Chào các bạn!

Tất cả các quyển sách trực tuyến, chúng tôi đều có sẵn Ebook và Audio book. Nếu có nhu cầu mời các bạn vào đây để tải: Hướng dẫn cách tải links trên các host TẢI EBOOK- AUDIO BOOK TỪ A --> Z


Tư Duy Tich Cực Tạo Thành Công - Phần III - Chương 14

Chương 14 : Để hài lòng trong công việc

 
 Dù bạn là ai, ông chủ hay nhân viên, giám đốc hay công nhân, bác sĩ hay y tá, luật sư hay thư ký, giáo viên hay sinh viên, bà nội trợ hay người giúp việc..., bạn cần phải cảm thấy hài lòng với công việc của mình.

Bạn dễ dàng làm được điều này bởi hài lòng chỉ là một thái độ tinh thần, mà thái độ tinh thần lại là yếu tố bạn có toàn quyền kiểm soát. Bạn có thể tìm thấy sự hài lòng trong công việc và tìm ra cách thức đạt được điều đó một khi bạn làm những công việc mà bạn có năng khiếu hay yêu thích. Khi không hài lòng với công việc, bạn sẽ phải đối mặt với những cảm xúc đối nghịch và cả nỗi thất vọng. Tuy nhiên, bạn có thể vượt qua tâm trạng nặng nề đó nếu biết sử dụng thái độ tích cực và tích lũy được kinh nghiệm để trở nên thành thạo trong công việc.

Jerry Asam yêu mến công việc của mình. Ông luôn tìm thấy sự hài lòng trong công việc mà ông đang làm.

Jerry Asam là ai? Ông làm nghề gì?

Jerry là hậu duệ của các vị vua vùng Hawaii. Ông là giám đốc bán hàng trong một công ty lớn có chi nhánh tại Hawaii.

Jerry yêu thích công việc của mình vì ông hiểu rất rõ, cũng như rất thành thạo công việc đó. Tuy vậy, đôi lúc Jerry vẫn vấp phải khó khăn. Mỗi khi gặp khó khăn, người ta thường cảm thấy thất vọng, chủ yếu do họ không biết nghiên cứu, suy nghĩ, lập kế hoạch và duy trì một thái độ tích cực. Chính vì lẽ đó, Jerry đã tìm đến sự giúp đỡ của những cuốn sách.

Jerry đã đọc rất nhiều sách và rút ra một số bài học quan trọng từ đó, chẳng hạn như:

1. Bạn có thể kiểm soát thái độ tinh thần của mình bằng cách sử dụng những câu nói tạo động lực cho bản thân.

2. Nếu đặt mục tiêu, bạn sẽ dễ dàng nhận ra điều gì giúp mình đạt được mục tiêu đó. Càng đặt mục tiêu lớn lao bao nhiêu, thành tựu của bạn càng to tát bấy nhiêu, chỉ cần bạn có thái độ tích cực.

3. Để thành công, bạn phải hiểu rõ mọi quy tắc và biết cách vận dụng chúng. Bạn phải dành thời gian để suy nghĩ, nghiên cứu, học hỏi và lập kế hoạch một cách thường xuyên.

Jerry tin vào các bài học này và ông nhanh chóng bắt tay vào hành động. Ông nghiên cứu tài liệu hướng dẫn bán hàng và vận dụng những lý thuyết đã học được vào thực tế. Ông tự đặt mục tiêu và đã đạt được tất cả những mục tiêu đó. Mỗi buổi sáng, ông đều tự nói rằng: “Mình cảm thấy khỏe mạnh! Mình cảm thấy hạnh phúc! Mình cảm thấy sảng khoái tuyệt vời!”. Và ông đã cảm thấy thật sự khoẻ mạnh, hạnh phúc và sảng khoái. Đương nhiên, doanh số bán hàng của ông cũng tăng lên!

Khi chắc chắn mình đã thành thạo công việc bán hàng, Jerry tập hợp một nhóm nhân viên bán hàng để truyền đạt cho họ những bài học đó. Ông huấn luyện cho họ các kỹ năng bán hàng mới nhất và hiệu quả nhất. Đó chính là những kỹ năng đã được nêu rõ trong tài tiệu huấn luyện của công ty. Ông đích thân đến gặp họ và chứng minh việc bán hàng sẽ trở nên dễ dàng, nếu người bán hàng biết chọn đúng phương pháp, có kế hoạch cụ thể và có thái độ tích cực mỗi ngày. Ông dạy họ cách tự đặt ra những mục tiêu lớn và đạt được mục tiêu thông qua thái độ tích cực.

Thế là mỗi buổi sáng, nhóm nhân viên của Jerry đều tập hợp và đồng thanh hô vang: “Tôi cảm thấy khỏe mạnh! Tôi cảm thấy hạnh phúc! Tôi cảm thấy sảng khoái tuyệt vời!”. Sau đó, họ cùng cười vang, vỗ vai nhau chúc may mắn rồi mỗi người tỏa đi mỗi hướng. Mỗi người đều có mục tiêu riêng và mục tiêu mới luôn cao hơn những mục tiêu cũ.

Vào cuối tuần, nhân viên bán hàng nào cũng gửi về một bản báo cáo doanh số ấn tượng đến mức vị chủ tịch và giám đốc bán hàng công ty của Jerry chỉ có thể mỉm cười hài lòng.

Jerry và nhân viên dưới quyền của ông có yêu mến công việc của họ không? Chắc chắn là có rồi! Và sau đây là một số lý do giải thích sự hài lòng của họ:

1. Họ đã nghiên cứu công việc rất kỹ; họ nắm rõ các quy tắc, kỹ thuật cũng như cách áp dụng chúng một cách hợp lý nhất.

2. Họ đặt mục tiêu và tin rằng nhất định sẽ đạt được các mục tiêu đó. Họ thuộc nằm lòng nguyên tắc: chúng ta tin tưởng và hình dung điều gì thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt được điều đó với thái độ tích cực.

3. Họ luôn duy trì thái độ tích cực bằng cách sử dụng các câu nói tạo động lực cho bản thân.

4. Họ tận hưởng cảm giác thoải mái, vui vẻ, hài lòng khi công việc hoàn thành tốt đẹp.

“Tôi cảm thấy khỏe mạnh! Tôi cảm thấy hạnh phúc! Tôi cảm thấy sảng khoái tuyệt vời!”. Một nhân viên bán hàng trẻ tuổi trong cùng công ty đã học cách tự kiểm soát thái độ tinh thần thông qua việc sử dụng câu nói tạo động lực của Jerry Asam. Cậu là một sinh viên đại học 18 tuổi tranh thủ làm thêm trong kỳ nghỉ hè với công việc là bán bảo hiểm ở các văn phòng và cửa hiệu. Cậu đã học được nhiều điều trong thời gian này. Đó là:

1. Những thói quen một người bán hàng có được trong hai tuần đầu tiên đào tạo nghiệp vụ sẽ theo chân anh ta cho đến khi anh ta không còn làm công việc bán hàng này nữa.

2. Nếu đã đặt ra mục tiêu doanh số, bạn hãy nỗ lực đến cùng để đạt mức doanh số đó.

3. Luôn nhắm đến những mục tiêu lớn hơn.

4. Vào thời điểm cần thiết, bạn hãy sử dụng những câu nói tạo động lực như: Tôi cảm thấy khỏe mạnh! Tôi cảm thấy hạnh phúc! Tôi cảm thấy sảng khoái tuyệt vời! để tạo động lực cho mình. Chính động lực ấy sẽ giúp bạn có những hành động tích cực để đạt được những kết quả theo chiều hướng mong muốn.

Sau khi đã bắt tay vào công việc bán hàng được một vài tuần, cậu đặt ra mục tiêu là phải giành được giải thưởng. Nếu thế, cậu buộc phải bán được tối thiểu một trăm hợp đồng bảo hiểm trong vòng một tuần.

Vào tối thứ Sáu của tuần đó, cậu đã ký được 80 hợp đồng bảo hiểm, tức là vẫn còn thiếu 20 hợp đồng so với mục tiêu ban đầu. Người nhân viên bán hàng trẻ tuổi này luôn tin rằng không gì có thể ngăn cản cậu đạt được mục tiêu đó. Dù các nhân viên bán hàng khác trong nhóm đã kết thúc tuần làm việc vào tối thứ sáu, nhưng riêng cậu vẫn làm việc vào sáng thứ bảy.

Đến ba giờ chiều hôm đó, cậu vẫn không ký thêm được một hợp đồng nào. Cậu chợt nhớ rằng doanh số hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ của người bán hàng, chứ không phải khách hàng.

Cậu nhớ lại những câu nói tạo động lực của Jerry Asam và lặp lại chúng năm lần: Tôi cảm thấy khỏe mạnh! Tôi cảm thấy hạnh phúc! Tôi cảm thấy sảng khoái tuyệt vời!

Khoảng năm giờ chiều hôm đó, cậu ký được thêm ba hợp đồng. Cậu chỉ còn cách mục tiêu của mình 17 hợp đồng nữa. Cậu lại nhớ rằng thành công chỉ đến với những ai biết nỗ lực và ở lại với những ai biết nỗ lực không ngừng bằng thái độ tích cực. Một lần nữa, cậu lặp lại những câu nói: Tôi cảm thấy khỏe mạnh! Tôi cảm thấy hạnh phúc! Tôi cảm thấy sảng khoái tuyệt vời! Khoảng 11 giờ đêm thứ Bảy đáng nhớ đó, tuy rất mệt nhưng cậu tràn ngập hạnh phúc vì đã hoàn thành hợp đồng thứ 20 trong ngày! Cậu đã đạt được mục tiêu của mình! Cậu đã giành giải thưởng và nhận thức được rằng chúng ta có thể chuyển bại thành thắng bằng cách nỗ lực không ngừng.

Thái độ tích cực tạo nên sự khác biệt. Chính thái độ tích cực đã tạo động lực cho Jerry Asam và nhân viên bán hàng dưới quyền ông tìm thấy sự hài lòng trong công việc. Chính thái độ tích cực đã giúp cậu sinh viên trẻ giành được giải thưởng mà cậu mong muốn.

Hãy nhìn xung quanh bạn. Hãy chú ý đến những người yêu thích công việc của mình và cả những người chỉ làm việc một cách qua loa, miễn cưỡng. Đâu là sự khác biệt giữa hai nhóm người này? Người hài lòng có thể kiểm soát thái độ tinh thần. Họ có cái nhìn tích cực về hoàn cảnh của mình và luôn hướng đến những điều tốt đẹp. Nếu xảy ra tình huống xấu, trước hết họ sẽ nhìn lại chính mình để tìm hiểu xem liệu có thể cải thiện tình hình hay không. Họ luôn cố gắng học hỏi từ công việc để nâng cao trình độ chuyên môn. Họ sẽ làm cho công việc mà họ vẫn làm hàng ngày trở nên thú vị.

Còn những người không cảm thấy hài lòng sẽ luôn bám víu vào thái độ tiêu cực. Họ than phiền về tất cả mọi thứ: thời gian làm việc quá dài, giờ ăn trưa quá ngắn, cấp trên hay cáu gắt, công ty cho nghỉ quá ít hay có chế độ khen thưởng không hợp lý... Hoặc họ có thể bực mình về những
vấn đề không mấy liên quan đến công việc như: Susie mặc mãi một bộ quần áo trông thật là chán, cô thư ký viết chữ quá xấu... Gần như họ không hài lòng với bất cứ điều gì, cả công việc lẫn mọi mặt trong cuộc sống. Thái độ tiêu cực đã kiểm soát họ hoàn toàn.

Bất kể đặc thù công việc của bạn thế nào thì điều này vẫn luôn luôn đúng. Nếu muốn cảm thấy hài lòng, bạn có thể kiểm soát thái độ tinh thần của mình và lật ngược lá bùa vô hình từ mặt NMA sang PMA, đồng thời tìm kiếm những cách thức và biện pháp giúp bạn tạo ra hạnh phúc.

Nếu đem niềm vui và lòng nhiệt tình vào trong công việc, bạn sẽ có những đóng góp to lớn khó có ai sánh kịp.

Bạn xem công việc là niềm vui, còn mức độ hài lòng trong công việc sẽ thể hiện qua những nụ cười và cả trong năng suất làm việc của bạn.

Mục tiêu rõ ràng tạo ra sự hưng phấn. Trong một khoá học, chúng tôi đã cùng thảo luận về nguyên tắc mang lòng nhiệt tình vào trong công việc. Khi đó, một phụ nữ trẻ ngồi dãy ghế phía sau đã giơ tay xin phát biểu. Cô nói:

“Tôi đến đây cùng với chồng tôi. Những gì ông nói có thể phù hợp với những người đàn ông đang đi làm, còn đối với các bà nội trợ thì có lẽ không mấy thích hợp. Cánh đàn ông luôn có những thách thức thú vị và mới mẻ mỗi ngày. Nhưng điều đó hầu như không xuất hiện đối với công việc nội trợ của phụ nữ chúng tôi. Điều khó khăn trong công việc nội trợ... chính là nó vô cùng tẻ nhạt!”.

Chúng tôi liền hỏi người phụ nữ đó, điều gì đã khiến cô nghĩ là công việc nội trợ “tẻ nhạt”. Kết quả thật bất ngờ, cô trả lời vì cô quá rảnh rỗi sau khi thu dọn xong giường chiếu, thu dọn bát đĩa và lau sàn nhà.

Cô ấy nói: “Làm xong những việc đó tôi chẳng còn gì để làm nữa”.

“Nghe có vẻ chán thật đấy. Nhưng liệu có người phụ nữ nào cảm thấy thích thú với công việc nội trợ không?” – Giáo viên hỏi.

“À, tôi đoán là có.” - Cô đáp.

“Thế họ tìm thấy điều gì thú vị trong công việc nội trợ nào?”

Sau vài giây suy nghĩ, người phụ nữ trẻ đáp lại: “Có lẽ nhờ vào thái độ của họ. Họ không nghĩ công việc của mình tẻ nhạt, họ nhìn vào những gì mình đã làm được”.

Đó là cốt lõi của vấn đề. Một trong những bí quyết để bạn hài lòng trong công việc là “nhìn vào những gì mình đã làm được”. Bạn cần biết rằng công việc của mình sẽ dẫn đến một thành quả nào đó, bất kể bạn là bà nội trợ, thư ký văn phòng, nhân viên bơm xăng hay chủ tịch một tập đoàn lớn. Bạn sẽ tìm thấy sự hài lòng trong công việc thường nhật, nếu bạn xem đó là bước đệm để bạn tiến lên phía trước. Mỗi công việc là một viên đá lót đường đưa bạn đến gần mục tiêu hơn.

Bước đệm để tiến lên. Người phụ nữ trẻ này cần tìm kiếm những mục tiêu mà cô ấy thật sự muốn đạt được. Bên cạnh đó, cô ấy phải tìm cách làm sao để những công việc mà cô làm hàng ngày có thể giúp cô tiến gần đến mục tiêu hơn. Cô tiết lộ rằng cô luôn mong muốn đưa cả nhà đi du lịch vòng quanh thế giới.

“Được rồi.” - Giáo viên hướng dẫn nói. - “Chúng ta hãy chọn mục tiêu đó. Bây giờ, cô hãy tự đặt ra một thời hạn nhất định. Cô muốn đi vào lúc nào?”.

Cô ấy đáp: “Khi con tôi lên 12 tuổi. Vậy là còn 6 năm nữa”.

“Vậy chúng ta hãy phân tích xem. Cô cần làm một số việc, chẳng hạn như cô sẽ phải cần đến tiền. Chồng cô phải xin nghỉ phép. Cô sẽ phải lên kế hoạch cụ thể cho chuyến đi. Cô nhất định sẽ muốn tìm hiểu thêm về những đất nước mà gia đình cô dự định ghé thăm. Cô có nghĩ ra một cách nào đó để những công việc thường nhật như dọn dẹp giường ngủ, rửa chén đĩa, cọ sàn nhà và chuẩn bị bữa ăn... giúp cô đạt được mục tiêu đó không?”

Vài tháng sau, người phụ nữ trong câu chuyện trên quay trở lại gặp chúng tôi. Trông cô giờ đây đã khác hẳn.

Cô nói: “Thật ngạc nhiên vì tôi không còn thấy công việc thường nhật của mình là buồn tẻ nữa. Tôi sử dụng thời gian lau dọn nhà cửa để suy nghĩ và lập kế hoạch. Còn lúc đi mua sắm quả là thời gian tuyệt vời để mở ra những chân trời mới: tôi mua thực phẩm nhập khẩu từ những quốc gia mà chúng tôi dự định đến thăm. Thời gian nấu ăn được tôi tận dụng để tự học. Nếu ăn món mì trứng Trung Quốc, tôi sẽ tìm đọc tất cả những gì liên quan đến Trung Quốc và người dân ở đó. Đến giờ ăn tối, tôi kể lại cho gia đình về những điều vừa đọc được.

Tôi không còn thấy làm việc nhà là tẻ nhạt. Tôi biết mình sẽ chẳng bao giờ có cảm giác chán nản ấy nữa”.

Thế đấy, dù công việc có đơn điệu hay buồn tẻ đến đâu, nhưng nếu tìm được một mục tiêu để phấn đấu thì bạn sẽ cảm thấy hài lòng.

Đây là tình trạng mà rất nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội đã phải đối mặt. Một thanh niên ước mơ trở thành bác sĩ, nhưng trước hết anh ta cần phải học hành thật chăm chỉ. Công việc mà anh ta đảm nhận phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giờ giấc, địa điểm, mức lương... Năng khiếu chỉ đóng góp một phần nhỏ. Một thanh niên thông minh, có chí tiến thủ vẫn chấp nhận làm công việc lau chùi, rửa xe hay thông cống rãnh, bởi anh ta hiểu rằng đó chỉ là phương tiện giúp anh ta đạt mục tiêu sau cùng.

Đôi khi cái giá phải trả cho một công việc lại quá đắt so với mục tiêu mà bạn muốn đạt được. Nếu rơi vào hoàn cảnh này, bạn hãy thay đổi công việc ngay lập tức. Bởi lẽ nếu bạn cảm thấy không thoải mái với công việc của mình thì những “tác hại” của thái độ không hài lòng sẽ thẩm thấu vào mọi ngóc ngách và phá hủy cuộc sống của bạn.

Tuy nhiên, nếu công việc xứng đáng để nỗ lực, nhưng bạn vẫn không hài lòng thì hãy tìm cách biến thái độ không hài lòng ấy thành nguồn cảm hứng. Không hài lòng có thể mang ý nghĩa tích cực hay tiêu cực, xấu hay tốt, tất cả đều tùy thuộc vào bạn. Hãy nhớ: Thái độ tích cực là thái độ đúng đắn trong mọi hoàn cảnh.

Bạn có thể biến sự không hài lòng thành nguồn cảm hứng! Charles Becker, cựu chủ tịch Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Franklin, từng nói: “Tôi khuyến khích thái độ không hài lòng, nhưng không phải là thái độ không hài lòng trong cảm giác bực tức mọi người và mọi việc quanh mình, mà là không hài lòng với chính bản thân mình. Lịch sử cho thấy đây chính là cảm giác giúp loài người tiến bộ và phát triển. Tôi hy vọng bạn sẽ không bao giờ thỏa mãn với chính mình, hy vọng bạn sẽ luôn có động lực để hoàn thiện không chỉ chính mình, mà còn cả thế giới xung quanh”.

Việc biến thái độ không hài lòng thành nguồn cảm hứng có thể tạo động lực cho một người xoay chuyển cục diện từ bại thành thắng, từ nghèo khó thành giàu sang, từ đau khổ thành hạnh phúc.

Bạn sẽ làm gì nếu phạm phải sai lầm, khi mọi việc diễn ra không như ý muốn, lúc bạn hiểu lầm một ai đó, khi thất bại, khi cuộc sống trở nên u ám, hoặc khi không tìm ra giải pháp khả thi cho vấn đề của bạn?

Bạn sẽ không làm gì và cứ để “thảm họa” kia chi phối mình? Bạn thu mình lại? Bạn sợ hãi và chạy trốn?

Hay bạn sẽ chọn cách biến thái độ không hài lòng thành nguồn cảm hứng? Biến điều bất lợi thành điều có lợi? Bạn có thể tự giành lấy những gì mình mong muốn? Bạn có vận dụng niềm tin, suy nghĩ và hành động tích cực vì tin rằng rồi mọi kết quả mình khao khát sẽ trở thành hiện thực?

Napoleon Hill nói rằng mỗi nghịch cảnh đều ẩn chứa cơ hội thành công. Chẳng phải những khó khăn và bất hạnh trong quá khứ đã tạo động lực cho bạn vươn đến một cuộc sống tốt đẹp hôm nay sao?

Albert Einstein không hài lòng với các quy luật của Newton vì chúng không thể giải đáp hết mọi thắc mắc của ông. Ông quyết định tìm hiểu các hiện tượng tự nhiên và các công thức toán học cho đến khi tìm ra Thuyết Tương đối... Nhờ học thuyết này mà thế giới biết đến hiện tượng phá vỡ
nguyên tử, việc chuyển đổi năng lượng sang dạng vật chất và ngược lại, cũng như dám thử sức và đã thành công trong việc chinh phục không gian. Tất cả những thành tựu chúng ta có được hôm nay có thể sẽ không tồn tại, nếu Einstein không biến thái độ không hài lòng thành nguồn cảm hứng.

Chúng ta không phải là Einstein. Không hẳn là những kết quả có được từ việc biến thái độ không hài lòng thành nguồn cảm hứng của chúng ta có thể làm thay đổi thế giới. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể làm thay đổi thế giới riêng của mình. Chúng tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện đã xảy ra với Clarence Lantzer.

Công việc này có đáng để bạn làm hay không? Clarence Lantzer là nhân viên soát vé trên xe điện ở Canton, Ohio trong nhiều năm liền. Một buổi sáng, ông thức dậy và quả quyết rằng mình không thích công việc này. Đây là công việc quá đỗi đơn điệu. Ông cảm thấy mệt mỏi. Càng nghĩ, Clarence lại càng thấy chán nản. Ông dường như không thể thoát khỏi suy nghĩ ấy. Thái độ này cứ lớn dần trong ông và trở thành một nỗi ám ảnh.

Tuy nhiên, bạn không thể dễ dàng bỏ việc khi nói rằng mình cảm thấy không hài lòng. Chí ít thì bạn cũng phải quan tâm đến kế sinh nhai, để thu nhập của mình không bị ảnh hưởng.

Vốn gắn bó lâu dài với các toa xe điện, Clarence quyết định phải tìm cách thoát ra khỏi tình trạng bế tắc tinh thần này. Ông đăng ký tham gia khóa học Thái độ tích cực - Khoa học của thành công, và ông đã phát hiện ra rằng mọi người đều có thể hài lòng với bất kỳ công việc nào nếu họ muốn. Điều duy nhất cần làm là chọn một thái độ đúng đắn.

Clarence bắt đầu tìm hiểu xem mình có thể làm được gì.

“Làm thế nào để cảm thấy hài lòng trong công việc?” - Ông tự hỏi.

Và ông đã tìm ra một câu trả lời hợp lý. Ông tự nhủ rằng mình sẽ vui hơn nếu có thể khiến người khác hạnh phúc.

Trên thực tế, ông có thể khiến rất nhiều người cảm thấy hạnh phúc. Đó là những con người thuộc đủ mọi thành phần xã hội, những người mà ông có dịp gặp gỡ mỗi ngày trên các toa xe điện. Ông chợt nghĩ: “Mình sẽ tận dụng đặc điểm này để làm cho mỗi ngày trở nên tươi đẹp hơn với bất kỳ ai bước lên xe”.

Kế hoạch của Clarence thật tuyệt vời. Khách đi trên xe nhận được thái độ niềm nở và những lời chào hỏi thân tình của ông. Họ cảm thấy vui và Clarence cũng vậy. Tất cả chỉ nhờ những lời chào hỏi và thái độ quan tâm của ông dành cho họ.

Tuy nhiên, người giám sát lại có một thái độ hoàn toàn đối lập. Ông ta gọi Clarence đến và yêu cầu dừng ngay cách hành xử này.

Clarence không hề để tâm đến lời cảnh báo này. Ông đã có một quãng thời gian thú vị khi giúp người khác cảm thấy vui vẻ. Khi thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp với hành khách cũng là lúc ông đạt được những thành quả vượt bậc trong công việc.

Nhưng Clarence bị sa thải!

Ông gặp trở ngại lớn trong cuộc sống, nhưng không sao cả. Chí ít thì theo khóa học Thái độ tích cực, đây vẫn là một dấu hiệu tốt. Clarence muốn gặp Napoleon Hill (lúc đó đang sống tại Canton) để tìm hiểu xem tại sao khó khăn lần này lại là dấu hiệu tốt, và tốt như thế nào. Ông gọi điện cho Hill và sắp xếp một cuộc hẹn vào chiều hôm sau.

“Tôi đã đọc cuốn Cách Nghĩ để Thành Công và tôi cũng tham gia khóa học Thái độ tích cực, nhưng dường như tôi đã chọn sai đường”. Sau đó, ông kể cho Napoleon Hill nghe chuyện đã xảy ra với mình. “Tôi phải làm gì bây giờ?” – Cuối cùng ông hỏi.

Napoleon Hill mỉm cười và nói: “Nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu vấn đề của ông. Ông từng cảm thấy không hài lòng với công việc bởi đây quả là một công việc nhàm chán. Ông đã đúng. Ông cố gắng sử dụng thái độ thân thiện và cách hành xử nhã nhặn với mục đích hoàn thành công việc tốt hơn và để cảm thấy hài lòng với công việc. Vấn đề đã nảy sinh khi người giám sát của ông không hiểu rõ giá trị những việc ông đang làm. Nhưng điều đó thật là hay! Tại sao ư? Bởi vì giờ đây ông đang ở một hoàn cảnh rất thuận lợi để vận dụng những tính cách tốt đẹp của mình nhằm đạt được những mục tiêu lớn hơn”.

Và Napoleon Hill đã chỉ cho Clarence Lantzer cách sử dụng thái độ thân thiện và lối hành xử nhã nhặn vào một công việc thích hợp hơn, chẳng hạn trong công việc của một người bán hàng. Thế là Clarence trở thành nhân viên trong Công ty Bảo hiểm Nhân thọ New York.

Khách hàng đầu tiên của Clarence là chủ tịch một công ty toa xe điện. Clarence đã vận dụng tính cách của mình một cách hoàn hảo và bước ra khỏi văn phòng của vị khách này cùng với một hợp đồng bảo hiểm trị giá 100.000 đô-la!

Lần cuối cùng Hill nhìn thấy Lantzer là lúc ông đã trở thành một trong những người bán hàng có doanh thu cao nhất ở Công ty Bảo hiểm Nhân thọ New York.

Bạn đang làm công việc không phù hợp với mình? Tính cách, khả năng và năng lực giúp bạn thành công trong môi trường này lại có thể tạo ra những phản ứng tiêu cực ở môi trường khác. Vì vậy, bạn cứ mạnh dạn thay đổi công việc và chuyển sang một môi trường khác thích hợp hơn.

Việc thay đổi công việc không phải lúc nào cũng dễ dàng. Bạn có thể điều chỉnh môi trường làm việc cho phù hợp với tính cách, khả năng và năng lực của bản thân. Có như thế, bạn mới tìm thấy niềm vui trong công việc. Giải pháp này sẽ giúp bạn thay đổi thái độ tinh thần từ tiêu cực sang tích cực.

Nếu phát huy và duy trì khát vọng cháy bỏng để đạt được sự thỏa mãn và hài lòng trong công việc, bạn thậm chí có thể thay đổi những thói quen vốn có của mình. Ban đầu, bạn sẽ gặp một vài khó khăn nho nhỏ, nhưng đó là cái giá phải trả để bạn tự hoàn thiện tính cách. Kiên trì từng bước một, thói quen cũ sẽ dần biến mất. Với quan điểm của một “con người mới”, bạn sẽ cảm thấy hài lòng vì được làm những công việc mình thích.

Để bảo đảm cho thành công sau cùng, bạn phải nỗ lực không ngừng để duy trì sức khỏe, tinh thần và đạo đức trong suốt thời gian đấu tranh nội tâm nhằm thay đổi chính mình.

Trong chương tiếp theo “Nỗi ám ảnh lớn”, bạn sẽ học được cách hóa giải điều này.


Định hướng số 14 : Ý TƯỞNG THỰC HÀNH

1. Sự hài lòng là một thái độ tinh thần

2. Thái độ tinh thần là yếu tố mà bạn có toàn quyền kiểm soát

3. Hãy học thuộc lòng câu: Tôi cảm thấy khỏe mạnh! Tôi cảm thấy hạnh phúc! Tôi cảm thấy sảng khoái tuyệt vời!

4. Hãy luôn đặt ra những mục tiêu lớn hơn!

5. Hiểu rõ các quy luật và biết cách vận dụng chúng

6. Vận dụng những bước đệm để tiến lên phía trước

7. Biến thái độ không thỏa mãn thành nguồn cảm hứng

8. Bạn sẽ làm gì nếu đang làm công việc không phù hợp với mình?


THẤT BẠI CÓ THỂ ĐƯỢC XEM LÀ
BƯỚC ĐỆM HAY CHƯỚNG NGẠI VẬT
– TẤT CẢ TÙY THUỘC VÀO THÁI ĐỘ CỦA BẠN !


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét