Chào các bạn!

Tất cả các quyển sách trực tuyến, chúng tôi đều có sẵn Ebook và Audio book. Nếu có nhu cầu mời các bạn vào đây để tải: Hướng dẫn cách tải links trên các host TẢI EBOOK- AUDIO BOOK TỪ A --> Z


Hẹn bạn trên đỉnh thành công- Phần 3: Tương Quan Giữa Bạn Và Tha Nhân


PHẦN BA: TƯƠNG QUAN GIỮA BẠN VÀ THA NHÂN

MỤC ĐÍCH

1/ Làm sáng tỏ cách bạn nên nhìn người khác.
2/ Quảng bá quan niệm hãy xử với người theo cách ta nhìn họ.
3/ Củng cố nguyên tắc – bạn sẽ đạt được mọi mơ ước ở đời nếu giúp người khác đạt được điều họ muốn.
4/ Nhận diện tình yêu chân thật – cống hiến bạn vài gợi ý đặc biệt trong cách bày tỏ tình yêu – sau khi lập gia đình.


CHƯƠNG 7: CÁCH BẠN NHÌN NGƯỜI KHÁC NGƯỜI KHÁM PHÁ ĐIỀU TỐT


Vài năm trước đây, người ta có thử phân tích 100 nhà triệu phú tay trắng làm nên, họ thuộc mọi lứa tuổi, từ 21 đến 70, gồm mọi trình độ, từ tiểu học cho tới tiến sĩ, với đủ loại tính tình và đặc điểm. Phần lớn (70%) xuất thân từ những thị trấn dưới 15.000 dân, và tất cả đều là “những người khám phá điều tốt”. Họ có thể nhận ra điều tốt nơi người khác trong mọi hoàn cảnh.

Có lẽ bạn đã nghe câu chuyện về một cậu bé, trong lúc giận dỗi đã hét vào mặt mẹ là cậu thù ghét bà. Thế rồi có lẽ vì sợ bị đòn nên cậu ta chạy lên đồi hét vọng xuống thung lũng “tao ghét mày, tao ghét mày, tao ghét mày”. Đột nhiên, từ dưới thung lũng có tiếng vọng: “tao ghét mày, tao ghét mày, tao ghét mày”. Nghe thế cậu ta hết hồn, chạy vội về nhà mách mẹ rằng dưới thung lũng có một thằng vô lại dám nói ghét mình.

Mẹ cậu liền dẫn cậu lên đồi rồi bảo cậu la lớn: “Tôi thương anh, tôi thương anh”. Cậu bé làm theo và ngay lập tức, từ dưới thung lũng có tiếng vọng lên: “Tôi thương anh, tôi thương anh”.

Cuộc đời cũng là một tiếng vọng. Bạn gieo gì gặt nấy, bạn cho ra sao sẽ nhận như vậy. Bạn thấy nơi người khác cái gì thì lòng bạn cũng có cái đó.

Dù bạn là ai, giữ chức vụ gì đi nữa, nếu muốn thành công rực rỡ trong bất cứ lãnh vực nào, bạn cũng phải thấy được “điều tốt” trong từng người và mọi hoàn cảnh. Bạn hãy coi đó là khuôn vàng thước ngọc cho cuộc sống của mình. Bạn thấy người khác thế nào thì sẽ cư xử với họ như vậy, đó là một chân lý phổ quát, nhưng nếu muốn thấy điều tốt hay khả năng nơi người khác để cư xử với họ tốt hơn đồng thời khiến họ làm việc hiệu quả hơn, thì bạn phải kiếm tìm mới được. Do đó “người khám phá điều tốt” chính là một người “tốt” và “thành đạt”.

Sau khi tìm thấy điều tốt, bạn phải cố gắng khuếch trương nó lên, vì kinh nghiệm cho thấy, nhiều khi ta có thấy điều tốt thật nhưng không biết biểu dương mà giữ thật kín, khác hẳn với lối sinh hoạt ở trường trung học Bay City, trong thành phố Bay City bang Texas.

Kể từ tháng mười năm 1976, với sự giúp đỡ nhiệt tình của ông hiệu trưởng Joe Graham, Barry Tacker phát động chương trình đánh giá những điểm tốt của học sinh trong trường, một điều thường ít ai để ý dù các bạn vẫn có những cử chỉ và thái độ tích cực, đầy tinh thần trách nhiệm.

Suốt niên học ấy, văn phòng ông Tacker đã nhận được danh sách của hơn 500 em được các giáo viên đánh giá là tốt. Ông Tacker cho biết việc này mang lại những kết quả sau:
1/ Các học sinh tốt được công nhận.
2/ Học sinh biết rằng thầy cô cũng để ý đến cả thái độ tốt của mình nữa chứ không chỉ để ý đến sự hỗn láo mà thôi.
3/ Ban giám hiệu sẽ biết rõ tên nhiều học sinh chứ không chỉ biết mặt thôi.
4/ Học sinh sẽ ngoan hơn vì các em đánh giá cao sự chú ý này.
5/ Thúc đẩy giáo viên tìm kiếm những tính tốt của học sinh trong lớp.

Mỗi khi được gọi lên văn phòng, phản ứng chung của các em học sinh là tự hỏi: “Không hiểu mình đã phạm lỗi gì đây!” và thấp thỏm chờ đợi hình phạt. Thế nhưng, khi ông Tacker kể cho nghe về thành tích các em đã đạt được thì các em liền mỉm cười vui vẻ.

Mỗi khi khen ngợi và đề cao ai, chắc chắn bạn cũng đạt được rất nhiều lợi ích.


VẤN ĐỀ LÀ

Hồi còn trẻ tôi có đọc một câu chuyện khó quên, về một cô bé lên năm, khởi nghiệp từ ban hát của nhà thờ. Giọng em rất hay và tràn đầy hứa hẹn. Càng lớn, em càng được nhiều nơi mời hát: Từ nhà thờ đến trường học rồi đến cả các buổi lễ hội. Gia đình biết em cần được luyện giọng thêm nên đã gởi em đến học với một nhà luyện giọng bậc thầy. Là người giỏi nhạc, lại cầu toàn nên thầy giáo rất khắt khe, chỉ hơi trật một chút là bắt học lại liền. Càng học, cô càng phục thầy nên dù tuổi tác cách biệt, dù thầy hay khe khắt phê bình, cô vẫn yêu ông và cuối cùng hai người lấy nhau.

Sau đó, ông vẫn luyện tiếp cho cô, song bạn bè nhận thấy giọng hát tuyệt vời, thiên bẩm của cô bắt đầu thay đổi. Cô hát một cách gò bó chứ không còn sôi nổi, phóng khoáng như xưa nữa nên những nơi mời hát thưa dần cho đến ngày chẳng còn ai mời cô hát nữa.

Thế rồi chồng cô qua đời. Từ đó cô hầu như bỏ hẳn không còn hát ca gì nữa. Tài năng của cô bị chôn vùi và ngủ im cho đến ngày một người bán hàng vui tính sôi nổi tỏ tình với cô. Một hôm nhân lúc rỗi rảnh, cô ngâm nga một khúc hát tuyệt vời ngày cũ. Người bán hàng chợt lặng đi trước giọng hát ngọt ngào ấy. Anh rối rít van nài: “Hát nữa đi, hát nữa đi em. Giọng hát em thật độc nhất vô nhị trên thế gian này”. Vấn đề ở đây không phải ở chỗ anh cho là cô hát hay hoặc hát dở mà ở chỗ anh biết chắc mình say mê giọng hát ấy nên mới đề cao vợ như vậy. Nhờ đó, cô ta lại thấy tự tin và bắt đầu được mời đi hát lại. Ít lâu sau, cô đã tái hôn với “người khám phá điều tốt” ấy và thành công rực rỡ.

Một số người coi lời khen như là làn gió thoảng nhưng ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng lời khen của người bán hàng hoàn toàn trung thực, chân thành và cần thiết. Thật vậy, lời khen chân thành là phương pháp khích lệ và dạy dỗ hiệu nghiệm nhất hiện nay. Tuy nó chỉ là hơi là gió nhưng giống như hơi bơm vào bánh nó thực sự giúp ta dễ dàng đi lại trên xa lộ cuộc đời.


BẠN LÀ DOANH NGHIỆP

Một nhà doanh nghiệp Nữu Ước bỏ một đô la vào ống tiền của người bán viết chì rồi vội vã bước lên xe điện ngầm. Nhưng nghĩ ngợi sao đó, ông lại bước xuống lấy mấy cây viết chì và phân bua với người bán viết là mình vội quá hoá quên, mong anh ta thông cảm.

Đoạn ông bảo: “Dù gì anh cũng là một nhà doanh nghiệp như tôi, anh có hàng để bán và nó có giá cả đàng hoàng cơ mà”. Nói xong ông bước lên toa xe vừa trờ tới.

Ít tháng sau, tại một buổi họp mặt quan trọng, một người bán hàng ăn mặc chỉnh tề tiến về phía nhà doanh nghiệp và tự giới thiệu: “Có lẽ ông không nhớ tôi và tôi cũng chưa được hân hạnh biết tên ông, song thú thực, tôi không bao giờ quên ông được. Chính ông đã giúp tôi lấy lại sự tự trọng. Tôi chỉ là một gã bán viết chì đói rách cho đến khi gặp ông và ông đã bảo cho tôi biết tôi là một nhà doanh nghiệp”.

Một nhà thông thái đã nói: “Nhiều người đã thành đạt hơn họ nghĩ nhờ người khác bảo rằng họ có thể làm được như vậy”.

Bạn nhìn người khác ra sao? Điều tốt nhất bạn có thể giúp người khác không phải là chia sẻ cho họ tài năng của bạn mà là giúp họ nhận ra tài năng của mình. Trong mỗi người tiềm ẩn biết bao khả năng.

Trong khi phần đầu chúng tôi đã dành ưu tiên để nói với bạn về chính bạn. Bước đầu tiên để đưa tới thành công là nhận biết khả năng của chính mình, bước kế đó là nhận biết khả năng của người khác. Một khi đã biết mình thì cũng rất dễ biết người, nhờ đó, ta có thể giúp họ khám phá tài năng của họ một cách dễ dàng.


NHỮNG CON CHUỘT

Nhiều năm trước, tiến sĩ Robert Rosenthal ở đại học Harvard đã hướng dẫn một loại thí nghiệm với ba nhóm sinh viên và ba nhóm chuột. Ông bảo nhóm sinh viên thứ nhất: “Các bạn may lắm vì được trông coi những chú chuột thông minh nhất. Chúng giỏi từ bé và rất sáng trí, chúng sẽ đi qua mê lộ dễ như bỡn, có điều phải tốn nhiều phó mát đấy vì chúng ăn khiếp lắm”. Đến nhóm thứ hai thì ông nói: “Chuột của bạn trung bình thôi. Chúng không sáng trí lắm song cũng không đến nỗi đần độn. May ra thì chúng đi qua được mê lộ. Chúng cũng ăn vừa phó mát thôi, có điều đừng đừng đặt quá nhiều hy vọng vào chúng, chỉ thế thôi”.

Còn nhóm thứ ba, ông bảo: “Mấy con chuột này tệ lắm, chúng có qua được mê lộ thì chỉ cũng ngẫu nhiên thôi chứ chúng không biết gì đâu. Có lẽ các bạn chỉ nên vẽ chữ phó mát ở cuối mê lộ thôi chứ chẳng cần mua phó mát làm gì cho uổng”.

Sáu tuần sau các sinh viên thực hiện thí nghiệm với những dụng cụ khoa học chính xác nhất. Những con chuột thông minh đã trình diễn thật xuất sắc. Chúng đi thẳng một mạch tới cuối mê lộ.

Mấy con trung bình thì cũng vượt qua mê lộ song chậm hơn nhiều, còn những con đần độn thì sao? Quả thật chúng cứ loay hoay, quẩn đi quẩn lại. Một hai con đến được đích thì cũng chỉ hoàn toàn do tình cờ chứ chẳng phải tính toán gì.

Điều thú vị là 3 nhóm chuột đó y hệt nhau. Tất cả đều ở mức trung bình và cùng một lứa. Sự khác biệt trong thao tác này hoàn toàn do sự đối xử khác biệt của các sinh viên hướng dẫn cuộc thí nghiệm mà ra. Họ đối xử khác biệt với chúng vì nghĩ rằng chúng khác nhau. Vì vậy, sự đối xử khác BIỆT SẼ TẠO RA NHỮNG KẾT QUẢ KHÁC BIỆT, CÁC SINH VIÊN ĐÂU BIẾT tiếng chuột nhưng chuột cũng có cách cư xử riêng. Cách cư xử chính là thứ ngôn ngữ phổ quát nhất.


CON CÁI – NHÀ BUÔN – BỆNH NHÂN – NGƯỜI LÀM – BẠN ĐƯỜNG

Xin phép được hỏi bạn vài câu:
Con cái bạn ra sao? Nếu là nhà buôn, bạn trông nom những gì? Nếu là cửa hàng trưởng, bạn thích hạng mậu dịch viên nào? Nếu là bác sĩ, bạn ưa hạng bệnh nhân nào? Nếu là chủ nhân, bạn muốn hạng người nào? Là chồng, bạn thích vợ mình ra sao? Là vợ, bạn muốn chồng mình thế nào?

Có lẽ bạn sẽ bảo tôi: từ từ chút coi, ông Ziglar ông mới nói về chuột lại đề cập ngay tới con cái, vợ chồng, tương lai buôn bán như vậy thì bố ai mà hiểu nổi. Ông thử nói rõ hơn được không? Dĩ nhiên là tôi nói đến tầm ảnh hưởng do cách cư xử của bạn đối với những người xung quanh đấy chứ.

Giờ ta trở lại với câu chuyện về những con chuột, nhưng ở một bước khác, vì cuộc thử nghiệm đã tiến sang một trường tiểu học địa phương.

Người ta bảo giáo viên thứ nhất: “Thầy may mắn đấy vì sẽ được dạy một lớp lỗi lạc. Các em rất giỏi, thầy chưa kịp hỏi chúng đã trả lời rồi. Chúng rất thông minh nhưng thầy nên cẩn thận kẻo bị lừa. Thế nào những em làm biếng cũng tìm cách dụ thầy bớt bài tập, đừng nghe chúng đấy! Cứ ra bài nhiều vào, chúng sẽ làm nổi hết , đừng có lo. Chúng có kêu bài khó, thầy đừng tin. Vì chúng sẽ làm nổi hết miễn là thầy tin tưởng, yêu thương, nghiêm minh và quan tâm đến chúng đúng mức”.

Còn giáo viên thứ hai được cho biết là học trò của mình ở mức trung bình cả về chỉ số thông minh lẫn quá trình học tập và khả năng, vì vậy chỉ nên hy vọng ở chúng những kết quả trung bình mà thôi.

Đến cuối niên học, lớp học sinh giỏi đã hơn hẳn lớp trung bình một năm học tập. Chắc bạn đã đoán được cốt lõi của câu chuyện!

Thực ra, không có học sinh lỗi lạc, tất cả đều là những học sinh trung bình. Sở dĩ có khác biệt là vì thái độ cư xử của các giáo viên. Giáo viên tưởng các học sinh trung bình là xuất sắc do đó đã đối xử, trông nom các em học hành xuất sắc nên các em đã được vậy.

Các em có một lý tưởng để cố vươn lên.

Bởi vậy: BẠN NHÌN CHÚNG THẾ NÀO THÌ SẼ CƯ XỬ VỚI CHÚNG NHƯ VẬY, VÀ BẠN CƯ XỬ VỚI CHÚNG THẾ NÀO THÌ THƯỜNG CHÚNG SẼ TRỞ THÀNH NHƯ VẬY.

Xin hỏi bạn thêm. Con cái bạn có thể khôn khéo hơn lên trong vòng năm phút không? Những mậu dịch viên trong công ty bạn ra sao? Họ có sản xuất, thông minh, lành nghề và khéo léo hơn lên trong vòng năm phút không? Còn vợ bạn thì sao? Cô ấy có xinh đẹp và dễ thương hơn không? Hoặc chồng bạn có oai hơn không? Nếu không thì bạn phải lật lại những trang này mà đọc lại ngay mới được, vì bạn đã quên mất điểm cốt yếu về gia đình, bè bạn cũng như những người cộng tác với bạn đang có vấn đề. Vấn đề đó chính là bạn.

Về điểm này, một tác giả đã diễn tả thật tuyệt vời: Nếu bạn đánh giá ai đúng hiện trạng họ, bạn sẽ khiến họ tệ hơn, còn nếu bạn coi họ là người tốt nhất, họ sẽ trở nên người tốt nhất.

Còn nếu con cái, chồng hoặc vợ cũng như người cộng sự của bạn tiến bộ hơn thì tôi xin chúc mừng vì bạn đã thành công.

Một người điển hình cho nguyên tắc nhìn thấy điều tốt nơi người khác là cựu huấn luyện viên bóng rổ John Wooden. Wooden đã nhìn vào con người toàn diện nơi các cầu thủ bóng rổ của mình. Ông quan tâm đến cả đạo đức lẫn sự lanh lẹ. Ông cũng tin tưởng và dạy họ là mọi việc ở đời sẽ trở nên giá trị khi ta biết lưu tâm đến người khác. Đặc điểm của đội banh ông là có tinh thần đồng đội, biết hy sinh, có tinh thần thể thao, luôn hăng say, giữ được quân bình và ưu thế. Đây chính là đội banh từng đoạt giải 10 lần trong 12 lần dự giải vô địch quốc gia. Kết qủa ấy khiến ta khó mà phủ nhận lý thuyết của ông được. Có lẽ điều khiến bạn ngạc nhiên hơn nữa là người chiến thắng nhiều nhất ấy lại không cho chiến thắng là điều tối quan trọng. Thật vậy, ông không bao giờ đề cập đến việc đoạt giải đối với các cầu thủ cả. Ông chỉ nhấn mạnh với họ là phải “cố gắng hết sức mình”. Đối với ông, một cầu thủ chỉ tệ hại khi không chịu gắng hết sức mình mà thôi.


ANNIE BÉ BỎNG

Cách đây khá lâu, cô “Annie bé bỏng” đã bị nhốt vào một phòng giam ở bệnh viên tâm thần ngoài thành phố Boston, bang Massachusetts. Mặc dù đây là một trong những viện điều trị những rối loạn tâm thần có tiếng, các bác sĩ vẫn phải cần đến những phòng giam cho các ca mất trí nặng. Trường hợp Annie, họ đã tuyệt vọng nên cô bị giam sống trong cũi sắt nhỏ hẹp chỉ có một chút ánh sáng và rất ít hy vọng.

Tại viện ấy có một bà y tá già sắp về hưu. Bà tự nghĩ đã từng là tạo vật của Thượng Đế thì ai cũng có thể lành bệnh được nên bà bắt đầu đem bữa trưa lên ăn ngay trước cũi nhốt Annie. Bà nghĩ mình sẽ có thể giao cảm và thông truyền niềm hy vọng cho cô gái bé bỏng đó.

Annie thì gần như thú vật vậy. Lúc thì cô hung hăng tấn công mọi người bước vào cũi, lúc lại lạnh lùng không hề chú ý gì đến họ cả. Khi bà y tá bắt đầu thăm nom, Annie không hề màng đến bà.

Một hôm, bà y tá thử mang sôcôla đến phòng giam đặt bên ngoài rào sắt nhưng Annie vẫn thờ ơ như trước. Tuy nhiên, hôm sau quay trở lại, bà y tá không thấy sôcôla đâu nữa.

Ít lâu sau, các bác sĩ nhận thấy có sự biến chuyển và một thời gian sau họ đã quyết định chuyển Annie lên lầu và cuối cùng “ca tuyệt vọng” này đã được phép xuất viện về nhà. Song Annie không muốn rời viện. Cô muốn ở lại quê hương thứ hai này để góp sức giúp đỡ các bệnh nhân khác. Bà y tá già đã thấy và đã giúp cho đời cô rất nhiều nên cô nghĩ mình cũng sẽ thấy để giúp người khác phát triển khả năng của họ.

Nhiều năm sau. Khi gắn huy chương cao quý nhất dành cho người ngoại quốc, nữ hoàng Victoria nước Anh đã hỏi Helen Keller:
- Nhờ đâu cô có thể làm được nhiều việc lớn lao trong khi vừa đui vừa điếc như vậy?

Helen Keller đáp ngay rằng nếu không có Annie Sullivan (Annie bé bỏng) thì đã chẳng ai biết tên Helen Keller.

Nếu tôi không lầm thì trước khi mắc chứng bệnh bí ẩn khiến cô đâm ra tuyệt vọng thì Helen Keller cũng là một cô bé bình thường như bao cô bé khác. Annie Sullivan đã thấy và coi cô như một thụ tạo đặc biệt của Thượng Đế – nên đã đối xử với cô theo cách nhìn ấy – bà đã yêu thương, giúp đỡ cô vào khuôn phép – chơi đùa, cầu nguyện, khuyến khích và làm việc cùng cô cho tới khi ngọn đèn đời cô toả chiếu lấp lánh, soi rọi và làm vơi bớt gánh nặng của mọi người trên đời. Thật vậy, sau khi đời mình được “Annie bé bỏng” tác động, Helen Keller đã tác động đến hàng triệu người trên thế giới.


ĐÔI MẮT LÀ CỬA SỔ TÂM HỒN

Cách đây đã lâu, ở Northern Virginia có một cụ già đứng bên bờ sông loay hoay tìm cách qua bờ bên kia. Sông không có cầu, trời lại càng ngày càng lạnh buốt nên cụ tính “đón các kỵ sĩ” quá giang. Cụ chờ thật lâu mới thấy một đoàn người ngựa tiến lại gần. Con ngựa thứ nhất đi ngang, cụ không nói gì, rồi con ngựa thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm... đi ngang, cụ vẫn đứng yên. Đến người cuối cùng cỡi ngựa tiến lại gần, cụ già nhìn thẳng mắt vào người ấy nói: Thưa cậu, cậu có thể cho tôi quá giang được không ạ?

Chàng kỵ mã đáp ngay:
- Ồ, được chứ, mời cụ lên yên!
Tới bờ bên kia, cụ già tụt xuống đất.

Trước khi đi, chàng kỵ mã hỏi:
- Thưa cụ, cháu không hiểu tại sao cụ không hỏi những người đi trước cho quá giang mà lại hỏi cháu?

Cụ già chậm rãi đáp:
- Tại vì khi nhìn vào mắt họ tôi thấy chúng chẳng biểu lộ chút tình thương nào nên tôi nghĩ có hỏi cũng uổng công. Còn khi nhìn vào mắt cậu, tôi thấy nó chứa chan lòng đồng cảm, thương yêu và sự giúp đỡ nên tôi biết chắc thế nào cậu cũng đồng ý, vì vậy tôi mới hỏi xin cậu.

Nghe vậy, chàng kỵ mã khiêm tốn đáp:
- Cháu chân thành cám ơn cụ, lời nhận xét của cụ thật quí giá đối với cháu.

Câu ngạn ngữ “con mắt là cửa sổ tâm hồn” quả lúc nào cũng đúng cả. Tuy nhiên, nếu bạn là chàng kỵ mã cuối cùng, liệu cụ già có dám xin bạn cho quá giang không? Đó mới là điều quan trọng vì giữa lời khuyên và thực hiện là một khoảng cách lớn. Phải làm sao để bản thân cũng như lời khích lệ trở nên nhịp cầu cho một hoặc nhiều người trong chuyến vượt sông quan trọng đó.

Harvey Firestone, chuyên viên giúp đỡ những người leo núi hoàn thành xuất sắc công việc gian lao, đã diễn tả điều này một cách tuyệt vời như sau: BẠN SẼ NHẬN ĐƯỢC TỐT NHẤT NƠI NGƯỜI KHÁC KHI CHO ĐI ĐIỀU TỐT NHẤT NƠI MÌNH.


NHẬN BIẾT VÀ ĐÁP ỨNG NHU CẦU

Câu chuyện của La Von và Vern Dragt là một điển hình về lòng dũng cảm cũng như quyết tâm thực hiện nguyên tắc này đồng thời cho thấy là họ xác tín rằng niềm tin và sự cần cù chính là câu trả lời cho hầu hết các vấn đề của cuộc sống. Vern là người thợ đắp thạch cao giỏi, được trả lương cao. Năm được 3 đứa con thì ông bất ngờ bị bại liệt.

Bốn năm rưỡi nghỉ việc sau đó đúng là một cuộc chiến đấu dũng cảm một mất một còn. Nay thì Vern và La Von đang điều hành cơ sở doanh thương Tupperware Dealers bao gồm trên 1000 nhân viên giao hàng với doanh số hàng năm là 8 triệu đô la.

Những diễn biến xảy ra từ lúc bị bại liệt đến tình trạng hiện nay là cả một thiên truyện dài. Khi Vern ngã bệnh và tiền dành dụm đã cạn thì La Von phải đi làm thuê, một công việc nặng nhọc bắt bà phải còng lưng 10 tiếng mỗi ngày, vì vậy bà đã hưởng ứng lời chiêu mộ của Tupperware, rồi đâm ra say mê việc doanh thương và cuối cùng, sau đợt liên hoan thứ hai, bà đã quyết định đi bán trọn ngày. Công việc thú vị và tiện lợi ở chỗ bà có thể sắp xếp thời khoá biểu tùy theo việc nhà chứ không như trước đây. Lúc bấy giờ bà mới chợt thấy là những người khác cũng gặp những vấn đề tương tự nên bắt đầu ra tay thu xếp giúp họ. Kết quả bà trở thành người điều phối số một trong nước, và nuôi sống được cả nhà lại vừa có cơ hội giúp ích cho cộng đồng cũng như người đồng loại và đồng đạo nữa. Trong quá trình hoàn thành mục tiêu của mình Vern và La Von đã giúp cho 125 viên quản lý và vô số người giao hàng của mình được làm chủ những chiếc xe choáng lộn và thành đạt ở đời. Ông bà đã tạo cơ hội cho hàng trăm người khác đi lên, trong số đó có cả Hal Empey hiện là phó chủ tịch của Tupperware nữa. Thành công kỳ diệu của ông bà là kết quả của việc nhận ra những nhu cầu của người khác và cố gắng đáp ứng chúng.

Bạn sẽ đối xử với người khác theo cách nhìn của bạn và nếu bạn nhìn họ như Vern và La Von tất sẽ nhận được nhiều vì bạn đã cho nhiều.


NUÔI NGƯỜI – BẠN SẼ ĐƯỢC ĂN NGON

Có một chuyện cổ, kể rằng: Ngày xưa có một người đàn ông được đi thăm lần lượt cả thiên đàng lẫn địa ngục để biết đường lựa chọn. Vì dành ưu tiên cho Thần Ác nên ông bắt đầu “tham quan” địa ngục trước. Thoạt trông, ông hết sức ngạc nhiên vì mọi người dưới đó đều tề tựu quanh một bàn tiệc chất đầy mọi thứ sơn hào hải vị, mà người khó tính đến đâu cũng chẳng thể đòi hỏi hơn.

Nhưng để ý nhìn kỹ, ông lại càng ngạc nhiên hơn vì không thấy ai mỉm cười hài lòng cả. Bầu khí cũng vắng lặng, đìu hiu không có vẻ gì là tiệc tùng hết. Người ngồi dự tiệc ai nấy đều hững hờ, chán nản, chỉ còn da bọc lấy xương. Tay trái người nào cũng cột một cái xiên và tay phải cột một con dao nhưng cả hai đều có cán dài cả thước nên họ không sao đưa đồ ăn vào miệng được. Do đó mà họ đã chết đói ngay trên bàn tiệc.

Sau đó, ông lên thiên đàng. Cảnh vật cũng giống hệt dưới địa ngục. Cũng sơn hào hải vị, cũng dao, xiên có cán dài cả thước. Song mọi người ở đây đều cười đùa, hát xướng hết sức vui vẻ. Họ ăn uống no say và hồng hào khoẻ mạnh. Người đàn ông ngạc nhiên tự hỏi: Tại sao cùng một hoàn cảnh như nhau mà kết quả trái ngược hẳn như vậy nhỉ? Người dưới địa ngục thì đói khát, khổ sở, còn người trên thiên đường lại no đầy, hạnh phúc?

Cuối cùng, ông cũng tìm được câu trả lời: Thì ra, ở địa ngục ai cũng cố đút thức ăn vào miệng mình, nhưng dao với xiên quá dài không sao tới được, còn trên thiên đàng thì mọi người cố gắng đút cho người ngồi đối diện mình nên ai cũng no say.

Quả thật, khi giúp người khác là giúp chính mình. Bài học quả đã rõ, các bạn nhận định hoàn cảnh và con người hết sức quan trọng, vì bạn sẽ cư xử với người khác và hoàn cảnh tuỳ theo nhận định của bạn. Chính vì vậy mà tôi nhắc đi nhắc lại rằng: BẠN SẼ ĐẠT ĐƯỢC MỌI ƯỚC MƠ NẾU BẠN BIẾT GIÚP NGƯỜI KHÁC ĐẠT ĐƯỢC ĐIỀU HỌ MUỐN.
CHƯƠNG 8: BẤT CHẤP TỐT XẤU CON GIỮA, BAO GIỜ CŨNG “KHÁC”

Mời bạn nghe câu chuyện rắc rối của gia đình tôi. Gia đình tôi bắt đầu gặp rắc rối khi nhà tôi sinh cháu gái thứ ba. Lúc đó cháu thứ hai khoảng năm tuổi. Chúng tôi biết thế nào cũng gặp “rắc rối” với cháu vì bạn bè, thân quyến ai cũng bảo là những đứa con giữa bao giờ cũng “khác biệt” và rắc rối hơn những đứa khác.

Họ bảo sở dĩ như vậy vì chúng không được an ổn và độc lập như đứa lớn nhất đồng thời chẳng được âu yếm và quan tâm như những đứa út. Thực ra, trẻ con có tinh thần hợp tác lắm chứ không như bạn nghĩ đâu. Nếu cha mẹ cho là đứa con giữa khác những đứa khác tất cũng sẽ đối xử khác với chúng. Kết qủa là, đứa trẻ non nớt tội nghiệp ấy sẽ hết lòng cộng tác với cha mẹ để trở nên “khác” đúng theo ý họ muốn.

Tiếc một điều là bạn bè, thân quyến không cho chúng tôi hay sự “khác biệt” này có hay không hoàn toàn tùy ở cách người lớn cư xử với chúng.

Riêng trường hợp gia đình tôi, thì quả là tôi đã đối xử với cháu giữa hệt như cách mọi người đã chỉ. Hễ phải la rầy nó là tôi đay nghiến mãi không thôi: “Sao con Cindy khóc dai như đỉa vậy. Tại sao nó không chịu giống hai đứa kia cho tôi nhờ mà lại khác quá như thế chứ? Tại sao mặt mũi nó lúc nào cũng như đưa đám thế kia nhỉ”. Và thế là cháu chỉ còn cách xử sự y hệt như tôi nghĩ mà thôi. Mà quả đáng tội, lúc đầu nó có khác gì hai đứa kia đâu cơ chứ. Sau cùng, chúng tôi bắt đầu học hỏi và đã tìm được lời giải đáp thoả đáng trong câu Kinh Thánh: “Bạn gieo gì sẽ gặt nấy”. Quả vậy, bạn không thể mong gặt được một đứa trẻ tích cực với những hướng dẫn tiêu cực được, cũng như bạn không thể trồng đậu để gặt khoai vậy.

Thế là chúng tôi thay đổi cách xử sự ngay. Mỗi khi khách đến nhà, vợ chồng tôi luôn cố gắng giới thiệu Cindy một cách đặc biệt: “Cháu gái bé bỏng của chúng tôi đây này, cháu vui vẻ lắm nên ai cũng quí cháu cả. Cháu cười đùa luôn miệng ấy”. Rồi quay sang cháu, chúng tôi hỏi: “Này con, biệt hiệu của con là gì nhỉ?”. Cháu bé liền nhe hàm răng sún ra cười đáp: “Con tên là Tadpole” (biệt hiệu dành cho các cô bé xinh đẹp). Chúng tôi lại khoe tiếp: “Cháu nó cười đùa luôn miệng, anh chị ạ. Nó vui vẻ, khả ái và dễ thương lắm. Phải vậy không bé cưng?”. Cô bé nhe răng ra đáp liền: “Thưa ba má, vâng ạ”.

Cứ vậy mà chỉ hơn một tháng sau chúng tôi đã thành công rực rỡ đấy! Một hôm có khách đến nhà tôi gọi Cindy đến giới thiệu: “Cháu gái mà ai cũng quí của chúng tôi đây này. Bé cưng, nói cho bác biết tên con là gì đi nào”. Cháu liền nắm áo tôi nói: “Ba ơi, con đổi tên rồi!”. Hơi ngạc nhiên, tôi hỏi: “Thế tên bé bây giờ là gì nào”. Bé toét miệng cười thật rạng rỡ đáp: “Tên con là Tadpole hạnh phúc”.

Láng giềng ai cũng muốn biết nhờ đâu Cindy đã biến đổi hẳn như vậy. Quả Cindy có biến đổi thật, nhưng chỉ từ khi chúng tôi bắt đầu coi cháu như đứa trẻ ngoan nhất trên đời mà thôi. Khi chúng tôi nhìn cháu với ánh mắt mới, coi cháu như đứa bé dễ thương, hạnh phúc, cháu đã nghĩ mình như vậy thật, bởi đó chúng tôi đã đổi tên cháu thành “Ngọt” (Sweetning).

Thật vậy, bạn nhìn người ra sao thì sẽ cử xử với họ như vậy. Nên việc học cách “nhìn” người khác cho đúng là điều hết sức quan trọng.

BA CÔ BÉ

Một hôm, có anh bạn ghé thăm chúng tôi. Anh dẫn theo ba cháu gái, một cháu lên 3, một cháu lên 5 và cháu lớn nhất lên 7. Cả ba cháu đều ăn mặc rất đẹp và xinh như búp bê vậy. Thật khó mà tin nổi cách anh giới thiệu 3 cô bé của mình. Anh bảo tôi: “Đây là con nhỏ biếng ăn, con kia không biết nghĩ đến mẹ còn con này tối ngày chỉ la hét om sòm”.

Dĩ nhiên, bạn tôi rất thương con. Cứ nhìn vẻ mặt và ánh mắt anh khi chơi đùa với chúng thì biết, chỉ tiếc một điều là anh đã cho chúng cơ hội để sống tệ hơn! Anh nhìn chúng ra sao tất sẽ cư xử với chúng như vậy. Anh đang áp đặt những lời chỉ dẫn tiêu cực lên từng đứa con. Hễ có dịp, anh lại than mình có một cô bé “biếng ăn”, một cô “không biết nghĩ đến mẹ”, một cô “suốt ngày la hét”. Khổ thay, anh không bao giờ biết tại sao lại như vậy cả.

Quả đúng là ta gieo gì sẽ gặt nấy thật! Bởi vậy cách ta nhìn con cái mình hết sức quan trọng vì nó xác định điều ta gieo nơi chúng để rồi sẽ là chính điều ta gieo trở thành.

Ngay cả khi lên đại học, nhiều sinh viên cũng vẫn bị các giáo sư huênh hoang áp chế. Các vị này hãnh diện tuyên bố rằng trong lớp họ bao giờ cũng phải có một tỷ lệ sinh viên “rớt” và không anh nào đáng được điểm “A” cả. Hiển nhiên các vị này không bao giờ nghĩ là phải lo che đậy sự dốt nát về sư phạm của mình qua những lời tuyên bố huênh hoang ấy cả. Theo thiển ý các vị ấy nên làm việc chuyên cần hơn để có thể vỗ ngực xưng tên mình là giáo sư giỏi vì có nhiều học trò đạt điểm “A” và ai cũng có thể thọ giáo mình được mới phải. Xin bạn chớ hiểu lầm. Tôi không có ý nói là thầy giáo phải tự hào về học trò và bảo chúng rằng chúng đang học tập tốt cho dù sự thật ngược hẳn lại đâu. Một nghiên cứu mới đây ở San Francisco cho thấy rằng việc khen ngợi thường xuyên các sinh viên học dở là cách xử sự tàn nhẫn nhất vì nó sẽ sản sinh những người dốt nát có bằng cấp, nhưng không thể đua tranh với đời, nó sẽ tạo nên những con người vỡ mộng đắng cay bắt xã hội phải trả giá vì đã chẳng cho họ vốn liếng đủ để đua tranh. Vậy phải giải quyết làm sao? Không thể có câu trả lời độc nhất cho một vấn đề giáo dục phức tạp như vậy được song tôi thiết nghĩ là phải tìm ra sở trường của học sinh rồi kiên nhẫn, thông cảm giúp chúng phát huy và đồng thời kiên quyết hướng dẫn chúng, nhất là chỉ nên phê phán việc chúng làm chứ đừng phê phán chính chúng.

HÃY PHÊ PHÁN VIỆC LÀM – ĐỪNG PHÊ PHÁN NGƯỜI LÀM. TÓM LẠI, KHI HƯỚNG DẪN HỌC SINH, BạN hãy khích lệ chúng thật nhiều nhưng đừng phỉnh phờ, ca ngợi những thành quả không có nơi chúng. Khích lệ bằng cách cho chúng biết rằng chúng chưa tận dụng hết khả năng sẵn có – rằng chúng còn có thể đạt được những thành tích tốt đẹp hơn nữa. Khi hình ảnh của chúng đã thay đổi thì kết quả cũng sẽ thay đổi.

Đó là cách hiệu nghiệm nhất để gặt hái được thành quả tối đa nơi một cá nhân. Tóm lại, bạn hãy cho chúng một lý tưởng để vươn tới. Hãy thuyết phục chúng là chúng có thể đạt tới – để rồi chúng sẽ đạt tới.


NỮ HOÀNG BÁN HÀNG

Mary Kay Ash, chủ tịch công ty mỹ phẩm Mary Kay, hiểu rất rõ giá trị và tầm quan trọng trong việc nhìn ra mặt tốt và khả năng của người khác. Bà biết rõ giá trị từ cả hai phía.

Đầu tiên bà làm việc với công ty Stanley Home Products để nuôi hai đứa con nhỏ. Lúc đầu công việc chẳng ra gì, nhưng khi thấy các cô gái khác làm thật giỏi giang, bà tự biết là thời cơ đã đến nên đã cố gắng gấp đôi.
Ít lâu sau, một hội nghị toàn quốc được tổ chức tại Dallas. Mary Kay liền đi vay 12 đô la trả lộ phí và tiền phòng. Bà chỉ có vỏn vẹn bấy nhiêu, nên phải mang phó mát và bánh quy theo để ăn trong 3 ngày hội. Hội nghị đã gây được niềm phấn khởi lớn. Đêm kết thúc, khi ông Stanley Beverage đặt Vương miện nữ hoàng bán hàng lên đầu một phụ nữ mảnh khảnh nước da đen thì Mary Kay đã quyết định khởi hành trên đường dẫn tới thành công.

Khi bước xuống xếp hàng để bắt tay từ giã ông chủ tịch Beverage tới lượt mình, bà nhìn thẳng vào mặt ông và bảo: “Thưa ông Beverage tối nay ông không biết tôi là ai, nhưng bằng giờ sang năm, tất ông sẽ biết tôi vì tôi sẽ là nữ hoàng bán hàng năm tới”. Dĩ nhiên, Stanley Beverage có thể bửa vài câu xóc óc. Nhưng ông đã không làm. Hẳn ông đã thấy một điều gì đặc biệt nơi Mary Kay khi bắt tay và nhìn thẳng vào mắt bà, nên ông mới bảo: “Bà biết đấy, tôi nghĩ là bà sẽ làm được”, và bà đã làm được thật. Sau đó bà đã thành công rực rỡ với công ty đó cũng như với một công ty khác. Thế rồi một hôm, bà “nghỉ hưu” một cuộc nghỉ hưu khoảng một tháng với 12 giờ làm việc mỗi ngày. Sau một hai ngày suy nghĩ để tập trung tư tưởng, bà lấy một tờ giấy vàng và bắt đầu phác hoạ. Bà kê ra tất cả những gì mình thích nơi các công ty mình đại diện.

Bà viết ra những gì mình cho là quan trọng đối với một phụ nữ đang tìm kiếm sự nghiệp trong việc bán hàng. Bà quyết định mở công ty riêng và đặt nền tảng trên việc cho phép nhân viên sử dụng vẻ đẹp và khả năng phụ nữ của mình. Bà thấy rằng giúp người khám phá ra khả năng của họ sẽ có lợi và quan trọng hơn là cho họ một phần khả năng của mình. Bà thấy phụ nữ đủ sức kiếm được những món tiền lớn và hưởng dùng những món hàng cao cấp, gồm cả xe Cadillac nữa. Với số vốn giới hạn, công ty mỹ phẩm Mary Kay khai trương vào tháng 8 năm 1963, và chỉ đến cuối năm, công ty đã bán lẻ được 60.000 đô la hàng. Năm 1976, công ty mỹ phẩm Mary Kay bán được gần 88 triệu đô la và gồm gần 40.000 cố vấn giám đốc trên khắp nước Mỹ. Có nhiều lý do giải thích câu chuyện thành công này, nhưng tất cả đã bắt đầu khi một người “thấy” được một cái gì đặc biệt nơi Mary Kay. Cái gì đó đã tiếp tục và lớn lên vì bà đã duy trì chúng trong một viễn cảnh thịnh vượng. Bà dạy nhân viên: Trước nhất là gia đình rồi mới đến công ty mỹ phẩm Mary Kay. Bà cũng đã và đang “nhìn ra” những khả năng vĩ đại của nhân viên mình và cư xử với họ theo cái nhìn đó. Kết quả là bà “thấy họ” đang lái những chiếc Cadillac màu hồng của Mary Kay trên khắp nước.


ĐỀN TRẢ BẰNG CHIA SẺ

Thiếu tá Anderson, một sĩ quan nổi tiếng trong cuộc chiến tranh cách mạng, có một thư viện. Vốn tính quảng đại nên ông mở cửa cho tất cả các thanh niên trong vùng muốn bồi bổ thêm kiến thức.

Trong những thanh niên thường đến nhà thiếu tá Anderson mỗi sáng thứ bảy ấy có một chàng trai xứ Ê-Cốt. Anh ta rất biết ơn thiếu tá đã cho mình cơ hội đọc sách suốt ngày. Dĩ nhiên là anh đã học hỏi thêm được rất nhiều, vì sau đó, Andrew Carnegie (tên chàng thanh niên) đã trở nên một trong những người giàu có và sáng chế nhiều nhất mà nước Mỹ có thể sản sinh. Mình ông đã tạo được 43 nhà triệu phú vào một thời mà các nhà triệu phú có thể đếm trên đầu ngón tay. Carnegie đã tiếp tục công việc hữu ích của thiếu tá ngày nào. Ông sáng lập những thư viện Carnegie trên khắp nước Mỹ, nhờ đó hàng ngàn người đã được hưởng lợi nhờ sự quảng đại của ông.

Thật vậy, mỗi khi bạn nhận ra, nuôi dưỡng và phát triển khả năng của người khác là bạn đã có công rất lớn. Dĩ nhiên, điều đáng kể nhất là càng cho đi nhiều, bạn càng NHẬN ĐƯỢC NHIỀU!



HAI THẤT BẠI LỚN

Một giáo sư đại học bình thường có bà vợ nặng tai, nên cứ mơ ước chế được một máy nghe cho người vợ yêu dấu. Ông đã dành từng đô la, từng giây phút rảnh rỗi để thực hiện ước mơ này. Lịch sử đã cho ta biết là ông thất bại nhưng nhờ đó đã tiến xa hơn. Alexander Graham Bell đã thất bại với mục tiêu trước mắt, nhưng loài người đã được hưởng lợi lớn lao nhờ ông hiến mình giải quyết vấn đề của người khác. Ông không giúp đỡ được vợ, thay vào đó, lại giúp đỡ được hàng triệu người.

Nhiều năm trước đó, một nhà phát minh người Đức tên Wilhelm Reiss cũng đã chế được một máy truyền thanh hữu tuyến. Giả như Reiss cố di chuyển hai điện cực lại gần nhau thêm 1/1000 inches thì ông đã chế được điện thoại rồi. Tiếc là Reiss bỏ lỡ mất cơ hội trở nên người bất tử chỉ trong gang tấc. Sự thất bại trong gang tấc ấy khiến ta phải tự hỏi: Nếu Reiss làm việc với cùng một động lực như Bell thì điều gì đã xảy ra? Phải chăng sẽ có cơ may là các điện cực “bất ngờ” chạm nhau? Khó ai mà biết được.


VỊ CHỦ LỄ TRÙ BỊ

Cách đây nhiều năm, ông bạn David Smith có gọi điện hỏi xem tôi có thể đóng vai vị chủ lễ trù bị giúp ông trong buổi vũ hội hàng năm của câu lạc bộ Elks không. Tôi trả lời đùa là mình lúc nào cũng muốn đóng vai vị chủ lễ trù bị hết. Ông liền nói: Thế thì tốt lắm. Đây là buổi lễ lớn hàng năm của chúng tôi. Một chính khách địa phương có hứa đến nhưng chúng tôi không chắc ông có đến được không nữa.

Đây là một buổi lễ hội đúng nghĩa với áo đuôi tôm cà vạt và ban nhạc sống. Vợ tôi và tôi đến khá sớm và khi nhìn thấy David khiêu vũ, chúng tôi hết sức ngạc nhiên trước vẻ khéo léo và duyên dáng của ông. Khi nghe chúng tôi nồng nhiệt khen ngợi, ông có vẻ rất thích nhưng hơi ngượng. Rồi ông giải thích cho chúng tôi hay mình đã từng có thời làm vũ sư. Lúc đó, tôi mới chợt thấy là tuy quen nhau đã bao năm vậy mà tôi còn biết quá ít về ông nên mới nài ông kể cho nghe qua về đời ông một chút.
Ông bảo tôi ông đã phải thôi học năm 16 tuổi để làm việc giúp gia đình. Mãi năm 22 tuổi ông mới được đi học lại và tốt nghiệp trung học vào năm 25. Ông kể mình có 3 cô con gái, 2 cô làm giáo viên và một trong 2 cô này vừa đậu cử nhân. Ông có vẻ rất tự hào về gia đình mình, điều đó cũng phải thôi.

Song điều đáng nói nhất nơi David là tuổi tác của ông. Ông đã 66 tuổi, vậy mà tôi chưa gặp ai làm việc siêng năng như ông cả. Hiện ông là người làm việc trong kho của chúng tôi và câu chuyện đời ông quả là những bài học sống động. Nó tái khẳng định rằng ta không thể đánh giá một người qua vẻ bề ngoài được. Câu chuyện đó cũng cho thấy: CÁCH TA LÀM VIỆC SẼ ĐEM LẠI GIÁ TRỊ CHO BẤT CỨ CÔNG VIỆC CHÂN CHÍNH NÀO.

Nghề coi kho có lẽ chẳng có lợi gì cho một số người nhưng nó đã giúp David Smith nuôi nấng và dạy dỗ được 3 cô con gái. Hơn nữa, nó cho thấy một sự kiện là CƠ HỘI NẰM NGAY TRONG BẢN THÂN CON NGƯỜI CHỨ KHÔNG PHẢI TRONG CÔNG VIỆC. ÔNG ĐANG LÀM VIỆC ĐẾN NƠI ĐẾN chốn và có thể dùng nó để phục vụ người khác. Song điểm chính yếu vì David Smith đã muốn con gái “khá hơn” nên ông đã tự hiến cho chúng nhiều hơn. Kết quả là mọi người đều thắng lợi. Còn gì phấn khởi hơn ý nghĩ sau này cháu chắt sẽ còn tiến xa hơn nữa! Mà điều này tất nhiên thôi, vì David Smith, trước tiên đã tự rèn luyện rồi rèn luyện con cái là những người sau này sẽ rèn luyện cháu chắt...


ĐỪNG MƯỚN HẮN – HẮN LÀ KẺ NGOÀI LỀ XÃ HỘI

Xã hội chúng ta có một quan niệm khá thú vị về công lý, là bắt phạm nhân phải chịu hình phạt. Xử sự như vậy là đúng. Tuy nhiên, xã hội thường xử quá lố đối với những người ấy. Thật vậy dù có bảo phạm nhân: Bạn phạm tội nên phải đền. Giờ đã đền xong thì tôi với bạn lại y như nhau thôi. Nhưng thực sự, phần lớn trường hợp đều không dễ như vậy. Tại nhiều nơi, 80% phạm nhân lại phải trở lại nhà tù không phải vì họ thích cuộc sống đằng sau chấn song sắt hơn cuộc sống tự do mà chỉ vì cách đối xử vô tình hay ác ý của xã hội. Nếu một phạm nhân thú thực quá khứ của mình khi đi xin việc, phần chắc là họ sẽ bị từ chối. Trường hợp anh ta giấu giếm thì điều không thể tránh khỏi là khi sự thực bị phát hiện, anh ta thường mất việc dù có làm tốt đến đâu đi nữa. Lý do giản dị lắm, nhìn họ ta luôn thầm nghĩ “Đây là một phạm nhân, một tên cướp, một tay dối trá, lừa bịp...”. Nên nhớ là ta nhìn người ra sao tất sẽ cư xử với họ như vậy. Vì thế, khi coi kẻ sống ngoài lề xã hội kẻ cướp ắt ta sẽ đối xử với họ như đối với kẻ cướp. Lối nhìn đó cộng với sự quá nhạy cảm trước mỗi xúc phạm thực sự hay tưởng tượng sẽ khiến ta kết án họ thật dễ dàng. Trước hàng loạt cố gắng sửa mình bị thất bại, họ bắt đầu nhận ra thực tế phũ phàng của mình, nên lý luận: “Mọi người đều biết mình là kẻ ngoài lề xã hội nên chẳng ai tin mình nữa. Họ nghĩ thế nào mình cũng tái phạm nên canh chừng mình thật kỹ. Chỉ sơ sẩy là mình sẽ bị đuổi ngay thôi. Dù sao phải có tiền mình mới đi được, vì thế, chỉ có cách ăn trộm mà thôi. Vả lại, thế cũng đáng kiếp cho họ”. Chính ý nghĩ này đã đưa họ trở lại nhà tù.

Vấn đề là như vậy. Giải quyết cách nào bây giờ? Trước tiên, phải tập trung vào việc chuẩn bị cho họ tái hội nhập vào xã hội (nói ra sợ bạn cười chứ tôi nghĩ nên cho họ học qua khoá “Đời sống phong phú hơn” trong sách này) thay vì chỉ trừng phạt lỗi lầm của họ.

Thứ đến, hãy luôn nhớ lời Thánh Kinh: “Nếu anh em con có điều gì thất thế, hãy sửa bảo và nếu nó hối hận, hãy tha thứ và đối xử tử tế với nó” (Luca 17,3). Tục ngữ cũng có câu: “Bạn chỉ có thể thấy nơi người khác điều đã có nơi mình”, nên hãy tìm kiếm điều tốt nơi người vì đó là cách tốt nhất để tìm ra điều tốt nơi mình.


ĐA SỐ CHÚNG TA ĐỀU XÀI HAI TIÊU CHUẨN

Một chủ lò bánh nghi người chủ trại chuyên cung cấp bơ cân thiếu cho mình, nên cẩn thận cân lại, kết quả đúng như vậy. Tức giận, ông phát đơn kiện và người chủ trại bị đưa ra toà. Tại đây, sau khi nghe bị cáo giải thích, bên nguyên mới ngã ngửa ra, còn quan toà lại hết sức thoả mãn. Thì ra, vì không có cân nên người chủ trại đã dùng miếng bánh một cân của người làm bánh để cân bơ lại cho ông. Thật đúng là “gậy ông đập lưng ông”.

Điểm khác biệt duy nhất giữa nhiều người ở tù ra với người ở ngoài là một đằng bị bắt một đằng không. Nhiều người trong chúng ta có lẽ cũng sẽ như những người ngoài lề xã hội nếu bị bắt vì tội trốn đóng thuế lợi tức, hoặc vì chạy xe quá tốc độ khi cua vòng, vượt đèn đỏ hoặc lái xe khi say rượu rồi. Dĩ nhiên tôi đồng ý là phải trừng phạt kẻ lỗi luật song cũng nên tính sao để “trả lại đầy đủ” cho họ mới được. Chính thái độ tin tưởng của ta sẽ giúp họ lấy lại được lòng tự tin, và lúc đó, họ sẽ có thể tự lo thân và đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Được như vậy, phần lớn tùy ở cách ta nhìn họ. Thật ra họ còn hơn nhiều người trong chúng ta vì một cách nào đó, họ đã hết nợ với đời trong khi chúng ta chỉ vì không bị bắt thôi, chứ đâu đã xoá được nợ đời.

Tôi tin cách tốt nhất để ngăn chặn những thanh niên phạm tội lần đầu khỏi tái phạm là bắt họ làm việc hoặc phạt tù một cách nào đó.

Trẻ em ở độ tuổi đi học sẽ ăn ở đúng phép khi ta dạy chúng biết cân nhắc hậu quả do cách cư xử của chúng.

Lý thuyết này áp dụng cho các em nhà trẻ hay các thiếu niên phạm pháp đều hiệu nghiệm cả và nếu các bậc cha mẹ biết dùng nó để dạy dỗ con em mình ngay từ nhỏ, tôi tin chắc tình trạng phạm pháp trong xã hội sẽ giảm sút ngay. Mà điều này rất dễ thực hiện, vì với những bậc cha mẹ hiểu biết thì kỷ luật là điều ta phải làm vì con cái chứ không phải là điều ta áp đặt cho chúng. William Glasser cha đẻ của phương pháp “ĐIỀU TRỊ THỰC TIỄN” KHUYÊN CÁC BẬC CHA MẸ NÊN hiểu là kỷ luật nhằm uốn nắn lối cư xử đáng trách của con trẻ và được coi như sự sửa dạy đầy tình thương nên cá nhân dễ chấp nhận. Còn hình phạt là sự phản ứng nhằm vào cá nhân và được coi như một sự đàn áp thù nghịch nên bị chống đối mạnh mẽ. Để giúp đứa trẻ nhận ra sự khác biệt ấy, tiến sĩ Glasser đề nghị nên kết thúc thời gian áp dụng kỷ luật bằng một cử chỉ yêu thương, vì chính nó sẽ khiến cha mẹ thêm giá trị trước mặt con cái.

Bạn thực sự có thể gây ảnh hưởng tốt hay xấu, tích cực hoặc tiêu cực đối với người khác. Bởi thế, luôn có một cái nhìn tốt đẹp và đúng đắn đối với người khác là điều hết sức quan trọng. Chúng ta nắm giữ một vai trò nào đó trong cuộc đời của mỗi cá nhân có liên hệ với mình, và đó có thể là một vai trò có tính quyết định như trong câu chuyện sau đây.


LÀM ƠN CHO MƯỢN CHÌA KHOÁ

Một cụ già đang ngồi đánh đại phong cầm trong nhà thờ chính toà. Ngày sắp tàn, những tia nắng xế chiều qua các khung kính màu rực rỡ khiến cụ ông trông giống như một thiên thần, những âm thanh trầm bổng vang lên từ những ngón tay điêu luyện của cụ đang dần dần kết thành một khúc hát trầm buồn, nức nở, một bài ca chia ly kết thúc một mối tình đau xót. Chả là hôm nay là ngày cuối cùng trong tư cách nghệ sĩ đại phong cầm của cụ. Người ta đã chọn được một nghệ sĩ trẻ để đàn thay cho cụ, khi hoàng hôn buông xuống, chàng nghệ sĩ trẻ bước vội qua khung cửa hậu của giáo đường. Thấy bóng anh, cụ già vội đóng đàn, đút chìa khoá vào túi rồi chầm chậm ra về. Khi ông đi ngang, chàng trai vội giơ tay nói: “Cụ làm ơn cho cháu mượn chìa khoá”. Cụ già từ từ thọc tay vào túi rút chìa khoá trao cho anh rồi bước vội trở lại bên cây đàn. Chàng trai ngồi chỉ một chút rồi tra chìa khoá vào ổ, mở nắp đàn lên và bắt đầu chơi.

Cụ già chơi hay và điêu luyện còn chàng trai thì đúng là một thiên tài. Những chùm âm thanh diệu kỳ, độc đáo vô song vang lên trong giáo đường, lồng lộng trên tháp chuông rồi ngân vang khắp cánh đồng. Chiều hôm đó, buổi diễn tấu đầu tiên của Johann Sebastian Bach. Đứng bên cây đàn, đôi dòng dòng lệ nóng chảy tràn trên gò má nhăn nheo cụ già lẩm bẩm “giá mình đừng đưa chìa khoá cho bậc thiên tài này!”.

Dẫu sao, cụ cũng đã đưa chìa khoá cho chàng trai tuyệt diệu ấy và chàng đã biết tận dụng nó. Bạn thân mến, bạn cũng đang nắm giữ chìa khoá tương lai của người khác đấy. Chúng ta không sống một mình trên đời. HÀNH VI VÀ CÔNG VIỆC CỦA TA ẢNH HƯỞNG ĐẾN NGƯỜI KHÁC CHO DẪU TA CHƯA BAO GIỜ BIẾT HỌ LÀ AI CẢ. BỞI ĐÓ, TA CÓ trách nhiệm và bổn phận làm những việc tốt nhất có thể làm được cho cả người khác nữa.

CHƯƠNG 9: MỘT “NGƯỜI KHÁC” VÔ CÙNG QUAN TRỌNG

ROMEO TẠI GIA

Trước đây tôi có một anh bạn lúc nào cũng tất bật làm ăn. Xem ra anh là một người đàn ông hạnh phúc trong thị trấn, nhưng sự thật không phải như vậy. Rồi chúng tôi xa nhau khá lâu. Khi gặp lại, tôi thấy anh khác hẳn. Anh nom hạnh phúc và thoải mái hơn và nhất là thành công hơn trước nhiều. Tôi mới hỏi lý do thì anh hớn hở kể cho tôi nghe về việc tìm ra một cô gái bé bỏng xinh đẹp nhưng cô đơn và bị hiểu lầm vì đã lấy phải một người chồng tàn tệ, rồi giải thích thêm là mình đã “xâm mình”, đã sôi nổi tỏ tình và đã thành công rực rỡ. Thấy tôi sững sờ, anh khoái chí “bật mí” rằng cô gái ấy chính là người vợ mà anh đã cưới từ 15 năm nay. Thế là tôi mới vỡ lẽ ra, nhưng vẫn chưa hết thắc mắc nên bèn yêu cầu anh giải thích thêm. Lời giải thích của anh thật giản dị nhưng chính là lối thoát cho hầu hết các vấn đề hôn nhân hiện tại. Anh bảo: “Zig này, anh biết không, tôi mới khám phá ra là khi mình quan tâm và quảng đại với vợ, khi mình ân cần tỏ tình, nói và làm những điều tốt đẹp cho vợ như đối với các cô gái “khác” thì mình sẽ được vui khoái lẫn hạnh phúc tại nhà mình – rồi anh thêm: Điều quí nhất trên đời là có một người dành riêng cho mình để yêu thương, tin tưởng và kính trọng”. Và tôi vội đáp, đúng như vậy.

Tình yêu đó được biểu lộ bằng sự trung tín hoàn toàn và “mù quáng” đối với người bạn đời. Tôi thâm tín rằng hạnh phúc, yên ổn, bình an... đều nhờ trung tín mà ra. Vợ tôi và tôi đều cảm thấy hết sức đau khổ nếu phải nghi ngờ về sự trung tín của nhau.

Tiếc thay nhiều ông chồng hoặc bà vợ hết sức vui vẻ và quảng đại đối với người cộng sự, mậu dịch viên, thư ký, bưu tá và cả với người lạ nữa, trong khi lại đối xử cộc cằn với nhau và còn cho đó là điều tự nhiên nữa chứ!
Tại sao vậy? Tôi xin cố gắng giải đáp và đóng góp vài đề nghị dựa trên 31 năm chung sống tuyệt vời với người đàn bà xinh đẹp mà Thượng Đế đã ban cho tôi để yêu thương và kính trọng. Nàng là người quan trọng nhất đời tôi và càng ngày chúng tôi càng thân thiết nhau hơn. Sở dĩ tôi nói thế vì hy vọng những ý nghĩ của mình sẽ có ý nghĩa với bạn và người bạn đời của bạn. Khó mà tin nổi là những người đã lập gia đình một cách trưởng thành, đạt được hạnh phúc mà không cần nhờ đến mối quan hệ hài hoà với người bạn đời của mình được. Vì hôn nhân là gia đình mà gia đình là nền tảng của đất nước nên có lẽ đây là chương quan trọng nhất của cuốn sách. Trên tạp chí Time, số ra ngày 29 tháng 12 năm 1970, tiến sĩ Paul Pspense có viết: “Qua lịch sử chứng minh được rằng không xã hội nào mà trong đó gia đình bị băng hoại lại có thể tồn tại được”. Cách bạn nhìn, cư xử và sống với người bạn đời là điều tối quan trọng. Thật vậy, nó quan trọng đối với thành công và hạnh phúc của bạn hơn bất cứ mối tương quan nào khác. Bạn nhìn chồng hoặc vợ mình ra sao? Bạn coi nhau như một cặp vợ chồng hay như một gia đình?

Tôi không dám tự phong là chuyên gia, nhưng qua kinh nghiệm và quan sát, tôi thấy có 3 lý do có thể tạo nên phần lớn những khó khăn trong đời sống vợ chồng.
Lý do thứ nhất là, qua một thời gian chung sống, hầu hết những người chồng hoặc vợ, vì quá quen với việc có người bạn đời bên cạnh nên cho rằng mọi việc đều tốt đẹp và nghĩ rằng người bạn đời rồi sẽ sống mãi với mình thôi. Nghĩ như vậy hơi ảo tưởng vì cứ 10 cuộc hôn nhân đã có tới 4 cuộc ly dị và một số khác chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
Lý do thứ hai là môi trường chúng ta đang sống (cổ vũ cho vấn đề ly dị) khiến vợ chồng ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Nhiều người nghĩ rằng tỏ ra yêu thương và âu yếm người bạn đời là ủy mị và yếu đuối. Những nhà soạn hài kịch hay đại loại như vậy, thường lấy cơ chế hôn nhân làm mục đích tấn công, đặc biệt là những châm biếm nhằm vào mẹ chồng, nàng dâu.

Lý do thứ ba là nền luân lý đổi thay, chấp nhận tự do luyến ái, hôn nhân thử, ngoại hôn, trao đổi vợ và ly dị chỉ vì không thích nữa, đã tạo nên sự bất an và thất thường. Thậm chí, hiện còn có cả một phong trào đòi phụ nữ được quyền giữ lại tên thời con gái sau khi kết hôn để sau đó có ly dị thì người vợ sẽ không gặp rắc rối gì mấy về trương mục ở nhà băng, thẻ tín dụng... thế thì có khác gì đặt kế hoạch trước cho sự đổ vỡ đâu.


TÌNH YÊU LÀ CÁI CHI CHI?

Chúng ta hãy xét đến tình yêu một chút vì nó chính là nền tảng vững chắc cho bất cứ cuộc hôn nhân tốt đẹp nào. Các thi sĩ viết về tình yêu, các ca sĩ hát về tình yêu, mọi người nói về tình yêu và tất nhiên ai cũng có quan niệm riêng về tình yêu, kể cả tôi nữa.

Sách Châm ngôn dạy rằng tình yêu phủ lấp mọi tội lỗi. Còn Đức Giêsu thì nói: “Trước hết hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi và thứ hai yêu tha nhân như chính mình.”
Các tâm lý gia và các nhà cố vấn về hôn nhân đều đồng ý xác nhận rằng điều quan trọng nhất mà người cha có thể làm cho con cái là yêu thương mẹ chúng và ngược lại, đối với người mẹ cũng vậy.

Họ nhấn mạnh rằng con cái thấy an tâm hơn khi biết cha mẹ mình yêu thương nhau, cho dù là tình yêu ấy không toả sáng tới chúng đi nữa, vì có thể, cha mẹ chúng cùng nhau lo cho gia đình được êm ấm và chúng sẽ không bao giờ phải đau đớn chọn lựa ở với cha hoặc với mẹ mình.

Thời đại chúng ta, tình yêu và tình dục thường được phổ biến ngang nhau nên nhiều người nghĩ rằng chúng cũng giống nhau. Sự thực khác hẳn. Tình yêu là thứ tình cảm hoàn toàn xảo kỷ bạn dành cho người khác còn nhục dục lại hoàn toàn vị kỷ. Người xưa không bao giờ xếp chúng ngang hàng, chỉ có ngày nay, vì ích kỷ và thương mại nên người ta mới xếp chúng ngang nhau thôi.

Ai cũng biết tình yêu quan trọng tới mức nào song lại có rất ít thông tin dạy cách làm sao để hôn nhân, như mối tương quan nam nữ lý tưởng, được vĩnh tồn. Nhiều cặp vợ chồng, đã thề hứa trong lễ cưới là tình yêu của họ bất diệt, thế rồi chẳng được bao lâu, tình yêu bất diệt ấy cũng bị huỷ diệt. Riêng tôi, tôi tin rằng lúc đầu, họ cũng yêu nhau thực sự lắm chứ nhưng rồi, CŨNG NHƯ HOA LÁ, TÌNH YÊU SẼ HÉO TÀN NẾU TA KHÔNG QUAN TÂM CHĂM SÓC.

Tôi tin cuộc hôn nhân hạnh phúc chắc chắn sẽ giúp người giáo viên, vị bác sĩ, huấn luyện viên, bà nội trợ, bác tài xế, cô thư ký, nhà doanh nghiệp... làm việc tốt hơn. Và tôi cũng tin rằng một cuộc hôn nhân bất hạnh sẽ cản trở mọi nỗi lực và hiệu năng của cả hai vợ chồng. George W. Crane, một tâm lý gia lỗi lạc có nói rằng tình yêu được nuôi dưỡng bằng những hành động và biểu hiệu yêu thương. Tôi rất đồng ý vì cũng như đồng bạc sterling, tình yêu sẽ lu mờ đi nếu không được chùi bóng mỗi ngày bằng sự ân cần chăm sóc và những biểu hiện yêu đương. Tiếc thay, nhiều cặp vợ chồng chẳng hề quan tâm đến nhau, đến nỗi đã để cho sự chán chường, kẻ hủy hoại hôn nhân độc hại nhất, thành công rực rỡ.


TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC LÀ ĐÂY

Tiến sĩ Crane cho biết rằng có những trường hợp, sau khi lâm vào ngõ cụt, các cặp vợ chồng lại yêu nhau tha thiết. Nếu là những người có trách nhiệm cao, mong muốn cứu vãn cuộc hôn nhân của mình, họ sẽ thực hiện một giai đoạn tỏ tình mới đầy tinh thần trách nhiệm. Ông cho thấy là chính trách nhiệm bày tỏ tình yêu thể lý sẽ dẫn đến tình yêu hoặc trả lại tình yêu cho đời họ.

Tiến sĩ Crane cũng nói rằng nếu ta biết đều đặn, kiên trì nuôi dưỡng và củng cố tình yêu, đời sống hôn nhân chúng ta sẽ tăng tiến về mặt tích cực đồng thời giảm bớt những mặt tiêu cực. Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến này. Trong chương kế, chúng ta sẽ khai triển lập luận William James: “Bạn không hát vì bạn hạnh phúc mà hạnh phúc vì ca hát”, có nghĩa là chính những biểu hiện thể lý sẽ nuôi dưỡng sự thừa nhận trong tinh thần. Dale Carnegie cũng bảo: “Cứ hăng hái làm việc đi rồi bạn sẽ thấy hăng hái ngay”. Vì vậy, điều tôi thực sự muốn rút ra ở đây là: Hãy hành động như mình đang yêu rồi bạn sẽ yêu.

Cách đây 13 năm, lần đầu tiên tôi được chứng kiến một hình ảnh đẹp đẽ nhất về đời sống hôn nhân tại mảnh sân đàng trước nhà ông anh của tôi. Jewell, người bạn lòng thuở ấu thơ và cũng là người vợ từ 33 năm nay của anh tôi vừa về đến nhà sau 10 ngày giúp đỡ cô em gái sanh con đầu lòng tại thành phố Michigan bang Indiana. Đây là lần đầu tiên hai vợ chồng xa nhau, Jewell vừa bước xuống xe vào nhà thì anh tôi cũng vừa bước ra đến cửa đón. Gặp nhau ngoài sân, hai người liền ôm chầm lấy nhau, vừa khóc nức nở như hai đứa trẻ con – vừa thề sống chết sẽ không bao giờ rời xa nhau nữa. Giá không được tận mắt chứng kiến hẳn tôi không bao giờ tin nổi một sự biểu tỏ tình yêu chân thành và đậm đà đến như vậy. Tiếc một điều là nó đã không được quay phim để chiếu trên màn ảnh gia đình trong cả nước. Giá mọi người đều được chứng kiến một tình yêu đích thực thì đẹp biết bao. Tình yêu phát sinh thời trai trẻ, triển nở khi trưởng thành, chín mùi lúc trung niên và tuyệt diệu trong những năm tháng cuối đời.

Tình yêu đích thực lớn lên và triển nở theo từng cảm xúc, vấn đề, niềm vui và chiến thắng của con người. Nó thường nghiêm khắc hơn là dễ dãi, đòi hỏi hơn là thụ hưởng, hạn chế hơn là buông thả và thường bao hàm nhiều vấn đề phải giải quyết hơn là thú vui để thụ hưởng. Ngay cả trường hợp của anh chị tôi, Huie và Ziglar Jewell cũng vậy. Họ cũng khởi đi từ những cheo leo, và cũng thường lâm vào ngõ bí, nhưng mỗi lần như thế họ lại cố gắng khai thông một con đường mới. Chị sanh cho anh con cái, nấu nướng, giặt giũ cho mọi người trong nhà, nâng đỡ chồng bằng sự thủy chung trọn vẹn, yêu thương chồng từng chút một. Còn anh thì dâng hiến cho chị điều tốt nhất – là trọn vẹn con người mình. Anh yêu thương, quí trọng, âu yếm và tỏ tình với chị như với cô “Jewell” ngày xưa đó. Năm cậu con trai và một cô con gái phải nuôi dạy, tốn kém không ít. Từ tiền bạc, thời gian đến cả kỷ luật nghiêm minh nữa, nhưng họ đã biết chung lưng đấu cật trong niềm tin sắt đá vào tương lai đã kiến tạo nên một gia đình hạnh phúc.

Bạn thấy đấy, bạn cũng có thể đạt được mọi mơ ước trong đời nếu bạn giúp đỡ người khác đạt được điều họ muốn. Ai trong chúng ta chả muốn yêu bằng một tình yêu đích thực, phải không bạn?


ĐIỀU TÔI TIN

Ta thường được nghe quảng cáo về những chuyện tình “đẹp như mơ” độc nhất vô nhị trên thế gian này. Dĩ nhiên, những luận điệu như thế đều không có thật, nhưng thực ra vẫn có một người nào đó tại một nơi nào đó, vào một lúc nào đó đã từng kể hoặc sẽ kể về một câu chuyện tình “đẹp như mơ” và “độc nhất vô nhị”.

Phần tôi, tôi luôn xác tín rằng những câu chuyện tình thực sự “đẹp như mơ” đã và sẽ không bao giờ được nói đến cả. Những câu chuyện đó đã và sẽ tiếp tục sống ngoài những trang giấy in, màn ảnh truyền hình hay màn ảnh xi nê. Vì chẳng người chồng hay người vợ nào rất mực thương nhau, coi nhau hơn hết mọi người, mọi sự muốn bán rao những tình tiết về cuộc đời và tình yêu của mình cả. Tiết lộ cho một người họ còn chẳng muốn, huống chi cho cả thế giới cách xa diệu vợi! Bởi nếu làm như vậy thì mối tương quan mật thiết, riêng tư, và đẹp đẽ của họ lại chẳng hoá nên một thứ tài sản công cộng, chung phần, khiến mối tương quan mật thiết và thiêng liêng ấy trở thành tầm thường, dung tục. Tình yêu đích thực luôn thực sự tốt đẹp và rất đỗi riêng tư. Giống như thép tốt được luyện trong lửa và nước, xa lộ được hình thành bởi đồi cao, lũng sâu và khúc quanh, tình yêu và hôn nhân cũng phải được xây dựng trong gian khổ và thử thách. Bởi vậy, thật đáng buồn khi thấy nam nữ tự nhiên chung sống hay sống với nhau qua những cuộc hôn nhân thử. Điều đó chỉ khiến cho họ dễ dàng thôi nhau như cộng rơm hay trong cơn bão, trước khi có đủ thời gian để hiểu biết nhau chứ đừng nói là yêu nhau nữa. Họ không hiểu thế nào là tình yêu giữa những người có trách nhiệm cả. Họ không biết phân biệt giữa tình yêu và tình dục, là hai thứ có thể giống nhau nhưng cũng có thể khác nhau hoàn toàn. Khi tình dục là biểu hiện của tình yêu và hoà hợp trong hôn nhân thánh thiện, thì nó rất tốt đẹp, nhưng khi chỉ là biểu hiện của nhục dục thì chỉ là thú tính và ích kỷ mà thôi.

Tình yêu – trái với điều các thi sĩ và các nhà viết kịch bản đề cập – không phải là một cảm xúc cố hữu. Ngay lần đầu gặp nhau, tôi đã bị vợ tôi hớp hồn. Tôi nghĩ mình đã “yêu” nàng trong khi đeo đuổi và những năm đầu cuộc sống vợ chồng vậy mà thực sự, mãi đến 25 năm sau, tôi vẫn chưa hiểu tình yêu đích thực là gì cả. Khi mừng hai mươi sáu năm kết hôn, thì tình yêu ấy vẫn lớn mạnh hàng ngày. Vợ tôi luôn vượt xa và ở trên bất cứ người đàn bà nào đẹp nhất, lôi cuốn nhất, kích thích nhất mà tôi từng gặp. Nếu có giờ rỗi rảnh mà phải chọn lựa giữa vợ và công việc thì vợ tôi luôn luôn giành phần chiến thắng.

Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng tôi luôn ăn ý và không bao giờ xích mích nhau, mà chỉ có nghĩa là chúng tôi không bao giờ cố ý làm khổ nhau cả. Nó cũng có nghĩa là chúng tôi luôn sẵn sàng nhận lỗi và xin lỗi nhau và cũng có nghĩa là chúng tôi luôn sống vui vẻ bên nhau, luôn yêu thương nhau đến mức coi người mình yêu trên hết. Chúng tôi không bao giờ đi chung hoặc lên giường ngủ khi chưa giải quyết những xung khắc và tái khẳng định tình yêu của mình cả.


VÀI LỜI KHUYÊN ĐÁNG GIÁ CHO CÁC ĐÔI VỢ CHỒNG

Hãy xét kỹ từng bước cụ thể để kiến tạo hoặc tái tạo một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

1/ Nhớ xem bạn đã làm gì trước khi lấy nhau. Bạn đã chẳng giành làm mọi việc, luôn tỏ ra dễ thương, luôn cư xử đúng đắn, ân cần lịch sự, chu đáo và tử tế đấy ư ? Đây là phương cách tuyệt hảo giúp cho đời sống hôn nhân của bạn được luôn vững chắc, cho dù nó có gặp trắc trở đi nữa thì bạn vẫn có thể khiến nó lại nở hoa.

2/ Khởi đầu và kết thúc mỗi ngày bằng một lời tình tứ, trong ngày, nếu có thể, hãy dành vài phút gọi điện cho vợ để nói vài câu tình tứ. Sau hết, nhớ rằng dịp biểu lộ tình yêu tốt nhất là trước mặt người khác. Thỉnh thoảng nên gởi một lá “thư tình” qua bưu điện. Những món đầu tư này tuy nhỏ nhưng lãi suất rất cao.

3/ Thỉnh thoảng, nên tặng quà hoặc ảnh. Giá trị không phải ở món quà mà ở tình yêu biểu lộ qua món quà. “Không có người tặng thì quà chẳng là gì cả”. Một thi sĩ cũng đã viết: “Nhẫn và ngọc không phải là quà mà chỉ là lời biện minh cho món quà”. Món quà đích thực chính là bản thân người trao tặng.

4/ Cùng nhau sống những giây phút đầy ý nghĩa. Hãy nhớ lại xem các bạn từng khao khát tỏ tình với nhau ra sao và đã tốn biết bao thời giờ để nói yêu nhau trước khi kết hôn? Hãy lặp lại những tiến trình trên. Đi dạo hoặc tắt truyền hình cho người bạn đời thấy như thể họ là người trọng yếu nhất của đời bạn. Mà thực sự là thế, dù bạn có thừa nhận hay không cũng vậy.

5/ Biết lắng nghe. Một nhà thông thái đã nói: “Nói là chia sẻ còn nghe là săn sóc”. Hãy lắng nghe muôn vàn tình tiết và câu chuyện vụn vặt mỗi ngày của người bạn đời. Hãy nhớ luôn rằng: BỔN PHẬN KHIẾN TA LÀM VIỆC TỐT NHƯNG TÌNH YÊU KHIẾN TA LÀM VIỆC HOÀN HẢO. TÔI XIN nhấn mạnh một lần nữa: “Điều ta bắt đầu như một bổn phận sẽ kết thúc thành tình yêu”.

6/ Đừng để người bạn đời phải tranh giành với con cái sự quan tâm của bạn. Hãy dành thời giờ riêng cho người bạn đời.

7/ Mỗi khi xung khắc, hãy nhớ là có thể xung khắc mà không gắt gỏng. Song, đừng bao giờ đi ngủ mà chưa hoà giải. Bạn sẽ chẳng ngủ ngon nổi và những xung khắc ấy sẽ in vào tiềm thức cả hai người để rồi sẽ trở nên nguyên nhân cho những xung khắc khác.

8/ Hãy nhớ rằng Tạo Hoá đã đặt người nam làm chủ gia đình. Có lẽ đây chính là bước quan trọng nhất khi có đàn ông nắm giữ những quyết định quan trọng, người phụ nữ sẽ được an tâm. Rất ít khi tôi gặp một cuộc hôn nhân thực sự hạnh phúc khi người chồng không phải là chủ gia đình. Tuy nhiên, người chồng cũng phải nhớ rằng mình chỉ có thể chu toàn bổn phận bằng tình yêu và thân ái cũng như với uy quyền và sự cương quyết. Người xưa dạy: Chồng phải kính trọng và yêu thương vợ như chính bản thân mình.

9/ Hãy nhớ mình sẽ thường phải “nhượng bộ” để làm vui lòng hay thông cảm với người bạn đời. Tình cảnh lúc ấy có lẽ hơi khó chịu đấy, nhưng nó sẽ giúp bạn và cuộc hôn nhân của bạn khỏi tan vỡ.

10/ Cố dùng công thức có bảo chứng sau đây để pha chế món: “Hôn nhân hạnh phúc”.
- 1 chén tình yêu 5 muỗng hy vọng
- 2 chén chung thuỷ 2 muỗng dịu dàng
- 3 chén thứ tha 4 cân cậy tin
- 1 chén nghĩa tình 5 thùng nụ cười

Lấy tình yêu và chung thủy hoà trộn với cậy tin khuấy lên với dịu dàng, ân cần và hiểu biết, bạn nên thêm nghĩa tình và hy vọng. Pha màu cho tươi bằng nụ cười. Đem nướng dưới ánh mặt trời. Dùng thật nhiều mỗi ngày.

11/ Lấy câu: “Hãy sống tử tế, nhân hậu và tha thứ cho nhau” làm kim chỉ nam hằng ngày.

12/ Khi gặp những xung khắc không thể tránh thì ai dàn hoà trước cũng được. Song người dàn hoà chứng tỏ mình chín chắn và biết yêu thương hơn.


CHỒNG HÃY “GA LĂNG” VỚI VỢ

1/ Hãy chiều vợ bằng những cử chỉ nho nhỏ nhưng đầy ý nghĩa với phụ nữ như mở cửa xe, giữ chỗ, nắm tay đi phía ngoài lúc dạo phố.

2/ Kể cho vợ nghe những tin tức sốt dẻo hoặc những điều hứng thú trong việc làm ăn của mình.

3/ Khi đi dự bất cứ buổi lễ nào, hãy luôn ở bên vợ. Nhớ lại xem trước khi kết hôn bạn đã hãnh diện tới đâu mỗi khi được ở bên nàng?

4/ Chớ bao giờ, phải, chớ bao giờ mang vợ ra đùa cợt. Đó là điều tệ hại nhất. Sau khi người nghe đã cười thoả thích, niềm vui của bạn cũng qua, thì vợ bạn bị thương tổn nặng nề. Nếu chịu khó suy nghĩ một chút, tất bạn đã chẳng phải trả giá cho trò đùa có hại này. Trái lại, bạn nên làm ngược hẳn, nghĩa là hãy khen ngợi vợ bạn như chính bạn thích được khen vậy.

5/ Phụ nữ cần được an tâm nhiều hơn đàn ông. Hãy luôn nhắc với vợ rằng nàng không chỉ là người đáng ước mơ mà còn cần thiết và quí giá nữa. Đời sống tình cảm và sự an tâm của vợ bạn sẽ tăng triển mạnh khi từ “yêu dấu” được lặp đi lặp lại (vợ bạn cần và muốn nghe điều đó hơn bạn muốn nói nhiều).

6/ Gánh đỡ việc nhà cho vợ. Không kể đến phong trào đòi nữ quyền tôi tin rằng bản chất con người đòi ta phải chia sẻ trách nhiệm với nhau... Chẳng hạn, mỗi khi vợ đi chợ sắm sửa, nếu có nhà, bạn hãy ôm đồ tiếp vợ. Người đàn ông nên làm những việc nặng nhọc trong nhà như đổ rác, cắt cỏ... Hãy nhớ rằng ngôi nhà là toà lâu đài của bạn. Lâu đài tất phải có vua, mà có vua thì phải có hoàng hậu. Vợ bạn sẽ rất sung sướng được làm hoàng hậu nếu bạn cư xử với nàng như vậy.


VỢ HÃY CHIỀU CHỒNG

1/ Hãy nói với chồng: “Em rất yêu chàng” mỗi sáng, mỗi chiều.

2/ Hãy nhớ là bản chất phụ nữ và đàn ông khác xa nhau nhiều. Cái tôi của chàng cần được nuôi dưỡng luôn luôn, nhất là khi chàng phải một mình gánh vác gia đình. Cách bạn tỏ ra tin tưởng nơi chàng và nơi việc chàng làm là tất cả ý nghĩa đối với chàng. Hãy tỏ ra cho chồng biết là công việc chàng làm cũng như chính bản thân chàng hết sức quan trọng đối với mình. Hãy nói luôn với chồng rằng mình rất hãnh diện về chàng cũng như công việc chàng làm.

3/ Nếu không đi làm, nhớ nghỉ ngơi ít phút trước khi chồng về, tắm rửa, mặc đồ sạch sẽ, xức chút nước hoa... Và bạn sẽ tươi mát ra đón chồng.

4/ Thỉnh thoảng nên làm bánh trái hoặc nấu món tủ cho chàng. Phần bạn và các con có thích món đó không, không cần thiết. Bạn làm chỉ vì chiều chồng mà thôi.

5/ Hãy tỏ ra dễ thương và luôn sẵn sàng phục tùng. Salomon, người thông thái nhất thế gian có nói: “Thà sống trong rừng còn hơn sống với người đàn bà cáu gắt”. Thời nay, một bà vợ hay giận dỗi và sinh sự chỉ tổ khiến chồng làm việc qua quít, để dành thời gian la cà trong các quán rượu với cánh đàn ông hay những bạn gái bất hạnh mà thôi.

6/ Bạn nên làm những công việc thuộc nữ giới. Tôi tin rằng chính sự thiếu phân biệt rõ ràng giữa nữ giới và nam giới là một trong những yếu tố khiến đời sống gia đình ngày nay gặp nhiều rắc rối. Đàn ông nên nhìn, ăn mặc, suy nghĩ và nói năng cho ra đàn ông. Đàn bà cũng phải nhìn, ăn mặc suy nghĩ và nói năng cho ra đàn bà. Lúc mà ta phải ngồi xuống để tự hỏi mình là đàn ông hay đàn bà là lúc đáng buồn nhất. Tôi tin rằng, bình thường thì đàn bà nên rửa chén bát, dọn dẹp nhà cửa... Dĩ nhiên, người chồng thương vợ, nhiều lúc cũng nên góp phần giúp đỡ. Nói chung, tôi cho rằng, những cậu bé mà thấy cha làm bếp hoặc những cô gái thấy mẹ lấn lướt cha và làm những công việc dành cho đàn ông tất chẳng hay ho gì. Mẹ tôi thường bảo: “con cái thường để ý tới công việc CON LÀM HƠN LÀ LỜI CON NÓI”. HÃY ĐỂ CHO CÁC CẬU BÉ THẤY RÕ VAI TRÒ CỦA người cha để chúng lớn lên và triển nở thành người đàn ông có tình cảm tự nhiên hướng về phái nữ và để cho các cô gái thấy rõ vai trò của người mẹ để chúng lớn lên và triển nở thành người phụ nữ có tình cảm tự nhiên hướng về phái nam.

7/ Nếu muốn thành bà hoàng hậu thì bạn hãy cư xử với chồng như với một ông vua để chồng bạn chỉ còn cách coi bạn như bà hoàng hậu mà thôi.
Tôi xin nhắc lại, hôn nhân không phải là mỗi bên đóng góp 50% mà là 100%. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng: “BẠN SẼ ĐẠT ĐƯỢC MƠ ƯỚC TRÊN ĐỜI NẾU BẠN BIẾT GIÚP NGƯỜI KHÁC ĐẠT ĐƯỢC ĐIỀU HỌ MUỐN”.


1 nhận xét: