Chào các bạn!

Tất cả các quyển sách trực tuyến, chúng tôi đều có sẵn Ebook và Audio book. Nếu có nhu cầu mời các bạn vào đây để tải: Hướng dẫn cách tải links trên các host TẢI EBOOK- AUDIO BOOK TỪ A --> Z


ƯMCBNĐTHT - Chương I - Phần 4 : Vật lộn để mưu sinh

Sau chiến tranh, Nhật Bản chìm trong nghèo đói, người dân cả nước rơi vào tình trạng thiếu thốn, đói triền miên. Trong thảm cảnh ấy, lực lượng chiếm đóng Mỹ cung cấp lương thực và những vật phẩm thiết yếu nhất. 


Ở trường học, học sinh cũng được ăn một bữa không mất tiền. Người ta cưa đôi cái thùng, đổ nước sôi vào để hâm nóng những hộp thịt bò và phân phát cho học sinh. Mỗi học sinh được nhận một hộp. Thời đó, thịt bò hộp là thứ xa xỉ phẩm, chỉ cần tưởng tượng ra là đã thèm rỏ dãi.

Thời đó, cái ăn không có, học sinh cũng phải đi khai hoang, trồng khoai, làm ruộng. Có những ngày đi lao động, trèo dốc, bụng đói, cổ khát, mắt hoa, không có lấy ngụm nước để uống, đứa nào đứa nấy mệt nhoài. Cả nhóm bốn năm đứa rủ nhau đi ăn trộm khoai để nướng. Một đứa ở đằng xa đứng gác. Những đứa khác thì thận trọng nhóm lửa rồi vùi khoai vào. “Thầy giáo phát hiện ra khói thì chết.” Thế là đứa nào đứa nấy ra sức quạt khói.

Nhưng nào ngờ, thầy giáo không phát hiện ra khói nhưng lại ngửi thấy mùi khoai nướng thơm lừng. Thế là ông nổi giận lôi đình, tịch thu và lấy chân giẫm nát khoai ngay trước mắt chúng tôi.

Sau chiến tranh, trung tâm thành phố Kagoshima chỉ là một đống hoang tàn, đổ nát. Vì thế gia đình tôi phải thuê nhà ở lại nơi đang sơ tán. Cả nhà nấu rượu lậu làm kế sinh nhai. Tôi được sai đi mua men rượu ở tận thị trấn Miyakonojyo thuộc tỉnh Miyazaki bên cạnh. Mỗi lần mua khoảng hai ba lít men, nhét vào ruột tượng, khoác lên vai mang về. Để nấu rượu syochu, đầu tiên phải hấp khoai. Xong rồi nghiền nát và để cho khoai nguội đi. Sau đó trộn lẫn với men, rồi đổ vào chum sành và đậy kín để ủ. Ít ngày sau, khoai lên men sẽ tạo thành đường rồi thành rượu. Nhưng nếu ủ lâu quá, quá trình acid hoá diễn ra và rượu sẽ bị chua. Vì vậy phải chưng cất đúng lúc. Khi chưng cất, lớp rượu đầu nhạt như nước lã chảy ra. Một lúc sau đến lớp rượu có độ cồn cao, nặng như rượu đế. Cuối cùng là lớp rượu nồng độ thấp. Cho cả ba lớp rượu vào thùng hòa lẫn vào nhau để trung hoà nồng độ cồn. Tôi đến cửa hàng bán thiết bị đo lường ở nội thành Kagoshima, mua dụng cụ đo độ cồn về để định cho đúng nồng độ của rượu.

Sau đó chúng tôi đổ chừng ba bốn lít rượu vào túi cao su, đeo trên lưng và trước ngực, rồi mang đi bán. Thời đó, người mua nhiều hơn người bán, nên nấu được bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Nhưng cuối cùng, nhà tôi thôi không nấu rượu lậu nữa vì sợ hàng xóm biết vì mùi rượu nồng nặc cứ toả ra trong đêm mỗi khi nhà tôi chưng cất.

Hàng ngày, từ nơi sơ tán tôi đến trường trung học trong thành phố Kagoshima. Vì đường xa nên chúng tôi phải đến trường bằng cách ra đường cái vẫy tay gọi xe tải. Có xe lấy tiền, cũng có xe cho chúng tôi đi nhờ. Sáng nào cũng vậy, tất cả lũ chúng tôi nhảy lên thùng xe tới trường. Xe tải ngày xưa, thùng xe không có chỗ bám nên mỗi khi xe bẻ cua gấp là chúng tôi lại bị hất văng xuống ruộng lúa hai bên đường.

Một thời gian sau, sức khoẻ của tôi hồi phục hẳn. Tôi không còn mặc cảm, không còn nghĩ ngợi lung tung nữa mà dồn sức vào việc học, nhất là môn toán vốn là môn tôi kém nhất. Tôi lấy sách giáo khoa môn toán những năm cuối tiểu học ra ôn lại. Từ đó, môn toán là môn khá nhất của tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét