Chào các bạn!

Tất cả các quyển sách trực tuyến, chúng tôi đều có sẵn Ebook và Audio book. Nếu có nhu cầu mời các bạn vào đây để tải: Hướng dẫn cách tải links trên các host TẢI EBOOK- AUDIO BOOK TỪ A --> Z


Cho Đi Là Còn Mãi - Chương 3: Những người cần chia sẻ

CHƯƠNG 3: NHỮNG NGƯỜI CẦN CHIA SẺ

Chúng tôi hy vọng sau khi đọc xong chương 2, bạn đã nhận ra rằng mình cũng có nhiều tiềm năng để chia sẻ với người khác. Bạn sẽ suy nghĩ kỹ năng nào mình có và kỹ năng nào cần phát triển, cân nhắc bạn muốn giúp ai, giúp tổ chức từ thiện nào. Trong chương này, chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn cách quản lý thời gian, tiền bạc, kiến thức, sự khôn ngoan, kỹ năng và lòng yêu thương, từ đó bạn có thể lựa chọn người và nơi thích hợp để chia sẻ. Chúng tôi sẽ giải thích và minh họa về những đối tượng mà bạn cần chia sẻ:

  • Bản thân mình
  • Gia đình
  • Cộng đồng
  • Tổ chức từ thiện phi lợi nhuận
  • Cả thế giới
HÃY BẮT ĐẦU TỪ BẢN THÂN MÌNH

Ngạn ngữ có câu “Lòng nhân ái bắt đầu từ ngôi nhà mình”. Đáng buồn thay, nhiều người thường xem đây là cái cớ để trở thành người ích kỷ. Chúng tôi cho rằng, câu ngạn ngữ trên mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Theo ý nghĩa trong sáng nhất, lòng nhân ái là tình yêu. Cụm từ “từ ngôi nhà mình” có nghĩa là “hãy bắt đầu lòng nhân ái với chính bản thân mình”. Chỉ khi nào bạn khoan dung, độ lượng với bản thân, biết quan tâm đúng mức bản thân và cảm thấy hài lòng với chính mình, thì khi đó bạn mới có thể cảm nhận được những niềm vui từ bên ngoài. Nhờ đó bạn sẽ vui vẻ hơn, làm việc tốt hơn và luôn sẵn lòng quan tâm, chia sẻ với người khác.

“Cho” đã khó, nhưng “nhận” lại càng khó hơn. Do đó, chúng tôi mong rằng, mọi người cần học cách Cho và Nhận. Joy – cô ca sĩ bạn của tôi, tâm sự rằng: “Bây giờ tôi mới thấu hiểu cho và nhận là một hành động mang tính trọn vẹn. Cho mà không nhận hay ngược lại nhận mà không cho thì thiếu sự trung thực và tính toàn vẹn. Chúng như là hai mặt của một vấn đề. Vậy mà trước đây, tôi cảm thấy rất khó khăn để thực hiện đầy đủ chu trình này khi nhận được quá nhiều từ khán giả. Lúc hát xong, tôi cảm thấy không thoải mái khi đứng trên sân khấu để nhận những tràng vỗ tay tán thưởng của khán giả. Những lúc như vậy, tôi chỉ muốn ngăn họ lại và lẩn vào phía sau sân khấu thật nhanh. Nhưng bây giờ tôi đã hiểu rằng, khán giả cần vỗ tay để tán thưởng những gì họ vừa nhận được. Vì vậy tôi có đủ can đảm để đứng chờ cho đến khi tiếng vỗ tay dứt hẳn mới lui vào hậu trường”.

Một vài người cảm thấy rất khó khăn khi đón nhận một điều gì đó, thậm chí chỉ là lời khen tặng đơn giản, dễ thương. Tôi chọc ghẹo cô bạn của tôi rằng, những lời khen ngợi đó đã dính chặt vào đời cô như hình với bóng rồi! Đúng vậy, “cho và nhận” là cả một chu trình yêu thương trọn vẹn.

Lắng nghe tiếng nói bản thân

Đã bao nhiêu lần, từ trong sâu thẳm tâm hồn, bạn nhận thấy mình đang đi sai đường? Dường như có hai con người khác nhau cùng tồn tại trong bản thân bạn: một người đang tranh luận với bạn, hướng dẫn bạn đi đúng đường, còn người kia không chịu lắng nghe, lớn tiếng biện minh cho bạn đi theo con đường sai. Trong trường hợp này, bạn rất cần những giây phút tĩnh lặng để nhìn lại mình, suy nghĩ sâu sắc hơn về cuộc sống, về những gì mình đã làm, con đường mình đang chọn lựa... Từ đó, bạn sẽ có những cảm nhận mới, những thay đổi, điều chỉnh cần thiết cho cuộc sống của chính mình.

Chúng ta cần viết nhật ký đều đặn mỗi ngày để tạo thói quen tự nhìn lại mình, lắng nghe tiếng nói của bản thân. Sống một cuộc đời bình dị, mỗi ngày đều có những phút giây tĩnh tâm – là lối sống rất cần cho mỗi chúng ta. Chỉ với sự tĩnh tâm này, bạn mới có thể nhận ra được điều gì là tốt nhất cho bản thân, để biết cách tự điều chỉnh mình. Nhờ đó, trong mọi tình huống, dù là tình huống tồi tệ nhất, bạn vẫn luôn tìm được câu trả lời, tìm được sự cân bằng cho tâm hồn mình.

Theo nhà văn Joan Borysenko, thiền là bí quyết để đạt được sự tĩnh tâm, qua đó sự nhạy cảm và trực giác sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp thích hợp. Cách đơn giản nhất để thiền là ngồi yên, thư giãn ở nơi hoàn toàn yên tĩnh, cảm nhận được sự phập phồng của từng hơi thở. Cho dù hiệu quả như thế nào, thiền giúp bạn thật sự trầm tĩnh và nhìn lại những gì mình đã làm, xác định những điều mình cần làm tiếp theo.

Ai đó từng nói rằng: “Lắng nghe bản thân, xác định được bạn là ai là một điều hoàn toàn không đơn giản. Nhưng trong giây phút tĩnh lặng, bạn bắt đầu nhận thức được dòng chảy tâm hồn mình. Từ đó bạn sẽ có những cách điều chỉnh hoặc thay đổi thái độ sống cho thích hợp hơn”.

Thiền cũng giống nhiều hình thức tĩnh tâm khác, đòi hỏi thời gian, sự quyết tâm và luyện tập. Nghiên cứu khoa học cho thấy, thiền là cách đơn giản nhất để thư giãn, hình thành hệ thống miễn nhiễm và nâng cao cách nhìn về cuộc sống.

Quan tâm đến mình

Nhiều người nghiêm khắc với bản thân họ còn hơn cả đối với người khác, thậm chí hơn cả người họ không thích. Có một thời gian, Harvey không thể dành được một chút thời gian nào cho bản thân mình để nghỉ ngơi, bởi anh là một thanh niên được sinh ra và lớn lên trong một gia đình theo đạo Cơ Đốc giáo bảo thủ. Và đối với những người thanh niên phải lớn lên trong gia đình khắt khe như vậy, thật khó để sống một cách dễ dãi với chính bản thân mình.

Thế nhưng, khi Harvey xem bộ phim tài liệu nhiều kỳ của đạo diễn Michael Apted thì mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Bộ phim này có những tựa đề tuần tự là: ,“Từ tuổi 7”, “Từ tuổi 14”, “Từ tuổi 21”, v.v. Đạo diễn Michael Apted đã dõi theo cuộc sống của 14 người sinh sống ở Anh, bắt đầu từ khi họ 7 tuổi. Cứ cách 7 năm, ông lại đến thăm họ một lần để tiếp tục quay phim ở lứa tuổi tiếp theo. Bộ phim đã thật sự gây sốc về những mảnh đời được mô tả: tương lai của những nhân vật trong phim được xác định vào thời điểm họ 7 tuổi. Vào một đêm, Harvey đã kể lại nội dung bộ phim này cho bạn bè nghe, rồi hỏi về ước mơ nghề nghiệp khi họ 7 tuổi. Eve muốn trở thành nhà văn, còn Alan muốn trở thành một họa sĩ. Hiện tại, Eve đang là nhà văn, còn Alan là kiến trúc sư.

Khi họ hỏi lại hồi đó Harvey muốn làm gì, ông phải suy nghĩ trong giây lát. Rồi đột nhiên, như có một tia sáng lóe lên trong đầu, ông nhớ ra: “khi lên 7, tôi muốn trở thành kẻ chết vì đạo, hy sinh đời mình cho người khác”. Bạn thử đoán xem, Harvey đã dành 35 năm sau để cố gắng làm những việc gì? Chính là công việc từ thiện và chia sẻ với mọi người!

Ông đã chia sẻ lòng nhân ái và hy sinh cho người khác đến nỗi quên cả bản thân mình. Nhưng khoảng 10 năm gần đây, ông bắt đầu có sự thay đổi về thái độ sống. Ông nói: “Bạn bè thường khuyên tôi nên quan tâm đến bản thân. Còn với tôi, hy sinh một cách trọn vẹn chẳng có gì là xấu cả. Nếu tôi có hy sinh cả đời mình cho vợ, cho con, tôi cũng không hối tiếc. Hầu hết chúng ta đều như vậy cả thôi”. Nhưng nếu bạn dùng cả đời mình để hy sinh một cách mù quáng, bạn sẽ không còn thời gian quan tâm đến mình. Bạn từ bỏ mọi nhu cầu bản thân để chia sẻ với người khác, nhưng rốt cuộc sự chia sẻ này không mang lại kết quả như bạn mong muốn. Hứng thú của bạn rồi sẽ giảm đi, lòng nhiệt tình nguội dần, tâm hồn trở nên héo úa, và bạn không còn muốn chia sẻ nữa. Thế nên bạn cần nhận thức được nhu cầu của người khác để cho đi, nhưng cũng không được quên nhu cầu về tinh thần và vật chất của chính bản thân mình. Biết quan tâm đến bản thân cũng là một bí quyết để tạo nên sự cân bằng trong cuộc sống của bạn.

Khi biết để ý và đáp ứng những nhu cầu của bản thân, cũng là lúc chúng ta biết yêu chính mình. Nếu cảm thấy chán nản, bi quan và luôn mệt mỏi, bạn sẽ không thể chăm sóc người khác. Quan tâm chăm sóc đến mình, cũng có nghĩa là quan tâm chăm sóc đến người khác, và điều đó sẽ làm cho cuộc sống của bạn dễ chịu hơn.

Hãy chăm sóc sức khỏe, rèn luyện kỹ năng, củng cố các mối quan hệ thân tình, bạn sẽ cảm thấy mình được quan tâm đúng mức và hài lòng với bản thân. Lúc đó bạn luôn sẵn lòng chia sẻ yêu thương với những người khác.

Học hỏi qua những trở ngại, khó khăn

Chấp nhận sự thật đắng cay là bước đầu tiên để can đảm đứng lên, tự sửa chữa sai lầm và vượt lên chính mình. Khi bạn đối mặt với khó khăn, chẳng hạn: những căng thẳng ở cơ quan, lo lắng cho gia đình, hay những thói quen không tốt như nghiện rượu, nghiện hút, mà biết tự sửa chữa và vượt qua – lúc đó bạn đang trao tặng những người bạn yêu thương và cộng đồng một quà tặng quý giá.

Thí dụ, một số người nghiện rượu thú nhận rằng họ cảm thấy bất lực vì không thể từ bỏ rượu nếu không có sự giúp đỡ của cộng đồng. Thừa nhận nhược điểm là bước đầu tiên để bạn chấp nhận lòng nhân ái, sự cảm thông và hiểu biết của người khác dành cho bạn. Tuy nhiên, thừa nhận nhược điểm của mình không phải là điều dễ dàng, nhưng đây chính là điểm khởi đầu cho một sự thay đổi tích cực. Nếu bạn khỏe mạnh hơn, vui vẻ hơn thì bạn sẽ có điều kiện giúp đỡ mọi người nhiều hơn.

Khi Harvey 36 tuổi, anh từng rơi vào tình trạng suy sụp, dường như không thể gắng gượng được nữa. Người mẹ yêu quý của Harvey vừa mới qua đời vì bệnh ung thư. Anh phải từ bỏ công việc 70 tiếng một tuần mà anh yêu thích và gắn bó hơn 10 năm qua. Phải đối diện với cuộc sống độc thân, thất nghiệp, kiệt sức, lại xa người cha đáng kính hơn 3000 dặm… Tất cả khiến lòng dạ Harvey thêm rối bời.

Khi nhớ lại, Harvey nói rằng, đó là giai đoạn khủng hoảng nhất trong đời mình và có lẽ nhiều người cũng đã từng trải qua hoàn cảnh tương tự. Anh đã giúp đỡ, chia sẻ hết mình với người khác đến nỗi quên cả bản thân. Nhưng rồi, do bản năng sinh tồn, anh bắt đầu biết quan tâm đến sức khỏe của mình. Anh hiểu ra rằng, chỉ khi có sức khỏe anh mới có thể tiếp tục chia sẻ với người khác được. Sau đó, anh quyết định làm việc bán thời gian trong vòng 6 tháng, đồng thời cắt giảm mọi chi tiêu không cần thiết. Bây giờ sau 14 năm, Harvey vui mừng nhận ra anh đã có được cuộc sống cân bằng, có những việc làm đầy ý nghĩa và có một gia đình tuyệt vời. Hồi tưởng lại những ngày đã qua, anh nhận ra rằng, muốn tạo mối quan hệ tốt đẹp với người khác thì chúng ta phải biết sống hòa hợp với chính bản thân mình.

CHIA SẺ VỚI GIA ĐÌNH

Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc, xã hội mới ngày càng văn minh, tốt đẹp được. Do đó, bạn phải học cách chia sẻ trong gia đình, thường xuyên bày tỏ tình yêu thương và cảm xúc với những người thân trong gia đình. Khi bạn biết chia sẻ lòng nhân ái trong gia đình, bạn mới có thể trải lòng mình với những người bạn gặp trong cuộc sống.

Là cha mẹ, thay vì chỉ dạy dỗ con cái mình bằng lời nói, ta hãy tự bắt tay vào làm những điều đó, các con sẽ biết học hỏi và noi gương những việc tốt ta đã làm.

Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ luôn dạy bảo những điều tốt đẹp là một điều may mắn và hạnh phúc của mỗi người. Rất nhiều người không có được may mắn đó, nhưng dù như thế, họ vẫn dành tình yêu cho cha mẹ, anh chị em và con cái mình.

Giống như nhiều thứ quan trọng khác trong cuộc sống, được yêu thương là điều mà mọi người đều mong muốn, nhưng tình yêu thương không phải dễ dàng có được. Như một quy luật tất yếu của cuộc sống, điều gì quý giá bao giờ cũng hiếm hoi. Giải quyết những bất đồng trong các mối quan hệ là việc vô cùng khó khăn, nhưng nếu làm được, cuộc sống của bạn sẽ trở nên vui vẻ, thoải mái hơn rất nhiều.

Với bạn, hạnh phúc gia đình có phải là điều ưu tiên số một hay không? Bạn có sẵn sàng yêu thương vô điều kiện? Bạn có chủ động trong việc giải quyết những mâu thuẫn và làm dịu đi nỗi đau trong gia đình? Nếu những câu trả lời của bạn là có, hãy bắt đầu bằng cách thay đổi bản thân trước. Có như thế, bạn mới thay đổi được gia đình mình và thay đổi cả thế giới.

Chia sẻ với người bạn đời

Mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta chính là mối quan hệ với người bạn đời. Người bạn đời là người bạn tốt nhất, luôn sẵn sàng ở bên cạnh để lắng nghe, ủng hộ, động viên và yêu thương bạn. Để tạo dựng được một mối quan hệ như thế, bạn phải mất nhiều thời gian, công sức và dĩ nhiên, cần có cả những kỹ năng đặc biệt nữa. Do đó, bạn phải sắp xếp thời gian nuôi dưỡng, phát triển, củng cố và đón nhận mối quan hệ đặc biệt này với người bạn đời. Đây là một trong những quà tặng lớn lao nhất bạn dành cho người mình yêu thương và cũng là một trong những quà tặng quý giá nhất bạn dành cho chính mình.

Tiến sĩ John Gottman - nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực hôn nhân, đã phát hiện ra một điều thú vị giúp cho cuộc sống hôn nhân của bạn càng ngày càng tốt đẹp, đó là: thay vì một lời nói tiêu cực hãy nói năm điều tích cực với người bạn đời, như thế bạn mới mong tạo dựng được hạnh phúc lâu dài, bền vững. Điều này thoạt nghe có vẻ quá đơn giản, nhưng liệu bạn có thực hiện được không? Nếu được, hãy áp dụng ngay để loại bỏ những lời chỉ trích cay nghiệt mà lâu nay vợ chồng thỉnh thoảng vẫn dành cho nhau.

Trong cuốn sách “Nhận ra tình yêu: chuyến hành trình đi đến sự thỏa hiệp”, tác giả Gay và Kathlyn Hendricks cho rằng, kỹ năng thật sự để duy trì một cuộc hôn nhân hạnh phúc là “Luôn nói thật về những điều nhỏ nhặt nhất”, và “Hãy bày tỏ những xúc cảm nội tâm đang chất chứa trong lòng bạn”. Khi biết thực hành lòng trung thực dù trong những chuyện nhỏ, bạn sẽ cảm nhận được sức mạnh kỳ diệu của nó – nó có thể hàn gắn các mối quan hệ và chữa lành các vết thương trong lòng bạn.

Sau đây là 6 điểm chính bạn có thể tham khảo để quan hệ giữa bạn với người bạn đời thêm hạnh phúc và bền vững hơn:
  • Dành thời gian cho người bạn đời. Nếu công việc của bạn quá bận rộn, bạn hãy sắp xếp và lên kế hoạch hàng tuần để dành thời gian tâm sự, trò chuyện cởi mở với người bạn đời của mình. Việc dành thời gian chăm sóc gia đình, con cái cũng là một cách giúp bạn hâm nóng tình yêu.
  • Thấu hiểu và thông cảm việc làm của người bạn đời, từ đấy yêu thương họ nhiều hơn. Mỗi hành động, việc làm đều có những lý do riêng của nó, do vậy thấu hiểu và thông cảm là bí quyết giúp bạn có được tình yêu thương sâu sắc với người bạn đời.
  • Sự trung thực – nền tảng của một mối quan hệ bền vững. Mọi người thường cảm thấy khó khăn và ngần ngại khi bày tỏ sự thật, những nỗi u uẩn trong lòng. Tuy nhiên, trung thực là cốt lõi của mối quan hệ hôn nhân sâu sắc và bền vững.
  • Bày tỏ tình thương yêu mỗi ngày, trong từng hành động, cử chỉ. Yêu thương là hành vi chủ động. Bạn phải thường xuyên bày tỏ lòng yêu thương, sự chăm sóc và mối quan tâm với người bạn đời. Có thể là một cử chỉ âu yếm, những món quà bất ngờ, những lời khen ngợi v.v. Đó cũng là cách bạn nuôi dưỡng và vun đắp cho hạnh phúc của chính mình.
  • Tạo ra tình bạn. Người bạn tốt nhất của bạn chính là người bạn đời của bạn. Để có được tình bạn này, cả hai đều phải cần rất nhiều thời gian, công sức, sự quan tâm và yêu thương dành cho nhau.
  • Đôi khi cũng phải biết nhượng bộ. Mỗi cuộc hôn nhân thành công đòi hỏi phải có sự nhường nhịn lẫn nhau. Nếu một bên quá nhượng bộ, còn một bên lại quá lấn át, thì cuộc sống hôn nhân sẽ giống như một cái cầu bập bênh không cân bằng. Ngược lại, nếu cả hai đều cố giành phần thắng về mình thì xung đột tất yếu sẽ xảy ra.
Hàn gắn các mối quan hệ

Nếu các mối quan hệ trong hôn nhân, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp bị tổn thương, thì sự khủng hoảng tinh thần sẽ làm suy giảm nhiệt tình cống hiến, chia sẻ của bạn.

Trong cuộc sống, biết bao người đang rời bỏ con cái, cha mẹ của mình vì những mối bất hòa. Ngược lại, không ít người đang cố gắng hàn gắn sự đổ vỡ trong quan hệ khi người thân của họ rơi vào giây phút lâm chung. Thế thì tại sao chúng ta không nỗ lực hàn gắn, xoa dịu những vết thương lòng đó ngay khi đang được sống với những người thân yêu của mình?

Nỗi khổ đau trong gia đình bất hạnh không chỉ giới hạn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mà còn ảnh hưởng đến ông bà, cháu chắt và những người thân quen. Gia đình bất hòa kéo theo những ảnh hưởng xấu đến xã hội. Chúng ta hãy chữa lành thế giới bắt đầu từ gia đình chúng ta, bằng cách nhân rộng lòng nhân ái, sự quan tâm và cam kết thực hiện những điều tốt đẹp.

Nếu bạn đang bất hòa với một ai đó như cha mẹ hay bạn bè, hãy nghĩ đến những bức xúc bạn đang phải chịu và hãy thử hình dung đến niềm vui, sự thoải mái khi được hòa giải với họ. Điều này sẽ giúp bạn có đủ can đảm bày tỏ tình thương yêu và chủ động làm hòa với người đó. Những công sức và nỗ lực mà bạn bỏ ra sẽ được đền bù xứng đáng.

Biết suy nghĩ nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn trong quan hệ của bạn với mọi người, tự sửa chữa những sai lầm và điều chỉnh lối sống cho phù hợp – chính là món quà bạn có thể làm cho mình và cho người khác.

Đây là 9 bước hàn gắn mối quan hệ bất hòa:
  • Quyết tâm cải thiện mối quan hệ được tốt đẹp hơn.
  • Hình dung mối quan hệ sẽ khác đi như thế nào nếu bạn cải thiện nó.
  • Bạn sẽ mất nhiều thời gian, nỗ lực, lòng kiên trì để điều chỉnh sự bất hòa. Do đó, hãy bắt tay điều chỉnh mọi thứ có thể, ngay từ bây giờ.
  • Bạn phải là người thay đổi trước tiên. Hãy mở lòng mình ra trước và chấp nhận thay đổi quan điểm nếu điều đó là đúng và tốt cho mối quan hệ của bạn.
  • Đừng tìm kiếm giải pháp, mà hãy tìm kiếm tình cảm. Biện pháp tự nó sẽ xuất hiện. Đừng nói những lời kết tội. Nếu thấy mình vẫn còn nóng giận, hãy quay trở lại bước đầu tiên.
  • Đừng che giấu nỗi buồn hay sự tức giận. Khi bạn bày tỏ cảm xúc, chia sẻ nỗi lòng của mình, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và không muốn giữ chúng trong lòng nữa.
  • Cầu nguyện hay Thiền định khi gặp những chuyện buồn bực, sẽ giúp bạn bình tâm để nhận thức sự việc một cách rõ ràng hơn.
  • Khi tranh luận, bạn có thể làm theo lời khuyên của Stephen Covey “Hãy thông cảm với người khác trước, rồi sau đó mới mong được người khác thông cảm”. Thật khó diễn tả sức mạnh của lời khuyên này, nhưng chắc chắn nếu áp dụng bạn sẽ thay đổi được những cách tranh cãi dễ gây ra sự hiểu lầm hoặc bất hòa lâu nay.

    • Sẵn sàng thừa nhận bạn không đúng. Mỗi người đều có một nền tảng giáo dục, môi trường sống, kinh nghiệm sống khác nhau, do đó không ai nhìn sự vật theo cùng một cách. Hãy lắng nghe, trao đổi với người khác và chấp nhận vấn đề nếu bạn thấy rằng mình đã hiểu sai. Việc duy trì mối quan hệ giữa bạn và người khác sao cho tốt đẹp mới là điều quan trọng, chứ không phải là cứ cố tranh cãi đến cùng xem ai đúng.
Chia sẻ với con cái

Sahar, con gái của Azim, đã nghỉ chơi bóng đá vài năm rồi, nhưng khi cô bé gia nhập đội bóng trở lại, tuần nào bạn bè của Sahar cũng thi đấu thua cô bé mặc dù đám bạn cũng đã cố gắng hết sức mình. Mọi người đều rất ngạc nhiên, vì Sahar cứ liên tục dẫn đầu, chơi rất nhiệt tình và lôi cuốn. Thoạt đầu, không ai hiểu được sự tự tin đó bắt nguồn từ đâu. Hóa ra là Azim và con trai - Tawfiq, luôn là hai cổ động viên nhiệt tình nhất cho Sahar. Họ đã sát cánh cùng Sahar trong các buổi tập luyện và thi đấu. Chính sự khích lệ này làm cho Sahar vô cùng phấn khởi, tự tin. Mối quan hệ giữa Azim và hai con, giữa hai chị em Sahar và Tawfiq, càng được thắt chặt một cách vững vàng.

Khi bạn biết dành thời gian cho con cái mình, mối dây liên kết giữa bạn và con cái sẽ ngày càng chặt chẽ, lòng tự trọng của con cái bạn sẽ được nâng lên. Cũng như người lớn, trẻ nhỏ rất muốn mình là của riêng một ai đó. Chúng cần cảm thấy rằng chúng rất quan trọng và có ý nghĩa đối với cuộc sống của cha mẹ chúng.

Quà tặng đầu tiên cha mẹ dành cho con cái mình chính là đem lại cho chúng sự sống. Tiếp đó là cả một hành trình hy sinh thầm lặng đến vô tận. Cha mẹ dành cho con cái tất cả tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc, dạy chúng những bài học đạo đức, những cách ứng xử làm người. Thế còn con cái, chúng đền đáp lại những gì cho cha mẹ? Tất nhiên đó là cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Đúng là chẳng có cha mẹ nào thích nhận lại nỗi buồn, nhưng đừng quên rằng, đôi khi nỗi buồn khiến ta cảm nhận sâu sắc và làm tăng thêm niềm vui, sự hứng khởi và vẻ đẹp trong đời.

Hãy tạo cơ hội để con cái có thể bộc lộ tình cảm của chúng với mọi người một cách tự nhiên, không sợ bị người lớn hoặc ai đó chế giễu. Bạn cũng nên nhớ, đừng trừng phạt một cách gay gắt khi con cái bạn tỏ ra vô lễ, nóng giận, bởi đó chỉ là biểu hiện của những cảm xúc thông thường. Vấn đề là bạn phải giáo dục, tìm cách uốn nắn trẻ như thế nào, để sau này chúng biết bộc lộ cảm xúc một cách phù hợp hơn! Hãy để con cái hiểu rằng, bạn luôn yêu thương và sẵn sàng chia sẻ mọi cảm xúc, suy nghĩ của chúng. Chúng sẽ học được cách tôn trọng bản thân và người khác. Đó cũng chính là món quà tuyệt vời bạn trao tặng con mình.

Một vài gợi ý giúp bạn có mối quan hệ tốt đẹp với con cái:
  • Cúi người thấp xuống ngang tầm nhìn của trẻ mỗi khi bạn trò chuyện với chúng. Khi nói chuyện, đừng quên nhìn vào mắt chúng.
  • Dạy cho con cái luôn nói thật bằng cách chính bạn phải làm gương trước.
  • Nhắc lại cảm xúc của chúng sau khi chúng đã bày tỏ với bạn. Chẳng hạn, bạn có thể nói: “Vậy là con cảm thấy …” để cho chúng thấy rằng, bạn thấu hiểu những cảm xúc của chúng và tôn trọng chúng.
  • Thường xuyên tụ họp gia đình, cùng nhau chia sẻ những chuyện quan trọng của mỗi thành viên trong nhà.
  • Thích khám phá những gì mới mẻ xung quanh cuộc sống là một đặc trưng ở trẻ nhỏ. Bạn không nên ngăn cản hứng thú này. Trái lại, hãy quan tâm, rèn luyện cho chúng từ nhỏ, lớn lên tinh thần ham học hỏi, say mê nghiên cứu ở chúng sẽ tăng lên rất nhiều.
  • Thường xuyên ôm ấp, vuốt ve, nói những lời yêu thương với con cái trước khi chúng đi ngủ vào mỗi buổi tối.
Dạy cho con cái biết chia sẻ

Một đứa trẻ khi được dạy phải biết quan tâm, chăm sóc người khác thì chắc chắn lúc trưởng thành, chúng sẽ biết quan tâm đến người khác nhiều hơn. Chúng ta có thể dùng những câu chuyện, những việc làm và sự dìu dắt của mình để bồi dưỡng, vun đắp cho lòng nhân ái ở trẻ thơ.

Mỗi ngày, bạn đều có dịp nâng cao “văn hóa chia sẻ” trong gia đình mình bằng cách này hay cách khác. Chẳng hạn, giúp cho trẻ cách thức chia sẻ hoặc nuôi dưỡng ý thức chia sẻ trong chúng. Hãy hướng dẫn các con phân chia số tiền chúng có thành 3 phần, 80% để tiêu xài, 10% để dành và 10% đem giúp đỡ người khác. Tỉ lệ này có thể thay đổi, nhưng sự phân chia giúp trẻ biết cách quản lý đồng tiền. Đây là bài học có ý nghĩa suốt đời với trẻ.

Cho phép con trẻ quyết định góp tiền làm từ thiện sẽ giúp chúng tự tin, cảm nhận được mối liên quan giữa món quà và lòng nhân ái. Hãy củng cố lòng tin cho con cái bằng cách giải thích cho chúng hiểu hành động chia sẻ rất có ý nghĩa với bạn, cũng như những người mà chúng giúp đỡ. Đừng quên kể cho con cái nghe những việc tốt bạn đã làm và cảm xúc của bạn về những việc làm đó. Qua đó bạn sẽ truyền lại cho con cái mình những nghĩa cử tốt đẹp. Khi chúng trưởng thành, chúng nhận thấy món quà chia sẻ cũng được đền đáp một cách xứng đáng. Và bài học về sự chia sẻ cứ tiếp tục truyền mãi cho các thế hệ sau.

Sự chia sẻ cũng giúp trẻ tham gia vào những hoạt động của cộng đồng, làm cho nền dân chủ của đất nước được vững bền, chống lại sự mất lòng tin và ích kỷ đầy rẫy trong xã hội. Bạn cũng có thể dạy trẻ cách quan tâm đến người khác, kể cả những người chúng chưa hề gặp mặt hoặc quan tâm đến thú vật và môi trường thiên nhiên.

Có thể nói, những trải nghiệm thời thơ ấu ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng ta sau này. Khi ta giúp trẻ nhỏ có được những trải nghiệm của tấm lòng rộng lượng, là chúng ta đã tạo cho chúng con đường phát triển tính cách tốt đẹp nhất.

Dưới đây là một số cách thức giúp bạn dạy trẻ hình thành tấm lòng biết chia sẻ:
  • Hãy hào hiệp, rộng lượng với bạn bè và người lạ để làm gương cho trẻ.
  • Tham gia các hoạt động của những tổ chức vì cộng đồng, giải thích cho trẻ biết tại sao điều này là quan trọng.
  • Thảo luận tinh thần trách nhiệm với trẻ.
  • Yêu cầu trẻ dành 10% tiền riêng của chúng để giúp đỡ người khác.
  • Giúp trẻ nhận thức được vai trò của chúng trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.
  • Tìm hiểu trẻ quan tâm đến vấn đề gì, dành thời gian với trẻ trong lĩnh vực đó, đồng thời với những lĩnh vực mà bạn yêu thích.
Giúp trẻ hình thành nhân cách

Nếu như cơ bắp mang lại sức khỏe cho con người về mặt thể lực thì những đức tính tốt sẽ đưa lại sự thành công cho con người trên mỗi chặng đường khó khăn. Khi bạn giúp trẻ thơ hình thành một trái tim dũng cảm, đầy niềm cảm thông và một tâm hồn trong sáng, cũng là lúc bạn chắp cánh cho chúng vượt qua mọi chông gai, thử thách trên đường đời.

Những phẩm chất cốt lõi trong việc hình thành nhân cách là:
  • Lòng nhân ái
  • Sự tự chủ
  • Sự kính trọng
  • Sự cảm thông
Khi trẻ thơ hình thành những phẩm chất này, chúng sẽ là những công dân nhiệt tình chia sẻ, hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn. Chúng sẽ dành hết tâm trí để phục vụ gia đình, cộng đồng với cả tấm lòng nhân ái.

Làm thế nào để trẻ hình thành được những phẩm chất tốt đẹp trên? Chúng học được gì qua môi trường chung quanh, qua bạn bè đồng trang lứa, qua cộng đồng và quan trọng nhất là qua tính cách của các bậc cha mẹ?

Trẻ nhỏ trưởng thành trong nghèo khổ hay trong hoàn cảnh khó khăn chẳng phải là điều quan trọng, miễn là cha mẹ yêu thương chúng thật lòng, ủng hộ chúng và giúp chúng xây dựng sức mạnh trong tâm hồn. Những đứa trẻ này rồi sẽ trưởng thành, với nhiều phẩm chất tốt đẹp, in đậm dấu ấn trong lòng mọi người xung quanh.

Ai cũng biết, nuôi dạy con cái là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, mất nhiều thời gian, tiền của và công sức. Nhưng những công sức đó sẽ được đáp đền, và không có sự đền đáp nào tuyệt vời hơn là được nhìn thấy con cái mình tự tin bước vào đời với tất cả tấm lòng nhân ái.

Michele Borba, trong quyển “Hình thành sự hiểu biết về đạo đức: Bảy đức tính cần thiết để dạy trẻ làm điều đúng”, đã viết: “Sự hiểu biết về đạo đức là do học hỏi mà có, bạn có thể xây dựng tính cách này cho trẻ từ lúc chỉ là những đứa bé mới chập chững biết đi”. Bà cũng đưa ra nhiều ý tưởng thực tế để các bậc cha mẹ ứng dụng trong việc bảo vệ con cái tránh những ảnh hưởng xấu từ môi trường xã hội. Thêm vào đó, bà cũng giúp những bậc phụ huynh nhận ra vai trò quan trọng của họ trong việc định hình và phát triển tính cách trong tâm hồn trẻ.

CHIA SẺ VỚI CỘNG ĐỒNG

Cộng đồng là nơi chúng ta sinh sống, dựa trên cơ sở địa lý, tôn giáo, văn hóa, chính trị, gia đình, nơi làm việc,… Cộng đồng cũng là nơi chúng ta học hỏi, bày tỏ lòng yêu thương, và cảm nhận được những mối dây tình cảm gắn kết thiêng liêng nhất. Cộng đồng cũng là nơi chúng ta cải thiện bản thân, trau dồi kỹ năng và rèn luyện đức tính chia sẻ.

Cộng đồng sẽ trở nên vững mạnh hơn khi các thành viên biết quan tâm, liên kết với nhau thành một khối. Azim phát huy được khả năng lãnh đạo và học hỏi được nhiều kỹ năng quý giá trong cuộc sống là nhờ ông đã tình nguyện làm việc cho cộng đồng trong một thời gian dài. Mặc dù ban đầu bản thân ông không hề tính toán mình sẽ nhận được gì khi làm công việc này, nhưng những thành quả mà ông gặt hái được lại nhiều hơn rất nhiều lần so với những gì ông đã tự nguyện chia sẻ với người khác.

Bạn của Harvey là Rebecca Hughes kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện thú vị như sau: Một hôm, khi đang đứng trong thang máy chung cư, cô thấy một người phụ nữ mang thai được khoảng 8 tháng, Rebecca chợt nảy ra một đề nghị khá độc đáo: “Chị này! Tôi cũng mang thai được 2 tháng rồi! Chuyện gì sẽ xảy ra nếu sau này chúng ta trông con giúp cho nhau?”. Rồi cô viết nguệch ngoạc số điện thoại của mình trên mảnh giấy, đặt vào tay người phụ nữ kia. Người phụ nữ trông có vẻ ngỡ ngàng. Thế nhưng, một tuần sau, cô ta gọi cho Rebecca: “Tôi đã suy nghĩ về lời đề nghị của cô. Cô muốn bắt đầu sự trao đổi như thế nào? Cô có thể sắp xếp vài giờ để giúp tôi trước khi cô sinh con chứ?”. Rebecca nhanh chóng chấp nhận lời đề nghị này.

Chẳng bao lâu, cô và người bạn mới mời vài bà mẹ khác cùng gia nhập nhóm. Tùy theo khả năng, mỗi người có thể cùng nhau góp kiến thức, sự quan tâm chăm sóc, lòng yêu thương, sự động viên khuyến khích và ngay cả giấc ngủ trưa quý báu mà hầu hết các bà mẹ đều rất cần. Mỗi tuần, họ gặp gỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm và trở thành bạn bè của nhau. Qua đó, con cái họ sau này lớn lên cũng có dịp quen biết, chơi đùa với nhau, hình thành nên những nhóm bạn thân thiết. Cuối cùng, có đến 20 gia đình khác cũng tự nguyện tham gia vào nhóm. Sự hợp tác nhanh chóng này trở nên rất cần thiết với nhiều phụ nữ trong vùng.

Hành động chia sẻ tình cờ nhưng mang ý nghĩa đẹp đẽ của Rebecca có được là do cô dám mạnh dạn mở lời đề nghị. Lý do đơn giản, bởi cô hy vọng có thể tạo được mối quan hệ tốt đẹp giữa cô và người bạn mà hiện tại cô chưa quen biết. Không chấp nhận lối sống cô độc như nhiều người trong xã hội hiện nay, sự cởi mở, sẵn sàng chia sẻ khiến cuộc sống Rebecca trở nên tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn.

Những câu chuyện giản dị như chuyện của Rebecca vẫn xảy ra hàng ngày ở khắp nơi trên thế giới. Khi sự chia sẻ được hưởng ứng, thì việc hình thành nhóm sẽ làm được nhiều việc có ích hơn so với mỗi cá nhân riêng lẻ.

Những người hàng xóm của Harvey là Susan và Patrick Faehndrich đã quyết định làm quen với nhiều người trong cùng khu phố. Sống ở nơi có nhiều mưa như Vancouver, phần lớn thời gian mọi người sinh hoạt trong nhà, do đó rất khó có dịp kết thân với hàng xóm. Hơn nữa, họ lại sống trong một khu phố mà trình độ học vấn của mọi người rất chênh lệch, đa số hạn chế về tiếng Anh và ít đọc sách.

Susan nghĩ, cách tốt nhất để mọi người xích lại gần nhau hơn đó là cùng nhau xây dựng một mảnh vườn chung ở cuối mỗi dãy nhà. Cô tìm cách rủ một vài người hàng xóm cùng dành một số buổi chiều thứ bảy để tạo dựng mảnh vườn. Họ cùng nhau dọn sạch rác trong khu vực, giữ gìn các hạt giống và dụng cụ làm vườn do mỗi nhà mang tới. Cuối cùng, họ đã tạo dựng được những mảnh vườn xinh xắn và những băng ghế dài để các gia đình có thể cùng ngồi thư giãn, trò chuyện, ngắm cảnh trong khu phố.

Đây là cách rất tuyệt vời để mọi người gặp gỡ, tạọ dựng sự tin tưởng lẫn nhau, từ đó thấu hiểu được chuyện gì đang xảy ra trong cộng đồng đa sắc tộc, và quan trọng hơn là họ có thể bảo vệ nhau. Khi mọi người đều quen thân với hàng xóm của mình, thì cả khu phố trở nên an toàn hơn rất nhiều. Công sức, thời gian, kĩ năng chia sẻ từ những món quà của Susan và Patrick đưa lại những giá trị thật lớn lao.

Muốn chia sẻ với cộng đồng, bạn phải dám mở lời với người khác, nhất là bạn phải dám đi tiên phong trong công việc, đầu tư nhiều thời gian và cả công sức cho công việc chung. Không phải bất cứ ai cũng dễ dàng chấp nhận ý tưởng tốt đẹp mà bạn đề nghị, bởi lâu nay nhiều người vốn quen với lối sống thụ động và khép mình. Họ sẽ đưa ra nhiều lý do để từ chối. Vì vậy, để chia sẻ được với cộng đồng, trước tiên bạn phải khéo léo mời gọi, thu hút sự quan tâm của mọi người. Và một khi đã lôi cuốn được nhiều người tham gia, thì hành động của bạn sẽ là động lực chính thúc đẩy mọi người cùng chung sức.

Loeb cho rằng: “Thông qua cộng đồng, mọi vấn đề nghiêm trọng nhất sẽ được giải quyết thỏa đáng. Ước mơ mỗi người có được tháp ngà riêng cho mình chỉ là một ảo tưởng mà thôi. Chính cách sống theo kiểu “tháp ngà” này sẽ xói mòn tâm hồn chúng ta, bởi nó đánh mất dần ý thức về mối quan hệ rộng lớn hơn. Chúng ta tự tạo một bức tường bao quanh mình, quanh những người hàng xóm và nhất là quanh tâm hồn chúng ta. Bức tường này tạm thời tạo cho chúng ta cảm giác an toàn, nhưng nó không thể ngăn cản cả một thế giới với những điều phức tạp ảnh hưởng đến chúng ta”.

Một số người rất sẵn lòng chia sẻ với người khác, nhưng đôi khi, họ có cảm giác tuyệt vọng, không tin tưởng, không thấy tương xứng… Họ muốn gây tác động tích cực đối với thế giới, nhưng họ cảm thấy mình không đủ khả năng. Nếu bạn là một trong số những người đó, chúng tôi xin bảo đảm với bạn, mỗi khi bạn hành động để biến đổi thế giới này tốt đẹp hơn, bạn đều mang đến một lợi ích nho nhỏ nào đó, hoặc vô hình hoặc hữu hình.

Nếu không ai dám đứng ra đấu tranh chống lại cảm giác tuyệt vọng, nếu ai cũng sống một cách thụ động, thì chắc chắn những kẻ có ý đồ xấu, những kẻ tham lam sẽ thống trị xã hội. Thế nên mỗi việc làm tích cực của chúng ta sẽ là một yếu tố góp phần quyết định đến sự đổi thay của cả thế giới này.

Kết quả nghiên cứu của Loeb về tính cộng đồng cho thấy, sự khác biệt giữa những người tham gia vào sinh hoạt cộng đồng và những người sống khép kín đó là: những người tham gia vào sinh hoạt cộng đồng chính là những công dân tích cực của xã hội. Bạn không cần phải chờ một thời cơ thật thích hợp, một việc làm từ thiện thật xứng tầm, có trình độ kiến thức thật cao siêu, rồi mới nghĩ đến việc chia sẻ với cộng đồng của mình. Hãy làm từng bước một và đừng dao động khi mới bắt đầu. Hãy vui vì mục đích chia sẻ và sự hứa hẹn về một ngày mai tươi đẹp. Đừng bao giờ chùn bước, nếu bạn muốn tạo nên một dấu ấn đặc biệt trong cuộc sống người khác.

Chia sẻ với người cao tuổi

Cuộc sống với bộn bề lo toan khiến nhiều người không còn thời gian để liên lạc, thăm hỏi người khác, thậm chí cả cha mẹ mình. Họ cắt đứt mọi mối dây liên lạc với những người bà con lớn tuổi. Chúng ta dễ dàng hình dung ra quãng đời sau này của họ khi họ làm mất đi những mối quan hệ tốt đẹp.

Khi trẻ con có cơ hội sống chung với ông bà, chúng thường không nhận ra đây là món quà vô giá đối với chúng. Chỉ khi bước vào lứa tuổi trưởng thành, chúng mới nhận ra đây là khoảng thời gian vô cùng tuyệt diệu và đầy ý nghĩa. Ngay cả bạn cũng vậy thôi, cha mẹ tạo ra hình hài bạn, chăm sóc, dạy dỗ, yêu thương bạn vô cùng, nhưng chỉ khi nào bạn trở thành những người làm cha làm mẹ, bạn mới thực sự thấu hiểu được tấm lòng yêu thương vô bờ bến mà cha mẹ đã dành cho mình.

Đối với Azim và Harvey, họ thật hạnh phúc khi được sinh ra và lớn lên trong đại gia đình có nhiều người lớn tuổi. Sau khi Azim có con, cha mẹ và bà nội đến sống cùng gia đình ông. Con gái của Azim, Sahar, lúc đó chỉ mới 3 tuổi. Mười hai năm sau, cô bé vẫn nhớ mãi hình ảnh bà nội đã chăm sóc cho bà cố lúc bị bệnh. Cô bé đã may mắn khi được chứng kiến hành động chia sẻ ngay từ trong gia đình mình.

Cả hai chị em Sahar và Tawfiq đều được sống với ông bà nội suốt cả thời niên thiếu. Bà Farzana - vợ của Azim, không còn cha mẹ, nhưng bà hết lòng yêu quý và chăm sóc cha mẹ chồng, bù lại, cha mẹ chồng cũng yêu thương con dâu hết mực. Bọn trẻ nhà Azim có cơ hội học thêm nhiều điều bổ ích từ những trải nghiệm quý giá của ông bà. Đổi lại, ông bà chúng luôn cảm nhận được tính hài hước, trẻ trung, thư thái trong tâm hồn và có được tình cảm ấm áp, niềm vui sống với con cháu lúc tuổi già. Azim vô cùng hạnh phúc khi thấy mọi người trong gia đình luôn tràn đầy lòng yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Tất cả họ đều biết tin tưởng vào sức mạnh của sự chia sẻ.

Chúng ta không thể đánh giá thấp lòng nhiệt tình với sự nỗ lực mãnh liệt của tuổi trẻ hoặc coi thường sự trải nghiệm và thông thái của người già. Cả hai thế hệ này đều có thể bổ sung cho nhau những bài học sống động của cuộc sống. Giữ gìn truyền thống, giá trị đạo đức gia đình là điều tốt đẹp cho mỗi thành viên và chẳng bao giờ là quá muộn để chúng ta nối lại các mối quan hệ gia đình đã bị đổ vỡ trong khoảng thời gian vừa qua.

Thật có ý nghĩa khi bạn dành thời gian quý báu của mình để chia sẻ với các bậc cao niên. Rất nhiều người cao tuổi quanh bạn đang phải sống trong cảnh neo đơn do con cháu họ phân tán khắp nơi vì loạn lạc, nghèo đói hoặc vì mưu sinh. Chỉ cần những cử chỉ thân ái nho nhỏ như: dừng lại chào hỏi, dành thời gian chuyện trò, giúp họ mua hàng tạp hóa, chia sẻ một tách cà phê,… cũng làm họ ấm lòng. Trong nhịp sống hối hả của thời đại ngày nay, đây là dịp để bạn sống chậm lại, hồi tưởng lại quãng đời của mình, chiêm nghiệm những điều đã qua và học hỏi những điều mới mẻ khác. Nếu hiểu theo một nghĩa rộng hơn, thì những bậc tiền nhân rất xứng đáng với sự quan tâm và kính trọng của mỗi chúng ta, bởi họ chính là một phần không thể thiếu trong đại gia đình của chúng ta.

Một cộng đồng rộng lớn hơn

Trước khi làm một điều gì đó, Harvey thường suy nghĩ rất lâu về mối quan hệ qua lại giữa người với người trong xã hội. Ông nhận ra rằng, mình sẽ chẳng làm được điều gì nếu cứ ngồi chờ đợi một thời cơ hoàn hảo. Lúc Harvey chỉ mới 18, 19 tuổi, ông đã tham gia vào phong trào chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, giúp đỡ tổ chức chống lại sự tẩy chay hàng hóa được sản xuất ở Nam Phi. Lúc bấy giờ, vào khoảng năm 1971, chỉ có một số ít người quan tâm đến vấn đề này mà thôi.

Khi ông bước qua tuổi đôi mươi, có thêm nhiều kinh nghiệm và kỹ năng (phần lớn nhờ tham gia vào các tổ chức tình nguyện), Harvey đã chuyển sang làm việc cho các tổ chức lớn hơn. Ông thường sắp xếp những chuyến đi quay phim về Nam Phi, tiếp xúc với sinh viên để tranh thủ sự ủng hộ, thực hiện nhiều phóng sự được chiếu trên truyền hình cho cả nước xem về chiến dịch chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Ông đã bỏ ra một thời gian dài để quyên góp hàng triệu đô-la cho tổ chức chống phân biệt chủng tộc, tài trợ sản xuất cuốn phim đạt giải thưởng lớn: “Giữa lòng kinh đô điện ảnh tối tăm nhất của Hollywood: điện ảnh và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”.

Sau nhiều năm, ông đã thu hút được một lượng lớn người tham gia để thực hiện các chiến dịch tương tự trên khắp thế giới. Hành động này do tất cả các sắc tộc của Nam Phi đoàn kết lãnh đạo, đã lật đổ được chế độ phân biệt chủng tộc vào năm 1989.

Nhờ dành rất nhiều thời gian và công sức cho chiến dịch chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, Harvey đã quen thân với nhiều người và có được những tình bạn đẹp, bền vững. Ông trở nên nhạy cảm với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc về bản thân và xã hội da màu của mình. Ông cũng phát huy được rất nhiều kỹ năng, và rõ ràng, ông nhận được nhiều hơn so với những gì ông đã chia sẻ.

Những công việc lớn lao khác như là ngăn chặn nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần do một số người gây ra cho nhân loại hay kìm hãm sự phá hoại môi trường, tài nguyên thiên nhiên, hoặc chiến đấu chống lại thói nghiện ngập, cờ bạc là những trách nhiệm cực kỳ khó khăn, đòi hỏi hàng triệu người trên thế giới cùng nhau chung tay góp sức thực hiện, giải quyết. Hiện nay, đã có nhiều sự thay đổi tích cực diễn ra, nhiều tệ nạn xã hội tồn tại trong nhiều thập kỷ qua đã được giải quyết một phần, nhiều sự công bằng được tái lập nhờ vào nỗ lực chung của cộng đồng thế giới.

Chỉ cần có một người hay một hành động giản dị nào đó cũng có thể tạo nên được sự thay đổi tích cực cho xã hội. Rosa Parks, người phụ nữ da đen ở miền Nam nước Mỹ - nơi có sự phân biệt chủng tộc rất sâu sắc - đã từ chối nhường ghế trên chuyến xe buýt cho một người da trắng. Hành động đơn giản nhưng cực kỳ can đảm của bà tạo ra phản ứng dây chuyền làm thay đổi cả tương lai của hàng triệu người Mỹ gốc Phi. Tương tự như vậy, ngày nay người phụ nữ có nhiều cơ hội thể hiện vai trò của mình hơn trong xã hội. Họ đã dám đứng lên đấu tranh cho quyền bình đẳng với nam giới. Trước đây, các trường y khoa, trường luật hay bậc học cao học chủ yếu là dành cho nam giới nhưng ngày nay nữ giới tại những môi trường này đã chiếm tỉ lệ hơn 50%.

Lịch sử của chúng ta đã có rất nhiều trang viết ghi nhận công lao của những người khởi xướng những thay đổi tích cực và đầy sáng tạo. Margaret Mead từng nói: “Rõ ràng chỉ cần một nhóm nhỏ những người đầy lòng nhiệt huyết là có thể làm thay đổi cả thế giới. Đó chính là điều kỳ diệu nhất mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta”.

Chia sẻ trên khắp toàn cầu

Đã bao giờ bạn phải trải qua một cơn ác mộng, nửa đêm bất chợt bị đánh thức bởi tiếng bom đạn và tiếng người la hét chưa? Vậy mà Jorge – một cậu bé 5 tuổi ở châu Phi - đã phải trải qua những giờ phút kinh hoàng đó. Lúc tỉnh giấc, cậu bé không thể hiểu được chuyện gì đã xảy ra. Cậu chỉ nhớ, hình như mẹ mình đã thét rất to, bảo cậu phải chạy đi thật nhanh. Trong nỗi kinh hoàng đó, cậu chỉ còn biết nắm chặt lấy tay chị mình và cả hai chị em đã chạy bán sống bán chết trong đêm tối. Kể từ đó, cậu bé đã không bao giờ còn được gặp lại cha mẹ mình nữa.

Giờ đây, Jorge đang sống trong cảnh mồ côi chỉ vì chiến tranh. Ngôi làng Mozambique nơi cậu sinh ra đã bị quân nổi dậy tấn công trong thời kỳ nội chiến. Bọn chúng đốt phá nhà cửa, sẵn sàng bắt cóc, tra tấn, đánh đập dã man và giết hại bất kỳ ai mà chúng gặp trong làng. Hai chị em Jorge đã may mắn thoát được. Cùng với người chú, họ tiếp tục trải qua 9 ngày kinh hoàng nữa, phải lội bộ trong rừng rậm để mong tìm một nơi an toàn. Trên hành trình đầy gian nguy này, sở dĩ họ còn sống sót được là nhờ vào lòng tốt của người dân Mozambique. Đây là những con người đang phải gánh chịu cảnh nghèo túng, cùng cực và đau khổ nhất trên thế giới, nhưng họ không ngần ngại chia sẻ những gì có thể để những người tị nạn đến được nơi an toàn, có cơ hội xây dựng lại cuộc sống.

Cách đây vài năm, Harvey tình cờ gặp lại Jorge trong một ngôi làng mới. Jorge đang sống cùng với 600 người tị nạn khác, hầu hết là trẻ em, trong đó nhiều em đang phải chịu cảnh mồ côi. Dân tị nạn ở đây tuy đã thoát khỏi cái chết, nhưng họ chẳng còn gì - không lương thực, không tài sản, không người thân. Tổ chức phát triển Oxfam - nơi Harvey làm việc - đã nhanh chóng tìm mọi cách trợ cấp thức ăn, quần áo và thuốc men, nhưng quan trọng hơn, họ đã cung cấp hạt giống và các công cụ cần thiết để người dân canh tác. Sau sáu tháng, Harvey có dịp trở lại nơi những con người giàu nghị lực này sinh sống, họ đã mời Harvey dùng bắp và đậu do họ trồng mà không giấu được niềm vui xen lẫn vẻ tự hào qua gương mặt và ánh mắt. Giờ đây, họ đã có thể nuôi sống được bản thân mình. Các em nhỏ ở đây tuy chưa hoàn toàn thoát khỏi đói nghèo nhưng sức khỏe của chúng bước đầu đã được cải thiện.

Có thể bạn sẽ thắc mắc: chi phí để những người tị nạn này xây dựng lại cuộc sống là bao nhiêu? Không nhiều. Chỉ với 15 đô-la - số tiền tương đương với giá một chiếc đĩa CD, bạn có thể đầu tư mua hạt giống, dụng cụ trồng trọt giúp cho mỗi gia đình canh tác. Có rất nhiều tổ chức phát triển quốc tế phục vụ cho mục đích từ thiện giống như Tổ chức Oxfam gồm: Quỹ Nhi đồng của Liên hiệp quốc (UNICEF), Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR), Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) và quỹ tài trợ Aga Khan. Trên thế giới hiện nay, còn rất nhiều tổ chức tương tự như trên đang nỗ lực cứu trợ cho một phần tư số người của toàn nhân loại chỉ sống dựa vào một đô-la kiếm được mỗi ngày. Các tổ chức nhân đạo đang hoạt động rất tích cực nhằm giúp đỡ những người nghèo khổ ở khắp nơi nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong chuyến đi công tác từ thiện đến Pakistan và Afghanistan, Azim đã có dịp ghé thăm nhiều gia đình người Afghanistan. Mỗi lần ông ghé vào gia đình nào, ông và những người tình nguyện khác đều được những người dân sống ở đây tiếp đãi những món ăn ngon nhất mà họ có. Azim và các bạn của mình đều biết rất rõ rằng, bản thân những người sống ở đây vẫn chưa đủ ăn, nhưng họ vẫn dành phần ăn của mình để đãi khách. Bởi vì, đó là phong tục tốt đẹp của dân tộc họ. Đối với Azim, hành động chia sẻ này mang đậm tính nhân bản rất đáng trân trọng.

Tùy theo khả năng, mức thu nhập, sự giàu có và địa vị xã hội mà bạn có thể chia sẻ với người khác theo cách riêng của mình. Đôi khi, chỉ cần một số tiền nhỏ, một ít thức ăn, một chút thời gian và công sức, bạn có thể cứu sống một ai đó đang trong cơn nguy cấp. Sự chia sẻ của bạn chắc chắn sẽ mang đến cho người khác niềm hy vọng. Niềm hy vọng xuất phát từ lòng tốt của bạn chắc chắn sẽ góp phần tạo nên một thế giới bớt lạnh lùng, bớt nhẫn tâm.

Tình yêu thương khởi nguồn từ gia đình, mà thế giới là gia đình, nhân loại là hàng xóm. Chính vì vậy, mỗi người chúng ta hãy cùng tham gia giúp đỡ những người khốn khổ ở khắp nơi trên thế giới.

CHIA SẺ VỚI CÁC TỔ CHỨC PHI LỢI NHUẬN

Các tổ chức phi lợi nhuận là điểm tập trung để mọi người có thể cùng đóng góp thời gian và tiền bạc cho các mục đích từ thiện. Hàng triệu tổ chức phi lợi nhuận được sáng lập với những mục đích từ thiện khác nhau và con số này ngày càng tăng nhanh. Dưới đây là một thí dụ điển hình cho thấy một số tổ chức phi lợi nhuận được thành lập như thế nào.

Ở vùng châu Mỹ La-tinh và vùng biển Caribbean rất thiếu những người có kiến thức và kỹ năng giỏi về lĩnh vực y khoa, thiếu các thiết bị kỹ thuật và tài chính để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Khi những đứa trẻ bị mắc bệnh nguy kịch, cha mẹ của chúng phải tìm đến bệnh viện nhi đồng Holtz ở Florida, hoặc chi nhánh của Trung tâm Y khoa Jackson ở trường Đại học Miami.

Giờ giấc làm việc của Rolando Rodriguez - giám đốc Trung tâm Y khoa Jackson thường xuyên bị xáo trộn, do có rất nhiều gia đình đến xin giúp đỡ con cái họ. Làm sao ông đành lòng từ chối họ được! Đáp lại lời kêu gọi của ông, Quỹ Nhi đồng Quốc tế được thành lập nhằm chữa trị cho trẻ em ở vùng châu Mỹ La-tinh và ở vùng Caribbean.

Bất kỳ trẻ em nào phải trải qua nỗi đau vì bệnh ung thư cũng là một điều bất hạnh. Trong số những đứa trẻ đó có bé Robert Arias - 5 tuổi, ở nước cộng hòa Dominica (Nam Mỹ) bị bệnh ung thư bạch cầu. Bác sĩ Rosa Nieves lấy làm tiếc khi phải thông báo cho cha mẹ em biết là bà không còn cách nào để cứu chữa em, nhưng bà cũng mang lại cho họ một tia hy vọng đó là giới thiệu họ cho Quỹ Nhi đồng Quốc tế.

Một tin tốt lành, bé Robert Arias được nhận chữa trị. Hiện giờ, bé đã trở về quê nhà và khỏe mạnh như những đứa trẻ 7 tuổi bình thường khác. Và tất nhiên, cha mẹ của bé vô cùng biết ơn tổ chức từ thiện này. Họ đã tìm lại được niềm hy vọng khi mà mọi việc tưởng chừng đều vô vọng.

Trên thế giới, có rất nhiều tổ chức từ thiện tương tự như vậy, nhưng làm thế nào để bạn có thể chia sẻ số tiền của mình? Ở chương 4, chúng tôi sẽ đưa ra một số gợi ý giúp bạn có được những quyết định hữu ích. Nhưng lý do chính để chia sẻ vẫn là sự cho đi bằng cả tấm lòng, điều làm các bạn xúc động nhất.

Ở đây, chúng tôi không thể liệt kê hết tất cả các tổ chức phi lợi nhuận, nhưng chúng tôi đính kèm dưới đây danh sách các loại tổ chức phi lợi nhuận để các bạn suy nghĩ.

CÁC LOẠI TỔ CHỨC PHI LỢI NHUẬN:

Tổ chức phát triển quốc tế
Dịch vụ sức khỏe tâm thần
Tổ chức trợ giúp người nhập cư và dân tị nạn
Nơi ở cho trẻ em cơ nhỡ
Các tổ chức tôn giáo
Bệnh viện Đại học Nhà tế bần
Ngân hàng lương thực
Tổ chức nghiên cứu
Tổ chức hòa bình
Tổ chức nhân đạo
Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã
Tổ chức vì công bằng trên toàn cầu
Tổ chức truyền thông đại chúng
Tổ chức chống phân biệt chủng tộc
Tổ chức chống đói nghèo
Tổ chức nghệ thuật

Tổ chức nhỏ tạo nên tác động lớn

Hiện nay, có rất nhiều tổ chức từ thiện để bạn có thể thực hiện việc chia sẻ. Không hẳn phải là những tổ chức lớn, nổi tiếng, bạn có thể quan tâm ngay đến những tổ chức ở địa phương như: nhà trẻ, nhà tế bần, nơi trú ngụ cho trẻ em cơ nhỡ. Tuy đây là những tổ chức nhỏ nhưng thường tạo nên tác động lớn.

Chẳng hạn, ngày nay mỗi lần bước lên máy bay, bạn không còn phải chịu đựng khói thuốc lá. Đây là kết quả đấu tranh không mệt mỏi của một tổ chức phi lợi nhuận nhỏ ở Canada. Cách đây 15 năm, nhiều hành khách phải đi trên những chuyến bay không thoải mái, đầy khói thuốc lá. Thường có khoảng một phần tư hành khách hút thuốc, hệ thống thông gió trên máy bay rất kém, hành khách phải chịu đựng một lượng khói thuốc lớn trong khoảng không gian quá chật hẹp. Khi bước ra khỏi máy bay, quần áo mọi người đều bám đầy mùi thuốc lá hôi hám và bị những cơn nhức đầu dai dẳng hành hạ.

Một chuyến hành trình như thế thật chẳng thoải mái chút nào. Chính vì vậy, Garfield Mahood và Hiệp hội bảo vệ quyền lợi của những người không hút thuốc (The Non-Smokers’ Rights Association) có trụ sở ở Toronto, Canada đã mở một chiến dịch bài trừ mạnh mẽ, yêu cầu phải có bầu không khí trong lành trên máy bay. Chiến dịch này, đã thành công khi hãng Hàng không Canada lần đầu tiên đưa ra quyết định cấm hút thuốc lá trên những chuyến bay. Từ đó, thành công bước đầu này đã tạo nên phản ứng dây chuyền - tất cả các hãng hàng không lớn khác trên thế giới đều thực hiện theo. Ngày nay, điều đáng mừng là ngay cả những người hút thuốc cũng rất hoan nghênh bầu không khí trong lành không khói thuốc lá trên các chuyến bay.

Chính vì vậy mà “Hiệp hội bảo vệ quyền lợi của những người không hút thuốc” được xem là một trong những tổ chức chống hút thuốc lá có hiệu quả nhất trên thế giới, mặc dù tổ chức này chỉ có 2.000 người ủng hộ, đóng góp. Ngoài ra, hiệp hội này cũng tranh đấu cho nhiều khởi đầu khác, chẳng hạn khẩu hiệu “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe” được in trên bao bì thuốc lá ở Canada đã có những tác động tích cực đến chính sách, luật lệ ở nhiều quốc gia khác. Việc làm này giúp kéo dài tuổi thọ của hàng trăm, hàng ngàn người trên thế giới.

Một tổ chức nhỏ khác đã gây tác động ở nhiều quốc gia là “Mạng lưới luật sư trợ giúp pháp lý cả đời” (Planned Lifetime Advocacy Network - PLAN) do luật sư nổi tiếng Al Etmanski sáng lập để giúp đỡ những người khuyết tật ở các nước đang phát triển. Chiến lược của PLAN là phát triển một nhóm bạn để giúp đỡ cho một người có nhu cầu đặc biệt nào đó. Nhóm bạn có thể là hàng xóm, bà con họ hàng, hay cá nhân quan tâm đến người khuyết tật. Mạng lưới ủng hộ dự định sẽ là nơi nương tựa cho những người khuyết tật trong nhiều thập niên. Việc làm này đặc biệt có ý nghĩa đối với những bậc cha mẹ cao tuổi không may có con bị bệnh tâm thần. Bởi bất cứ cha mẹ nào cũng đều mong muốn con cái mình được quan tâm chăm sóc sau khi họ qua đời.

Một lý do khác nữa để bạn chia sẻ với các tổ chức nhỏ, đó là: bạn sẽ có dịp tận mắt chứng kiến cách họ giúp đỡ người khác và những việc làm đó có ý nghĩa với cộng đồng của bạn như thế nào. Bạn sẽ thấy đâu là chỗ họ làm tốt, đâu là chỗ cần điều chỉnh, bổ sung; từ đó, bạn có thể đưa ra những quyết định đúng đắn trong việc tiếp tục chia sẻ thời gian và tiền bạc của mình, cũng như giúp họ làm tốt hơn công việc từ thiện.

Tóm lại, tiền bạc và thời gian mà bạn đóng góp vào những tổ chức nhỏ đôi khi lại có tác động lớn hơn so với việc đóng góp cho tổ chức lớn. Dĩ nhiên, có nhiều lý do để chúng ta đóng góp cho các tổ chức lớn, bởi đây là những tổ chức có quy mô và phạm vi hoạt động rộng nên dễ tạo sự thay đổi đáng kể cho cuộc sống của nhân loại. Nhưng bạn cũng đừng quên các tổ chức từ thiện phi lợi nhuận nhỏ ở địa phương nơi mình đang sống.

CHIA SẺ VỚI HÀNH TINH CỦA CHÚNG TA

Con người vốn được coi là chủ nhân trên trái đất này. Chúng ta được sở hữu nhiều nguồn tài nguyên lớn: nước, không khí, đất đai, muôn loài, cây trồng. Bởi vậy, trách nhiệm của chúng ta là phải bảo vệ những nguồn tài nguyên quý giá ấy. Thế nhưng, chúng ta đã làm mất đi bao nhiêu loài sinh vật do sự độc ác hay không hiểu biết của mình? Bao nhiêu loài thú quý hiếm hiện nay đã bị tuyệt chủng hoặc đang có nguy cơ bị tuyệt chủng? Và còn biết bao vùng đất đã bị chúng ta tàn phá sau những đợt phát hoang hay thải hóa chất độc hại?

Ngày nay, nguồn tài nguyên trong lòng đại dương đang cạn kiệt một cách nhanh chóng. Sông ngòi bị ô nhiễm, không khí độc hại, rau quả bị phun thuốc trừ sâu, gia súc bị tiêm thuốc kháng sinh… Nguyên nhân sâu xa, cốt lõi của những vấn đề này đều xuất phát từ lòng tham và sự ích kỷ, bởi con người xem trọng quyền lợi riêng tư của bản thân hơn quyền lợi chung của muôn loài.

Sự sống và phát triển của con người từ xa xưa đã phải dựa vào thiên nhiên. Trong hàng ngàn năm qua, con người đã từng sử dụng nhiều nguồn tài nguyên của trái đất làm năng lượng, phá rừng trồng hoa màu, đánh bắt cá ở đại dương… nhưng đều ở mức độ môi trường chấp nhận được. Còn ngày nay, chúng ta đã và đang làm cạn kiệt nguồn vốn thiên nhiên (nước, không khí, đất đai) nhanh hơn mức mà thiên nhiên tự phục hồi. Chúng ta đã làm biến đổi khí hậu ở nhiều nơi trên trái đất, do khai thác và sử dụng quá mức các nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu hỏa,...

Nhà khoa học nổi tiếng David Suzuki đau lòng nhận xét: “Chúng ta làm ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất đai, đưa các sinh vật hoang dã đến chỗ bị tuyệt chủng. Chưa hết, chúng ta còn tàn phá rừng nguyên sinh, thải chất độc vào môi trường sống. Sự thịnh vượng của nền công nghiệp thế giới được trả giá bằng tương lai của con cháu chúng ta”.

Đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại vấn đề bảo vệ môi trường. Đây là trách nhiệm của mọi người. Đó không phải là vấn đề của riêng một đất nước nào mà là vấn đề chung của toàn nhân loại. Bất kỳ ai có hành vi hủy hoại môi trường cũng phải bị xét xử một cách nghiêm minh. Nếu ngay bây giờ chúng ta biết chung sức bảo vệ môi trường, thì các thế hệ con cháu mai sau của chúng ta mới có cơ may được sống trong bầu không khí trong lành và nguồn nước sạch. Mọi hành động xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hoặc do tầm nhìn hạn chế đều tạo ra ảnh hưởng tiêu cực cho trái đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tất cả chúng ta đều có con cháu. Chúng ta có khi nào tự hỏi mình đang để lại cho các thế hệ mai sau một thế giới như thế nào không? Chúng ta có thể rất rộng lượng trong việc chia sẻ với người khác, nhưng nếu giả sử ngôi nhà duy nhất của ta đang sinh sống là hành tinh này đang bị hủy diệt nhanh chóng, thì chúng ta sẽ phải làm gì? Mọi người hãy cùng nhau bắt tay hành động thật nhanh. Trong vài thập niên tới, hậu quả tàn phá của nhân loại lên môi trường đã và sẽ tiếp tục thể hiện rõ ràng và chính con cháu chúng ta là những người hứng chịu tất cả. Chúng ta thử lắng nghe bài viết của một em nhỏ khi viết về những gì đang xảy ra cho môi trường. Mặc dù chỉ là một đứa trẻ nhưng em đã có được tầm nhìn sâu rộng hơn nhiều người lớn khác.

Severn Cullis-Suzuki, 13 tuổi (con gái của Tara Cullis và David Suzuki) đã gửi một bài diễn văn về môi trường cho các nhà lãnh đạo thế giới tại “Diễn đàn hội nghị toàn cầu” năm 1993, ở Kyoto, Nhật Bản. Bài diễn văn khiến những người có mặt tại đây phải rơi nước mắt vì những lời lẽ đơn sơ nhưng trung thực, mạnh mẽ và khả năng nhìn thấy trước mọi việc xảy ra.

Cô bé mở đầu bài viết của mình: “Trong 6 ngày họp của “Diễn đàn hội nghị toàn cầu”, cháu đã chăm chú lắng nghe tất cả những vấn đề được đưa ra thảo luận. Cháu để ý thấy mọi người chỉ nói: “…những vấn đề này rất phức tạp, tôi hy vọng quý vị lượng thứ cho tôi vì đã nói như thế nhưng quyết định đưa ra dường như chưa đủ quan trọng để…”. Cháu nghĩ cuộc sống và những suy nghĩ của cháu khá đơn giản và thẳng thắn, nhưng khi nhìn các bác đang gắng sức đấu tranh tìm biện pháp làm thế nào để thay đổi những giá trị, những tiêu chuẩn ứng xử đạo đức khiến cháu băn khoăn tự hỏi, trong thế giới phức tạp của người lớn, liệu họ có quên đi những điều đơn giản trong cuộc sống chăng?”.

Cô bé viết tiếp: “Cháu sẵn sàng chia sẻ và từ bỏ nhiều thứ cháu có, nhưng nhiều người và nhiều chính quyền các nước còn có nhiều hơn những gì họ cần, lại dường như không muốn chia sẻ với ai. Ai cũng nói họ đang đấu tranh cho hòa bình và hạnh phúc, nhưng hàng tỷ đôla không được dùng để kết thúc sự đói nghèo, làm giảm sự ô nhiễm và những tác hại của môi trường, trái lại những đồng tiền này lại đang được sử dụng để mua vũ khí giết người, hủy diệt lẫn nhau. Cháu hy vọng các bác sẽ cứu những khu rừng nguyên sinh, sông ngòi và muông thú, nhưng tại diễn đàn này, những gì cháu nghe được chỉ là ưu tiên cho kinh tế. Nhưng người ta không thể ăn tiền! Người ta cũng không thể sống nếu không có cá, không có rừng, không có thiên nhiên. Tiền bạc không thể nào thay thế được những thứ cần thiết trong cuộc sống của chúng ta.

Người lớn vẫn dạy chúng cháu cách cư xử thế nào là đúng, nhắc chúng cháu không được đánh nhau, phải dọn dẹp những gì bừa bãi, không được làm hại những sinh vật khác, phải biết chia sẻ, không được tham lam... Thế nhưng, người lớn lại thực hiện những điều họ dạy chúng cháu không được làm.

Các bác là những tấm gương để chúng cháu học tập. Do đó, trước hết các bác hãy là những người gương mẫu. Đôi khi cháu nghĩ, người lớn quên rằng dũng cảm là điều được mọi người tán thưởng, tỏ ra khác biệt là điều được chấp nhận. Các bác dạy chúng cháu đừng quan tâm đến những gì mà những đứa trẻ khác nói về chúng cháu, đừng bao giờ là người bắt chước, sao các bác lại e ngại là người đi tiên phong? Di sản các bác để lại cho chúng cháu là gì? Và khi chúng cháu thực hiện giống như các bác, chúng cháu sẽ để lại gì cho các thế hệ mai sau?”.

Một bé gái chỉ mới 13 tuổi mà đã biết cố gắng để tự giải quyết những vấn đề khó khăn của nhân loại, còn bạn thì sao?

Chắc chắn còn rất nhiều kỹ năng, kinh nghiệm và những sáng tạo đang tiềm ẩn trong con người bạn. Vấn đề bây giờ là bạn hãy khơi dậy và biết cách sử dụng chúng sao cho thật hiệu quả, thật ý nghĩa. Hãy bắt tay vào hành động! Tham gia bảo vệ môi trường cũng là món quà tuyệt vời bạn đang trao tặng cho các thế hệ con cháu mai sau.

NHỮNG VIỆC LÀM Ý NGHĨA

1. Lòng nhân ái bắt nguồn từ gia đình, từ sự quan tâm đến bản thân và sau đó sẽ mở rộng đến mọi người.
2. Giáo dục cho trẻ nhỏ ý thức quan tâm đến gia đình của mình. Đây là nền tảng để hình thành sự chia sẻ với cộng đồng sau này.
3. Trẻ nhỏ có thể làm cho cuộc sống chúng ta vui tươi, trẻ trung và thanh bình hơn. Món quà tốt đẹp nhất chúng ta có thể trao tặng cho trẻ là hãy dạy cho các em biết cách chia sẻ.
4. Thông qua những câu chuyện, hãy giáo dục lòng nhân ái ở trẻ thơ, giúp chúng thấu hiểu những chuẩn mực đạo đức và các phẩm chất cần thiết để hình thành nhân cách tốt đẹp.
5. Luôn mở rộng sự chia sẻ với cộng đồng.
6. Góp sức chia sẻ với các tổ chức xã hội phi lợi nhuận khác nhau ở địa phương.
7. Quan tâm, bảo vệ môi trường để có thể tiếp tục truyền lại cho con cháu những gì mà các thế hệ tiền nhân đã tin tưởng và trao cho chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét