PHẦN BẢY: KHÁT VỌNG
MỤC ĐÍCH
1/ Thổi bùng ngọn lửa khích lệ làm nước sôi bình thường bốc thành hơi tràn ngập khát vọng.
2/ Đưa bạn tới sự dốt nát thông minh và dạy bạn cách biến những trái chanh cuộc đời thành ly nước chanh.
3/ Học cách biến trở ngại thành những nấc thang đi tới một đời sống phong phú hơn.
4/ Nhận dạng rõ những nấc thang bạn có thể lưu giữ.
CHƯƠNG 22: TỪ TẦM THƯỜNG ĐẾN KHÁC THƯỜNG KHẨU "CÂN BẰNG"
Miền Viễn Tây ngày xưa gọi "súng lục" là khẩu "cân bằng" vì nó giúp một gã bé con đốn ngã một anh chàng cao lớn dễ như chơi. Thế giới hôm nay không còn xài "súng lục" làm khẩu cân bằng nữa mà xài thứ khác, đó là "khát vọng". Khát vọng là vị thuốc biến nước nóng bình thường bốc thành hơi thành công ngoạn mục.
Nó là vị thuốc giúp một người khả năng trung bình có thể ăn đứt những người tài giỏi hơn mình. Khát vọng là thứ "phụ trội" tạo nên những khác biệt nho nhỏ nguồn gốc của những khác biệt lớn lao trên đời.
Khát vọng chỉ là phần "phụ trội". Nó là góc chăn thừa để bạn đắp cho ấm. Nó chỉ là thứ "phụ trội' nhưng không có nó, nước sôi chẳng thể bốc hơi nổi. Nước sôi 1000C chỉ đủ nóng để bạn cạo râu hay pha cà phê, nhưng “phụ trội” thêm 1O nữa thôi, nó sẽ bốc thành hơi tạo thành lực đẩy đầu máy xe lửa đi khắp nước hay đẩy tàu thủy đi vòng quanh thế giới. Chính phần "phụ trội" nhỏ bé ấy sẽ đưa bạn lên tới đỉnh thành công như bao nhiêu người khác đã làm.
Theo lời Grantland Rice thì Ty Cobb có muôn vàn khát vọng, ông kể : "Tôi nhớ mãi ngày Ty Cobb thi đấu với cơn sốt 39oC. Bác sĩ đã bắt anh phải nghỉ nhiều ngày, nhưng hôm đó, đội anh phải ra sân. Ty Cobb đã có mặt và đã làm bàn 3 trái đem lại chiến thắng vẻ vang cho đội nhà. Nhưng ngay sau đó, anh đã té xỉu trên ghế"
Mỗi lần nghĩ đến khát vọng là tôi lại nhớ ngay đến một cầu thủ dã cầu khác. Theo tôi, Peter Gray là một cầu thủ bất tử của đội dã cầu Hall of Fame ở Cooperstown, New York. Thời trẻ, anh chỉ nuôi một khát vọng là được chơi ở hàng tiền đạo. Anh lập đi lập lại hoài : "Tôi sẽ làm mọi sự để đạt tới đỉnh thành công”. Tham vọng lớn lao của anh là được thi đấu trên sân vận động Yankee. Năm 1945, anh trở thành trung phong của đội St Louis Browns. Anh chơi ở vị trí này một năm và điều lạ lùng là không ghi được một bàn nào cả. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại là Peter Gray là người bất tử của đội Hall of Fame. Sở dĩ thế, vì anh đã đạt tới đỉnh thành công dù đã cụt mất tay phải. Anh không nhìn vào sở đoản mà nhìn vào sở trường của mình.
Thành công ở đời không hệ tại việc có được bàn tay lành lặn. Thành công hệ tại việc bạn sử dụng bàn tay mình cách tốt nhất. Như Ty Boyd, một xướng ngôn viên lỗi lạc nói : "Hãy sử dụng bàn tay bạn và hãy sử dụng hết công suất".
Khát vọng có thể khiến một người sử dụng bất cứ khả năng nào của mình, trong bất cứ công việc nào và sử dụng một cách tối đa. Khát vọng giúp ta loại trừ được mọi cản trở và cho đi hết mọi thứ mình có. Nó sẽ giúp bạn tiến mau về phía trước mà không gì cản trở nổi. Theo tôi, đã làm việc gì, thì ta cũng nên làm hết sức, dù là thi cử, báo cáo công tác hay thi đấu thể thao cũng vậy. Chúng ta cứ làm hết sức trước đã, vì sức mạnh của khát vọng quan trọng hơn sức mạnh của sở đắc
Một khi đã làm hết sức mình rồi, bạn có quyền an tâm, bất chấp thành, bại. Chỉ khi ta không chịu cố gắng hết sức, rồi phải than thở "Giá mà" mới đáng buồn thôi.
TẬN DỤNG NĂNG LỰC DỰ TRỮ
Khát vọng chiến thắng đã giúp nhiều người chiến thắng dù ít ra xét theo lý thuyết, họ không thể chiến thắng được. Billy Miske đã là một võ sĩ nổi tiếng. Anh từng đấu với Tommy Gibbons, Harry Greb và Battling Levinsky. Anh cũng so găng với Jack Dempsey trong trận tranh chức vô địch thế giới hạng nặng.
Năm 25 tuổi, đáng lẽ phải là lúc ở phong độ cao nhất, nhắm tới những vị trí cao hơn nữa, thì Billy Miske lại phải nằm nhà thương vì đau nặng. Các bác sĩ khuyên anh từ giã võ đài nhưng khổ nỗi, ngoài nghề võ sĩ ra, anh không còn nghề nào khác cả. Năm 29 tuổi, anh bị đau thận và biết chắc mình sẽ chết, vì bệnh hoạn. Năm đó, anh lại chỉ có một trận đấu nên phải nằm nhà nhìn cảnh gia đình khánh kiệt. Anh không thể đến phòng tập vì quá yếu, cũng không thể kiếm được việc làm nào khác vì quá đau .
Gần đến lễ Giáng Sinh, tình yêu thúc đẩy anh tìm mọi cách cho gia đình được hưởng một "Lễ giáng sinh vui tươi" nên tháng 11 năm đó, Miske đến Minneapolis thăm bạn là quản đốc Jack Reddy để thuyết phục ông sắp sếp cho mình một trận đấu. Thoạt tiên, Reddy nhất quyết từ chối. Ông biết rõ tình trạng của Miske và thấy mình chẳng được lợi gì trong trận đấu đó. Miske bèn kể rõ cho ông hoàn cảnh của mình. Anh giải thích rằng mình đang khánh tận và chẳng còn sống được mấy lúc. Bất cứ giá nào anh cũng phải đấu một trận để có tiền cho gia đình mừng lễ sắp tới. Cuối cùng Reddy cũng chấp nhận với điều kiện Miske phải tập luyện và lấy lại được phong độ. Biết mình quá yếu, khó mà làm nổi, nhưng Miske cũng hứa sẽ thi đấu một trận ngoạn mục.
Dù không được hài lòng lắm, Reddy cũng đành chịu và thu xếp cho bạn mình đấu với Bill Brenman. Trận đấu sẽ diễn ra tại Omaha, tiểu bang Nebraska. Brenman là một võ sĩ dẻo dai và cứng cỏi đã từng thi đấu với Dempsey tới 12 hiệp. Mặc dù đã xuống dốc, nhưng anh vẫn còn là một đối thủ đáng gờm cho bất cứ võ sĩ nào.
Miske nằm nhà dưỡng sức vì không đủ lực tập dượt. Anh chỉ đến Omaha đúng lúc trận đấu bắt đầu. Thời đó, các hiệp hội quyền anh dễ dãi hơn bây giờ nhiều nên họ cho phép Miske lên đài. Trận đấu diễn ra tốt đẹp và khi kết thúc. Billy Miske đã kiếm được 2.400 đô la cho gia đình mừng lễ. Anh dùng hết số tiền đó để mua sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình chứ không xài riêng đồng nào. Đây chính là lễ giáng sinh lớn nhất và hạnh phúc nhất của gia đình Miske. Ngày 26/12, Miske gọi Jacky Reddy nhờ đưa mình tới nhà thương St. Paul và đã chết tại đó vào ngày đầu năm. Trận đấu cuối cùng mới diễn ra 6 tuần trước nên bạn bè không ai tin anh chết sớm như vậy cả. Billy đã chết vì đau yếu ! Tuy nhiên chính niềm tự hào với khát vọng làm một điều tốt đẹp cho gia đình yêu dấu đã giúp anh có được sức mạnh phi thường. Bill Brenman bị anh hạ đo ván trong 4 hiệp. Miske đã dốc hết sức lực còn lại cho khát vọng chiến thắng.
Những năng lực dự trữ của bạn cũng sẽ hữu ích như vậy khi bạn mong muốn sử dụng chúng. Khi làm việc hết sức thì ta đã thắng trận bất chấp kết quả thành bại, vì nguyên sự mãn nguyện vì đã cố gắng tận lực đã biến ta thành người chiến thắng rồi. Randy Martin, mà tôi đã có lần đề cập, tham dự cuộc đua Marathon lần đầu tiên vào năm 1972. Đây là cuộc đua tốn sức ghê gớm vì đường dài tới 41 km, lại đầy gian khổ, phải lên dốc, xuống đồi .. Bác sĩ Martin cho biết là bất cứ ai chạy đến đích cũng đều được phần thưởng cả. Phần lớn những người chạy thi, khi bước vào cuộc đua, không tin là mình về đến đích đều là người thắng giải vì phần thưởng đích thực của một công việc hoàn thành tốt đẹp chính là ở chỗ đã hoàn thành nó. Đây là điều quan trọng nhất vì trong thực tế, bạn đang tranh đấu với chính mình. Chẳng có gì mãn nguyện bằng khi biết đã gắng sức và tận dụng hết mọi khả năng. Đối với bạn, nỗ lực hết sức đã là một chiến công vì bạn đã chiến thắng chính mình. Một nhà vô địch thể thao đã nói : "Làm hết sức quan trọng hơn là người tốt nhất".
THẮNG TRẬN - VÀ CÒN VÔ ĐỊCH
Khi nghĩ đến khát vọng tôi tin Ben Hogan sẽ là một trong những người đầu bảng. Xét cho kỹ thì có lẽ Hogan là cầu thủ đánh gôn vĩ đại nhất từ trước đến nay. Anh không được khéo léo như phần đông các tay gôn khác nhưng bù lại, anh hơn bẳn họ về lòng kiên trì, cương quyết và khát vọng. Thực ra thì Hogan đã lập được hai kỳ tích. Khi đã lên tới tột đỉnh của môn thể thao này thì anh bị một tai nạn khủng khiếp. Một buổi sáng mù sương anh đang cùng vợ lái xe trên xa lộ, quẹo qua một khúc quanh thì hai ngọn đèn pha xe buýt đã lù lù ngay trước mặt. Ben chỉ còn đủ thì giờ xoay người, ôm choàng sang bên cạnh che chở cho người vợ. May thay, chính động tác kịp thời này đã cứu sống anh. Vì sau đó, vô - lăng đã cắm ngập vào lưng ghế. Đưa vào bệnh viện, anh chỉ còn thoi thóp thở và nhiều ngày sau mới thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ đều nhất trí là may lắm thì anh cũng chỉ đi lại được thôi, còn chuyện chơi gôn thì xin đừng bao giờ nghĩ tới nữa.
Tuy nhiên, các bác sĩ đã quên mất một điều là ý chí và khát vọng của Ben. Thật vậy, ngay khi bước được những bước đầu tiên, thì mơ ước trở thành một tay gôn vĩ đại đã phục hồi trong anh. Anh thường xuyên luyện đôi tay cho thật mạnh, đi đâu anh cũng kè kè cây gậy đánh gôn bên mình và đôi chân còn run lẩy bẩy, lúc nào cũng như muốn té qụy, anh cũng đã tập quật banh rồi.
Khi bắt đầu đi lại được một chút. Anh đã tập bước quanh sân gôn bằng những bước chân xiêu vẹo và khi đôi chân vững vàng rồi là anh tập đánh gôn ngay. Thoạt tiên, anh chỉ đánh trúng được vài trái, nhưng càng tập, càng nhuần nhuyễn thêm lên. Cuối cùng cũng đến ngày anh trở lại sân gôn và chiếm lĩnh lại được những vị trí cao nhất trong các cuộc thi đấu. Được thế, bởi vì anh đã "Thấy mình chiến thắng" Anh khát vọng chiến thắng và biết mình sẽ đạt được khát vọng ấy. Thực vậy, KHÁT VỌNG CHÍNH LÀ YẾU TỐ LÀM NÊN KHÁC BIỆT GIỮA MỘT CẦU THỦ TRUNG BÌNH VỚI MỘT NHÀ VÔ ĐỊCH .
CHƯƠNG 23: DỐT NÁT THÔNG MINH: ONG NGHỆ KHÔNG BIẾT BAY
KHÁT vọng tạo nên sự dốt nát thông minh. Dốt nát thông minh là đặc tính hoặc khả năng không biết mình không làm nổi điều gì đó nên cứ cố làm. Nhiều lần nó giúp ta hoàn thành những việc hầu như không sao làm nổi. Chẳng hạn, một thương nhân mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm, nên chẳng biết tí gì về nghệ thuật bán hàng cả. May sao, anh không biết là mình dốt và thấy có người khích lệ nên cứ thế phấn khởi làm tới và trở thành người bán được nhiều hàng nhất trong công ty. Không nghĩ là mình dốt nên anh cứ làm bừa. Có lẽ chính vì vậy mà một thương nhân "mới ra lò" thường năng nổ hơn một người đã vững tay nghề hoặc đã lõi đời. Ai cũng bảo là ong nghệ rõ ràng không thể bay được. Xét theo khoa học thì với bản thân quá nặng mà đôi cánh lại quá mỏng như thế thì ong nghệ không tài nào bay nổi cả. Nhưng may thay, ong nghệ lại không biết đọc, vì thế nó cứ bay như thường .
HÃY CHẾ CHO TÔI MỘT MÁY V - 8
Henry Ford đúng là người kỳ lạ nhất. Ông được học rất ít và lận đận mãi đến năm 40 tuổi mới phất lên được. Thiết lập vương quốc xe hơi xong, ông quay sang ấp ủ loạt động cơ V- 8. Ông cho triệu tập các kỹ sư đến và bảo họ :"Thưa quí vị, tôi muốn quí vị chế giùm tôi một động cơ V - 8" Những kỹ sư thông minh xuất chúng này hiểu biết tường tận mọi nguyên lý toán học, vật lý và kỹ thuật. Họ biết rõ những gì làm được, những gì không, nên thương hại nhìn Ford và thầm nghĩ : "Thôi thì cứ cố làm hài lòng ông ấy một chút, dù sao ông ấy cũng là chủ cơ mà". Vì thế, họ cố giải thích là động cơ V-8 không kinh tế chút nào và còn nói rõ "tại sao" nó không kinh tế nữa. Nhưng Ford nào có nghe, ông chỉ nói mỗi câu : "Thưa quí vị, tôi phải có một động cơ V-8. Xin quí vị chế tạo giùm".
Họ ép bụng làm một thời gian rồi báo cáo :
- Chúng tôi tin chắc rằng V-8 là thứ động cơ không tưởng
Ford đâu phải loại người dễ bị lung lạc, ông cứ khăng khăng một điều :
- Thưa quí vị, tôi phải có một động cơ V-8, xin quí vị làm mau giùm.
Các kỹ sư lại tiếp tục nghiên cứu, lần này có chăm chỉ hơn, tốn kém nhiều tiền bạc và thì giờ hơn, nhưng báo cáo cuối cùng vẫn là :
- Thưa ông Ford, động cơ V-8 tuyệt đối không thể có được .
Nhưng trong "từ điển" của một người từng cách tân kỹ nghệ sản xuất bằng phương pháp dây chuyền, bằng mô hình T và A, trả lương nhân viên 5 đô la ngày, làm gì có từ "không biết". Ông sẵng giọng bảo họ, mắt tóe lửa :
- Quí vị không hiểu gì cả, tôi cần có một động cơ V-8 và quí vị phải làm bằng được cho tôi. Mong quí vị làm ngay cho. Và chuyện gì đã xảy ra ? Họ đã chế được động cơ V-8 thật. Họ đã thành công nhờ một người dốt nát thông minh không biết giới hạn của hiểu biết. Hẳn bạn cũng thấy những trường hợp tương tự xảy ra hằng ngày ? Người nói mình không thể - sẽ không làm được, còn người bảo mình có thể - tất sẽ làm được.
DỐT NÁT THÔNG MINH CỘNG THÊM CHANH THÀNH NƯỚC CHANH
Điều quan trọng không phải là hoàn cảnh( trái chanh) mà là cách ta ứng xử trước hoàn cảnh( cách ta dùng chanh)
Dốt nát thông mình là gì ? Dốt nát thông minh chủ yếu là cách ta ứng xử trước một hoàn cảnh tiêu cực và bất ngờ. Nó giúp ta biết dùng chanh để làm nước chanh. Nó chính là thái độ tạo nên sự khác biệt giữa hai người bị bệnh bại liệt. Một người phải đi ăn xin trên đường phố Washington còn một người trở thành tổng thống Franklin Delano Roosevelt. Dốt nát thông minh chính là hạt mầm hy vọng, là lời hứa hẹn tốt đẹp trước mỗi việc xảy đến cho ta. Bất cứ điều gì xảy tới cũng đều chất chứa những nhân tố tích cực mà ta có thể lợi dụng được. Tóm lại, dù cuộc đời có gởi tới trái chanh nào thì ta cũng có thể dùng để pha nước chanh được
Trái chanh khác người của Charles Kettering là cánh tay gẫy. Anh bị nạn lúc quay máy xe ở sân sau. Máy nổ nhưng tay quay không chịu nhả ra nên đã đập gẫy tay anh. Charles Kettering đã ứng xử ra sao? Thoạt tiên, anh ôm lấy cánh tay hít hà. Sau đó bắt đầu suy nghĩ : "Mỗi lần quay máy xe, mỗi lần bị thế này thì thật đáng sợ ! Phải làm sao chế ra một lối quay máy dễ dàng hiệu quả và an toàn hơn mới được. Nếu không ai còn ham mua xe nữa". Trái chanh, cánh tay gẫy của Charles đã thành nước chanh cho đời.
Còn trái chanh của Jacob Schick lại là nhiệt độ âm - 40oC khi khai thác vàng. Dưới điều kiện đó, không sao cạo râu bằng lưỡi lam được nên anh đã chế ra dao cạo điện, nhờ đó đã mua được vàng và pha được hàng tấn nước chanh.
Neal Jeffrey, cầu thủ tiền vệ dự bị trong đội bóng của trường đại học Baylor thì có một trái chanh lớn là tật cà lăm. Anh bảo huấn luyện viên Teaff rằng mục tiêu của mình là cầu thủ tiền vệ số một trong đội Varsity. Ước vọng cháy bỏng ấy đã giúp anh đạt được ước mơ. Năm 1974, anh đưa đội Baylor đoạt chức vô địch của liên đoàn bóng đá Tây Nam. Đây là lần đầu tiên đội Baylor đoạt chức vô địch trong suốt 50 năm, còn Neal được chọn là cầu thủ xuất sắc nhất của liên đoàn.
Eugene O’Neil chỉ là một ngư dân cho tới khi trái chanh của ông là cơn bệnh tai ác bắt ông phải vào bệnh viện. Tại đây, trong những ngày liệt giường, ông đã vắt chanh pha nước bằng cách viết kịch và đã thành công rực rỡ. Cả trăm truyện tương tự khác giải thích lý do và cách thế giúp bạn có thể dùng bất cứ trái chanh nào, cộng thêm ước vọng cháy bỏng là nguồn gốc sự dốt nát thông minh, để làm thành thứ nước chanh ngon lành.
MIKE WELDON CÓ CẢ MỘT "GIỎ" CHANH
Năm lên một tuổi, Mike bị bệnh và phải nằm viện, rồi bị bại liệt. Lên hai, cậu bắt buộc phải đi nạng có dây chằng. Năm 16 tuổi, anh bị bất toại và phải dùng xe lăn để di chuyển.
Anh được nhận vào chân phụ việc với số lương 2,99 đôla 1 giờ , nhưng đến tháng 8 năm 1971 thì bị sa thải, bạn cũng biết 21 tuổi mà bị bất toại thì khó kiếm được việc lắm. Tuy nhiên, đối với các công nhân nhiệt tình, năng nổ như anh thì khác. Vì vậy, chỉ một tháng sau, Mike đã được mời làm cố vấn cho phòng lao động ở Rockford, bang Illinois, chi nhánh của công ty Management Recruiters International có trên 1.300 nhân viên.
Tháng 3 năm 1975, tại khách sạn Sonesta Beech, Mike Weldon được tuyên dương là cố vấn số một trong năm của công ty. Vốn thâm tín mình sẽ đạt được ước mơ nếu biết giúp người khác đạt được điều họ muốn, nên Mike đã cống hiến đời mình để giúp người và năm 1974, một năm ế ẩm, mà anh cũng lãnh được hơn 60.000 đô la. Anh không bao giờ nghĩ mình thiếu khả năng và mọi người đều đồng ý là anh không có "bước chân khập khiễng của kẻ thua cuộc" Mike luôn nghĩ, cuộc đời đã cho anh một "giỏ" đầy chanh nên anh cũng có thể pha chế cả bồn nước chanh.
CHƯƠNG 24: DAVID TÍ HON VÀ GÔLIÁT KHỔNG LỒ: TÔI SẼ TRẢ TIỀN
Câu chuyện cậu bé David Lofchick tí hon qủa đã nói lên mọi điều tôi muốn gửi gấm trong quyển sách này.
Năm 1965, tôi được mời diễn thuyết tại khoá hội thảo ở thành phố Kansas cùng với 6 diễn giả nổi tiếng khác. Khi buổi hội thảo chấm dứt vào chiều thứ bảy, tôi chuẩn bị đi ăn tối. Vừa từ thang máy bước vào hành lang khách sạn, tôi chợt nghe tiếng Bernie Lofchick đứng bên kia hành lang, quần áo chững chạc, tươi cười hỏi lớn :
- Ông đi đây vậy, Zig ?
- Đi ăn tối, Bernie ạ.
Mắt anh bèn sáng lên :
- Tốt lắm, tôi sẽ có dịp tâm sự với ông về dự định của tôi, Zig ạ. Thôi mời ông đi ăn với tôi luôn thể, tôi sẽ trả tiền cho.
Tôi vốn chủ trương không bao giờ từ chối những bữa ăn miễn phí cả, nên đồng ý ngay. Ngồi vào bàn là chúng tôi đã thành anh em chứ không còn là bạn bè nữa. Thực vậy, tôi đã gọi anh Bernie đàng hoàng. Chúng tôi hỏi thăm nhau vài câu xã giao thông thường, sau đó tôi hỏi thăm xem có phải anh đến tham dự cuộc đại hội về bán hàng không thì Bernie đáp :
- Phải, và thật bõ công vì tôi đã thu thập được nhiều ý kiến rất bổ ích.
- Nhưng từ Winnipeg đến đây xa như vậy, hẳn anh phải tốn tiền xe lắm nhỉ.
- Có thể, nhưng nhờ cháu David, nên tôi cũng không phải lo gì.
- Vậy sao, thời buổi này mà có chuyện đó ư ? Anh kể lại tôi nghe được không ?
Được lời như cởi tấc lòng, Bernie bèn kể thao thao bất tuyệt cho tôi nghe một câu chuyện lạ lùng và hấp dẫn nhất đời :
"Khi cháu trai của chúng tôi ra đời, hai vợ chồng tôi mừng vô hạn. Quả là lúc đó, chúng tôi đã có hai cháu gái, thế là đầy đủ cả, nam nữ đề huề. Nhưng được ít ngày sau, chúng tôi bắt đầu gặp rắc rối. Đầu thằng bé lúc nào cũng nghiêng oặt về bên phải mũi rãi thì thò lò suốt ngày đêm. Bác sĩ ra sức trấn an chúng tôi là không sao cả, David rồi sẽ qua khỏi thôi, nhưng chúng tôi không sao yên lòng được. Chúng tôi đem cháu đến một bác sĩ chuyên khoa để điều trị theo lối chỉnh hình liền lạc mấy tuần lễ .
CON TRAI ÔNG BỊ CHỨNG CO CỨNG
Thấy bệnh cháu không thuyên giảm mà càng ngày càng tệ hơn, chúng tôi bèn đem cháu đến một bác sĩ chuyên môn thượng thặng người Canada. Khám cháu thật kỹ xong, ông tuyên bố : "Thằng bé bị bệnh co cứng do liệt não. Nó sẽ không bao giờ có thể đi lại, nói năng hoặc đếm được đến mười cả" rồi ông đề nghị chúng tôi gởi cháu vào một viện cho cháu "yên thân" và gia đình khỏi "bận tâm". Nói đến đây, mắt Bernie như toé lửa, anh bảo tôi : "Ông biết rồi đấy, ông Zig, tôi là người bán hàng chứ đâu phải khách hàng. Con tôi đâu phải đồ hàng bông. Tôi đã mường tượng thấy cháu là một cậu bé khoẻ mạnh, hạnh phúc, rồi thành một người trưởng thành với cuộc sống phong phú, trọn vẹn cơ mà. Bởi đó, tôi mới hỏi bác sĩ xem còn chỗ nào chạy chữa cho cháu được không ? Vị bác sĩ lạnh lùng bảo là đã cho chúng tôi lời khuyên tốt nhất rồi. Nói xong ông đứng dậy bỏ đi.
Đến đây, Bernie nhận xét một cách thấm thía : "Vị bác sĩ chuyên môn ấy chỉ làm được mỗi một việc là thuyết phục chúng tôi tìm kiếm cho ra vị bác sĩ nào quan tâm điều trị cho cháu mà không nản lòng thối chí mà thôi.
GIẢI QUYẾT SÁNG SUỐT - KHÔNG CÓ VẤN ĐỀ SÁNG SỦA
Lofchick trao chú bé David qua tay hơn 20 vị chuyên gia nữa vị nào cũng định bệnh và khuyên anh đại loại như vậy. Sau cùng nghe đồn ở Chicago có một vị bác sĩ tên Pearlstein, nổi tiếng là tay trị bệnh liệt não giỏi nhất thế giới. Bệnh nhân của ông từ khắp thế giới đổ về và phải đăng ký cả năm trước. Vì bác sĩ Pearlstein chỉ nhận điều trị qua trung gian các bác sĩ khác nên Bernie đã phải nhờ bác sĩ của gia đình mình đăng ký giùm. Vị bác sĩ này bèn gởi cho Pearlstein các kết quả xét nghiệm và xin ngày hẹn. Rủi thay, lịch làm việc của bác sĩ Pearlstein đã kín hết nên ông hẹn để tính sau. Thấy vậy, Bernie liền chủ động giải quyết. Anh tìm mọi cách để hẹn được ngày đem David đến cho bác sĩ Pearlstein khám và cuối cùng đã nói chuyện được với ông qua điện thoại. Anh cố nài nỉ bằng được để ông cho David thế chỗ những người bỏ hẹn. Quả nhiên, chỉ 11 ngày sau, David được bác sĩ Pearlstein khám bệnh. Một dấu hiệu tốt và gia đình Lofchick đã hân hoan đón nhận. Hy vọng trở lại tràn trề với họ.
Căn bệnh là tên khổng lồ, dù chưa biết rõ là gì, nhưng giờ đã gặp phải đối thủ đồng cân đồng lạng. Sau nhiều giờ khám xét tỉ mỉ, Pearlstein cũng chẩn đón y như trước : David mắc chứng co cứng do bị liệt não. Nhưng cháu vẫn còn hy vọng nếu Bernie sẵn lòng tham gia cuộc chiến đấu trường kỳ và khốc liệt này. Lofchick vốn sẵn sàng chấp thuận mọi giá, miễn con trai anh còn hy vọng nên hăm hở chấp nhận và hỏi xem phải làm những gì.
Bác sĩ Pearlstein và bác sĩ nội khoa phụ tá chỉ dẫn cho anh thật tỉ mỉ. Họ bảo anh phải bắt David làm việc thật căng và thật nhiều cho đến lúc mệt lả mới thôi, phải thúc đẩy cháu vượt qua giới hạn nhẫn nại của con người và vượt xa hơn nữa. Họ bảo thẳng hai vợ chồng anh đây sẽ là một cuộc chiến trường kỳ, gai góc và có lẽ tuyệt vọng nữa. Một khi đã khởi sự là phải tiếp tục đến cùng, vì nếu ngừng nghỉ hoặc làm không tới mức thì bệnh tình của David sẽ trầm trọng thêm và tất cả công lao trước đó sẽ hoá ra vô ích. Phải, cuộc chiến giữa chàng David tí hon và tai hoạ khổng lồ ấy đã thực sự mở màn.
Gia đình Lofchick cảm thấy thêm hy vọng và hy vọng đã tạo được niềm tin. Họ đi thẳng về nhà, bước chân thư thái, tấm lòng mở hội và sẵn sàng chiến đấu.
Họ mướn một bác sĩ nội khoa và một chuyên viên thể dục rồi xây một phòng thể dục nhỏ dưới tầng hầm. Từ đó, châm ngôn sống của họ là nỗ lực thể lý và bền bỉ tinh thần.
Sau ít tháng tận lực tập luyện như vậy, vài tia hy vọng nhỏ nhoi đã loé sáng. David đã bắt đầu cử động được chút ít, nhưng để cử động được cả thân thể, thì còn phải một thời gian dài. Dù sao, cậu cũng đã tới được một cột mốc khổng lồ.
CẬU BÉ ĐÃ SẲN SÀNG
Hôm ấy, viên bác sĩ nội khoa hối hả gọi điện bảo Bernie về nhà gấp. Khi anh về tới nhà, cảnh đã dàn xong, David đang chuẩn bị cho một nỗ lực phi thường là phải cố gắng rướn mình trỗi dậy. Cậu vận dụng toàn lực để thực hiện một cố gắng mà ngay cả người lớn cũng khó mà làm nổi, huống gì một cậu bé 6 tuổi. Khi thân mình cất lên khỏi mặt giường, làn da trên thân thể nhỏ bé của cậu căng ra toàn bộ trước sức cố gắng tột độ. Mặt giường như ướt đẫm mồ hôi. Khi cậu ngồi thẳng lên được thì mắt cậu cũng như mắt mọi người hiện diện đều ướt đẫm những giọt lệ ngọt ngào, bởi đó, HẠNH PHÚC KHÔNG PHẢI LÀ HÀI LÒNG SONG LÀ CHIẾN THẮNG.
Câu chuyện càng thêm ly kỳ khi một đại học thuộc loại lớn nhất Hoa kỳ sau khi khám nghiệm David đã thấy cậu bé không có "cơ vận động nối liền” với phần thân bên phải nên cứ lý mà xét, thì vì không thể giữ được thăng bằng , nguyên việc đi lại được cũng là một kỳ công rồi. huống hồ gì nói đến chuyện bơi lội, trượt tuyết hoặc chạy xe đạp nữa. Đúng vậy, căn bệnh là gã Gôliát khổng lồ đang thất bại, Hơn nữa, khi chiến thắng được gã, bằng kinh nghiệm bản thân cộng với tấm gương sống động, David đã học được những bài học lớn nhất ở đời. Theo các chuyên gia y khoa thì cậu tấn tới không những một cách vững chắc mà còn ngoạn mục nữa. David thật sự là một cậu bé phi thường đã tạo được những bước tiến vĩ đại, mà thế cũng phải, vì cha mẹ đã coi cậu như một cậu bé tràn trề nhựa sống có sức khoẻ dồi dào cơ mà, cho đến hôm nay thì "cậu bé tí hon" ấy đã xài tới chiếc xe đạp thứ năm dành cho những lúc trời ấm không trượt tuyết được hoặc không cần đi xe hơi. Học trượt tuyết cũng đau đớn không ít, dù chỉ một năm sau, cậu đã đứng ngon lành trên xe trượt, tay chống gậy chơi hockey được rồi. Ngày nào David cũng đi trượt. Cậu đã làm mọi sự cần thiết để lướt thắng trở ngại và đã thành công rực rỡ. Hiện cậu là cầu thủ tả biên của đội hockey địa phương. Dù đã thành công như vậy song bác sĩ vẫn nói phải cỡ hai năm tập luyện, cậu mới tập nổi người trên mặt nước được. Thực ra thì chỉ tập có hai tuần cậu đã nổi được người và trước khi mùa hè thứ nhất chấm dứt, cậu đã bơi lội ngon lành.
Mỗi ngày David tập rướn mình trỗi dậy 1.000 lần và chạy bộ 6 dặm liền. Năm lên 11 tuổi cậu bắt đầu chơi "gôn" hăng say và quyết liệt hệt như thường lệ và đã đoạt giả 90 lần.
Thật là phấn khởi khi nhìn ngắm David lớn lên và biết rằng mọi đức tính cậu đang phát triển, mọi nguyên tắc cậu đang áp dụng để thành công về mặt thể lý cũng như học thuật sẽ đưa cậu tiến rất xa trong việc khổ luyện mà cậu đã chọn lựa. Cũng thật là phấn khởi khi biết rằng mọi người đều có thể phát triển những đức tính đó, áp dụng những nguyên tắc đó để cũng thành công rực rỡ được như David vậy. Tinh thần David cũng lành mạnh chẳng khác gì thể chất. Tháng 9 năm 1969, cậu được nhận vào trường nam St. John's Raven Court, một tư thục nổi tiếng kỷ luật nhất Canada. Mới học lớp 7, nhưng David đã giải được toán lớp 8. Một cậu bé bị bác sĩ lên án sẽ không đếm nổi đến mười mà được vậy thì đâu có tệ, phải không bạn. Ngày 23 tháng 10 năm 1971, vợ chồng tôi được vinh hạnh tham dự nghi lễ trưởng thành của David. Phải chi bạn có mặt ở đó để chứng kiến cảnh David bước vào cuộc sống trưởng thành bằng những bước chân bảy dặm thì hay biết mấy. Cậu bé đã thật sự trưởng thành với đôi mắt sáng ngời, giọng nói quả quyết, bước chân vững vàng giữa đông đảo bạn bè và thân nhân từ Hoa Kỳ và Canada đổ tới. Cách ứng xử của cậu hôm đó thật vượt trội vì cậu đã dành cả cuộc đời cho cơ hội này.
Phải, gã khổng lồ Gôliát qủa đã bị đẩy lui nhưng rõ ràng là chưa bị đo ván và sẽ chẳng bao giờ ta đánh gục được hắn cả. Vì thế mà David vẫn phải luyện tập căng thẳng và đều đặn suốt đời. Hễ ngưng tập vài ngày là tai hoạ ập đến ngay. Như bất cứ chàng trai ở lứa tuổi 19 nào, David cũng muốn được vui chơi thoải mái với bạn bè lắm chứ. Nhưng hễ tới giờ tập luyện là cậu biết mình phải làm gì và sẽ đi thẳng tới phòng tập ngay. Dĩ nhiên, cậu không đơn độc một mình và ngoài cha mẹ, David còn có hai chị, đông đảo bạn bè và rất nhiều bà con thân thiết chí tình cũng như một bầu khí vui tươi sôi nổi nữa. Một biến cố quan trọng xảy đến với David vào tháng 2 năm 1974, khi anh được cấp phát 100.000 đô la theo hợp đồng bảo hiểm nhân mạng. Theo tôi biết, thì hợp đồng này được tháo khoán trên tiêu chuẩn, lần đầu tiên, một nạn nhân của bệnh liệt não đã có đủ tư cách hoàn tất được mọi điều lệ của hợp đồng.
THÀNH ĐẠT VỐN HAY LÂY
Bất cứ ai quen biết gia đình Lofchick đều nhận rằng mỗi người trong gia đình họ đều đóng góp một phần quan trọng vào cuộc sống của David và cùng tiến bộ với anh. Mọi người đều tài giỏi và cống hiến thật nhiều cho gia đình cũng như xã hội. Ngay như Bernie cũng phát đạt một cách kỳ diệu không kém, Bernie, con người hiểu nhiều biết rộng ấy vốn thất học. Ông chỉ học tới lớp 7 ở trường nhưng bù lại, ngày nào cũng được ở "trường đời". Ông học ở mọi người và công việc tuyệt hảo ông đang theo đuổi đã biến ông thành người có đầu óc kinh doanh sắc sảo nhất mà tôi được biết.
Dĩ nhiên, ông là một người cần mẫn và sáng tạo trong lãnh vực thương mại cũng như gia đình. Ông làm việc suốt 7 ngày 7 đêm một tuần. Nguyên kỳ công này cũng đủ chứng tỏ niềm hăng say, chí cương quyết, lòng nhiệt tình và ước vọng cháy bỏng của ông rồi. Trong lúc mày mò kiếm, Bernie đã khám phá thấy là trong cuộc sống hạnh phúc và thành công, Bạn có thể đạt được mọi ước mơ nếu biết giúp người khác đạt được điều họ muốn. Nhờ làm ăn theo nguyên tắc này, ông đã tự tạo lập được một công ty bán dụng cụ bếp núc lớn nhất Canada.
David và những người giúp anh đã thành công mọi mặt. Toàn đội chiến đấu và toàn đội đều chiến thắng vẻ vang. Mỗi người đều giữ một vai trọng yếu trong việc đẩy lui gã Gôliát khổng lồ. Mỗi người đều có ý nghĩa trong việc cầm chân gã khổng lồ tai ác ấy.
HẾT MỌI THÀNH PHẦN
Bây giờ mời bạn đem chuyện của David áp dụng vào sơ đồ "chiếc thang dẫn tới đỉnh thành công". Hồi nhỏ, dĩ nhiên David không thể có lòng tự tin là bước thang đầu được, Tuy nhiên, trong mắt cha mẹ, cậu vẫn là một cậu bé độc đáo, xứng đáng và thành đạt ở đời. Họ đã thấy David như hôm nay và thấy mình đủ khả năng tạo cho cậu cơ hội đó. Ngày nay, David có được lòng tự tin, có được những kết quả thì cũng là điều hoàn toàn hiển nhiên.
"Bậc" thang thứ hai là mối tương quan giữa bạn và người khác. Rõ ràng đã có rất nhiều người đóng vai trò sống còn trong sự tiến bộ và phát triển của David. Như các bác sĩ, y tá, bác sĩ chuyên khoa, giáo viên ... “Máu, mồ hôi và nước mắt" trở nên dễ chịu hơn nhờ lòng nhẫn nại và tình thương lớn mạnh giữa cha mẹ, David và các nhà chuyên môn. Nếu không được ai trợ giúp - mà trợ giúp thật nhiều - tình trạng của David sẽ tuyệt vọng. May sao, cậu đã có được sự trợ giúp cần thiết và đã chiến thắng lẫy lừng. Những người giúp David cũng chiến thắng vì "người giúp kẻ khác leo lên chính là người leo cao nhất".
Bậc thang thứ ba là tầm quan trọng của mục tiêu cách xác lập và đạt tới mục tiêu đó. Câu chuyện David cho ta thấy từng nét một về việc xác lập mục tiêu này. Bernie đã xác lập mục tiêu tài chánh, công tác và cá nhân mình phù hợp với các mục tiêu của gia đình nhằm vào David. Lúc đầu, dĩ nhiên Bernie không tài nào đương nổi gánh nặng thuốc men cần thiết cho việc điều trị David, nhưng ông đã làm như các nhà vô địch vẫn làm là tùy cơ ứng biến. Giờ thì ông đang đạt được mọi mơ ước bằng cách giúp David và những người khác đạt được điều họ muốn.
Bậc thang thứ tư là thái độ tinh thần đúng đắn, bao quát mà câu chuyện David là một điển hình. Đó là cảnh gia đình David làm việc đều đặn mỗi ngày, tiến tới từng bước, tạo ra những bàn đạp để vượt qua trở ngại và tích cực chống lại tình cảnh tiêu cực của David. Họ nuôi dưỡng David bằng câu châm ngôn : "Con làm được điều đó, David ạ”. David nghe cuộn băng khích lệ, tích cực ấy suốt ngày, từ lúc mặc đồ đến lúc tập thể dục hay đi xe với cha mẹ đến trường. Ngày nào, huấn luyện viên Manitoba Syd Pukalo cũng như cha mẹ và bạn bè thân thiết của gia đình cũng bồi thêm những yếu tố tích cực khác. Cuối cùng, chế độ kiêng cữ tinh thần thích đáng đã trở thành một phần đời của David và những thói quen anh tập được đã trở nên tốt đẹp và mạnh mẽ đủ bảo đảm cho sự phát triển và tiến bộ của anh.
Bậc thang thứ năm liên quan đến sự làm việc, mà chuyện David là mẫu mực. Từ nay, mỗi lần than phiền sao ngày chỉ có 24 giờ, bạn hãy nhớ đến David. Biết bao năm trời, anh chỉ có 21 giờ 1 ngày vì phải dành ra 3 giờ chiến đấu với cơ thể bị bệnh liệt não hành hạ. Ngày nay, anh vẫn còn cần rất nhiều giờ, vì nếu không tập luyện hằng ngày, gã Gôliát khổng lồ sẽ trở lại ngay. Dĩ nhiên, David phải làm việc rất nhiều nhưng anh và cả gia đình điều hiểu rằng để được khoẻ mạnh thì làm việc cật lực như vậy chính là hưởng giá chứ đâu phải là trả giá.
Câu chuyện David chính là bậc thang thứ sáu nói về khát vọng. Thành thực mà nói thì dù đã hướng dẫn hàng trăm người, chưa bao giờ tôi gặp được gia đình nào có khát vọng rõ rệt hơn gia đình Lofchick. Khát vọng cháy bỏng cầu mong cho David được sống sót của họ đã chuyển sang hành động. Họ đã tạo mọi thời cơ cho David, đã có những hành động thật bền bỉ, kiên cường mà chỉ có tình yêu sâu đậm đặc biệt mới giúp họ nén được tình cảm và lòng thương hại tự nhiên mà thôi. Những khi Bernie và Elaine, theo lời bác sĩ, xiết dây chằng thật chặt. David đã hoài công khóc lóc, van xin cha mẹ "nới lỏng chỉ một đêm thôi" biết bao lần ! Vì lòng thương con sâu xa nên những người sẵn lòng cho con bất cứ thứ gì trên đời ấy đã can đảm khước từ nước mắt tội nghiệp của David. Họ chỉ chấp thuận những hành động đem lại hạnh phúc và sức khoẻ cho con mà thôi.
Chuyện David là câu chuyện của nghị lực, của tính lương thiện, của lòng yêu thương và trung thành, của niềm tin và sự liêm chính. Ngay từ đầu, tôi đã chẳng bảo bạn là những đức tính này ta đều có thể tập được cả. Chuyện David là lời chứng hùng hồn xác nhận điều đó. Nhìn anh, ta khó mà tìm được một sai sót. Nhiều lúc tôi đã nhủ thầm : Gỉa như anh David sinh ra bình thường, hẳn anh còn kỳ diệu đến mức nào nữa ! và tôi như trông thấy anh, một chàng trai cao lớn, vạm vỡ, bặt thiệp, thông mình hơn nhiều.
Thế rồi một hôm, sự thật như một tấm gạch đá đổ ụp lên đầu tôi. Thật vậy, nếu David sinh ra bình thường với thật nhiều khả năng, chắc gì anh đã gặt hái được nhiều kết quả như bây giờ. Tôi tin rằng anh chỉ tăng tiến - mà còn tăng tiến nhiều nữa - nhờ chứng liệt não mà thôi. Việc gia đình Lofchick dám nhìn con trai họ như một cậu bé sẽ chiến thắng trong cuộc chạy tiếp sức với đời mới là một phép lạ kỳ diệu đặc biệt. Họ đã giúp David khởi động chuyền vào tay anh chiếc que chạy tiếp sức và David cứ việc cầm que đó chạy hoài. Phần đẹp nhất trong thiên truyện về David chưa được viết ra vì anh còn đang sống. Tôi vẫn thâm tín rằng những gì David làm trong tương lai sẽ còn vượt xa bây giờ.
Thiên truyện quá hào hùng, nhưng còn hào hùng hơn nhiều khi nghĩ rằng nó sẽ khiến hàng triệu cháu nhỏ bình thường khác được thêm phấn khởi.
Nếu David khởi đi từ một vị trí kém may mắn, với thân thể bại liệt mà còn đạt được những thành quả rực rỡ như vậy, thì những nguyên tắc và tiến trình ấy mà áp dụng cho các trẻ em khoẻ mạnh thì kết quả còn rực rỡ tới đâu ! Ý nghĩ đó quả khiến ta choáng váng và phấn khởi vô cùng.
Và giờ đây, thiên truyện David đã có kết quả. Một buổi tối ở Amarillo, bang Texas, trong khi kể lại chuyện này, tôi thấy một đôi vợ chồng trẻ ngồi hàng ghế đầu xúc động thấy rõ. Sau buổi nói chuyện, tôi đã đến gặp riêng họ, và họ đã hỏi tên vị bác sĩ ở Chicago kế tục phương pháp của bác sĩ Pearlstein, sau khi ông này qua đời. Cô con gái 15 tháng tuổi của họ cũng bị liệt não và họ mong chữa cho con mình khỏi bệnh.
Họ đem cháu bé đến Chicago và khi khám xong, vị bác sĩ nói rằng tuy triệu chứng rõ ràng như vậy nhưng con họ dứt khoát không phải bị liệt não. Cháu chỉ sinh non mà thôi, vị bác sĩ trước đã chẩn bệnh sai. Vì sinh non nên cháu có chậm chạp hơn bình thường đôi chút, nhưng vì cứ điều trị cho cháu theo kiểu liệt não nên cháu đâm ra mắc phải mọi triệu chứng của bệnh liệt não. Từ đó, họ bắt đầu chữa trị cho cháu theo kiểu bình thường và vài tuần sau, những triệu chứng liệt não đã biến mất.
Thật vậy, ta đối xử với người khác theo cách ta nhìn họ và cách đối xử đó, bất luận tốt, xấu, tích cực, hay tiêu cực sẽ tác động lên họ. Chính vì thế mà ta cần phải là những người "nhìn ra điều tốt" nơi người khác.
Đến đây, bạn đã lên tới đỉnh, đã leo qua mọi bậc, và đang đứng hiên ngang trước cánh cửa mở vào phòng tiệc cuộc đời rồi.
BẠN SẼ NÓI GÌ ?
Rất có thể chúng ta sẽ gặp nhau. Nếu gặp tôi hy vọng bạn sẽ nói "Chào ông" rồi kể tôi nghe là bạn đã đọc quyển sách này. Phản ứng của bạn sẽ giúp tôi lượng định được hiệu quả của nó. Nếu bạn bảo thích cuốn sách, tôi sẽ mỉm cười. Nhưng thú thật, tôi mong bạn nói nhiều hơn thế. Nếu bạn bảo là đã tiếp thu được nhiều điều từ cuốn sách, tôi sẽ cười rạng rỡ, nhưng vẫn mong bạn nói nhiều hơn thế, nếu bạn bảo là đã tiếp thu được nhiều hơn thế. Và nếu bạn bảo mình đã làm gì và còn đang tiếp tục làm để xây dựng một cuộc sống phong phú hơn, hiệu quả hơn từ khi đọc sách thì bạn ơi, tôi thực sự sướng run lên rồi đấy.
Tôi nói vậy vì tôi đâu viết cuốn sách này để giúp bạn giải trí dù tôi đã cố viết làm sao để bạn đọc hoài không chán. Tôi cũng không viết để mở mang kiến thức dù tôi biết những điều mình viết chứa đựng một lượng kiến thức dồi dào mà cuốn sách đã được viết ra để thức đẩy bạn bắt tay hành động nên bất cứ điều gì chưa được đem ra hành động, thì tôi và cả bạn nữa, cũng đều không chấp nhận được, vì bạn là người độc nhất trên đời có thể sử dụng được tiềm lực của mình. Trách nhiệm ấy nặng nề biết mấy !
Webster định nghĩa "thời cơ" là "lúc thuận lợi" nên bạn thật may mắn vì đây đúng là "lúc thuận lợi" nhất cho bạn. Nếu được sử dụng đúng thì những kiến thức trong sách này sẽ giúp bạn phát huy được tiềm lực để đi đến nơi bạn muốn đến, làm được điều bạn muốn làm, có được điều bạn muốn có và trở thành điều bạn muốn thành. Tôi nói như vậy mà không sợ là kẻ huyênh hoang vì tôi giống như chàng phóng viên tường thuật lại cho bạn sự khôn ngoan của một số đầu óc vĩ đại nhất mà đất nước này đã sản sinh, cũng như kinh nghiệm thực tiễn của 30 năm huấn luyện con người của tôi. Do đó, tôi có thể nói một cách khiêm tốn và xác tín rằng bạn hiện nắm trong tay kiến thức và cảm nứng để mở những kho tàng mơ ước cho cuộc đời tương lai của mình.
Tôi cũng cam đoan với bạn là dù có bị đưa ra xét xử và bị bạn là chánh án kiêm bồi thẩm kết án tử hình vì tội đã nói cho bạn biết cách sống phong phú, trọn vẹn và hiệu quả hơn thì tôi cũng sẽ vẫn viết như đã viết thôi. Giá được nhìn thấy mặt bạn lúc này, tôi mong sẽ thấy mặt bạn lúc này, tôi mong sẽ thấy bạn mỉm cười, nháy mắt với mình ! Đó chính là điều tôi sẽ được thấy, vì con người tượng trưng cho bạn trong bức vẽ sau, hiện đang đứng giữa phòng tiệc cuộc đời, trước những món ăn tốt lành nhất mà thế giới này có thể cống hiến. Những món đó có thật và là của bạn nếu bạn thực sự ước muốn - và xây dựng đời mình trên nền tảng lương thiện, chí khí, chân thành yêu thương, chính trực và trung thành.
KHỞI ĐẦU
Nhầm lẫn ? Không đâu, bạn ạ. Đúng rồi đó, tôi biết bạn vừa tham quan chuyến đầu tiên suốt cuốn "HẸN BẠN TRÊN ĐỈNH THÀNH CÔNG" và tôi biết phần lớn người ta cho rằng đã "kết thúc". Nhưng bạn đâu thuộc số phần lớn đó. Bạn là bạn và giờ bạn biết rõ rằng chưa hề có và cũng sẽ không bao giờ có một "bạn" thứ hai nữa. Bạn biết rõ mình đã tạo dựng giống hình ảnh ai và cao quí tới mức nào. Biết rõ như vậy về mình cũng như về người khác, bạn sẽ không bao giờ khinh dể - mà cũng không thán phục - bất cứ ai. Bạn hiểu rằng không ai khiến bạn có thể tự ti nếu bạn không cho phép, và tất nhiên, bạn sẽ không bao giờ cho phép ai cả. Bạn cũng biết là bạn sẽ đạt được mọi ước mơ ở đời nếu biết giúp người khác đạt được điều họ muốn. Bạn cũng hiểu là tài năng có thể đưa bạn lên tới đỉnh nhưng chính đức tính mới giữ được bạn đứng vũng trên đó, và trên đỉnh có rất nhiều chỗ đứng nhưng không có chỗ ngồi.
Nếu bạn thấy đây sẽ là lúc khởi đầu của một lối sống mới, biểu hiện rõ ràng rằng hạnh phúc không phải là khoái lạc - mà là chiến thắng. Có lẽ điều quan trọnng nhất là bạn hiểu và chấp nhận rằng tư thế khởi đầu phải được duy trì luôn luôn, bởi vì THÀNH CÔNG VÀ HẠNH PHÚC KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỂM TỚI MÀ LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH HÀO HỨNG, KHÔNG CÙNG.
Bởi vậy, khi tôi nói "Mời bạn" tham dự vào sự khởi đầu và "giã biệt” con người cũ cũng như lối sống cũ để kết thúc cuốn sách "một cách khác lạ" thì bạn hẳn cũng không ngạc nhiên vì tôi đã mở đầu nó "một cách khác lạ" rồi. Thế giới hôm nay, không thiếu người kết thúc một buổi viếng thăm hay một cuộc điện đàm bằng câu nói "Chúc bạn một ngày tốt đẹp". Nói thế, tuy lịch sự và vui vẻ thật nhưng tôi tin cuộc đời còn cống hiến nhiều thứ khác nữa chứ không phải chỉ có "một ngày tốt đẹp" đâu. Tôi tin rằng nếu "bạn tin" vào mình, vào anh em, vào quê hương, vào công việc đang làm thì những "ngày tốt đẹp của bạn" sẽ kéo dài mãi mãi và tôi thật sự sẽ “GẶP BẠN TRÊN ĐỈNH THÀNH CÔNG".
----HẾT-----
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét