Chương 13: ĐỪNG BAO GIỜ NGHỈ
Một người thấy người khác không ưa mình, đánh giá lầm mình. Đưa ra một đề nghị thì người ta vội gạt liền. Thấy có vẻ như không tìm được con đường của mình. Bị người khác rẻ rúng không quan tâm tới mình. Thế là xin thôi việc.
Sự
xin thôi việc đó có hại cho quyền lợi của chính họ và cho quyền lợi
của hãng. Người đó nên cứ tiếp tục làm việc và tìm những cách khác để
cho người trên chấp thuận ý kiến mình. Nếu xin thôi mà hãng không cho
thôi cố giữ lại thì địa vị của người đó ở trong hãng đã chẳng tăng mà
chỉ giảm. Nếu dọa hãng xin thôi việc mà người ta chẳng cần gì mình, cho
nghỉ liền, thì thôi, hết tranh đấu.
Cho
nên tôi nói thẳng với bạn rằng: đừng bao giờ xin thôi việc. Phải đề
phòng thái độ, tinh thần đưa tới một hành động như vậy.
Nhưng
rút lui, không làm ăn nữa, lại là một thái độ khác hẳn thái độ trên.
Người nào đã thành công rồi, cũng phải nghĩ tới cái lúc có thể sẽ phải
rút lui.
Lời
đó có vẻ như một lời khuyên ngoài miệng nhưng nó đáng theo đấy. Khi
một xí nghiêp đã thịnh vượng và phát triển thì người ta nên nhường chỗ
cho bạn trẻ. Nếu người già cứ ngăn cản bước tiến của bọn trẻ thì xí
nghiệp không sao phát triển được.
Tôi
đồng ý với Bacon về lời nhận xét này của ông: “Người già chống đối lại
nhiều cái quá, thận trọng quá, hỏi ý kiến nhiều quá, ít chịu mạo hiểm
quá, đôi ý mau quá và rất ít khi điều khiển công việc tới cùng, mới
thấy hơi thành công là đã thỏa mãn rồi”.
Cho
nên họ nên rút lui trước khi tinh thần suy nhược của họ làm hại cho
công việc họ đã thực hiện được trong những năm tuổi trẻ.
Rút
lui không phải là một cách tự phạt mình đâu, không phải là nhút nhát
không dám chiến đấu, như con đà điểu rúc đầu vào cánh để khỏi nhìn thấy
tai nạn, mà là một hành động khôn ngoan vì mình biết nhận rằng phải
nhường bước cho bọn trẻ.
Nhưng
không phải chỉ vì nghĩ tới cái lợi của bạn trẻ mà tôi khuyên các nhà
kinh doanh đã thành công nên rút lui. Chính còn vì cái lợi của các nhà
kinh doanh đó nữa. Không nên mong mỏi thành công hoài trong một lĩnh
vực, vì hễ thành công hoài, không phải chiến đấu nữa thì chúng ta không
còn hăng hái như buổi đầu nữa.
Thật
là khó mà thuyết phục được một con người đã thành công chịu nghe lời
đó. Họ càng thành công nhiều thì lại càng khó thuyết phục. Họ tự nhủ:
“Không có lí gì mà đương thành công lại rút lui, không có lí gì mà sau
này không thành công như hồi trước”.
Ai
cũng muốn bám lấy những cách làm việc cũ; xu hướng đó là tự nhiên, rất
dễ hiểu. Có gì đâu, trước làm ra sao thì lại cứ tiếp tục như vậy, làm
lại hoài như vậy. Của cải, quyền thế trên đời, cứ tha hồ mà chiếm, và
muốn chiếm thêm mỗi ngày một ít thì chỉ cần dùng những tài đức trước
kia mình đã khó nhọc tập được nhưng bây giờ đã thành một thói quen,
chẳng khó nhọc gì cả mà còn vui nữa! Nếu bỏ việc kiếm tiền đó đi, thì
đời sẽ buồn biết mấy! Bọn thanh niên còn thành công thì có lí gì người
già kinh nghiệm như mình lại thất bại được.
Lí luận như vậy là sai.
Trong
một lĩnh vực, sự thành công hoài là điều rất hiếm. Người chỉ huy công
việc có thể không còn tinh thần uyển chuyển như trước nữa, không nhận
định được đúng đắn giá trị của các yếu tố trong những điều kiện mới
nữa. Sự thắng lợi đã thành một thói quen, không cần phải thực sự chiến
đấu nữa, do đó trí óc nhụt đi.
Nhưng
xin bạn đừng hiểu lầm tôi. Khi tôi ân cần khuyên bạn nên rút khỏi công
việc kinh doanh, tôi không có ý bảo phải bỏ đời sống hoạt động đi đâu.
Trái lại, tôi muốn nói rằng bạn nên đổi công việc. Bạn nên lựa một
lĩnh vực hoạt động khác trong đó bạn có thể tỏ rằng bạn còn đầy đủ khả
năng. Vì sự thay đổi hoạt động làm ta trẻ lại.
Tôi
đã sống bốn đời sống khác nhau. Trước hết tôi ở trong ngành ngân hàng
và gây dựng được nhiều công việc kinh doanh lớn về Koyd tài chính. Rồi
tôi bước vào chính trường, giúp việc ông Loyd George. Ra khỏi chính
trường, tôi sáng lập nhiều tờ báo. Sau cùng ngành hoạt động thứ tư của
tôi, thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng có liên quan tới lịch sử hiện đại:
tôi làm Bộ trưởng trong Nội các Churchil, giữ việc sản xuất phi cơ.
Lần
cuối cùng đó, tôi làm cho chính phủ không phải với tư cách một chính
khách. Trái lại, hồi đó tôi tuyệt nhiên không quan tâm gì tới chính trị
cả. Những người cộng sự với tôi đều là những nhà kĩ nghệ; họ hợp tác
với tôi chỉ để sản xuất phi cơ.
Thời
đó có nhiều phi công nhưng thiếu phi cơ. Sự sống còn của quốc gia tùy
thuộc tài năng của chúng tôi có chế tạo được đủ phi cơ cho họ không.
Chúng
tôi không thể để cho các chính khách - dù họ quan trọng tới đâu - ngăn
cản con đường của chúng tôi được. Chúng tôi xô họ ra. Chúng tôi phải
nhảy đại xuống nước, cứ bắt tay vào việc. Nhờ vậy mà chúng tôi động
viên được tức thì một số thợ cần thiết và tìm được đủ nguyên liệu, dụng
cụ mặc dầu bị kẹt, bị cản trở.
Đặc
biệt là chúng tôi phải tranh đấu với vài ông lớn trong quân đội chưa
hề dự một trận đánh nào, chẳng biết gì về thực trạng trên chiến trường
cả mà điên khùng chống đối chúng tôi, làm cho công việc của chúng tôi
thêm khó khăn. Chúng tôi bất chấp họ, nếu có thể được. Nếu họ chống cự
thì chúng tôi tấn công lại một cách đích đáng.
Mục
đích duy nhất của chúng tôi là làm thỏa mãn những nhu cầu trên chiến
trường, mà lúc đó trong xưởng chỉ còn có ít chiếc phi cơ. Thế mà chẳng
bao lâu, số phi cơ chúng tôi sản xuất nhiều hơn số phi công được huấn
luyện có thể hoặc muốn lái phi cơ ra mặt trận.
Tóm lại chúng tôi có nhiều phi cơ hơn phi công.
Tôi
có vui không trong thời gian sống mãnh liệt với nghề thứ tư của tôi
đó? Nhất định là vui rồi. Nhưng vài kẻ cộng tác bất lực trong bộ và
những kẻ mồm mép biện hộ cho họ thì chẳng vui chút nào cả.
Trong
mỗi nghề của tôi, tôi đều được thỏa mãn và sung sướng thấy mình trẻ
lại. Và hiện nay tôi đương kiếm một lĩnh vực hoạt động mới khác.
Khi
thay đổi hoạt động, khả năng của mình tăng tiến lên chứ không suy giảm
đâu. Chúng ta lại bắt đầu một cuộc đua khác và dùng tài năng của mình
vào những công việc khác để giải quyết những vấn đề mới.
Tôi khuyên bạn dùng sức vào một công việc hoàn toàn mới, cần chiến đấu chứ không phải một công việc an nhàn.
Vậy
công việc bạn sẽ lựa phải là một công việc chủ yếu, kích thích ý thức
trách nhiệm bắt bạn nghi ngờ, suy nghĩ, tính toán. Tóm lại nó có thể
đem lại cho bạn thắng lợi mà cũng có thể gây tai hại, làm cho bạn suy
sụp, nó bắt bạn phải để hết thì giờ, tâm trí vào nó.
Chỉ
nhờ cách đó mà ta có thể tránh được lời chê bai nghiêm khắc của Bacon
khi ông nhận xét người già. Chắc chắn là nhờ cách đó mà ta khỏi buồn
chán.
Một sự thay đổi như vậy làm cho ta khoan khoái lắm; nhưng phải có trải qua rồi mới nhận thức đúng được cái lợi của nó.
Người
nào có nhiều tài năng, khi rút lui khỏi một ngành hoạt động rồi cũng
có thể kiếm được một công việc khác hợp với cá tính của mình. Có người -
trường hợp này hơi hiếm - nghiên cứu một môn khoa học hay nghệ thuật
và thấy thích thú trong công việc đó. Nhưng đối với phần đông thì một
nhiệm vụ công ích có lợi hơn cả. Điều đó cũng rất tự nhiên. Làm chính
trị, lám báo, lãnh đạo một cơ quan từ thiện đều là những hoạt động cần
một thứ kinh nghiệm như nhau mà thứ kinh nghiệm này là thứ nhà doanh
nghiệp đã học được.
Những
người có được thứ kinh nghiệm và khả năng đó mà ra giúp nước thì thực
có lợi cho quốc dân. Đời sống công cộng cần sự hợp tác của những người
biết rõ cuộc sống sinh động.
Tôi
không có ý đề cao người già đâu. Mà giả sử tôi có ý đó thì bất kì ai
cũng có thể dẫn lời này của Tiến sĩ Johnson để bắt tôi phải im lặng:
“Không cần ai chứng thực cho tôi rằng hồi mười chín tuổi tôi thật sung
sướng”. Người nào cho tuổi già là sung sướng tuyệt trần nên nhớ lại lời
đó.
Nhưng
mặc dầu tuổi già có nhiều cái bất lợi thì ta vẫn có thể làm cho nó nếu
chẳng hóa vui thì cũng chịu được. Tất cả đều tùy cách ta bước vào cái
tuổi đó ra sao.
Không
lí gì mà người già lại không tìm cách giúp ích người đồng thời của
mình. Nhiều người già vẫn còn làm được những việc rất có lợi cho xã
hội. ít nhất họ có ưu điểm là đã có ít nhiều kinh nghiệm về đời.
Tôi
không bảo rằng kinh nghiệm có thể thay được mọi cái khác trong đời
sống. Có kinh nghiệm lại cần phải có ý muốn tiến cho kịp thời nữa. Một
người đã thành công cách đây ba bốn chục năm không nhất định là còn
thành công nữa. Những người đương tiếp tục kinh doanh hoặc muốn bỏ
ngành cũ mà hướng qua một ngành hoạt động mới phải nhớ kĩ câu tôi vừa
nói.
Chúng
ta đều tiếc nhớ thời đã qua. Nhưng nếu không nhận ra được rằng vài
phương pháp nào đó đã lỗi thời, hoặc hoàn cảnh xã hội đã thay đổi, thì
là hủ hóa rồi. Những kẻ thấy cái gì mới cũng chê bai thì tuy còn sống
mà cũng như chui vào quan tài rồi vậy.
Già
mà vẫn giữ được tinh thần niên thiếu thì tuổi già còn có được nhiều
cái vui, mà chính mình cũng có thể giúp ích được nhiều cho đời. Nhưng
muốn vậy phải biết sớm bỏ những hoạt động cũ quen thuộc của mình đi mà
tìm những hoạt động mới.
Một
số người chẳng những rút lui khỏi công việc làm ăn, mà còn muốn bỏ hết
cả mọi hoạt động. Họ bất bình hỏi tôi: “Định bắt người ta làm việc mãi
sao? Chưa tới tuổi nghỉ ngơi ư?”.
Tôi
đáp: “Phải làm mới được phép nghỉ chứ. Phải làm việc tới ngày nhắm
mắt. Và lúc nhắm mắt mới là lúc nghỉ. Một người đã dùng tất cả khả năng
của mình để giúp đời thì không khi nào tự hỏi chết rồi sẽ ra sao?”
“Sau cùng khi nào tới lúc con được nghỉ ngơi thì con đừng sợ gì cả: phải, con cứ nằm xuống rồi giấc ngủ sẽ êm đềm tới”.
Đó là niềm ai ủi của tuổi già.
Nhưng
khi còn trẻ, có ai hơi đâu mà nghĩ tới điều đó. Tôi viết cuốn này để
giúp bạn trẻ; tôi nhắc lại, tôi nói chuyện riêng với họ đấy.
Tôi
khẩn khoản năn nỉ họ lao đầu vào cuộc chiến đấu lớn lao của đời sống,
và đừng bận tâm về những vấn đề tôi đem ra bàn trong chương trình này;
nếu có muốn suy nghĩ về nó thì ít nhất phải đợi tới lúc thành công rồi
đã.
Ngày nay không có một trở ngại nào trên con đường thành công mà một ý chí cương quyết không thắng nổi.
Thanh niên nào can đảm và có khả năng là đã có sẵn trong túi chìa khóa để thành công rồi.
Thế giới kinh doanh và tài chính, một thế giới mênh mông đang chờ đợi họ đấy.
Dù
tôi chỉ đem lại cho một người thanh niên cái ý muốn xông pha vào con
đường đưa tới thành công thì tôi cũng đủ mãn nguyện rồi, và viết cuốn
sách này tôi đã không đến nỗi làm một việc vô ích.
Xem tiếp chương cuối : Chương 14
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét