Chương 11: TẬP NÓI TRƯỚC CÔNG CHÚNG
Người nào muốn thành công trong ngành kinh doanh phải tập nói trước công chúng.
Trong khu vực thương mại, không bắt buộc phải biết hai sinh ngữ, nhưng nói được hai sinh ngữ thì có lợi vô cùng.
Người
nào không diễn đạt được ý của mình một cách sáng sủa và tự tin thì
cũng không khác gì một lực sĩ đi đôi giày cũ rách mà tiến lên đường đua
trong sân vận động. Bị thiệt thòi nhiều lắm. Mà có gì bắt họ chịu
thiệt thòi như vậy đâu. Do kinh nghiệm nhiều năm, tôi nhận thấy rằng
trai hay gái hễ chịu khó thì ai cũng có thể tập nói một ngoại ngữ được.
Có bốn cách nói trước công chúng:
Cách thứ nhất là đọc diễn văn.
Churchill có thể làm gương cho ta về cách đó. Có lần tôi hỏi ông về nghệ thuật nói trước công chúng.
Ông
cười, đáp: - “Cần một cặp kính và một cây viết máy tốt”. Ông không nói
đùa đâu. Mặc dầu ông đã chứng tỏ rằng ông có thể ứng khẩu được, nhưng
hễ có một bản nháp bài diễn văn ở trong tay ông vẫn thấy ung dung hơn.
Giọng đọc lúc cao lúc thấp tuỳ đoạn, nhất định làm cho thính giả phải
chú ý.
Cách
thứ nhì là học thuộc lòng diễn văn. Ít người theo được cách này; khi
muốn nói trước công chúng ta đừng nên quá tin ở trí nhớ của ta, nhất là
khi bài diễn văn khá dài.
Churchill
đã có kinh nghiệm bản thân, có thể xác nhận giá trị của lời khuyên đó.
Cách đây khoảng năm chục năm, có lần ông cao hứng bỏ lối thông thường
của ông đi - lối cầm giấy mà đọc - dại dột học thuộc lòng bài diễn văn
về một đạo luật quan trọng để trình bày trong Quốc hội.
Nửa
chừng ông “bí”, quên bẵng đi mất, đứng thừ mặt ra. Ông gắng sức ghê
gớm để nhớ lại, rồi đành chịu, cúi đầu chào, và xin lỗi: “Tôi đa tạ chư
vị đã tỏ lòng đại lượng với tôi”. Sau đó ông đi về chỗ trong những
tiến hoan hô tỏ cảm tình; vài phút sau ông rời phòng nhóm.
Bạn
trẻ nào muốn làm bảnh hãy suy nghĩ về chuyện đó là tự rút ra một bài
học. Nhưng như vậy có phải là cứ đọc diễn văn thì tránh được tất cả
những rủi ro, bất như ý không? Không. Đọc diễn văn là cách khó nhất
đấy. Muốn thành công rực rỡ như Churchill, phải là bực thầy, làm chủ
được giọng nói, và câu văn của mình. Muốn cho diễn văn tạm nghe được,
phải tập hoài tập huỷ - nên tập trong phòng riêng - nếu không, diễn văn
sẽ nhạt nhẽo, nặng nề.
Cách thứ ba là suy nghĩ trước về diễn văn.
Cách
này không phải là cách ứng khẩu. Phải suy nghĩ nhiều về đầu đề rồi lên
diễn đàn để cho lời nói tự nhiên phát ra. Tôi khuyên bạn nên dùng cách
đó.
Loyd
George là bực thầy trong trường hợp này. Ông suy nghĩ rất kĩ về điều
ông định nói, rồi một khi đứng trước mặt cử tọa, tiếp xúc về tinh thần
với cử tọa rồi, ông tin vào ma lực của nguồn cảm hứng của ông mà chinh
phục thính giả.
Mặc
dầu vậy, bài diễn văn hay nhất của ông mà tôi được nghe không phải là
một bài ông đã sửa soạn trước. Tới phút chót, ông quyết định bỏ bài đã
sửa soạn trước. Tôi còn nhớ, ngày đó là ngày tôi đưa ông đi thanh tra
các đội binh Canađa trong thế chiến thứ nhất. Những đội binh đó phàn
nàn về một vài điều và tôi mời ông tới để giải thích cho họ.
Trong
khi ngồi xe ca, ông suy nghĩ về những điều ông sẽ nói với họ, nhưng
khi gần tới trại, ông thấy những người lính Canađa đi tới chỗ duyệt
binh ở trên sân đất; nhận ra ông, họ hoan hô ông nhiệt liệt. Những lời
hoan hô tự đáy lòng phát ra đó khác xa những lời hoan hô ầm ĩ trong
những cuộc họp chính trị. Ông rất cảm động và khi ông ngỏ lời với họ,
ông bỏ hết những ý ông đã nghĩ trong khi ngồi xe mà hoàn toàn ứng khẩu
ra cả. Tôi ít khi được nghe một bài diễn văn cao nhã, hăng hái và
truyền cảm như vậy.
Diễn văn đó thật là cuốn hút người nghe, nhưng nếu không phải là bực thầy thì khó mà thành công được như ông.
Tôi cần phải nhắc bạn trẻ nhớ rõ điều đó, mỗi khi muốn cao hứng dùng cách thứ tư là ứng khẩu trước công chúng.
Mặc
dầu lối này thường thành công, nhưng phải công nhận nó cũng nguy hiểm
đấy. Nói dăm ba câu chúc tụng sau một bữa tiệc, khi không có các phóng
viên báo chí ở chung quanh thì rất nên dùng nó; nhưng trong những
trường hợp trang nghiêm, nó có thể gây nhiều sự rắc rối, bực mình lắm.
John
Wilkes, nhà cải cách mà không tin ở công cuộc cải cách, đã khuyên nhà
hùng biện: “Cứ liều lĩnh hết mức đi, cứ vui vẻ cực kì đi, nghĩ tới cái
gì cứ nói ra hết đi”.
Tôi
khuyên bạn đừng nên theo đúng lời đó. Trong một bài diễn văn, dùng lối
đó có thể là dễ độc đáo đấy, nhưng khó mà được hoan nghênh lắm.
Tuy
nhiên, xét kỹ, lời của Wilkes có một phần rất đúng. Tôi nhận thấy rằng
nhiều người, trong lúc chuyện phiếm thì lời lẽ rất tự nhiên trôi chảy,
nhưng khi nói trước công chúng thì rất ngượng ngập. Ngược lại, nhiều
nhà hùng biện được thính giả hoan nghênh nhưng viết văn lại rất nhạt
nhẽo, chẳng ai buồn đọc. Một người có thể lanh lợi, lém lỉnh, có nhãn
điện mạnh, nẩy ra nhiều ý lạ, nhưng lại không thể thành một nhà văn có
tài.
Hồi
tôi còn trẻ, Loyd George là nhà hùng biện nổi danh, hơn hẳng những
người khác. Ông ta như cảm được quần chúng, làm cho lòng mọi người bừng
bừng lên. Vậy mà ông không bao giờ thành công lớn khi cầm bút. Một bộ
óc vĩ đại, một trí tưởng tượng dồi dào, một tài hùng biện - những cái
đó chưa đủ để thành một nhà văn. Viết văn cần có một thiên tư riêng.
Nghệ thuật nói chỉ cần tạo ảnh hưởng cấp thời trong một lúc thôi; nghệ thuật viết cần một cách luyện tập khác.
Nói
trước công chúng là hành động. Nhà hùng biện là một người đóng trò. Bí
quyết để thành công là dò đoán được tâm lí quần chúng.
Tôi
không muốn bảo rằng như vậy bạn không nên thành thực. Trên sân khấu,
khi đóng trò mà đào kép không thành thực thì khán giả không hoan
nghênh.
Trên
diễn đàn cũng vậy. Diễn giải phải thành thực. Phải tin những điều mình
nói. Phải gợi những cảm xúc của thính giả. Điều nào mình đã tin là
phải, mà lại còn cảm thấy rằng nó phải, thì nó mới có đủ sức mạnh lôi
cuốn thính giả.
Và bây giờ tôi xin khuyên bạn vài điều thực tế.
Câu thứ nhất bài diễn văn của bạn phải như một luồng điện làm thính giả chú ý tới liền.
Đừng
có những cử động vô ích, làm thính giả bực mình, cứ ngồi yên, đứng yên.
Có làm cử động nào thì cử động đó phải tự nhiên. Đừng nhìn trong gương
ở nhà mà tập trước các cử động.
Ráng thắng được những chứng giật gân của bạn đi. Ráng diệt chúng cho kỳ hết.
Đừng
đưa mắt láo liêng nhìn hết chỗ này chỗ nọ trong phòng. Tốt hơn hết,
nên lựa một thính giả nào đó như nói riêng với người đó.
Tôi
đã theo cách ấy trong cuộc vận động ứng cử của tôi và tôi thấy có kết
quả tốt. Thính giả mà tôi lựa cũng chăm chú nhìn vào mắt tôi, và tôi có
cảm tưởng rằng tôi có tài thuyết phục quyến rũ được người đó. Cuối bài
diễn văn, ông ta là người vỗ tay lâu nhất.
Hôm
sau, trong khi vận động cử tri, tôi gặp ông ta ngồi ở bực cửa nhà ông
ta. Tôi ráng thuyết phục nhưng thất vọng vì không làm cho ông ta cảm
động được như trước. Bà vợ ông ở trong nhà bước ra, niềm nở tiếp đãi
tôi và bảo:
“Ông nhà tôi điếc đấy, xin ông thứ lỗi cho”.
Thế
là lòng tự cao tự đại của tôi hôm trước tiêu tan. Mặc dầu vậy bạn nên
nghe theo lời khuyên của tôi, bạn nên nhìn thẳng vào mặt một thính giả
trong khi diễn thuyết.
Phải
sửa soạn bài diễn văn ra sao? Mỗi người có một cách riêng. Tôi xin chỉ
ra dưới đây một cách mà tôi thấy có nhiều hiệu quả nhất.
Chỉ
nên tin ở sự làm việc, cương quyết làm việc thôi. Suy nghĩ cho kĩ về
mỗi câu trong bài diễn văn. Sắp đặt các ý rồi ghi trên giấy những điểm
chính mà bạn sẽ đem ra trình bày.
Nếu
lí luận của bạn không sáng sủa, đưa tới một kết luận hiển nhiên, không
thể khác được thì bạn đừng nên hi vọng thuyết phục được công chúng.
Khi
đã sửa soạn kĩ bài diễn văn như vậy rồi, khi đã ghi bằng chữ lớn, dễ
đọc những ý chính, sâu sắc nhưng vắn tắt rồi, bạn dùng cái sườn đó làm
cơ sở để tập diễn thử ở nhà. Nhớ kĩ, chỉ nên dùng nó làm cơ sở thôi,
nghĩa là để tới khi lên diễn đàn thì tùy hứng mà diễn thành câu, chứ
đừng nghĩ trước mỗi câu. Diễn văn của bạn nên uyển chuyển để tuỳ cơ ứng
biến và có thể trả lời thính giả được khi họ phản đối.
Tất
nhiên, câu ứng khẩu không phải là câu đúng ngữ pháp nhất, hay nhất,
nhưng chắc chắn là nó sinh động nhất. Mà chính những câu sinh động, chớ
không phải những câu khô cứng, đúc sẵn, mới làm thính giả cảm động để
tiếp nhận ý kiến của mình.
Một bài diễn văn mà lời cực trau chuốt, trừ phi là do một bực thầy viết ra, đã chết khô ngay trước khi đem ra đọc.
Tuy
nhiên, phải học thuộc vài đoạn trong diễn văn, chẳng hạn đoạn mở và
đoạn kết. Mở đầu bài diễn văn ta phải làm cho thính giả chú ý tới ta
liền, và cuối bài ta phải làm cho họ tán đồng ý kiến của ta.
Cho
nên đoạn mở và đoạn kết phải nói cho lớn tiếng, văn phải có khí lực.
Như vậy tôi không muốn bảo rằng đoạn giữa không quan trọng gì đâu. Nếu
những lí lẽ ta trình bày ở đoạn giữa không vững thì đoạn mở có hay,
đoạn kết có khéo cũng là vô ích.
Trừ phi đầu đề cho phép, bạn đừng nên kể một cố sự làm vui tai thính giả. Thuật đó không chắc có kết quả đâu.
Nhưng
nếu có cơ hội để xen vào một lời hóm hỉnh thì đừng nên bỏ lỡ, miễn là
đừng có cái giọng khôi hài. Nếu đầu đề không quá nghiêm trang thì nên
có giọng nhẹ nhàng vui vẻ.
Ngay cả những vấn đề rất nghiêm trang, mà trình bày một cách hơi nhẹ nhàng thì nhiều khi cũng có lợi.
Đừng
nên trừu tượng quá. Khi bạn thấy mình muốn sắp bay bổng lên chín từng
mây tư tưởng, thì bạn nên nhớ trở về mặt đất, bám chắc lấy nó: dùng
những thí dụ, tốt nhất là trong đời sống hằng ngày, để so sánh, minh
chứng cho lí lẽ của bạn. Cho thính giả được vui!
Khéo
giữ được sự chú ý của thính giả như vậy, chưa nhất định là thuyết phục
được họ đâu. Muốn thuyết phục họ thì lời lẽ của bạn phải thành thực,
thẳng thắn.
Muốn
lựa cách nào thì lựa, một thanh niên tập nói trước công chúng không
thể nào thành công được nếu không chịu tốn công, kiên nhẫn luyện hoài
cho tới thành thục. Một ông bạn tôi khi mới ra kinh doanh, có thói quen
dự tất cả các buổi hội họp của ban quản lí, của các cổ đông, của các
chính khách, với mỗi một mục đích là để có cơ hội nói trước công chúng.
Thói quen đó rất tốt. “Phải rèn rồi mới thành thợ rèn”. Phải nói rồi
mới thành diễn giả, mới biết cách thuyết phục người khác cho họ theo
mình.
Nhưng,
xin bạn coi chừng, nói khéo, nói dễ dàng không có nghĩa là nói tràng
giang đại hải đấy nhé. Tránh cái thói nói huyên thuyên. Dù tầm thường
tới mấy, người nào cũng ham được diễn thuyết lắm và khi có cơ hội thì
nói thả cửa, chẳng cần để ai nghe cả, chỉ để mình nghe lấy lời mình
thôi cũng thú rồi.
Và
lúc đó con người cao quý tới mấy cũng làm cho công chúng chịu không
nổi. Hạng người đó cần biết điều mình nói có lợi cho người khác không;
họ nói, nói hoài nói huỷ, nói thật lâu, đã nói rồi, còn nói lại nữa.
Trong
đời tư, chúng ta có thể tránh hạng đó được; nhưng trong đời công, đành
phải nhẫn nhục chịu đựng họ vì họ có cái tài đặc biệt để được bầu làm
chủ tịch các cuộc hội họp.
Coi
chừng đấy, các bạn trẻ. Đừng noi cái gương già miệng của họ. Bạn sẽ
tránh được tật đó nếu trước khi bước lên diễn đàn, bạn nhớ mệnh lệnh có
từ lâu đời này:
“Đứng lên! Nói! Im!”
Xem tiếp: Chương 12
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét