Người làm vườn và vụ mùa suy nghĩ
"Với mỗi phút giận dữ, bạn đã đánh mất hơn rất nhiều chứ không chỉ là lãng phí 60 giây hạnh phúc."
Tâm trí chúng ta thường được định
hình bởi ngoại cảnh hoặc cách đối xử của người khác. Chúng ta thường nói
rằng: "Tôi cảm thấy vui khi người khác đối xử tốt với tôi và cảm thấy
khó chịu khi họ có thái độ không tốt". Điều đó có nghĩa là trạng thái
tinh thần của chúng ta bị chi phối bởi hoàn cảnh hoặc bị quyết định bởi
người khác.
Dường như hạnh phúc, niềm vui
của chúng ta bị quyết định bởi điều kiện môi trường bên ngoài, bị phụ
thuộc vào hoàn cảnh. Thật sự, chúng ta không thể kiểm soát được điều
kiện ngoại cảnh như: cách cư xử của mọi người đối với chúng ta, thời
tiết, tình trạng công việc,... vì những điều này liên tục thay đổi. Nếu
chúng ta phụ thuộc vào ngoại cảnh, tâm trí của chúng ta cũng biến động
theo ngoại cảnh. Ngược lại, nếu chúng ta tập trung vào việc "định nghĩa"
bản thân bằng những phẩm chất tích cực bên trong, chúng ta sẽ ổn định
hơn và ít bị ảnh hưởng bởi sự "thăng trầm" của ngoại cảnh cũng như của
những người xung quanh.
Trong cuộc sống, những "vai diễn"
chúng ta thường "đóng" trong ngày sẽ dễ dàng ảnh hưởng đến cá tính của
chúng ta. Nếu "đóng" một vai nào đó càng lâu, chúng ta càng có xu hướng
đồng nhất mình với "vai diễn" đó. Vì vậy, để "đóng vai" hiệu quả, chúng
ta cần phải nhớ rằng đó chỉ là những vai trò mà mình phải thực hiện chứ
không phải là bản thân chúng ta. Có vậy, chúng ta mới có thể sử dụng
những phẩm chất tích cực để thể hiện những "vai diễn" mà không đánh mất
bản chất thật sự của mình. Nếu đồng nhất bản thân với "vai diễn" và để
cho hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào nó thì khi chuyển sang "vở
kịch" khác, chúng ta sẽ cảm thấy căng thẳng và sợ hãi. Nếu giá trị của
chúng ta phụ thuộc vào những gì đang có thì điều đó sẽ tạo nên nỗi lo sợ
mất mát, hoặc chúng ta sẽ cảm thấy không hạnh phúc khi ai đó có nhiều
hơn mình. Và chúng ta cũng sẽ nhìn người khác bằng một cái nhìn giới
hạn, tùy thuộc vào "vai trò" họ đang "diễn". Nếu chúng ta biết nhận dạng
bản thân qua cái tôi cùng với những phẩm chất tích cực bên trong, chúng
ta có thể duy trì được sự ổn định nội tại, ngay cả khi ngoại cảnh bấp
bênh. Chúng ta sẽ nhìn người khác bằng sự thấu hiểu hơn, tầm nhìn rộng
hơn và tích cực hơn. Điều này cũng tạo cho chúng ta lòng tự trọng sâu
sắc và bền vững, thậm chí cả khi bị người khác chỉ trích hay bị hoàn
cảnh thử thách.
Theo dõi sự tập trung của bạn
Hãy
luyện tập ngay từ hôm nay: kiểm tra các cấp độ tư duy của bạn, giữ cho
tâm trí tập trung vào những điều tích cực và nằm trong khả năng kiểm
soát của bạn.-Brahma Kumaris
Khi
tôi hướng dẫn về tư duy tích cực cho một nhóm nữ phạm nhân tại một nhà
tù ở New Zealand, một nữ phạm nhân đã nói với tôi rằng: "Đối với cô, nói
về sự tích cực thì thật dễ dàng, vì sau giờ học này cô có thể lên xe và
trở về nhà - còn chúng tôi thì phải ở lại đây!".
Tôi
đã trả lời rằng tôi cũng từng làm việc với nhiều người có tự do về thể
chất, nhưng lại là những người bị mất tự do về tinh thần. Họ bị điều
khiển bởi suy nghĩ của người khác, bị dằn vặt bởi sự hối tiếc về quá
khứ, bị đeo đẳng nỗi lo sợ trong tương lai và cả những điều vượt ra
ngoài tầm kiểm soát. Nhiều người trong số họ rất giàu có và rất tự do về
mặt thân thể nhưng tâm trí lại tràn ngập sự lo lắng và nỗi sợ hãi, điều
đó khiến họ không thể hưởng thụ được những gì họ đang có.
Tôi
đã gợi ý với những người phụ nữ này là trong quãng thời gian họ không
thể thoát khỏi nhà giam về mặt thể xác, họ hoàn toàn có quyền lựa chọn
những gì họ muốn trải nghiệm, ngay cả khi họ đang ở trong nhà tù. Thay
vì phản ứng lại những gì mình không thể kiểm soát được, hãy tập trung
vào những điều mình có thể kiểm soát được và điều đó sẽ khiến cho sự
việc trở nên khác đi. Một số người bắt đầu thực hiện và họ đã thay đổi
thái độ của mình đối với các vị quản ngục và cũng như với các bạn tù
khác. Sau vài tuần, các vị quản ngục nhận ra sự thay đổi của bầu không
khí trong trại và thái độ của các nữ phạm nhân cũng trở nên tích cực và
hòa nhã hơn. Sau này, nhiều người trong số họ đã đạt được những mục tiêu
quan trọng cho mình như hoàn tất chương trình đại học, phát triển tài
năng nghệ thuật... Họ nhận được sự hỗ trợ từ các cán bộ trại giam và đã
tổ chức được nhiều chương trình hoạt động, trong đó có cả một cuộc gặp
mặt thảo luận với sự tham gia của Thủ tướng đương nhiệm New Zealand.
Mike
George, một nhà tập huấn quản trị tại Anh, đã chỉ ra rằng: chúng ta
thường có thói quen cố gắng kiểm soát người khác - về thể chất, cảm xúc
hay về tinh thần - trong khi đó là điều hoàn toàn không thể. Theo ông,
dấu hiệu của thói quen sai lầm đó bộc lộ qua việc chúng ta có cảm giác
khó chịu đối với người khác. Nếu biết chấp nhận những gì vượt ngoài tầm
kiểm soát của mình và biết tập trung vào những gì nằm trong khả năng,
tâm trí chúng ta sẽ được thư thái, "bay bổng" và không còn phải suy nghĩ
nhiều nữa.
Một câu hỏi được đặt ra về vấn
đề này trong một cuộc khảo sát tại Anh: "Điều gì sẽ xảy ra nếu như
chúng ta cứ mãi lặp lại những suy nghĩ về những điều mình không thể kiểm
soát được?".
Những người được khảo sát đã
trả lời rằng, khi họ tập trung vào những điều mình không thể kiểm soát
được, họ cảm thấy căng thẳng, lo âu, mệt mỏi, buồn rầu và giận dữ...
Một
điều rõ ràng là khi chúng ta học được cách biết tập trung vào những gì
mình có thể kiểm soát được và những gì có thể thực hiện được, chúng ta
sẽ trở nên bớt căng thẳng hơn, bình tĩnh hơn, hạnh phúc hơn và mọi giá
trị trong cuộc sống của chúng ta sẽ tăng lên.
Ngày
nay, tại nhiều quốc gia đang bị thiếu nước sinh hoạt, các chương trình
quảng cáo thường nhắc nhở người dân không nên để vòi nước chảy không
hoặc rò rỉ để tránh lãng phí nước. Tập trung suy nghĩ vào những việc
vượt xa tầm kiểm soát của chính mình cũng giống như tình trạng "các vòi
nước chảy không" - toàn bộ năng lượng của chúng ta bị hao phí đến kiệt
quệ! Như vậy, hãy tiết kiệm năng lượng của mình bằng cách kiểm tra "vòi
nước" của mình, đừng để chúng chảy lãng phí.
Tôi
nhớ lại lần hướng dẫn buổi thảo luận về tư duy tích cực với một nhóm
người ở New Zealand cách đây vài năm. Trong nhóm có một đôi vợ chồng
trên 70 tuổi đã chung sống với nhau hơn 50 năm. Đến phần thứ hai của
buổi thảo luận, người chồng đã phát biểu, "Ước gì tôi được tham dự buổi
thảo luận này vào 50 năm trước". Một trong những thành viên trẻ tuổi
tham dự đã hỏi ông tại sao lại nói như vậy. Ông đáp, "Tôi đã mất 50 năm
để cố gắng thay đổi vợ tôi và bà ấy cũng mất chừng ấy thời gian cố gắng
thay đổi tôi. Nhưng như bạn biết đấy, không ai trong chúng tôi thành
công cả!". Tôi đã hỏi họ cảm thấy như thế nào khi cứ cố gắng thay đổi
nhau. Người chồng trả lời rằng ông cảm thấy giận dữ và nản lòng, còn
người vợ lại cảm thấy mình thất vọng và bị tổn thương. Những thành viên
trẻ tuổi ngồi lặng một lúc, thấm thía bao thời gian đã bị "lãng phí" vô
ích như thế nào khi con người cứ cố tìm cách thay đổi lẫn nhau.
Chúng
ta thường nghĩ nhiều về hành động của người khác và những gì diễn ra
xung quanh hơn là nhìn vào chính bản thân mình. Chúng ta quên mất rằng
chúng ta có quyền chọn lựa những suy nghĩ được tạo ra trong tâm trí mình
thay vì cứ đổ lỗi cho người khác về những gì chúng ta cảm thấy: "Tôi
buồn vì người này đã nói thế này, làm thế kia...". Việc đó có thể khiến
cho sự căng thẳng và buồn phiền đeo đẳng mãi trong tâm trí của chúng ta.
Trong
cuốn The Seven Habits of Highly Effective People (Bảy thói quen của
những người thành đạt), Stephen Covey có nói về hai vòng tròn trong cuộc
đời chúng ta: vòng tròn Ảnh hưởng - vòng tròn bên trong, và vòng tròn
Quan tâm - vòng tròn bên ngoài. Vòng tròn Ảnh hưởng bao gồm các giá trị,
thái độ, suy nghĩ... Vòng tròn Quan tâm bao gồm những điều chúng ta
không thể kiểm soát được như thời tiết, con người, tình hình kinh tế...
Khi chúng ta cố gắng kiểm soát vòng tròn Quan tâm thì sẽ tạo áp lực lên
vòng tròn Ảnh hưởng, chúng ta sẽ bị tiêu hao nhiều năng lượng tích cực
khiến chúng ta không thể làm việc hiệu quả được. Thay vào đó, chúng ta
nên tập trung vào vòng tròn Ảnh hưởng bằng cách tăng cường các giá trị
của bản thân, tạo ra thái độ và suy nghĩ tích cực, điều này tạo ra các
sóng năng lượng tích cực, những sóng này lại tác động lên vòng tròn Quan
tâm, cho chúng ta nhiều nội lực để đối phó với những tình huống khó
khăn, thử thách.
Enrique Simo, một nhà văn
Tây Ban Nha đã viết: "Chúng ta sẽ trở thành những gì mà chúng ta nghĩ
một cách sâu sắc". Khi tập trung vào những gì vượt ngoài tầm kiểm soát
của mình, suy nghĩ của chúng ta trở nên tiêu cực và những suy nghĩ tiêu
cực này sẽ như dòng chảy tuôn qua lời nói, hành động và cả thói quen của
bạn rồi theo thời gian sẽ định hình nên tính cách của bạn.
Đã
có lần Gandhi đặt câu hỏi: “Khi bạn chỉ ngón tay của mình về phía người
khác thì có bao nhiêu ngón chỉ ngược lại về phía bạn?”. Một thính giả
đã trả lời: “Ba”.
Hãy nghĩ về hình ảnh của
chính bạn trong suốt một ngày bình thường: ngón tay của bạn đã chỉ đi
đâu? Bạn có bận rộn với thế giới bên ngoài, với hành vi của người khác
không? Hay là bạn tập trung vào phản ứng của mình trước những tình
huống?
Kiểm soát suy nghĩ
"Cuộc sống của bạn là một chuỗi
kết quả của những gì bạn lựa chọn. Đời người có hai cách để sống: theo
cách này, chẳng có điều gì kỳ diệu xảy ra; còn với cách kia, mọi thứ
trên đời đều kỳ diệu."- Albert Einstein
Nếu
bạn sở hữu một nhà máy và có một dây chuyền sản xuất, bạn cần phải có
một người kiểm định chất lượng để kiểm tra tiêu chuẩn sản phẩm. Nếu
người kiểm định chất lượng không để tâm đến công việc của họ thì một số
sản phẩm sẽ không đạt tiêu chuẩn ở một khâu nào đó khi xuất xưởng.
Chúng
ta phải là "người kiểm định chất lượng" cho chính tâm trí chúng ta.
Chúng ta phải "lọc" từng ý nghĩ đến với tâm trí ta, và phải lựa chọn để
có thể chấp nhận hoặc bác bỏ những ý nghĩ tương ứng với từng hành động
dự kiến sẽ xảy ra. Chúng ta luôn suy nghĩ, vì thế phải bảo đảm là "bộ
lọc" của chúng ta đang hoạt động hiệu quả để "kiểm tra chất lượng" của
từng ý nghĩ và kịp thời từ chối bất cứ ý nghĩ nào "không có lợi" hoặc
"có hại".
Bài tập 1:
Ngồi
một cách thoải mái và thư giãn. Điều này cho phép bạn từ từ nhớ lại
mình đã bắt đầu một ngày như thế nào. Ý nghĩ nào xuất hiện đầu tiên khi
bạn thức dậy sáng nay? Đó là loại suy nghĩ gì? Tích cực, tiêu cực hay
cần thiết...? Bạn đã có loại suy nghĩ nào khi gặp gỡ và tiếp xúc với mọi
người trong ngày? Hãy theo dõi chính bạn trong suốt buổi sáng, buổi
chiều và buổi tối. Những suy nghĩ tích cực chiếm bao nhiêu thời gian
trong ngày? Ghi lại chúng một cách ngắn gọn.
Nếu
bạn có quá nhiều suy nghĩ tiêu cực trong ngày, hãy quyết tâm thực tập
suy nghĩ tích cực vào ngay ngày hôm sau. Hãy cố gắng tìm hiểu nguồn gốc
của những suy nghĩ tiêu cực đó. Chẳng hạn, khi bạn phát hiện ra rằng suy
nghĩ tiêu cực ấy chính là kết quả của thái độ chỉ trích đối với người
khác - bạn hãy thực hành phát triển một thái độ chấp nhận và thấu hiểu
hơn, rồi những suy nghĩ tiêu cực sẽ tự động được thay thế bằng những suy
nghĩ tích cực.
Bài tập 2:
Để kiểm soát những suy nghĩ, "thủ thuật" SOS(+) sau đây có thể giúp ích cho bạn rất nhiều:
Trong
những hoàn cảnh khó khăn, nếu tôi thực hành "Standing back" (Lùi lại)
trước tình huống, tạo ra cho mình một khoảng không trong tâm trí hoặc
tách rời khỏi tình huống đó, tôi có thể hướng tới một viễn cảnh mới mẻ
và rõ ràng hơn là việc cứ để mình bị tác động bởi hoàn cảnh.
Sau đó, tôi "Observe" (Quan sát)
loại suy nghĩ do tâm trí tôi đang tạo ra và tôi nhớ rằng mình có quyền
lựa chọn những gì mình nghĩ.
Cuối cùng,
tôi "Steer" (Lèo lái) suy nghĩ một cách có ý thức theo sự chọn lựa của
mình. Và điều này sẽ giúp tôi cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và luôn trong
trạng thái chủ động kiểm soát ý nghĩ.
(+) SOS: Standing back: Lùi lại, Observe: Quan sát, Steer: Lèo lái.
Bài tập 3:
Những
nghiên cứu mới đây ở Anh cho biết, trong suốt cuộc đời, chúng ta đã
dành trung bình 80% thời gian hoặc hơn thế để nghĩ và nói về những điều
không thể kiểm soát hay thay đổi được, chẳng hạn như về thời tiết, về
quá khứ hay về người khác. Hành động này luôn khiến chúng ta cảm thấy
thất vọng, vỡ mộng, giận dữ và căng thẳng trong các mối quan hệ.
Một
bài tập đơn giản dưới đây sẽ giúp chúng ta tiết kiệm năng lượng và có
thể phản ứng một cách bình tĩnh và hiệu quả hơn trước những thử thách.
1. Nhìn thẳng vào tình huống.
2. Nhận dạng những gì ta có thể kiểm soát được.
3. Nhận dạng những gì ta không thể kiểm soát được.
4. Tập trung thời gian và năng lượng vào những gì ta có thể kiểm soát được.
5. Chấp nhận và phát triển những kỹ năng cần thiết để có thể chủ động ứng phó trước những gì ta không thể kiểm soát được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét