Chào các bạn!

Tất cả các quyển sách trực tuyến, chúng tôi đều có sẵn Ebook và Audio book. Nếu có nhu cầu mời các bạn vào đây để tải: Hướng dẫn cách tải links trên các host TẢI EBOOK- AUDIO BOOK TỪ A --> Z


ƯMCBNĐTHT - Chương II - Phần 5 : Quyết không chịu thua kém người

Biết tôi thôi việc, có một người đã tìm gặp và nói với tôi: “Anh nên tiếp tục công việc nghiên cứu. Đừng bỏ dở, uổng lắm. Chúng tôi sẽ lập công ty cho anh.”


Năm 1959, Công ty Gốm Kyoto - tiền thân của công ty Kyocera sau này – ra đời với số vốn 3 triệu yên. Ở chương sau, tôi sẽ đề cập sâu hơn về quá trình tạo nghiệp này.

Nhưng khi được mọi người giúp đỡ - lập công ty để tôi tiếp tục công việc – thì nỗi lo bị phá sản cứ ám ảnh tôi: “Nếu chẳng may thất bại, mình không chỉ bội ước với những người góp vốn lập công ty mà còn đẩy những nhân viên tin tưởng đi theo mình ra đứng đường.” Vì vậy, tôi làm việc không quản ngày đêm. Chính nhờ sự nỗ lực không biết mệt mỏi với quyết tâm không để thua kém người khác, Công ty Kyocera chúng tôi dần lớn mạnh và trở thành công ty khổng lồ như hiện nay.

Việc một người như tôi - chỉ tốt nghiệp trường đại học hàng tỉnh, thế lực không có, may phúc được thầy giáo giới thiệu mới kiếm nổi việc làm trong một công ty èo uột, suốt ngày ca cẩm chỉ muốn bỏ việc – mà lại có thể gây dựng và đứng đầu một công ty khổng lồ như ngày nay, chính là kết quả của những nổ lực không biết mệt mỏi, tiến từng bước, từng bước một cách âm thầm và tinh thần quyết không để thua kém người.

Bây giờ nhìn lại cuộc đời mình, tôi thấy điều quan trọng nhất là lúc nào cũng phải có mục tiêu rõ ràng và nỗ lực không ngừng để đạt cho được mục tiêu đã vạch ra. Công ty Kyocera được ca ngợi như một tấm gương về sự thành công, nhưng không vì thế mà chúng tôi phổng mũi huênh hoang, ngược lại vẫn âm thầm nỗ lực, nhờ thế mới có được như ngày hôm nay.

Sự trưởng thành của con người là quá trình tích tụ âm thầm, từng bước, từng bước một.

Các bạn trẻ! Chắc cũng có những lúc các bạn cảm thấy chán ngấy những gì mình đang học, và tương lai đang chờ mình phía trước mới mờ mịt làm sao. Thực ra đó cũng là điều bình thường, có lẽ ai cũng đã từng trải qua ít nhất một lần trong đời. Riêng tôi khi mới bước chân vào Công ty Công nghiệp Shofu cũng thế.

Hồi mới đi làm, suốt ngày giam mình trong phòng nghiên cứu, ngày nào như ngày nấy, quanh đi quẩn lại tôi cứ phải làm một vài công việc lặp đi lặp lại buồn chán, như dùng cái chày bằng đá để trộn hỗn hợp hay quay cối xay nghiền nguyên liệu. Người ta bỏ vào cối những viên bi sắt to nặng. Khi quay cối, những viên bi sắt ấy va vào nhau kêu lộc cộc và nghiền nguyên liệu trong cối.

Thời gian đầu, tôi làm những công việc đó một cách miễn cưỡng thụ động.

Thế rồi, vào một ngày nọ, hình ảnh một đồng nghiệp lớn tuổi cùng phòng, cũng làm những việc như tôi, suốt ngày dùng chổi lông cọ rửa kỹ lưỡng cối nghiền bỗng đập vào mắt tôi. Những viên bi sắt thường bị sứt mẻ nhiều chỗ. Bột nguyên liệu của mẻ nghiền trước thường bám chặt vào những chỗ sứt đó, phải cọ cho thật sạch. Ông ấy cẩn thận lấy một thanh sắt mỏng dẹt, nhọn đầu, cậy từng tí từng tí một, rồi lấy chổi lông quẹt cho đến khi sạch hẳn mới thôi. Tôi đứng nhìn, trong bụng nghĩ thầm: “Tốt nghiệp đại học, lại có tuổi rồi mà phải làm cái việc cọ rửa vớ vẩn như thế, không thấy chán sao…”

Nhưng khi kiểm tra kết quả thí nghiệm, chỉ riêng tôi là ít khi đạt được kết quả như mong đợi. Tôi rất thất vọng mà không hiểu vì sao. Bất chợt, hình ảnh cặm cụi cọ rửa cối nghiền của bậc đàn anh hiện lên trong đầu tôi, và tôi vỡ lẽ. Thì ra chính cái việc rửa cối nghiền quấy quá cho xong đã làm cho kết quả thí nghiệm của tôi bị sai lệch. Những vụn nguyên liệu từ lần thí nghiệm trước vẫn còn bám trên các viên bi trong cối, mà chỉ cần một chút tạp chất như vậy thôi cũng đủ làm tính chất của gốm thay đổi hẳn.

Bậc đàn anh ấy không chỉ cọ rửa kỹ lưỡng mà còn cẩn thận lau chùi dụng cụ bằng chiếc khăn bông sạch tinh luôn giắt bên hông.

Té ra là vậy. Ngay cả những công việc tưởng rất tầm thường như cọ rửa dụng cụ thí nghiệm cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng, và phải được thực hiện một cách chu đáo.

Theo sách vở tài liệu thì quá trình làm gốm rất đơn giản. Chỉ việc trộn đều các loại nguyên liệu, nặn thành hình rồi nung nóng ở nhiệt độ cao và chờ sản phẩm ra lò. Nhưng thực tế thì lại không đơn giản tí nào. Phải vừa làm vừa mày mò. Hỏng lần này làm lại lần khác. Và quá trình ấy cứ lặp đi lặp lại suốt. Chỉ sau khi đã trải qua biết bao công sức khó nhọc và kiên nhẫn bạn mới có thể tìm ra được loại gốm theo ý muốn.

Bình thường, người đồng nghiệp lớn tuổi ấy rất ít lời, lúc nào cũng chỉ lẳng lặng chùi rửa, kỳ cọ và lau dụng cụ. Hình ảnh khiêm nhường ấy làm tôi sáng mắt ra nhiều.

Chưa hết, bất kể ngày đông tháng giá, lúc nào ông cũng rửa dụng cụ bằng nước lã ở bồn rửa nằm phía sau phòng thí nghiệm. Rửa xong, ông lại dán mắt vào dụng cụ để kiểm tra kỹ càng xem có còn sót lại tí bụi bẩn nào không, rồi mới lấy khăn lau sạch sẽ. Chỉ khi đó ông mới dùng nó vào thí nghiệm tiếp theo.

Ngày lại ngày, tôi trộn nguyên liệu, quay cối nghiền và âm thầm lặp đi lặp lại các thí nghiệm. Tuy cố thực hiện nghiêm túc công việc được giao, nhưng trong lòng tôi không tránh khỏi suy nghĩ: “Tốt nghiệp đại học. Nghiên cứu về gốm. Vậy mà công việc quanh đi quẩn lại chỉ có thế thì không biết cuộc đời mình sau này sẽ ra sao?” Tôi không khỏi lo lắng khi nghĩ đến tương lai, dù vẫn cặm cụi làm công việc nghiên cứu hàng ngày.

Thời đó, trong số những người nghiên cứu về gốm như tôi, có rất nhiều người được làm việc ở các công ty lớn, nhiều người được giữ lại trường tiếp tục công việc nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm hiện đại với trang thiết bị tối tân. Ngoài ra, có người xuất sắc còn được nhận học bổng Fulbright, sang Hoa Kỳ nghiên cứu tu nghiệp.

Còn cái thân tôi thì ngày nào như ngày nấy, thui thủi một mình trộn nguyên liệu, quay cối nghiền trong cái phòng thí nghiệm tồi tàn của một công ty thua lỗ. Nhiều lúc sốt ruột quá, tôi tự nhủ: “Có gắn cả cuộc đời vào chốn này cũng chắc gì đạt được kết quả”. Tâm trạng mòn mỏi chán chường cứ ám ảnh tôi hàng ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét