Chương 21 : Khơi Gợi Tinh Thần Vượt Lên Thử Thách
Người quản đốc trả lời: “Tôi thật sự không biết. Tôi đã cố làm đủ mọi cách, từ động viên, thúc giục, la mắng, thậm chí cả dọa đuổi việc mà họ chẳng thay đổi gì cả. Đơn giản là công nhân của tôi không có năng lực làm việc”.
Cuộc nói chuyện này diễn ra vào cuối ngày, trước khi ca tối bắt đầu. Schwab đề nghị người quản đốc này đưa cho ông một viên phấn, rồi quay sang một công nhân gần nhất, ông hỏi:
“Ca làm của anh hôm nay đã đổ được bao nhiêu mẻ nung ?”.
“6”.
Không nói gì hơn, Schwab lấy phấn vẽ một con số sáu thật to trên sàn và bước đi.
Ca làm việc buổi tối bắt đầu, mọi người đến đều thấy con số được ghi và hỏi ý nghĩa của nó.
Những người ở ca làm ngày trả lời rằng Schwab, sếp to nhất đã đến và hỏi họ về những mẻ nung họ đã hoàn thành và ông đã ghi thành tích đó lên sàn.
Sáng hôm sau khi Schwab bước vào xưởng, con số đã được ca làm buổi tối chỉnh lại thành số 7 rất to. Các công nhân ca làm buổi sáng nói với nhau rằng ca tối nghĩ là đã làm tốt hơn chúng ta. Vậy thì họ sẽ chứng tỏ cho ca tối biết khả năng của họ. Mọi người bắt tay vào làm với nhiệt huyết rất cao. Buổi tối, sau khi kết thúc ca làm, con số 7 đã được xóa và thay bằng con số 10. Mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi.
Trong thời gian ngắn sau đó, xưởng sản xuất này trở thành nơi có hiệu quả và năng suất làm việc cao nhất nhà máy. Vậy bí quyết là gì?
Theo những gì Schwab chia sẻ: “Cách tốt nhất để hoàn thành công việc là khơi gợi một sự thi đua lành mạnh trong công ty. Dĩ nhiên chúng ta không nhắc đến những mánh khóe, thủ thuật để kiếm thêm tiền mà chúng ta khuyến khích, tạo điều kiện cho những ham muốn, khát khao được thể hiện năng lực xuất sắc trỗi dậy trong lòng mọi người”. Đó là sự khao khát được thể hiện mình! Đưa ra thách thức là một cách làm tuyệt vời để khuyến khích người khác thay đổi.
Không có thách thức, có lẽ Theodore Roosevelt không bao giờ trở thành Tổng thống Hoa kỳ. Khi ông từ Cuba quay về và được bầu làm Thống đốc bang New York, phe đối lập phát hiện ra ông không còn là công dân hợp pháp của bang. Lúc đó Roosevelt hoảng loạn và muốn rút khỏi danh sách đề cử. Thomas Collier Platt, sau này là Thượng nghị sĩ bang New York đã quay sang Roosevelt, thách thức ông bằng một giọng sang sảng: “Phải chăng người hùng của San Juan Hill cũng chẳng khác gì một kẻ hèn nhát?”. Thế là Roosevelt quyết tâm theo đuổi cuộc tranh cử và lịch sử đã được tạo nên khi ông trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Thử thách này không những đã làm thay đổi cuộc đời ông mà nó còn tạo ra ảnh hưởng vô cùng lớn đến tương lai của đất nước ông.
Câu “Bất kỳ ai là con người đều có những nỗi lo sợ. Người can đảm là người biết vượt qua được sợ hãi và bước tới trước, đôi khi là cái chết đang chờ trước mặt, nhưng thường là họ chiến thắng” là khẩu hiệu của những lính cận vệ của nhà vua thời Hy Lạp cổ. Còn thử thách nào hơn là cơ hội vươn lên và vượt qua những nỗi lo sợ đó.
Frederic Herzberg là một trong những nhà khoa học rất nổi tiếng về hành vi con người. Ông nghiên cứu thái độ trong công việc của hàng ngàn công nhân và các nhà quản trị cao cấp. Ông đã tìm ra những yếu tố động viên quan trọng nhất đối với người đi làm - không phải là tiền bạc, môi trường làm việc tốt, hay phúc lợi; mà là bản thân công việc. Nếu công việc thú vị, tạo điều kiện để phát triển, thể hiện năng lực, nhân viên sẽ rất gắn bó và luôn có động lực hoàn thành công việc thật tốt.
Đây cũng là điều mà mọi người đều mong muốn: có cơ hội thử sức; cơ hội để bứt phá, thể hiện; cơ hội để chứng minh giá trị thực của mình, để phát triển và giành được thắng lợi.
Nguyên tắc 21 : Biết khơi gợi tinh thần vượt lên thử thách
*******************
Tóm Tắt Phần III - 12 Cách Hướng Người Khác Suy Nghĩ Theo Bạn
Nguyên tắc 10 : Cách giải quyết tranh cãi tốt nhất là đừng để nó xảy ra.
Nguyên tắc 11 : Tôn trọng ý kiến của người khác. Đừng bao giờ nói rằng:“Anh/Chị sai rồi!”.
Nguyên tắc 12 : Nếu bạn sai, hãy nhanh chóng và thẳng thắn thừa nhận điều đó.
Nguyên tắc 13 : Luôn bắt đầu bằng một thái độ thân thiện
Nguyên tắc 14 : Hỏi những câu khiến người khác đáp “vâng” tức thì
Nguyên tắc 15 :Để người khác cảm thấy họ là người làm chủ cuộc nói chuyện
Nguyên tắc 16 : Để người khác tin rằng chính họ mới là người đưa ra ý tưởng đầu tiên.
Nguyên tắc 17 : Thành thật nhìn nhận vấn đề theo quan điểm của người khác.
Nguyên tắc 18 : Đồng cảm với mong muốn của người khác.
Nguyên tắc 19 : Khơi gợi sự cao thượng nơi người khác
Nguyên tắc 20 : Biết trình bày vấn đề một cách sinh động.
Cảm ơn cuốn sách này. Khi đọc nó tôi đã biết cách ứng xử thế nào cho hợp lý
Trả lờiXóaHay 1.8.2025
Trả lờiXóaKí tên người đến từ tương lai
Trả lờiXóa