Hạt giống suy nghĩ - Bạn chính là những gì bạn nghĩ
"Với mỗi phút giận dữ, bạn đã đánh mất hơn rất nhiều chứ không chỉ là lãng phí 60 giây hạnh phúc."
Bạn
nói những gì, làm điều gì, cảm thấy như thế nào - tất cả đều có nguồn
gốc từ trong tâm trí bạn, và bắt đầu chỉ bằng một ý nghĩ.
Suy
nghĩ của chúng ta cũng giống như những hạt giống, mỗi suy nghĩ sẽ đơm
hoa kết trái để tạo ra một hương vị riêng biệt. Suy nghĩ có thể là sự
sáng tạo hay phá hủy, yêu thương hay thù hận, nâng đỡ hay vùi dập. Khi
chúng ta hiểu và học cách kiểm soát những ý nghĩ của bản thân thì chúng
ta sẽ trải nghiệm được sự bình an, niềm hạnh phúc và sự vững vàng trong
tâm hồn. Suy nghĩ tích cực dạy chúng ta cách hành động thay vì phản ứng;
"hướng dẫn" cuộc đời ta thay vì để cho hành vi của người khác, những
trải nghiệm quá khứ, hay hoàn cảnh hiện tại điều khiển tinh thần của ta.
Bạn đã bao giờ dừng lại để quan sát những hình
ảnh đang hiện diện trong tâm trí bạn cũng như những suy nghĩ mà bạn tạo
ra? Theo tính toán, mỗi người trung bình có khoảng 30.000 - 50.000 ý
nghĩ mỗi ngày. Một tâm trí đang trong tình trạng stress sẽ tạo ra nhiều
suy nghĩ hơn, có thể lên đến 80.000 suy nghĩ. Hẳn bạn đã từng rơi vào
trạng thái căng thẳng thần kinh vì gặp phải một sự kiện đột ngột xảy ra
trong đời, lúc ấy có đến hàng ngàn ý nghĩ chạy dồn dập trong đầu bạn.
Tâm trí chúng ta có một khả năng rất lớn, làm
việc không ngừng nghỉ ngay cả khi ngủ. Như đã nói, suy nghĩ chính là hạt
giống cho những hành động và cảm xúc. Vì vậy, bằng cách tạo nên những
suy nghĩ tích cực và lành mạnh, chúng ta đã kích hoạt tiềm năng tích cực
của chính mình.
Cuộc đời bạn là tổng kết
những lựa chọn (bao gồm có ý thức hay không có ý thức) của bạn. Nếu bạn
có thể kiểm soát được quá trình lựa chọn của mình, bạn cũng có thể kiểm
soát được tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc đời của bạn. Bạn có thể tìm
thấy sự tự do từ việc chịu trách nhiệm về chính bản thân mình.
Suy nghĩ chính là nhiên liệu cho tâm trí
"Thái độ của chúng ta trước những điều bên ngoài phụ thuộc vào cách suy nghĩ từ bên trong chúng ta."- Park Cousins
-
Thực phẩm cung cấp nhiên liệu cho cơ thể chúng ta. Nếu bạn muốn chạy
ma-ra-tông, bạn cần tiêu thụ nhiều chất đạm và những thức ăn giàu năng
lượng để có đủ năng lượng chạy một quãng đường xa. Mặt khác, nếu cơ thể
bạn hấp thụ các loại thức ăn không tốt cho sức khỏe, bạn có thể mắc bệnh
đau bao tử, cảm thấy lờ đờ và mệt mỏi.
Cũng
tương tự như vậy, suy nghĩ cung cấp nhiên liệu cho tâm trí. Nếu bạn có
những suy nghĩ tiêu cực, vô ích và lãng phí, chúng sẽ lấy mất năng lượng
của tâm trí. Nếu bạn có những suy nghĩ tích cực, chúng sẽ "nạp" năng
lượng cho tâm trí, khiến bạn có đủ năng lượng và sức mạnh để đối đầu với
những thách thức và khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
Theo
nghiên cứu y khoa, khoảng 75% - 90% các chứng bệnh thuộc về thể chất có
nguồn gốc từ tinh thần, bắt đầu từ suy nghĩ của chúng ta. Nói một cách
đơn giản, chất lượng của suy nghĩ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe.
Điều gì xảy đến cho cơ thể chúng ta khi chúng ta giận dữ hay căng thẳng?
Các bắp thịt căng lên gây ức chế quá trình lưu thông máu, tạo nên những
điểm áp lực - chính những điểm này gây đau đớn cho cơ thể. Đau cổ, đau
vai, đau đầu thường là kết quả của những suy nghĩ căng thẳng hay giận
dữ. Trái lại, khi ta tạo nên những suy nghĩ tích cực và bình an trong
tâm trí, các cơ của cơ thể được thư giãn, lượng ôxy nạp vào giảm, huyết
áp hạ, tỷ lệ mắc bệnh tim cũng giảm đáng kể.
Hiệp
hội Nghiên cứu về Khoa học Thường thức Cuộc sống (The Associates of
Reseach into the Science of Enjoyment - ARISE) đã xác nhận mối liên hệ
giữa cảm giác của con người đối với những phản ứng hóa học xảy ra trong
cơ thể. Khi những người tham gia thí nghiệm có những suy nghĩ tích cực
và có cảm giác hạnh phúc, cơ thể sẽ sinh ra một lượng lớn chất kháng thể
- loại kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi những lây nhiễm qua đường hô hấp.
Chúng còn tạo ra những chất giảm đau tự nhiên được xem là có thể chống
được bệnh ung thư, ngăn chặn ảnh hưởng của "stress" và làm cho không
gian xung quanh được phủ kín một nguồn năng lượng tích cực. Trái lại,
khi họ có những suy nghĩ tiêu cực và có cảm giác bất hạnh, cơ thể họ
phản ứng lại tình trạng đó bằng cách ức chế chức năng miễn dịch, khiến
cơ thể hoạt động trì trệ và có nguy cơ bệnh tật cao.
Suy nghĩ và các mối quan hệ của chúng ta
"Hãy
chăm sóc tâm trí bạn thật tốt, chú ý đến nó và bạn sẽ trở thành người
bạn của chính mình. Cho dù sống ở đâu, sử dụng ngôn ngữ nào thì mỗi
chúng ta vẫn sẽ là bạn hoặc là thù của chính ta. Bạn có quyền chọn lựa:
trở thành người bạn tốt nhất hay là kẻ thù xấu xa nhất của chính mình."-
B.K. Dadi Janki
Như
mô tả , suy nghĩ của chúng ta chính là nơi bắt đầu để hình thành cảm
giác, lời nói và hành động. Vậy nên, việc kiểm soát được suy nghĩ của
bản thân là rất quan trọng, nó giúp bạn kiểm soát cảm giác, lời nói và
hành động của mình.
Chúng ta đã thấy rõ
trong phần trên là suy nghĩ có ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể. Ngoài ra,
nó còn là yếu tố quyết định bầu không khí chúng ta đang sống và mối quan
hệ của chúng ta với những người xung quanh.
Suy
nghĩ tích cực khiến cho các mối quan hệ hài hòa còn suy nghĩ tiêu cực
gây ra mâu thuẫn, bất hòa với những người xung quanh. Suy nghĩ tiêu cực
về người khác sẽ làm cho mức độ khoan dung của ta giảm xuống, sự căng
thẳng trong mối quan hệ nảy sinh và gia tăng. Một ngày kia, khi tôi thừa
nhận rằng mình chỉ có thể ảnh hưởng đến người khác chứ không thể "kiểm
soát" được họ, tôi sẽ cảm nhận được một cảm giác tự do. Tôi không thể
kiểm soát người khác nhưng tôi có thể học cách kiểm soát phản ứng của
tôi đối với người khác. Có thể họ cư xử tồi nhưng tôi có quyền chọn lựa
cách đáp lại lối cư xử của họ. Điều này có nghĩa là dù đôi khi quanh ta
là những người "tiêu cực" nhưng ta có thể chọn lựa để hành động tích
cực.
Hầu hết chúng ta dành phần lớn thời
gian "phản ứng" lại những hành vi của người khác để rồi thấy thất vọng,
buồn chán và giận dữ khi họ không cư xử theo cách chúng ta muốn. Nếu có
thể chấp nhận ý kiến của họ và tập trung chú ý vào những điểm tốt của
họ, ta sẽ thấy hạnh phúc hơn khi họ hiện diện; đồng thời cũng có thể tạo
ảnh hưởng tích cực đối với họ. Nhờ đó, ta bắt đầu chấp nhận rằng ta là
tác giả tạo ra những suy nghĩ của chính mình. Khi ta tạo nên những suy
nghĩ hạnh phúc, bình an, tích cực thì chúng sẽ lan tỏa ra và ảnh hưởng
tới những người xung quanh. Đây là cách đơn giản để chia sẻ sự tích cực
với người khác. Giống như khi ta ném một viên đá xuống hồ - sẽ làm gợn
sóng và tạo nên nhiều vòng sóng lan rộng.
Hình
2 chỉ rõ tác hại của suy nghĩ tiêu cực "Tôi ghét người đồng nghiệp của
tôi". Những suy nghĩ như thế ảnh hưởng mạnh đến cuộc sống của chúng ta.
Gần như chúng ta sống 8 giờ mỗi ngày ở công sở, nếu cứ để những suy nghĩ
tiêu cực về những người đồng nghiệp lấp đầy tâm trí, ta sẽ phải trải
qua 8 giờ làm việc căng thẳng, không vui vẻ. Việc tạo ra những suy nghĩ
tiêu cực về người khác sẽ làm chính bản thân ta phải chịu đựng buồn
phiền. Nếu thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng suy nghĩ tích cực về
nơi làm việc, bạn sẽ có nhiều niềm vui hơn. Điều này cũng có hiệu quả
tương tự đối với những mối quan hệ cá nhân khác của chúng ta.
Năm loại suy nghĩ chính
Chúng ta có năm loại suy nghĩ chính sau đây:
Suy nghĩ tích cực:
Dạng
suy nghĩ này mang lại ích lợi cho chính bản thân ta và cho những người
khác. Đó là suy nghĩ với thái độ lạc quan, chấp nhận và khoan dung... Ví
dụ khi nhìn một nửa ly nước, bạn sẽ thấy "nửa ly có nước" thay vì "nửa
ly không có nước", nghĩa là bạn nên tập trung vào cái bạn có và hài lòng
với nó hơn là cảm thấy thất vọng về những gì bạn không có. Hình ảnh nửa
ly nước chính là hình ảnh tượng trưng cho nhiều điều trong cuộc sống
của chúng ta. Chẳng hạn như, khi ta nhìn vào người khác, thay vì tập
trung vào điểm yếu của họ, như nhiều người trong chúng ta thường làm,
thì những suy nghĩ tích cực sẽ hướng chúng ta nhìn vào những điểm mạnh
và những phẩm chất tốt đẹp của họ. Có một câu nói rất hay là “Ăn gì bổ
nấy”, nghĩa là chúng ta sẽ trở thành điều mà chúng ta giữ lấy trong nhận
thức. Giữ lấy những phẩm chất tốt đẹp của người khác trong nhận thức
của mình, cũng như cho tâm trí ta “ăn” những suy nghĩ tích cực, sẽ giúp
những điều tốt đẹp ấy phát triển trong ta. Tương tự như vậy, khi cứ mang
những điểm yếu, nhược điểm của người khác vào nhận thức của mình, chúng
sẽ làm mạnh thêm cho những nhược điểm yếu kém có trong chúng ta. Vì
thế, suy nghĩ tích cực sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn rất nhiều trong cuộc
sống.
Suy nghĩ tiêu cực:
Là
dạng suy nghĩ có hại cho chính mình và cho những người khác. Đó là
những suy nghĩ mang thái độ giận dữ, hẹp hòi, dằn vặt bản thân hoặc chỉ
trích người khác, phân biệt đối xử...
Suy nghĩ vô ích:
Suy
nghĩ về quá khứ hay những điều vượt ngoài tầm kiểm soát của bản thân
như: "Tại sao lại thế?", "Giá như"... bao gồm cả sự nghi ngờ, hối tiếc,
ảo tưởng, lo lắng về những việc nhỏ nhặt...
Suy nghĩ cần thiết:
Suy nghĩ để lập kế hoạch cho ngày làm việc của mình: "Tôi cần gặp người ấy vào giờ này", "Tôi phải đi đến nơi đó"...
Suy nghĩ hướng thượng:
Là
những suy nghĩ dựa trên nền tảng các giá trị, các phẩm chất của cá nhân
hay của nhân loại như sự bình an, lòng nhân ái, sự hợp tác v.v. Đó là
những suy nghĩ có liên quan đến việc nhận thức ý nghĩa sâu sắc của cuộc
sống, hay những sự việc diễn ra xung quanh ta. Suy nghĩ hướng thượng
không chỉ liên quan đến những vấn đề hiện thực trước mắt mà còn liên
quan đến kết quả của các hành động. Suy nghĩ hướng thượng giúp chúng ta
có một tầm nhìn xa, không mang tính vị kỷ mà hướng đến lợi ích của tất
cả mọi người. Chúng ta có thể tập trung một cách có ý thức các suy nghĩ
này và làm cho chúng trỗi dậy trong tâm trí mình. Các suy nghĩ hướng
thượng được tích lũy dần dần qua việc tìm hiểu về đời sống tinh thần,
suy nghĩ về ý nghĩa của sự vật và quan sát các hành vi của chúng ta. Suy
nghĩ hướng thượng mang lại cho chúng ta một cảm giác tốt đẹp và một
cuộc sống tràn đầy năng lượng.
Với thái độ
tích cực, chúng ta sẽ tạo ra một nguồn năng lượng dồi dào cho bản thân.
Ngược lại, sự tiêu cực sẽ làm cạn kiệt năng lượng và nội lực bên trong,
để lại trong ta cảm giác hoàn toàn trống rỗng. Và kết quả của sự trống
rỗng đó là đau khổ và lo âu. Nếu ta không biết cách suy nghĩ tích cực
thì có thể dẫn đến hiện tượng trầm cảm và trên thế giới ngày nay, bệnh
trầm cảm đang có xu hướng gia tăng ở cả lớp trẻ lẫn người già.
Khi
ai đó đang suy nghĩ tiêu cực, họ thường gây nên sự sợ hãi trong chính
họ và cho những người xung quanh. Chúng ta cần tự đặt câu hỏi: "Mình
thật sự muốn có loại cảm giác nào?". Phần lớn sẽ trả lời rằng ta muốn
bình yên. Khi ta nghĩ những ý tốt lành, lời lẽ của ta sẽ tốt và việc làm
của ta sẽ tốt - thực tế là mọi việc đều sẽ tốt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét