Chương 9: BIẾT DÀNH DỤM
Ít người tập được thói quen dành dụm. Người nào ngay từ hồi trẻ đã biết dành dụm là biết sửa soạn cho con đường thành công của mình sau này đấy.
Sự tiết kiệm rèn tư cách của ta. Nó làm cho quyết định của ta mạnh lên, nó nâng đỡ cái chí quyết thắng của ta trên đường đời.
Tuy nhiên ở thời buổi này, chỉ có tính tiết kiệm thôi thì chưa đủ để làm giàu được.
Những
người đã lựa ngành kinh doanh mà muốn làm giàu tất phải biết rằng theo
cách thức đánh thuế hiện nay(1), nếu chỉ nhịn tiêu pha thôi thì không
thịnh vượng được. Cũng may còn những cách khác để cải thiện “lối sống”
và tình thế của ta.
Muốn cho một số vốn nhỏ lớn dần lên thì phải lựa những hoạt động có thể phát triển được.
Thanh
niên nào muốn làm ăn, có thể lựa những hoạt động đó trong kĩ nghệ,
trong ngành bán buôn và bán lẻ. Nhưng muốn thành công trong những ngành
đó thì phải để dành một phần lớn số lời của mình. Phải có tài gây vốn
và phát triển tài chính. Vì vậy, nền tảng là sự tiết kiệm.
Theo
tôi nhận xét, năm người không có được một người biết tiết kiệm. Mà
trong số những người biết tiết kiệm đó, nhiều kẻ chỉ nhắm mục đích tích
cốc phòng cơ, thành thử rốt cuộc chỉ còn một số rất ít là biết tiết
kiệm để gây vốn, để đầu tư. Rất nhiều người lo sợ những lúc đau ốm, mất
việc, gặp tai nạn, hoặc chết yểu. Họ dành dụm một số tiền, khi thấy đủ
để bảo đảm sự an toàn rồi thì thôi, không chịu gắng sức nữa.
Rất hiếm người biết tiết kiệm với mục đích gây vốn làm ăn, sớm tập được nhiều thói tốt tùy chủ đích của họ.
Họ
biết coi thời giờ là tiền bạc. Một mặt họ tiết kiệm tiền bạc, một mặt
họ được lợi thời giờ. Họ làm luôn tay chứ không chịu ngồi không.Hễ có
công việc làm là họ làm hoài làm huỷ, hết việc rồi mới chịu nghỉ.
Y
như một sinh viên chăm chỉ, học bài cho tới thuộc lòng mới thôi. Y như
một nhà nông siêng năng, tham công tiếc việc, mờ mờ sáng ra đồng gặt,
tới xẩm tối mới chịu về. Khi công việc làm ăn phát đạt, họ hăng say làm
việc, mà khi công việc phát đạt thì họ làm việc còn gắt hơn nữa.
Hạng
người đó rất ít, trái lại hạng người dưới đây mới nhiều. Hạng này
tuyên bố rằng xã hội phải nuôi họ. Lạ chưa! Xã hội có thiếu nợ họ gì
đâu. Trái lại chứ, chính họ mang nợ xã hội vì xã hội nuôi họ chứ. Khi
công việc phát đạt thì họ làm việc bốn giờ một ngày thôi vì cần phải
làm mới có ăn; mà khi công việc không phát đạt thì họ cũng chỉ làm bốn
giờ một ngày thôi vì không ai có cách nào bắt họ làm trên số giờ đó
được. Họ sống thanh thản nhàn nhã như vậy.
Phần
lớn số thuế thu trong nước là nhờ số tiết kiệm đem đầu tư, nghĩa là
nhờ số lời của kĩ nghệ. Có công nhất với sự phú cường của quốc gia là
hạng người biết tiết kiệm rồi đầu tư số vốn của mình. Tự nhiên là hạng
người đó phải đóng nhiều thuế để cho bộ máy chính quyền chạy được vì họ
giàu có.
Không
nên phàn nàn cho họ vì họ phải trả nhiều thuế. Mà họ cũng không muốn
ai phàn nàn cho họ. Chính vì phải đóng thuế nặng mà khả năng của họ
tăng lên để làm ăn cho có hiệu năng hơn. Những người như vậy bình thản,
không ngại một chính sách thuế má nào của một chính thể nào cả, họ chỉ
bất bình với một chính sách không cho họ cái quyền làm việc thôi.
Xem tiếp:Chương 10
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét