Chương VI : Đừng quên bản chất của ta
Ở trên, tôi đã có dịp nói đến khoảng thời gian mênh mông là 44 giờ từ 2 giờ chiều thứ 7 đến 10 giờ sáng thứ 2. Và bây giờ tôi phải xét đến vấn đề là nên coi tuần lễ có sáu hay bảy ngày.
Trong nhiều năm – đúng ra là cho tới khi tôi gần 40 tuổi – tuần lễ của tôi có bảy ngày. Thời đó, luôn có những người lớn tuổi hơn, khôn ngoan hơn khuyên tôi rằng làm việc sáu ngày hiệu quả hơn là 7 ngày, sống sáu ngày đấy đủ hơn sống 7 ngày.
Và bây giờ, mỗi tuần để ra một ngày tùy ý muốn làm gì thì làm, không có chương trình, không phải gắng sức, tôi nhận rõ được giá trị của ngày trong tuần đối với tâm trí tôi.
Tuy nhiên nếu tôi sắp đặt lại cuộc đời thì tôi cũng sẽ làm như tôi đã làm, vì chỉ những người đã tận lực sống bảy ngày mỗi tuần trong một thời gian dài mới nhận được cả cái đẹp của cảnh nhàn nó cứ đều đều trở lại cuối mỗi tuần. Nhưng bây giờ, tôi già rồi và nghỉ hay không là tùy tuổi tác.
Nếu tuổi xuân của bạn còn dồi dào, năng lực còn thừa thải mà lại hăng hái muốn gắng sức, thì tôi không do dự gì mà khuyên bạn: “Cứ làm đi, hết ngày này qua ngày khác đừng nghỉ ngày nào”.
Còn trong trường hợp trung bình thì tôi khuyên bạn nên lập chương trình cho sáu ngày một tuần thôi. Nếu bạn tự thấy muốn mở rộng chương trình thì tùy ý, miễn là đừng bị cái gì bắt buộc và coi thì giờ thêm đó như là một mối lợi bất ngờ, chứ không phải là lợi tức thường xuyên, như vậy bạn có thể trở lại chương trình sáu ngày một tuần mà không có cảm tưởng rằng mình hóa nghèo hơn và thụt lùi.
Bây giờ chúng ta kiểm điểm lại xem mỗi ngày để dành thì giờ được bao nhiêu. Mỗi tuần, trong sáu buổi sáng, mỗi buổi sáng để dành ít nhất là nửa giờ và trong ba buổi tối, mỗi buổi được giờ rưỡi, tổng cộng bảy giờ rưỡi. Tôi đề nghị với bạn, mới đầu nên in ít như vậy.
Bạn kêu lên: “Sao? Ông có ý dạy tôi sống 24 giờ một ngày nghĩa là 168 giờ một tuần mà ông chỉ tính có 7 giờ rưỡi thôi ư? Ông hy vọng làm được một phép mầu với số giờ đó ư?”.
- Vâng, nếu bạn cho phép thì tôi xin đáp là tôi quả có ý đó; bạn cứ thí nghiệm đi, thật là tự nhiên, dễ hiểu mà lại có vẻ là một phép mầu. Tôi tin rằng dùng bảy giờ rưỡi đó một cách đầy đủ, thì đời sống trong tuần sẽ sinh động lên, hăng hái lên, và bạn sẽ ham thích cả những công việc chán nản, tầm thường nhất.
Tập thể dục sáng và chiều, chỉ mười phút thôi, mà bạn thấy sức khỏe tăng lên suốt ngày, tới vẻ mặt của bạn cũng thay đổi hẳn nữa. Bạn cho điều đó là tự nhiên phải không? Vậy thì tại sao bạn lại ngạc nhiên khi tôi bảo rằng mỗi ngày trung bình bỏ ra một giờ luyên trí, sẽ làm cho óc bạn hoạt động hăng hái lên luôn luôn? Đã đành, nên bỏ thêm nhiều thì giờ vào việc tu thân, càng chịu tốn công thì kết quả càng nhiều. Nhưng mới đầu nên gắng sức in ít như vậy thôi. Khi thử làm rồi mới thấy sự gắng sức đó không phải ít đâu vì cần hy sinh một chút.
Tiêu phí thì giờ hoặc làm một việc lăng nhăng thì dễ lắm; muốn làm cái gì khác thì phải thay đổi tập quán. Mà khó thay đổi cái đó lắm. Chỉ thay đổi một chút thôi, dù là thay đổi cho đời ta sung sướng hơn, ta cũng thấy khó chịu, bất tiện.
Nếu bạn nghĩ rằng có thể bỏ ra bảy giờ rưỡi mỗi tuần để gắng sức một cách đều đều và nghiêm trang mà vẫn giữ được lối sống cũ thì bạn lầm đấy. Tôi nhắc nhở rằng cần phải hy sinh và có một quyết tâm vĩ đại mới được. Tôi biết rõ sự khó khăn, tôi biết rằng nếu thất bại trong công việc đó thì kết quả có thể tai hại, nên tôi khẩn khoản khuyên bạn mới đầu nên làm ít thôi. Bạn phải bảo vệ lòng tự trọng của bạn. Lòng tự trọng đó là nguồn gốc của mọi quyết định, và thất bại nhất định sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của ta. Vậy tôi xin lập lại và lập lại lần nữa rằng : nên khởi sự một cách bình tĩnh, khiêm tốn.
Khi bạn đã chăm chỉ bỏ ra mỗi tuần bảy giờ rưỡi để luyện sinh lực trong ba tháng rồi, thì lúc đó bạn có thể lớn tiếng ca hát và tự nhủ rằng mình có thể làm được những việc phi thường.
Trước khi chỉ cách dùng số thì giờ đó, tôi cần khuyên bạn lời cuối cùng này : buổi tối, muốn làm một công việc mất giờ rưỡi thì phải bỏ ra hơn giờ rưỡi kia đấy. Bạn đừng quên rằng những điều bất ngờ rất thường xảy ra, cũng đừng quên bản tính của con người. Vậy bạn nên để, chẳng hạn, từ 9 giờ đến 11 giờ rưỡi để làm một việc mất giờ rưỡi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét