Chương 12: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC
Thành công có đem lại hạnh phúc không?
Nhất định là tự nó, nó không tạo được hạnh phúc. Tất cả đều tùy cách ta dùng nó. Thành công thì có quyền thế. Mà có khéo dùng quyền thế thì mới tìm được hạnh phúc.
Nhiều người lặp đi lặp lại câu ngạn ngữ: “Quyền thế làm hỏng con người” mà không chịu ngưng lại để suy nghĩ xem câu đó có lí không? Tôi cho nó là hoàn toàn vô lí. Một người thỏa mãn vì thực hiện được cao vọng của mình với một người thất bại thì ai có nhiều phần dễ bị hư hỏng hơn?
Sự hư hỏng thối tha, tàn nhẫn thường thấy ở những kẻ ghét xã hội và ghét cả chính mình.
Tất nhiên tôi không chối cãi rằng con người thành công không bao giờ bị quyền thế quyến rũ. Bị nó quyến rũ nhiều cho nên lại càng phải coi chừng, chú ý tới cách mình đối đãi với những người ở dưới quyền mình để đừng ngăn trở những thiên tư của họ, làm mất cá tính của họ, đừng làm cho họ biến thành hạng tôi đòi, hạng múa rối để mình giật dây.
Quyền uy của mình đối với người nào đó càng lớn thì mình lại càng phải tránh những điều có thể làm thương tổn lòng tự ái của họ; nếu không thì là mắc một tội nặng lắm, (đã có lần tôi mắc tội đó).
Nhưng xét chung, tôi có thể nói chắc chắn rằng những người thành công ít hư hỏng hơn những người thất bại. Họ ít có lí do để làm hại ai và có nhiều lí do để làm điều thiện.
Một người thành công mà muốn sung sướng cần theo ba đức này: “công bằng, thương người và khiêm tốn”.
Đức thứ nhất buộc ta phải lương thiện trong công việc làm ăn hoặc trong hoạt động chính trị, phải tự nhiên có lòng muốn công bằng, yêu sự công bằng và nhất định thực hành các giao kèo, hiệp ước một cách đứng đắn, đúng từng chữ và đúng cả với tinh thần nữa.
Rất nhiều người tin rằng những người thành công đều là bọn vô lương tâm, vô sở bất vi. Lời đó chỉ là một nhận xét vu vơ.
Sự thành công không đủ chứng thực một cách chắc chắn giá trị đạo đức của con người, nhưng ít nhất nó cũng là một hòn đá thử vàng. Sở dĩ cho rằng vi phú bất nhân là vì người ta không xét sự thực, vội tin ý kiến của bọn thù địch những người thành công. Chỉ những người hợp tác với một người thành công mới biết rõ, phán xét đúng được người đó. Nếu họ khen người đó thì có lẽ là sự thực không tệ lắm đâu.
Trái lại, người thất bại luôn luôn chắc chắn rằng đã chiếm được cảm tình của những người đã thắng mình vì mình không còn ngăn cản con đường của họ nữa mà sự thất bại của mình chính là một bằng chứng cho thành công của họ.
Đức thứ nhì, lòng thương người, đôi khi có vẻ như ngược lại với đức tính thứ nhất. Thực ra không phải vậy.
Có biết thương người thì mới có thể thực công bằng được. Một vị thẩm phán có lương tâm thì khi xử tội phải dùng tình thương xét từng trường hợp cá nhân một cho luật pháp bớt nghiêm khắc đi. Lòng thương người có thể giúp cho sự công bằng, nhưng cũng có thể biến thành nhu nhược mù quáng. Vậy trước khi dùng nó phải nhận định cho đúng xu hướng của mình đã, nếu mình vốn nhu nhược thì nên hãm bớt nó lại.
Có biết thương người thì mới có thể thực công bằng được. Một vị thẩm phán có lương tâm thì khi xử tội phải dùng tình thương xét từng trường hợp cá nhân một cho luật pháp bớt nghiêm khắc đi. Lòng thương người có thể giúp cho sự công bằng, nhưng cũng có thể biến thành nhu nhược mù quáng. Vậy trước khi dùng nó phải nhận định cho đúng xu hướng của mình đã, nếu mình vốn nhu nhược thì nên hãm bớt nó lại.
Nhưng có lẽ chẳng cần thận trọng như vậy vì loài người ít ai có sẵn tình thương lắm; phải luyện tập nó mới có được. Mà người thành công chắc chắn là người dễ luyện được nó hơn hết; vì khi bắt đầu kinh doanh, người đó đã chịu nhiều nỗi đau lòng, tàn nhẫn, bất công của kẻ khác, cho nên tự nhiên có cảm tình với những kẻ bị hắt hủi, chà đạp. Người đó lại biết rằng trong cái nghề của mình, biết đâu chừng chẳng có ngày cần được người khác cảm thông với mình mà xét một tình thế nào đó bằng một chút thương tình.
Có lẽ Shakespeare không nghĩ như tôi khi ông viết: “Lòng thương người gây được ân sủng cho người phân phát nó cũng như cho người được nhận nó”. Nhưng dù sao, lời của ông cũng rất đúng. Hễ thương người thì sẽ được người thương lại.
Nhưng ta thử xét xem thế nào là lòng thương người? Có lòng thương người không phải chỉ là muốn dừng lại, đừng quá lợi dụng thắng thế của mình. Nó còn phải cao hơn, rộng hơn như vậy. Nó là một tình cảm âu yếm xuất phát từ một tình cảnh chua chát, cũng như một bông hoa mọc trong một kẽ đá. Nó là tấm lòng cảm bội thâm thiết đối với một trật tự trong vũ trụ, và muốn làm một việc gì để cải thiện trật tự đó, và khi hành động như vậy, ta được hưởng một hạnh phúc thật trong sạch.
Trong tình thương người còn có lòng đại lượng và bác ái. Một người giàu không thiếu gì cách để tỏ lòng biết ơn của mình vì đã nhận được nhiều ân trạch của xã hội. Trên con đường đi tìm hạnh phúc, người đó không nên bỏ lỡ một cơ hội nào cả để giúp những người khác cũng đạt được hạnh phúc như mình.
Đức khiêm tốn là đức khó tập nhất. Hình như có cái gì neo chắc trong bản tính nhà kinh doanh và chống lại với đức đó. Trong công việc làm ăn, cơ hồ như vì phải chiến đấu, phải can đảm, phải chinh phục mà nhà kinh doanh dễ hóa ra ngạo mạn.
Chính tôi không dám nhận rằng tôi khiêm tốn; nhưng tôi có thể thú thực với bạn rằng khi tập có được ít nhiều cái đức đó, tôi thấy nó là nguồn gốc của hạnh phúc. Có nhiều thí dụ chứng minh rằng sự thành công và khiêm tốn không phải là không dung hợp được nhau. Sở dĩ nó khó dung hợp nhau được là vì “sự luôn luôn thoát khỏi mình” để tự nhận xét mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào, y như có một cái “ta” đứng trước mặt ta mà nhìn ta, sự đó cơ hồ không thể có được; mặc dầu những người có cao vọng và tài đức thường thực hiện được.
Sau nhiều năm chỉ huy, ai mà chẳng có những thái độ độc đoán, điều đó rất dễ hiểu. Nhưng không nên mù quáng, phải nhận rằng mình có tật đó và phải ráng tránh nó. Có lúc ráng sức mà thất bại đấy, nhưng đừng bao giờ bỏ cuộc chiến đấu với bản thân.
Có
một hình thức khiêm tốn mà con người đã thành công phải tập luyện: họ
phải tránh cái thói gièm pha, coi thường bọn trẻ nối gót mình.
Tính
tự phụ không thể tin ở những mầm non, không cho cơ hội thuận tiện để
phát triển tài năng của họ là một thói xấu không tha thứ được: nó chỉ
là một hình thức của lòng đố kị. Một người có tật đó thì không thể nào
sung sướng vì tính ghen ghét là thói xấu tàn nhẫn nhất, làm cho ta đau
khổ nhất.
Sự khiêm tốn cần thiết cho hạnh phúc.
Ngay
những người thành công rực rỡ nhất mà thiếu đức khiêm tốn thì cũng mất
phẩm cách, uy thế và không thoải mái về tinh thần. Họ làm cho những
tình cảm không đẹp của họ lan ra chung quanh họ, và trong một không khí
như vậy, lòng yêu đời không còn nảy nở được nữa.
Xem tiếp: Chương 13
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét