Chào các bạn!

Tất cả các quyển sách trực tuyến, chúng tôi đều có sẵn Ebook và Audio book. Nếu có nhu cầu mời các bạn vào đây để tải: Hướng dẫn cách tải links trên các host TẢI EBOOK- AUDIO BOOK TỪ A --> Z


Thất Nhân Tâm - Phần III - Chương 4

CÁC MẪU TÂM TÍNH THƯỜNG GẶP KHÓ NÓI CHUYỆN
    
 1- Có tính tình thuần túy không ? 

Sau khi đã đọc qua và bạn biết đại khái của 8 loại tính tình: Nhu nhược, Vô cảm, Đa huyết, Lâm ba, Thần kinh, Cảm tình, Nóng giận, Đam mê. Chắc bạn tự hỏi: Tại sao tôi thấy ở tôi cũng như ở nhiều người xung quanh có những đặc tính của nhiều loại tính kể trên, vậy ai là người thuần túy nhu nhược, thuần túy thần kinh hay thuần túy đam mê chăng?


Xin trả lời cách nghiêm trang với bạn là không ai có tính tình thuần túy như bạn và tôi xét trong các chương trên. Mỗi người đều có lẫn lộn ít nhiều đặc tính của các loại tính tình ấy tùy theo sự phân phối nhiều hay ít của ba yếu tố quan trọng cấu thành tính tình mà bạn đã biết khi đọc phần nhất của sách này. Ba yếu tố ấy bạn còn nhớ là:
- Cảm xúc tình (C)
- Hoạt động tình (H)
- Phản ứng: Trực phản hay Gián phản (T hay G)

Tuy không ai thuần túy thuộc một trong loại tính đã được phân chia theo Heyman Wiersma và đã được trường Groningue điều tra lập thành hệ thống khoa học, nhưng chắc chắn mỗi người đều có đại khái của một trong 8 loại tính tình ấy.

Khi nói vấn đề áp dụng khoa tính tình để nhận định tính tình của ai là nói vấn đề ước nhận, nghĩa là nhận phỏng ước một phần lớn đặc tính về một loại tính tình mà cá nhân nào đó mang trong mình. Không biết những thầy bói kiểu bói bài, bói mu rùa, giò già thì sao, chớ một nhà tính tình học nghiêm trang không bao giờ nói xác nhận theo kiểu toán học ai có đặc tính nào, thuộc loại tính tình nào, mà chỉ phỏng nhận đại cương các đặc tính ấy thôi. Tuy có sự dè dặt ấy, khoa tính tình học ngày nay đã làm cho người ta không tin tưởng về hiểu biết tâm tính con người. René Le Senne: “Ngày nay đã có tính tình học khách quan. Những tương quan và tiêu thức đã bắt đầu có đủ để thiết lập nền tảng thứ nhất cho những kiến thức bảo đảm. Nó giúp những nhà nghiên cứu khỏi bắt đầu xây dựng lại như khi chưa khám phá được gì hết và nó có thể đưa đến những áp dụng hữu ích miễn là sự áp dụng được điều khiển kỹ lưỡng tế nhị” (Traité de Cacractérologie - René Le Senne P.U.D.F trang 538). 

2) Vài mẫu người tính hỗn hợp. 

Trong thực tế không có tính tình thuần túy mà có những tính tình hỗn hợp, kết quả của sự phối hợp nhiều ít của các yếu tố: cảm xúc tính, hoạt động tính và phản ứng. Để giúp bạn áp dụng tính tình học trong các việc xã giao, giáo dục, dụng nhân, lãnh đạo, công tác, v.v... Tôi xin xét cùng bạn một vài mẫu người có tính hỗn hợp mà ta thường gặp trong xã hội.

Đọc qua các mẫu người dưới đây, bạn thấy mỗi người thuộc trong 8 loại tính tình của các loại tính tình khác. Nói đơn sơ họ là con người thực tế đang sống xung quanh tôi và bạn. 

1. Người chân thật - Chắc chắn không có người nào tuyệt đối chân thật trong bản tính người đâu. Ai cũng có lúc nói hay hành động không đúng sự thật khách quan.

Nhưng người chân thật mà tôi bàn cùng bạn ở đây là thứ người mà tự nhiên từ tâm tư, tướng điệu, hành vi ngôn từ của họ, bạn nhận thấy họ chân thật. Muốn nhận rõ chân tướng của họ xin xét mẫu người giả dối mà tôi giới thiệu cùng bạn đây. Với người giả dối, ngay khi họ không làm gì hết hoặc chưa nói lời gì cả, chỉ nhìn họ thôi bạn cũng khó đoán được họ ngay. Trái lại nơi người chân thật, bạn cảm thấy lòng thành của họ một cách dễ dàng bằng trực giác ngay vừa lúc bạn mới tiếp xúc với họ. Xin bạn hiểu kỹ cho ở đây tôi không nói thứ: “thật thà là cha dại” thứ thật thà ngơ ngác, ngu si, đần độn. Người chân thật được lòng mọi người là người có tấm lòng con trẻ cộng với khôn ngoan và đức độ. Mới nhìn họ, bạn thấy thích như khi nhìn một con trẻ chưa đến tuổi khôn, đồng thời bạn thấy kính nể sự hiểu biết của họ vì cái khôn ngoan của họ không phải là thứ xảo quyệt của người giả dối. Có hai thứ người chân thật: chân thật khả ái và khả kính. Thứ người tự nhiên thiên bẩm phú cho tính chân thật và thứ người nhờ tu tâm luyện tính mà chân thật. Phước cho ai gặp được những bằng hữu hay kết tóc xe tơ cùng người có tâm hồn chân thật. Giao tiếp với họ, gần gũi họ, sống chung với họ bạn thấy an lòng, cư xử khỏi ngại ngùng. Thích bạn họ nói thích, còn ghét bạn, họ nói không. Làm lỗi, họ dễ dàng nhận lỗi. Thuật lại cho bạn điều gì thì đúng như bạn nghe thấy. Một lời họ hứa bằng năm bảy “giấy giao kèo”. Họ là người rất quý ở thời đại chúng ta. 

2. Người giả dối - Có nhiều sự thật vì nhiều lý do quan trọng, không được nói trắng ra hay không được nói gì hết. Giấu sự thật ấy không phải là giả dối. Nhưng thứ người giả dối tôi nói đây là người có bụng dạ con rắn ngày xưa gạt gẫm bà Eva. Thứ người một bụng hai dạ. Lấy mưu sĩ làm khôn ngoan. Lấy lường gạt làm tế nhị. Lấy màu mè khách sáo, đón rào làm xã giao. Để bảo vệ quyền lợi nào đó như danh dự cá nhân, nồi gạo gia đình, hay công ích nào đó, họ toan tính toàn những mánh lới cáo già để đánh lừa kẻ khác. Tôi không nói những kỹ thuật ngụy trang hay những kiểu cách mà trong quân đội người ta dùng để thắng trận. Tôi chỉ muốn nói những kỹ thuật gian xảo có tính cách tiểu nhân của thứ người hoặc tự bản chất giả dối hoặc dần dần tập giả dối một cách vô tình hay hữu ý. Bạn không khó nhận ra họ lắm. Trong cặp mắt, nơi nụ cười ở những lời nói điệu bộ của họ có cái gì mà trực giác cho bạn biết là họ không thật với bạn. Muốn nói với bạn điều gì đó, họ rào trước đón sau. Họ mời bạn dùng bữa có nghĩa là họ nhắc bạn đã gần tới giờ ăn rồi hãy lo “cút đi” để họ ngồi bàn. Họ thân mật với bạn đến đỗi bạn tưởng họ là tri kỷ song sau lưng bạn, họ nói xấu bạn đủ điều. Họ bảo rằng họ chết sống với bạn, quý mến tài ba của bạn, song lúc tối lửa tắt đèn, bạn chạy đến họ và chỉ ra về với sự thất vọng. Thì họ, nước cùng là vậy đó. Bạn liệu mà cư xử với họ. 

3. Người tốt bụng - Bạn đừng hy vọng tôi giới thiệu cùng bạn người có tấm lòng vàng như mẹ ta đối với ta hoặc như một bà Xiếu mẫu nào đó. Ở thời này, tôi biết khi nghe mấy tiếng “người tốt bụng” bạn dễ nghi ngờ. Bạn có lý. Ngay cái người mà từ Đông sang Tây, từ cổ chí Kim đều được tin là có tấm lòng vàng như người mẹ, ngay thứ người ấy, cũng có kẻ lắm lúc chỉ yêu con trong lý thuyết thôi, nhất là khi ái tình hoặc tiền của ám ảnh họ. Còn bạn bè kiểu Bàng Quyên thì bạn gặp hoài. Đến chuyện anh em ruột chém giết nhau vì miếng ăn, vì lửa ái tình là chuyện cũng đã xảy ra mà: Nó đã khởi sự từ sự ganh tỵ giữa hai anh em Cam và Abêlê. Rồi bạn còn có lý hơn nữa khi xung quanh bạn, người tốt bụng còn hiếm hoi, bạn thấy sao thứ người thân mật bắt tay bạn để chuẩn bị lắt túi bạn, lạm dụng bạn, kẻ thù hại bạn nhiều khiến bạn lắm lúc nghĩ lại thời đã qua của mình mà ngao ngán. Đôi lúc bạn có cảm tưởng sau khi lìa khỏi tổ ấm gia đình cha mẹ, bạn phải lạc lõng trên đường đời. Chỉ còn bạn lo cho bạn mà thôi. Ai nấy gặp nhau tay bắt mặt mừng, vui cười phở lở chỉ vì xã giao, cầu lợi hay đóng kịch vì lý do nào đó, rồi mạnh ai lo số phận của mình. Nhiều khi thấy tiền bạc là cái hay bị chửi, là “phấn thổ”, trở thành thứ lý tưởng thực tế nhất. Nó làm con mồi đứng đầu sổ mọi mục đích của người đời. Người ta nhân danh việc đạo lý, văn hóa, chính trị, nghệ thuật, nhân nghĩa để hoạt động rồi rút cục chỉ thủ lợi một cách trực tiếp hay gián tiếp. Vì những lý do trên, ai giới thiệu cùng bạn người tốt bụng, bạn không nghi ngờ sao được nhỉ?

Song, nếu không bi quan tuyệt đối, ta còn tìm được một hạng người tuy ít mà thành thật tốt bụng. Ta thấy họ tốt tự nhiên có khi vì hoàn cảnh, vì nghề nghiệp hay vì thiếu thốn tiền bạc, họ thiếu phương tiện để tỏ lòng hy sinh, nhưng họ tốt. Giao thiệp với họ, bạn thấy họ chân thành quý mến bạn. Họ tôn trọng ý kiến bạn dù họ tài đức hơn bạn, có địa vị cao hơn bạn hoặc họ là cấp chỉ huy của bạn. Không bao giờ bạn thấy họ tự ý chỉ trích ai vắng mặt, nếu cần bàn lỗi lầm kẻ khác, họ nói thoáng qua bằng giọng bất đắc dĩ. Đối với bà con hay kẻ thuộc hạ, họ đối xử rộng rãi, không bủn xỉn, xéo xắt từ lời qua tiếng lại, từ miếng ăn, mạnh mặc. Việc gì bạn cần tới họ, có thể giúp được họ không để bạn dài lời năn nỉ. Lúc thi ân họ kín đáo. Thấy bạn lâm nguy, giúp bạn thoát nạn không được, họ khổ tâm lòng tràn đầy hối tiếc. Họ tốt với bạn mà xin bạn nhớ là không có hậu ý nào hết. Họ không muốn vì muốn lợi dụng thả con tép bắt con tôm, không vì dua nịnh, không vì muốn củng cố địa vị hay vì lý do thấp hèn nào mà ở đời tốt bụng với bạn. 

4. Người cục bột - Có lần nào bạn gặp một thứ người bự con, mập phều phều, da trắng tái, toàn thân thịt bệu gần như muốn nhểu xuống chưa? Mỗi lần bắt tay ai, họ đưa bàn tay mập mềm ra, bắt xuôi xị, dịu oặt như con cá khoai ươn. Đáng để ý nhất là tinh thần của họ. Họ tốt bụng, vui vẻ và hiền hậu, có kẻ rất thông minh nữa. Nhưng một trí năng kém cỏi nhất trong họ là ý chí. Trong con người có ba thành tố căn bản: Trí tuệ, Ý chí, Tình cảm. Họ có trí tuệ sáng suốt, tình cảm dồi dào. Song họ là người nhu nhược vì ý chí của họ yếu như bún thiu. Họ sống nặng nề về tình dục. Họ thông minh, làm lớn, song rất bạc nhược đối với vợ. Đi đường họ tỏ ra khép nép với vợ, lui cui xách đồ, xách bóp cho vợ. Nhiều bà vợ non trí được thứ chồng như vậy, khoái trá cho là có “phước” được chồng cưng vì lọt vào tay chồng tốt. Họ có biết đâu rằng chồng họ tốt với họ như vậy sẽ đem cái tốt ấy xử với bao nhiêu trường hợp mà cho đặng tương lai của chồng lẫn hạnh phúc của cả gia đình họ cần sự cứng rắn và cương quyết, vẫn biết làm việc gì vợ chồng phải thuận ý nhau, nhưng “người cục bột” tệ lậu ở chỗ không đủ năng lực tự quyết. Họ thụ động chấp nhận mọi mệnh lệnh của vợ. Vịn lý là yêu vợ, thuận vợ thuận chồng, để cho êm cửa êm nhà, họ làm như một thứ búp bê ngoan ngoãn trong tay bà vợ lúc nào cũng đeo họ như đĩa dói vì coi họ như con bò sữa. Vừa nanh nọc nắm giềng mối gia đình, các bà vợ vừa cư xử với chồng như một bạo chúa. Còn đối với ai khác, “người cục bột” thế nào? Tôi đã nói họ thông minh nên họ xét đoán sáng suốt, họ giàu tình cảm nên họ ăn ở mềm mỏng, dịu hiền, vui vẻ song tiếc có điều là họ không dứt khoát được điều gì hết. Có việc gì cần giải quyết, cần đương đầu, cần đấu mưu, đấu trí và chịu gian khổ thì xin bạn đừng chạy đến họ. Vì họ sẽ không giúp bạn điều gì. 

5. Người phản đối - Tôi không mời bạn tìm hiểu người mưu trí cao, giàu thiện chí, đủ can đảm, khi thấy bạn nói điều gì xét không đúng họ phản đối để làm sáng tỏ sự thật. Tôi cũng không giới thiệu cho bạn người phản đối ta vì thù nghịch ta. “Người phản đối” tôi muốn bạn hiểu rõ đây là người có thể thông minh hoặc trí lực tầm thường nhưng trong bụng không gì thù nghịch bạn cả, mà hễ bạn nói quả quyết điều gì thì họ bẻ lại. Bạn nói cam này ngọt, họ bảo không mấy gì ngọt. Bạn nói thuốc này hút ngon, họ bảo dở. Họ cãi với bạn như vậy bạn đừng tưởng họ ghét bạn, họ biết rõ điều họ nói hay có ý phá hoại bạn? Không, họ rất vô tư đối với bạn. Họ không biết chắc cam bạn nói ngọt hay là chua, thuốc bạn nói ngon hay là dở.

Họ không biết gì hết, mà bị nói ngược lại, thì nói vậy. Phản đối rồi thôi. Bạn cương quyết thì họ nghe theo. Gặp người như vậy bạn đừng dài hơi cãi lý, cũng đừng giận, đừng nghi kỵ và đừng bỏ ý định của bạn. Họ phản đối rồi ủng hộ bạn. 

6. Người xạo - Thú thật với bạn tôi không giải thích được cùng bạn cái gọi là “xạo” của con người xạo mà tôi bàn với bạn đây. Gặp họ, bạn thấy họ thân với bạn hồi nào không biết. Họ nói chuyện như đã từng gặp gỡ bạn đâu mấy kiếp. Họ cười, họ nói tía lia. Họ lăng xăng mời bạn ăn, mời bạn uống. Họ vỗ vai bạn. Họ nhìn bạn bằng cặp mắt thân thiết, có khi đến âu yếm nữa. Họ hỏi thăm bạn đủ thứ chuyện. Họ ừ. Họ gật đầu. Họ nhăn mặt. Họ nheo mắt. Họ ca tụng bạn. Họ vuốt đuôi câu nói của bạn. Họ chạy lung tung, lấy cái này, chỉ cho bạn coi, lấy cái kia, mời bạn dùng. Họ tán thành ý kiến của bạn, đồng ý khi bạn đề nghị. Mới gặp họ, người non nớt bảo rằng họ tốt, họ vui vẻ. Có điều bất tiện là gặp ai họ cũng đối xử như vậy. Không có cái gì họ hứa mà chắc. Họ mới cam đoan với bạn một việc như đinh đóng cột chiều hôm qua, sáng nay họ đính chính rằng không được. Bản chất con người họ nông cạn, láu cá, và đối đãi luôn như vậy với hết người này đến người khác. 

7. Người thua miếng trả miếng - Mỗi người là một nhân vị. Ai trong chúng ta cũng có danh dự của mình. Ta phải ý thức giá trị của ta không làm điều gì bôi nhọ phẩm cách con người và cũng không chịu để ai chà đạp danh giá của mình. Tuy tự trọng như vậy mà ta không mắc bệnh tự ái, nghĩa là ta không nhỏ mọn ăn thua với bất cứ ai làm ta phật lòng. Càng lăn lóc với đời, ta càng biết trong xã hội nhiều người phán đoán vụn vặt, già hàm, kém lịch sự, thiển cận, mù quáng vì tư lợi, chạm tự ái ta là thường. Ta tự trọng mà vẫn mỉm cười không để lòng mình nao núng vì tật xấu của họ. Ta nhạy cảm quá, dễ giận quá là ta yếu đuối non nớt, bị họ chi phối và tỏ ra tiểu nhân như họ. Họ là nạn nhân của đủ thứ quái tính: Ta thương hại họ mà không chấp nhất họ. Thưa bạn, người “ăn miếng trả miếng” không hành động theo lối trên. Họ thông minh xét từng li từng tí lời kẻ khác. Họ phân tích coi ý nào bác họ, ý nào làm họ thua mưu thua trí, Họ tìm lời “đá” lại cho thắng thế. Muốn nói điều gì, họ rào trước đón sau, nói xa nói gần. Nhiều câu chuyện đáng lẽ cho thoáng qua, họ chận lại, cãi lý cho hơn. Ai nói điều gì họ thấy tấn công liền không được, họ để ý vài phút sau hay một hai bữa nữa, có dịp họ sẽ “gỡ” lại. Tại sao họ tỉ mỉ so hơn tính thiệt, thua miếng trả miếng như vậy? Tại họ thông minh biết rõ ai hơn thua mình song họ chưa già giặn về tâm tính. Họ hiểu lầm tính lì lợm với tính già giặn. Họ tưởng rằng mình phải bảo thủ danh dự theo nghĩa câu: “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục”. Nên họ nhất định không nhượng bộ ai hết. Họ không dè tâm tính già giặn đúng tinh thần của “Lão Tử” là lý tưởng của con người. Nó làm cho người không nao núng trước lời khen của kẻ không biết rõ chân giá trị của mình. Nó khiến ta tự biết ta, ta sống cuộc đời độc lập, dung thứ cho kẻ xét đoán cạn hẹp làm cho đời mình ngày một phong phú kinh nghiệm. Người thua miếng trả miếng lẫn lộn hai thứ tinh thần ấy nên cứ lo ăn thua. Thành ra bạn thấy tâm hồn họ luôn náo động, đời họ mệt mỏi vì những sự so hơn tính thiệt. Họ tưởng xử sự như vậy là sành đời mà họ không dè cái khôn của họ là cái khôn “tiêu hành tỏi nghệ” và tất cả các cái khôn “tôm tép” của họ làm cho họ trở thành con người nhỏ mọn và thiển cận với lòng tự ái hiểu theo nghĩa là cái tật ích kỷ đáng ghét. 

8. Người soi mói - Gặp họ là bạn gặp tất cả sự thấp hèn bẩn thỉu của con người vô giáo dục. Họ nhìn bạn bằng cặp mắt gian xảo, tò mò. Nhìn chung quanh toàn thể con người của họ, bạn thấy hình ảnh con người mật thám xâm nhập đời tư của bạn. Họ khéo léo chất vấn bạn, về bạn, về người bạn quen biết, thân yêu. Lắm lúc họ không còn tế nhị mà trắng trợn xoi mói bằng ngọn lưỡi ác độc. Họ đưa những câu hỏi thúc đẩy bạn nói xấu kẻ khác. Ghê tởm là họ tỏ ra ra khoái thích khi biết được tội lỗi của người khác. Lúc giao tiếp với bạn, họ vô tình vạch lưng cho bạn thấy họ là một “hạ nhân” nhơ nhớp. Họ mềm mỏng ngọt dịu, kiểu chồn già để dụ dỗ bạn mạc khải cho họ những bí mật của bạn. Họ không ngần ngại dua nịnh, láo xược hay tỏ ra quỳ mọp bạn, chỉ vì muốn biết rõ ruột gan của bạn. Đang nói chuyện với bạn mà có ai ngồi gần bạn, nói gì lạ, họ lóng tai nghe. Họ liếc liếc coi ai đi ngoài cửa sổ, ai bên kia bức màn. Đối diện bàn chuyện với bạn họ láo liên, đưa mắt nhìn nhà cửa, phòng ăn, buồng ngủ của bạn, nhất là họ dạo mắt trên bàn viết của bạn trong những ngăn kéo của bạn. Đứng trước mặt bạn, vừa nghe bạn, họ liếc coi trong túi áo bạn để gì, giày bạn mang thuộc loại quý không, đồng hồ của bạn hiệu gì. Nếu tiện, họ sẽ sung sướng lật những bức thư riêng tư của bạn để đọc.

Khi người soi mói đã “thiện nghệ” trong quái tật của mình, họ không hỏi bạn sống sượng. Mà họ có thái độ vô tư. Họ cật vấn gián tiếp. Họ giả vờ bộc bạch tâm tư, than thân tiếc phận với bạn làm cho bạn thương hại họ. Khi bạn thành thật với họ rồi, thì họ bủa lưới bạn bằng đủ thứ các câu hỏi khéo léo. Lúc bạn ký thác khổ tâm của bạn cho họ, họ vui mừng vì có kẻ khổ hơn họ hay khổ như họ.

Có khi họ dùng chiến thuật làm thinh trong câu chuyện để chăm chú nghe bạn. Vô ý một chút, bạn tự nộp cho nanh vuốt tò mò của họ. 

9. Người hư - Trong xã hội, quan sát nhiều tầng lớp dân chúng làm gì bạn cũng sẽ gặp thứ người mà tôi gọi là “người hư”. Họ đáng kiếp. Đặc tính thứ nhất của họ là không coi ra gì hết lương tâm, cang thường, đạo lý, nhân nghĩa. Họ lịch sự, ăn nói tử tế với bạn chỉ để lạm dụng bạn, khiến bạn thành cái “cần câu cơm” cho họ. Nếu bạn không biết và nếu lọt được mắt pháp luật thì họ không ngần ngại từ một tội ác nào cả. Họ gian lận, tà dâm, láo xược, nói xấu, dua nịnh. Bạn đừng mong cải hóa được họ bằng lời khuyên nhủ, chỉ dạy, hăm dọa hay bằng hình phạt. Họ nể hình phạt một chút, chỉ tại nó ngăn trở tự do sinh sống của họ thôi. Sống chung với họ, bạn bỏ quên cái gì vừa tay thì họ bỏ túi. Tiền bạc gian lận với bạn được chừng nào thì họ không nới tay chút gì cả. Nguyên nhân chính yếu khiến họ có những hành động như vậy là trong lương tâm họ đã chai lì, đã hư đốn. Đời sống siêu đẳng của tinh thần trong họ đã cằn cỗi. Gần gũi họ, biết rõ họ, bạn sợ họ và không còn biết nói gì về họ. 

10. Người đứng đắn - Giữa một hoàn cảnh mà từ mai đến tối bạn gặp người gian xảo, già hàm, dua nịnh, láo xược, đến người xạo, người mê dâm, người dạy đời, người lưu manh, mà gặp được người đứng đắn thì không khác gì giữa trưa hè mà gặp cam vũ. Con người họ phát lộ ra luồng nhân điện gây ảnh hưởng mạnh đối với bất cứ ai gặp họ. Trước mặt bạn, họ ngó ngay vào mặt bạn để nói. Trên người bạn có gì khó coi, họ ngó lệch đi. Mặt họ khi nghiêm trang, khi mỉm cười, mà luôn nói lên họ là con người quang minh chính đại. Lời nói của họ thốt ra đều gói tư tưởng, suy nghĩ chín muồi và được trình bày rõ rệt. Cặp mắt của họ có thần và lời của họ chứa chất lửa thiêng, nên làm cho người đối thoại thu nhận ảnh hưởng. Mỗi lần được họ hứa, bạn yên tâm vì họ là người “ăn một đọi nói một lời”. Có vấn đề gì thắc mắc, chạy đến họ, bạn được họ bàn giải phân mình, xuyên qua các lời của họ, bạn thấy họ là người vừa có óc phân tích, vừa có óc tổng hợp. Họ không nhìn vấn đề ở một vài khía cạnh và họ là người mưu lược. Trong gia đình cũng như trong bất cứ cộng đồng nào, họ là người trong lúc nguy ngập đứng mũi chịu sào. Giao tiếp với người khác phái, dù là người thân, họ luôn cư xử dè dặt, cao nhã. Làm ăn với họ, họ sòng phẳng về tiền bạc. Thụ ân ai, họ biết phải quấy với người thi ân. Là thuộc hạ, họ không dua nịnh mà không kiêu hãnh. Làm lớn, họ công bình, không hách dịch với kẻ dưới cũng không quỳ mọp với thượng cấp. Đừng mong mua chuộc họ bằng tặng phẩm hay tiền bạc. Khi cần nói chân lý, họ cứ nói mà không sợ mích lòng. Họ là người mà càng giao thiệp ta càng kính phục họ hơn và con người của ta khôn lớn hơn. 

11. Người “ngó không khỏi lỗ mũi” - Thường họ là người lùn. Nếu là người cao lớn thì cao kiểu cây sung, cây ngái. Mập mạp. Da trắng như sữa. Có kẻ học cao đỗ những cấp bằng đại học. Vui vẻ. Dễ giao thiệp, lanh lợi, không phải họ dại mà cái khôn của họ là cái khôn thiển cận. Họ nhìn cục bộ mà không thấy toàn bộ. Họ chỉ biết chiến thuật mà không nắm chiến lược. Trước vấn đề họ chỉ xét vài khía cạnh rồi khoái trá với những giải quyết nông cạn. Trong cuộc giao thiệp, họ lo ăn thua từ lời ăn tiếng nói. Nếu là phụ nữ, họ lo lấn lướt chị em bạn ở chỗ mặc áo dài quý này, dùng cái bóp, chiếc dây tay cao tiền nọ. Nếu là đàn ông, họ có tính đàn bà. Họ nói chuyện con sâu, con mọt. Nhiều việc đáng lẽ họ cho thông qua để thành công việc lớn, họ đặt thành quan trọng rồi rối trí, rồi bàn tán, rồi náo động. Khi cộng tác với ai để thực hiện một chương trình nào, họ bị ám ảnh bởi cái lợi một phân mà đánh rơi cái lợi một dặm. Đời họ đấu tranh nhiều mà chỉ thành công lẻ tẻ về chiến thuật.

Nếu khi gom các thành công ấy lại, người ta thấy họ thất bại to về chiến lược. Người ta gọi họ là người “ngó không khỏi lỗ mũi”. 

3) Nguyên tắc phỏng nhận tính tình. 

Đọc qua một số mẫu người trên, bạn thấy tâm tính con người thật phức tạp. Mà làm sao khi giao tiếp trong xã hội, ta nhận ai thuộc loại tính tình nào, ai thuộc về thứ người nào. Dưới đây là mấy nguyên tắc căn bản để ta phỏng nhận tính tình. Tôi nói “phỏng nhận” mà không nói “xác nhận” để dè dặt xin đề phòng sự phức tạp của cách cấu thành tính tình. Người ta phải già kinh nghiệm lắm mới khỏi kết luận vội vàng dựa trên những nhận, xét về các loại tính tình. René Le Senne nói: “Trong lãnh vực này, chỉ quen thuộc và kinh nghiệm mới có thể kết luận chính đáng”. 

a) Nguyên tắc dựa vào các yếu tố Cảm xúc, Hoạt động, Phản ứng - Áp dụng nguyên tắc này hiểu ngầm là bạn thuộc nằm lòng công thức về tính tình mà ta đã xét trong những chương trên. Bạn quan sát người khách, coi trong lời nói, việc làm, cử chỉ của họ cho bạn biết họ có yếu tố nào trội hơn hết trong các yếu tố. Nếu một người mà yếu tố cảm xúc phong phú, yếu tố hoạt động kém và phản ứng của người đó là trực phản thì bạn biết ngay họ là người thần kinh (C.B.T). Nếu một người mà yếu tố cảm xúc phong phú cũng như yếu tố hoạt động và phản ứng của họ là người nóng giận (C.H.T). Khi đã biết họ thuộc loại tính tình nào rồi thì bạn dựa vào các chỉ dẫn, về đặc tính của các loại tính tình trong sách này để phỏng nhận tâm tính của họ. 

b) Nguyên tắc dựa vào các yếu tố: Trí tuệ, Ý chí, Cảm tình. Tâm lý học cho bạn biết tâm lý con người cấu thành bởi ba yếu tố gốc rễ là: Trí tuệ, Ý chí và Cảm tình. Tiếp xúc trực tiếp với ai, bạn để ý coi trong họ yếu tố nào vượt hơn yếu tố nào. Coi yếu tố nào kém quá, yếu tố nào phong phú quá.

Nếu trí tuệ dồi dào thì họ thông minh, phán đoán sâu sắc. Vừa có óc phân tích vừa có óc tổng hợp. Nếu ý chí dồi dào thì họ cương quyết biểu lộ cương tính trong lời nói, việc làm, cử chỉ.

Nếu cảm tình dồi dào thì họ nồng nhiệt, giao tiếp dễ gây ảnh hưởng và tạo thiện cảm.

Trong thực tế ít khi bạn gặp người phong phú cả ba yếu tố. Nếu có đó là thượng nhân. Đầu óc họ đầy mưu lược. Ý chí của họ như sắt như thép. Trong xã giao, nhờ cảm tình soi sáng bởi trí tuệ, điều khiển bởi ý chí, họ đắc nhân tâm.

Cũng trong thực tế, người ta hay gặp người mà các yếu tố trên không đồng đều. Người thì quá giàu trí tuệ, so hơn tính thiệt, giàu mưu lược, đỗ đạt cao mà vì kém ý chí nên không quyết định dứt khoát, ngại khó trước các trở lực, nghèo óc thực hành thành ra khi thuyết thì giỏi mà chẳng làm nên trò trống gì. Người khác ý chí phong phú, tính tình cương nghị, ham hoạt động, không sợ gian lao mà chỉ tiếc đầu óc ngu đần nên cứ làm bậy và vì kém cảm tình nên xã giao vụng về, đi đến đâu ai cũng ghét.

Có kẻ cảm tình dồi dào, tính tình dễ thương mà vì non ý chí nên làm việc không kiên tâm, gặp khó khăn bỏ ý định, nhất là thiếu trí tuệ nên làm gì không suy nghĩ trước sau, không cân đo lợi hại, thành ra đời họ dệt toàn thất bại.

Đấy, trong thực tế, bạn hay gặp những mẫu người như vậy, bạn liệu áp dụng các nguyên tắc trên mà nhận ra họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét