Chào các bạn!

Tất cả các quyển sách trực tuyến, chúng tôi đều có sẵn Ebook và Audio book. Nếu có nhu cầu mời các bạn vào đây để tải: Hướng dẫn cách tải links trên các host TẢI EBOOK- AUDIO BOOK TỪ A --> Z


Thất Nhân Tâm - Hoàng Xuân Việt

 Trong thực tế của xử thế hằng ngày cũng như giao tế doanh nghiệp, chúng ta nhiều khi phải nói và ứng xử thất nhân tâm hơn là đắc nhân tâm. Nói cách khác là chúng ta chọc thiên hạ ghét nhiều hơn là chúng ta làm cho kẻ khác quý mến ta. Tại sao kẻ khác dễ ghét ta hơn là dễ thương ta?
LÝ DO THỨ NHẤT: Cứ thông thường thì sự xa lạ, sự quen thân ít, sự lãnh đạm tạo môi trường thuận tiện cho sự nghi ngờ, sự đề phòng và cũng dọn đường cho sự phủ nhận, sự tấn công. Trong đời sống xã hội, các sự kiện kể trên là tình trạng tâm lý xảy ra Đông Tây kim cổ. Người khác đối với ta như vậy mà ta đối với người khác cũng như vậy. Tiếp xúc với một người lạ hay chỉ quen biết sơ sơ thôi và nếu họ ăn nói, cư xử lãnh đạm với ta, thì ta tiếp xúc với thế thủ. Ta dè dặt lời nói.

Ta quyết định cẩn thận. Nếu họ có tướng diện xấu, ăn nói vụng về, ăn mặc khiếm nhã, xét đoán chủ quan, hồ đồ, có cái nhìn soi mói, v.v... Thì ta khó có thiện cảm với họ và rất có thể ta ghét họ nữa. Mà họ đã gây ác cảm với ta như vậy rồi thì còn mong gì họ nói ta nghe, còn mong gì họ yêu cầu ta cái gì mà ta giúp. Rồi còn lâu mới làm ta giao du với họ hoặc hợp tác công việc gì với họ. Giữa ta và họ coi như “rút cầu”.

Họ đối xử với ta như vậy, ta ghét họ. Hoặc ngược lại họ cũng ghét ta. Đó là tâm lý tự nhiên phần đông loài người. Đây là vấn đề bẩm phú, trừ một số nhỏ có “bẩm phú” ngược lại. 

LÝ DO THỨ HAI: Ta dễ thất nhân tâm bởi vì ta tự nhiên có khuynh hướng bày tỏ con người của ta một cách chủ quan. Ta thích suy nghĩ phán đoán như vầy. Ta thích phát biểu thế kia. Ta thích nhìn mà ngó ngang liếc dọc. Ta thích cười giòn, cười pháo nổ, cười như một loài chim rừng gáy, hay cười khú khú. Ta thích ăn mà ngốn. Ta thích nhai đồ ăn gây ồn ào. Ta thích húp canh có âm thanh sao đó. Chính cái “thích” ấy của ta làm cho kẻ khác không thích ta. Mà như vậy là ta thất nhân tâm. 

LÝ DO THỨ BA: Đó là chưa nói có vô số trường hợp mà nếu muốn đừng làm cho kẻ khác ghét ta, đừng làm cho kẻ khác thù oán ta thì ta phải tự kiềm chế, tự giới hạn dữ dội lắm để ta đừng nói năng xúc phạm kẻ khác, đừng cư xử hồ đồ, suồng sã, đừng hỏi những câu tỏ ra tò mò đời tư của họ, thông tin đầu này đầu nọ ghét họ (họ ghét luôn tới ta). Biết bao trường hợp giao tế mà ta kém tế nhị, kém kín đáo lỡ hố một hai lời nói là ta bị kẻ khác ngờ vực hoặc có ác cảm với ta ngay. 

LÝ DO THỨ BỐN: Ai trong chúng ta cũng quen mang trong mình một ông “Thần” chuyên môn chọc cho kẻ khác ghét ta cực độ, ông thần ấy có tên là “Tự Ái”. Nơi bất cứ ai, nhất là nơi kẻ bình dân, ít học, kém luyện tâm trí, đặc biệt là nơi kẻ thuộc hạ của ta, “ông thần Tự Ái” là một cái gì đáng kinh khủng. Kể cả nơi bực tu hành bề ngoài ra vẻ đạo đức đạo mạo mà nếu bề trong không thực thánh thiện, thì họ cũng bị “ông thần Tự Ái” xơi tái như ăn gỏi. Nghĩa là sao? Thưa, nghĩa là ai nói xúc phạm họ, có cử chỉ gì va chạm quyền lợi hay danh dự của họ, thì mặt họ hoặc đỏ bừng lên như gấc hoặc tái mét đi như chàm đổ, rồi họ nhăn mặt nhíu mày chầm vầm quạu quọ, la hét chửi mắng trả đũa. Ông thần Tự Ái tạm thời biến họ thành một thứ điên trong cơn lôi đình. Ai khác hay nếu ta nô lệ thần Tự Ái như vậy thì còn gì nữa mà không thất nhân tâm.

2) Như đã nói ở trên, chúng ta có khuynh hướng thất nhân tâm mạnh hơn đắc nhân tâm. Lý do cơ bản là tại vì ta mang trong mình khuynh hướng ích kỷ, chủ quan, tự ái, thích trấn áp toàn là những thứ chống lại kẻ khác, bây giờ nếu muốn
làm cho kẻ khác bằng lòng bằng mặt quý mến ta, thì ta phải nỗ lực chế ngự các loại khuynh hướng trên. Cho nên gây thiện cảm khó làm hơn ác cảm là tại vậy. Ta đứng gần con ngựa, khi nó muốn ngáp, nó cứ ngáp. Ngựa cùng bao nhiêu loài thú khác không có ý thức đời sống xã hội, nên khi ngáp không tìm cách che mồm miệng lại. Còn con người, có thú tính, mà cũng có lý trí, ý thức rằng sống trong xã hội phải giữ phép lịch sự. Vì lẽ đó khi ngồi trước mặt khách, ta vốn thích ngáp há miệng to cho đã quai hàm, nhưng ta lại phải lấy tay che miệng lại và nỗ lực hãm phanh cái ngáp, bạn thử nghĩ coi ngáp hả to miệng (thất nhân tâm) với ngáp mà hãm ngáp (đắc nhân tâm) cái nào khó làm hơn?

3) Chính vì chúng ta thường dễ thất nhân tâm hơn đắc nhân tâm, nên tôi viết cuốn này thân tặng các bạn trẻ, một số người lớn đọc nó cũng hữu ích.

Người bạn quá cố của tôi là học giả Nguyễn Hiến Lê đã dịch của Dale Carnegie và K.C Jngram thành các cuốn “Đắc nhân tâm” và “Cách xử thế của người nay”.

Một người bạn nữa của tôi nay đã già yếu là học giả Nguyễn Duy Cần đã viết các cuốn “Cái dũng của thánh nhân”, “Thuật xử thế của người xưa”. Các cuốn này nặng về những nguyên tắc chỉ dạy cách đắc nhân tâm theo người xưa và người nay.

Hai cuốn trước tập trung nhiều gương tích Âu Mỹ. Hai cuốn sau căn cứ vào nhiều gương truyện Trung Hoa. Phần tôi, trong 30 năm qua rải rác trong nhiều tác phẩm, nhất là trong các cuốn “Gây thiện cảm”, “Hoạt bát và tâm phục”, “Muốn thuyết phục” tôi cũng đã đề cập sâu rộng về những bí quyết thu phục nhân tâm. Trong cuốn “Rèn nhân cách” tôi nhấn mạnh thu nhân tâm (đức thu tâm) phải được thực hành như một nhân đức. Nghĩa là phải phát xuất từ lòng bác ái và chân thành, chứ không phải là mánh lới ngon ngọt môi mép để “lắt túi” người ta.

Nay trong cuốn “Bệnh thất nhân tâm” này, tôi trình bày hành vi đắc nhân tâm theo cách phản biện. Ngụ ý là làm nổi bật bản tính, ý nghĩa và hậu quả tai hại của hành vi ấy khi người ta không thực hiện nó lúc giao tế. Lối thông đạt phản biện cũng có tác dụng sư phạm cao. Thí dụ đối với một số tuổi trẻ hay đối với một số người lớn quá nặng về bằng cấp, về chức quyền mà khinh bỉ khoa học nhân tâm, coi rẻ những cung cách giao tế, nếu bạn bảo họ khi tiếp khách phải “đắc nhân tâm” trong lời nói, trong cách cười chẳng hạn. Nghe bạn bảo như vậy họ không ý thức mãnh liệt bằng bạn bảo khi họ tiếp xúc với khách cứ ăn nói sỗ sàng, cứ cười như pháo nổ. Nếu họ làm như vậy, họ sẽ bị các hành vi ấy trả đũa một cách đáng sợ. Đó là họ bị người khách đánh giá thấy tư cách của họ. Từ chỗ đánh giá ấy người khách nghĩ ngợi về tâm tính của mình của người ăn nói sỗ sàng, của người không tự kiềm chế được tâm tính của mình. Tâm tính ấy có tế nhị không? Cách cười ấy nói lên một tâm hồn văn minh sâu sắc hay ngược lại?

4) Trong cuốn sách này, bạn đọc thấy một điều khác biệt các sách kể trên về đắc nhân tâm, các sách trên có nhiều thí dụ Âu Mỹ và Trung Hoa. Còn sách này chứa đựng dày đặc những nguyên tắc được mổ xẻ các khía cạnh tâm lý xử thế đa dạng, đa diện không phải theo lối bài học dạy thi cử ở trường học về khoa giao tế sách vở, khô cứng mà theo tâm lý xử thế hiện thực xảy ra hằng ngày giữa người với người muôn mặt trong xã hội ngày hôm nay.

5) Đọc qua sách này, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm vấn đề qua các “mô hình thất nhân tâm”:

- Có loại thất nhân tâm ở dạng người thất học, từ bé đến lớn hoặc ở thành thị giữa giới lưu manh côn đồ. Cả hai giới có mẫu số chung là chẳng những không từng được học phép lịch sự tối thiểu, mà còn có những tập quán ăn nói cư xử gần như cố ý xúc phạm người khác, hoặc xúc phạm tự nhiên là không thấy hối hận để xin lỗi. Thí dụ khi nói chuyện, người ta nói móc lò, móc họng, nói xiên xỏ, nói đánh đầu, nói cầu cao, giọng kẻ cả. Có người quen nói tục một cách tỉnh bơ. Có
người khác quen nói nặng, quen dùng những phong cách diễn tả làm cho người nghe cảm thấy họ có tính sỗ sàng, tâm hồn thô bạo.

- Một số người bình dân hoặc trí thức lấy làm hả dạ khi nói xong điều gì làm cho đối phương mích lòng, bực tức. Trong đạo xử thế của người văn minh, khi lỡ lời nào hay lỡ có cử chỉ gì làm kẻ khác chạnh lòng và tỏ ra mình thất lễ, thì người ta áy náy, hối hận lo xin lỗi đi xin lỗi lại bao lần mà vẫn còn lo sợ mình làm cho kẻ khác buồn.

- Có dạng thất nhân tâm của một số trí thức, rành rẽ phép lịch sự mà tại vì họ có lối sống riêng tư, đối với họ, họ không coi là khiếm nhã, nhưng đối với cộng đồng hoặc nhiều kẻ khác, thì có vẻ kỳ dị, nghĩa là làm cho kẻ xung quanh không hài lòng. Thí dụ họ là một ông có khoa bảng cao, có chức vị quan trọng trong xã hội, ai mà nghĩ rằng họ không rành phép xã giao, thế nhưng khi ngồi, họ rất khoái trá rung đùi. Họ nhai kẹo cao su liên lỉ và nghe chanh chách. Một sô người có hơi thở dễ gây khó chịu cho kẻ ngồi bên mà họ không hề hay biết để đừng làm như vậy. Nhiều trí thức cao niên, trong câu chuyện có lẽ quen méo mó “sư phạm”, hay chỉnh kẻ nói chuyện với mình những khi nói sai một danh từ ngoại ngữ, tiếng mẹ hoặc một địa danh, nhân danh. Đức tế nhị khuyên ta trong mấy trường hợp ấy hãy cho qua là thượng sách. Nói chuyện chơi ở xa lông chớ phải ở trong phòng nghiên cứu hay lớp học đâu mà “từng chấm từng phết” quá như vậy.

- Bạn có lần nào là nạn nhân của thứ thất nhân tâm trong một số trí thức mà bụng dạ man trá không? Đây là thứ thất nhân tâm đáng sợ và nguy hiểm. Đương sự có thể là người có học vị cao của cây thang bằng cấp. Dĩ nhiên là họ nghĩ rằng họ quán thông mọi phép lịch sự. Họ có thể viết cho bạn một cuốn sách vài trăm trang về “Lịch sử phép lịch sự quốc tế” nữa. Mà thường thì họ khinh bỉ loại sách đào luyện con người, bởi vì họ cho rằng loại sách ấy là ba cái thứ đạo đức không có tính nghiên cứu văn hóa, văn học hay tính gì gì đó “không có đại học”, “không trí thức”. Trang bị bằng quan điểm trí thức luận như vậy, bạn biết họ thất nhân tâm bằng cách nào không? Họ thất nhân tâm bằng cách thuổng tài liệu và chôm sách quý của bạn. Họ “thuổng” với nghệ thuật đạo tặc tinh vi. Họ mượn người bạn tin cậy, hoặc họ trực tiếp ngon ngọt mượn tài liệu chưa hề công bố của bạn. Rồi họ túm về nhà cho phóng ra hết. Có mảng tài liệu họ dùng biên soạn hay giới thiệu phỗng tay trên bạn mà không cần ghi xuất xứ tài liệu, bất cần nói do bạn cho mượn gì cả. Có mảng tài liệu họ đem trao đổi với người khác để họ có thêm nhiều tư liệu hy hữu khác nữa. Có trường hợp họ “thuổng” tài liệu của bạn rồi đem cho nhà trí thức nghiên cứu khác, lên mặt “công bố” phát hiện này khám phá trên ngay lỗ mũi mà không cần nói một lời cảm ơn bạn. Tôi biết có một cuộc “thuổng” tư liệu nọ về sách quốc ngữ và nôm cổ do hai nhà trí thức thầy trò nọ. Rồi họ mang đến một đại học nọ gọi là “hợp tác”, mượn danh nghĩa đại học ấy công bố, buôn bán tùm lum mà bất cần ghi xuất xứ các tài liệu ấy. Và tức cười bởi vì “thuổng” hay nói đúng hơn là phản trắc chữ tín của bạn bè tin cậy cho mình mượn, cho nên khi họ chùng lén phổ biến, họ tung ra tư liệu thiếu đầu thiếu đuôi. Lý do kỹ thuật là khi cho mượn, chủ cũng ngờ bụng dạ trí thức quen thói làm như vậy của họ, nên không dám cho mượn đủ đầu đủ đuôi. Đó là câu chuyện “thuổng”, còn “chôm” sách là lại chơi nhà bạn, biết bạn cuốn sách nào họ vừa ý, gặp cơ hội là họ đánh cắp của bạn.

Đấy! Họ thất nhân nhân tâm kiểu kinh tởm như vậy.

- Có loại thất nhân tâm này mà tôi không thể không gợi ý cho bạn. Đó là còn một số người có quyền ngoài đời hoặc trong đạo này đạo nọ, mà họ ỷ mình có quyền cao tước cả rồi nghĩ rằng kẻ bề dưới miễn chế cho họ ăn nói, đối xử khỏi giữ phép lịch sự. Thí dụ khi tiếp chuyện với cấp thuộc hạ, họ tự cho phép cướp lời, lý luận độc đoán theo lối “cả vú lấp miệng em”. Họ cũng ban cho mình một thứ phép nộ nạt cấp dưới trước mặt thiên hạ, thậm chí vạch lỗi, nói xấu các kẻ ấy công khai. Đây là thứ thất nhân tâm tạo mầm phản trắc. Ngọn lưỡi của họ như mũi tên ngược tẩm nọc độc mỗi lần bắn sang cấp dưới, là mỗi lần phóng ngược trở lại họ.

6) Qua mấy phân tích tâm lý trên, bạn thấy tác dụng của hành vi đắc nhân tâm ít sâu rộng nơi tâm khảm người khác hơn hành vi thất nhân tâm. Thí dụ gặp một giáo sư, bạn khen ông giảng bài hấp dẫn. Nếu giáo sư ấy không cảm thấy thích bạn thì ít ra lời khen của bạn không xúc phạm gì đến họ. Còn nếu bạn nói ông giảng bài “ru ngủ” quá, thì thật nguy hiểm, ông bị bạn gạch tận tâm can một vết thương. Ông buồn và có thể ông ghét bạn. Trên đường đời ta tránh được tối đa những lời nói, cử chỉ, hành vi thất nhân tâm là ta đã đắc nhân tâm khá lắm rồi phải không bạn?

Viết về công tác làm hài lòng kẻ khác là nỗ lực làm cho câu “Vi nhân nan” của Khổng Tử bớt nhức nhối một phần nào. Chỉ một phần nào nhỏ bé thôi. Bởi vì lòng người điều khiển hành vi của người mà lòng người thì khôn lường khôn tả, không thước nào đo được. Do đó làm sao mà biết hết mọi cách không làm mích lòng hoặc làm vui lòng người cho được. Mọi bàn luận trong sách chỉ là gợi ý để độc giả cùng tham khảo cách cá nhân của mình mà tùy nghi ứng xử sao cho kẻ khác tương đối “bằng mặt bằng lòng” mình.

7) Dĩ nhiên ở đây phải biết phân tích tác dụng của đắc nhân tâm và của thất nhân tâm trong từng trường hợp. Thí dụ gặp trường hợp một tên côn đồ cọ quẹt xe bạn mà còn nhào tới sừng sỏ muốn đánh bạn thì bạn làm sao “đắc nhân tâm” hắn bây giờ. Cũng như bạn xử lý cách nào một tên cướp đang đe dọa bạn bằng súng để đồng bọn của hắn gom vét của của bạn? Bạn đắc nhân tâm cách nào một người dang ngoan cố nói xấu bạn, vu khống, cáo gian sàm báng bạn? Những bậc siêu quần bạt chúng của nhân loại như: Thích Ca, Khổng Tử, Giêsu đâu có tìm cách “đắc nhân tâm” những kẻ đang kịch liệt thù nghịch các vị. Điều đó cho ta biết rằng việc chinh phục lòng người rất giới hạn, chứ không phải ai cũng đều đắc nhân tâm được đâu. Trong các trường hợp gặp bọn côn đồ hung ác kể trên biện pháp xử lý bằng sự mềm mỏng, khôn khéo, lanh trí, chuyển bại thành thắng thì tất nhiên có tác dụng hơn.

Thí dụ gặp đứa thất phu vô cớ nhào đến đánh ta mà ta cứ thách thức hắn, khiêu khích hắn thì hắn hành hung ta ngay, trong trường hợp này, dĩ nhiên là thái độ “đắc nhân tâm” đỡ bớt nguy hiểm hơn thái độ “thất nhân tâm”.

8) Vậy chúng ta toát yếu thực tế cái gì về giao tế và thuyết phục để ứng dụng trong các sinh hoạt trong một hoàn cảnh đang theo hướng kinh tế thị trường như đất nước ta hiện nay.

Soạn giả

Mục lục:
Lời nói đầu

Phần I: Những chuyện “Thất nhân tâm”
Chương I. Những cách làm cho người dễ ghét
Chương II. Có nên sửa lỗi của người không? Và sửa như thế nào?
Chương III. Sửa lỗi người mà cãi lộn… rồi sẽ biết 

Phần II: Trị “Thất nhân tâm” bằng “Đắc nhân tâm”
Chương I. Nghệ thuật thương lượng
Chương II. Lòng thành đắc nhân tâm
Chương III. Ai không thích được nghe và thông cảm
Chương IV. Sao không đặt mình ở địa vị người?
Chương V. “Mật pháp” Đắc nhân tâm trong giao tiếp - xử thế 

Phần III. Tâm lý “Thất nhân tâm” và “Đắc nhân tâm” khi nói chuyện hằng ngày
Chương I. Yết hầu của đối nhân xử thế là: nói chuyện
Chương II. Muốn thuyết phục khi nói chuyện phải “Tri kỷ tri bỉ”
Chương III. Phải biết tính người để biết tính mình
Chương IV. Các mẫu tâm tính thường gặp khó nói chuyện
Cách nói chuyện: Bớt thất nhân tâm 

Phần IV: Luật thuyết phục trên diễn đàn
Diễn văn - diễn giả - thính giả
Luật soạn nội dung của diễn văn
Luật trang trí về hình thức của diễn văn
Đạt cho được 4 mục tiêu của diễn văn
Cách luyện lời, luyện giọng và luyện điệu bộ
Sắp lên diễn đàn
Trên diễn đàn
Sau khi xuống diễn đàn 

Phần V: Muốn tránh “Thất nhân tâm” và giao tế - xử thế “Đắc nhân tâm” thì phải luyện đức thu tâm
Chương I. Luyện đức thu tâm (18 cái đừng làm)
Chương II. Luyện đức thu tâm tích cực (12 cái phải làm)
Chương III. Tự ám thị
Phụ lục I. Danh ngôn luyện giảm “Thất nhân tâm”
Phụ lục II. 10 gương giao tế - xử thế “Đắc nhân tâm”
Thay lời bạt

1 nhận xét: