Chương 6 : Bạn gặp rắc rối ư ? Tốt thôi !
Bạn đang gặp rắc rối nhưng đó lại là dấu hiệu tốt. Tại sao? Bởi vì mỗi chiến thắng lặp lại chính là một nấc cao hơn trên chiếc thang của sự thành công. Sau mỗi chiến thắng, bạn sẽ càng thông minh, sáng suốt và kinh nghiệm hơn. Bạn sẽ chín chắn hơn, quyết tâm hơn mỗi khi gặp khó khăn và biết cách vượt qua mọi trở ngại bằng một thái độ tích cực.
Hãy suy nghĩ một chút về điều đó. Trong mọi thành tựu của bạn hoặc của bất kỳ ai khác, liệu có thành tựu nào lại không phải là hệ quả từ một khó khăn mà mỗi cá nhân phải đối mặt hay không?
Ai cũng có vấn đề của riêng mình. Đó là do bạn và mọi thứ trong vũ trụ đều phải trải qua một quá trình biến đổi không ngừng. Thay đổi là một quy luật tất yếu của tự nhiên. Khi đối mặt với những thách thức của sự thay đổi, mức độ cố gắng của mỗi người sẽ cho ra kết quả sau cùng khác nhau, và thành công hay thất bại đều tùy thuộc vào thái độ tinh thần của chính bạn.
Bạn có thể định hướng suy nghĩ và kiểm soát cảm xúc của mình để điều chỉnh thái độ cho thích hợp. Bạn có thể lựa chọn một thái độ tích cực hay tiêu cực. Bạn có thể quyết định gây ảnh hưởng, tận dụng, kiểm soát, hay nương theo những thay đổi của chính bản thân bạn và môi trường xung quanh. Tất cả phụ thuộc vào bạn, bởi bạn đang làm chủ số phận của mình. Khi dùng thái độ tích cực để đối mặt với những thử thách của sự thay đổi, bạn sẽ dễ dàng tìm ra những biện pháp hợp lý để giải quyết mọi vấn đề.
Bạn dùng thái độ tích cực như thế nào để đối phó với một vấn đề nào đó? Nếu hiểu rõ yếu tố cơ bản của một thái độ tích cực, bạn có thể sử dụng hiệu quả công thức sau đây khi phải giải quyết các vấn đề phức tạp:
1. Dành thời gian suy nghĩ để tìm kiếm giải pháp. Hãy nhớ rằng mỗi nghịch cảnh đều ẩn chứa một cơ hội đối với những ai có thái độ tích cực.
2. Hãy nêu ra vấn đề của bạn. Phân tích và xác định rõ thực chất vấn đề đó là gì.
3. Hãy nói với chính mình: “Rắc rối cũng tốt!”.
4. Hãy tự đặt những câu hỏi cụ thể, chẳng hạn như:
(a) Vấn đề này có mặt tích cực nào không?
(b) Làm thế nào để biến nghịch cảnh này thành một cơ hội, làm sao để biến trở ngại này thành thành
công?
5. Kiên trì, nỗ lực tìm kiếm câu trả lời cho đến khi tìm thấy ít nhất một giải pháp khả thi.
Giờ thì những vấn đề mà bạn phải đối mặt chỉ có thể thuộc một trong ba nhóm sau:
(1) Vấn đề cá nhân như cảm xúc, tài chính, tinh thần, đạo đức, thể chất;
(2) Vấn đề gia đình; và,
(3) Vấn đề công việc hay chuyên môn.
Trong đó, thường gặp nhất là các vấn đề thuộc về cá nhân. Chính vì thế, chúng tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện về một con người đặc biệt. Ông ấy đã phải đối mặt với những vấn đề hết sức nghiêm trọng mà một con người có thể kinh qua. Khi đọc câu chuyện này, bạn hãy để ý cách ông ấy áp dụng thái độ tích cực để tìm giải pháp trước mỗi khó khăn, và cứ kiên trì như thế cho đến khi đạt được thành công sau cùng.
Với một thái độ tích cực, ông ấy đã đối mặt với thử thách thay đổi ở Nhà tù Leavenworth. Người đàn ông này sinh ra trong gia cảnh nghèo khó. Lúc nhỏ, ông đã đi bán báo và đánh giày ở khắp các quán rượu dọc cầu cảng Seattle để kiếm tiền phụ giúp mẹ. Khi lớn hơn một chút, ông làm phục vụ trên một chiếc tàu hàng của Alaska trong suốt mấy tháng nghỉ hè. 17 tuổi, sau khi học xong trung học, ông bỏ nhà ra đi. Ông sống lang thang trên các toa xe lửa và rong ruổi khắp nước Mỹ.
Bạn đồng hành của ông là những người vô gia cư. Ông đánh bạc, kết giao với đủ hạng người, từ lính đánh thuê, người tị nạn đến dân buôn lậu, kẻ trộm cắp. Ông đã gia nhập băng đảng Pancho Villa ở Mexico. Ông ấy nói: “Bạn không thể nói đến những hoạt động ngoài vòng pháp luật này nếu không hiểu rõ chúng, cho dù bạn chẳng làm gì xấu xa. Sai lầm lớn nhất của tôi là đã kết thân với những người xấu, những thành phần bất hảo”.
Ông thắng bạc, rồi lại thua bạc hết lần này đến lần khác. Cuối cùng, ông bị bắt với tội buôn lậu ma túy. Ông bị đưa ra xét xử và bị kết án tù. Tuy nhiên, trong suốt phần đời còn lại, ông, Charlie Ward, không bao giờ mắc phải sai lầm đó thêm lần nào nữa.
Charlie Ward mới 34 tuổi khi bị bắt và bị giam giữ trong nhà tù Leavenworth. Trước đó, ông chưa bao giờ phải ngồi tù. Ông cảm thấy vô cùng cay đắng và ông thề rằng không một nhà tù nào có thể giam giữ ông. Ông bí mật tìm cách vượt ngục.
Và rồi một điều gì đó đã xảy ra! Charlie quyết định thay đổi thái độ của mình, chuyển từ tiêu cực sang tích cực. Ông đã đối mặt với thử thách thay đổi bằng một thái độ tích cực.
Một điều gì đó từ bên trong đã khuyên ông hãy từ bỏ thái độ thù địch và trở thành một tù nhân tốt. Kể từ đó, cuộc sống đã diễn ra theo chiều hướng thuận lợi cho ông. Chỉ bằng cách thay đổi suy nghĩ từ tiêu cực sang tích cực, Charlie Ward đã từng bước làm chủ được chính mình.
Ông không còn tỏ ra hung hăng nữa. Ông không còn thù ghét những nhân viên công lực liên bang đã bắt ông vào tù. Ông cũng không còn căm hận vị thẩm phán đã tuyên án ông.
Ông đã nhìn lại và tĩnh tâm suy ngẫm về hình ảnh của một Charlie Ward trong quá khứ. Ông quyết tâm không để những điều tiêu cực có cơ hội tái diễn trong tương lai. Ông nỗ lực tìm cách để làm cho cuộc sống trong tù trở nên dễ chịu hơn.
Trước tiên, ông đã tự đặt ra một số câu hỏi. Và lần đầu tiên trong đời, ông tìm ra câu trả lời từ những cuốn sách. Sự thay đổi thái độ và kéo theo đó là sự thay đổi hành vi khiến cho các nhân viên trại giam dần dần có thiện cảm với ông. Một hôm, viên giám thị nói với ông rằng người tù ở xưởng phát điện sẽ được trả tự do sau ba tháng nữa. Charlie Ward hầu như không biết gì về điện, nhưng ông biết rằng trong thư viện nhà tù có những cuốn sách về chuyên ngành này. Thế là ông tìm đọc để xem liệu các cuốn sách này có thể dạy ông những gì.
Sau ba tháng, Charlie đã sẵn sàng. Ông xin nhận công việc này. Thái độ nghiêm túc và giọng nói chân thành của ông đã gây ấn tượng mạnh với viên phó giám thị. Ông đã được nhận vào làm việc tại xưởng phát điện!
Nhờ liên tục nghiên cứu và nỗ lực với thái độ tích cực, Charlie Ward đã trở thành người giám sát xưởng phát điện của trại giam với 150 tù nhân. Ông đã cố gắng động viên, khích lệ từng người cải thiện hoàn cảnh của mình sao cho tốt nhất.
Khi Herbert Hughes Bigelow, chủ tịch Công ty Brown & Bigelow ở St Paul, Minnesota, bị đưa đến nhà tù Leavenworth vì tội danh trốn thuế, Charlie Ward cũng đối xử tốt với ông ta, giúp ông ta thích nghi với môi trường mới. Bigelow rất cảm kích tình cảm và sự giúp đỡ của Charlie nên khi sắp mãn hạn tù, ông đã nói với Charlie rằng: “Anh thật tốt bụng. Khi thụ án xong, anh cứ đến St Paul. Chúng tôi sẽ dành một công việc cho anh”.
Năm tuần sau đó, Charlie được trả tự do và ông đến St Paul. Như đã hứa, Bigelow đã chuẩn bị sẵn việc làm cho ông. Charlie nhận công việc lao động phổ thông với mức lương 25 đô-la mỗi tuần. Do luôn nỗ lực làm việc với thái độ tích cực nên chỉ trong vòng hai tháng, Charlie đã được thăng chức lên làm đốc công, rồi sau một năm, ông đã trở thành quản lý. Cuối cùng, Charlie được đề bạt làm phó chủ tịch và tổng giám đốc. Khi Bigelow qua đời, Charlie trở thành chủ tịch của Brown & Bigelow. Ông liên tục nắm giữ cương vị này cho đến khi qua đời. Dưới sự quản lý của Charlie, doanh số bán hàng gia tăng từ 3 triệu đô-la lên hơn 50 triệu đô-la mỗi năm, đưa Brown & Bigelow trở thành công ty lớn nhất trong ngành.
Nhờ thái độ tích cực của Ward và ước muốn được giúp đỡ những người kém may mắn mà ông đã tìm thấy sự thanh thản, hạnh phúc, tình yêu cũng như những điều tốt đẹp khác trong cuộc sống. Với cương vị chủ tịch, quyền công dân của ông đã được khôi phục đầy đủ như một sự đền đáp cho lối sống gương mẫu. Những người quen biết đều tỏ lòng kính trọng ông. Họ cũng luôn có ý thức giúp đỡ người khác.
Có lẽ một trong những hành động đáng tuyên dương nhất của ông là việc tuyển dụng hơn 500 cựu tù nhân. Các nhân viên đặc biệt này tiếp tục được rèn luyện nhân cách dưới sự nghiêm khắc nhưng tận tình và những lời động viên tích cực của ông. Charlie chưa bao giờ quên rằng mình cũng từng là một tù nhân. Ông viết số tù của ông trên một tấm thẻ rồi buộc vào chiếc vòng đeo tay như một cách để tự nhắc nhở mình.
Charlie Ward lầm lạc và bị kết án tù. Nhưng khi ở trong tù, ông đã đối mặt với thử thách phải thay đổi. Chính ở đó, ông đã học cách sử dụng thái độ tích cực để giải quyết vấn đề của mình. Ông đã biến đổi thế giới của mình thành một thế giới tốt đẹp hơn. Mỗi ngày ông sống tốt hơn và có ích hơn.
May mắn thay, không phải ai trong chúng ta cũng đều đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng như Charlie Ward. Nhưng ngoài việc thay đổi thái độ từ tiêu cực sang tích cực, ở đây chúng tôi còn muốn đề cập đến một bài học khác.
Bạn có nhớ Charlie đã từng nói: “Sai lầm lớn nhất của tôi là đã kết giao với những người xấu”? Thái độ tiêu cực thường dễ lây lan. Thói xấu cũng vậy. Chúng ta hãy nhìn lại những người bạn của mình để bảo đảm rằng tất cả họ là những người tốt. Một trong những việc tốt nhất bạn có thể làm đối với con trẻ là chỉ bảo chúng chọn lựa bạn tốt để chơi. Hãy luôn nhớ câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Nhân đây, chúng tôi xin nói về bảy hành vi tốt của con người, đó là: thận trọng, chịu đựng, chừng mực, công bằng, tin tưởng, hy vọng và khoan dung.
1. Thận trọng là khả năng kiểm soát và vận dụng lý trí để tự đặt ra kỷ luật cho bản thân.
2. Chịu đựng là sức mạnh tinh thần giúp con người can đảm đối mặt với nguy hiểm, chịu đựng đau đớn hay nghịch cảnh.
3. Chừng mực là việc tiết chế sự ham muốn và lòng đam mê.
4. Công bằng là nguyên tắc, cách ứng xử và hành động đúng đắn, trong khi phải tuân thủ một nguyên tắc khác: sự chính trực.
5. Tin tưởng là tin vào chính mình.
6. Hy vọng là lòng khát khao mãnh liệt rằng sẽ đạt được điều mình muốn, hay tin rằng mục tiêu đó hoàn toàn có thể đạt được.
7. Khoan dung là yêu thương mọi người. Đức tính này nhấn mạnh lòng bác ái và thiện chí trong hành động và thái độ cảm thông với người khác bằng tấm lòng độ lượng.
Chỉ cần một ý tưởng và theo sau nó là một hành động cụ thể thì bạn sẽ thành công, trong khi người khác thất bại. Vào năm 1939, trên Đại lộ Michigan ở phía Bắc thành phố Chicago, khu vực giờ đây được biết đến với tên gọi Magnificent Mile, rất nhiều tòa nhà bị bỏ không. Tòa nhà nào cho thuê được một nửa là một may mắn lớn. Đó là một năm kinh doanh tồi tệ và thái độ tiêu cực đã làm đóng băng thị trường bất động sản Chicago. Người ta có thể nghe thấy những lời nhận xét như: “Quảng cáo cũng vô ích thôi, đơn giản là chẳng ai có tiền cả” hay “Anh có thể làm gì nào? Anh không thể thắng thời cuộc đâu”. Nhưng vào lúc đó có một người đã xua tan đám mây mù ảm đạm này: vị giám đốc của tòa nhà. Ông là người có thái độ tích cực và đang ấp ủ một ý tưởng táo bạo. Rồi ông tiến hành các bước hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa ý tưởng ấy.
Công ty Bảo hiểm Northwestern Mutual Life thuê ông điều hành một tòa nhà lớn trên Đại lộ Michigan. Đây là tòa nhà bị họ tịch thu theo dạng tài sản thế chấp. Khi ông tiếp quản công việc này, tòa nhà chỉ mới cho thuê được một phần mười không gian văn phòng. Vậy mà chỉ trong vòng một năm, ông đã làm tỉ lệ đó tăng đến con số tối đa 100%, cùng với một danh sách dài các khách hàng chờ thuê. Ông có bí quyết gì? Vị giám đốc mới đã chấp nhận khó khăn “không có nhu cầu thuê văn phòng” như một thử thách, thay vì xem đó là điều tồi tệ. Trong một buổi phỏng vấn, ông thuật lại những công việc đã làm trong khoảng thời gian đó như sau:
“Tôi biết chính xác mình muốn gì. Tôi muốn tòa nhà văn phòng được thuê với tỉ lệ 100%, khách hàng phải là khách hàng lớn và quan trọng. Tôi hiểu rằng trong bối cảnh nhiều biến động lúc bấy giờ, các công ty sẽ khó lòng tồn tại ổn định trong vài năm, như thế nghĩa là họ không dám quyết định thuê văn phòng trong nhiều năm liền. Tôi kết luận rằng chúng tôi sẽ tìm được khách hàng nếu thực hiện đúng những điều sau:
1. Tìm kiếm các khách hàng tiềm năng theo lựa chọn của riêng mình.
2. Kích thích trí tưởng tượng của mỗi khách hàng tiềm năng. Tôi sẽ cho họ thuê những văn phòng đẹp nhất Chicago.
3. Giới thiệu những văn phòng hạng sang với giá thuê không cao hơn văn phòng hiện tại mà khách hàng đang thuê.
4. Tôi sẽ trả hộ khách hàng số tiền thuê văn phòng hiện tại đến cuối hợp đồng của họ với điều kiện khách hàng sẽ thuê văn phòng của chúng tôi với giá tương đương trong thời hạn tối thiểu một năm.
5. Ngoài ra, tôi sẽ thiết kế trang trí lại văn phòng mà không tính tiền khách hàng. Tôi sẽ thuê những kiến trúc sư sáng tạo và những nhà thiết kế nội thất hàng đầu để thay đổi bố cục văn phòng sao cho phù hợp với phong cách riêng của từng khách hàng mới.
Tôi lập luận rằng:
1. Nếu một văn phòng bị bỏ không trong vài năm nữa thì chúng tôi sẽ chẳng thu được đồng nào cả. Vì vậy, chúng tôi không có gì để mất với những thỏa thuận như thế. Chúng tôi có thể không có lời cho đến cuối năm, nhưng ít ra điều này vẫn tốt hơn là cứ ngồi khoanh tay chờ đợi cho đến khi thị trường khởi sắc. Chúng tôi nhất định sẽ cải thiện được thu nhập vì một khi khách hàng của chúng tôi hài lòng, họ sẽ chấp nhận mức giá thuê văn phòng hợp lý trong nhiều năm sắp tới.
2. Hơn nữa, thời hạn cho thuê văn phòng chỉ thường kéo dài một năm. Trong đa số trường hợp, khách hàng mới của tôi chỉ còn vài tháng nữa là chấm dứt hợp đồng thuê văn phòng cũ. Do đó, việc cam kết chi trả những khoản tiền thuê này sẽ không quá mạo hiểm.
3. Nếu khách hàng chưa có kế hoạch thuê văn phòng khi hết thời hạn hợp đồng, hẳn họ sẽ dễ dàng cân nhắc việc tiếp tục thuê một văn phòng được trang bị đầy đủ, tiện lợi. Khoản tiền đầu tư để thiết kế lại văn phòng không bị mất đi, mà có tác dụng làm tăng giá trị tổng thể của tòa nhà.
Kết quả thật tuyệt vời khi mỗi văn phòng được thiết kế mới trở nên đẹp hơn và được khách hàng thuê hết lời khen ngợi. Vào cuối năm đó, từ tỉ lệ cho thuê chỉ đạt 10%, tòa nhà này đã được phủ kín với tỉ lệ lên đến 100%. Không một khách hàng thuê nào muốn rời đi sau khi hợp đồng đầu tiên hết hạn. Họ hài lòng với văn phòng mới và hiện đại của mình. Chúng tôi còn giành được sự tín nhiệm lâu dài của khách hàng nhờ việc không tăng tiền thuê khi hết hạn hợp đồng năm đầu tiên.
Bạn hãy suy ngẫm một chút về câu chuyện này. Ở đây, người đàn ông kia đã đối mặt với một thách thức lớn. Ông được giao một tòa cao ốc khổng lồ với tỉ lệ thuê văn phòng chỉ 10%. Nhưng chỉ trong một năm, tỉ lệ thuê đã gia tăng lên mức tối đa 100%. Trong khi ở các tòa nhà khác trong khu vực Magnificent Mile vẫn đang vắng khách.
Sự khác biệt ở đây chính là thái độ tinh thần của từng người. Người thì nói: “Tôi gặp rắc rối rồi. Thật xui xẻo!”, người lại bảo: “Tôi gặp vấn đề rồi. Nhưng cũng tốt thôi!”
Người nào xem khó khăn là cơ hội tiềm ẩn và chịu phân tích tình hình để có thể nắm bắt những nhân tố tích cực dù là nhỏ nhất, hẳn người đó đã hiểu rõ bản chất của thái độ tích cực. Ai tìm ra những ý tưởng khả thi, biết nỗ lực trong từng hành động cụ thể, người đó sẽ chuyển bại thành thắng.
Điều này đã được chứng thực qua thời gian. Vấn đề rắc rối và khó khăn hóa ra lại là những điều tốt đẹp nhất có thể xảy ra với chúng ta, chỉ cần chúng ta nhìn nhận chúng là thời cơ thuận lợi.
Như bạn thấy đấy, vị giám đốc nói trên phải đối mặt với hệ quả của cuộc Đại suy thoái. Thời điểm ông giải quyết vấn đề là năm 1939, khi tình hình đang rất khó khăn. Tuy nhiên, ông đã không chấp nhận thời cuộc.
Chúng ta cũng không để cho những vướng mắc, rào cản của cuộc sống làm dao động hay thay đổi chúng ta. Bạn hãy dũng cảm đối mặt với khó khăn và chinh phục chúng. Chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều may mắn.
Trở nên thịnh vượng hay đạt được mục tiêu nhờ hiểu rõ chu kỳ và xu hướng kinh doanh. Cách đây nhiều năm, Paul Raymond, phó chủ tịch phụ trách cho vay của American National Bank & Trust Co. ở Chicago, đã cung cấp một dịch vụ đặc biệt cho khách hàng. Ông gửi cho họ cuốn sách Những Chu Kỳ (Cycles) của Dewey và Dakin. Kết quả là rất nhiều khách hàng của ông đã phát tài. Họ học hỏi và hiểu được lý thuyết về các chu kỳ và xu hướng kinh doanh. Một số người nhờ đó đã không bị thua lỗ hay bị ảnh hưởng xấu bởi xu hướng và những thay đổi của nền kinh tế.
Edward R. Dewey từng là giám đốc Quỹ Nghiên Cứu Chu Kỳ trong suốt nhiều năm liền. Ông đã chỉ ra rằng mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hay quốc gia đều phát triển theo chu kỳ. Ông rút ra một kết luận sâu sắc rằng dù là một cá nhân, bạn vẫn có thể làm điều gì đó để tác động đến chu kỳ này. Bạn có thể đối mặt với thử thách phải thay đổi và bạn thành công. Bạn cũng có thể thay đổi xu hướng để phù hợp với bản thân, bất chấp xu hướng chung là như thế nào. Bạn sẽ thực hiện điều đó bằng một cuộc sống mới, cảm hứng mới, ý tưởng mới và hoạt động mới.
Ông đã dự đoán được thời kỳ suy tàn và hồi phục. Trước khi báo chí công bố về cuộc suy thoái diễn ra vào cuối năm 1957, một trong những khách hàng của ngân hàng đã sớm bắt tay vào hành động. Công ty của ông đã năng nổ tìm kiếm cơ hội kinh doanh với thái độ tích cực. Vào năm 1958, công ty ông đã đạt mức tăng trưởng lên đến hơn 30%, vượt hơn 5% so với cùng kỳ trước đó. Tuy nhiên, toàn bộ ngành công nghiệp nói chung lại đang có xu hướng đi xuống.
Đôi khi, chu kỳ không xảy ra đối với toàn bộ nền công nghiệp, hay cả quốc gia, mà có thể chỉ liên quan đến công việc kinh doanh của một cá nhân nào đó. Vấn đề này cũng có thể lường trước và giải quyết rốt ráo. Hãy nhìn vào sự tăng trưởng liên tục của nhiều tập đoàn Mỹ, bất chấp thực tế rằng nếu theo chu kỳ tự nhiên, họ hẳn phải trải qua giai đoạn tăng trưởng, bão hòa và suy thoái. Công ty E. I. Du Pont De Nemours & Co Inc là một ví dụ điển hình.
Họ đã đối mặt với thử thách bằng cuộc sống mới, cảm hứng mới, ý tưởng mới và hành động mới. Không nhất thiết phải nhắc lại rằng E. I. du Pont De Nemours & Co Inc là công ty mạnh và tăng trưởng liên tục. Nhưng đâu là nguyên nhân thành công của họ?
Ban giám đốc của họ đã đối mặt với mọi vấn đề bằng thái độ tích cực và lòng quyết tâm cao. Họ kiên trì tìm kiếm và không ngừng công bố những khám phá mới. Họ liên tục phát triển những sản phẩm mới và hoàn thiện các sản phẩm cũ. Họ thổi luồng sinh khí mới vào ban quản trị, họ nghiên cứu và cải tiến những phương thức bán hàng. Có thể nói, Du Pont De Nemours & Co luôn đối mặt với thử thách bằng cuộc sống mới, cảm hứng mới, ý tưởng mới và hành động mới.
Hãy học hỏi từ thành công của họ!
Một doanh nghiệp nhỏ hay một cá nhân vẫn có thể học hỏi và thử nghiệm tinh thần đó. Bạn có thể liên hệ và vận dụng những nguyên tắc đã được các tập đoàn lớn sử dụng. Bạn cũng có thể phát triển không ngừng nhờ vào ý tưởng mới, cuộc sống mới, cảm hứng mới và hành động mới. Bạn có thể thay đổi để bắt xu hướng đi xuống phải đảo chiều thành xu hướng đi lên. Bạn có thể tạo ra sự khác biệt!
Rất nhiều câu chuyện bạn đã và sẽ đọc trong cuốn sách này khẳng định rằng “nếu bạn gặp vấn đề – cũng tốt thôi!”. Sẽ thật hay nếu bạn học được cách biến nghịch cảnh thành cơ hội, để từ đó vươn tới thành công. Bạn có thể vẫn chưa tìm ra nguyên tắc, nhưng chương tiếp theo “Học để thấy” sẽ giúp bạn làm được điều đó.
Định hướng số 6 : Ý TƯỞNG THỰC HÀNH
1. Bạn gặp vấn đề ư? Tốt thôi! Tại sao? Bởi vì mỗi khi gặp vấn đề khó khăn và vượt qua khó khăn đó bằng thái độ tích cực, bạn sẽ trở nên vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn và kinh nghiệm hơn.
2. Mọi người đều có thể gặp rắc rối, nhưng người sở hữu thái độ tích cực sẽ biến nghịch cảnh thành cơ hội mang lại lợi ích to lớn hơn. Khi gặp vấn đề, bạn hãy: (a) suy nghĩ; (b) nêu ra vấn đề; (c) phân tích vấn đề; (d) sử dụng thái độ thái độ tích cực: “Rắc rối ư? Tốt thôi!”; và (e) biến nghịch cảnh thành cơ hội.
3. Khi đối mặt với việc phải thay đổi bản thân, thành công hay thất bại là tùy thuộc vào thái độ tinh thần của bạn. Charlie Ward là ví dụ điển hình về một người đã đối mặt thành công với thử thách phải thay đổi bản thân. Vậy bạn hãy chuẩn bị đối mặt với thử thách thay đổi bản thân bằng cách phát triển thái độ tích cực.
4. Bạn có thể định hướng suy nghĩ, kiểm soát cảm xúc và làm chủ số phận của mình bằng cách ghi nhận, liên hệ, đồng hóa và vận dụng những nguyên tắc đã được trình bày.
5. Bảy hành vi đạo đức bao gồm: thận trọng, chịu đựng, chừng mực, công bằng, tin tưởng, hy vọng và khoan dung. Tư Duy Tích Cực Tạo Thành Công chỉ ra những biện pháp giúp bạn liên hệ và áp dụng những đức tính này vào cuộc sống của mình.
6. Một ý tưởng hay, theo sau là một hành động cụ thể, có thể giúp bạn chuyển bại thành thắng.
BỞI LẼ ĐÓ CHÍNH LÀ CƠ HỘI MANG LẠI
CÁC LỢI ÍCH TO LỚN HƠN CHO NHỮNG AI
SỞ HỮU MỘT THÁI ĐỘ TÍCH CỰC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét