuôn mẫu này bằng cách thư giãn nhiều hơn khi bạn bị căng thẳng. 

Hãy xác định khoảng thời gian dành cho việc này, chẳng hạn như nửa tiếng để đi dạo, mười phút để chơi game trên máy tính. Khi giải trí một cách lành mạnh, đầu óc bạn sẽ sáng tạo hơn và tâm lý bạn thì thoải  mái hơn. Nó sẽ mang đến cho bạn sức mạnh để làm việc hiệu quả hơn sau đó. Ngoài ra, nó còn giúp bạn giảm thiểu các chứng rối loạn có liên quan đến sự căng thẳng. 

 Diễn giải nỗi sợ của bạn một cách đúng đắn. 

Khi khởi đầu một dự án lớn, chúng ta thường cảm thấy lo lắng và bồn chồn vì nhìn thấy chiều cao khủng khiếp của mục tiêu đặt ra. Thế là nhiều người trong chúng ta đã bỏ cuộc. Sẽ hữu ích nếu bạn biết được rằng nỗi sợ đó là hoàn toàn tự nhiên và bạn không cần phải đầu hàng trước nó. Thực tế, nó giúp bạn biết phân chia đoạn đường dài ra thành nhiều chặng nhỏ để dễ bề xoay xở hơn. 

Hãy làm việc với cuốn lịch ngược. 

Hãy ghi thời hạn cuối của dự án mà bạn đang thực hiện vào dòng đầu tiên của một mảnh giấy. Sau đó trên mỗi dòng, hãy tính lùi về hiện tại. Dĩ nhiên, bạn cũng có thể sử dụng cuốn lịch bình thường nhưng nó sẽ khiến bạn đi ngược lại dòng chảy tâm lý của mình. Tiềm thức của bạn phát triển một ác cảm tự nhiên đối với việc làm như thế. Hãy sử dụng cuốn lịch ngược nếu bạn 
cảm thấy bị quá tải. 

Hãy giải quyết nỗi lo lắng. 

Cảm giác lo lắng sẽ khiến ta giảm tốc độ và đánh mất lòng hăng hái. Thông thường, mỗi khi lo lắng, chúng ta chỉ nghĩ đến những rắc rối có thể xảy đến (“Thật tai hại nếu tôi lại giao hàng trễ!”) và dừng lại ở đó. Trốn chạy là cách để bạn tránh xa các mối nguy hiểm đang treo lơ lửng bên mình. Trong khi đó, việc giải quyết nỗi lo lắng đòi hỏi bạn phải suy nghĩ sâu xa hơn! 
Hãy nghĩ đến một kịch bản xấu nhất có thể xảy ra nếu bạn giao hàng trễ (“Tôi sẽ bị mất việc”). Tuy nhiên, đừng dừng lại ở đó. Hãy tiếp tục suy nghĩ xa hơn: Tôi sẽ làm gì nếu việc đó xảy ra? ( “Tôi sẽ thở phào nhẹ nhõm” hoặc  “Tôi sẽ đi học và trở thành một nhà huấn luyện”). 

Nếu kiên trì thực hiện những điều này, bạn sẽ có ưu thế hơn so với những người sợ thất bại: Bạn biết rõ rằng mình có sức mạnh để đương đầu với mọi tình huống. Và bạn sẽ tự tin vượt qua được tấm ván bắc qua vực sâu. 

Kiên trì phân công công việc 

Việc phân công công việc cho người khác đứng hàng đầu trong danh sách các hoạt động tiết kiệm thời gian. Nhiều người cho rằng việc phân công chỉ dành cho các nhà quản lý. Tuy nhiên, những người làm việc độc lập cũng có thể được hưởng lợi từ việc phân công này, từ người kinh doanh, doanh nghiệp một thành viên, các bà nội trợ đến các nhân viên có cấp bậc thấp nhất trong công ty. Có ít nhất năm lý do để bạn thực hành việc phân công công việc: 

1. Việc phân công công việc nơi công sở giúp phát triển kỹ năng, óc sáng tạo và năng lực của nhân viên và các đồng nghiệp của bạn.
2. Việc phân công công việc trong gia đình hỗ trợ và phát triển sự tự tin ở con trẻ. 

3. Phân công nghĩa là tin tưởng người khác. Chính vì thế, nó sẽ mang đến cho họ sự tự tin 

4. Việc phân công đòi hỏi bạn phải hợp tác với những người xung quanh mình. Vậy nên nó giúp bạn phát triển các kỹ năng về quan hệ xã hội. 

5. Việc phân công công việc sẽ giúp bạn đơn giản hóa cuộc sống của mình và tập trung vào các công việc trọng yếu. 

Bạn cần hiểu và quan sát các quy luật cơ bản để việc phân công trở nên hiệu quả hơn: 

1. Chuyển giao trách nhiệm. Đồng nghiệp và con cái của bạn sẽ có phản ứng tích cực khi được trao trách nhiệm. Đó là lý do vì sao ta không nên hướng dẫn họ quá chi tiết. Ví dụ, nếu nhờ đi chợ, bạn hãy lên một danh sách những thứ bạn cần mua nhưng vẫn để chỗ cho con bạn có thể tự quyết định (“Một ít trái cây ngon”, “Loại xúc xích mà con thích nhất”). Nếu không hoàn toàn hài lòng với lựa chọn của con, bạn cũng đừng nói gì. Hãy để cho con bạn có cơ hội thực hành trách nhiệm (“Đừng tiêu quá 10 đô-la”). 

2. Phân công thử thách. Đừng giao công việc với ý nghĩ: “Tôi phải thoát khỏi công việc chán chường này bằng mọi giá”. Thay vào đấy, hãy nhấn mạnh khía cạnh hấp dẫn của công việc ấy. Chẳng hạn, với chuyện đi chợ lúc nãy, bạn có thể nói: “Bố/mẹ rất thích xem liệu con có thể tận dụng cơ hội đặc biệt này hay không”. 

3. Hãy giao trách nhiệm lớn hơn cùng những mục tiêu tạm thời. Giao các trách nhiệm trung hạn và dài hạn là việc rất quan trọng. Hãy cho người nhận nhiệm vụ một khoảng thời gian hợp lý và thường xuyên kiểm tra để đảm bảo rằng người đó không bị quá tải. Ví dụ, kho lưu trữ báo cần phải được sắp xếp và công việc ấy tốn khoảng sáu ngày. Vào cuối ngày thứ hai, hãy kiểm tra xem người được giao nhiệm vụ đã hoàn thành được một phần ba khối lượng công việc hay chưa. Nếu chưa, hãy động viên người ấy. Không nên đợi đến ngày thứ sáu rồi mới hỏi người ta là mọi việc đã xong chưa (Trong khi bạn âm thầm dự đoán là thất bại). 

Hãy phân công công việc theo từng ngày, càng thường xuyên càng tốt. Đừng chỉ phân công công việc cho nhân viên hoặc các thành viên trong gia đình mình. Hãy bắt đầu áp dụng phương pháp này với các phòng ban khác và các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài (Dịch vụ đánh máy thuê, dịch vụ làm vườn...). 

Hãy phân công cả trong cuộc sống riêng tư của bạn nữa 

Thời gian ở nhà của bạn mới quý giá làm sao: ở bên cạnh con cái, người thân, tập thể dục, thiền định, cải thiện bản thân và nhiều hoạt động vô giá khác.Thế nhưng, ta lại dành khoảng thời gian khổng lồ để đi chợ, làm việc nhà, dọn dẹp và sửa chữa đồ đạc. Hãy học hỏi các thương gia thành đạt và ứng dụng các thói quen của họ vào cuộc sống riêng tư của bạn. 

Hãy thuê một tài xế. 

Thoạt tiên, điều này nghe có vẻ thật hợm hĩnh. Nhưng hãy tính toán kỹ lưỡng xem bạn có thể tiết kiệm được bao nhiêu thời gian nếu có người đi chợ và làm giùm mình nhiều công việc khác: trả sách ở thư viện, mang thư và bưu phẩm đến bưu điện, mang phim đi rửa và lấy ảnh về, mang quần áo đến hiệu giặt ủi… 

Nếu tự mình đi chợ, có thể bạn sẽ khó kiềm lòng bởi bạn muốn tiết kiệm thời gian bằng cách mua tất cả các món hàng cùng một lúc và trong một cửa hiệu đắt đỏ gần nhà. Trong khi đó, nếu có tài xế, bạn có thể nhờ anh ta đi mua hàng ở những siêu thị xa hơn. Khoản tiền mà bạn tiết kiệm được qua sự chênh lệch giá cả ở hai nơi có thể được dùng để chi trả cho tài xế. 

Rất nhiều bạn trẻ thích lái xe. Bạn có thể ghi danh sách những thứ mình cần mua như một phương pháp đơn giản hóa và thuê một người “chạy việc vặt”. 

Vì lý do an toàn, tốt nhất bạn nên yêu cầu tài xế sử dụng xe của anh ta. Lựa chọn tốt nhất là bạn hãy thỏa thuận với anh ta mức giá cố định cho tất cả các chuyến mua sắm. Một lựa chọn khác là bạn có thể liên hệ với các  “dịch vụ giao nhận hàng hóa”. 

Hãy yêu cầu hàng hóa được giao đến nhà. Ngày càng có nhiều hiệu sách bán hàng qua mạng và giao sách đến tận nhà. Bạn có thể đặt mua sách bằng điện thoại, máy fax hoặc thư điện tử. 

Nếu bạn đã từng đặt giao báo đến tận nhà thì tại sao lại không áp dụng cách làm này cho các loại hàng hóa khác? 

Ngày nay, gần như mọi loại hàng hóa đều có dịch vụ đặt hàng qua điện thoại hoặc mạng: văn phòng phẩm, quần áo, rượu, đồ  nội  thất...   Nếu bạn sống một mình và không có bất cứ người hàng xóm nào có thể nhận hàng giúp, hãy yêu cầu người ta giao hàng đến chỗ làm của bạn. 

Tránh bị quấy rầy 

Đây là rắc rối thường xảy ra cả nơi công sở lẫn ở nhà riêng của bạn: Bạn đang tập trung làm một việc gì đấy thì bị cắt ngang. Đó có thể là một đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới, khách hàng gọi điện, một vị khách, vợ/chồng hoặc con cái của bạn. 

Bạn có thể tránh được sự quấy rầy này nếu áp dụng những phương pháp sau đây. Điều đặc biệt là việc áp dụng những phương pháp này không hề khiến bạn xa cách với mọi người. 

Phương pháp giúp các nhà quản lý tránh bị quấy rầy 

Hãy đóng cửa phòng lại. Ngày nay, đối với các nhà quản lý cấp cao,  “cánh cửa luôn rộng mở” không còn là dấu hiệu của các mối quan hệ tích cực nữa. Tư duy của họ đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Cánh cửa được đóng lại khi giải quyết các vấn đề quan trọng, khi lên kế hoạch hay khi cân nhắc các quyết định hệ trọng. Cánh cửa chỉ được mở ra khi sự chen ngang không gây ra phiền toái nào. Tại nhiều công ty Mỹ, các nhà quản lý khép hờ cửa phòng để tránh bị quấy rầy nhưng đồng thời cũng là dấu hiệu để các nhân viên có thể nói chuyện với họ về những vấn đề thật sự quan trọng. 

 “Thời gian đóng cửa”. Hãy thông báo đến các nhân viên của bạn về những khoảng thời gian bạn không muốn bị làm phiền trong ngày. Quy định này có thể áp dụng đối với những vị khách từ bên ngoài. Hãy yêu cầu thư ký hoặc nhân viên trực tổng đài của công   ty   đảm   bảo   việc   đó   cho   bạn. Không sắp xếp bất kỳ cuộc hẹn nào và cũng không nối máy bất kỳ cuộc gọi nào trong những giờ đó. Nếu bạn làm việc một mình, hãy để điện thoại ở chế độ trả lời tự động trong suốt khoảng thời gian đó. 

“Thời gian mở cửa”. Bạn cũng nên xác định thời điểm mà các nhân viên có thể nói chuyện với bạn trong ngày. Hãy tuân thủ các quy ước về những khoảng thời gian này để nhân viên của bạn quen với nếp làm việc mới. 

Hộp thư đệ trình. Để tránh bị quấy rầy, bạn nên đặt một hộp thư ngoài của phòng để những ai có việc cần giải quyết với bạn có thể đặt vào đó. Sau “thời gian đóng cửa”, bạn có thể nhận những thư đệ trình ấy và giải quyết chúng. 

Hãy thành thật…  Nếu bạn phàn nàn rằng mình chẳng thể chú tâm vào công việc gì được thì hãy làm việc ở một phòng 
kín trên núi hoặc một khu nghỉ dưỡng để phát triển tầm nhìn mới về tương lai của công ty! Một nhà quản lý giỏi có thể rời bỏ công việc trong vòng hai tuần. Tất cả các lĩnh vực làm việc nên được tổ chức hợp lý để mọi nhân viên đều có thể tự giải quyết các vấn đề có liên quan. 

Phương pháp giúp nhân viên tránh bị sếp quấy rầy 

Nhiều nhà quản lý muốn nhân viên của mình bỏ hết mọi việc khi họ cần đến. Nhưng sau đấy, có thể các nhân viên đó phải chờ cho đến khi sếp của mình nói xong cuộc điện thoại hay từ giã một vị khách. Các phương pháp sau đây có thể sẽ rất hữu dụng cho bạn. 

Hãy mang theo công việc của bạn. Hãy mang theo các giấy tờ mà bạn có thể giải quyết trong khi chờ đợi sếp của mình. Bằng cách này, bạn có thể tận dụng được thời gian một cách tốt nhất đồng thời tạo được ấn tượng tích cực với sếp. 

Lên kế hoạch trước. Hãy tiên liệu trước sự việc thay vì đợi đến khi nó xảy ra rồi mới tìm cách giải quyết. Với những dự án quan trọng, đừng đợi đến khi sếp gọi đến bạn. Hãy nắm thế chủ động và kiến nghị mở cuộc họp vào thời điểm thuận lợi. Khi đó, bạn sẽ có thời gian để chuẩn bị đồng thời tiết kiệm được thời gian cho cả hai bên. 

Hãy thành thật… Hãy suy nghĩ thật cẩn thận. Liệu có phải sếp của bạn là người thích quấy rầy người khác hay không? Nếu sếp bạn là người ngăn nắp, làm việc có mục tiêu rõ ràng, biết sắp xếp các ưu tiên và chỉ làm phiền bạn khi thật sự cần thiết thì chắc chắn ông không phải là người thích lấy thời gian của bạn đâu. Tuy nhiên, nếu bạn coi việc sếp xuất hiện như một sự quấy rầy thì có thể nó bắt nguồn từ nguyên nhân nào đó. Hãy cố gắng tìm hiểu lý do thật sự. Có thể bạn cần phải thay đổi công việc hoặc thể hiện sự tự tin của mình trước sếp. 

Phương pháp giúp tránh sự quấy rầy giữa các đồng nghiệp với nhau 

Hãy khéo léo trong cách ứng xử. Hãy cố gắng thấu hiểu lẫn nhau và thường xuyên giao tiếp với nhau vào những thời điểm được sắp xếp trước. Hãy giải thích với các đồng nghiệp của bạn về những khoảng thời gian bạn làm việc hiệu quả nhất trong ngày. Hãy treo một biển ghi chú trước cửa phòng của mình: “Vui lòng không quấy rầy từ 2 giờ đến 4 giờ chiều”. Hãy thỏa thuận với các đồng nghiệp của bạn về một thời điểm cố định mỗi ngày hoặc mỗi tuần được dùng để giải quyết các vấn đề chung liên quan đến công việc. 

Hãy làm gương trước. Bất kể bạn làm gì chăng nữa thì cũng đừng quấy rầy công việc của các đồng nghiệp khác bằng cách đường đột xuất hiện trước họ. Hãy gọi điện trước để cả hai sắp xếp thời gian với nhau. Bằng cách này, bạn có thể làm chậm lại xu hướng “vội vã trong mọi tình huống” nơi công sở hiện nay. 

Hãy rõ ràng và cứng rắn. Nếu một đồng nghiệp lắm chuyện đang đứng trước cửa phòng bạn, hãy chỉ quay đầu về phía người đó và nói một cách thân thiện nhưng cứng rắn rằng: “Tôi đang cần phải giải quyết một vấn đề quan trọng trong ngày hôm nay. Chỉ như thế thì tôi mới có thể yên tâm được. Mong anh/chị hiểu cho và xin cảm ơn”. Hãy nở nụ cười thân thiện, gật đầu rồi quay trở về công việc của mình ngay lập tức. 

Tránh những cuộc tán gẫu. Hãy dưỡng nuôi các mối quan hệ xã hội của bạn vào buổi sáng, giờ ăn trưa và vào cuối ngày bằng những cuộc tán gẫu ngắn có giới hạn thời gian rõ ràng. Bằng   cách   này,   bạn   thể   hiện   rằng mình   sẵn   lòng   hòa   nhập   với   các đồng   nghiệp   và   tôn   trọng   họ.   Vì 
muốn kết nối tình cảm đồng nghiệp trong công ty nên nhiều người đã trở thành kẻ quấy rầy trong mắt người khác. Năm phút mỗi ngày là đủ cho mục đích này. 

Hãy thành thật… Hãy suy nghĩ cẩn thận. Vai trò của bạn trong các cuộc quấy rầy lớn đến mức nào? Bạn có thích tán gẫu không? Bạn có lo ngại rằng việc dựng nên ranh giới sẽ làm xúc phạm đến đồng nghiệp và bạn sẽ bị cho ra rìa không? Có phải là do công việc của bạn hoặc quá nhiều, hoặc quá nhàm chán nên bạn đã vô tình tiếp tay cho những cuộc quấy rầy không? 

Phương pháp giúp nhân viên văn phòng tránh tự quấy rầy bản thân 

Công việc càng phức tạp, chán chường và nhạt nhẽo bao nhiêu thì bạn càng có khuynh hướng tránh né chúng bằng cách quấy nhiễu bản thân mình bấy nhiêu. Nhưng sớm muộn gì thì bạn cũng phải đương đầu với chúng và phải trả giá cho sự phiền nhiễu mà mình đã tạo ra: Bạn phải làm việc dưới áp lực lớn, không   ngừng   cảm   thấy   bất   hạnh   và không đạt được kết quả tốt nhất. Dưới đây là dạng quấy rầy thường gặp nhất nơi công sở và cách thức để chống lại chúng. 

Tách biệt lĩnh vực riêng tư. Vấn đề: Bạn thích đến thăm các đồng nghiệp để nói chuyện riêng. ( “Bà Smith đang gặp vấn đề với con trai của bà ấy”). 

Giải pháp đơn giản hóa: Hãy gặp gỡ nhau ngoài giờ làm, chẳng hạn như vào giờ ăn trưa.

Hãy ở một chỗ. Vấn đề: Bạn thích đến các phòng ban khác hoặc chi nhánh khác của công ty, ngay cả khi không cần thiết hoặc khi vấn đề có thể được giải quyết qua điện thoại. 

Giải pháp đơn giản hóa: Trong vòng hai tuần lễ, hãy cố gắng giải quyết mọi vấn đề nảy sinh qua điện thoại. Hãy xem điện thoại là “công cụ tiết kiệm thời gian đi lại”. 

Hãy giới hạn các khoảng thời gian nghỉ giải lao để lấy lại tinh thần. Vấn đề: Bạn thích lang thang trong văn phòng hoặc những nơi khác gần phòng làm việc của mình để suy ngẫm khi có vấn đề cần giải quyết. ( “Tôi nghĩ ra nhiều sáng kiến khi nói chuyện với người khác”). 

Giải pháp đơn giản hóa: Hãy đến bên cửa sổ và nhìn ra ngoài vài phút. Đồng thời, hãy mát-xa hai vành tai của mình khoảng ba lần. Bài mát-xa ấy (được gọi là “bài thuốc tư duy”) sẽ kích thích não bộ của bạn. 

Tránh sự trì trệ. Vấn đề: Bạn thường đi đến máy photocopy hoặc các thiết bị sử dụng chung khác khi mọi người đều có nhu cầu sử dụng chúng ( “Tôi phải xếp hàng dài dằng dặc”). 

Giải pháp đơn giản hóa: Hãy sử dụng máy khi nó trống trải và sao nhiều giấy tờ cùng lúc. Tốt hơn hết, bạn nên phân chia công việc ấy cho người khác. 

Hạn chế các cuộc họp. Vấn đề: Các cuộc thảo luận và những buổi họp cứ kéo dài lê thê. (“Chúng ta nên hiểu nhau nhiều hơn và giữ liên lạc với nhau”). 

Giải pháp đơn giản hóa: Hãy chỉ mời những nhân viên thật sự có liên quan đến dự án tham dự các cuộc họp. Hãy xác định rõ chủ đề của buổi họp và đề ra giới hạn về thời gian. Nếu không phải là người tổ chức cuộc họp, bạn cũng có thể đề ra giới hạn cho riêng mình bằng cách nói: “Tôi cần phải đi vào lúc ba giờ chiều”. 

Phương pháp giúp những người làm việc ở nhà 

Nếu làm việc một mình, bạn có thể tránh được những sự quấy nhiễu nơi công sở. Tuy nhiên bạn cần phải luôn tạo động lực cho bản thân mình. Và đây là những vấn đề thường xảy ra nhất: 

Hãy dùng một tập giấy để ghi lại các ý tưởng. Vấn đề: Khi theo đuổi một dự án trong thời gian dài, có thể bạn đột nhiên nghĩ ra nhiều ý tưởng mới cho các dự án khác. 

Giải pháp đơn giản hóa: Hãy dành một  “tập giấy ghi lại dòng chảy ồ ạt của các ý tưởng” hoặc một chiếc máy ghi âm luôn sẵn sàng. Hãy phác thảo khung sườn cho ý tưởng ấy và thời hạn thực hiện. Sau đó, hãy quay trở về công việc hiện tại ngay lập tức. 

Treo giải thưởng. Vấn đề: Bạn dành thời gian để chơi điện tử hoặc lướt web nhiều hơn mức cần thiết. 

Giải pháp đơn giản hóa: Hãy kiên trì trong việc xem chơi game và lướt web là phần thưởng dành cho bản thân. ( “Khi tôi đã làm xong việc này, tôi sẽ cho phép bản thân chơi trò “Đảo khỉ” trên máy tính”). Một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả có thể giữ cho việc truy cập Internet của bạn luôn nằm trong tầm kiểm soát: Cài giờ cho chiếc đồng hồ báo thức để nó nhắc nhở bạn trở về với thực tại sau khoảng thời gian quy định! 

Mẹo hay nhất khi bạn bị “bí”. Vấn đề: Bạn phải viết về một vấn đề gì đấy nhưng việc bắt đầu khó đến nỗi bạn phải ngồi bất động trước màn hình hoặc tờ giấy cứ trống trơn trước mặt bạn. 

Giải pháp đơn giản hóa: Thay vì bắt đầu bằng câu đầu tiên, bạn hãy viết câu thứ hai hay thứ ba trước. Nó sẽ tự nhiên xuất hiện sau khi bạn đã hoàn tất phần còn lại của đoạn  văn. Nếu bạn làm việc trên máy tính thì việc chèn thêm câu đầu tiên không phải là vấn đề. Nếu bạn đang dùng giấy bút thì hãy chừa một khoảng trống ở phía trên để tiện cho việc viết thêm vào. 

Hãy lấy đà trước khi bắt đầu. 

Vấn đề: Bạn phải giải quyết một công việc mà bạn hoàn toàn không thích làm. 

Giải pháp đơn giản hóa: Hãy tham khảo một mô hình tương đương để lấy đà trước khi bắt tay vào việc giải quyết nó. Hãy mở một tập tin tương tự để bạn có thể viết đè lên hoặc tìm một văn bản mẫu để bạn có thể học hỏi. Sau một thời gian ngắn, bạn sẽ nhận ra rằng bạn hoàn toàn có thể tự viết ra đoạn văn của chính mình. 

Động não. Hãy bắt đầu bằng sự động não trong việc viết lách. Hãy buộc bản thân dành ra năm phút để viết ra giấy tất cả những quan điểm của cá nhân bạn về một chủ đề nào đấy. Sau đó, hãy dùng những đường thẳng để nối các ý tưởng có liên quan lại với nhau và hãy khoanh tròn ý tưởng mà bạn muốn dùng nó để bắt đầu. 

Phương   pháp   giải   quyết   sự   quấy   rầy   do   quan 
khách và khách hàng gây ra 

Hãy thẳng thắn. Hãy hạn chế việc chào hỏi ban đầu bằng cách dùng những câu nói thân thiện và ngắn gọn. Đừng hướng cuộc trò chuyện sang những chủ đề chung chung hoặc các vấn đề cá nhân. Đừng hỏi: “Dạo này anh thế nào?” mà hãy bắt đầu bằng một câu hỏi thật thiết thực:  “Anh cần gặp tôi có việc gì không?”. 

Hãy dùng ngôn ngữ cơ thể. Đừng mời những vị khách “không mời” uống nước. Đừng tỏ vẻ mình thoải mái. Đừng 
ngồi và ngả người vào ghế; hãy cứ đứng thẳng. 

Mẹo với chiếc đồng hồ.  Ngay từ đầu cuộc viếng thăm, hãy đưa ra một khung thời gian rõ ràng, tùy vào tầm quan trọng của vị khách ( “Chúng ta có mười phút (hoặc không quá một tiếng đồng hồ), vậy nên hãy đi thẳng vào vấn đề!”). Hãy đảm bảo rằng vị khách đó có thể nhìn thấy chiếc đồng hồ trong phòng bạn ở vị trí ngồi của người ấy. Cách làm sau cũng đặc biệt hiệu quả: Sau khi đưa ra khung thời gian nhất định, bạn hãy tháo đồng hồ đeo tay của mình ra và đặt nó trước mặt, một cách cởi mở và rõ ràng. 

Hãy kết thúc cuộc viếng thăm bằng một lời khen.
Hãy để cho vị khách của bạn cảm thấy bạn đánh giá cao anh ta và đối với bạn, sự trân trọng chẳng liên quan gì đến thời gian cả. Vào cuối cuộc gặp gỡ, hãy dùng một số lời khen tặng hợp lý. Điều này sẽ giúp cả hai thoải mái hơn khi chia tay nhau. 

Giải quyết các vấn đề ngay lập tức. Nếu có thể giải quyết vấn đề ngay lúc ấy, hãy lập tức tiến hành. Nếu không, hãy giao nó cho đồng nghiệp hay nhân viên khác; hoặc yêu cầu khách hàng viết bản tóm tắt những điều quan trọng nhất. 

Các phương pháp phòng tránh. Nếu phải tiếp một vị khách không hẹn trước, bạn có thể sắp xếp với thư ký hoặc đồng nghiệp của bạn để họ liên hệ với bạn bàn một vấn đề “cấp bách” sau khoảng mười lăm phút. 

Ám chỉ sự kết thúc.   

Hãy đưa ra những dấu hiệu rõ ràng khi bạn muốn kết thúc cuộc gặp gỡ: đóng các chương trình hoạch định, dịch chuyển giấy tờ trên bàn, nghiêng người về phía trước. Tóm gọn kết quả của cuộc gặp bằng một câu ngắn gọn: “Tôi nghĩ chúng ta đã tiến thêm một bước. Rất cảm ơn anh đã đến đây!” . Vị khách của bạn sẽ nhận ra những dấu hiệu ấy và đứng lên để chuẩn bị ra về. Hãy đứng lên cùng lúc với anh ta. 

Thắng gấp.  Nếu cần thiết, hãy kết thúc cuộc gặp bằng cách thể hiện vẻ mặt vui vẻ, vỗ tay và nói: “Tôi nghĩ giờ thì chúng ta đã giải quyết xong mọi việc” . Sau đó, hãy đứng lên một cách mạnh mẽ. 

Tiễn khách. Khách hàng sẽ không đánh giá thấp bạn thông qua thời gian bạn dành cho họ mà chính là ở ấn tượng cuối cùng bạn tạo ra đối với họ. Hãy cùng đi với khách đến cửa phòng, đến thang máy hoặc đến nơi để xe của họ. Bằng cách này, bạn có thể biến cuộc gặp mười phút ngắn ngủi trở thành một trải nghiệm tích cực đối với vị khách ấy. 

Hãy lên kế hoạch trước. Nếu cuộc gặp diễn ra lâu hơn dự kiến, hãy yêu cầu vị khách ấy lên kế hoạch cho một cuộc gặp khác để bạn có thể dành nhiều thời gian hơn cho họ. 

Vượt qua sự miễn cưỡng để thấy rõ mọi việc 

Một trong những biểu hiện thường thấy của những người hay gặp rắc rối trong cuộc sống là việc họ từ chối hoàn thành một công việc mà họ đã bắt tay vào thực hiện. Ví dụ cụ thể là việc không chịu đậy nắp tuýp kem đánh răng lại sau khi đã dùng xong. Nó còn biểu hiện rõ qua những việc sau: 

      •  Bỏ tiền lẻ vào túi áo khoác, thay vì vào ví tiền. 
      •  Không treo áo khoác và nhiều quần áo khác lên sau khi đã lấy xuống. 
      •  Không bỏ ngay quần áo bẩn vào chậu.
     • Không dọn dẹp các dụng cụ sau khi đã sử dụng chúng. 

Những cách hành xử này chẳng bao giờ giúp bạn tiết kiệm thời gian. Sớm muộn gì bạn cũng phải dọn dẹp các vật ấy. Nhưng trong thời gian này, những sự kiện hỗn độn khác cũng đồng thời xảy ra càng khiến cho cuộc sống của bạn trở nên khó khăn hơn. 

Nguyên tắc ba mươi giây 

Những người sống bừa bãi thường cảm thấy bị kích động. Khi có quá nhiều vấn đề cần giải quyết, họ bảo:  “Không phải bây giờ!” với những công việc trước mặt họ do lo ngai rằng nó sẽ chiếm nhiều thời gian của mình. Hãy đặt một chiếc đồng hồ trong nhà bếp hoặc một chiếc đồng hồ bấm giờ để xem bạn phải tốn bao nhiêu thời gian khi hoàn thành những công việc ấy. Nếu nhận ra chỉ cần hai mươi giây để treo áo khoác lên, hẳn bạn sẽ sẵn lòng làm việc đó hơn. Hoặc bạn cũng thoải mái hơn khi biết rằng chỉ tốn khoảng bốn phút để hút bụi một căn phòng và ba phút để ủi một cái áo sơ mi. 

Hãy ứng dụng nguyên tắc ba mươi giây để vượt qua sự miễn cưỡng khi thực hiện một công việc gì đó. Nếu tốn khoảng ba mươi giây hoặc ít hơn để hoàn thành nó, hãy làm ngay lập tức. Nếu tuân thủ quy luật này, nhà cửa của bạn sẽ trông gọn gàng hơn và chúng sẽ luôn ở trong tình trạng đó. 

Ngăn chặn cơn lũ thông tin 

Ngày nay, chúng ta đang dành nhiều thời gian cho các phương tiện thông tin đại chúng. Trong khi đó, dòng chảy của thông tin và các chương trình giải trí không hề bị sút giảm. Mỗi công nghệ mới xuất hiện đều hứa hẹn sẽ đơn giản hóa cuộc sống của bạn, trong khi chẳng có bất kỳ phương tiện cũ nào thật sự biến mất cả. Hãy tìm ra con đường đơn giản hóa cho mình bằng những cách làm dưới đây. Hãy chọn ra trong những gợi ý phù hợp nhất với bạn. 

Giảm thiểu chồng tài liệu “phải đọc” 

Đừng đè nặng bản thân bằng những chồng sách báo, tạp chí và các catalog chưa đọc đến. Nếu chồng sách báo ấy vượt khả năng đọc trong vòng một tháng của bạn thì nó sẽ trở thành gánh nặng tâm lý mà thôi. Hãy xem qua tất cả các tờ báo, chỉ giữ lại những tờ hay nhất và vứt bỏ những tờ còn lại. Khi ấy, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
      
Đọc tạp chí với một con dao rọc giấy 

Khi tìm thấy bài viết cung cấp nhiều thông tin cần thiết, hãy cắt nó ra. Bằng cách này, bạn sẽ không phải giữ lại cả cuốn tạp chí chỉ vì “có một vài thông tin tôi muốn đọc trong ấy”. 

Tạo mục lục của chính mình trong các cuốn sách 

Khi tìm thấy điều gì đó thú vị trong một cuốn sách, hãy tạo ra phần mục lục của riêng mình bằng cách ghi lại số trang ở mặt trong của bìa sách. Cách làm này sẽ giúp bạn tìm lại “những đoạn hay” ấy dễ dàng hơn cũng như việc đọc sách của bạn sẽ trở nên có tổ chức hơn. 

Để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn có thể sử dụng các nhãn dán màu để làm dấu những chỗ mà có thể bạn sẽ cần tìm lại. Thông thường khi đọc sách, bạn sẽ tìm thấy từ ba đến mười chỗ mà bạn muốn tham khảo lại sau này. Các nhãn dán màu sẽ giúp bạn tìm lại những chỗ đó một cách nhanh chóng. Bạn cũng có thể nhìn qua và biết được rằng mình đã đọc cuốn sách này một cách kỹ lưỡng. 

Đừng đọc các tờ nhật báo 

Đọc báo vào bữa ăn sáng là thói quen của không ít người. Nội dung thông tin thường là rất ít. Ngay cả những tờ nhật báo tốt nhất thường cũng chỉ có một vài bài báo thật sự chất lượng. Vậy thì bạn hãy thử suy nghĩ xem liệu mình có mất mát gì không nếu không đọc các bài báo đó? 

Mẹo đơn giản hóa:  Hãy giao việc đọc báo cho một thành viên khác trong gia đình. Nếu có bài viết nào thật sự thú vị, người ấy sẽ nói cho bạn biết. Bạn có thể nhận được tin tức hàng ngày qua radio vào buổi sáng hoặc các bản tin cuối ngày. Vào bữa ăn sáng, bạn chỉ nên đọc những bài viết được chọn lọc và tốt hơn là hãy dành thời gian ấy để trò chuyện với các thành viên trong gia đình. Nếu các cuộc họp là điều thiết yếu đối với cuộc sống công sở thì việc chuyện trò vào bữa ăn sáng cũng đóng vai trò tương tự trong cuộc sống riêng tư của bạn. 

Nếu bạn không thể từ bỏ thói quen đọc báo của mình thì hãy chỉ đọc những phần có chứa những thông tin hữu dụng mà thôi, chẳng hạn như tin kinh tế, các bài bình luận về chính trị... Đừng đọc lướt qua phần còn lại bởi việc làm đó vừa tốn thời gian trong khi kết quả thì chẳng là bao. 

Hãy sử dụng một cuốn sổ ghi chú thay vì nhiều mẩu giấy nhỏ 

Khi muốn ghi chú điều gì đó, hãy viết nó cả vào cuốn sổ chuyên dùng để ghi những điều bạn không được quên. Việc sử dụng nhiều mảnh giấy nhỏ có khả năng khiến bạn sao nhãng và mất tập trung. 

Hãy giảm bớt các vật dụng quảng cáo 

Những chiếc áo sơ mi và nón kết có in các dòng chữ quảng  cáo, tách đựng cà phê có khẩu hiệu của nhà sản xuất, những câu ngạn ngữ vui trên tủ lạnh, những cây bút có in thông tin của công ty và hàng ngàn vật   dụng   khác   xung   quanh đang liên tục gửi những thông điệp quấy rầy tiềm thức của bạn. Hãy loại bỏ tất cả những thứ gây sao nhãng ấy ra khỏi tầm nhìn của bạn. 

 Hãy trưng bày sách trẻ con 

Để tạo động lực cho con trẻ đọc sách, hãy làm theo cách của các nhà sách: trưng bày một số cuốn sách lên kệ, bìa hướng ra ngoài. Hãy thay đổi các tựa sách mỗi tuần một lần. Việc này sẽ gửi đến trẻ thông điệp rằng: “Sách rất quan trọng”. 

Chữa trị chứng nghiện ti-vi 

Việc xem ti-vi chẳng có gì  bất ổn cả. Không có phương tiện nào có khả năng tác động đến tất cả các giác quan của ta  một cách sâu sắc và đáng nhớ như ti-vi. Một cuộc nghiên cứu được tiến hành ở Thụy  Điển vào năm 1995 đã cho thấy rằng trẻ em ở những gia đình không có ti-vi gặp nhiều bất lợi hơn trong việc tiếp thu các vấn đề về giáo dục và phát triển trí thông minh so với trẻ em của những gia đình có ti-vi, với điều kiện các em ấy không ngồi liên tục cả ngày trước màn hình ti-vi. 

Việc ngồi xem ti-vi liên tục sẽ phá hoại tác dụng tích cực của ti-vi. Dưới đây là một vài lời khuyên đơn giản hóa cho việc sử dụng ti-vi. 

Hãy xem một chương trình, rồi nghỉ xả hơi. Đừng bao giờ bật ti-vi lên rồi để đấy. Trước hết, hãy tìm chương trình mà bạn thật sự muốn xem. Hãy quyết định rằng bạn sẽ tắt ti-vi ngay khi hết chương trình đó. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn đang ở khách sạn và định mở ti-vi lên để chống lại cảm giác cô độc khi ở đấy. 

Bỏ đi nơi khác. Đôi khi bạn bị hút vào một bộ phim chẳng đáng xem và cứ ngồi trước màn hình dù rằng không he thấy thích thú. Liều thuốc chữa trị: Hãy rời khỏi phòng trong khi cái ti-vi vẫn còn mở. Một khi “sợi chỉ ma thuật” giữ chân bạn với ti-vi đã bị đứt thì bạn sẽ dễ dàng nhận ra bộ phim ấy chẳng hề đáng xem chút nào. Khi đó, hãy quay vào phòng và tắt ti-vi đi. 

Nhờ người khác xem ti-vi hộ. Khi muốn xem một chương trình cụ thể nào đấy bởi nó có liên quan đến công việc hay  sở thích của bạn, hãy nhờ người khác xem chương trình ấy và ghi hình lại trong một băng video. Sau đấy, bạn có thể hỏi người ấy phần nào của chương trình thú vị nhất. Và bạn chỉ cần xem đúng những phần đó trên băng video mà thôi. 

Rút lui 50%. Hãy loại bỏ chứng nghiện phim bộ. Các chương trình nhiều kỳ và các phim dài tập được phát sóng trên ti-vi có thể gây nghiện. Nếu bạn đã bị nghiện những chương trình đó, bạn chỉ nên xem một số trích đoạn của nó mà thôi. Bằng cách này, bạn vẫn nắm được nội dung chính trong khi lại tiết kiệm được thì giờ. Dần dần, bạn sẽ từ bỏ nó một cách dễ dàng. 

Tránh xa các lề thói! Hãy suy nghĩ lại thói quen xem ti-vi của bạn. Liệu bạn có thể sống nếu thiếu các chương trình    ti-vi? Hãy hình  thành nên những thói quen khác thay thế, chẳng hạn như nghe đài. Cách làm này sẽ giúp bạn tránh bị các bản tin trên ti-vi “dẫn truyền” đến chuỗi các chương trình buổi tối khác. 

Đơn giản hóa việc giao tiếp 

Rất ít người thích việc viết lách. Chính vì thế, khi phải viết một cái gì đấy, nhiều người có khuynh hướng trì hoãn nó trong một thời gian dài. Lời khuyên đơn giản hóa quan trọng nhất trong lĩnh vực này là bạn hãy đưa ra mục tiêu thấp trước. Đừng yêu cầu mình phải viết thật hoàn hảo; cũng như đừng quá lo lắng về văn phong hay chính tả. Hãy hoàn tất công việc khó chịu ấy càng sớm càng tốt. Sau đây là một vài lời khuyên đơn giản hóa của chúng tôi. 

Đơn giản hóa các bản báo cáo 


“Hãy viết báo cáo về vấn đề này cho tôi” từng là nỗi ám ảnh của không ít nhân viên làm việc tại các công sở Mỹ. Hãy cố gắng thuyết phục sếp của bạn rằng nội dung thông tin mới quan trọng, chứ không phải hình thức. Trong nhiều trường hợp, bản sao của văn bản quan trọng (thư từ, các bài báo) cùng một vài dòng nhận xét viết tay chính là giải pháp đơn giản nhất. 

Hãy viết bằng văn phong đơn giản hơn và nhiều màu sắc hơn 

Các lá thư thương mại thường được viết theo những cách thức lỗi thời như:  “Xin vui lòng xem các văn bản đính kèm...”  hay  “Trân trọng kính chào”. Thậm chí, cả những bức thư cá nhân cũng chứa đựng các cụm từ thân mật nhưng lại hết sức cứng nhắc và đơn điệu. 

Hãy thay đổi văn phong trong những lá thư của bạn! Có thể ban đầu, việc làm này sẽ rất khó khăn. Nhưng sau một thời gian ngắn, bạn sẽ thấy rằng phong cách viết mới dễ chịu hơn. Nó sẽ giúp cho việc liên hệ thư từ vốn không thoải mái trở nên dễ dàng hơn và người nhận cũng sẽ hạnh phúc hơn khi đọc thư của bạn. 

 Hãy sử dụng tất cả các giác quan của bạn. Hãy viết ra những điều bạn thấy, nghe, nếm và cảm nhận được. Đồng thời, hãy bám sát yêu cầu lý tưởng này khi viết thư: Hãy viết như bạn đang nói. 

Đơn giản hóa thư điện tử của bạn 

 “Bạn có ba mươi lăm thư mới”. Ngày càng có nhiều người được chiếc máy tính của mình chào đón bằng thông tin đó. Một số công ty thuê hẳn chuyên gia về huấn luyện để nhân viên của họ có thể giải quyết các e-mail trên và bắt tay vào những hoạt động khác. Nathan Zeldes - giám đốc sản xuất của Intel Israel, một trong những chuyên gia lĩnh vực này - đã đưa ta một số lời khuyên như sau: 

Hãy xóa thư mà không cần mở chúng ra. Hãy kiểm tra bằng cách nhìn vào tên người gửi và tiêu đề của các lá thư đến trước khi đọc chi tiết chúng. Bạn có thể xóa rất nhiều thư mà không cần đọc qua. Một số phần mềm có bộ lọc cho phép bạn từ chối một số loại thư không mong muốn. Chẳng hạn, những e-mail có tiêu đề viết bằng chữ in hoa hầu như luôn là thư quảng cáo. 

Hãy phân loại mọi thứ. Hãy tạo một hệ thống quản lý thư từ trên máy tính của bạn. Đừng lạm dụng hộp thư đến để chứa tất cả mọi thứ. Sau khi đọc xong e-mail, hãy sắp xếp chúng theo từng chủ đề và lưu vào các hộp thư riêng. 

Trả lời ngay lập tức. Hãy tận dụng lợi ích lớn nhất của thư điện tử: Khả năng phúc đáp nhanh chóng. Sau khi bạn đọc một e- mail nào đó, hãy trả lời hoặc xóa bỏ nó ngay. Nếu bạn phải làm một số việc trước khi trả lời đầy đủ lá thư đó thì hãy viết một lá thư ngắn gửi tạm trước. 

Hãy tạo một hộp thư “năm tuần”. Trên máy tính cá nhân của mình, bạn nên tạo một nơi lưu trữ tài liệu tạm thời trước khi bỏ hẳn chúng đi. Hộp thư “năm tuần” dành để lưu các thư mà bạn không biết liệu mình có còn cần sử dụng đến chúng nữa không. Hãy kiểm tra lại hộp thư này sau mỗi năm tuần và xóa đi những thứ mà bạn đã giải quyết xong. 

Hãy viết những lá thư ngắn gọn. Việc tóm tắt nội dung thông tin chỉ trong một dòng tiêu đề là điều rất thiết thực. Sau dòng tiêu đề ấy, hãy viết  “hết thư” hoặc “không còn thông tin gì khác” để người nhận khỏi phải mở thư của bạn ra. 

Hãy thông báo với mọi người khi bạn đi vắng. Việc hộp thư của bạn có hàng trăm bức e-mail chưa đọc khi ban đi nghỉ mát về không phải là điều không thể tránh được. Hầu hết các chương trình thư điện tử đều có tính năng trả lời thư tự động. Bất kỳ ai gửi thư cho bạn sẽ nhận được một thư trả lời nêu rõ lý do vì sao bạn không thể phúc đáp họ cũng như khi nào thì bạn sẽ trở về. 

Hãy sử dụng chức năng “cc” (gửi cho nhiều người cùng lúc) thật tiết kiệm. Các bức e-mail có thể dễ dàng được gửi  đến  cho một nhóm người nhận trong cùng một lúc. Nhiều người  thích cách làm này để phổ biến thông tin thật nhanh chóng. Tuy nhiên, bạn hãy đề ra một quy định trong công ty rằng chức năng “cc” chỉ nên được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt, bởi việc lạm dụng tính năng này được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nạn thư rác. 

Chú ý đến các tập tin đính kèm. Một thói quen xấu khác mà nhiều người sử dụng thư điện tử hay mắc phải: Đính kèm hình ảnh và các tập tin có dung lượng quá lớn. Hãy hạn chế tối đa việc này và chỉ gửi đi những tập tin có dung lượng lớn khi bạn biết rằng người nhận cần đến chúng. Nếu không, bạn nên trích dẫn vài đoạn tương ứng trong tập tin. Nếu bạn gửi kèm hình ảnh thì trước hết, hãy giảm độ phân giải của ảnh để nó trở nên nhẹ hơn. Bên cạnh đó, hãy lưu các tập tin ảnh màu ở dạng JPG để tiết kiệm dung lượng. 

Nếu nhìn thấy những e-mail có dung lượng lớn trong hộp thư đến, bạn hãy mở thư và kiểm tra xem tập tin đính kèm nào có liên quan đến nội dung thư trước khi dành thời gian tải nó xuống. 

Hãy thể hiện bản thân một cách súc tích. Bạn nên đặt mục tiêu viết e-mail càng ngắn và súc tích càng tốt. Khi trả lời thư, hãy chỉ trích dẫn lại thư của đối phương gửi cho bạn nếu điều đó thật sự cần thiết và chỉ trích dẫn những đoạn có liên quan. Cách làm này sẽ giúp cho người đọc thư điện tử của bạn thoải mái hơn, bởi e-mail được phát minh ra vì mục đích đơn giản hóa mà.

BÍ QUYẾT 14: THỈNH THOẢNG HÃY “BỎ TRỐN” 

Khi bạn đối mặt với những công việc mà bạn không có khả năng giải quyết được thì điều tốt nhất mà bạn có thể làm là hãy tìm cách thoát khỏi nó! Những người sáng tạo và thành công đều có nơi chốn riêng để họ lui vào làm việc. Tất nhiên, nó không nhất thiết phải là căn nhà gỗ nhìn ra biển như của Ernest Hemingway(12) . Dưới đây là một vài gợi ý đơn giản cho bạn, một văn phòng thứ hai. 

Trong không gian thoáng đãng. 

Tùy theo thời tiết, bạn có thể thiết lập văn phòng thứ hai của mình trong công viên, bên cạnh hồ nước hoặc ở địa điểm tạo nguồn cảm hứng khác giữa thiên nhiên. Nhiều người vốn quan niệm rằng: “Làm việc ở những nơi như thế à? Đó là nơi mà tôi chỉ muốn đến để thư giãn mà thôi!”.Tuy nhiên, rõ ràng họ  đã xem   thường  nguồn năng lượng khổng lồ đến từ những địa điểm đó. Đừng lo lắng: Bạn sẽ không hủy hoại địa điểm tuyệt vời ấy khi làm việc tại đó đâu. Trên thực tế, mọi việc sẽ diễn biến theo chiều ngược lại: Khung cảnh tuyệt vời ấy sẽ giúp bạn làm việc thoải mái hơn và hiệu quả hơn. 

 Những nơi bỏ trống. 

Hầu hết mọi công ty đều có những không gian trống trải mà không ai sử dụng đến: Các phòng họp lớn, căng-tin (những lúc ngoài giờ ăn), các căn phòng trống hay ít nhất là bàn làm việc trống. Điều quan trọng là những nơi ấy phải ở xa văn phòng của bạn. Sau khi chọn được địa điểm, hãy thông báo với mọi người về sự vắng mặt của bạn, như thể bạn sẽ ra ngoài vậy. Hãy chuyển điện thoại  sang chế độ hộp thư thoại và làm những việc bạn vẫn  thường làm mỗi  khi đi khỏi văn phòng. Bạn sẽ có từ hai đến ba tiếng đồng hồ hoàn toàn không bị làm phiền; và trong khoảng thời gian đó, bạn có thể làm nên điều kỳ diệu. 

 “Các địa điểm quyền lực”. 

Trong một quảng cáo của hãng Microsoft có hình ảnh một người phụ nữ bước vào nhà thờ cùng chiếc máy tính mi-ni của mình để làm việc mà không bị quấy rầy. Nếu có nhiều người cùng đang ở trong nhà thờ với bạn thì âm thanh phát ra từ bàn phím sẽ là vấn đề bạn cần lưu tâm. Tuy nhiên về cơ bản, ý tưởng của cảnh quảng cáo này rất thông minh: Tìm ra những “địa điểm quyền lực” có tác động tích cực đối với sự tập trung và nguồn cảm hứng của bạn. Nếu bạn chỉ làm việc với một cuốn sách và một cuốn sổ, thì bạn sẽ chẳng làm phiền đến ai. Bạn cũng có thể lựa chọn những không gian mang hơi hướng nghiêm trang khác như thư viện công cộng, quán cà phê cổ điển (nơi bạn có thể ngồi trong không gian yên tĩnh) hay một viện bảo tàng. 

Trong không trung. 

Nhiều người khác làm việc đạt hiệu quả nhất trên máy bay. Tuy nhiên, hãy cân nhắc khi chọn địa điểm này. Các thủ tục phiền hà (thủ tục hải quan, chờ đợi, lên máy bay, cất cánh, hạ cánh, xuống máy bay, chờ nhận hành lý) khiến bạn khó tập trung. Bên cạnh đó, phương pháp này lại không hề hiệu quả đối với những chuyến bay ngắn. 

Địa điểm của những giấc mơ 

Hãy tìm những nơi trống trải khác để thoát khỏi mọi sự quấy rầy và tập trung hoàn toàn cho công việc. Bạn sẽ nhận ra rằng chỉ mỗi việc tìm kiếm một nơi như thế đã là hành động sáng tạo đem lại cho bạn phần thưởng xứng đáng. 
-------------------------------------

(7) Enid Howarth và Jan Tras: Hai học giả, đồng tác giả cuốn sách “The Joy of Imperfection". 

(8) Albuquerque: Một thành phố ở trung tâm tiểu bang New Mexico, Hoa Kỳ. 

(9) Socrates: Triết gia người Hy Lạp cổ đại, được mệnh danh là bậc thầy về truy vấn. 

(10) PDA (Personal digital assistant): Còn được gọi là một máy tính thu nhỏ, một thiết bị di động có chức năng như là một trình quản lý thông tin cá nhân và có khả năng kết nối internet. 

(11) Adrenaline: Một loại hoóc-môn trong cơ thể, làm tăng nhịp tim, co mạch, tăng huyết áp, giãn khí 
quản...


(12) Ernest Hemingway (1899 - 1961): Nhà văn đồng thời là một nhà báo nổi tiếng người Mỹ. Ông đã nhận được Giải Pulitzer năm 1953 và giải Nobel Văn học năm 1954. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét