BẠO LỰC VÀ QUAN HỆ
Bạn
thân mến! Các vấn đề và các câu chuyện về bạo lực vẫn được các phương
tiện thông tin nói đến và đưa tin hàng ngày. Những chuyện về bạo lực
được nói đến thường xoay quanh chủ đề về bạo lực trong gia đình, bạo lực
đối với phụ nữ. Tuy nhiên, hai vấn đề đó không phải là dạng bạo lực duy
nhất mà bạo lực còn thể hiện dưới nhiều hình thức và dưới nhiều dạng
khác nhau. Vậy bạo lực là gì? Bạo lực xảy ra dưới những hình thức như
thế nào? Làm thế nào để bạn biết một ai đó có đối xử bạo lực với bạn hay
không? Nếu bạn gặp phải trường hợp bị một ai đó đối xử bạo lực thì ai
sẽ giúp bạn? Trong trang này, chúng ta sẽ cùng nhau đề cập đến những vấn
đề đó.
Những ai là người bị đối xử bạo lực. Dấu hiệu bạn đang ở trong mối quan hệ bạo lực
Bạo lực trong lứa tuổi vị thành niên
Bạn sẽ làm gì trong trường hợp mình bị người khác đối xử bạo lực? - Một số thủ thuật giúp bạn tự vệ
Ai là người sẽ giúp đỡ bạn khi gặp phải vấn đề về bạo lực
Bạo lực là gì? Các hình thức của bạo lực
Có
lẽ bạn cũng đã từng nghe nói hoặc đọc ở đâu đó về chuyện chồng đánh vợ,
hay chuyện cưỡng dâm, lạm dụng tình dục...đó là những chuyện mà chúng
ta vẫn thường gặp trong cuộc sống. Và chính đó cũng là một dạng của bạo
lực. Bạo lực xảy ra dưới nhiều hình thức như: Hành hạ, đánh đập người
khác, chửi bới, quấy rối, lạm dụng tình dục... và tất cả những vấn đề
trên làm tổn thương đến cơ thể, tình cảm, tâm lý, sự tiến bộ của con
người.
Trong
các dạng bạo lực thì dạng bạo lực không trực tiếp liên quan tới tình
dục cũng có tác hại tương tự. Bạo lực gia đình là dạng bạo lực thường
xảy ra nhiều nhất, đó là khi một bên lạm dụng hoặc đánh bên kia, đây là
một điều hổ thẹn và không thể chấp nhận được. Lạm dụng lời nói, khi một
người nói những điều cay nghiệt hay tệ hại với người kia để làm tổn
thương tình cảm cũng là sai trái và không bao giờ thích hợp. Đôi khi
người ta bị quấy rối tình dục bởi đồng nghiệp nơi công sở, người quen
hoặc người lạ. Quấy rối tình dục là khi một người bị trêu trọc, hăm doạ
tống tiền, hoặc doạ làm cho có cảm giác sợ sệt, lo lắng vì những hành
động, lời nói hay những gì họ muốn làm với người đó liên quan đến tình
dục…Tất cả những hành vi này, ít nhiều chúng ta đã được biết và tất
nhiên chúng ta không thể chấp nhận bất cứ một hành vi nào như vậy được
và tất cả những hành vi đó là các dạng của bạo lực. Dù bạo lực xảy ra
dưới hình thức nào thì cũng cần phải lên án.
Sau đây là các loại bạo lực và các hình thức của nó:
Thân thể
-
Bất cứ sự đụng chạm thân thể nào mà bạn không muốn
-
Ngăn trở bạn bằng bất cứ cách nào
-
Ngăn bạn lại không cho đi
-
Giữ hoặc ôm chặt bạn khi bạn không muốn
-
Bóp cổ, đá, đấm, tát, đánh bạn
Tình dục
-
BẤT CỨ sự đụng chạm nào vào BẤT CỨ chỗ nào trên cơ thể bạn mà bạn không muốn
-
BẤT CỨ sự bình luận về tình dục không được yêu cầu nào hay những nhận xét khêu gợi nào nói ra với bạn
-
Cưỡng ép bạn quan hệ tình dục (cưỡng dâm)
-
Đối xử với bạn như một đối tượng tình dục
-
Cưỡng ép bạn xem sách báo khiêu dâm
-
Thiếu sự riêng tư
-
Ngủ ở quanh bạn mà bạn không muốn.
-
Đối xử thô lỗ với bạn.
-
Săn lùng bạn vì mục đích tình dục
Xã hội
-
Làm bạn bẽ mặt hoặc phớt lờ bạn ở những nơi công cộng
-
Không cho bạn gặp gỡ bạn bè
-
Không cư xử tốt với bạn bè của bạn
-
Gây chuyện cãi lộn
-
Thay đổi nhân cách với những người khác
Tình cảm/Lời nói/Tâm lý
-
Đe doạ bạn, làm bạn sợ hãi
-
Phớt lờ tình cảm của bạn hoặc cười giễu bạn khi bạn cố nói cho anh ta/cô ta điều gì đó quan trọng
-
Doạ nạt bạn bằng lời nói
-
Gọi tên để chế giễu bạn.
-
Hét lên, cao giọng, lớn tiếng quát tháo với bạn.
-
Chế nhạo hoặc chỉ trích
-
Làm mất thanh thế của bạn và gia đình bạn
-
Buộc tội sai cho bạn, đổ oan, vu cáo bạn.
-
Bới móc và nói ra những lỗi của bạn.
-
Nhận xét tiêu cực về ngoại hình của bạn.
-
Nói đùa theo kiểu ác ý nhằm mục đích bới móc những khiếm khuyết của bạn.
Ai
cũng có thể có nguy cơ bị đối xử bạo lực, bạo lực có thể xảy ra cho dù
bạn là Nam hay Nữ, già hay trẻ, là một người có địa vị hay không....Nếu
bạn sống trong mối quan hệ bạo lực.
Trong
các mối quan hệ của mình, có thể với người này bạn không có nguy cơ bị
đối xử bạo lực, nhưng trong mối quan hệ khác thì nguy cơ đó có thể xảy
ra.
Sau đây là những dấu hiệu để nhận biết, bạn có đang ở trong mối quan hệ bạo lực hay không?
-
Bạn có sợ tính khí của người ấy không?
-
Bạn có thường hay chiều theo ý người ấy vì bạn sợ làm tổn thương cảm giác của người ấy hay sợ người ấy nổi giận?
-
Bạn có mong muốn giải thoát người ấy nếu người ấy gặp rắc rối?
-
Bạn có thấy bản thân bạn phải xin lỗi những người khác cho dù những người đó đã cư xử tồi tệ với bạn?
-
Đã bao giờ bạn bị người ấy đánh, đá, xô đẩy hay ném cái gì đó vào bạn khi bực tức hoặc không vừa ý về hành vi của bạn?
-
Bạn có đưa ra quyết định về các hoạt động và bạn bè theo những gì người ấy muốn hay theo cách người ấy sẽ phản ứng không?
-
Bạn có uống rượu hay dùng ma tuý để giải sầu hoặc đồng loã với người ấy để người ấy không nổi điên lên không?
-
Bạn có dễ dàng đồng ý với người ấy để tránh làm người ấy cáu giận không?
Nếu
những câu hỏi trên là có thì bạn hãy cẩn thận hơn với mối quan hệ của
bạn và người đó, nếu không sẽ có ngày bạn bị người đó “đè đầu, cưỡi cổ”
đấy!
Bạo lực trong lứa tuổi vị thành niên
Nói
đến bạo lực, có lẽ bạn sẽ nghĩ ngay đến bạo lực gia đình bởi nó rất phổ
biến và chúng ta dễ dàng nhận diện nó. Khi thấy một người chồng đánh
đập vợ, chửi bới vợ con hoặc bắt vợ con luôn phải làm theo ý mình...thì
ai cũng nhận ra rằng, đó là những biểu hiện của bạo lực. Nhưng nói đến
bạo lực trong lứa tuổi vị thành niên thì có lẽ bạn sẽ cảm thấy khó mường
tượng hơn. Nhưng trong thực tế thì vẫn có tình trạng bạo lực xảy ra ở
lứa tuổi này. Ví dụ như: vì một xích mích nào đó mà đẫn đến ẩu đả, đánh
nhau gây thương tích, rồi sau đó dẫn đến thù oán nhau, hoặc một ai đó
luôn bị người khác chêu trọc chế giễu, nhắc đi nhắc lại khiếm khuyết của
bản thân....Bạo lực còn xảy ra trong mối quan hệ yêu đương giữa bạn
trai và bạn gái. Đó là khi người này bắt người kia phải làm theo ý muốn
của mình, ví dụ như: bạn trai bắt người yêu phải hôn, phải có quan hệ
tình dục để chứng tỏ tình yêu.... Mặc dù bạn gái không muốn làm chuyện
đó nhưng vì sợ làm mất lòng, sợ mất người yêu hoặc vì những lời đe doạ
mà phải chấp nhận... đó là những hành động mang tính chất bạo lực. Tuỳ
từng dạng bạo lực ở từng mức độ khác nhau mà nó có thể gây ảnh hưởng tới
tâm lý, tình cảm, sức khoẻ của các vị thành niên.
Do
đó, dù trong mối quan hệ là bạn bè hay yêu đương thì bạn cũng cần phải
cẩn thận và tìm hiểu xem bạn của mình là một người như thế nào? Đặc biệt
là nếu bạn đã dành tình cảm của mình cho một ai đó thì cũng cần phải
suy xét xem liệu anh ta có thể đối xử bạo lực với bạn hay không? Sau đây
là những dấu hiệu cảnh báo người ấy của bạn có thể đối xử bạo lực với
bạn:
-
Anh ta cực kỳ ghen tuông.
-
Muốn biết bạn ở đâu vào tất cả mọi lúc.
-
Buồn khi bạn dành thời gian cho bạn bè và gia đình của bạn.
-
Có quan điểm cứng nhắc về vai trò của nam/nữ hoặc người lớn/trẻ em.
-
Anh ta mong muốn bạn đáp ứng những nhu cầu về tình cảm của anh ta.
-
Trách cứ người khác và bạn về những vấn đề của anh ta.
-
Dùng bạo lực doạ dẫm bạn.
Nếu
người ấy của bạn có những hành vi và thái độ như trên thì bạn nên xem
xét và suy nghĩ lại tình cảm của mình dù tình yêu của hai bạn có ở mức
độ nào. Bởi những dấu hiệu đó cho thấy anh ta có thể sẽ đối xử bạo lực
với bạn.
Bạn sẽ làm gì trong trường hợp mình bị người khác đối xử bạo lực? - Một số thủ thuật giúp bạn tự vệ
Trong
cuộc sống, bạo lực có thể xảy ra dưới nhiều hình thức. Dù dưới hình
thức nào thì bạn cũng phải biết cách để tự bảo vệ mình tránh khỏi những
tình huống bạo lực đó. Tuỳ từng trường hợp mà bạn có những cách ứng xử
linh hoạt để giải thoát bản thân mình khỏi mối quan hệ bạo lực đó. Đối
với những trường hợp nằm trong “khả năng” giải quyết của bạn thì bạn có
thể khéo léo để giảm dần những mối đe doạ tới bạn. Tuy nhiên, có những
trường hợp, bạn cũng cần phải có sự trợ giúp của người khác để giúp đỡ
bạn hoặc có những lời khuyên, góp ý để người ấy thay đổi suy nghĩ, hành
vi của mình và không đối xử bạo lực với bạn nữa. Nhưng trong một số
trường hợp thì bạn bắt buộc phải lựa chọn giải pháp là: Cắt đứt mối quan hệ với người đó cho dù mối quan hệ có thân thiết hay không?.
Bạn
đã bao giờ gặp phải tình huống bị ai đó có hành vi bạo lực thân thể đối
với bạn chưa? Trong những trường hợp đó, bạn đã làm gì? Tìm cách cứu
mình? Hay nhắm mắt lại để mọi chuyện đến đâu thì đến? Những ai chưa bao
giờ gặp phải hoàn cảnh đó hãy thử đặt mình vào trường hợp đó và suy nghĩ
xem, bạn sẽ làm gì?
Trước
tình huống đó, chắc chắn mỗi người sẽ có mỗi cách giải quyết khác nhau.
Nhưng dù bạn có giải quyết thế nào thì lời khuyên của chúng tôi là:
đừng nên nhắm mắt buông xuôi “chờ vào số phận”, mà hãy bình tĩnh để tìm
cách tự giải thoát mình.
Sau đây là một số cách mà bạn có thể sử dụng để tự bảo vệ mình trong trường hợp gặp “bất trắc.
Tự
bảo vệ là một kỹ năng mà bạn có thể học để bảo vệ bản thân khỏi bạo lực
hoặc giữ cho bản thân bạn tránh được kẻ tấn công - đặc biệt khi không
có ai giúp bạn.
Dưới đây là một số cách mà bạn có thể tham khảo:
-
Những vật dụng mà phụ nữ thường mang theo bên người như ví có thể được sử dụng như một vũ khí để đánh kẻ tấn công muốn cưỡng hiếp bạn hoặc tấn công bạn.
-
Nếu bạn ở nơi công cộng, hãy kêu to lên để mọi người có thể nghe thấy tiếng kêu cứu của bạn và giúp bạn. Hãy tạo ra những hành động làm rối trí bằng cách la lên, cắn hoặc cào kẻ tấn công. Hãy kêu càng to càng tốt vào tai kẻ tấn công.
-
Nếu kẻ đó dùng tay bịt miệng bạn lại, thì hãy liếm vào lòng bàn tay hắn ta (hầu hết mọi người đều rụt lại theo bản năng này), nếu không được thì hãy cắn thật mạnh.
-
Hãy đá vào điểm yếu nhất của kẻ tấn công (háng)
-
Hãy dùng giày nhọn của bạn giẫm mạnh lên chân của kẻ tấn công. Dùng tất cả trọng lượng cơ thể và giẫm càng mạnh càng tốt.
-
Nếu kẻ tấn công có được bạn từ phía sau hãy dùng chân giẫm mạnh như đã miêu tả ở trên VÀ đập mạnh đầu phía sau của bạn vào mặt/mũi hắn, đập càng mạnh càng tốt. Nghiêng đầu khi bạn giẫm mạnh và sau đó với tốc độ càng nhanh càng tốt đánh mạnh vào mặt hắn bằng đầu phía sau của bạn.
-
Chọc vào cả hai mắt kẻ tấn công (với sức mạnh) - sử dụng các ngón tay cái hoặc các ngón khác)
-
Đừng đánh nhau với kẻ tấn công và mong thắng. Mục đích của bạn là cho bạn đủ thời gian để trốn thoát.
-
Nếu kẻ tấn công vòng tay qua cổ bạn thì đừng cố thoát ra (như bản năng của bạn mách bảo) mà thay vì thế hãy để tay của bạn giữa tay của hắn ta với hết sức mạnh của mình bạn có thể tập trung đáng vào khuỷu tay của hắn ta, cùng lúc đó bạn hãy xoay người và đầu theo hướng mạnh nhất (bên trái nếu bạn thuận tay trái, bên phải nếu bạn thuận tay phải). Giẫm mạnh lên chân hắn ta hoặc đá vào cẳng chân trong khi đang thực hiện động tác này có thể tăng thêm ảnh hưởng và giúp bạn chạy xa hắn nhanh hơn. Ngay sau khi được nới lỏng hãy sẵn sàng hít một hơi mạnh - nếu bạn không thoát ngay được lần đầu thì hãy cố lại lần nữa, hít thở thêm sẽ cho bạn thêm sức để chiến đấu.
-
Nếu bạn ở trên mặt đất và có thể thoát khỏi kẻ tấn công bằng chân mình để có khoảng cách cho bạn thì hãy đá vào tay của kể tấn công, vào mặt và vào đầu khi bạn đẩy hắn ra. Khi kẻ tấn công bị rối trí thì hãy đứng dậy và chạy.
Nếu
bạn gặp phải bất cứ hành vi bạo lực nào kể trên, hãy nói với bố mẹ,
thầy cô giáo, nhà tư vấn hay cán bộ y tế để nhận được sự giúp đỡ. Bạn
đừng lo sợ bị trách mắng hay xấu hổ mà dấu giếm sự việc đã xảy với bạn.
Bởi hậu quả của việc đối xử bạo lực với bạn có thể rất nghiêm trọng và
cần có sự giải quyết và sự can thiệp kịp thời của người lớn, của pháp
luật và của các ban ngành liên quan. Vì vậy, nếu gặp phải bất kì chuyện
gì xảy ra với bạn, bạn hãy mạnh dạn nói chuyện và tìm sự giúp đỡ.
Nếu
bạn biết ai đó bị lạm dụng hoặc bị đối xử bạo lực, bạn hãy hỗ trợ và
động viên họ nói chuyện với người nào đó để nhận được sự giúp đỡ. Nếu họ
ngại nói ra những điều đó vì sợ hay vì xấu hổ, bạn có thể là người giúp
đỡ bạn ấy tìm kiếm sự giúp đỡ trong những trường hợp cần thiết và
nghiêm trọng.
Dưới đây là những địa chỉ mà bạn có thể liên hệ khi bạn bị đối xử bạo lực:
Ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em xã/phường hoặc quận/huyện.
Uỷ ban bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em tỉnh/thành phố.
Uỷ ban nhân dân xã/phường; quận/huyện; tỉnh/thành phố.
Hội phụ nữ xã/phường; quận/huyện hoặc tỉnh/thành phố.
Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xã/phường; quận/huyện; tỉnh/thành phố.
Cơ quan Công an, Toà án Nhân dân.
Các bệnh viện, Trung tâm y tế quận, huyện...
Các Trung tâm tư vấn và đường dây nóng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét