MUỐN THUYẾT PHỤC KHI NÓI CHUYỆN PHẢI “TRI KỶ TRI BỈ”
I. Khoa “tính tình học” giúp được gì về tri kỷ tri bỉ?
Bao giờ chúng ta cũng sống với xã hội. Xã hội thân mật nhất là gia đình. Xã hội chung quanh đó là đồng bào, là các bằng hữu, ở học đường, trong nghề nghiệp hay trong những tổ chức hợp tác hoặc sống chung.
a) Làm sao hiểu được tâm tính của một nhân vật lịch sử? Ta đọc lại những gì họ viết như nhật ký thư từ, văn thi phẩm của họ. Ta nghe những ai biết họ nói về họ. Ta đọc những văn kiện hồ sơ xử lý có liên quan đến họ. Các công việc của họ cũng được ta nghiên cứu. Ngần ấy tài liệu, mỗi cái giúp ta một chút dựng lại cơ cấu tâm tính của nhân vật lịch sử mà ta muốn tìm hiểu. Nghiên cứu tâm tính người quá cố theo phương pháp của “tính tình học”, bạn thấy phần nhiều những hành vi của họ cắt nghĩa một cách hợp lý tâm tính của họ. Người có tính tình như thế này phải ăn nói như thế ấy chớ không thể khác được. Voltaire không thể viết văn như Jean Jacques Rousseau. Napôlêông không thể hành động như Louis XV. Một trong những yếu tố gây uy tín cho khoa “tính tình học” là nó dựng lại tâm tính một người do sự mạc khải của các tài liệu về người ấy.
b) Nhiều người chỉ nghĩ lý tưởng ở đời là làm giàu hay trở thành người thông thái để có tước vị cao. Họ quên điều tối hệ này là chọn một chí hướng đặc biệt hợp với những khả năng và sở thích của họ. Chí hướng ấy đi theo sát cuộc đời một người và qui định giá trị của người ấy. Chí hướng chỉ được thành công tùy tính tình có hợp với nó chăng. Một người hướng ngoại mà chọn một nghề ít hoạt động, chôn thân nơi bàn giấy thì cuộc đời của họ làm sao rực rỡ được. René Le Senne nói thật chí lý: “Người ta làm hư chí hướng, nó là hôn nhân của con người và giá trị, hoặc người ta muốn làm điều không làm được hoặc tại vì người ta không muốn làm điều có thể làm được”. Biết bao nhiêu người khi cao tuổi thấy đời mình hư hỏng tại không biết rõ khả năng của mình mà cứ chọn một nghề vì thấy kẻ khác làm nghề ấy thành công. Trong những cuốn tự truyện, nhiều danh nhân hay than thở rằng đã lỡ làm việc này việc nọ mà thấy bất lực nên bỏ dở dang. Sao họ không nhờ khoa “tính tình” cho họ biết loại tính tình nào thành công trong nghề nghiệp nào.
c) Nhà giáo dục chịu trách nhiệm hướng dẫn đến lương tâm hay hướng nghiệp cũng không thể không nhờ khoa tính tình học. Giáo dục con nít cũng như hướng dẫn một người trưởng thành vào một nghề, tiên khởi nhà giáo dục phải biết tâm tính kẻ ấy. Họ phải ý thức rằng họ chịu trách nhiệm một phần nào về sự thành bại của kẻ thụ giáo, sau này trên đường đời. Tiếc thay, nhiều nhà giáo dục ngày nay chỉ biết cung cấp kiến thức mà bất cần kẻ thụ huấn thu nhập được hay không. Kết quả là học sinh, sinh viên ngày nay đa số văn hóa cao mà đành một mình chọn một nghề nghiệp. Họ lăn mình vào may rủi. Mà chọn chí hướng, rủi một lần biết chừng nào gặp may.
d) Nếu bạn phải cải huấn những trẻ phạm pháp hay bạn phải xử những tội nhân trẻ tuổi, bạn nhờ môn học nào để thi hành chu đáo bổn phận của mình? Chắc chắn phải dùng “tính tình học”. Quan tòa phải biết tại sao một đứa trẻ nào đó nhúng tay vào thứ tội ác đó. Phần nhiều, trẻ phạm pháp được tòa án gởi về một tổ chức cải huấn. Nhà giáo dục phải tìm hiểu mỗi trẻ ấy tâm tính thế nào, tâm tính của nó liên quan làm sao với tội lỗi của nó? Xét coi hoàn cảnh làm cho nó phạm luật hay tại tính tình của nó? Thí dụ một trẻ phạm luật công bằng. Quan tòa cũng như nhà giáo dục phải biết nó ăn trộm, ăn cắp vì nghèo túng hay vì quá tham lam hoặc lười biếng không muốn làm ăn lương thiện.
e) Nếu bạn là một nhà thần kinh bệnh học, thì bạn cần khoa tính tình hơn ai hết vì xét cho kỹ phạm vi hoạt động của khoa tính tình học rộng hơn thần kinh bệnh học. Khoa sau này chỉ nghiên cứu những bệnh nhân, còn khoa tính tình học nghiên cứu chẳng những người bệnh mà các người lành mạnh nữa. Biết vậy, bạn có thể nhờ khoa tính tình để trước hết biết thân chủ của bạn thuộc loại tính nào, rồi đối chiếu các hành vi của họ lúc mạnh khỏe với các việc họ làm lúc đau bệnh để xác định bệnh trạng của họ và cách điều trị họ.
f) Cũng nhờ “tính tình học”, người ta định đoạt về hôn nhân. Đôi trai gái muốn lập gia đình đứng đắn và hạnh phúc tất nhiên lựa chọn tính tình thuận hợp nhau được, nếu không biết những luật sơ đẳng của khoa tính tình...Còn chọn bạn, chọn người cộng tác, chọn thuộc hạ để giao việc. Làm sao biết tâm tính của họ để ta khỏi lầm mà chọn những người xấu và bất tài?
g) Người ta cũng có thể đánh giá một chế độ chính trị, biết được tương lai của nó hay tìm ra các nguyên nhân của một triều đại, một phong trào chính trị nhờ cách nghiên cứu những nhà lãnh đạo bằng “tính tình học”. Đó là chưa nói sự giúp ích của khoa ấy áp dụng trong việc tìm hiểu tâm lý đoàn thể, quần chúng trí thức hoặc bình dân và tìm hiểu tâm lý từng dân tộc. Một lãnh tụ thuộc giống người La Tinh, một giống người Nhật Nhĩ Man bàn chuyện với một lãnh tụ Á Đông về một vấn đề nào, rất dễ có những quyết định khác nhau, cách nhìn vấn đề khác nhau. Rồi ngay khi đồng quan điểm với nhau, người ta có thể khác về thái độ đồng tình nữa. Người đồng ý cương quyết cứng rắn, người đồng ý mà hóm hĩnh, người đồng ý mà đổi ý chừng nào cũng được.
Tóm lại, nhờ những bằng chứng trên, ta nhìn nhận ở “tính tình học” vai trò không nhỏ và là phương tiện giúp ta tri kỷ và tri bỉ...
II. Tại sao phải tri kỷ và tri bỉ.
a) “Biết người biết ta” để sống đúng lý tưởng con người. Khoa tính tình giúp ta nhận ra vai trò của sinh lý và tinh thần trong sự cấu thành tâm tính. Tính tình phát triển trên cơ sở vật chất là thân thể. Nếu bất kể ánh sáng chỉ dẫn của lý trí hay nghị lực điều khiển của ý chí thì con người sống toàn bản năng. Mà như vậy con người không khác gì cầm thú, chỉ biết ăn uống, ghép đôi, bài tiết... Nhờ tính tình học, ta am hiểu tâm tình của ta và của kẻ khác để nhận thấy rằng cá nhân của ta và tha nhân lập thành cộng đồng mà lý tưởng số một phải theo là sống đúng lý tưởng con người. Tuy mỗi tâm tính có phần xấu, nhưng xét chung, tâm tính nào cũng có ưu điểm và có thể giúp con người hướng thượng. Vả lại, cái mà mọi tâm tính phải chiếm đoạt là cái: Chân - Thiện - Mỹ. Tức là mọi tính đều trở thành tốt.
Mà cho đặng vậy nó phải được đào tạo theo ảnh hưởng của lý trí và ý chí. Một khi tâm tính được huấn luyện theo ảnh hưởng của hai trí năng này, thì con người tỏ ra là những hữu thể siêu đẳng trên các loài thụ tạo. Và đó là chân giá trị của con người.
b) Biết người biết ta để xử thế đắc nhân tâm. Nhiều người vợ tính hướng ngoại, ưa hoạt động xã hội, nói nhiều, không thích những việc yên tịnh. Thường họ gặp chị em bạn than thở là có chồng vô phước. Hỏi ra mới biết ông chồng tính hướng nội, ít nói, ưa sống cô độc. Tại sao họ lập gia đình với nhau mà không tìm hiểu tâm tính của nhau trước. Đôi bạn là ăn đời ở kiếp chớ phải là “ăn xổi ở thì” đâu mà không dò cho tận ngọn nguồn trước khi trao thân gởi phận cho nhau...
Rồi người có đôi bạn cũng như độc thân, hàng ngày phải giao tiếp với đủ thứ hạng người. Vấn đề xử thế là vấn đề muôn thưở. Ngày nào trên mặt đất này còn hai người thôi, ngày ấy vẫn còn đặt vấn đề người xử với người cách nào cho “đắc nhân tâm”. Mà nếu muốn kẻ xung quanh mến ta, ta phải biết tính tình của họ để cư xử không đụng chạm họ. Tiếp xúc với người “hướng nội” mà ta nói nhiều quá, họ có thích không? Cộng tác viên của ta là người “hướng ngoại”, ta thì ưa những nơi yên tĩnh, họ sớm muộn cũng chia tay với ta là phải. Rồi cho đặng mua lòng kẻ khác, ta phải biết tính ta nữa. Tính ta thuộc loại thần kinh, ưa náo động mà ta bắt một ai đó sống chung với ta có tính nhu nhược cũng phải bay nhảy như ta, họ làm sao thích ta? Cái tật của nhiều người hay làm phật lòng kẻ khác và ưa bắt thiên hạ sống giống tính ý mình. Nhiều vợ chồng coi nhau như trâu trắng trâu đen cũng vì quái tật đó. Mà làm sao đổi tính này thành tính kia được. Muốn xử thế êm thuận người ta phải chấp thuận thứ tính tình nào đó của kẻ khác rồi nhẫn nhịn chiều chuộng lẫn nhau.
III. Luyện tâm tính là việc của kiên chí.
Đọc tới đây bạn nhận việc “biết người biết ta” cũng như việc luyện tính là cần và bạn hy vọng tới chỉ một bí quyết nào để bạn thành công mau mắn. Tôi xin chân thành nói ngay cùng bạn rằng: Các công việc ấy là việc của ý chí dẻo dai.
Muốn nhận định được ai là người thần kinh ai là người đam mê ta phải có kinh nghiệm già giặn về khoa tính tình. Ta phải áp dụng hết các phương pháp chỉ trong sách này. Đồng thời tự mình vừa phân tích vừa tổng hợp rồi quyết đoán dè dặt, vô tư.
Còn luyện tâm tính? Thưa bạn, ai là người dám cho là việc dễ, việc một sớm một chiều. Các thánh nhân đã thi hành nó có khi đến xuống mồ mà vẫn chưa đi đến đâu. Nói vậy không phải bi quan cho rằng người tự bản chất hư đốn. Nói vậy chỉ là ý thức về sức hướng hạ trọng mỗi người đều đáng lưu ý. Tuy người nào cũng muốn sống đúng nhân phẩm, muốn thành người tính tốt song bản năng xấu cứ xô đẩy làm bậy. Rồi những hoàn cảnh bạn bè, nghề nghiệp xấu cũng có quyến rũ con người sống ác. Ngay Đức Giêsu mà trong giờ hấp hối, bản năng xấu cũng làm cho Người cảm thấy việc tử nạn, cứu thế quá nặng nề. Người phải nỗ lực mới chiến thắng được sự cám dỗ ấy. Nỗ lực! Phải, hành vi quan yếu ấy của ý chí là bí quyết không có không được của bất cứ ai muốn thành “NGƯỜI TÍNH TỐT”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét