Chào các bạn!

Tất cả các quyển sách trực tuyến, chúng tôi đều có sẵn Ebook và Audio book. Nếu có nhu cầu mời các bạn vào đây để tải: Hướng dẫn cách tải links trên các host TẢI EBOOK- AUDIO BOOK TỪ A --> Z


ƯMCBNĐTHT - Chương IV - Phần 5 : Hăy suy nghĩ về mục đích cuộc sống

Theo tôi thấy, trẻ em ở Mỹ được hưởng một nền giáo dục hướng vào phát triển nhân tính hơn nhiều so với trẻ em Nhật Bản. Trẻ em ở Mỹ được tự do phát triển cho đến hết cấp ba. Thời gian từ cấp một cho đến hết cấp ba là khoảng thời gian mà trẻ em Mỹ có thể thong thả suy tính về mục tiêu cuộc đời mình. Nói cách khác, đó là thời gian cho chúng suy nghĩ về nguyện vọng: Lớn lên mình sẽ làm gì?


Sau khi xác định được mục tiêu “mình sẽ làm gì”, chúng bước chân vào đại học và bắt đầu thu thập một cách quyết liệt những học vấn cơ bản cần thiết cho việc đạt mục tiêu đã định. Thực tế cũng cho thấy, sinh viên Mỹ nào cũng đều có ý thức rõ ràng về mục đích cuộc đời và tập trung tiếp thu những trí thức liên quan tới mục tiêu đó.

Về điểm này, trong các trường học ở Nhật Bản, không ai nói rõ ràng cho các em biết quá trình học phổ thông là quá trình để các em xác định mục tiêu trong cuộc đời mỗi người.

Tuy vậy, đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, học sinh nhất thiết phải có cơ hội, phải có thời gian để suy nghĩ về khả năng của mình trước khi bước vào đời. Chúng phải tự đặt ra cho mình những câu hỏi và phải được giúp đỡ để tự trả lời: Mình sẽ làm gì, sẽ trở thành con người thế nào? Cuộc đời mình nên như thế nào thì tốt?...

Trên cơ sở ý thức rõ mục tiêu của mình, bước sang thế kỷ 21, tính sáng tạo càng trở nên cấp thiết đối với Nhật Bản. Bởi vì nếu so với Hoa Kỳ, Nhật Bản là một quần đảo, và không được thiên nhiên ưu đãi cho một chút tài nguyên nào cả.

Cho tới nay, Nhật Bản đã thành công dựa trên việc tiếp thu thật nhiều tri thức, vận dụng tri thức để phát triển các ngành kỹ thuật cao, sản xuất loạt các sản phẩm công nghiệp tuyệt vời nhất thế giới với giá thành rẻ và xuất khẩu sang các nước khác. Nhưng từ nay về sau, ngành chế tạo Nhật Bản chắc chắn phải di dời các căn cứ sản xuất sang các nước đang phát triển để hạ chi phí sản xuất. Và khi đó, ở Nhật Bản chỉ còn lại một thứ tài sản duy nhất, đó là nguồn lực. Vì thế vấn đề tối quan trọng là phải làm thế nào để sử dụng một cách năng động và sáng tạo nguồn nhân lực này!

Điều tôi lo lắng nhất là nếu nền giáo dục cứ cản trở tính sáng tạo của lớp trẻ như hiện nay, thì đến một lúc nào đó, Nhật Bản sẽ trở thành một đất nước gồm toàn những người không biết vận dụng tri thức vào việc gì cả.

Bây giờ vẫn còn kịp. Tôi mong các bạn phải lưu tâm, phải ý thức rõ ràng và phải phát huy mạnh mẽ khả năng sáng tạo của bản thân mình.

Tôi cũng mong các nhà giáo - những người dẫn đường cho lớp trẻ - hãy thực thi một nền giáo dục nâng cao tính sáng tạo của học sinh.

Khi suy nghĩ về tương lai của Nhật Bản, từ đáy lòng mình, tôi hy vọng chúng ta sẽ nuôi dưỡng được lớp trẻ trở thành những con người phát huy được tính sáng tạo một cách tuyệt vời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét