Chào các bạn!

Tất cả các quyển sách trực tuyến, chúng tôi đều có sẵn Ebook và Audio book. Nếu có nhu cầu mời các bạn vào đây để tải: Hướng dẫn cách tải links trên các host TẢI EBOOK- AUDIO BOOK TỪ A --> Z


Hẹn bạn trên đỉnh thành công- Phần 4: Những Mục Tiêu

PHẦN BỐN: NHỮNG MỤC TIÊU


MỤC ĐÍCH:
1/ Cho bạn biết mục tiêu quan trọng ra sao trong đời sống cá nhân và nghề nghiệp của bạn.
2/ Giải thích tại sao phần đông không bao giờ đề ra mục tiêu.
3/ Nhận dạng các loại mục tiêu nên có.
4/ Giải thích rõ ràng đặc tính của các mục tiêu.
5/ Giải thích đặc biệt cách đặt định mục tiêu.
6/ Tiến trình chi tiết để đạt mục tiêu.



CHƯƠNG 10: MỤC TIÊU THỰC SỰ CẦN THIẾT KHÔNG?


TẦM ĐÍCH BẠN KHÔNG THỂ THẤY

Đối với nhiều người, danh tiếng của Howard Hill hẳn vang dội như tiếng chuông. Có lẽ anh là tay xạ tiễn nổi danh nhất. Anh bắn chính xác đến nỗi hạ được cả voi, cọp Bengal, bò mộng xứ Cape bằng cung tên nữa. Chính mắt tôi đã từng thấy Howard biểu diễn “liên châu tiễn”, mũi tên đầu cắm giữa hồng tâm, mũi tên sau chẻ đôi mũi tên trước. Nghe đến đây, hẳn bạn phải trợn mắt ngạc nhiên. Song nếu khoẻû mạnh, có thể bạn còn bắn giỏi hơn cả Howard Hill trong những ngày thành công nhất đấy. Bạn có thể bắn “liên châu tiễn” giỏi hơn cả Howard Hill hoặc bạn chẳng bao giờ bắn được phát nào ngoài mấy mũi tên đùa chơi thời thơ ấu mà thôi. Dĩ nhiên, nếu bịt mắt Howard Hill lại và dẫn anh đi lòng vòng vài lượt thì tôi tin chắc bạn phải bắn giỏi hơn anh rồi.

Hy vọng bạn cho lối so sánh đó là kỳ quặc và rồi tự nhủ: “Điều đó dĩ nhiên rồi. Làm sao một người không thấy hồng tâm lại bắn trúng đích được”. Bạn nói chí lý. Giờ tôi xin phép hỏi bạn thêm 1 câu khác nhé. Nếu Howard Hill không bắn trúng nổi hồng tâm vì không thấy đường thì liệu anh có bắn trúng khi không có hồng tâm không? Bạn có một hồng tâm hay một đích điểm không? Đạt đến mục tiêu mình không có cũng khó như phải trở về nơi mình chưa bao giờ tới vậy.


 Không đề ra những mục tiêu rõ ràng, chính xác, bạn sẽ không thể hiểu được hết tiềm năng ẩn tàng trong mình. Bạn không bao giờ được “là một kẻ” lang thang vô định, “mà phải là” một người có ý nghĩa đặc biệt. Bạn và những mục tiêu của bạn như thế nào? Chúng đã được xác định rõ ràng hay vẫn còn mù mờ?


HOẠT ĐỘNG – HOẶC HOÀN TẤT

Người không mục tiêu cũng giống như thuyền không lái, trôi dạt mông lung, để rồi cuối cùng vất vưởng trên bờ chán chường, thất vọng và thảm hại. Nhà sinh học vĩ đại người Pháp, John Henry Fabre, đã có lần làm một thí nghiệm lý thú với loại sâu Processionary, đây là loại sâu theo đuôi con đầu đàn một cách mù quáng nên mới có tên đó (Processionary: đám rước) Fabre cẩn thận xếp chúng sát bên nhau vòng theo mép bình bông thành một vòng tròn. Giữa bình bông, ông xếp đầy lá thông là thức ăn của loại sâu này, rồi bắt đầu cho chúng di chuyển. Thế là con này nối đuôi con kia, đánh vòng tròn hết giờ này qua giờ khác. Chúng vòng quanh miệng bình như vậy được đúng 7 ngày rồi lả tả theo nhau rớt xuống chết vì đói, bên cạnh đống thức ăn ngon lành cách đó không đầy 15cm, chỉ vì đã lẫn lộn giữa hoạt động và mục đích.
Nhiều người trong chúng ta cũng lầm lẫn y như vậy nên chỉ mù quáng theo chân đám đông, gặp chăng hay chớ chứ chẳng có đích điểm gì cả. Mọi việc họ làm đều vì thói quen, vì “ai cũng làm như vậy cả”.


Họ giống hệt như ông chồng được vợ nhờ tới tiệm thực phẩm mua dăm bông. Khi mang dăm bông về, bà vợ hỏi sao ông ta không bảo người bán cắt bỏ mẩu đuôi giùm. Người chồng mới hỏi lý do thì vợ trả lời là vì xưa nay vẫn thấy mẹ mình làm như vậy. Tiện thể bà mẹ vợ đang chơi ở đó nên hai vợ chồng kéo lên hỏi bà vì sao phải cắt bỏ khúc đuôi dăm bông thì bà đáp là tại thấy mẹ mình làm vậy nên bắt chước theo. Thế là cả ba đều quyết định gọi điện cho bà ngoại để hỏi cho rõ điều bí mật lưu truyền qua 3 thế hệ ấy. Người bà liền cho hay sở dĩ bà cắt bỏ khúc đuôi dăm bông là vì lò nướng của bà nhỏ nên không nướng cả khúc được. Như vậy là bà có lý do hẳn hoi còn bạn thì sao?



SỐNG THẾ CHỈ THẤT BẠI MÀ THÔI

Phải chăng những người không thành công ở đời đều đã thực sự vạch kế hoạch để thất bại? Tôi không nghĩ vậy. Vấn đề là họ chẳng hoạch định gì cả. Mục tiêu ở đời quan trọng đến thế mà sao chỉ có rất ít người thực sự đặt định mục tiêu của mình một cách rõ ràng? Thưa, có 4 lý do chính:


Thứ nhất, không ai cho họ biết “điều đó” cả. Nghe nói thì có, được chỉ dạy thì không.


Thứ hai, họ không biết cách làm.


Thứ ba, họ sợ không đạt được mục tiêu sẽ rắc rối to.


Thứ tư, vì tự ti mặc cảm. Họ nghĩ mình không xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp ở đời.


Nghĩ như vậy thật sai lầm. Lý lẽ và đường lối vạch ra trong sách này sẽ giúp giải quyết 4 lý do trên nếu bạn thực sự suy cứu. Trong phần này, tôi sẽ “bán” cho bạn các mục tiêu và giúp bạn biết cách đặt định chúng. Phần hai và hầu như toàn bộ cuốn sách đều nói về hình ảnh tự thân của bạn để bạn biết yêu thích chính mình hơn. Như vậy là bạn đã có đủ mọi bước đường và phương thức để xứng đáng đạt được mọi sự tốt đẹp ở đời, mọi việc bây giờ là tùy ở nơi bạn.


Bạn sợ hãi ư ? Đừng lo, hãy nhìn thẳng vào vấn đề. Bạn sợ hãi, không muốn cam kết gì cả, chỉ vì không muốn mất mặt trước bạn bè chứ gì? Hoặc giả bạn sẽ không lộ ra với ai về mục tiêu của mình trừ phi biết rõ họ không những tin mình có thể đạt mà còn muốn mình đạt được mục tiêu đó nữa, cho chắc ăn chứ gì? Như vậy có khác gì những người quyết định không đặt định cho mình mục tiêu rõ ràng nào cả để nếu không hoàn thành còn có cớ bào chữa vì mình đâu có mục tiêu nào. Đối với họ, cách này xem ra an toàn và không gặp “rủi ro” nào cả.


Tuy nhiên, tôi sẽ vạch cho bạn thấy lý luận đó cũng chẳng “an toàn” hơn việc đậu tàu trong bến vì “sợ” ra khơi gặp bão, máy bay nằm ụ trên phi cảng vì “sợ” cất cánh sẽ rơi, ngôi nhà bỏ không vì “sợ” đến ở sẽ bị sập. Trái lại, tàu đậu lâu tất sẽ bị rêâu phong bám, máy bay nằm ụ mãi tất sẽ bị gỉ sét ăn, ngôi nhà bỏ không hoàn toàn sẽ bị mưa gió hại. Phải, đặt định mục tiêu cũng có nguy hiểm, nhưng nguy hiểm vì không có mục tiêu còn lớn gấp bội. Lý do hết sức đơn giản, cũng như tàu được đóng để đi biển, máy bay được chế để bay lượn trên trời, nhà được xây cất để làm chỗ dung thân thì con người được tác tạo cũng có một mục đích. Mục đích đó là gặt hái những điều trong tầm tay để đóng góp cho sự thăng tiến của xã hội. Mục tiêu trong đời sẽ giúp bạn trở nên hữu ích hơn cho mình và cho đời.



MAI MÌNH ĐI ACAPULCO

Giả dụ, một người bạn đáng kính, đáng trọng gọi điện thoại cho bạn báo rằng: “Bạn thân mến, có tin mừng cho bạn đây. Nếu muốn, bạn có thể đi với chúng tôi đến tham quan Acapulco miễn phí trong vòng 3 ngày. 8g sáng mai sẽ lên đường. Chúng tôi còn đủ chỗ cho vài người. Ông chủ sẽ đưa chúng ta đi bằng phản lực riêng và mình sẽ ở tại biệt thự của ông ngay trên bờ biển”. Phản ứng đầu tiên của bạn có lẽ là “tuyệt quá, nhưng mình còn nhiều việc lắm, chẳng hiểu có thể sắp xếp xong không”. Bạn vừa tính trả lời như vậy thì người vợ hiền có sáng kiến đề nghị bạn hẹn người bạn chờ cho ít phút đã. Thế rồi hai vợ chồng bạn bắt đầu bàn bạc kế hoạch. Bạn sẽ tự hỏi trước nhất: “Giờ anh phải làm gì đây?”. Rồi bạn lấy giấy, viết ghi ra tất cả những việc phải làm, đoạn xếp thứ tự ưu tiên. Cuối cùng, uỷ quyền lại cho nhân viên một số việc rồi gọi điện báo lại với bạn: “Bạn ơi! Tôi đã sắp xếp được rồi. Mai mình đi nhé!”.


Tôi xin bảo đảm là trong 24g còn lại ấy, bạn sẽ làm được nhiều việc hơn ngày thường nhiều!


Vậy tôi xin hỏi thêm: Tại sao hằng ngày bạn không làm như đang chuẩn bị để mai đi Acapulco? Tạ sao bạn không kê ra những việc cần làm trong 3 ngày tới rồi hành động như mình chỉ còn 1 ngày để làm cho xong thôi? Ông chủ tiệm thực phẩm của tôi ngày xưa thường nói: “Điều đó sẽ buộc anh phải suy nghĩ tốt hơn”, bạn phải động não mà suy nghĩ, hoạch định và ủy nhiệm trước khi bắt tay vào việc. Bạn có thể hoàn thành được nhiều việc hơn khi bạn thực sự đi Acapulco hay bất cứ nơi nào bạn muốn trong những ngày mai của đời mình. Tại sao ư ? Tại vì bạn sẽ thay đổi từ một người “lang thang vô định” thành “một người có ý nghĩa đặc biệt”. Đời bạn có hướng đi.


Người ta hay phàn nàn là không có đủ thì giờ trong khi vấn đề chính là không có hướng đi. Rất nhiều “chuyên gia” nói: đáng lẽ chúng ta phải bị bắt vì tội “sát nhân” khi giết hết thì giờ mới đúng. Xong nghĩ cho cùng, phải nói rằng tội giết “thì giờ” không phải là sát nhân là là “tự sát”. Thời gian có thể là đồng minh nhưng cũng có thể là kẻ thù, điều đó hoàn toàn tùy thuộc nơi bạn, mục tiêu của bạn và sự cương quyết tận dụng từng phút giây bạn có thể có được.



KHÔNG CÓ MỤC TIÊU – KHÔNG CÓ THI ĐẤU

Thử áp dụng vào trận thi đấu chung kết bóng rổ giành chức vô địch ta sẽ thấy mục tiêu quan trọng đến mức nào. Đội bóng nào cũng được ủng hộ nhiệt tình và được chuẩn bị sẵn sàng về mặt thể lý cho cuộc thi đấu. Bầu không khí thật sôi nổi và các cầu thủ hồi hộp thấy rõ trước trận tranh chức vô địch này. Họ trở lại phòng thay đồ và nghe huấn luyện viên dặn dò lần cuối: “Nhớ cho kỹ nghe. Bây giờ hoặc không bao giờ đấy. Chúng ta thắng hay bại chỉ trong đêm nay thôi. Không ai nhớ người đàn ông đẹp nhất trong đám cưới cũng như không ai nhớ đội hạng nhì cả. Cả mùa bóng tùy thuộc mỗi đêm nay thôi”.


Các cầu thủ đã đáp ứng lại. Họ phấn khích đến độ chen nhau muốn long cả cánh cửa để ra sân. Nhưng vừa đến sân họ liền chựng ngay lại, bối rối vì thất vọng và giận dữ chỉ lên hai tấm bảng cuối sân trống trơn, không còn rổ. Họ gào lên, ai có thể thi đấu không mục tiêu cho nổi. Không có mục tiêu, làm sao ghi bàn, làm sao biết mình ném trúng hay trật được. Và tất nhiên họ sẽ chẳng bao giờ thi đấu nếu không có rổ cả. Rổ trong thi đấu bóng rổ quan trọng đến thế đấy! Còn bạn thì sao? Bạn có thể thi đấu trong trận đấu cuộc đời mà không có mục tiêu được không? Nếu được, thì đâu là bàn thắng?



CUỘC SỐNG ĐÁNG GIÁ

Tại các nhà an dưỡng và hưu dưỡng trên khắp nước ta thường có một hiện tượng thú vị là tử suất giảm một cách ngoạn mục trước những ngày lễ, những ngày kỷ niệm đặc biệt như cưới hỏi, sinh nhật... Rất nhiều người tự đặt cho mình mục tiêu là phải sống thêm một lễ giáng sinh, một ngày kỷ niệm, một dịp quốc khánh nữa... và khi các ngày lễ ấy qua đi, ý chí muốn sống giảm bớt thì tử suất lại đột ngột gia tăng. Thật thế, cuộc sống có giá trị và chỉ đáng duy trì khi còn mục đích để sống. Ai cũng biết mục đích cuộc đời quan trọng tới mức nào nhưng do cố ý hoặc vô tình, nhiều người vẫn tiếp tục buông trôi theo dòng đời như “một kẻ lang thang vô định” hơn là sống như “một người có ý nghĩa đặc biệt”.



MỤC TIÊU CÓ THỂ LÀ CON NGỰA THẮNG GIẢI

Julie quí chú ngựa Irish hết sức, nhưng hiện cô đang tức tối, đau đớn, thất vọng, mệt mỏi, chán nản và buồn khổ vô cùng. Bao tuần qua, cô miệt mài tắm rửa, chải lông, săn sóc và huấn luyện nó cho một cuộc thi lớn. Cô thức từ 3g sáng để chải chuốt nó. Cô tết bờm thật đẹp, thắt đuôi thật oai, phủ lưng lộng lẫy móng sáng loáng... Yên cương, dây thắng và bàn đạp cứ bóng nhoáng dưới ánh mặt trời. Riêng cô thì hệt như một con búp bê xinh đẹp khi bước vào trường đua. Nhưng điều gì đã đến? Chẳng có gì hết, phải, tuyệt đối không có gì hết. Con Irish mà ai cũng nghĩ sẽ vượt rào dễ như bỡn ấy đã không chịu nhảy, thậm chí không chịu nhấc giò lên nữa mới tức chứ. Giấc mơ đoạt giải ôm ấp bấy lâu nay cộng với bao nhiêu ngày đêm mệt nhọc hoá thành công cóc.


Năm ấy Julie Ziglar mới 16 tuổi. Trước thất bại ê chề ấy, cô đã quyết định xăn tay áo lên đạt cho kỳ được điều cô ấp ủ bấy lâu nay là một con ngựa đoạt giải mới chịu thôi.
Cô ra giá bán con Irish, quảng cáo trên báo và nhất mực giữ giá đến cùng trước những tay lái ngựa. Bán xong, cô gởi tiền vào trương mục tiết kiệm và bắt đầu đi tìm con ngựa ước mơ. Cô đi coi khắp các chuồng ngựa trong vùng, đọc tất cả các mục quảng cáo bán ngựa cho tới khi tìm được con Butter Rum, một con ngựa thiến thuần giống mới 2 năm tuổi. Vừa trông thấy nhau, Julie và Butter Rum đã “mê nhau” ngay. Xong có một trở ngại nhỏ Butter Rum mắc giá hơn Irish nhiều, mà Julie lại không chịu nhận tiền của ba má. Tuy nhiên rồi cũng đâu vào đấy cả vì Julie là một cô gái tin rằng nếu đã muốn thì phải làm cho kỳ được. Cô cũng tin ở nguyên tắc đạt đích cơ bản là: cứ tiến xa hết mức đã, khi tới đó bạn sẽ luôn có thể thấy xa hơn nữa. Julie đã mua con Butter Rum sau khi dùng tiền bán con Irish bỏ cọc và xin trả góp số tiền thiếu. Rồi cô đi làm để trả nợ. Cô mướn người chuyên môn huấn luyện cho Butter Rum và tự lo trả học phí. Cô và Butter Rum cùng nhau khổ luyện ngày đêm và chẳng mấy chốc cả hai đã đoạt được rất nhiều giải thưởng. Giờ thì tường phòng Julie đã treo kín những tấm huy chương đủ màu, và cô đã kiếm được một số tiền lớn gấp 4 lần rưỡi số cô phải bỏ ra để mua và huấn luyện con Butter Rum. Điều lý thú trong câu chuyện này, ngoài việc Julie là con gái tôi, còn ở chỗ nó nhắc ta nhớ rằng nếu muốn một điều gì đó, chúng tôi phải đề ra mục tiêu rõ ràng mới được. Khi đã có mục đích rõ ràng rồi thì chúng ta khó mà thất bại nổi.



KHAI THÁC NĂNG LƯỢNG

Lần đầu tiên tôi được may mắn bay ngang thác Niagara cách đây khá lâu. Khi đến gần thác, viên trưởng đoàn phi hành liền loan báo trên loa: “Thưa quí khách, thác Niagara đang ở bên trái quí khách. Quí khách nào chưa từng trông thấy thác từ trên không xin mời sang bên trái chiêm ngưỡng cảnh kỳ vĩ này!”. Tôi làm theo lời anh và dù còn cách xa nhiều dặm, tôi cũng đã trông thấy và cảm nhận được sức mạnh vô song của nó qua những giọt nước tung toé văng cao cả trăm bộ ấy.


Ngắm nghía những giọt nước văng cao, tôi chợt nghĩ. Bao tỉ tỉ tấn nước từ độ cao 180 bộ đã đổ xuống thành giòng nước xiết chảy lãng phí từ bao ngàn năm trước cho tới ngày một người đặt ra kế hoạch khai thác một phần năng lượng đáng sợ này. Ông đã khai thác một phần nước đổ không vô ích vào một mục tiêu đặc biệt tạo nên hàng tỉ kw/g điện cho công nghiệp, qua đó hàng ngàn ngôi nhà được thắp sáng, hàng tấn thực phẩm được thu hoạch, hàng vạn sản phẩm được chế tạo và phân phối. Biết bao công ăn việc làm cho người lớn, trẻ em được dạy dỗ, đường xá được kiến thiết, các cao ốc và bệnh viện được xây dựng, nhờ ở nguồn năng lượng mới này. Còn vô vàn ích lợi khác nữa và tất cả đều nhờ ởû một người có kế hoạch khai thác một phần năng lượng của dòng thác Niagara vĩ đại này, để hướng nó vào một mục tiêu đặc biệt. Đó cũng chính là điều tôi xin bạn thực hiện đấy.



MỤC TIÊU? CHO AI?

Tự điển định nghĩa mục tiêu là mục đích hoặc một chủ định. Nó là một kế hoạch, một điều gì đó mà bạn muốn thực hiện. Tôi thành thực khi bảo rằng dù bạn là ai, ở đâu hay làm gì thì bạn cũng phải có mục tiêu.


Người mẹ, người cha, nhà buôn, người nội trợ, sinh viên, công nhân, bác sĩ, lực sĩ, ai cũng phải có mục tiêu cả. Có lẽ bạn không thể thắp sáng được cả thành phố như thác Niagara nhưng với những mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ giải phóng được năng lực của mình và mọi sự sẽ bắt đầu. Mục tiêu thiết yếu ra sao, bạn cứ thử tưởng tượng là Sir Edmund Hillary, người đầu tiên trèo tới đỉnh Everest, đang cắt nghĩa cho bạn lý do giúp ông có thể lập được kỳ công đó thì biết. Chả lẽ ông lại bảo bạn là một hôm đang đi quanh quẩn chơi thì tự nhiên thấy mình đã ở trên đỉnh núi à. Hoặc chủ tịch ban giám đốc General Motors giải thích với bạn là ông đạt đến địa vị đó bằng cách là siêng năng làm việc rồi người ta cứ thăng chức dần cho tới lúc làm chủ tịch, bạn có tin không? Dĩ nhiên, đây chỉ là chuyện khôi hài song nếu bạn nghĩ mình có thể hoàn thành được một điều có ý nghĩa nào đó mà không hề có mục tiêu thì còn khôi hài hơn nhiều.


CHƯƠNG 11: ĐẶC ĐIỂM CỦA CÁC MỤC TIÊU


THỨ NHẤT – MỤC TIÊU PHẢI XỨNG ĐÁNG


Lúc xác lập mục tiêu là lúc tiếng lòng bạn réo gọi: “Tiến lên, tiến lên!”. Và chân trời bắt đầu rộng mở trước mắt bạn.

Để có hiệu quả, các mục tiêu phải xứng đáng (lớn) vì mục tiêu xứng đáng mới kích thích ta cố gắng hoàn thành. Những mục tiêu tầm thường và không phải ganh đua mấy chẳng kích thích nổi ai. Thật vậy, những mục tiêu như trả tiền nhà, mua xe, mưu sinh hằng ngày không có gì phấn khởi cả. Chỉ khi nào phải dốc hết sức mình bạn mới thấy phấn khởi thực sự, mà điều này chỉ có được khi có mục tiêu xứng đáng.


Trong giới thể thao, người ta vốn biết là một lực sĩ thi đấu tốt hơn trong những cuộc tranh tài gay go. Các cầu thủ đánh Golf, quần vợt, túc cầu, các võ sĩ... thường không thích tham dự những trận đấu nghèo nàn và tầm thường. Đây chính là một trong những lý do gây “lộn xộn” trong giới thể thao. Trên chính trường cũng giống như vậy. Nếu mục tiêu nhắm tới “đáng giá” và là một cuộc “tranh tài” thực sự, tất bạn phải dồn hết nỗ lực vào đó. Nhờ vậy sẽ thấy phấn khởi và chính sự phấn khởi này sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả nhất và giúp bạn thành công.


Khi đã nỗ lực hết sức để đạt được kết quả tối đa, bạn có thể ngủ yên sau khi tự nhủ: “Hôm nay mình đã cố gắng tối đa”. Thật phấn khởi khi biết mình không làm việc luống công. Bạn cần nhìn đời như một cuộc chơi lớn và hào hứng, để hoạch định những mục tiêu cao cả, một nhà thông thái từng nói: “Đừng đạt ra những kế hoạch nhỏ vì chúng không đủ sức đánh động lòng người”.


CÁCH BẠN NHÌN ĐỜI SẼ XÁC ĐỊNH HẦU HẾT NHỮNG THÀNH QUẢ BẠN ĐẠT ĐƯỢC TRÊN ĐỜI. 


Cùng một thanh sắt, nếu dùng để chặt củi, chỉ đáng giá 1 đô la, đem rèn thành móng ngựa sẽ đáng giá khoảng 50 đô la, và tinh thể thành thép tốt để làm dây thiều cho các đồng hồ đeo tay cực tốt sẽ đáng giá 250.000 đô la.

Cách bạn nhìn thanh sắt đã tạo nên khác biệt, và các bạn nhìn chính mình cũng như tương lai mình cũng sẽ tạo nên khác biệt. Bạn cần một mục tiêu lớn. Dù là ai thì bạn cũng cần có một mục tiêu lớn. Dĩ nhiên, kích thước mục tiêu tùy từng mỗi người. T. Washington đã nói: “Bạn nên đo lường mức độ thành công bằng chính những trở ngại phải thắng vượt để đạt đến mục tiêu”.



THỨ HAI – MỤC TIÊU PHẢI DÀI HẠN

Không có mục tiêu lâu dài, các thất bại tạm thời sẽ khiến bạn nản chí, vì không ai quan tâm đến sự thành công của bạn bằng chính bạn. Đôi lúc, bạn tưởng như có người cản trở bước đường thành công và quyết tâm làm chậm bước tiến của mình, nhưng thực sự thì người cản trở bạn mạnh nhất lại chính là bạn. Người khác có thể cản trở bạn trong nhất thời nhưng chính bạn mới là người có thể cản trở mình vĩnh viễn.


Hoàn cảnh xảy tới đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn vì vậy nếu không có mục tiêu lâu dài, thì những trở ngại nhất thời có thể khiến bạn thất bại một cách uổng phí. Những khó khăn trong gia đình, bệnh tật, tai nạn xe cộ hoặc những hoàn cảnh vượt tầm kiểm soát có thể là những trở ngại lớn nhưng không phải là nguyên do cốt yếu làm bạn thất bại. Chương sau, tôi sẽ chỉ cho bạn cách phản ứng tích cực trước những hoàn cảnh tiêu cực bất lợi cũng như có lợi. Bạn sẽ học được điều này, là khó khăn có trầm trọng đến mấy cũng vẫn có thể là bậc thang giúp bạn bước lên hơn là tảng đá để bạn vấp té. Khi bạn có mục tiêu lâu dài thì càng dễ, bởi vì bạn sẽ tiến đến nơi mình nhìn thấy và khi đến đó bạn luôn có thể nhìn xa hơn.


Bạn thử nghĩ xem, nếu cứ ngồi nhà chờ tới khi đèn “xanh” mới đi, bạn sẽ không bao giờ bắt đầu cuộc hành trình tới đỉnh thành công được.


Khi đặt ra các mục tiêu dài hạn, bạn đừng cố vượt qua mọi trở ngại trước khi bắt đầu. Nếu mọi trở ngại phải dỡ bỏ hết rồi mới khởi hành thì mục tiêu chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Nếu sáng, trước khi đi làm, bạn gọi điện hỏi viên cảnh sát trưởng xem đèn đường có xanh hết không, thì ông ta sẽ nghĩ bạn “điên” là cái chắc. Chỉ khi ra đường, bạn mới biết rõ mình sẽ gặp những màu đèn nào, để theo đó mà giải quyết. Và nếu trở ngại nào bạn cũng giải quyết như vậy thì chắc chắn bạn sẽ có ngày tới đích.



THỨ BA – MỤC TIÊU PHẢI THỰC HIỆN MỖI NGÀY

Không có mục tiêu cụ thể mỗi ngày thì bạn chỉ là người mơ mộng hão. Người mơ mộng đúng chính là người biết xây nền cho các giấc mơ của mình bằng cách làm việc đều đặn mỗi ngày để đạt tới mục tiêu. Charlie Cullen đã nói rất sâu sắc rằng: “Cơ hội dành cho những điều vĩ đại không tràn như thác đổ mà chảy chậm rãi từng giọt một”.
Sự khác biệt giữa vĩ đại và gần vĩ đại thường do ý thức rằng: muốn đạt những điều vĩ đại, phải chu toàn những mục tiêu nhỏ bé mỗi ngày.Vận động viên cử tạ biết  rằng muốn lập một kỷ lục, anh phải tập luyện hằng ngày cho bắp thịt nở nang và rắn chắc. Những bậc cha mẹ nuôi con nên người đều được biết rõ là tính tình và niềm tin được xây dựng hằng ngày nhờ đời sống gương mẫu của họ. Nếu bạn muốn sống đạo đức hơn thì mục tiêu hàng ngày phải là cố gắng cải thiện mình cho tốt hơn hôm trước. Nếu muốn thay đổi và cải tiến hoàn cảnh của mình thì ta phải thay đổi và cải tiến chính bản thân trước đã vì ta phải là cái gì đó trước khi làm được điều gì đó.


Mục tiêu hằng ngày chính là thước đo và người xây dựng nhân cách tốt nhất. Đây là nơi dành cho sự cống hiến, kỷ luật và cương quyết, là nơi ta tìm thấy sự hấp dẫn của mục tiêu hay giấc mộng lớn, dài hạn và nhằm củng cố nền tảng, biến giấc mơ trở nên vận mệnh của bạn. Các chương bàn về thói quen trong phần sau sẽ đặc biệt giúp bạn xây dựng thói quen làm việc hướng tới mục tiêu mỗi ngày.



THỨ BỐN – MỤC TIÊU PHẢI ĐẶC BIỆT

Ở trên, tôi có dùng cụm từ, bạn phải là: “Một người có ý nghĩa đặc biệt”, chứ không được là “một gã lang thang vô định”. Để làm sáng tỏ, bạn hãy chọn một ngày nắng gắt rồi mua một cái kính lúp thật mạnh và một chồng báo. Đặt kính lúp trên chồng báo, rồi chuyển tới chuyển lui dưới ánh nắng, chồng báo sẽ không sao cả. Nhưng nếu bạn giữ yên và tập trung vào một điểm, năng lượng mặt trời được hội tụ lại, sẽ khuếch đại lên và bạn sẽ nhóm được lửa.


Do đó, dù có khả năng, sức mạnh hoặc thông minh tới cỡ nào, nếu không biết sử dụng cũng như tập trung và duy trì nó vào một mục tiêu đặc biệt, bạn sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được điều gì trong tầm tay cả. Người thợ săn bắn được chim không phải nhờ bắn cả bầy một lúc mà nhờ nhắm riêng từng con một.


Nghệ thuật chọn mục tiêu là biết nhắm vào một đối tượng cụ thể. Giàu có, nhà “đẹp” hay “to”, nghề có “lương cao”, một nền giáo dục “tốt hơn”, “bán được nhiều hơn”, “làm một cái gì”, làm nhiều hơn cho cộng đồng, hoặc là một người chồng, một người vợ, một sinh viên, một người “tốt hơn”... đều là những mục tiêu quá bao quát, thiếu cụ thể.


Chẳng hạn, thay vì một căn nhà “lớn” hoặc “đẹp”, mục tiêu của bạn nên đi vào chi tiết. Nếu không biết những chi tiết chính xác, bạn nên thu thập các tạp chí có những hình ảnh và mẫu mã của những ngôi nhà đáp ứng được yêu cầu của mình. Phối hợp những ý tưởng và quan niệm đã được trình bày khi các chủ thầu hoặc nhân viên nhà đất giới thiệu một căn nhà làm sẵn. Xem xét nhiều “ngôi nhà” nhưng đừng để các nhân viên nhà đất hiểu lầm bạn “đang” là khách hàng nên sẽ lôi bạn đi xem hết nhà này đến nhà khác, chỉ tổ khiến bạn thêm khó xử và chậm trễ trong việc tìm được ngôi nhà như ý mà thôi.


Cứ viết rõ những chi tiết ấy lên giấy, dài rộng bao nhiêu, kích cỡ thế nào, thuộc lô đất loại nào, vị trí ra sao, bao nhiêu phòng, kiểu nào, màu nào... Rồi nhờ một nhà kiến trúc địa phương thiết kế đồ án. Trong phần tới, bạn sẽ thấy điều này quan trọng như thế nào.



GIẢI ĐÁP VẤN NẠN – MỤC TIÊU CÓ THỂ TIÊU CỰC KHÔNG?

Dĩ nhiên là “có”. Mục tiêu có thể tiêu cực khi vướng một trong ba nguyên nhân sau:


- Thứ nhất, khi bạn không tự đảm nhận việc hoàn thành và trông chờ ở “may rủi”.


- Thứ hai, mục tiêu quá lớn, không thực tế.


- Thứ ba, mục tiêu nằm ngoài lãnh vực của bạn hoặc được đặt ra chỉ để làm hài lòng người khác.


Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất chính là mục tiêu quá lớn hoặc không thực tế. Nhiều khi nó cố ý được đề ra để người ta có sẵn lý do bào chữa khi thất bại. Người đề ra những mục tiêu như vậy tự bản năng đã chuẩn bị thất bại và mong được người khác thông cảm vì biết họ sẽ không trách cứ khi mình không làm nổi điều không thể thực hiện được.


Nếu mục tiêu quá lớn, không thực tế và bạn không thực hiện nổi, thì sẽ tạo nên một ấn tượng hết sức tiêu cực cho việc hoàn thành những mục tiêu trong tương lai, thậm chí còn ảnh hưởng mãnh liệt tới con người đến độ không còn muốn cố gắng chút nào nữa. Bởi vậy, bạn nên khôn ngoan đề ra một mục tiêu cao vừa tầm tay mình.


Mục tiêu cũng tiêu cực khi nằm ngoài lãnh vực hoạt động của bạn hoặc khi bạn chỉ cố gắng làm cho người khác được vui. Nếu để người khác đặt định mục tiêu cho mình, bạn sẽ miễn cưỡng thực hiện và chắc chắn sẽ khó mà đạt thành.


Mục tiêu cũng tiêu cực khi bạn tin vào sự may rủi. Người ta đạt đến đỉnh thành công vì xác định được mục tiêu, vì biết sử dụng và luôn trau dồi tài năng của mình bằng một đời sống cống hiến và chuyên cần.


CHƯƠNG 12: ĐỀ RA MỤC TIÊU BẠN Ở ĐÂU


Tới đây, hẳn bạn phải tự hỏi: Tôi phải làm gì để đề ra mục tiêu đây? Ông bảo tôi nên đề ra mục tiêu, nhưng lại chẳng chỉ cách cho tôi hoặc phân phát loại mục tiêu gì cả. Đúng lắm, rồi bạn sẽ thấy đạt được mục tiêu còn dễ hơn đề ra mục tiêu nữa. Khi đề ra được mục tiêu một cách thích đáng thì bạn đã đi được một phần đường rồi vì nó khẳng định rằng bạn có thể và sẽ đạt được mục tiêu. Như tôi từng nói trước đây, một khi đã tin tưởng, bạn sẽ thành công dễ dàng.

Ví dụ sau đây nói về việc buôn bán, nhưng xin bạn nhớ là nó có thể ứng dụng vào bất cứ nghề nghiệp nào bạn đang theo đuổi.


Làm nghề bán hàng, muốn bán đắt, bạn phải đề ra mục tiêu. Nếu có kinh nghiệm làm việc với công ty của mình thì sẽ rất hữu ích, nhưng dù sao, bạn cũng cần tính toán để đề ra cho mình một mục tiêu lớn nhưng có thể thực hiện được. Dù có bản đồ thế giới thật đầy đủ trong tay, nếu không biết mình đang ở đâu, thì bạn cũng chẳng thể đi đâu được. Bạn cần một khởi điểm và việc ghi chép sẽ giúp bạn tìm thấy khởi điểm đó. Mỗi ngày cố gắng ghi chép ít phút thì trong vòng 30 ngày, bạn sẽ có được hình ảnh thực sự về khả năng sản xuất và làm việc cũng như việc sử dụng thời giờ một cách hiệu quả của mình. Bạn sẽ thấy năng suất của mình trong nửa tháng sau cao hơn nửa tháng trước. Đây chính là kết quả trực tiếp của việc biết ghi chép. Có điều cần nhớ là trong 30 ngày này, bạn phải hết sức thành thật, có thế mới mong giải quyết được tương lai, đồng thời nhớ giữ kín bản ghi chép này.
Có mấy mục bạn phải ghi chép cho thật đúng.


Thứ nhất, ghi chép giờ bạn thức giấc, giờ bạn ra khỏi giường và giờ bạn đi làm việc.


Thứ hai, ghi lại lượng thời gian bạn dùng để ăn trưa, uống cà phê, nghỉ ngơi, gọi điện và xía vào những vấn đề của người khác.


Thứ ba, ghi lại các cuộc điện đàm để hẹn gặp, giao dịch, trao đổi, các buổi chào hàng, thời gian tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và số lượng hàng bán được cũng như những khách đến thăm bất ngờ.


Sau cùng, ghi lại thời gian “hoàng hôn” tức thời gian bạn ở ngoài phòng làm việc, 30 phút cuối của cuộc điện đàm buôn bán, thời gian phụ trội để xem xét các tấm thiệp của khách hành tương lai. Dĩ nhiên, những ngày đầu có hơi gay nhưng bạn sẽ quen dần và hiệu quả công việc cứ thế mà gia tăng.


Coi lại bản ghi chép, bạn sẽ thấy ngày nào, tuần nào, tháng nào và quý nào là tốt nhất đoạn so sánh chúng với thời gian hiện tại, để rồi sẽ thấy mình có thể tái diễn được chúng và kết quả là bạn sẽ có được một năm tốt đẹp nhất. Dĩ nhiên, điều này còn tùy ở sản phẩm của bạn nữa. Loại hàng “nằm” sẽ không thể thay đổi hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày như loại hàng “chạy” được (bàn chải hay mỹ phẩm khác với máy vi tính hoặc nhà cửa). Hãy cố chọn lấy một mục tiêu đặc biệt và mỗi ngày mỗi cao hơn. Song cũng phải nhớ thà là mục tiêu nhỏ nhưng tăng tiến còn hơn lớn mà phải giảm thiểu. Sự đua tranh đi liền với mục tiêu thường rất hữu ích. Vì vậy, bạn phải “đua tranh” cho có bài bản mới được. Trước tiên là những điều cần phải tránh. Tránh bóc ngắn cắn dài, tránh đua tranh với nhà vô địch khi bạn chỉ có khả năng trung bình. Thứ đến, tranh đua với người đứng trước mặt mình chứ không phải người dẫn đầu. Phương cách này rất hay, đặc biệt khi bạn phải đua tranh hai việc cùng một lúc, một là vượt qua người đứng đàng trước, hai là vượt qua kỷ lục của chính mình. Với phương cách này, các chiến thắng không bao giờ do may rủi, mà mỗi chiến thắng đạt được sẽ giúp bạn vững mạnh hơn trong cuộc đua tranh kế tiếp. Dù có bao nhiêu người đứng trên bạn đi nữa, nếu biết kiên trì “phá vỡ kỷ lục” của mình luôn, bạn sẽ đạt nhiều tiến bộ, bán được nhiều hàng và kiếm được nhiều tiền. Dĩ nhiên, nếu bạn cứ liên tiếp qua mặt hết người này đến người khác tất sẽ đến lúc không còn ai đứng trước mặt bạn nữa.



MỤC TIÊU QUAN TRỌNG NHẤT

Bạn hãy xem xét các mục tiêu về thể thao, tài chánh, tinh thần, nghề nghiệp, gia đình và xã hội. Một số quy tắc sau sẽ giúp bạn lượng định chính xác hơn các mục tiêu này. Nên nhớ là về bản chất những qui tắc này phải hoàn toàn phổ quát mới được. Dĩ nhiên bạn phải thích ứng chúng theo hoàn cảnh riêng của mình.


Bạn nên viết ra những điều mình mong muốn và nhắm tới. Có lẽ bạn sẽ bảo ngay: “Viết ra những điều tôi muốn ư ? Phải ba ngày mới hết”. Cứ làm thử xem, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy thực sự không cần lâu đến thế. Viết rõ ra và sắp xếp thứ tự tùy theo tầm quan trọng của chúng. Dĩ nhiên, bạn đang thực hiện nhiều mục tiêu cùng một lúc. Bạn vừa muốn đoạt giải quán quân trong câu lạc bộ đánh gôn, vừa muốn ghế chủ tịch công ty mậu dịch, chủ tịch PTA lại vừa muốn làm xếp trong công đoàn của bạn. Vì vậy, bạn sẽ phải quyết định xem mục tiêu nào quan trọng nhất đối với mình vì mục tiêu nào cũng đòi hỏi thời gian và sự thích hợp với công việc đang làm cả. Biết đâu, bạn lại chẳng phải bằng lòng với điểm 8 thay vì chiếm giải quán quân, là hội viên hoạt động thay vì là chủ tịch thì sao. Nhưng dù ở mức độ nào, bạn cũng phải sắp xếp hoàn thành những mục tiêu đó.



TIẾN BƯỚC HOẶC DỪNG BƯỚC TRƯỚC TRỞ NGẠI

Khi đã sắp xếp mục tiêu theo thứ tự quan trọng rồi, bạn nên kê ra các trở ngại. Nếu không có tức là bạn đã nắm được trong tay mọi điều mình muốn rồi đấy. Liệt kê trở ngại xong, bạn có thể hoạch định chương trình và thời biểu để vượt qua. Đa số những vị giám đốc đều cho rằng bạn đã giải quyết được một nửa vấn đề sau khi xác định được chúng. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình vượt qua trở ngại thật mau nhờ đã xác định được chúng. Và khi đã vượt được những trở ngại của một mục tiêu rồi thì những trở ngại của mục tiêu khác cũng sẽ dễ vượt qua hơn.



TỰ TIN MỘT CÁCH NGÂY THƠ

Nhiều năm trước, một anh bán dụng cụ bếp núc đã đến văn phòng của tôi. Lúc đó vào đầu tháng 12, nên chúng tôi bèn hoạch định chương trình cho năm tới, tôi bảo:
- Năm tới, anh dự tính bán được bao nhiêu?
Anh toét miệng cười nói:
- Tôi cam đoan với ông là năm tới, tôi sẽ bán được nhiều hơn năm nay.
- Thế thì hay lắm, nhưng năm nay anh đã bán được bao nhiêu:
Anh lại cười đáp:
- Ồ, tôi cũng không biết nữa.


Thú vị quá, bạn nhỉ? Nhưng cũng thật đáng buồn. Đây là một thanh niên không biết mình đang ở đâu và không có ý niệm gì về vị trí mình đang đứng, nhưng với lòng tự tin thường đi đôi với sự ngây thơ, anh lại biết mình sẽ đi đến đâu.


Đáng tiếc là nhiều người chúng ta cũng y như vậy đấy. Chúng ta không biết cũng như không có ý niệm gì về nơi mình đang đứng nhưng lại khăng khăng một mực là biết mình sẽ đi đến đâu. Bạn có như vậy không? Nếu có thì cuốn sách này đến với bạn thật là đúng lúc.


Tôi hỏi khích anh bán hàng:
- Thế anh có muốn lưu danh trong ngành bán dụng cụ bếp núc không?


Quả là cá đã cắn câu, anh hồ hởi đáp:
- Làm thế nào được, hở ông?
- Dễ lắm, anh chỉ việc phá kỷ lục của công ty là xong.
- Nói như ông thì dễ lắm, nhưng từ trước đến giờ, có ai phá được kỷ lục đó đâu cơ chứ!


Nghe anh trả lời, tôi hơi tò mò nên mới hỏi xem, anh bảo:
- Từ trước đến giờ có ai phá được kỷ lục đó đâu.


Là có ý gì, thì anh mới bật mí cho tôi biết những kỷ lục đó không đúng vì người giữ kỷ lục ấy có thêm chàng rể bán tiếp cho mình.



SỰ KHUYẾN KHÍCH – LINH HỒN CỦA THÀNH CÔNG

Bước chân khập khiễng của kẻ bại trận nơi anh bán hàng đó là:
“Tôi không thể đạt kỷ lục đó vì nó không đúng” nên tôi tái xác nhận với anh là nó đúng và khích lệ anh: “Nếu đã có người lập kỷ lục tất sẽ có người phá lỷ lục đó”. Bởi vì đó là khích lệ linh hồn của thành công, do đó, tôi đã treo  trước mắt anh một số phần thưởng. Trước tiên, tôi cam đoan rằng nếu anh phá được kỷ lục tuyệt đối đó thì hình anh sẽ được treo trong văn phòng gần hình vị chủ tịch của công ty. Anh khoái chí lắm. Rồi tôi nói thêm, hình anh sẽ còn được in trong các mục và các tiết quảng cáo trên khắp nước và anh sẽ nổi tiếng là người bán hàng giỏi nhất thế giới. Anh cười tít mắt. Sau cùng, tôi bảo anh, người ta sẽ thưởng anh “cúp vàng” hay ít nhất cũng tương tự như vậy. Tóm lại tôi tìm hết cách khích lệ anh, nhưng anh vẫn còn nghi ngờ về khả năng buôn bán của mình. Tôi mới nhắc lại là anh có thể phá kỷ lục bằng cách nhân tuần khá nhất của mình lên 50 lần. Anh toét miệng cười bảo:
- Ông ơi, nói thì dễ lắm...
Tôi ngắt ngang liền:
- Phải, rất dễ nếu anh tin mình có thể làm được.
 

Anh vẫn chưa tin mình có thể làm được, nhưng hứa là sẽ suy nghĩ kỹ lại. Điều này mới quan trọng vì một mục tiêu tùy tiện sẽ bị xem thường và rất dễ bỏ qua.


NHỮNG QUYẾT ĐỊNH KHÔNG CÓ CHỮ “NẾU”

Thế rồi, ngày 26/12 anh gọi cho tôi. Từ trước đến giờ, tôi chưa bao giờ được tham dự một buổi điện đàm thú vị như hôm đó. Đường dây hẳn phải nóng đỏ cả lên, và bạn có thể cảm được niềm phấn khích truyền đi trong lúc ấy.


Anh báo cho tôi:
- Ông biết không, sau lần gặp gỡ vừa qua, tôi đã ghi lại tất cả những gì đã làm, nên biết mình đã bán được bao nhiêu khi gõ lên một cánh cửa, kêu một cú điện thoại, hướng dẫn một buổi chào hàng hoặc mở hộp hàng mẫu. Tôi biết rành rẽ mình đã bán được bao nhiêu mỗi tuần, mỗi ngày, thậm chí cả mỗi giờ nữa”. Rồi anh hồ hởi bảo: “Tôi sẽ phá kỷ lục đó cho ông coi”. Tôi liền xen ngang:
- Không đâu, đâu phải anh “sẽ phá kỷ lục”. Anh đã phá kỷ lục rồi đấy chứ.


Tôi nói thế vì không nghe anh nói chữ “Nếu” lần nào. Quyết định của anh không phải là một quyết định “Nếu”. Bạn thử phân tích chữ “life” (đời sống) xem. Vấn đề của nó là chữ “if” (nếu). Nhiều người chẳng làm gì cả ngoài những quyết định “nếu”. Những quyết định này không đưa đến thành công mà chuẩn bị cho thất bại. Anh bán hàng này không như vậy. Anh không bảo: “Tôi sẽ phá kỷ lục đó nếu xe tôi không bị hư”. Anh không nói vậy là phải, vì thế nào xe anh chả có lúc hư. Anh cũng không bảo: “Tôi sẽ phá kỷ lục đó nếu trong gia đình không có ai bị đau hoặc không có ai chết”, vì sau đó anh phải chôn cất hai người thân, trong đó có ông anh ruột. Hoặc anh không bảo: “Tôi sẽ phá kỷ lục đó nếu không bị mất giọng”, vì đúng vào tháng 12, lúc sắp đạt mục đích, anh bị khản giọng nên bác sĩ cấm anh nói chuyện, đến nỗi anh chỉ còn cách là đổi bác sĩ khác. Không, quyết định của anh đã đến với tất cả nỗ lực chứ không phải chỉ là câu nói đơn giản, nhẹ nhàng. Tôi sẽ phá vỡ kỷ lục đó.


Ta phải xem xét mục tiêu của anh mới lượng định đúng được tầm mức của quyết định ấy. Trước đây, chưa bao giờ anh bán được quá 34.000 đô la mỗi năm, một doanh số không phải là tệ vào lúc đó. Tuy nhiên, năm kế đó, cũng cùng một loại hàng trong cùng một khu vực, với cùng một giá cả, anh đã bán được trên 104.000 đô la. Chỉ trong một năm trời, anh đã bán được hơn gấn ba lần, kết quả là anh đã phá kỷ lục tuyệt đối. Dĩ nhiên công ty đã tưởng thưởng đúng như anh với tôi đã bàn luận. Anh được nổi tiếng và lãnh “cúp” vàng.



KHÉO HƠN VÀ SIÊNG HƠN

Nhiều người cứ đòi mình phải được khéo hơn nhiều nữa, thực ra, họ đã khéo hơn rồi đấy chứ, vì năm nay, họ đã có 11 năm kinh nghiệm chứ đâu còn 10 năm như năm trước nữa. Nhiều người cũng lại ước gì mình làm việc siêng năng hơn. Tôi cam đoan với họ là họ đã làm việc cần cù hơn và chắc chắn là khéo léo hơn rồi đó. Họ đã biết sắp xếp thì giờ và nhận ra giá trị của từng phút, từng giây. Họ khám phá ra rằng la cà đầu này, cà kê đầu kia chừng mười phút thôi, thì mỗi ngày cũng phải tốn 1 – 2 giờ, mỗi tuần từ 8 – 10 giờ, mỗi năm từ 100 – 500 giờ nghĩa là tương đương với 50 ngày làm việc 8 tiếng. Tóm lại, họ đã khám phá thấy là không ai xài hết 60 phút trong 1giờ, 24 giờ trong một ngày hoặc 7 ngày trong một tuần cả. Mỗi người chỉ có được những phút những giờ và những ngày mà họ đã sử dụng mà thôi.

Khi họ thôi phí phạm thì giờ và bắt đầu biết sử dụng nó, họ vừa có thể làm được nhiều việc hơn và vừa có nhiều giờ dành cho bản thân và gia đình hơn.


Nhờ ghi chép, họ bắt đầu biết được chỗ đứng CHÍNH XÁC của mình, biết mình phải bỏ ra bao nhiêu công sức để có được một buổi hẹn, bao nhiêu lần để kể được chuyện của mình, bao nhiêu lần giới thiệu mới bán được hàng. Cộng tất cả những điều này với ý thức về số giờ phải đổ ra để có được một buổi hẹn, để chào hàng và bán hàng, gồm cả giờ lái xe, giao dịch, lo giấy tờ... bạn sẽ biết được mình đang ở đâu ngay. Đây chỉ là một bài toán hết sức đơn giản. Nhờ vậy, bạn sẽ biết rõ từng giờ làm việc của mình, và hầu như sẽ thấy được ngay là mục tiêu của bạn đang tăng tiến – thường là một cách ngoạn mục, vì nhờ sự hỗ trợ của những sự kiện này, lòng tự tin của bạn sẽ giúp bạn thành công nhiều hơn nữa.


Phân tích câu chuyện trên, ta thấy anh bán hàng đã nắm được mọi nguyên tắc để đạt mục tiêu cũng như “đạt tới” mục tiêu.


1/ Anh ghi chép đều đặn để biết mình đang ở đâu.


2/ Anh ghi rõ những mục tiêu muốn hoàn thành theo từng năm, từng tháng, và từng ngày.


3/ Mục tiêu của anh rất rõ ràng (104.000 đô la).


4/ Anh đề ra mục tiêu lớn – nhưng có thể đạt – để kích thích và đua tranh.


5/ Anh đề ra mục tiêu dài hạn (1 năm) nên không bị thất vọng trước những thất bại hàng ngày.


6/ Anh liệt kê những trở ngại và đề ra chương trình để thắng vượt.


7/ Anh chia mục tiêu ra nhiều phần nhỏ để thực hiện từng ngày.


8/ Anh thiết đặt kỷ luật cho chính mình để đi những bước cần thiết hầu đạt mục tiêu.


9/ Anh tuyệt đối xác tín mình có thể đạt mục tiêu.
10/ Anh tự hình dung như thể đã sẵn sàng đạt tới mục tiêu trước cả năm trời.


Xin nhắc trước bạn là nên cẩn thận khi chia sẻ mục tiêu của mình với người khác. Nếu thấy cần thì hãy làm nhưng phải khéo chọn đối tượng. Việc chia sẻ rất hữu ích nếu người nghe giúp bạn thêm lạc quan và củng cố được niềm tin tưởng là mình sẽ đạt đích. Nhưng nếu họ chế nhạo ý tưởng và coi nhẹ cố gắng của bạn thì nhất định là sẽ có hại.


Anh bán hàng trong truyện đã thổ lộ với gia đình là những người tin tưởng và nâng đỡ anh, mục tiêu của mình. Anh cũng thổ lộ với người khác vì anh hiểu mình sâu sắc đủ để biết rằng làm thế mình sẽ đạt tới mục tiêu hơn khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn.


Tôi biết những ví dụ trên không thể đúng với từng trường hợp cá biệt được, nhưng những nguyên tắc chung sẽ phù hợp với hoàn cảnh của bạn.



HÔM NAY SÁNG ĐẸP – NGÀY MAI HUY HOÀNG

Giả như một bà mẹ tự nhủ: “Thế tôi làm sao có thể đặt ra cả chuỗi mục tiêu như vậy được?”. Trước hết, bà nên đề ra một mục tiêu lớn. Một trong những mục tiêu lớn nhất mà bất cứ người mẹ nào cũng có thể chọn lựa là dạy cho con cái biết sống trong một xã hội phức tạp và biết tự lập. Lo cho con cái được hạnh phúc, khoẻ khoắn, lành mạnh cả về luân lý lẫn tình cảm chính là một mục tiêu lớn của bất cứ người mẹ nào. Mục tiêu lâu dài có thể là dạy con thành người hữu dụng của xã hội.


Một trong những mục tiêu hàng ngày tốt đẹp nhất là dạy con cái biết sống tự lập. Tục ngữ Trung Hoa nói rất đúng rằng: “Nếu bạn cho người khác một con cá, bạn sẽ nuôi họ được một ngày, nhưng nếu dạy họ biết bắt cá, bạn sẽ nuôi họ suốt đời”.


Hãy dạy con cái biết làm việc, biết nương tựa nơi mình và chịu đựng chính mình. Còn có mục tiêu hàng ngày nào có thể tốt hơn nữa?


Mục tiêu hàng ngày của mỗi người chúng ta là kiện toàn tối đa điều có thể làm hôm nay trong khi chuẩn bị cho ngày mai huy hoàng hơn. Tương lai chính là nơi bạn sẽ sống quãng đời còn lại. Những thành tựu mỗi ngày chính là những viên gạch xây nên nó. Nếu bạn biết xếp gạch đều đặn và vững chắc với mục tiêu thích đáng, thế nào bạn cũng xây được cầu thang lên tới đỉnh. Để biết đạt mục tiêu cho đúng, bạn phải hiểu rõ là thang máy hư rồi đấy. Bạn sẽ phải dùng cầu thang leo từng bậc một – may thay, chúng đang ở trước mặt và vẫy gọi bạn leo – thẳng một hơi đấy.


CHƯƠNG 13: ĐẠT ĐẾN MỤC TIÊU THÀNH THỰC VỚI MÌNH


Khi khởi sự viết cuốn này, chữ nghĩa cứ tuôn ra cuồn cuộn, thật dễ dàng, ít nữa là trong tâm trí tôi. Và khi viết được câu: Bạn có thể đi bất cứ nơi nào bạn muốn đến, làm điều bạn muốn làm, có điều bạn muốn có và trở thành người bạn muốn thành, thú thực, tôi đã đem chúng để trước mặt, nhìn ngắm say sưa rồi thoả mãn tự nhủ: “Tuyệt vời”. Tiếc thay tôi phải để chúng ra xa vì giữa chúng tôi lù lù một khối thịt 91 ký và một vòng eo 105 phân.

Đọc lại những dòng này, tôi bắt đầu suy nghĩ và tự nhủ (tự nói chuyện với mình hoặc thậm chí tự trả lời không có gì tệ cả. Tuy nhiên, nếu mỗi khi trả lời lại phải hỏi mình “có đúng thế không?” tức là đang có chuyện rồi đó. Tình trạng của tôi lúc này như vậy đấy).

Tôi nghĩ thế nào cũng có vài độc giả sẽ thắc mắc tôi có thực sự tin điều mình đã viết không? Vì phải thành thật nên tôi đã thẩm định lại mọi lời đã viết. Tóm lại, nếu tin thì tôi nên sống theo những lời ấy, còn nếu không tin, tôi không nên viết ra. Nghĩ như vậy nên tôi tự hỏi: “Thế anh có thực như người anh muốn thành công không hả Zig?”.
Trong khi vật lộn với câu hỏi này, càng lúc càng rõ là hoặc tôi phải bỏ qua phần này, hoặc là phải cật lực đấu tranh với chính mình. Điều không thể tránh là thế nào tôi cũng phải chạm trán với những người đưa ra những câu hỏi hóc búa. Thêm vào đó, con trai tôi nay mới lên tám và tôi cảm thấy rõ ràng là một người cha chỉ có thể đánh con khi nó lên ít nhất mười hai tuổi mà thôi. Cứ đà này mà đi thì tôi khó có thể đạt điều mình muốn được. Vì thế, chỉ còn cách là phải hạn chế ăn uống lại thôi – và tôi đã sẵn sàng thực hiện.

May thay, Dallas lại chính là cái nôi của trung tâm thể dục nhịp điệu nổi tiếng trên thế giới mà Dr. Kenneth Cooper đã thiết lập. Dr. Cooper vừa là bác sĩ không quân vừa là bác sĩ thể thao. Ông đã miệt mài nghiên cứu về tác dụng của thể dục nhịp điệu đối với thân thể. Khi thấy ai chạy bộ, bạn có thể đoán chắc là người đó không chịu ảnh hưởng trực tiếp thì cũng gián tiếp của bác sĩ Cooper. Tôi đã hẹn ngày khám và đã khám suốt 5 tiếng đồng hồ. Thoạt đầu họ trích lấy 2 lít máu (ít nhất thì cũng cỡ đó) vào đầy các chai nhỏ. Tôi nghĩ bụng họ đang lập một ngân hàng máu mà mình là người cung cấp chính đây. Rồi họ dìm tôi vào bể nước ba lần để xác định độ mập. Họ khám phá ra tôi có đến 23,9% mỡ, một điều không lý tưởng chút nào. Kế đó, họ đặt tôi lên cái cối xay guồng rồi cột nối tôi với một cái máy để giám sát trái tim và nhịp tim khi tôi bước đi. Độ dài bước chân sẽ tiết lộ tình trạng thể lý của bạn.

Khi đã khám xong và thu thập đủ các số liệu cần thiết, bác sĩ chuyên khoa Randy Martin mời tôi lên phòng làm việc để xem kết quả. Ông tươi cười cắt nghĩa cho tôi hay rằng những thông tin và hình ảnh mà máy điện toán của họ đã tổng hợp được cho thấy là tôi không mập quá, có điều chiều cao tôi thiếu mất 14 phân. Tôi mới phàn nàn về điều đó, nhưng rồi bác sĩ Martin giải thích rằng hiện trạng của tôi như thế cũng là tuyệt hảo đối với một người 66 tuổi rồi. Khi tôi nhắc khéo ông là tôi mới có 46 tuổi thì thái độ của ông thay đổi hẳn. Ông bảo: “Thế thì ông quả là ngoại khổ, giả như ông chơi thể thao thì rắc rối lắm đấy”. Dĩ nhiên là tôi muốn biết mình sẽ phải làm gì nên Dr. Martin đã đề ra một thời khoá biểu chính xác, chi tiết trên giấy trắng mực đen đàng hoàng và ném cho tôi một lời “động viên” trước khi ông nói dứt về những điều nên làm, tôi có cảm tưởng mình giống như một chú bé đến hỏi cho mình một điều, thì cha chú trả lời: “Sao con không đi hỏi mẹ?”. Chú bé đáp ngay: “Vì con chỉ muốn biết qua loa thôi”.



MỘT DÃY PHỐ VÀ MỘT THÙNG THƯ

Về đến nhà, vợ tôi bình phẩm: “Ái chà, vậy anh sẽ chạy khắp phố chứ?”. Tôi đáp: Vậy chứ sao! Vợ tôi bảo:
- Em mà có một thằng con trai 46 tuổi mập thù lù chạy rong khắp phố, em sẽ nhờ anh trông nom ngay.

Rồi vợ tôi xuống chợ, mua cho tôi vài chiếc áo sơ mi và mấy cái quần soọc rất dễ thương hợp với đôi giày chạy mà bác sĩ Martin đã bảo tôi mua.

Sáng hôm sau, chuông đồng hồ vừa reo là tôi đã nhảy xuống giường xỏ bộ đồ thể thao dễ thương đó rồi phóng ra cửa – ráng sức chạy cho hết một dãy phố. Ngày kế đó có khá hơn một chút, tôi chạy qua được một dẫy phố và một thùng thư. Ngày thứ ba qua được một dãy phố và hai thùng thư, rồi hai dãy phố và ba thùng thư. Cuối cùng, tôi đã chạy vòng được khắp cả khu phố. Hôm đó, tôi đã đánh thức cả nhà dậy để khoe: “Ba thành công rồi”.

Cứ thế cho đến ngày tôi chạy được nửa dặm, rồi một dặm, một dặm rưỡi rồi hai dặm. Sau đó tôi bắt đầu tập tạ. Lúc đầu, nằm cử được 6 lần, rồi 8 lần, 10 lần, 20 lần, 30 lần và 40 lần.

Hiện nay tôi đã có thể tung bổng lên cả một người lớn con nữa, nghĩa là tôi vừa nhảy lên không, vừa vỗ tay được. Tôi lại bắt đầu tập ngồi cử tạ, ngày đầu 8 lần rồi 10 lần, 20 lần, 40 lần, 80 lần, 120 lần. Kết quả rõ ràng là số ký và vòng eo bắt đầu giảm xuống. Trong thời gian này, tôi cũng tập ăn chay thêm. Từ 91 ký, giảm xuống 90, rồi 85, 80 và 72. Vòng eo lúc đầu còn 100, rồi 98, 96, 94, 92, 90. Mười tháng sau, tôi chỉ còn nặng 72 ký với vòng eo 68cm.



NHỮNG NGUYÊN TẮC ĐỀ RA MỤC TIÊU

Sở dĩ tôi kể lại cho bạn chuyện này vì nó bao hàm cả nguyên tắc đề ra mục tiêu lẫn đạt tới mục tiêu. Mục tiêu liên hệ đến chính tôi và từ khi sự đáng tin của tôi bị đe doạ thì động lực của việc đạt tới mục tiêu đã nằm sẵn lúc tôi đề ra mục tiêu rồi. Mục tiêu đủ lớn để trở thành một thách thức thực sự buộc tôi phải cố gắng hết mình, song nó không có nghĩa là vô trách nhiệm hoặc tất cả thực hiện.

Nếu tôi chỉ muốn ốm bớt hai ký rưỡi thì có lẽ chẳng ai nhận ra sự sụt ký đó. Khi tôi bắt đầu ốm bớt và vòng eo nhỏ lại, gia đình và bạn bè đã nồng nhiệt khen ngợi. Những lời khen ấy thật hữu ích vì nó giúp tôi cảm thấy phấn khởi và hăng hái hơn. Thời gian bỏ ra tập luyện đã được tưởng thưởng bằng cách giúp tôi có được sự kiên trì trong những việc lớn lao về sau.

Tầm cỡ của mục tiêu hết sức quan trọng.

Trước đây tôi đã nhấn mạnh là một mục tiêu có thể rất lớn, nhưng bạn nên nhớ một mục tiêu như vậy phải được một chuyên gia tài ba điều khiển.

Mục tiêu phải được xác định rõ, thật rõ.

Mục tiêu phải dài hạn. Từ khi tôi quyết định viết sách tới lúc xuất bản được nó, phải mất 10 tháng trời đăng đẳng. Sụt giảm một lúc 18,5kg là điều cực khó song nếu bạn chia nhỏ thành mười tháng, mỗi tháng 1 ký 8 thì rất dễ thực hiện. Nhờ làm như vậy nên tôi hết sức lạc quan, một đức tính cực kỳ quan trọng nếu bạn muốn đạt tới đích.

Mục tiêu giảm cân này đã trở thành hiện thực khi tôi chia nó thành từng phần nhỏ phải làm hàng ngày. Nếu muốn giảm 18,5 kg trong vòng mười tháng thì mỗi ngày tôi phải giảm được 60gr. 18,5 kg thì nhiều thực, song 1,8 kg thì không bao nhiêu và nhất là 60gr thì chẳng đáng kể gì. Mỗi lần giảm cân được một chút là tôi lại hăng hái và vững tin hơn vào sự thành công của mình. Mà thành công sẽ tiếp nối thành công.

Do đó, dù mục tiêu đề ra và theo đuổi là gì đi nữa thì cũng phải sắp xếp sao cho hầu như mỗi ngày bạn đều cảm thấy phấn khởi nhờ gặt hái được vài thành công nho nhỏ đủ loại.

Sự “hồi tiếp tích cực” này sẽ gia tăng lòng tự tin của bạn để bạn bắt đầu “trông mong” và tự mình nhìn thấy chính mình mỗi ngày một thêm hoàn thiện – Con đường duy nhất để đạt tới những mục tiêu ngắn hạn. Luôn nhắm đến mục tiêu chính nhưng cũng phải nhớ luôn rằng hoàn thành những công việc hàng ngày thì bạn mới tiến dần tới mục tiêu dài hạn được.

Để mục tiêu có nghĩa, tôi phải đặt ra một thời hạn hợp lý. Nếu tôi tính giảm 18kg5 trong vòng 37 năm hay 37 tháng thì quá dài, song chỉ trong 37 ngày thôi thì lại quá vô lý, không chỉ vì nó không thực hiện được mà còn là một thảm hoạ cho sức khoẻ nữa. Thời biểu tôi đặt ra tuy đầy tham vọng nhưng vẫn hợp lý và có thể đạt được.



KHÔNG PHẢI LÀ SỰ TRẢ GIÁ!

Mỗi buổi sáng, khi chuông đồng hồ báo thức, tôi thường tự nhủ: “Tội nghiệp gã đàn ông 46 tuổi, mập ú này quá, trong khi người ta đang ngon giấc thì hắn lại phải trỗi dậy mà chạy khắp cả phố phường”. Đoạn tôi nhìn xuống vòng eo 105 phân của mình và hỏi: “Ziglar này, cậu muốn giống như hiện nay hoặc muốn giống như chàng trai trong tờ quảng cáo quần soọc cho nài ngựa kia?”. Vì không muốn giống anh chàng mập hiện giờ nên tôi phóng khỏi giường và bắt đầy chạy.

Tuy nhiên, không phải vì đã quyết định chạy và làm cho mình giảm cân mà bảo là tôi thích chạy đâu. Thực tình mà nói thì một bước chân là một “cực hình”. Tôi đã chạy trong tuyết lạnh ở Winnipeg, trên cát nóng ở Acapulco, dưới mưa buồn ở Minneapolis và giữa những vườn cam trĩu trái ở Florida và đừng nghĩ là tôi sẽ huênh hoang với bạn bè, gia đình và cả những người xa lạ nữa về sự “hy sinh” vĩ đại này. Tôi đã chạy chỉ vì muốn sụt cân thôi. Chính tôi cũng hơi lấy làm lạ vì mình đã giữ kín được cả bạn bè và gia đình như vậy, song đó cũng là điều tự nhiên thôi, vì bao năm nay, tôi vẫn luôn nói với các thính giả thực sự là muốn hoàn thành bất cứ điều gì đáng giá bao giờ bạn cũng phải trả một giá nào đó.

Một hôm, tôi đang chạy trong khuôn viên trường đại học Portland của tiểu bang Oregon ở Portland. Hôm đó là một ngày mùa xuân tuyệt vời. Nhiệt độ khoảng 750. Các sinh viên đang nghỉ xả hơi, học tập và tán tỉnh, thì Ziglar chạy ngang. Mặc dù mồ hôi chảy như suối, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy lành lạnh, tuồng như đất đai và con đường cán đá đang chao đảo bập bềnh dưới chân. Lúc bấy giờ, tôi mới thấy việc chạy này “lạ đời”. Tôi đột nhiên ý thức được mình đang sống. Dù đã xấp xỉ 50, nhưng tôi thấy còn tráng kiện hơn cả hồi 25 nữa, đồng thời, tôi biết rõ mình có thể chạy nhanh hơn 98% sinh viên Mỹ trên đường đua 2 dặm, như vậy, rõ ràng là tôi được hưởng giá chứ đâu phải trả giá . Thật vậy, khi chỉ còn 3,5 ký nữa là đạt đích thì túi mật tôi bị bể mà mãi bốn hôm sau bác sĩ mới phát hiện được. Trong 4 ngày đó, tôi đau đớn khủng khiếp. Khi đến bác sĩ thì gan đã nung mủ và nhiễm độc nặng. Về sau, bác sĩ cho tôi hay, sở dĩ tôi hồi phục được, phần lớn là nhờ đã tập chạy trước đó. Thú thực là tôi cũng lấy làm lạ vì không thấy đau mấy khi mổ xong. Vì vậy, tôi hoàn toàn thâm tín Không phải là bạn “TRẢ GIÁ” mà “HƯỞNG GIÁ” đấy. Mọi lãnh vực ở đời đều như vậy cả. Khi thành công, bạn đâu còn gì trả giá nữa. Bạn chỉ trả giá khi bại mà thôi.

Sở dĩ tôi phải dài dòng kể lể về mình như vậy, không phải vì nhằm giúp bạn sụt cân, nhưng vì nó liên quan đến việc đề ra và đạt tới mục tiêu.

Thứ nhất, đây chính là mục tiêu tôi tự đặt cho mình. Bác sĩ đâu bảo tôi phải kiêng cữ để giảm cân.

Thứ hai, tôi sẽ không còn đáng tin khi bảo rằng bạn có thể trở thành người bạn muốn thành nếu tôi đã không làm được như vậy.

Thứ ba, bạn phải cương quyết làm kỳ được nếu muốn đạt tới đích. Tôi đã cam kết trên giấy trắng mực đen là mình nặng 72,5ký trong khi thực tế, tôi đang nặng 91 ký. Tuy nhiên, đó là chuyện 10 tháng trước khi chúng tôi đem sách đi in, và vì không nhà xuất bản nào chịu in cả, nên tôi đã bỏ tiền túi ra làm. Thoạt đầu, tôi chỉ định in 25.000 bản thôi, bạn thử nghĩ xem, chả lẽ tôi dám để 25.000 bản sách của mình ở trong kho bảo rằng tôi chỉ nặng có 72,5 ký, trong khi tôi cứ núng na núng nính với 91 ký thịt hay sao? Bởi vậy, đó chính là 25.000 bản cam kết của tôi đó.

Thứ bốn, mục tiêu phải lớn – giảm tới 18,5 ký. Bởi vì mục tiêu chỉ có hiệu quả thực sự khi có sự chuyển biến rõ ràng.

Thứ năm, mục tiêu phải cụ thể vì bạn phải là người “có ý nghĩa đặc biệt” chứ không phải “kẻ lang thang vô định”.

Thứ sáu, mục tiêu phải dài hạn (10 tháng).

Thứ bảy, chia mục tiêu thành từng phần nhỏ để thực hiện mỗi ngày (60gr).

Thứ tám, vạch kế hoạch để thắng vượt trở ngại (kiêng cữ và chạy bộ).

Thứ chín, duyệt xét tổng quát hiện tượng cho thật rõ ràng (quá 18,5 ký) để bạn có thể bắt đầu được đúng hướng.



NGƯỜI LUYỆN BỌ CHÉT

Trong phần nói về mục tiêu ở chương 12, tôi đã kể lại cho bạn câu chuyện anh bán dụng cụ bếp núc, chỉ trong một năm, đã bán nhảy vọt từ 34.000 đô la tới 104.000. Do đâu anh đã thành công rực rỡ như vậy?

Thưa vì anh đã học được cách “luyện bọ chét”.

Bạn có biết cách “luyện bọ chét” chưa? Tôi nói đứng đắn chứ không phải nói chơi đâu. Biết cách luyện bọ chét rất quan trọng, vì nếu không, bạn sẽ không bao giờ thành công và hạnh phúc cả. Đó là một sự thật. Giờ thì có lẽ bạn đã muốn học cách luyện bọ chét rồi, phải không?

Trước tiên, bạn hãy bỏ chúng vào trong lọ, rồi đậy nắp lại, chúng sẽ nhảy lên, nhảy thật cao, đụng cả vào nắp lọ. Quan sát chúng nhảy và đụng vào nắp lọ, bạn sẽ thấy một điều thú vị là chúng vẫn tiếp tục nhảy những hơi bớt sức để không đụng vào nắp lọ nữa. Lúc bấy giờ, bạn cứ việc mở nắp ra, cho chúng nhảy tha hồ. Chúng sẽ không bao giờ nhảy ra khỏi lọ được. Bạn nhớ cho kỹ nhé, chúng không nhảy khỏi lọ không phải vì không đủ sức mà vì đã quen cỡ nhảy rồi. Một khi đã nhảy quen một cỡ, chúng chỉ có thể nhảy cỡ đó thôi.


BẠN CÓ KHỚP KHÔNG?

Con người cũng giống y như vậy. Họ muốn viết một cuốn sách, leo lên một đỉnh núi, phá vỡ một kỷ lục hay góp sức vào một việc gì đó. Thoạt tiên, ước mơ và tham vọng của họ nhiều vô kể, nhưng rồi những va chạm, vấp váp trên đường đời, cộng với những lời bình phẩm tiêu cực về cuộc sống, về cá nhân họ, của “bạn bè”, chòm xóm khiến họ đâm ra “khớp”, nghĩa là một người rất nhạy cảm trước ảnh hưởng tiêu cực của người khác. Vì vậy, tôi mới khuyên bạn phải dè dặt khi chia sẻ mục tiêu của mình với người khác. Song ngược lại, chúng ta cũng rất nhạy cảm trước ảnh hưởng tích cực của người khác. Khi Joe Louis đoạt chức vô địch hạng nặng thế giới, anh luôn khiến các đối thủ của mình bị “khớp”. Họ thường sợ điếng người nên đã trở thành nạn nhân dưới tài nghệ đáng sợ của anh. Khi John Wooden đưa Bruins thuộc đội bóng rổ UCLA của ông ra sân, các đối thủ “khớp” đến nỗi, trước khi tiếng còi kết thúc thì kết quả trận đấu đã ngã ngũ hẳn. Đây chính là lý do giúp đội UCLA đoạt cúp vô địch quốc gia 10 lần trong 12 năm.

Bởi vậy, các huấn luyện viên luôn nhắc nhở cầu thủ phải thi đấu theo ý mình chứ không được để cho đối thủ chi phối. Kẻ “bị khớp” thường nghe những lời tiêu cực vô ích của các “ông tiên tri” về “ngày tận thế”, những người thay vì cung cấp cho họ những phương pháp đạt tới thành công lại chỉ biết cho họ những lời bào chữa cho thất bại mà thôi, nên họ có thất bại cũng là lẽ đương nhiên.

Còn anh bán dụng cụ bếp núc của chúng ta khác hẳn. Anh không những không “bị khớp” mà còn loại được nó để đề ra mục tiêu lớn hơn nữa. Anh đề ra một mục tiêu dài hạn là phá vỡ kỷ lục bán hàng và trở thành người bán hàng giỏi nhất thế giới. Mục tiêu mỗi ngày của anh là phải bán được 350 đô la hàng hoá. Anh đã thành công rực rỡ, trong một năm, doanh số bán ra của anh đã gấp hơn ba lần.

Sở dĩ tôi biết rõ chuyện này vì anh ta chính là em ruột tôi, Judge Ziglar. Tôi hãnh diện vì chú ấy đã áp dụng cùng một phương pháp đạt tới mục tiêu như tôi cũng như cả nguyên tắc luyện bọ chét nữa. Nhờ đó, chú ấy đã trở thành một trong những phát ngôn viên và huấn luyện viên bán hàng hàng đầu ở Mỹ. Hiện chú đang dạy người khác cách đạt tới mục tiêu qua những buổi mạn đàm trên khắp nước Mỹ.

TRỞ NGẠI KHÔNG THỂ VƯỢT

Roger Bannister là mẫu người điển hình nhất của việc luyện bọ chét. Bao năm nay, các lực sĩ đã cố gắng chạy 1,6 km dưới 4 phút, nhưng xem ra như không thể vượt, vì họ đều là những người “bị khớp”. Có lẽ có người trong số họ từng tuyên bố: “Tôi sẽ chạy 1,6km trong 4 phút” nhưng khi xếp hàng, tiếng huấn luyện viên lại văng vẳng trong tai: “Chí ít cũng phải mất 4 phút, anh không thể vượt quá con số đó đâu. Thú thực, tôi đã tính toán kỹ lưỡng một cách khoa học rồi nên tôi không tin có ai phá được kỷ lục này cả”. Rồi tiếng vị bác sĩ cầm ống nghe cũng vẳng lại: “Anh mà đòi chạy 1,6 km trong 4 phút ư! Khổ vô cùng, tim anh sẽ nhảy ra khỏi lồng ngực mất! Anh không làm nổi đâu”. Các phương tiện thông tin đã tính toán là đoạn đường đó sẽ phải mất trên 4 phút và dư luận chung cho rằng khả năng thể lý của con người, không thể vượt 1,6 km trong 4 phút được. Do đó lực sĩ nào cũng “khớp” và cho đó là điều không thể thực hiện được.

Tuy nhiên Roger Bannister đã không “bị khớp”. Anh là người luyện bọ chét nên đã chạy được 1,6 km trong 4 phút lần đầu tiên trên thế giới. Sau đó, các lực sĩ trên khắp thế giới cũng bắt đầu chạy được như vậy. Sau Bannister 6 tuần là John Landy ở Úc... Từ đó đã có tới hơn 500 cuộc đua đạt kỷ lục dưới 4 phút kể cả kỷ lục của một lực sĩ 37 tuổi. Nguyên tại cuộc thi đấu điền kinh NCAA ở Baton Rouge, bang Louisiana vào tháng 6/1973 cũng đã có 8 lực sĩ chạy 1,6 km dưới 4 phút rồi. Rào cản 4 phút đã sập, nhưng không phải vì con người lẹ hơn về thể lý mà vì nó là chướng ngại tâm lý mà thôi. Nếu bạn vẫn chưa hiểu thì tôi xin nói rõ hơn “Người luyện bọ chét là người có thể nhảy ra khỏi lọ”. Người đó được nội tâm hướng dẫn và không bị khớp trước những ảnh hưởng tiêu cực bên ngoài.



BẮT ĐẦU VỚI MỘT MỤC TIÊU

Đối với người chưa từng đề ra một mục tiêu có ý nghĩa nào để thực hiện thì cuộc sống xem ra lắm mục tiêu quá. Để không bị mục tiêu dìm ngợp, bạn hãy nghe lời Judge Ziglar khuyên những người bán hàng: “Nếu trước nay, bạn chưa đề ra mục tiêu bao giờ, thì tôi đề nghị bạn nên khởi đầu với một mục tiêu ngắn hạn. Trước tiên, bạn chọn lấy tháng bán được đắt nhất rồi cộng thêm 10% nữa để làm mục tiêu tháng. Sau đó, bạn lựa ngày bán đắt trong tháng, viết doanh số ngày đó ra giấy rồi để ở trước mặt. Dưới số đó, bạn viết doanh số trung bình hàng ngày phải bán để đạt mục tiêu tháng. Số này, tất nhiên sẽ ít hơn nhiều so với ngày đắt nhất, nhờ đó, bạn sẽ tự tin và có thể đạt mục tiêu tháng cách dễ dàng.

Đến cuối tháng, nếu đạt được mục tiêu, bạn nên đặt mục tiêu cho một quý, còn không thì bạn nên đặt lại mục tiêu tháng thêm lần nữa. Chỉ khi đã đạt mục tiêu trước, bạn mới có thể đạt mục tiêu sau, bạn nên nhớ kỹ như vậy. Khi đã đạt mục tiêu tháng, bạn sẽ lấy nó, nhân cho ba rồi cộng thêm 10% để đề ra mục tiêu quý. Nhưng lần này, bạn sẽ phải lấy doanh số của tuần lễ đắt nhất đặt ở trước mặt rồi lấy số trung bình hàng tuần phải có để đạt mục tiêu quý. Cuối quý, thấy mình đạt mục tiêu, bạn lại đặt ra mục tiêu bằng cách lấy mục tiêu quý, nhân với bốn rồi cộng thêm 10%. Con số 10% rất hợp lý và dễ đạt tới, nhưng chính lòng cương quyết mới giúp bạn tăng doanh số. Sự việc cũng diễn tiến y như trước và bạn sẽ thành công dễ dàng. Dĩ nhiên, cũng có nhiều trường hợp vượt tầm kiểm soát của bạn, chẳng hạn như đồ chơi, đồ tắm, đồ trẻ em, dụng cụ làm vườn... là những món hàng tuỳ mùa. Tất nhiên, bạn sẽ phải điều chỉnh để bù lại những thay đổi vượt tầm kiểm soát đó. Tuy nhiên, nếu quyết tâm thực hiện, bạn sẽ khám phá thấy là nhiều khi việc buôn bán “theo mùa” đó lại chẳng hoàn toàn “theo mùa” như bạn nghĩ chút nào. Doanh số “ngoại mùa” của bạn sẽ cao hơn trước đây nhiều lắm. Khi mục tiêu quý thành công, bạn có thể lấy đó làm cơ sở đề ra mục tiêu cho các lãnh vực khác. Thành công đưa đến thành công, vì thế bạn hãy cứ bắt đầu với bước thứ nhất trước đã.



MỞ TOANG MỌI CỬA DẪN ĐẾN MỤC TIÊU

Để đạt được mục tiêu, bạn nên biết câu chuyện của Houdini. Houdini là một phù thủy bậc thầy đồng thời cũng là vua mở ống khoá. Ông khoe mình có thể trốn khỏi bất cứ phòng giam nào trên hành tinh này trong vòng 1 tiếng đồng hồ, miễn là được vào phòng giam với bộ đồ dạo phố.

Lúc bấy giờ, dân chúng tại một thành phố nhỏ bên Anh rất tự hào về khám đường mới của họ nên đã thách Houdini “đến thử mùi”. Vốn hám danh và cầu lợi nên Houdini nhận lời ngay. Ngày ông xuất hiện, cả thành phố cứ bừng lên như mở hội. Ông oai vệ cỡi ngựa tiến vào thành phố rồi khoan thai bước vào phòng giam. Khi cửa phòng đã đóng lại, ông vẫn rất ung dung, tự tin. Houdini cởi áo khoác và bắt đầu làm việc. Ông lận trong thắt lưng ra một miếng thép dài 25 phân, sắc bén và mềm mại, chuyên dùng để mở khoá, 30 phút sau, cảm giác tự tin của ông biến mất. Một giờ sau, mồ hôi toát ra như tắm. Hai tiếng sau, Houdini ngã qụy trước cánh cửa phòng giam để mở. Thực vậy, cửa phòng giam không hề khoá, trí óc ông cứ nghĩ là nó được khoá chặt bởi muôn vàn ổ khoá, trong khi chỉ cần đẩy nhẹ, nó cũng bật ra. Đời bạn cũng thế đấy, nhiều lần, chỉ cần đẩy nhẹ thêm một chút là cánh cửa may mắn đã mở ra rồi mà bạn không biết.

Trong ván bài cuộc đời, bạn sẽ khám phá thấy là thế giới sẽ mở cửa kho tàng và phần thưởng của nó khi bạn đề ra mục tiêu và mở cửa tâm trí mình. Thực sự mà nói thì hầu hết các cánh cửa đều đóng khóa trong tâm trí bạn thôi. Ấy là tôi nói trước đây thôi, vì hẳn khi đọc những dòng này, bạn đã mở toang cánh cửa tâm trí mình rồi.



THẤY MÌNH ĐẠT ĐÍCH

Ông Nesmeth chơi gôn hàng tuần rồi hoàn toàn bỏ hẳn suốt 7 năm trời. Lạ thay, sau 7 năm nghỉ chơi, lần chơi trở lại đầu tiên, ông đã đánh được 74 điểm. Trong 7 năm nghỉ chơi, ông không tập luyện một lần nào và điều kiện thể lý của ông cũng suy thoái trầm trọng. Thật vậy, suốt 7 năm đó, ông đã phải thu mình trong một phòng giam nhỏ cao 1m5, dài 1m6, vì là tù nhân chiến tranh tại Triều Tiên.

Câu chuyện của ông nêu bật một điều: Ta phải “thấy mình đạt đích” nếu mong tới đích và hoàn thành những mục tiêu ở đời. Khi bị coi là tù nhân chiến tranh, ông bị giam biệt lập 5 năm rưỡi, không gặp, không trò chuyện với ai và không được tập thể dục hằng ngày. Mấy tháng đầu, ông không làm gì khác ngoài việc cầu mong và cầu nguyện được phóng thích. Rồi ông nhận ra rằng, nếu muốn giữ sức khoẻ và được sống sót, phải thực hiện những bước tích cực và quyết định. Do đó, ông chọn thú chơi gôn mà ông thích nhất và bắt đầu chơi trong phòng giam – ông chơi trong trí đủ 18 lỗ gôn mỗi ngày. Ông chơi trọn vẹn cả những chi tiết nhỏ nhặt, cuối cùng, ông “thấy mình” mặc đồ đánh gôn, bước tới lỗ gôn đầu. Ông hình dung trọn vẹn từng ngày nắng, ngày mưa mà ông đã chơi. Ông “thấy” được kích thước vòng gôn, sân cỏ, cây cối, chim chóc, và mọi thứ trang hoàng khác trên sân gôn. Ông “thấy rành rọt cách mình cầm gậy bằng tay trái, cách đặt tay phải trên tay trái. Ông cẩn thận như mình phải giữ tay trái thật thẳng, rồi phải luôn nhìn vào banh. Ông thận trọng vung tay về đàng sau thật chậm rãi và thoải mái mà mắt vẫn nhìn vào trái banh, ông luyện cách vung gậy cho nhẹ nhàng rồi đánh bật trái banh đi. Rồi ông nhớ lại đường banh, ngắm nó bay trên không, rớt chạm mặt đất, lăn tròn cho tới khi ngừng tại điểm đã định...

Ông chơi trong trí lâu như chơi một trận gôn thật, với đủ mọi giai đoạn trước sau. Nói cách khác, ông đã quyết định trở nên một người có ý nghĩa đặc biệt chứ không phải chỉ là một người chung chung vô định.



TẬP LUYỆN CÁCH THƯ THẢ

Trong bảy năm ròng rã, ngày nào ông cũng chơi đủ 18 lỗ gôn, không đánh hụt một trái, không trật lỗ một quả. Tuyệt vời hết mức. Trong quá trình đánh gôn tưởng tượng ấy, ông có thể chơi liên tục bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày, nhờ đó ông luôn giữ được tinh thần lành mạnh, và đã có thể làm được một điều đại sự với kiểu chơi gôn này. Câu chuyện của ông nhấn mạnh điều tôi muốn bạn nhận ra. Đó là: MUỐN ĐẠT ĐẾN ĐÍCH, BẠN PHẢI THẤY MÌNH “ĐANG ĐẠT” ĐÍCH TRƯỚC ĐÃ. Muốn được tăng lương, thăng thưởng, đậu cao, được ổ bánh ngon hơn, cái bẫy chuột nhạy hơn hay căn nhà hằng mơ ước... Bạn hãy đọc lại câu chuyện trên cho thật kỹ. Cứ giữ đúng qui tắc ấy mỗi ngày ít phút tất sẽ đến lúc bạn không chỉ “thấy mình đang đạt đích” mà còn “thực sự đạt đích nữa”.

Như tôi vẫn nói, đây chính là lối “tập luyện cách thư thả”. Theo lối này, bạn chỉ phải bỏ ra rất ít hoặc không phải bỏ gì cả trước khi sự việc xảy đến. Do đó mà cầu thủ bóng rổ mới tập ném buông, cầu thủ đá banh tập sút bóng, vị bác sĩ trẻ tập mổ xác, người bán hàng tập dượt trong lớp huấn nghệ. Một khi “tập luyện cách thư thả” cho đủ rồi, thì đến giờ hành động, bao giờ bạn cũng đạt được nhiều kết quả hơn, dù trong lãnh vực nào cũng vậy. Riêng tôi, trong việc làm “ốm bớt” tôi cũng thấy mình “đang đạt đích” bằng cách tưởng tượng ra một anh chàng gầy nhom và trí tôi lúc nào cũng nhìn chằm chằm vào đó. Tôi quyết chí nên giống anh ta. Tôi không còn coi mình như một người mập mạp dễ thương nữa mà tôi đã trở nên một người thon thả dễ thương.



SẮT GỈ VÀ CỎ HÔI

Heartsell Willson, nhà diễn thuyết hàng đầu kể rằng hồi nhỏ, ông thường chơi chung với hai người bạn một người vừa cỡ, một người bự quá khổ trên một đoạn đường sắt bỏ hoang ở miền Đông Texas. Ba người thường thi nhau xem ai đi trên tà vẹt xa nhất mà không rớt. Heartsell và cậu bạn vừa cỡ chỉ đi được vài bước là rớt còn cậu bạn quá khổ thì cứ đi hoài. Heartsell mới tò mò hỏi bí quyết thì cậu đáp: Hai cậu cứ mãi nhìn xuống bàn chân nên ngã là phải, trong khi tớ, vì mập quá, không thấy được chân, nên tớ cứ nhắm vào mục tiêu ở đằng trước và khi tới rồi, tớ lại nhắm xa hơn nên đâu thế nào rớt được. Vì thế, bạn hãy tiến xa tối đa tầm mắt, khi tới đó rồi, bạn luôn có thể thấy xa hơn để lại bước tiếp.

Điều khôi hài ở đây là cậu bé mập lù lại chính là người sáng lập triết thuyết: Nếu nhìn xuống chân, bạn chỉ thấy toàn sắt gỉ và cỏ hôi còn khi nhìn về đàng trước, bạn sẽ “thấy mình đang tới đỉnh”. Quả là chí lý!

Tôi muốn đi xa hơn. Giả như Heartsell và bạn ông nắm tay nhau mà đi trên hai thanh tà vẹt, ắt họ có thể đi mãi mà không rớt. Đây chính là sự hợp tác – không chỉ với người đồng loại mà cả với quy luật của vũ trụ nữa. George Matthew Adams có nói: “BẠN SẼ ĐẠT ĐƯỢC MỌI MƠ ƯỚC TRÊN ĐỜI, NẾU BIẾT GIÚP NGƯỜI KHÁC ĐẠT ĐƯỢC ĐIỀU HỌ MUỐN”.

Thiên nga Canada là loài chim biết giá trị của sự hợp tác tự bản năng. Bởi vậy bạn luôn thấy chúng bay theo hình chữ V với hai cạnh dài ngắn không đều (sở dĩ như vậy vì cạnh dài nhiều thiên nga hơn). Những con chim bên cạnh dài này sẽ thay nhau bay trước để đương đầu với gió, che chắn cho những con chim bay sau ở cả hai bên. Những thí nghiệm trong đường hầm lộng gió cho thấy là chim bầy sẽ bay được xa hơn chim bay riêng lẻ 72%.

Do đó, người ta cũng có thể tiến cao hơn, xa hơn, nhanh hơn nếu biết hợp tác với người khác thay vì đấu tranh chống lại họ.

Một trong những nguồn trợ lực tốt nhất chính là gia đình, đặc biệt là người bạn đời. Nếu vợ hoặc chồng bạn “làm việc với bạn” thay vì chỉ “đi chơi với bạn” thì bạn sẽ có thể đạt đích nhanh hơn dễ hơn, và say mê hơn trên đường sự nghiệp. Bạn đừng ngạc nhiên hay thất vọng nếu lúc đầu, chồng hoặc vợ bạn, không được hồ hởi lắm. Vì, nếu biết khéo kéo chia sẻ và cho họ thấy sự hợp tác và quan tâm của họ quan trọng ra sao đối với bạn thì cả hai đều sẽ được lợi rất nhiều khi tiến hành công việc. Sự liên kết chặt chẽ và quan tâm đến nhau như vậy tối quan trọng vì nó giúp bạn thiết lập được mối quan hệ sâu đậm hơn và nguyên do cũng là một phần thưởng quí giá rồi. Khi cả hai cùng lên đường đi tới đích, có thể chẳng ai nhìn thấy cuối đường hầm cả, nhưng đời sống thường không chỉ nhường bước cho những người biết mình muốn đi đến đâu mà thường còn đồng hành và giúp họ đạt đến đích nữa.



TÔI SẼ

Vài năm trước, một đoàn thám hiểm quốc tế tổ chức leo lên đỉnh ngọn Matterhorn, theo sườn phía Bắc, một kỳ công chưa ai thực hiện cả. Trước ngày khởi hành, các phóng viên bu đến phỏng vấn những đoàn viên quốc tế trong đoàn. Một phóng viên hỏi đoàn viên thứ nhất: “Có phải ông tính leo sườn phía Bắc lên ngọn Matterhorn không ạ?”. Người đó đáp: “Tôi định cống hiến mọi sự để làm chuyện đó đấy”. Một phóng viên khác hỏi người thứ hai: “Ông cũng tính leo sườn phía Bắc lên ngọn Matterhorn đấy ư?”. Người ấy trả lời: “Tôi sẽ cố gắng hết sức!”. Người thứ ba được hỏi cũng trả lời: “Tôi sẽ cố gắng tối đa xem”. Sau cùng, một thanh niên Mỹ đã trả lời: “Phải tôi nhất định sẽ leo lên ngọn Matterhorn theo sườn phía Bắc”. Kết quả chỉ có một người lên tới đích và chính là người đã nói: “Tôi nhất định sẽ”, vì anh ta đã “thấy mình đạt đích”.

Trong bất cứ lãnh vực hoạt động nào, dù để tìm một công việc tốt hơn, có nhiều tiền hơn hoặc muốn đạo đức hơn, có những đứa con ngoan ngoãn hơn, có một cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc hơn hoặc là tất cả những điều đó thì ta phải “thấy mình đạt được” trước đã rồi mới “thực sự đạt được”.


NGƯỚC LÊN

Thời còn xài tàu buồm, có một chàng thủy thủû ra khơi lần đầu. Ra giữa Đại Tây Dương thì tàu gặp bão lớn, thuyền trưởng bèn ra lệnh cho anh leo lên xoay buồm. Chưa có kinh nghiệm nên anh vừa leo lên vừa nhìn xuống. Tàu lắc lư, hụp lên hụp xuống khiến anh đâm hoảng, mất hết thăng bằng, chỉ chực té. May sao lúc đó có một người thủy thủ già đứng dưới. Ông vội hô lớn: “Ngước lên trời, con ơi, ngước lên”. Chàng thủy thủ trẻ vội ngước lên và lập tức lấy lại được thăng bằng. Mỗi khi sự việc đâm ra tệ hại, bạn hãy xét thử xem mình có nhìn sai hướng hay không. Nhìn lên mặt trời, bạn đâu thấy có bóng. Nhưng nhìn trước, nhìn sau, bạn sẽ thấy đủ hình đủ dạng. Mỗi khi triển vọng mờ mịt, bạn hãy ngước nhìn lên – điều này bao giờ cũng tốt. Hãy áp dụng nguyên tắc này cộng thêm vài nguyên tắc sắp tới nữa là bạn sẽ đạt được các mục tiêu của mình.



CẦN PHẢI HÀNH ĐỘNG

Tôi xin nhắc lại: Kết quả của mục tiêu không quan trọng bằng điều bạn trở thành khi đạt được mục tiêu đó. Phần bạn thì sao? Bạn có tin mình cần mục tiêu không? Bạn đã bắt đầu ghi sổ để có thể biết mình đang đi tới đâu chưa? Bạn đã bắt đầu xác lập mục tiêu chưa? Bạn đã kê khai các trở ngại trên đường đến mục tiêu chưa? Bạn có thấy ít ra là “thoáng thấy mình đang đạt đích” chưa. Nếu bạn trả lời “có” trước tất cả các câu hỏi trên thì tôi xin bạn hãy kẻ thật đậm xung quanh từ “MỤC TIÊU” trên trang vẽ cầu thang.

Bạn hãy ghi các mục tiêu của mình vào một hoặc nhiều tấm phiếu khổ 9x12. Nhớ viết thật rõ rồi bọc nhựa cẩn thận và luôn mang theo trong túi để đọc lại luôn luôn. Sau này, bạn sẽ hiểu tại sao phải làm vậy. Giờ thì mục tiêu của chúng ta là HÀNH ĐỘNG. Bạn nên nhớ là khi đầu máy xe lửa mạnh nhất thế giới đậu lại thì chỉ cần một miếng gỗ dày 2 phân đặt trước mỗi bánh xe cũng đủ giữ nó đứng yên. Nhưng khi chạy với vận tốc 160km/g thì nó có thể cán sập một bức tường bê tông cốt sắt dày 1m5. Khi ra tay hành động, bạn cũng mạnh như vậy đó. Vì thế, hãy bắt đầu ngay đi và tăng tốc lên. Hãy phá sập các chướng ngại chắn giữ đường tới đích.

Lúc này bạn đang đứng trên bậc thang thứ ba. Bạn cũng biết, bậc thang này không phải chỗ bạn ngồi đâu. Nó ở đó chỉ cốt để giúp bạn bước lên bậc thứ bốn mà thôi. Vì vậy, xin bạn hãy cầm lấy bút và viết lên nó: “TÔI – ĐANG Ở TRÊN ĐƯỜNG”.
 

Đọc tiếp:   Phần 5: Thái Độ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét