Lời mở đầu
Tư duy tích cực
Khi tìm hiểu về một chủ đề,
chúng ta nên xem xét vấn đề trong ngữ cảnh của nó và đặt ra một số câu
hỏi căn bản. Những câu hỏi tuy bình thường nhưng vẫn đáng để suy ngẫm.
Câu
hỏi đánh thức sự hứng thú, sự tò mò của chúng ta, chúng gợi mở tư duy,
kích thích trí thông minh và mở cánh cửa trí tuệ để khám phá những chiều
kích khác nhau của cuộc sống và của chính bản thân chúng ta.
Đó
là năm câu hỏi nổi tiếng bắt đầu bằng năm chữ cái "W" - Why, What, Who,
When, Where (Tại sao, Cái gì, Ai, Khi nào, Ở đâu), và không quên có chữ
“H” kèm theo: How (Như thế nào). Có một câu nói rất hay rằng: "Tôi thà
biết vài câu hỏi còn hơn biết tất cả các câu trả lời". Vì sao vậy? Hầu
hết chúng ta nghĩ rằng nếu biết tất cả những câu trả lời đúng, chúng ta
sẽ thành công và hạnh phúc. Nhưng điều này chỉ đúng trong một chừng mực
nào đó. Một đáp án đúng luôn có sẵn và được áp dụng cho các vấn đề toán
học, nhưng với đời sống vốn phức tạp, mơ hồ, dễ đổi thay thì một câu hỏi
không chỉ có một đáp án đúng - tất cả tùy thuộc vào điều mà bạn tìm
kiếm.
Đó là lý do vì sao chúng tôi bắt đầu
cuốn sách này bằng cách xem xét quan niệm cá nhân về sự thành công: bởi
câu trả lời "đúng" tùy thuộc vào điều chúng ta muốn đạt được. Và nếu
bạn luôn có sáu câu hỏi này bên mình như những người bạn tốt, thì sẽ còn
rất ít điều trong cuộc sống vượt ngoài sự hiểu biết của bạn.
Vì
vậy, chúng ta sẽ bắt đầu với "Why" (tại sao). Tại sao tư duy tích cực
lại là một kỹ năng quan trọng cần phải được phát huy? Điều đó là hiển
nhiên bởi bối cảnh mà tất cả chúng ta đang sống, cũng như sự hiểu biết
về bộ não kỳ diệu và về những quan hệ trong cuộc sống hàng ngày của
chúng ta.
Sau đó, chúng ta sẽ đặt câu hỏi
"What" (cái gì). Tư duy tích cực là gì và nó hoạt động ra sao ("How")?
Nó vận hành như thế nào và làm sao chúng ta có thể áp dụng tư duy tích
cực trong cuộc sống của mình?
Cuối cùng là
ba câu hỏi còn lại trong danh sách, có tên "Who" (ai), "When" (khi nào)
và "Where" (ở đâu). Những câu hỏi này khá đơn giản và không cần nhiều
thời gian để giải đáp nên chúng ta sẽ trả lời ngay bây giờ.
Đầu
tiên: "Who?” - Ai cần học tư duy tích cực? Nó ứng dụng cho những ai?
Câu trả lời quá dễ phải không? Cho tôi. Cho bạn. Ai cần học tư duy tích
cực nếu không phải là tất cả chúng ta? Kế tiếp, "When" và "Where" - Tôi
nên áp dụng tư duy tích cực trong bối cảnh nào và vào lúc nào trong
ngày? Ồ, một lần nữa câu trả lời lại thật đơn giản: Ở đây, ngay nơi bạn
đang đứng và đang sống và ngay bây giờ, vào mọi khoảnh khắc của bạn.
Chẳng có lý do gì để trì hoãn một công việc đầy hứa hẹn; và với một việc
tốt và có ích như thế thì thời gian là "bây giờ", địa điểm là "ở đây"
và bạn chính là người để làm việc đó. Như vậy là chúng ta đã giải quyết
xong một nửa các câu hỏi. Và việc này diễn ra trước khi chúng ta bắt đầu
cuốn sách này. Chúng ta đang làm rất tốt!
Bây
giờ, hãy giới thiệu về chủ đề: Ta gọi tư duy tích cực là gì? Định nghĩa
nó như thế nào? Có người đã đúc kết rằng, tư duy tích cực là khả năng
suy nghĩ theo cách mà qua đó, ta có thể biến chuyển những tình huống khó
khăn thành những thuận lợi. Thật ra, tư duy tích cực có tác dụng tốt
hơn thế nữa, vì không những nó có thể biến những khó khăn thành thuận
lợi cho bản thân chúng ta mà nó còn có tác dụng giống như vậy đối với
những người xung quanh chúng ta, trong các mối quan hệ của chúng ta. Hầu
hết chúng ta thường được dạy cách tư duy theo kiểu "thắng - thua":
trong bất kỳ tình huống nào, hoặc là ta thắng, hoặc là ta thua. Điều này
dẫn tới lối suy nghĩ rằng trong bất kỳ một mối quan hệ nào cũng có kẻ
thắng và người thua. Người thắng thì vui mừng, kẻ thua thì cay đắng.
Bằng cách tư duy tích cực, chúng ta hãy tư duy theo cách "cùng thắng":
nếu tôi muốn đạt được điều gì có ích cho bản thân thì tôi cũng muốn điều
đó xảy ra với bạn. Chúng ta sống cùng nhau và cùng san sẻ với nhau
những thuận lợi. Điều này nghe có vẻ quá lý tưởng và không mấy hiện
thực. Có thể là vậy, nhưng chúng ta hãy bỏ ra chút ít thời gian để xem
xét ý kiến sau đây: Nếu trong mối quan hệ với tôi, bạn có cảm giác bị
mất mát điều gì đó thì có thể trong tim bạn sẽ nảy sinh lòng hận thù đối
với tôi, có thể bạn đang nghĩ cách trả thù. Còn tôi, đương nhiên tôi
không thích sống với ý nghĩ rằng mình có những kẻ thù đang chực chờ cơ
hội để đòi lại những gì bị đoạt mất. Hơn nữa, chính tôi cũng không thích
mất mát. Vì vậy, tôi giả định rằng bạn cũng như tôi, và thế là toàn bộ
trò chơi cuộc đời sẽ là một chuỗi những bấp bênh: nay bạn thắng, mai bạn
thua. Nếu chúng ta chỉ cảm thấy tốt và hạnh phúc khi thắng thì chắc
chắn hạnh phúc đó sẽ không thể vững bền.
Nền
tảng của thái độ "cùng thắng" là lấy những trở ngại làm những bài học
cá nhân và sẵn sàng thay đổi ý kiến theo chiều hướng tích cực. Đây có
thể là nền tảng cho sự phát triển của óc sáng tạo. Nó còn có thể được
gọi là sự giao tiếp chân tình. Vậy, tư duy tích cực không phải là chối
bỏ sự tiêu cực hay chỉ chấp nhận nhìn thấy những mặt tốt đẹp, thuận lợi,
dễ chịu của cuộc sống. Vì như vậy chẳng khác nào nhắm mắt băng qua một
con đường nhiều xe cộ: thật nguy hiểm cho ta và mang tính phá hoại đối
với người khác. Tư duy tích cực dựa trên sự quan sát khách quan về thực
tại, nhưng không ở mãi trong thực tại đó: bạn đón nhận và biến nó thành
điều tốt, có lợi, hữu ích. Từ thực tại ấy, bạn tạo ra được điều gì đó,
nghĩa là bạn kiến tạo một thực tại của riêng bạn. Tư duy tích cực là
hưởng lấy những khoảnh khắc tốt đẹp nhất ở mức trọn vẹn và sáng tạo phù
hợp với từng thử thách gặp phải, là học cách chuyển chúng thành những cơ
hội. Nếu bạn có khả năng biến trở ngại thành điều hữu dụng cho cuộc
sống thì bạn sẽ thoát khỏi những trở ngại và rắc rối. Nếu bạn nhìn những
trở ngại, rắc rối theo góc độ những bài học do chúng mang lại, bằng một
thái độ quan tâm chân thành và khiêm tốn, một tâm trí rộng mở thì chúng
sẽ không còn là những trở ngại nữa mà sẽ trở thành những cơ hội lớn lao
trước sự ngạc nhiên của bạn. Có thể bạn sẽ thốt lên rằng: "Tôi sẽ tìm
thấy loại cơ hội nào trong hàng ngàn rắc rối mà tôi phải đối diện từng
ngày trong cuộc sống của mình?". Hãy yên tâm, những vấn đề rắc rối sẽ
mang đến cho bạn kinh nghiệm, chúng rèn luyện để bạn có những phẩm chất
hữu ích trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống như chí kiên nhẫn, lòng
quyết tâm, sự can đảm, tính bền bỉ v.v. Chúng làm bạn mạnh mẽ hơn, có
ích hơn và cuối cùng là hạnh phúc hơn. Có thể nói, tư duy tích cực là
một sự chuyển hướng đơn giản và có tính biến hóa từ việc xem cuộc đời
như một siêu thị lớn mà bạn có thể chọn những món đồ thành việc hiểu
cuộc đời giống một trường học cho sự trưởng thành của bản thân, một mảnh
đất màu mỡ để bạn bộc lộ một cách sáng tạo những tài năng của riêng
mình, của điều thiện ẩn chứa trong tim bạn.
Có
một câu hỏi khác trước khi chúng ta tiếp tục. Câu hỏi này không nằm
trong danh sách những điều để tôi hỏi các bạn, nhưng tôi nghĩ đó là một
câu hỏi hay: Liệu suy nghĩ một cách tích cực có khó không? Liệu có nên
luôn suy nghĩ theo tư duy tích cực khi cuộc sống có quá nhiều lý do xác
đáng để mà lo âu, chỉ trích, than phiền hay đổ lỗi? Thử thách thật sự
hay rắc rối chính là ở chỗ bạn phải nhớ thực hiện nó. Chỉ cần nhớ suy
nghĩ tích cực thì bạn sẽ có tư duy tích cực. Tôi thực lòng nghĩ rằng đây
là tất cả những gì tư duy tích cực bao hàm. Nếu bạn thử, ý tôi nói là
nếu bạn áp dụng nó, bạn sẽ thấy nó rất đơn giản và mang lại kết quả
nhanh và như ý muốn. Nó sẽ làm bạn hài lòng một cách sâu sắc, bạn sẽ cảm
thấy hạnh phúc hơn, sống hữu ích hơn và bạn cũng sẽ được đánh giá cao
hơn.
Ngày nay, hàng triệu người trên trái
đất này - từ mọi thành phần, màu da, văn hóa; sống trong đủ mọi hoàn
cảnh, từ nhà tù và bệnh viện đến các hộ gia đình; thuộc nhiều tầng lớp
khác nhau, người học nhiều hay học ít, giàu hay nghèo, trẻ em trong
trường học, sinh viên đại học, công nhân xí nghiệp, kỹ sư hay các nhà
quản lý trong văn phòng, người già ở nhà... - đều có thể áp dụng nó vì
lợi ích của chính họ. Vậy thì sao bạn lại không? Nó dễ hiểu, miễn phí và
giúp bạn có tất cả những gì cần để có thể thành công: chính bạn với bộ
óc đáng kinh ngạc, tâm trí rộng mở đang háo hức khám phá vẻ đẹp cuộc
sống, tấm lòng tốt lành và ước muốn xứng đáng được hạnh phúc của bạn.
Học
tư duy tích cực không rối rắm hơn học lái xe gắn máy, xe đạp hay đi bộ.
Ai cũng áp dụng được, ở mọi độ tuổi. Và nếu bạn vẫn còn nghĩ "Việc này
khó đấy!" thì giờ đây, hãy bỏ qua suy nghĩ đó và chuyển thành cách nghĩ
"Sao lại không nhỉ?". Đúng, sao lại không nhỉ! Và khi bạn đã nghĩ được
như thế thì sau đó bạn sẽ thấy rằng "Đúng thế, mình làm được. Mình học
được!". Cứ mạnh dạn áp dụng cho bản thân và cho cuộc sống của bạn.
Và bây giờ, các bạn có thể bắt đầu đọc quyển sách này.
FREDERIC LABARTHE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét